Trước đèn đọc sách:
"No Peace, No Honor"
by
Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu
----------------------------------

Bài
5
Đòn bất ngờ của McGovern
Thượng
nghị sĩ George S. McGovern (Bang South Dakota) - người của
đảng Dân Chủ, thua phiếu Tổng Thống Nixon trong kỳ bầu cử năm
1972 – cho rằng cuộc chiến ở Việt Nam là một sai lầm khủng
khiếp, mặc dầu Tổng Thống Johnson (Dân Chủ) là đầu dây mối nhợ
của chiến tranh Việt Nam leo thang. Là một phi công oanh tạc
cơ trong Thế Chiến II, ông đã từng chứng kiến tận mắt những
thảm cảnh của chiến tranh. Theo McGovern, điểm
rõ nét trong cuộc chiến này là Huê Kỳ đang phá hủy đất nước
Việt Nam để rồi ra tay cứu vãn nó.
Ngày 16 tháng Chín năm 1971, McGovern đi quan sát tình hình Việt
Nam, với tư cách là ứng viên tổng thống để tìm cách kết thúc
cuộc chiến vô nghĩa này. Tại cuộc họp báo khi đến Sài Gòn,
McGovern tuyên bố: "Chánh sách Việt Nam hóa của ông Nixon là một
thất bại rõ rệt, cũng như những chánh sách của người tiền nhiệm.
Chỉ là để băng bó một khối u ác tính đã bộc phát ở xã hội Việt
Nam, làm cho quân đội Mỹ mất tinh thần và hạ giảm giá trị của
Huê Kỳ ở quốc nội cũng như ở mọi nơi trên thế giới. Nếu như
không nhanh chóng rút quân lực Mỹ về và chấm dứt các hành động
quân sự của chúng ta thì chúng ta sẻ thấy một sự tan rã trầm
trọng hơn nữa về mặt quân sự, chánh trị, kinh tế và tinh thần."
Chuyến
viếng thăm Việt Nam của McGovern được quảng bá rộng rãi và ầm ĩ.
Chỉ trong vòng bốn ngày mà ông tiếp xúc với những tai to mặt
lớn, cả Mỹ lẫn Việt của Sài Gòn, kể cả những tù chánh trị và phe
đối lập. Một nhà báo Mỹ phê rằng viếng thăm hỏa tốc như vậy một
địa điểm phức tạp thì liệu hiểu biết được bao nhiêu. Trước khi
ghé Sài Gòn, McGovern đã có gặp các đại biểu của Hà Nội và CPLT
miền Nam ở bên ngoài Paris sáu tiếng đồng hồ, qua sự sắp xếp của
Pierre Salinger, tùy viên báo chí của Tổng Thống Kennedy trước
kia. Tin tưởng rằng mình sẽ kết thúc được cuộc chiến tại Việt
Nam, McGovern tìm cách khai thác hết mọi khía cạnh của vấn đề.
Ngày 11 tháng Chín năm 1971, năm ngày trước khi đặt chưn xuống
thủ đô Nam Việt Nam, cùng với một phái đoàn thân tín, McGovern
đến họp kín với Xuân Thủy tại Paris. McGovern toan tính xin Bắc
Việt cung cấp một danh sách tù binh Mỹ. Trong kế hoạch tranh cử
với Nixon, McGovern định chạy đua với Nixon và Kissinger trong
việc tìm lấy giải pháp cho chiến cuộc Việt Nam.
Thế nhưng, McGovern đâu biết được rằng Kissinger đã đi bước
trước, nhưng cứ gặp bức tường đá khổng lồ, nặng ngàn cân từ phía
Hà Nội. Trước đó gần một tháng, ngày 16.8.1971, Kissinger đã mật
đàm với Xuân Thủy nhưng, cũng như thường lệ, chẳng đi đến đâu.
Tuy nhiên, cũng như bao nhiêu người ngoại cuộc khác, McGovern
làm gì biết được chuyện đó nên nỗ lực của ông đâm ra dư thừa.
Hơn thế nữa, McGovern đâu biết được rằng giữa Nixon và Kissinger
đang có chuyện năm nghi, mười ngờ. Tổng Thống Nixon nghi rằng
Kissinger mang ảo tưởng của một vĩ nhơn sắp đem lại hòa bình ở
Việt Nam, vì Kissinger đã có ý định thầm lén đi đến tận Hà Nội
để tìm cách dàn xếp vấn đề Việt Nam. Nixon phải nhờ Harry R.
