PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài 8

Mùa hè đỏ lửa

 

Tính đến tháng Giêng 1972, Huê Kỳ đã nhượng bộ phía cộng sản hầu hết những điểm chánh, kể cả điều mặc nhiên không nói trắng ra là "ngừng bắn tại chỗ". Như vậy, quân Bắc Việt cứ ở lại miền Nam nếu họ đã "trót" ở đó rồi! Người ta có thể thấy trước những "đoạn phim" sẽ chiếu ra. Bắc Việt không mượn được bàn tay "lông lá" của Mỹ để hất cẳng ông Thiệu. Bắc Việt không có ý định gác kiếm, rửa tay, ngưng chiến đấu, nếu chưa lấy lại được miền Nam, cái "vú sữa" của miền Bắc. Thế là, Bắc Việt cho thấy đã có một chiến lược hiển nhiên là cản trở hòa bình, đưa quân vào Nam, và chỉ dàn xếp khi nào "ngưng bắn tại chỗ" đã gần thành "chiến thắng tại chỗ".

Tháng này qua tháng nọ, Lê Đức Thọ cứ làm cho Kissinger nuôi hy vọng là sẽ bắt đầu có thương lượng nghiêm chỉnh, nhưng tất cả chỉ là những trò gian lận, xảo trá. Ngày lễ Phục Sinh 30.3.1972, Bắc Việt mở một cuộc tấn công quy mô nhứt trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam. Một trận đánh theo kiểu chiến tranh cổ điển, cốt giáng cho quân đội Nam Việt Nam một đòn trí mạng và dự trù kéo dài sáu tháng.

Tướng Giáp đưa "con gà" của mình là Văn Tiến Dũng ra chỉ huy "Chiến Dịch Xuân-Hè 1972" này, theo cách gọi của Việt Cộng. Dũng là bậc lão thành của Sư Đoàn 320, đã một thời đánh Pháp ở vùng châu thổ Sông Hồng. Chiến thuật áp dụng trong trận đánh này hoàn toàn khác biệt với lối đánh xưa nay của cộng quân. Giáp muốn áp dụng lối đánh biển người với mục đích cướp và giữ đất, kể cả việc đánh úp những thành phố quan trọng miền Nam như Huế và Đà Nẳng. Trận đánh xuất phát từ những sào huyệt của cộng quân Bắc Việt ở Lào và Cam Bốt.

Tài liệu tịch thu của cộng quân, cũng như kết quả điều tra tù binh Bắc Việt cho biết rằng tướng Giáp muốn tiêu diệt càng nhiều quân đội Việt Nam Cộng Hòa càng hay. Nếu chiếm được những vùng đông dân cư sẽ tạo điều kiện cho Việt Cộng đánh úp cả thủ đô Sài Gòn. Chiến thuật trong trận đánh này hoàn toàn khác biệt với lối "đánh rồi chạy", kiểu cò con, đã được áp dụng xưa nay. Tướng Giáp hy vọng rằng, chiến dịch xuân-hè này sẽ lật đổ được chánh phủ Nguyễn Văn Thiệu. Còn tổng thống Nixon thì tin tưởng rằng phen này địch quân quyết tâm đánh một trận "được ăn cả, ngã về không".

Cuộc tấn công lễ Phục Sinh đó nổ ra trong lúc Nixon và Kissinger đang chuẩn bị cho kỳ thượng đỉnh lịch sử thứ nhì với lãnh tụ cộng sản Liên Xô, Leonid Brezhnev. Kissinger dự tính âm thầm đi Mạc Tư Khoa từ 20 đến 25.4.72 để sắp xếp chuyến đi của Nixon.

