PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài 11

Quanh quẩn đi tìm

 

Ngày 7.11.1972, Richard Nixon đắc cử nhiệm kỳ hai, chiếm nhiều phiếu hơn George McGovern tại 49 tiểu bang trên 50. Một kết quả hơi khác thường làm cho McGovern phải có ý kiến, phần nào hoài nghi: "Hồi 1968, nếu như ai đó nói rằng chiến tranh sẽ kéo dài bốn năm nữa, và những người tiến hành cuộc chiến đó sẽ thắng phiếu ở 49 trên 50 tiểu bang thì tôi cho đương sự khùng điên rồi." Quả thật, khi đông đảo quần chúng Huê Kỳ ngao ngán với chiến tranh Việt Nam mà người đứng đầu một chánh phủ mang tiếng là "diều hâu" lại dẫn đầu số phiếu ở đa số tiểu bang thì tình hình đó không tréo cẳng ngỗng là gì? Nhưng thật ra cũng có nhiều lý lẽ. Gần như dân chúng cả nước cảm thấy rằng Nixon đã kiểm soát được một số vấn đề tệ hại của đất nước, kể cả chiến tranh Việt Nam, dẫu cho hòa bình có lấp ló, nhưng chưa xuất hiện.

Thế nhưng, nhiệm kỳ hai của Nixon không vì vậy mà được vẻ vang, vì chuyện tai tiếng chánh trị vừa bị lộ tẩy, khi nhiệm kỳ thứ nhì của Nixon chưa qua được nửa năm. Vụ "Watergate" nổ ra giữa bầu không khí hoan ca chiến thắng của tập đoàn Nixon, làm tiêu tan sự nghiệp chánh trị của tổng thống tái đắc cử, đồng thời cũng đưa vấn đề Việt Nam vào cõi mịt mù của thiên hạ sự! Xuyên suốt tháng Mười Một 1972, mối liên hệ giữa hai ông Thiệu và Nixon, giữa Thọ và Kissinger, giữa MTGP và Hà Nội, và thậm chí giữa Kissinger và Nixon đều không mấy tốt đẹp. Nguyên nhơn của tình huống đó đã được đề cập đến trong bài trước.

Chấp nhận những điều kiện như đã ghi trong bản dự thảo kế hoạch chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình mang nhãn hiệu "Thọ-Kiss" chẳng khác nào Việt Nam Cộng Hòa cam chịu bó tay đầu hàng cộng sản. Nên chi, Tổng Thống Thiệu chẳng còn cách nào khác hơn là đem nỗi sợ cộng sản, lòng ngờ vực Huê Kỳ và niềm âu lo cho tương lai bản thân của nhơn dân Nam Việt Nam để làm nhơn tố kết hợp các đoàn thể chánh trị và tôn giáo chống lại mọi kẻ thù, than ôi, giờ đây có cả Mỹ, người bạn đồng minh thân thiết năm xửa năm xưa!

Còn Nixon, nhờ đã rảnh tay với chuyện tranh cử nên tự cho mình có rộng đường hành động, trước tiên là để mổ xẻ cái ung bướu chiến tranh Việt Nam trên thân xác Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ. Ông không muốn nhượng bộ cộng sản thêm nữa. Đã đến lúc phải có thái độ "diều hâu" đến đâu hay đó. Để điều đình với Tổng Thống Thiệu, kỳ này Nixon phái Tướng Alexander Haig du thuyết, chớ không đưa Kissinger đi nữa vì, với ông Thiệu thì con bài Kissinger đã bị cháy.

Tướng Haig đến Việt Nam ngày 9.11.72, trước đó Đại Sứ Bunker đã diện kiến Tổng Thống Thiệu để loan báo kỳ mật đàm sắp tới giữa Kissinger và Lê Đức Thọ, được dự trù vào ngày 15.11.72. Theo ông Bunker thì trong lần mật đàm này, Kissinger sẽ nói với phía cộng sản bằng một luận điệu khác và cải tiến hơn về những thắc mắc của dinh Độc Lập, liên quan tới dự thảo hiệp định.

