PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài 4

Lấy thúng úp voi

 

Qua một năm cầm quyền (1969) của chánh phủ Nixon, hòa đàm Paris vẫn chưa thấy có diễn tiến gì đáng kể. Bước qua năm 1970, Kissinger muốn mở đầu bước tiến mới. Ông yêu cầu Tướng Vernon Walters, tùy viên quân sự đại sứ quán Huê Kỳ tại Paris, chuyển một lời yêu cầu "tối mật" đến Xuân Thủy hoặc Mai Văn Bộ, chủ yếu là không được có một dấu hiệu vật chất nào tồn tại để lộ liên hệ này. Mục đích yêu cầu của Bạch Ốc cho những cuộc mật đàm là an toàn, kín đáo và hữu hiệu, vì những phiên hòa đàm khoáng đại tại khách sạn Majestic chỉ có tính cách trình diễn, đầy màu sắc tuyên truyền theo kiểu Hà Nội.

Là một quân nhơn lại giữ một nhiệm sở tình báo, tướng Walters có đầy đủ các yếu tố để nhận một công tác "tối mật" do Kissinger phó thác. Ngày 12.01.1970, Walters thận trọng đi chiếc xe hơi mang bảng số ngoại giao đậu ở một địa điểm cách xa nơi phải đến mấy khu phố. Sau đó ông nhảy lên xe buýt, xong xuống đi bộ đến điểm hẹn. Phần lớn các viên chức cao cấp Bắc Việt thường ngụ trong Quận XVI, một khu sang trọng của Paris. Ở đó còn có những cô gái Bắc Việt đảm nhiệm công tác "hộ lý" cho họ nữa. Thế nhưng, họ chỉ hội họp ở những khu lao động bình dân.

Mấy ngày sau, có điện thoại gọi tới nhà Walters mời đến gặp Mai Văn Bộ tại 78 đường Jules Lagaisse ở Choisy-le-Roi (ngoại ô gần của Paris),vào ngày 16.2. Sau khi chào hỏi xã giao xong, ông Bộ rút mảnh giấy nhỏ trong túi ra đọc cho Walters. Nội dung mảnh giấy cho biết Bắc Việt đồng ý tiếp Kissinger hai ngày 20 hoặc 21.2.70 tại 11 đường Darthe, Choisy-le-Roi, một địa điểm an toàn và kín đáo, mà Averell Harriman đã từng đến mật đàm ở đó. Hai ngày nói trên nhằm hai ngày cuối tuần, theo yêu cầu của Kissinger, để cho chuyện ông vắng mặt ở Hoa Thạnh Đốn khỏi có ai thắc mắc.

Chuyện Kissinger đến và rời Paris - cho những hoạt động thầm kín -  được giữ mật cao độ. Người phi công lái cho Kissinger phải giả đò bay thực tập, có đáp xuống căn cứ không quân Rhein-Main bên Đức, với những sắp xếp đặc biệt để Kissinger khỏi qua thủ tục cảnh sát và quan thuế. Kissinger đã di chuyển thầm lén đến và rời Paris cả thảy 15 chuyến, chẳng bao giờ phải qua quan thuế.

Ở tòa Bạch Ốc, trợ lý Alexander Haig phụ trách việc tổ chức những "ngày cuối tuần" đặc biệt cho Kissinger. Những ngày như vậy, người ta ngụy trang là Kissinger ở trại David - địa điểm nghỉ ngơi của tổng thống Huê Kỳ ở bang Maryland – cùng với phụ tá Tony Lake và cô thơ ký Dianne Matthews. Thực ra thì Kissinger và Lake di chuyển bằng trực thăng đến căn cứ Andrews (thay vì đi Camp David), một sân bay quân sự gần Hoa Thạnh Đốn. Còn cô Matthews, hành lý và tài liệu thì đi xe hơi thẳng đến phi trường.

Thời gian ở Paris để mật đàm, phái đoàn của Kissinger tạm trú tại căn hộ của tướng Walters. Những chuyến mật đàm của Kissinger được coi như là những "màn gián điệp", với việc ông ngồi nép mình ở băng sau của chiếc xe Citroën chạy nhanh để tránh những nhà báo tò mò và để cho nhơn viên hiếu kỳ của sứ quán không hay biết. Danh tánh của những nhơn vật hai bên đều được mã hóa. Sau này, Nam Việt Nam gọi Kissinger là nhà "ngoại giao đi đêm" hoặc là "vua ngụy trang".