Ngày 01.4.72, Nixon trả đũa lại cuộc tấn công của quân cộng sản với trận ném bom Bắc Việt Nam trong vòng 25 dặm của vùng phi quân sự. Đến ngày 14.4, ông ra lịnh oanh kích đến tận vĩ tuyến 20. Hậu quả là Bắc Việt lại ngưng hòa đàm. Sau bốn ngày đánh bom miền Bắc, nhựt ký của ông chánh văn phòng tổng thống Nixon ghi:"Đây là lần đầu tiên tổng thống cho tập trung một lực lượng hùng hậu B-52, trong chiến dịch mang tên "Freedom Train" (Con tàu tự do), dành cho Bắc Việt Nam. Tổng thống nghĩ rằng làm như vậy, chúng ta sẽ có được cơ hội thuận lợi để thương thuyết, một dịp may mà trước nay tổng thống chưa thật sự cảm thấy bao giờ. Tổng thống nghĩ rằng cộng sản tấn công như vậy là một hành động liều lĩnh và họ sẽ phải điều đình. Kissinger cũng cùng quan điểm với tổng thống. 

Ngày 12.4.72, sau đợt ném bom và hải pháo đánh vào Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chu Ân Lai trao đổi với Nguyễn Tiến, đại biện lâm thời của Hà Nội tại Bắc Kinh:"Huê Kỳ đang mở rộng cuộc ném bom và nới rộng mặt trận để ngăn ngừa thất bại. Điều đó nhứt định sẽ không thành công. Nhơn dân Đông Dương đang đoàn kết đứng lên và tay trong tay chiến đấu. Dẫu cho Huê Kỳ có mang chiến tranh đến đâu đi nữa thì họ cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề. Trung Quốc kiên quyết ủng hộ lập trường đứng đắn của chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và sẽ làm hết sức mình để ủng hộ nhơn dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đến cùng."

Ngày 16.4.72, một đợt không kích mới của chiến dịch "Freedom Train", với năm B-52, tiến đánh các mục tiêu trong khu vực Hà Nội-Hải Phòng. Có bốn chiếc tàu của Liên Xô bị lạc đạn, nhưng Liên Xô không có phản ứng gì. Để cho Huê Kỳ ngầm hiểu rằng Liên Xô không muốn để cho dự án "thượng đỉnh" sắp tới bị ảnh hưởng.

Ngày 20.4.72, Kissinger kín đáo đi Mạc Tư Khoa và được tiếp đón hết sức hữu nghị. Liên Xô cho Kissinger biết ý định mong muốn giúp đỡ Huê Kỳ trong chuyện dàn xếp ở Việt Nam và loại bỏ mọi trở ngại cho thượng đỉnh sắp tới. Kissinger hứa với Brezhnev là Huê Kỳ sẽ chấp nhận cuộc ngưng bắn tại chỗ, cũng như sự hiện diện của quân Bắc Việt ở Nam Việt Nam - kể cả số quân xâm nhập sau cuộc tấn công lễ Phục Sinh. Kissinger yêu cầu Mạc Tư Khoa nói lại cho Hà Nội biết, vì lập trường đó nay đã chánh thức rồi.

Ngày 24.4.72, trong một điện văn gởi cho Đại sứ Bunker ở Sài Gòn, Kissinger yêu cầu ông đại sứ xin tổng thống Thiệu đừng tiết lộ gì về chuyến đi Mạc Tư Khoa của Kissinger, vì Liên Xô không muốn người ta biết rằng vấn đề Việt Nam đã được bàn với Nga. Thông cáo chánh thức của Bạch Cung chỉ nói rằng Kissinger đã có mặt ở Mạc Tư Khoa từ 20.4 đến 24.4 để bàn bạc với Gromyko về những vấn đề quốc tế quan trọng cũng như những vấn đề song phương, để chuẩn bị cho kỳ thượng đỉnh giữa Nixon và các lãnh tụ Liên Xô vào tháng Năm sắp tới.

Qua chuyến đi để chuẩn bị thượng đỉnh, Liên Xô có hứa với Kissinger là sẽ giúp Huê Kỳ để hòa đàm tiến triển nhanh. Để trắc nghiệm ảnh hưởng của Liên Xô với Hà Nội, phía Mỹ đề nghị họp khoáng đại hòa đàm Paris ngày 27.4. Phía Bắc Việt để nghị mật đàm ngày 02.5. Phía Mỹ định rằng nếu lần này mà chẳng có gì cụ thể thì sẽ làm mạnh và có thể lại đình chỉ hòa đàm.