Trước khi Tướng Haig gặp ông Thiệu thì ông Trần Kim Phượng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Thạnh Đốn, và Hoàng Đức Nhã có tiếp xúc với Haig để bàn qua những điểm thiếu sót của bản dự thảo. Nhã có đưa ra một số thắc mắc và đưa đề nghị cho Haig. Nhưng điều quan trọng trước tiên của Tướng Haig là một bức thơ của Nixon, cần phải trao cho Tổng Thống Thiệu.

Cũng là một bức thơ hết sức xã giao, ca ngợi tinh thần hợp tác hữu nghị của hai chánh phủ trong bốn năm qua. Nhưng nhứt định là không quên khen ngợi tính hoàn chỉnh của dự thảo, mà Tổng Thống Nixon đề nghị Tổng Thống Thiệu nên chấp nhận. Sau khi dài dòng để o ép ông Thiệu bằng lòng với bản dự thảo, bức thơ kết luận. 

"Tôi cả quyết tin tưởng rằng nhơn dân, quân đội của Tổng Thống và cá nhơn Tổng Thống đã thành công vỹ đại, một thành công đã được bản dự thảo công nhận. Tôi nhứt quyết tin tưởng ở những thành tựu này. Tôi muốn hợp tác với Tổng Thống và chánh phủ của Tổng Thống trong nhiệm kỳ hai của tôi để bảo vệ tự do cho Nam Việt Nam trong hòa bình, cũng như chúng ta đã hợp tác trong nhiệm kỳ đầu của tôi để bảo vệ đất nước này trong chiến tranh."

"Trong bốn năm qua, Tổng Thống và tôi đã là những người bạn đồng minh chánh trị và quân sự gắn bó rất thân thiết. Mối giao hảo của chúng ta đã đưa chúng ta đến một vị thế, khiến kẻ thù phải chấp nhận những điều kiện của chúng ta, mà bất kỳ một nhà quan sát khách quan nào cũng cho là không làm thế nào đạt được hồi bốn năm trước đây. Thế liên minh của chúng ta và những thành tựu của nó là hậu quả của niềm tin tưởng lẫn nhau. Nếu như Tổng Thống còn tiếp tục tin tưởng ở tôi thì cùng nhau chúng ta sẽ thành công."

Với lời lẽ như vậy, người đọc lương thiện nào mà không thấy "nhột", đối chiếu với thực tế? Nên chi, cái gọi là "chiến thắng trong tầm tay" chẳng có ý nghĩa gì với ông Thiệu hết. Ngày 11.11.72, Tổng Thống Thiệu nói với Tướng Haig: "Ông Haig này, ông là một tướng lãnh cũng như tôi. Có khi nào ông thấy một hiệp ước hòa bình trong lịch sử thế giới cho phép quân xâm lược ở lại trên đất đai mà họ đã chiếm đóng không? Ông có thể nào để cho quân Nga ở trên đất nước Huê Kỳ rồi nói rằng Mỹ đã ký hiệp ước hòa bình với Nga không?"

Ông Haig đành cứng họng, chẳng biết nên trả lời như thế nào. Ngày hôm sau, Haig báo cáo với Nixon: "... chúng tôi gặp phải một tình thế hết sức gay go." Haig cố gắng giải thích cho Tổng Thống Thiệu thấy rằng Thượng Viện vừa được bầu lại rất là "bồ câu" hơn Thượng Viện trước kia. Cho nên, nếu Tổng Thống Thiệu được coi như là người cản trở hòa bình thì chắc chắn Quốc Hội sẽ cắt hết mọi viện trợ cho Nam Việt Nam.

Tối hôm đó, Tổng Thống Thiệu phúc đáp lại thơ của Nixon. Dĩ nhiên là trước tiên có những lời mừng và khen ngợi người tái thắng cử, nhưng sau đó không khỏi phản bác điều mà Nixon cho là ông Thiệu đã bóp méo bản dự thảo hiệp định. Ông chỉ muốn minh xác lại một số điểm của dự thảo để cho Việt Nam Cộng Hòa không bị thiệt thòi qua một nền hòa bình danh dự và công bằng.

