PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài 7

Nixon tiết lộ

 

Qua lần phát hình toàn quốc ngày 25.01.1972, Richard Nixon tiết lộ cho thế giới biết rằng Henry Kissinger đã "đi đêm" với Bắc Việt từ tháng Tám 1969 và mọi đề nghị hợp lý của Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh đều bị Hà Nội bác bỏ. Kissinger cho rằng bài phát biểu đó của Nixon "là một trong những bài phát biểu quả cảm và có hiệu quả nhứt". Tổng Thống Nixon nói: "Im lặng chẳng lợi ích gì, khi mà bên kia cứ lợi dụng thiện chí của chúng ta để chia rẻ Huê Kỳ và để tránh né bàn hội nghị. Im lặng chẳng lợi ích gì, vì im lặng làm cho một số người Mỹ hiểu lầm để rồi lên án chánh phủ của mình không làm được những gì mà chúng tôi đã thực hiện xong."

Từ ngày 4.8.1969, Kissinger đã mười hai lần đi Paris để mật đàm với phía Bắc Việt. Ông đã gặp ủy viên Bộ Chánh Trị Lê Đức Thọ bảy lần và gặp Xuân Thủy năm lần, nhưng chẳng có tiến triển gì hết. Richard Nixon đã trình bày chi tiết của đề nghị mật ngày 11.10.71 về việc dàn xếp chánh trị, trong đó không những có chuyện bầu cử tự do dưới sự giám sát quốc tế, với sự tham dự của cộng sản, mà còn có điều kiện Tổng Thống Thiệu từ chức trước khi bầu cử.

Tổng Thống Nixon cũng nêu rõ: "Nếu như muốn có hòa bình thì đối phương phải thấy rõ sự khác biệt quan trọng giữa dàn xếp và đầu hàng." Bắc Việt đã bác bỏ kế hoạch tám điểm của Huê Kỳ và đề nghị chương trình chín điểm, còn CPLT thì đưa ra kế hoạch bảy điểm. Người ta đùa giỡn với những "điểm" trong kế hoạch hòa bình – 7, 8 rồi 9 điểm - nhưng chủ yếu là cộng sản bắt buộc Huê Kỳ phải chấm dứt hậu thuẫn dành cho chánh phủ hiện tại ở Sài Gòn. Chẳng khác nào là bảo Mỹ hãy đầu hàng đi và lôi theo cái thể chế chánh trị đã được Mỹ hậu thuẫn từ bao lâu nay!

Tại cuộc họp báo ở Hoa Thạnh Đốn ngày 26.1.72, Kissinger trình bày thêm những chi tiết bổ xung bài nói chuyện truyền hình của Tổng Thống Nixon. Theo Kissinger, một trong hai điều kiện mà Bắc Việt đưa ra để khai thông hòa đàm là Mỹ phải hoàn toàn ngưng ủng hộ chánh phủ Nam Việt Nam. Điều kiện kia liên hệ đến cách hiểu của cộng sản về chuyện rút quân. Bắc Việt cho rằng rút quân là Huê Kỳ phải phá bỏ trang thiết bị Mỹ, ngưng viện trợ kinh tế và đưa võ khí ra khỏi Việt Nam. Nếu như phải thỏa mãn yêu cầu của phía cộng sản thì chánh phủ Sài Gòn sẽ sụp đổ, như vậy là thuộc giải pháp chánh trị. Nên chi, chuyện Mỹ dự tính thương thuyết riêng rẻ vấn đề chánh trị đã bị Hà Nội bác bỏ.

Dư luận báo chí Mỹ đồng loạt ca ngợi Nixon, coi như phía cộng sản có ý phản động, cứ tìm cách cản trở tiến trình đi đến hòa bình. Và báo chí Mỹ cũng kêu gọi mọi phe phái bên trong nước Mỹ hãy dẹp bỏ mọi tỵ hiềm để tạo nên bầu không khí đoàn kết mà hậu thuẩn cho cuộc vận động hòa bình của Nixon. Thế nhưng, khi Nixon tiết lộ như vậy thì tự ái của Tổng Thống Thiệu có phần không vui vì từ trước đến lúc bấy giờ phía Mỹ đâu có cho Dinh Độc Lập biết gì về chuyện "đi đêm" của Kissinger. Người ta chỉ đồng minh với nhau đến mức độ nào đó thôi.