Trong khi đó, trưởng ban đối ngoại của Ủy Ban Trung Ương Đảng Liên Xô, Konstantin Katushev, bay đi Hà Nội thông báo cho Phạm Văn Đồng biết ý định của Nixon. Chạm tự ái, Đồng nổi nóng:"Ai cho phép bọn họ đe dọa chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho bọn họ thấy rằng chương trình 'Việt Nam Hóa' của họ nhất định sẽ thất bại. Bọn bù nhìn chắc chắn sẽ bị quét sạch và không có phương cách nào làm cho chúng nó sống dậy."

Ấy thế mà tin tức chiến trường Quảng Trị chẳng có gì lạc quan. Tướng Abrams, tư lịnh chiến trường Việt Nam, điện cho Kissinger tin Quảng Trị thất thủ và mặt trận Huế cực kỳ sôi động. Với thất bại ở chiến tuyến cộng với thảm cảnh trên "đại lộ kinh hoàng", Tướng Abrams cho Kissinger biết rằng quân đội Việt Nam Cộng Hòa có thể sẽ mất tinh thần, không chiến đấu được và "toàn bộ sẽ hỏng hết".

Trong nhựt ký, Nixon để lộ sự chán nản và có ý muốn từ chức. Nhưng Kissinger khuyên lơn "lẽ nào lại để cho Bắc Việt Nam làm hỏng sự nghiệp của hai tổng thống sao". Trong sổ tay, ông chánh văn phòng Haldeman ghi:"Hai người (Nixon và Kissinger) đồng ý là dẫu có ra sao đi nữa thì mình cũng phải kết thúc chiến tranh vào tháng Tám. Hoặc là chúng ta đánh tan được họ hay là họ sẽ đánh bại mình, thế là chiến cuộc sẽ chấm dứt."

Bầu không khí của phiên mật đàm ngày 2.5 rất nặng nề và căng thẳng. Theo ông Lưu Văn Lợi (đại tá, thành viên trong phái đoàn cộng sản) thì trong phiên họp đó Kissinger "không còn giữ được dáng dấp của một giáo sư đại học, thích diễn giãi dông dài và lúc nào cũng bông đùa, mà đã trở thành một con người ít nói, có vẻ bối rối và trầm tư." Y như rằng, hôm đó phiên họp giữa Kissinger với Lê Đức Thọ hơi thô bạo vì, với chiến thắng của cộng quân ở Quảng Trị, Thọ cho rằng Nam Việt Nam sụp đổ đến nơi.

Tin tưởng rằng ảnh hưởng của Liên Xô có thể đem lại hiệu quả, nhưng phiên mật đàm ngày 2.5 đã làm cho Kissinger vỡ mộng. Với tin tức chiến trường, phía cộng sản lại hung hăng hơn và còn tìm cách khai thác tình hình chống đối trong quốc nội Huê Kỳ. Lê Đức Thọ viện dẫn lời tuyên bố ngày 8.4 của Thượng nghị sĩ Fulbright, cho rằng "hoạt động quân sự của lực lượng võ trang yêu nước đã bùng lên cũng là phản ứng tự nhiên để đáp ứng lại chánh sách của Huê Kỳ nhằm phá hoại Hiệp định Genève 1954." Ngoài ra, Lê Đức Thọ và Xuân Thủy lại còn đòi Mỹ phải loại bỏ ông Thiệu ngay và rút quân nhanh chóng hơn nữa. Cuối cùng, khi Kissinger thắc mắc là Liên Xô không có nói gì với Bắc Việt sao, thì Thọ trả lời thẳng thừng:"Chúng tôi đã nhiều lần nói với các ông là có vấn đề gì nên nói trực tiếp với chúng tôi, rồi chúng tôi sẽ trả lời thẳng cho các ông. Chúng tôi không nói chuyện qua trung gian. Nếu như quý ông có gì thì cứ nói ngay, chúng tôi sẵn sàng thảo luận với các ông." Thế là cuộc mật đàm kết thúc, chẳng đâu ra đâu hết, mà cũng không có hứa hẹn gì cho phiên họp tới.