Lê Đức Thọ và Henry Kissinger mật đàm lần đầu vào ngày 21.2.1970, tại một phòng khách, mà Kissinger cho là "cáu bẩn", trên đường Darthe. Ông Lưu Văn Lợi - đại tá Bắc Việt, một nhơn viên của phái đoàn - gọi đó là "một cơ hội có giá trị lịch sử. Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai con người có nguồn gốc xã hội, bản chất và lý tưởng chánh trị hoàn toàn khác biệt nhau." Đánh giá Lê Đức Thọ qua thời kỳ hòa đàm và mật đàm Paris, Kissinger tiết lộ với nhà báo Stanley Karnow:"Thật là chẳng may cho chúng ta, vì Thọ có nhiệm vụ đánh phá tinh thần của quần chúng Huê Kỳ liên hệ đến chiến tranh, và ông ấy phải dấn thân vào một chiến dịch tuyên truyền tâm lý chiến, cho nên ông ấy gây phiền phức cho chúng ta không ít. Tuy vậy, tôi cũng đánh giá ông ta rất cao. Ông ta là một con người rất có kỷ luật. Thọ chưa bao giờ có một sai lầm nào mà tôi có thể bắt gặp... Nhìn lại những lần tiếp xúc với Thọ tôi chẳng có lần nào thấy thích thú, nhưng phải nói rằng ông ta là con người có căn bản và kỷ luật, biết bảo vệ tận tình giá trị của cái triết lý mà ông theo đuổi."

Ngày 17.3.1975, trong buổi nói chuyện với phái đoàn nghị sĩ Quốc Hội vừa đi Việt Nam trở về, Kissinger than thở:"Tôi rất khổ tâm khi phải thương thuyết với Bắc Việt trong bốn năm qua. Họ hết sức khó chịu. Họ là những con người cộng sản nhiệt tình, kiên trì đến bực mình, chưa từng thấy." Theo Kissinger thì Thọ không được phép linh động trong điều đình nên cứ khư khư giữ lấy một lập trường đã được trung ương chọn lựa. Bắc Việt cứ cố tình kéo dài thời gian để may ra làm nãn lòng Huê Kỳ. Cho nên Thọ có khuynh hướng cứ lập đi lập lại hoài một bài diễn văn ngày này qua ngày nọ tháng này sang tháng kia. Chẳng khác nào những phiên cầu nguyện nhàm chán để cho Mỹ phải "đầu hàng" trước khi Bắc Việt chịu nhượng bộ.

Nội dung của những cuộc mật đàm như vậy không ăn nhập gì với những phiên họp khoáng đại ở Avenue Kléber. Không những riêng biệt và mật kín mà một số nơi liên hệ cấp cao cũng không được biết đến. Tổng Thống Thiệu không bao giờ được ông Đại Sứ Ellsworth Bunker tường trình đầy đủ về những cuộc mật đàm và ông Bunker, dẫu cho được Kissinger báo cáo về mật đàm nhưng cũng không biết trọn vẹn. Thậm chí các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, tham mưu trưởng liên quân và một số bộ phận chánh quyền cũng bị cho ra ngoài lề vì bị Kissinger và Nixon cho là không đáng tin cẩn, đồng thời là những nơi có thể để lộ tin tức ra ngoài.

Kissinger báo cáo với Nixon rằng bảy tiếng đồng hồ mật đàm đầu tiên với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy là một "phiên họp có ý nghĩa". Do đó Kissinger cho rằng nên tiếp tục mật đàm. Kissinger còn nói thêm là đã đồng ý với Bắc Việt là sau khi đã có thỏa hiệp rồi thì những bộ phận còn lại - Nam Việt Nam và CPLT - sẽ được thông báo để phê chuẩn. Nên chi, những gì Bunker báo cáo lại ông Thiệu chỉ là những chuyện tổng quát, không bao giờ tiết lộ những điều trọng yếu trong mật đàm. Kissinger thấy cần phải cho Tổng Thống Thiệu biết càng ít càng tốt những nội dung của mật đàm.