Ban đầu Nixon dự tính đọc bài diễn văn truyền hình vào những ngày 18 hoặc 19 tháng Giêng 1972, cho kịp ngày 20.1.72, ngày họp của Thượng Viện. Nhưng vì có sự lủng củng với ông Thiệu, trên những điểm của đề nghị hòa bình - dự thảo gởi cho Hà Nội không báo cho ông Thiệu, không nêu chuyện Bắc Việt rút quân, không cho ông Thiệu biết chuyện ông phải từ chức trước khi bầu cử có cộng sản tham dự - nên Nixon phải kéo dài thời gian đến 25.1.1972.

Hà Nội phản ứng lại bài diễn văn truyền hình của Nixon bằng cách công bố kế hoạch hòa bình mật, gồm 9 điểm, đã được Lê Đức Thọ trình bày cho Kissinger trong phiên mật đàm ngày 21.6.1971 tại Paris. Kế hoạch được đưa ra công khai này lại có thêm hai điểm mới. Khi Kissinger hỏi Thọ hai điểm mới là gì thì Thọ trả lời là chẳng có gì hết, chỉ triển khai ra thôi. Hà Nội chỉ muốn có một cái gì "mới" để đáp lại việc Nixon tiết lộ mật đàm ra công khai. Đúng là Hà Nội, nặng óc tuyên truyền, chỉ muốn làm một điều gì hơn Mỹ, chẳng cần biết hành động đó có thực chất hay không.

Thật ra, Hà Nội chẳng có gì phải hụt hẫng với phát biểu truyền hình ngày 25.1.1972 của Nixon. Chính Tổng Thống Thiệu mới là người bị bất ngờ. Ông Thiệu cũng như Hoàng Đức Nhã đều cho rằng với đề nghị 11 tháng Mười thật ra Huê Kỳ đã gần như muốn thỏa hiệp với Hà Nội. Chín điểm của Bắc Việt cùng với những triển khai của nó là nhằm đòi hỏi Mỹ nhượng bộ thêm nữa và cốt chia rẻ Huê Kỳ và ông Thiệu.

Trong bài phát biểu ngày 25.1.72, Nixon nói rằng Huê Kỳ sẽ rút quân ra khỏi Việt Nam trước khi Bắc Việt đem quân của họ về và Tổng Thống Thiệu sẽ từ chức trước khi có bầu cử. Mỹ không nói đến chuyện rút quân song phương, như vậy người ta có thể ngầm hiểu rằng cứ để cho bộ đội Bắc Việt ở nguyên tại chỗ. Theo cách nhìn của Bắc Việt thì chẳng cần gì phải thiết tha với đề nghị nào của Mỹ. Thực ra, Hà Nội đã có kế hoạch để mở một cuộc tấn công quân sự mới, có cơ làm lệch cán cân lực lượng ở phía Nam mà đẩy mạnh âm mưu ý đồ của họ xa hơn nữa.

Vài ba tuần lễ sau, khi dư luận báo chí chỉ trích đề nghị hòa bình ngày 25.1.72 của Tổng Thống Nixon, ông H. R. Halderman, chánh văn phòng Bạch Cung, trả lời một cuộc phỏng vấn của chương trình "NBC Today", lên án những người chống đối chiến tranh, kể cả các thượng nghị sĩ Mỹ, là "cố tình giúp đỡ và tiếp tay cho kẻ thù của Huê Kỳ" và "tán thành việc đưa một chánh phủ cộng sản vào Nam Việt Nam, và cố tình phải làm cho được." Mặc dầu những lời phát biểu của Halderman làm cho phe Dân Chủ nổi giận, vì chẳng khác nào coi những người chống đối chiến tranh là phản bội, tòa Bạch Ốc cũng phản bác lại cho rằng đó chỉ là "quan điểm cá nhơn của riêng ông" và "Halderman không phải là phát ngôn viên của tổng thống."

Tuy vậy, sau đó Nixon cũng nhanh chóng tán thành quan điểm của ông chánh văn phòng của mình khi cho rằng việc những người bên Dân Chủ, cạnh tranh chức vụ tổng thống với ông, chỉ trích đề nghị hòa bình như vậy "có thể khuyến khích cộng sản kéo dài chiến tranh đến sau bầu cử tháng Mười Một." (Bầu cử tổng thống Huê Kỳ). Trong bài phát biểu trên hệ thống truyền thanh ngày 9.2.1972, Nixon tuyên bố rằng ông không thắc mắc gì về chân tình hoặc lòng yêu nước của những người chỉ trích chiến tranh, nhưng trong lúc "người ta luôn luôn có thể tự do tranh luận và chỉ trích" nhưng đừng cản trở việc mưu tìm một nền "hòa bình trong danh dự." Richard Nixon nhắc nhở các đối thủ của ông bên đảng Dân Chủ là "chúng ta chỉ có một ông tổng thống, và chỉ có tổng thống mới thương lượng để kết thúc chiến tranh." Trong cuộc họp báo ngày kế tiếp, Nixon lập lại là những người đối kháng lại ông có quyền đưa ra những đề nghị "có thể lật đổ chánh phủ Nam Việt Nam, hoặc giả đề nghị nào khác có thể làm đẹp lòng đối phương," và như vậy "nếu đối phương không chịu thương thuyết thì những ai khuyến khích cho đối phương kéo dài thời gian, chờ ngày bầu cử sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm."