Một phiên mật đàm mà những người đối thoại phía cộng sản bị Kissinger cho là "xấc láo""khó chịu". Trong tờ trình cho Nixon, Kissinger báo cáo:"Hôm nay, tôi đã mất ba tiếng đồng hồ với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy, qua một cuộc mật đàm mà thực chất hoàn toàn vô tích sự nhưng lại làm cho thời gian hòa đàm của chúng ta kéo dài thêm... Họ cho thấy rõ là sẽ không giảm bớt chuyện đánh nhau hoặc đưa ra điều gì mới trong cuộc dàn xếp."

Rõ ràng là chiến trường tác động mạnh đến bàn hội nghị. Sau khi cộng sản chiếm được Quảng Trị rồi, Kissinger gặp rất nhiều bực mình khi mật đàm với Lê Đức Thọ. Một cuộc mật đàm phải vận động mãi mới được – vì đã bị gián đoạn – nhưng khi nhập cuộc, Thọ chĩ đọc tin tức trên báo về những diễn tiến ở Quảng Trị cho Kissinger nghe. Để đáp lại lời của Kissinger nói rằng "đâu phải tôi lặn lội hàng ngàn cây số đến đây và vận động năm tháng trời mới được buổi mật đàm hôm nay, rồi chỉ được nghe ông đọc báo sao" thì Thọ tỉnh bơ nói:"Nếu quả như vậy thì có sao đâu?" Sau biến cố khó chịu đó, Mỹ chỉ thị cho Đại sứ Porter hủy bỏ phiên họp khoáng đại tại hội trường Majestic.

Nixon cũng bực mình cao độ. Nhựt ký ngày 2.5.72 của Nixon viết:   "Đây là cơ hội cuối cùng của Hà Nội. Bây giờ tôi quyết định là phải làm cho cuộc xâm chiếm của Bắc Việt Nam bị thất bại." Mỹ thấy rằng, Hà Nội ương bướng trở lại vì tin tưởng rằng mặt trận quân sự sễ đem lại thắng lợi chánh trị cho họ. Nixon có ý định hành động theo bản năng của mình.

Nixon yêu cầu Kissinger và Haldeman đến gặp Bộ Trưởng Tài Chánh John Connally, một người bạn thân tín của Nixon. Connally dứt khoát:"Điều quan trọng nhứt là tổng thống không được thua cuộc chiến! Và ông ấy không nên hủy bỏ thượng đỉnh. Ông ấy phải có quyết tâm và phải tỏ ra có tài lãnh đạo trong vụ này." Sau đó, trong một buổi họp với Kissinger, Haig, Connally và Haldeman, Nixon tâm sự rằng sai lầm lớn nhứt của ông là không chịu nghe theo bản năng, oanh tạc Bắc Việt cùng lúc với tấn công qua Cam Bốt. Nixon kết luận:"Dù sao đi nữa thì chúng ta không thể thua cuộc chiến này".

Ngày 8.5.72, tổng thống Nixon triệu tập cuộc họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (HĐANQG) để bàn về chuyện đặt mìn cảng Hải Phòng và tái oanh kích vùng Hà Nội-Hải Phòng. Sau phiên họp với HĐANQG, Nixon triệu tập hội đồng nội các để loan báo quyết định hành động mạnh với Hà Nội. Đồng thời Nixon cũng mời cấp lãnh đạo lưỡng viện Quốc Hội, một hành động cho thấy Mỹ nhứt định làm to chuyện trong chiến tranh Việt Nam.