Mỗi chuyến mật đàm được Kissinger chuẩn bị cẩn thận. Để có được một lập trường chung - giữa Nixon và ông - trước khi tiến hành mật đàm, Kissinger làm tờ trình gởi Tổng Thống Nixon, cho biết ý định của mình trong cuộc mật đàm liên hệ. Nhưng điều then chốt của mật đàm là "tối mật" và "tuyt đi tối mật", chỉ có một vài ba nhơn vật rất hạn chế được biết nội dung mà thôi. Với bức màn bảo mật đó, rất ít người để ý đến những nhượng bộ đã được thỏa thuận giữa hai bên, Mỹ và Bắc Việt. Thế nhưng, Huê Kỳ được gì qua chuyện mật đàm đó? Khó mà nói được là những cuộc thảo luận riêng tư giữa Kissinger và Lê Đức Thọ đã đem lại tiến triển đáng kể. Đương nhiên là cuối cùng, Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam và Tổng Thống Thiệu vẫn tại chức với sự hứa hẹn của Mỹ là sẽ được không quân trợ lực trong tác chiến. Nhưng chẳng bao lâu sau đó thì chánh quyền Sài Gòn đã bị thất hứa, bị đồng minh của mình phản bội. Chuyện mật đàm được bảo mật tối đa càng làm cho mức độ phản bội càng trầm trọng hơn.

Lần mật đàm thứ nhì ngày 16.3.1970 kéo dài bốn tiếng, cũng gồm có những cuộc tranh luận lang thang, qua lại về chuyện đồng thời rút quân ngoại nhập ra khỏi Nam Việt Nam. Quân Mỹ và đồng minh của Mỹ thì rõ rệt rồi, nhưng quân Bắc Việt thì Lê Đức Thọ cho rằng:"Theo cách trình bày của ông (Kissinger) thì chuyện rút hoàn toàn quân Mỹ và đồng minh là một nguyên tắc hợp pháp. Việc rút quân được cho là của miền Bắc thì không phải là một nguyên tắc hợp pháp mà là một vấn đề có tánh thực tế và kỷ thuật." Lối xử sự kiểu đó làm cho Kissinger bực mình:"Không thể thương thuyết theo kiểu thầy giáo hỏi học trò như vậy để bảo đảm rằng chúng tôi đã hiểu được lập trường của các ông." Thế nhưng, mật đàm cũng có đôi chút bước tiến nên hai bên đều muốn giữ phương thức "đi đêm" đó.

Người ta khó hiểu tại sao Kissinger chỉ báo cáo cho Nixon một cách rời rạc những nội dung của mật đàm. Phải chăng ông phụ tá an ninh quốc gia ôm lấy một ảo tưởng là cá nhơn ông có thể sắp đi đến thỏa hiệp với cộng sản. Nói làm gì đến văn thơ của Kissinger gởi cho đại sứ Bunker ở Sài Gòn để thông báo lại Tổng Thống Thiệu. Trong một lần hội kiến với Tổng Thống Thiệu, sau khi để lại cho ông Thiệu "Talking Paper" (tài liệu ghi lại cuộc đàm đạo giữa hai người), đại sứ Bunker bảo đảm với ông Thiệu:"Ông Kissinger đã minh bạch và tiếp tục nói thẳng với bên kia là chuyện họ đòi hỏi phải loại bỏ cấp lãnh đạo Nam Việt Nam là không thể được."

Thế nhưng, mặc dầu rất quan tâm ghi nhận điều đó, Tổng Thống Thiệu muốn cho hai ông Bunker và Kissinger biết rằng tình báo Nam Việt Nam có đưa tin là Bộ Chánh Trị Hà Nội đã quyết định "hạ giảm mức độ chiến tranh trong Nam, lấy du kích chiến để kéo dài, củng cố hạ từng cơ sở trong Nam, phục hồi kinh tế ngoài Bắc, nhưng vẫn tìm cách đẩy mạnh mặt hòa đàm ở Paris."