Haldeman - chánh văn phòng Bạch Ốc - và Alexander Haig - trợ lý
của Kissinger - tìm cách tuyết phục Kissinger bỏ ý định đi Hà
Nội, vì nhứt định sẽ không thành công. Mà thất bại thì Hoa Thạnh
Đốn sẽ bị một phen bẽ mặt. Nixon cho rằng Kissinger đang mãi mê
tìm hòa bình nên không thấy được chiến thuật của Hà Nội là nói
để thắng chớ không phải để đi đến dàn xếp, trong khi Kissinger
cứ mãi mê tìm cách dàn xếp với Hà Nội.
Không bị vướng mắc vào mớ bòng bong nội bộ Mỹ và Mỹ-Bắc Việt,
McGovern ngây thơ dấn thân vào môi trường đó, với hướng chánh là
vấn đề tù binh Huê Kỳ. McGovern nghĩ rằng nếu như Hoa Thạnh Đốn
chịu đưa ra thời hạn dứt khoát rút quân vào cuối 1971 và chấm
dứt mọi cuộc ném bom thì Hà Nội sẽ thả tù binh và chuyện Mỹ can
dự vào cuộc chiến sẽ chấm dứt. Thế nhưng đâu có đơn giản như ông
tưởng.
Qua tiếp xúc với McGovern, Bắc Việt lẫn CPLT đều có một lập
trường như nhau, một cách tổng quát là "Mỹ cút để cho ngụy
nhào". Trong khi McGovern chỉ có yêu cầu duy nhứt là phía cộng
sản cung cấp cho ông danh sách tù binh thì phía cộng sản lại đòi
hỏi là Mỹ phải rút hết lực lượng quân sự của chính mình và của
các quốc gia đồng minh, phải giải thể hết những căn cứ và cơ sở
quân sự ở Nam Việt Nam, phải ngưng ủng hộ ông Thiệu, kể cả tập
đoàn quân đội Nam Việt Nam, để cho nhân dân tự quyết. Qua
McGovern, phía cộng sản muốn lấy cảm tình của phe bồ câu Huê Kỳ
để mở một mặt trận mới trên đất Mỹ, mượn quần chúng Mỹ đánh lại
chánh phủ Nixon. Vì cộng sản đã cảm thấy chiều hướng đó ở tu
chính án McGovern-Hatfield. Ngoài ra, phía cộng sản còn bật mí
cho McGovern thấy rằng họ sẽ tìm cách để cho ông thượng nghị sĩ
ứng viên tổng thống thắng được Nixon vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ
vào năm 1972. Như vậy, đương nhiên chương trình "Việt Nam Hóa"
cũa Nixon sẽ tiêu ma.
Sau sáu tiếng đồng hồ ngắn ngủi trao đổi với hai phái đoàn cộng
sản - Bắc Việt và CPLT – McGovern rời Paris đi Sài Gòn, tin
tưởng rằng nếu như Tổng Thống Nixon quyết định ngày 31 tháng 12
năm 1971 là hạn chót để triệt thoái toàn bộ quân lính Mỹ và chấm
dứt mọi cuộc hành quân ở Việt Nam thì đồng thời tù binh Mỹ sẽ
được thả về. Dẫu cho đó chỉ là giả thuyết của mình, chưa có hứa
hẹn gì của cộng sản, vậy mà trong cuộc họp báo ngày 12 tháng
Chín, McGovern đã đao to búa lớn: "Tổng Thống Nixon là người nắm
giữ chìa khóa của nhà giam (tù binh Mỹ) ở Hà Nội." Một cách gián
tiếp đầy ác ý để cho rằng chánh quyền Nixon là cây gậy cản đường
của chiếc xe hòa đàm.
Hội
kiến với Tổng Thống Thiệu tại Dinh Độc Lập ngày 15.9.1971,
McGovern mở lời thẳng thừng cho biết rằng ông ta là một người
phản đối việc Mỹ can dự vào Việt Nam và lưu ý rằng cuộc bầu cử
(tổng thống Việt Nam) tới đây có vẻ như là một trò giả mạo.
McGovern hỏi thẳng Tổng Thống Thiệu: "Tôi tự hỏi bộ ông không
biết là như vậy có hại cho quyền lợi thiết thân của ông và cho
hậu thuẫn của ông ở bên Mỹ, nếu ông tiến hành một cuộc bầu cử
như vậy?" Thật ra thì ông Thiệu đâu có muốn tiếp McGovern, nhưng
vì nể tình đại sứ Bunker.