Trong bài diễn văn truyền hình phát đi trên toàn quốc, tổng thống Nixon cho biết:"Chỉ có một cách duy nhứt để chấm dứt cuộc giết hại lẫn nhau. Đó là đừng để cho bọn tội phạm quốc tế Bắc Việt nắm võ khí chiến tranh trong tay. Tôi đã ra lịnh những biện pháp kể sau, hiện đang được tiến hành, trong khi tôi đang thưa chuyện cùng đồng bào." Sau đó, Nixon trình bày kế hoạch phong tỏa đường biển Bắc Việt, đồng thời chương trình thương thảo với Hà Nội. Chủ yếu là Nixon quyết tâm bảo vệ sinh mạng của quân nhân Mỹ và Nam Việt Nam, cũng như không để cho cộng sản thắng thế về chánh trị ở Nam Việt Nam. Sau đợt nặng tay của Nixon, hậu phương của cộng sản có phần nao núng và tiền tuyến Quảng Trị cũng bị ảnh hưởng không mấy tốt đẹp.

Về chiến dịch "Mùa Hè Đỏ Lửa", bên nào cũng cho là "phe ta" thắng lợi và thành công! Thế nhưng, trong đoản kỳ thì rõ ràng là một thất bại của lực lượng võ trang nhân dân Bắc Việt, lại còn có cơ làm cho đại tướng "anh hùng Điện Biên" mất chức. Vì phải rải quân cho ba mặt trận, Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, lại áp dụng chiến thuật biển người nên không đủ sức tập trung hỏa lực mà chiếm đất. Thiệt hại quân số Bắc Việt trong chiến dịch "Mùa Hè Đỏ Lửa" cũng nặng nề, nhiều đơn vị tiêu tan, một vài tiểu đoàn chỉ còn lại có 50 người. Ngoài ra, chiến dịch "Linebacker" (Ủng hộ chiến tuyến) của không quân Huê Kỳ cũng làm cho tuyến "hậu cần" của cộng sản bị tổn thất nặng nề, chi viện cho tiền tuyến phía Nam không kịp mà cũng không đủ.

Đối với Nam Việt Nam thì "Mùa Hè Đỏ Lửa" đem lại một chiến thắng "có tiếng nhưng không có miếng". Với hậu thuẩn của không lực Huê Kỳ, chiến dịch này cho thấy chương trình "Việt Nam Hóa" có lý, ít ra còn khá hơn ở hành quân Lam Sơn 719. Thế nhưng, điều thực tế là "Việt Nam Hóa" nhưng vẫn còn phải có hậu thuẫn hỏa lực cửa Mỹ. Kết hợp với tác dụng của "Linebacker", trận đòn đau đớn của "Mùa Hè Đỏ Lửa" đã làm cho Hà Nội phải xét lại thái độ của mình ở hòa đàm Paris.

Ngày 20.5.1972, tổng thống Nixon lên đường đi Mạc Tư Khoa để họp thượng đỉnh, một cuộc họp được Kissinger cho là một biến cố ngoại giao chưa từng có. Thượng đỉnh họp chánh thức ngày 22.5.72, như đã dự trù, trong đó chuyện Việt Nam được bàn đến nhiều nhứt, nhưng quan trọng hơn hết là khi Kissinger tuyên bố rằng Huê Kỳ sẽ chấp nhận hội đồng bầu cử ba thành phần ở Nam Việt Nam, gồm có chánh phủ Sài Gòn, Việt Cộng và phe trung lập. Vậy mà, vẫn như trước kia, ông Thiệu cũng không được Mỹ cho biết về nhượng bộ đó.

Ông Thiệu nóng lòng muốn biết Mỹ và Liên Xô cam kết những gì? Mãi đến ngày 17.6.72, đại sứ Bunker mới chuyển lời của Nixon cho ông Thiệu biết rằng Mỹ không có nhượng bộ gì lớn lao, rằng "Mùa Hè Đỏ Lửa" đã ép buộc Hà Nội phải nhượng bộ những gì họ không đạt được ở chiến trường, rằng tổng thống Nixon vẫn hoàn toàn ủng hộ ông Thiệu. Không biết có phải do áp lực của Liên Xô hay không mà Hà Nội cho thấy rằng họ tiếp tục mật đàm trở lại.