Năm 1970 hòa đàm cũng chẳng tiến triển bao nhiêu vì Hà Nội vẫn muốn mua thời gian, tìm thế thắng lợi. Bắc Việt vẫn kiên trì đòi ba điều kiện là tập đoàn Thiệu-Kỳ-Khiêm ở Nam Việt Nam phải bị loại bỏ, thành lập một chánh phủ lâm thời ba thành phần gồm có đại diện của CPLT, chánh phủ mới của Sài Gòn (không có Thiệu) và những lực lượng chánh trị khác, Mỹ rút quân toàn bộ, bầu quốc hội để thông qua hiến pháp mới và thành lập chánh phủ liên hiệp. Trong một lần mật đàm, sau khi phía Bắc Việt lê thê, lang thang lên lớp, Kissinger bắt đầu mất bình tĩnh nên có ý kiến là Lê Đức Thọ đã vận dụng "tài biện chứng" để kéo dài vô tận những cuộc thương thuyết. Qua một lần trao đổi với Xuân Thủy, Kissinger lưu ý rằng:"Ông bộ trưởng còn khó tánh hơn tôi." Xuân Thủy đáp lại:"Tôi bắt đầu khó tánh từ khi gặp ông. Tôi học thói đó của ông." Kỳ mật đàm đó kết thúc với nhận xét của Lê Đức Thọ:"Lập trường của hai bên vẫn còn xa nhau quá."

Đến tháng Bảy năm 1970, Mỹ lại thay đổi trưởng đoàn hòa đàm, lão già 72 tuổi đời, David K. E. Bruce. Ai cũng hy vọng là ông Bruce - một nhà ngoại giao tiếng tăm sau Thế Chiến II, đã nể Tổng Thống Nixon để tạm thời rời bỏ thời kỳ nghỉ hưu mà ra làm trưởng đoàn - sẽ làm cho hòa đàm tiến triển. Ngày 6.8.1970, ông Bruce dự phiên khoáng đại đầu tiên của ông tại hòa đàm, với sự tham dự của Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình, sau khi đã vắng mặt ở Paris mười tháng. Chắc là muốn xem ông già 72 tuồi đời này có đem lại gì mới hay không.

Trong khi đó, ngay ở bên Huê Kỳ, vụ không quân Mỹ kín đáo tấn công Cam Bốt đã đổ bể, dẫu có ngụy trang, nhưng dễ gì "lấy thúng úp voi", nên phong trào phản chiến càng lồng lộn nổi lên trong các trường đại học và trong Quốc Hội mà cao điểm là vụ nổ súng chết người ở đại học Kent State. Thế là dấy lên một phong trào phản đối ồ ạt trong những trường đại học toàn quốc Mỹ. Mối bất đồng nổ ra ngay bên trong những người trợ lý của Kissinger, với sự từ chức của Tony Lake và Roger Morris. Nước Mỹ lên cơn sốt trầm trọng. Bất đồng chánh kiến trong nước dẫn tới hai biện pháp tại Quốc Hội nhằm cắt giảm hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam và trên toàn bộ Đông Nam Á.

Ở Paris, hòa đàm vẫn bế tắc. Ngày 15.9.1970, đại sứ Bunker gặp Tổng Thống Thiệu để thông báo sáng kiến ngoại giao mới của Hoa Thạnh Đốn để giải tỏa hòa đàm. Sáng kiến này gồm có bốn điểm:

- ngưng bắn tại chỗ trên khắp Đông Dương,

- thả ngay và không điều kiện tất cả tù binh chiến tranh do hai bên giam giữ,

- chấp nhận trên nguyên tắc lực lượng võ trang của Huê Kỳ sẽ rời khỏi Việt Nam,

- một hội nghị mở rộng giữa những thành phần liên hệ để mưu tìm một giải pháp qua thương thuyết áp dụng cho toàn cõi Đông Dương.

Bunker giải thích thêm rằng Tổng Thống Nixon "nghĩ rằng ngưng bắn, tự nó, không phải là một giải pháp mà chỉ là một phương tiện dẫn tới một nỗ lực tổng hợp để tìm ra một giải pháp đúng đắn và danh dự để giải quyết chiến tranh." Ông đại sứ cho biết là ngưng bắn tại chỗ sẽ không được phép tăng cường lực lượng. Đề nghị này của Hoa Thạnh Đốn sẽ không ảnh hưởng gì đến khía cạnh chánh trị, một lãnh vực sẽ do Nam Việt Nam định liệu. Nói cách khác nghĩa là sẽ không có chánh phủ liên hiệp, không có nội các hòa bình hay bất cứ điều gì khác có thể phản bội Tổng Thống Thiệu.