Sau đó, Tổng Thống Nixon lên đường thực hiện chuyến đi lịch sử sang Trung Quốc, lòng đầy hy vọng sẽ vận động được Tàu (và kế đó là Liên Xô) tiếp tay với ông kết thúc chiến tranh và cùng ông xây dựng "một trật tự thế giới mới." Trước khi công du, Nixon còn bảo đảm với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là sẽ không có "thỏa thuận riêng tư" với Trung Quốc về Việt Nam.

Theo tài liệu đã được giải mật thì ngày 6.2.1972, Nixon và Kissinger đã tung ra một sáng kiến ngoại giao cuối cùng, thật tân kỳ, nhưng lại không thành công. Sáng kiến này được giữ kín và cũng không thấy ghi trong bút ký của hai người. Hai ông định tiếp xúc với Lê Đức Thọ trên đất Trung Quốc, trong thời gian công du của Nixon.

Ông Thiệu không biết được ý định này. Ông có tâm sự với Hoàng Đức Nhã: "Huê Kỳ tìm một cô nhơn tình coi được hơn và nay Nixon đã phát hiện ra Trung Quốc. Ông ấy không muốn bà bạn gái cũ quấy rầy nữa. Việt Nam đã trở nên già và xấu xí rồi!" Trong khi Nixon và Kissinger gặp Chu Ân Lai thì ở Sài Gòn đại sứ Bunker vào dinh Độc Lập để gặp ông Thiệu. Qua cuộc diện kiến ngày 21 tháng Hai đó, ông Thiệu đặt vấn đề với Bunker là liệu Mỹ có gặp Lê Đức Thọ ở Bắc Kinh không? Dĩ nhiên là Bunker làm sao có thể trả lời dứt khoát được.

Trung Quốc từ chối không chịu cho mở cuộc hội đàm riêng lẻ về Việt Nam, nhơn chuyến công du. Làm cho Nixon phải giữ ý là không nên quá tham lam, vì bang giao với Trung Quốc sẽ được nhiều lợi lộc rồi, còn muốn kèm theo chuyện Việt Nam nữa làm gì. Vậy mà, Việt Nam cũng là đề tài trong nhiều cuộc trao đổi riêng tư giữa Nixon, Kissinger, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Ngày 22.2.1972, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Chu Ân Lai thố lộ với Nixon: "Hiệp Định Genève là một điều sai lầm vì nó làm cho Mỹ phải bị sa lầy... Ngoại trưởng Foster Dulles đã làm cho Mỹ phải bị dính líu vào... Hồ Chí Minh có thể đã thắng cử và quan hệ với Huê Kỳ có thể được tốt hơn... Vấn đề cấp bách hiện nay là Đông Dương, cả thế giới đang nhìn vào đó."

Khi Chu hỏi lập trường của ông về Việt Nam thì Nixon cho biết là Mỹ mong muốn ra khỏi Việt Nam. Quân Mỹ hiện nay chỉ còn không đầy một trăm ngàn, và vào tháng Tư sẽ có nhiều quân lính ra về nữa. Trong vòng vài ba tháng tới đây, vai trò của Mỹ "sẽ chấm dứt, dĩ nhiên là còn lại vấn đề tù binh chưa giải quyết xong." Nixon cho biết là nếu ngồi đối diện với Bắc Việt, ông sẽ thương thuyết để ngưng bắn, đem tù binh Mỹ về và ra khỏi Việt Nam trong vòng sáu tháng, nhưng ông sẽ không bỏ rơi ông Thiệu. Theo Nixon thì mặc dầu Mỹ đã đưa ra giải pháp rút hết người Mỹ và ngưng bắn trên toàn cõi Đông Dương, miễn là Mỹ đem được tù binh về. Vậy mà Bắc Việt cũng chưa bằng lòng mà cứ đòi hỏi Huê Kỳ phải áp đặt một giải pháp chánh trị.