Bút ký viết tay của McGovern có ghi "phải mười phút sau, ông
Thiệu mới nói rằng người ta không tranh cử đâu phải là lỗi của
ông, hàm ý cho rằng ông cũng muốn có ứng cử viên khác". Hoàng
Đức Nhã – bí thơ, sau đó là tổng trưởng dân vận và chiêu hồi -
kể rằng ông Thiệu tìm cách trình bày cho McGovern hiểu về hiến
pháp Việt Nam, nhưng ông thượng nghị sĩ không muốn quan tâm gì
hết khi nghe ông Thiệu nói là không thể đình hoãn cuộc bầu cử.
Cuộc gặp gỡ giữa hai người chỉ ngắn gọn có bốn mươi phút. Trong
chuyến đi đó, McGovern cũng có tiếp xúc với đại tướng Dương Văn
Minh.
Cuộc tiếp xúc của McGovern với cộng sản không có tác dụng gì đến
tiến triển của hòa đàm hết mà còn làm cho cộng sản thêm được lợi
thế là kết hợp thêm một thành phần phản chiến. Ngoài ra, cộng
sản hy vọng rằng McGovern có thể sẽ là tổng thống Huê Kỳ trong
kỳ bầu cử sắp tới (1972), như vậy sẽ nhổ được cái gai "Nixon"
giùm cho Hà Nội, như là một thế "bất chiến tự nhiên thành". Với
ngày bầu cử tổng thống của Sài Gòn gần kề (3.10.1971) thì Hà Nội
giữ thái độ "wait and see", để chờ xem. Trong khi đó liên hệ
giữa cộng sản và Kissinger lại thêm phần phức tạp, Xuân Thủy lên
mặt ương bướng hơn lúc trước.
Trong phiên họp ngày 13.9.71, Xuân Thủy đặt vấn đề với
Kissinger: "Nếu ông phát biểu nhơn danh Nhà Trắng thì tôi sẵn
sàng nghe, còn nếu ông nói cho cá nhân ông thì tôi chỉ nghe phần
nào thôi. Vì tôi chỉ nghe những gì ông phát biểu theo chỉ thị
của Nhà Trắng, còn những gì tôi nói cũng để cho Nhà Trắng nghe."
Kissinger chấm dứt phiên họp, Xuân Thủy nói với theo: "Ông nói
như thể Việt Nam là đất đai của Huê Kỳ, như Nam Việt Nam và Bắc
Việt Nam, cả hai đều thuộc Huê Kỳ. Không! Việt Nam của người
Việt Nam.
Nhưng có thể chuyến đi của McGovern làm cho Nixon phải suy nghĩ
khá nhiều vì tổng thống Mỹ biết McGovern có tiếp xúc với phái
đoàn cộng sản tại Paris, nhưng không biết được nội dung.
McGovern cùng với những thượng nghị sĩ thuộc phe bồ câu làm cho
Nixon điên tiếc lên và cuộc bầu cử độc diễn sắp tới của ông
Thiệu sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Ngày 16.9.71, đại sứ
Bunker đánh điện cho Kissinger: "Tôi sợ rằng tình hình chánh trị
ở Sài Gòn này, với Thiệu độc diễn và với một kết quả bầu cử quá
hiển nhiên, sẽ làm cho phía bên kia ngoan cố thêm. Tôi nghĩ rằng
cộng sản sẽ cho là cái thế của Thiệu yếu đi ở quốc nội và trên
trường quốc tế và càng ngày càng tồi tệ hơn. Như vậy, cộng sản
sẽ có khuynh hướng chờ xem."
 Vì
Thiệu đã mất đi tính hợp pháp và phong trào phản chiến càng được
thế, tình hình trì trệ ở hòa đàm làm cho Nixon càng bực mình.
Trong bút ký ngày 17.9.71 của Haldeman người ta đọc được: "Tổng
thống nói với Kissinger là tổng thống nghĩ rằng điều quan trọng
là nên dành cho bọn chúng (Bắc Việt Nam) một trận đích đáng để
cho họ lo sợ rằng tổng thống có thể làm mạnh hơn. Vì vậy nên
tổng thống ra lịnh Henry cho ném bom trong những ngày cuối tuần
sắp đến. Tổng thống muốn lưu ý là Huê Kỳ đã dính líu vào Việt
Nam với việc lật đổ ông Diệm và phương cách rút chưn ra không lẽ
lại bằng cách loại bỏ ông Thiệu sao."