Ngày 12.7.1972, trên đường trở lại Paris, Thọ ghé qua Bắc Kinh gặp Chu Ân Lai trở lại. Vào lúc này thì thất bại của cộng sản ở "Mùa Hè Đỏ Lửa" đã rõ trắng đen nên Chu khuyên Thọ nên nắm lấy đề nghị mới nhứt của Kissinger. Theo lời Chu thì:"Phe ta không nhìn nhận Nguyễn Văn Thiệu vì hắn ta là bù nhìn của Mỹ. Thế nhưng, mình cũng có thể coi hắn ta là đại diện của một trong ba thành phần của chánh phủ liên hiệp. Chánh phủ này sẽ thỏa thuận nhau về nguyên tắc căn bản để dựa theo đó mà kiểm soát tình hình sau khi Mỹ rút quân. Huê Kỳ sẽ theo dõi tư thế của Thiệu trong chánh phủ đó và như vậy họ có thể chấp nhận một giải pháp chánh trị hơn. Trong trường hợp cuộc thương lượng giữa ba thành phần thất bại thì chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu." Nhưng Thọ cứ kiên quyết là không thể chấp nhận một giải pháp nào có Thiệu trong đó. Chu khuyên Thọ nên linh động hơn trong hội đàm. Nếu như Bắc Việt lại tỏ ý chấp nhận giải pháp có Thiệu thì sẽ tạo một sự bất ngờ lớn lao cho phía Mỹ, với lập luận:"Dĩ nhiên là Thiệu làm sao mà đại diện cho một chánh phủ liên hiệp được. Nhung, trong thương thuyết, tạo bất ngờ là điều cần thiết."

Thế nhưng, Thọ cứ nằng nặc nhứt định phải loại bỏ Nguyễn Văn Thiệu. Thọ cho rằng nói chuyện với ai cũng được trừ Thiệu. Chu cảnh giác Thọ vì như vậy thì có thể nguy hiểm hơn vì chẳng khác nào một chánh sách "Thiệu mà không có Thiệu". Chu phân trần với Thọ là có chánh phủ liên hiêp rồi "phe ta" vẫn tiếp tục chiến đấu thì lo gì. Vấn đề tạm thời hiện lúc này là kéo dài thời gian để cho lực lượng võ trang Bắc Việt lấy lại sức và chỉnh đốn đội ngũ, sau "Mùa Hè Đỏ Lửa". Cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội nghĩ rằng, Thiệu hay chẳng Thiệu gì, sau khi Mỹ đi rồi thì miền Nam sẽ không còn.

Cuối cùng, ngày 19.7.1972, mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ tiếp nối trở lại. Một phiên mật đàm hết sức kỳ lạ và ngộ nghĩnh trong cả quá trình hòa đàm Paris. Hai bên bỗng nhiên bàn về nhơn vật Jimmy Hoffa, một chủ tịch công đoàn xe chở hàng lớn của Huê Kỳ. Đương sự dính líu vào một vụ "rửa tiền" cho Mafia Mỹ-Ý Đại Lợi, bị kết án 15 năm tù hồi 1967. Khi Nixon lên cầm quyền, có đợt vận động để ân xá Hoffa. Nixon giảm án cho Hoffa, dĩ nhiên là sau khi hàng trăm ngàn đô la được đóng góp vào quỹ vận động tranh cử của Nixon và sau khi Hoffa bảo đảm sẽ ra lịnh cho công đoàn "Teamster" dồn phiếu cho Nixon, trong cuộc bầu cử năm 1972.

Trước khi đi Paris mật đàm với Thọ, Kissinger có gặp William Taub, luật sư của Hoffa. Ông này vừa trao thơ của Hoffa cho đức giáo hoàng và cho Lê Đức Thọ. Trong thơ đó, Hoffa tự cho mình là có thể thay thế Kissinger vì ông cho biết là Lê Đức Thọ có thể trao tù binh Mỹ cho ông!? Một chuyện rất khó tin.