Tổng Thống Nixon nói rằng: "Người được lợi để cho chiến tranh tiếp diễn là Liên Xô. Nước này muốn cho Huê Kỳ bị cầm chưn ở đó. Dĩ nhiên là họ muốn càng ngày càng có ảnh hưởng ở Bắc Việt. Tin tức tình báo của chúng tôi cho biết là thậm chí họ còn xúi giục Hà Nội cứ giữ vững lập trường và đừng dàn xếp gì hết."

Ông Nixon muốn cho Trung Quốc hiểu rằng: "... con đường thương thuyết đã được rộng mở, và như tôi đã nói, chúng tôi mong muốn chỉ thương thuyết những vấn đề quân sự mà thôi, nếu như bên kia muốn. Còn thương thuyết một cuộc dàn xếp chánh trị thì ông Thiệu phải từ chức và một ủy ban vô tư sẽ đứng ra tổ chức cuộc bầu cử. Nếu như, để đáp lại những đề nghị của chúng tôi, Bắc Việt Nam chọn lựa giải pháp đẩy mạnh chuyện đánh nhau thì tôi chẳng còn cách nào khác hơn và điều mà tôi phải làm có khả năng sẽ vô cùng quyết liệt. Đó là ý định của tôi, và đó là những gì sẽ xảy ra để cho những quốc gia khác trên thế giới biết rằng Huê Kỳ sẽ phản ứng mạnh nếu bị thử thách. Sau cùng, Huê Kỳ sẵn sàng viện trợ kinh tế dồi dào cho Cam Bốt, Lào và Bắc Việt Nam để phục hồi và cho Nam Việt Nam, trong trường hợp có dàn xếp. Chúng tôi không muốn để lại phía sau một "cái đuôi" (từ của Chu Ân Lai). Chúng tôi không muốn có căn cứ. Chúng tôi chấp nhận một vùng trung lập. Mặt khác, cần phải có hai bên mới thỏa thuận được."

Chu Ân Lai ngạc nhiên khi nghe Nixon nói rằng Huê Kỳ không thể dẹp bỏ một người bạn như Thiệu, nhưng tại sao trong quá khứ Mỹ đã từng loại bỏ ông Diệm? Có thể Chu không biết được rằng Mỹ cần ông Thiệu để cho không lực Huê Kỳ còn có cơ trở lại. Bất cứ người nào khác ngồi địa vị của ông Thiệu, nhứt là Đại Tướng Dương Văn Minh, người có khả năng hình thành một chánh phủ liên hiệp thì sẽ bác bỏ chuyện sử dụng B-52 ngay. Nixon cần có Thiệu để ngăn ngừa Nam Việt Nam đi về phía trung lập và từ đó sẽ chuyển qua vòng tay kiểm soát của cộng sản chẳng bao lâu. Cuối cùng, Chu kết thúc: "Không nên bế quan tỏa cảng con đường thương thuyết. Chúng tôi chỉ có thể làm được như vậy. Chúng tôi không thể xen vào chuyện của họ." Để đáp lại, Nixon nói ra một điều hơi lạ tai: "Tôi nghĩ rằng tôi có thể hiểu được điều đó, dẫu cho tôi chống lại. Tôi có thể hiểu được chuyện Bắc Việt Nam tiến xuống miền Nam vì tất cả là nước Việt Nam. Nhưng, không có lý do gì Bắc Việt lại tiến sang Cam Bốt."

Sau chuyến đi của Nixon và Kissinger sang Bắc Kinh, Chu Ân Lai sang Hà Nội để trấn an Bắc Việt. Phía bên này thì Kissinger đi Sài Gòn để trấn an Tổng Thống Thiệu. Nhưng không bên nào, Nam cũng như Bắc, tin tưởng câu chuyện của hai sứ giả trình bày.

Trong khi đang ở Trung Quốc, Kissinger nhận được công điện của Tướng Vernon Walters (tùy viên quân lực sứ quán Mỹ/Paris) cho biết là phái đoàn Bắc Việt ở Paris mời Kissinger đến dự "bữa ăn làm việc", ngay sau chuyến đi Bắc Kinh. Một điều khá bất ngờ vì chưa từng có một viên chức Mỹ nào được mời ăn, trong suốt thời kỳ hội đàm cho đến lúc bấy giờ. Kissinger nghĩ rằng chắc là hòa đàm sẽ khai thông chăng?

Xem tiếp

 

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.