Trong tờ trình gởi Tổng Thống Nixon ngày 18.9.1971, Kissinger
đưa ra ý kiến là với tình hình lúc gần đây, tổng thống nên nhìn
vấn đề Việt Nam một cách bình tỉnh và vô tư để lượng định những
đường hướng, theo ý Kissinger, để "đi đến giai đoạn cuối cùng
cho cuộc can dự của chúng ta". Về mặt đối nội thì Kissinger thấy
là chánh phủ bắt buộc phải chấm dứt cuộc xung đột một cách
nghiêm chỉnh, như là một đường hướng của chánh phủ, chớ không
phải dưới áp lực, như hình thức một cuộc thất bại. Liên hệ đến
nỗ lực của McGovern, Kissinger thấy rằng càng ngày càng có
khuynh hướng chánh trị nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi Việt Nam. Cho
nên, "chúng ta đang đứng trước mối nguy thật sự là Quốc Hội khả
dĩ sẽ có nghị quyết đưa ra thời hạn rút quân và có thể chấm dứt
việc trợ giúp Việt Nam." Ngày 21.9.71, Huê Kỳ cho ném bom đánh
phá những ổ phòng không ở phía Nam Bắc Việt. Hòa đàm Paris bế
tắc. Dư luận cho rằng chánh phủ Nixon đả loại bỏ hòa đàm và trở
lại giải pháp quân sự.
Ngày
23.9.71, chánh phủ Nixon phái Alexander Haig đi Sài Gòn để gặp
Tổng Thống Thiệu. Ông Haig chuyển đến Tổng Thống Thiệu quan điểm
của Nixon về tình hình của Việt Nam trong những tháng sắp tới.
Tài liệu giải mật cho biết, qua lần hội kiến đó, Alexander Haig
phản ảnh rằng dư luận quốc nội Mỹ càng ngày càng căng thẳng.
Haig quả quyết với ông Thiệu rằng ổn định chánh trị, đoàn kết
quốc gia và sức mạnh dân tộc là điều kiện tối thượng. Theo Tổng
Thống Nixon thì "khi tình hình căng thẳng gia tăng thì điều quan
trọng hơn hết là tất cả các phe phái đều phải nắm lấy mục tiêu
căn bản của những năm hy sinh, tiêu biểu cho sự chung lưng đâu
cật của hai dân tộc trong công cuộc chống đối lại cộng sản. Nhận
định sai lầm trong giai đoạn này là vô cùng bi thảm, vì chiến
thắng đã gần kề."
Tổng Thống Nixon muốn cho Tổng Thống Thiệu biết rằng điểm bế tắc
chủ yếu trong hòa đàm là phải dẹp bỏ ông Thiệu, điều mà Huê Kỳ
không chịu. Hòa đàm đã bị đình chỉ và Huê Kỳ đang xét kỷ lại
những tác động qua lại của tình hình chánh trị Hoa Thạnh Đốn và
Sài Gòn. Chuyện duyệt xét lại đó cho thấy cần phải củng cố hậu
thuẫn của quốc nội Huê Kỳ, đã bị xáo trộn kinh khủng vì cuộc bầu
cử tổng thống ngày 3 tháng 10 sắp tới ở Việt Nam.
Ngày 2.10.1971, Kissinger và Haig lo sợ là ông Thiệu có thể bị
ám sát. Kissinger đánh điện cho đại sứ Bunker, khuyên ông này
nên quan tâm đến vấn đề đó. Thậm chí còn cho Bunker toàn quyền
thay đổi nhơn sự Mỹ nào có ý khuyến khích phía Việt Nam đứng ra
thủ tiêu ông Thiệu. Kissinger tìm cách trấn an Bunker là Tổng
Thống Nixon hoàn toàn ủng hộ ông đại sứ và yêu cầu Bunker "đừng
quan tâm đến những sự chỉ trích của báo chí. Tòa Bạch Ốc biết
rằng đất nước này hàm ơn ông vô cùng."
Như đã biết, qua cuộc bầu cử độc diễn năm 1971, ông Thiệu thắng
là cái chắc. Lại thắng vẻ vang với tỷ số chín mươi bốn phần
trăm. Ông Kỳ phê rằng: "Hồ Chí Minh cũng thua xa. Một cuộc bầu
cử khôi hài, chẳng khác nào bầu cử của cộng sản." Tạp chí quân
sử của Ban Tham Mưu Liên Quân viết: "Tại làm sao các viên chức
Huê Kỳ, luôn miệng chủ trương dân chủ và chánh phủ hợp hiến ở
Nam Việt Nam, mà lại để cho xảy ra một cuộc bầu cử tổng thống
độc diễn như vậy?" Còn McGovern thì cho cuộc bầu cử đó "chẳng
khác nào một cuộc trưng cầu dân ý trong chế độ Đức Quốc Xã và ở
các nước cộng sản."