Ngày 15.11.72, Bunker lại trao cho ông Thiệu thơ của Nixon hồi báo thơ ngày 11.11.72 của Tổng Thống Thiệu. Cứ thơ đi, tin lại để tìm cách thuyết phục ông Thiệu về tính hợp lý của bản dự thảo hiệp định. Đại để là Nam Việt Nam đừng có lo chuyện cho phép bộ đội Bắc Việt đâu ở đó sau khi đã ký kết vì, như Bunker đã cam kết thì "việc bảo vệ chủ yếu cho Nam Việt Nam là thẩm quyền của chúng tôi để bắt buộc bên kia phải thi hành và tôn trọng hiệp định và cũng đã được Tổng Thống Nixon bảo đảm bằng văn bản. Như vậy có nghĩa là nếu như hiệp định không được tuân hành, nếu như lịnh ngừng bắn bị vi phạm thì chúng tôi sẽ phản ứng ngay và một cách mạnh mẽ để hậu thuẫn cho Nam Việt Nam."

Nói gì thì nói, viết sao thì viết, Tổng Thống Thiệu vẫn không muốn chấp nhận bản dự thảo kỳ quái đó. Việt Nam Cộng Hòa cung cấp một đề nghị sửa đổi và yêu cầu Kissinger đưa ra cho Lê Đức Thọ trong kỳ mật đàm tới. Ở giai đoạn này, Tổng Thống Nixon bắt đầu nhận ra rằng giữa Kissinger và chính ông cũng có điều khác biệt. Kissinger thì muốn ông Thiệu chiều ý mình trong khi Nixon thì lại quan tâm đến chuyện bảo vệ Nam Việt Nam. Nên chi, Nixon khuyên Kissinger nên hòa hoãn với ông Thiệu. Dư luận thắc mắc có phải Nixon còn nợ ông Thiệu qua kỳ bầu cử tổng thống Huê Kỳ năm 1968 không?

Tình hình căng thẳng giữa Nixon và Kissinger bắt đầu rõ nét khi ông này trả lời phỏng vấn của nữ ký giả người Ý, Oriana Fallaci. Nội dung bài báo cho thấy Kissinger đã tham lam quơ hết thành tích ngoại giao của chánh phủ vào mỗi mình cá nhơn ông. Tự mô tả mình như là một tên "cao-bồi đơn thương độc mã", Kissinger nặng lời chỉ trích cho rằng ông Thiệu cố chấp hơn Lê Đức Thọ. Khi kể lại "mánh khóe để thành công", Kissinger nói với Fallaci: "Tôi chỉ hành động một mình. Người Mỹ rất thích chuyện đó. Người Mỹ thích chàng cao-bồi hộ tống một đoàn xe và người, hoặc tiến vào một thành phố chỉ một thân một ngựa chớ chẳng có gì khác. Thậm chí cũng chẳng có súng vì anh ta đâu có bóp cò. Anh ta chỉ hành động, như vậy là quá đủ, khi đã đúng lúc và đúng nơi. Đại khái như là một chuyện phim cao-bồi Viễn Tây, thế thôi. Nhơn vật đầy kịch tính và kỳ diệu đó rất hợp với tôi vì cung cách của tôi, hay đúng hơn là kỷ thuật của tôi là cứ một thân, một mình."

Bài báo của Oriana Fallaci làm cho Nixon bực mình không ít và ông bắt đầu dè chừng Kissinger. Nixon ra lịnh cho văn phòng hủy bỏ chuyến đi Bắc Kinh của Kissinger. Nixon càng bực tức thêm nữa vì có tin Kissinger sẽ được tạp chí "Times" vinh danh là nhơn vật trong năm.