Ông Thiệu đâm ra ngỡ ngàng vì rõ ràng là ngưng bắn tại chỗ thì không có chuyện rút quân song phương. Ông Thiệu cảm thấy có nhiều vấn đề không được nghiên cứu tận tường. Là một quân nhơn, ông Thiệu hiểu rõ thế nào là một cuộc ngưng bắn tại chỗ. Ngoài ra, cộng sản là chúa gian trá, và ai sẽ giám sát tình hình ngưng bắn tại chỗ đây? Ai sẽ kiểm kê được các đơn vị cộng sản, ai sẽ bảo đảm là không có xâm nhập và không có chuyện thay quân cộng sản? Ông Thiệu thấy rằng tất cả các điều thắc mắc đó phải được giải quyết dứt khoát giữa đồng minh với nhau trước khi đưa vào chương trình nghị sự với phía cộng sản.

Ngày 17 tháng Chín, bà Bình đưa ra chương trình tám điểm, trong đó lần đầu tiên chuyện thả tù binh chiến tranh được gắn liền với chuyện rút quân Huê Kỳ. Đề nghị này của MTGP có nói đến việc hình thành một chánh phủ liên hiệp, gồm có một nhơn viên của MTGP, một của phe chống cộng (không có Thiệu, Kỳ và Khiêm) và một thuộc phe trung lập đang sinh sống ở nước ngoài. Một lần nữa, phía cộng sản lại đưa ra một chiêu bài để chọc giận Huê Kỳ. Trong khi đó, họ theo dõi sát tình hình chánh trị và xã hội bên trong nước Mỹ đối với chiến tranh Việt Nam. Nixon bắt đầu mất kiên nhẫn, bút phê trên một tờ trình của Kissinger:"Tôi muốn chúng ta nên sớm đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Họ có muốn làm ăn đứng đắn hay là cứ bổn cũ soạn lại."

Ngày 7.10.1970, qua bài diễn văn truyền hình gởi đồng bào toàn quốc, Tổng Thống Nixon lại đưa ra một sáng kiến hòa bình mới. Đây là lần đầu tiên ông Nixon công khai cho biết Mỹ chấp nhận việc ngưng bắn tại chỗ, do đó tách rời vấn đề ngưng bắn với chuyện rút quân. Như vậy là Mỹ lờ đi chuyện ép buộc Hà Nội phải rút quân về vì như Kissinger tâm sự qua hồi ký thì "không làm sao thương thuyết cho họ rút về nếu chúng ta không sử dụng được sức mạnh của võ khí để đánh đuổi họ".

Như vậy là gần hết năm 1970 rồi mà Mỹ và Bắc Việt vẫn chưa gần nhau được trên bình diện thương thuyết ngoại giao. Mục tiêu chủ yếu của Huê Kỳ trong hai năm thương thuyết đã qua là rút quân ngoại nhập ra khỏi Nam Việt Nam và một giải pháp chánh trị cho Nam Việt Nam không bị bên ngoài tác động. Giờ thì hai mục tiêu đó đã bị bỏ rơi.

Sau hai năm cố gắng, mặc dầu đã mở ra những cuộc ném bom mới và tỏ ra có nhiều thiện chí ở bàn hòa đàm, Nixon có vẻ như chịu thua. Ông đành dựa vào chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh để đạt được mục tiêu rút quân Mỹ khỏi Việt Nam. Ông đã bỏ đi chuyện đòi hỏi quân Bắc Việt rời khỏi miền Nam. Một nỗi thất vọng chán chường càng ngày càng lên cao. Thượng Viện thông qua tu chánh án Cooper-Church ngày 29.12.1970, cấm đưa quân bộ chiến Mỹ vào Cam Bốt và Lào. Trong vòng một tháng, sáu mươi tư dân biểu Hạ Viện đồng lòng vận động chống lại việc sử dụng hải và không quân để yểm trợ các cuộc hành quân ở Cam Bốt. Thượng nghị sĩ George McGovern và Mark Hatfield đưa ra tu chánh án sửa đổi Luật Giải Kết, đòi rút toàn bộ quân lính Mỹ về vào cuối năm 1971.

Khi năm 1970 đã gần hết, John Dean, cố vấn của Bạch Ốc tham khảo Tối Cao Pháp Viện về khả năng ban hành luật giới nghiêm nếu tình hình rối loạn cứ gia tăng. Bầu không khí của phủ tổng thống Huê Kỳ lúc bấy giờ cho thấy có nhiều bối rối. Trong khi đó, ông Nixon bị áp lực phải đẩy mạnh việc rút quân ra khỏi Việt Nam và gấp rút tìm giải pháp cho hòa bình.

 Còn tiếp...

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.