Ngay sau cuộc bầu cử, Alexander Haig gặp Tổng Thống Thiệu hai
tiếng đồng hồ. Ông Haig bảo đảm với ông Thiệu là Huê Kỳ tiếp tục
ủng hộ đương sự và được ông Thiệu đồng ý về một sáng kiến hòa
đàm mới. Theo sáng kiến này thì ông Thiệu sẽ không ra tranh cử
trong một cuộc bầu tổng thống mới, sau khi có sự dàn xếp chánh
trị mà Kissinger đề nghị với Lê Đức Thọ. Nhưng cuộc họp mới này
không xảy ra vì Lê Đức Thọ cáo "ốm", và Kissinger không chịu họp
riêng với Xuân Thủy. Nhưng điều mà Tổng Thống Thiệu không được
biết là đề nghị đó đã được gởi đi Hà Nội mà ông Thiệu
chẳng hay biết gì hết.
Ngày 4.10.1971, một ngày sau cuộc bầu cử độc diễn của ông Thiệu,
McGovern gởi thơ cám ơn Xuân Thủy: "Bữa ăn tối tuyệt vời và cuộc
thảo luận lý thú nằm trong những trường hợp hữu ích và thú vị
nhứt trong chuyến đi của chúng tôi." Thế nhưng, đó không phải
cốt để đưa ra những lời lẽ xã giao suông mà để tìm hiểu phản ứng
của phái đoàn cộng sản về yêu cầu của ông. Không biết cộng sản
có chịu thả tù binh Mỹ nếu như Huê Kỳ cắt đứt toàn bộ quân viện
cho Tổng Thống Thiệu hay không? McGovern thấy rằng dư luận Mỹ
hiện đang đồng lòng về một điểm là tù binh được thả về. Mà cả
Quốc Hội và tòa Bạch Ốc cũng vậy.
 Thế
nhưng, đối với Hà Nội thì vấn đề đâu có đơn giản như vậy. Chuyện
Mỹ rút quân, loại bỏ ông Thiệu chỉ là ngón tiểu xảo của họ mà
thôi. Chiến lược của cộng sản là nuốt trọn miền Nam. Trong một
tình hình như vậy, đúng như Lê Đức Thọ có lần đã nói với
Kissinger: "Tôi tự hỏi tại sao lại phải đi điều đình với ông.
Chúng tôi đã nói chuyện sáu tiếng đồng hồ với ông McGovern.
Phong trào phản chiến bên Mỹ sẽ bắt buộc mấy ông hiến dâng những
gì chúng tôi mong muốn."
Với ý đồ đầu tư vào một con người có khả năng được Đảng Dân Chủ
Mỹ đưa ra làm ứng cử viên tổng thống vào kỳ bầu cử mùa thu 1972,
Đinh Bá Thi gởi cho McGovern một lá thơ tán dương ông thượng
nghị sĩ đã có can đảm lên án chương trình "Việt Nam Hóa" của
Nixon cũng như đả kích "trò hề bầu cử 3 tháng Mười để duy trì
tên độc tài hiếu chiến Nguyễn Văn Thiệu trên thế cầm quyền." Thi
khuyên McGovern và "tất cả những người Mỹ có thiện ý và nhân dân
tiến bộ Mỹ" hãy làm mọi cách để thúc đẩy chánh phủ Nixon chấp
nhận kế hoạch hòa bình bảy điểm của CPLT để "nhanh chóng kết
thúc chiến tranh và như vậy quân lính Mỹ sẽ sớm trở về nhà, kể
cả những người đang bị giam giữ".
Rốt cuộc, McGovern tưởng đâu sẽ tạo được một đòn bất ngờ, lại
khiến cho Hà Nội ngoan cố hơn nữa trên mặt trận thương thuyết,
làm cho Huê Kỳ phải một phen kiên nhẫn chờ đợi nữa. Nếu phía
cộng sản nghiêm chỉnh thương thuyết thì chuyện dễ nhứt là cung
cấp cho McGovern danh sách tù binh Mỹ. Có thể họ nhận thấy rằng
tương quan lực lượng chưa thuận lợi cho họ, dẫu cho Mỹ phải rút
quân dưới áp lực của nghị quyết McGovern-Hatfield. Rõ ràng là
Bắc Việt muốn tiếp tục mưu đồ một cuộc tổng tấn công và tìm kiếm
điều kiện thuận lợi hơn cho mhững mục tiêu dài hạn của họ.
Xem
tiếp...
Cố Nhân
|