Càng ngày chuyện mật đàm đã được báo chí biết nên theo dõi rất sát. Do đó có nhiều bức hình làm cho Nixon không bằng lòng, nhứt là các ảnh Kissinger và Lê Đức Thọ nói cười hả hê. Nixon bèn ra lịnh cho Kissinger không được cười lộ liễu công khai với Thọ. Cảm thấy đã gần kề mức đến nên Kissinger có những cử chỉ khá thân thiện với Thọ, thậm chí trong lần mật đàm ngày 20.11.72, Kissinger còn mời Thọ đến nói chuyện ở trường đại học Harvard. Vậy mà khi Kissinger trình bày 64 điểm sửa đổi của dinh Độc Lập, Thọ nổi giận ra mặt: "Chúng tôi đã bị Pháp, Nhựt và Mỹ lừa dối nhưng chưa có lần nào trắng trợn như kỳ này... Ông nói với chúng tôi là đã điều đình xong, vậy mà ông lại nuốt lời. Chúng tôi phải nghĩ ông là người như thế nào đây?" Kissinger chỉ biết ngồi lặng thinh và nói giả lả, khôi hài tự cho là người đã kết hợp đuợc hai phía của Việt Nam vì "cả Bắc lẫn Nam Việt Nam đều ghét tôi." Sau khi Kissinger trình bày những điểm chánh yếu mà Sài Gòn bắt bẻ, Lê Đức Thọ chỉ còn biết than rằng: "Nếu như đó là những đề nghị cuối cùng và bất biến của ông thì không thể nào dàn xếp được." Vy là Kissinger đành nói vt vát để kết thúc phiên mật đàm: "Đó là những đề nghị cuối cùng của chúng tôi, nhưng không phải là tối hậu thơ."

Như vậy, mật đàm lại trở về với những cái vớ vẩn mà bên đưa ra thừa biết là bên kia không thể nào thỏa mãn được. Nên chi, làm sao nói được là thương thuyết có tiến triển? Người ta cảm thấy một bầu không khí bế tắc, sau khi Mỹ đã qua được khúc quanh bầu cử tổng thống. Sau vài phiên mật đàm dậm chưn tại chỗ và tình hình thương thảo hơi găng, Kissinger hiểu rằng dự thảo hiệp định đã "chết non". Mật đàm tan vỡ, mặc dầu hai bên có hẹn là họp tiếp ngày 23.11.72.

Nixon bảo văn phòng đánh điện ra lịnh cho Kissinger ngưng mật đàm và chỉ thị cho Kissinger nói thẳng cho phía cộng sản biết rằng Tổng Thống Nixon sẽ có sự chọn lựa khác. Kissinger thấy là giao hảo giữa Nixon và ông có phần nào hơi tế nhị chớ không được như trước kia. Kissinger thường nhận được điện của Bạch Ốc nhắc nhở nên cứng rắn với Thọ và đừng vui cười với Thọ trong cảnh thanh thiên bạch nhựt.

Nixon chuẩn bị làm mạnh, nhưng với ai đây? Ngày 23.11.72, Nixon gởi cho ông Thiệu một bức thơ "Tối Mật-Dành Riêng", do Đại Sứ Bunker đích thân trao tận tay cho Tổng Thống Thiệu, đe dọa làm tới "bằng mọi giá". Bức thơ đó nói lên nỗi bực tức và lòng e ngại của Nixon về hành động của phía Việt Nam Cộng Hòa để bác bỏ dự thảo hiệp định. Nixon còn cho ông Thiệu biết rằng nếu phía Hà Nội đưa ra một thỏa hiệp có thể chấp nhận được thì Huê Kỳ sẽ chấp nhận ngay. Nếu Nam Việt Nam có cản trở thì sẽ bị coi như là muốn phá hoại hiệp định và như vậy sẽ có hại cho khả năng của Mỹ để mưu tìm hậu thuẫn cho Tổng Thống Thiệu và chánh phủ của ông.

Tổng Thống Thiệu không trực tiếp hồi đáp Nixon mà chỉ thị Hoàng Đức Nhã viết thơ cho Đại Sứ Bunker, bác bỏ từng điểm một những lời phê phán của Nixon. Ông gián tiếp phản bác những nhận xét của Nixon, cho rằng Sài Gòn chống lại hiệp định hòa bình. Nhưng, một lần nữa, ông xác định là bộ đội miền Bắc không được phép ở lại trong Nam.

Trong phiên mật đàm 23.11.72, Kissinger và Haig trực tiếp đọc đoạn thơ của Nixon, chuyển lời đe dọa Bắc Việt, nhưng đã là điếc không sợ súng thì đe dọa có ăn thua gì, vả lại Mỹ có ném bom hay cài thủy lôi thì tập đoàn lãnh đạo có chịu đựng đâu. Trong tình hình hai bên mật đàm đều cứng rắn, không bên nào nhượng bộ bên nào, nên phiên họp lâu một giờ hai mươi phút hôm đó chẳng đi đến đâu hết.

Cả Hoa Thạnh Đốn lẫn Hà Nội đều biết rằng thời gian chẳng còn bao nhiêu nữa đối với Sài Gòn. Bao nhiêu tháng qua, Nixon và Kissinger đã ngấm ngầm chấp nhận tình trạng ngưng bắn tại chỗ. Tổng Thống Thiệu đã mất hậu thuẫn của đồng minh, bất cứ về mặt nào. Thượng Viện Huê Kỳ gần như sắp đi đến quyết định cắt giảm tài trợ cho những hành động ở Việt Nam.

Tối hôm đó, Kissinger trình bày sự thật đau lòng cho phái đoàn hòa đàm chánh thức của Nam Việt Nam ở khoáng đại hội nghị, tại tư gia của đại sứ Mỹ ở Pháp. Ông cho phái đoàn Sài Gòn biết rằng Bắc Việt tiếp nhận một cách nghiêm khắc những tu chính dành cho bản dự thảo. Kissinger cho phái đoàn Nam Việt Nam biết phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu hòa đàm bị đổ vỡ.

Vậy là bắt đầu một chiến dịch để làm áp lực Sài Gòn phải chấp nhận những đề nghị mà Hà Nội và Hoa Thạnh Đốn cho là hợp lý, dẫu cho có thể thiệt hại cho Việt Nam Cộng Hòa. Mỹ tìm cách trấn an Sài Gòn là nếu như Hà Nội phản bội và vi phạm thì Mỹ sẽ đưa B-52 ra nói chuyện với họ. Đối cùng, Kissinger còn đe dọa rằng Nixon sẵn sàng dàn xếp song phương với Hà Nội để rút quân về và để trao đổi lấy tự do cho tù binh Mỹ.

Cuối tháng 11 năm 1972, Nguyễn Phú Đức đi Hoa Thạnh Đốn để diện đối diện với Nixon và Kissinger. Dinh Độc Lập không tin rằng Kissinger hoặc Haig tường trình đầy đủ sự thực về quan điểm của Việt Nam cho Nixon. Nên chi, nhiệm vụ của Đức trong chuyến đi này là để phản ảnh trung thực lập trường của Tổng Thống Thiệu cho Nixon và phải tỏ ra cứng rắn trước những lời của Kissinger và Haig, nhằm đe dọa cô lập người bạn đồng minh.

Nguyễn Phú Đức mang sang Nixon bức thơ dài 24 trang của Tổng Thống Thiệu, viện dẫn nhiều lý lẽ để cấp thiết yêu cầu Nixon sửa đổi và đình hoãn dự thảo hiệp định. Nỗi ưu tư của dinh Độc Lập về chuyện bộ đội xâm lược mà được quyền ở lại miền Nam, về viễn ảnh của một chánh phủ liên hiệp cũng như nỗi khổ đọa đày của nhơn dân miền Nam dưới ách thống trị của cộng sản, một khi Mỹ rút đi, không nói lên được điều gì với người bạn đồng minh Huê Kỳ khi lợi ích của họ là trên hết. Một khi người ta đã nhứt quyết chấp nhận cái ảo ảnh hòa bình thì bất cứ thứ gì cản trở ước muốn đó đều bị cho là chướng ngại vật, đáng bị trừng phạt.

Vả lại, theo chỗ Tổng Thống Thiệu được biết thì: "Tôi đã được thông báo là trong trường hợp chúng tôi không thể chấp nhận được những đòi hỏi phi lý của những người cộng sản thì Huê Kỳ sẽ tìm cách dàn xếp riêng rẽ với Bắc Việt để rút quân lực Huê Kỳ về và lấy lại tự do cho tù binh Mỹ. Nếu quả thật vấn đề tù binh chiến tranh là một trường hợp quan trọng đối với Tổng Thống, tôi nghĩ là vẫn còn có nhiều cách khác để cho họ được tự do mà không phải làm nguy hại đến số phận của mười bảy triệu rưởi người Nam Việt Nam... Không một ai có thể phủ nhận được Nam Việt Nam là nạn nhơn của một cuộc xâm lăng lộ liễu từ phía Bắc Việt. Vì vậy cho nên bất cứ ý kiến nào cho rằng nhơn dân chúng tôi và những nhà lãnh đạo dân cử của Nam Việt Nam gây trở ngại cho hòa bình, vì từ chối những điều kiện do những kẻ xâm lược áp đặt, là một điều trớ trêu độc ác nhứt."

Kết thúc bức thơ dài dòng đó, Tổng Thống Thiệu yêu cầu Tổng Thống Nixon hãy vận dụng khả năng lãnh đạo đầy uy tín để yêu cầu Thượng Viện Huê Kỳ, vì "Tổng Thống có thể tìm được hậu thuẫn để đạt được những gì cần thiết mà bảo đảm tự do và an ninh lâu dài của thế giới tự do."

Thế nhưng, nói gì thì nói, Hoa Thạnh Đốn đã nhứt quyết cho rằng Sài Gòn nên ưng thuận hiệp định hòa bình trên hình thức đó để cho Bạch Ốc dễ ăn dễ nói với Thượng Viện. Bằng không thì chánh phủ Mỹ khó viện trợ cho Sài Gòn. Sài Gòn nên yên chí vì nếu cộng sản có vi phạm thì Huê Kỳ sẽ mạnh dạn can thiệp với những tiềm lực quân sự ở Thái Lan, ở ngoài khơi và ở những vùng phụ cận Việt Nam.

Nói tóm lại, Nixon khuyên Tổng Thống Thiệu "cứ tin tôi đi". Nixon nghĩ rằng sau khi đã có hiệp định hòa bình thì dư luận của quần chúng và Quốc Hội Mỹ sẽ thay đổi, thuận lợi hơn, vì thấy rằng Huê Kỳ sẽ thoát khỏi cuộc chiến Việt Nam trong danh dự. Như vậy, giá mà cộng sản phản bội chữ ký, tấn công Nam Việt Nam thì Nixon có thể huy động quân sự để đánh chặn mà không sợ dư luận Mỹ phản đối. Huê Kỳ còn đưa trường hợp của Triều Tiên ra làm thí dụ để trấn an Nam Việt Nam.

Nói chung thì "chuyến đi sứ" của Đức cũng không ăn thua gì, không làm cho Tòa Bạch Ốc thay đổi ý kiến. Họ cứ tin tưởng rằng hành động trả đũa bằng quân sự sẽ bảo đảm giá trị của hiệp định. Đến mức đó thì Sài Gòn cứ mặc cho Hoa Thạnh Đốn thỏa thuận song phương với Hà Nội để được việc của họ là rút quân "Gi" ra và đem tù binh chiến tranh về. Nếu như vậy thì Sài Gòn đành phải tiếp tục chiến đấu một mình. Ông Đức nói với Nixon rằng: "Tổng Thống Thiệu nghĩ rằng thà chết bây giờ còn hơn là chết lần chết mòn." Sài Gòn nhứt định không chịu từ bỏ ba nguyên tắc then chốt là: quân đội cộng sản phải rút về miền Bắc, tôn trọng vùng giới tuyến phi quân sự và hội đồng hòa hợp hòa giải không thể là chánh phủ liên hiệp.

Để giải tỏa bế tắc cho chuyến công tác của Đức, Tổng Thống Nixon tỏ ý muốn gặp Tổng Thống Thiệu ở Midway, hay một nơi nào khác, để đích thân và trực tiếp đàm đạo mà nói lên sự cam kết ủng hộ ông Thiệu. Cứ thơ đi tin lại thì không sao giải quyết được trường hợp quá ư là gay góc. Cần phải hai mặt một lời cho rõ trắng đen. Hòa bình thì ai mà chẳng thiết tha, nhưng phải có được hòa bình mà đừng đánh mất danh dự.

Xem tiếp>>

  

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.