Ấy vậy mà, Thọ lại nêu ra với Kissinger trong phiên mật đàm ngày 19.7.72. Cộng sản Việt Nam lại dây mơ rễ má với một tên tội phạm người Mỹ về một vấn đề quan trọng như vậy?! Có thể Hoffa coi tập đoàn lãnh đạo ở Hà Nội chẳng khác nào một ổ Mafia. Thọ cho Kissinger biết rằng, Thọ cứ tưởng Hoffa là một lãnh tụ công đoàn thôi. Chuyến đi Hà Nội của Hoffa dự tính vào tháng Chín, nhưng không thành vì Ngoại trưởng William Rogers không chấp nhận thủ tục xuất cảnh cho Hoffa. Chưa có ai biết được Bắc Việt đã hứa gì với Hoffa và để đáp lại, Hoffa phải trả lễ ra sao.

Ngoài trường hợp Hoffa như là một chuyện mở đầu cho vui phiên mật đàm, phía Mỹ còn đưa ra một đề nghị mới, khẳng định ý muốn chấm dứt chiến tranh của Huê Kỳ. Kỳ mật đàm này Kissinger còn gián tiếp tiết lộ một điểm đặc biệt khi nói rằng:"Huê Kỳ có thể sống chung hòa bình với Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa thì Huê Kỳ cũng có thể xử sự như vậy với Hà Nội. Trong tương lai, Huê Kỳ không phải là mối đe dọa cho Hà Nội... Chúng tôi không gắn bó với một nhơn vật nào đặc biệt hoặc một khuynh hướng chánh trị nào đặc biệt ở Nam Việt Nam. Chúng tôi muốn để cho tình hình ở Nam Việt Nam diễn tiến tự nhiên, không có sự hiện diện cũng như không có ảnh hưởng nào mạnh mẽ của chúng tôi."

Lại một phiên mật đàm nữa chẳng đi đến đâu, nếu không muốn nói là chỉ để ấn định thời gian cho phiên mật đàm kế tiếp. Hai phái đoàn chia tay nhau và hẹn đến phiên họp ngày 01 tháng 8. Ở kỳ mật đàm này, Kissinger đưa ra giải pháp mới với 12 điểm, với nhượng bộ mới là Huê Kỳ chấp thuận giải quyết cùng lúc những vấn đề quân sự và chánh trị. Như vậy, kể ra cũng có tiến triển về số điểm đưa ra, trong kế hoạch hòa bình.

Tăng lên số điểm, nhưng đồng thời Huê Kỳ cũng bước thêm những bước thụt lùi. Với đề nghị mới này, Kissinger cho biết Huê Kỳ thỏa thuận rút về toàn bộ lực lượng đồng minh, cũng như thiết bị và tháo gỡ hết mọi căn cứ quân sự. Thời gian rút đi cũng thu ngắn còn bốn tháng. Mỹ cam kết tôn trọng tiến trình chánh trị, nhìn nhận trên thực tế bất kỳ chánh phủ mới nào ở Nam Việt Nam và tổng thống Thiệu sẽ từ chức hai tháng trước ngày bầu cử, nhưng thời gian từ chức này cũng có thể linh động.

Thế nhưng, Hà Nội vẫn trì hoãn và sau phiên mật đàm ngày 14.8.72 cũng không thấy có tiến triển. Rõ ràng là phái đoàn Bắc Việt cứ ù lì, chờ xem tình hình bầu cử tổng thống Huê Kỳ và diễn tiến chánh trị ở Sài Gòn. Hà Nội đứng trước một sự chọn lựa gay go. Hoặc giả họ có thể thỏa hiệp với một chánh phủ sẽ đem lại cho họ một cơ hội để len lỏi cướp quyền chánh trị ở miền Nam. Hai là họ có thể nán chờ, dẫu rằng gần như chắc chắn là họ sẽ phải đối đầu với chánh phủ đó, qua một nhiệm kỳ bốn năm nữa, trong đó người dân Mỹ không muốn cứ tiếp tục chịu đựng mười năm hy sinh đầy nhục nhã (2 năm với Johnson và 8 năm với Nixon). Trong tình hình đó, Huê Kỳ cảm thấy đã gần đến đích, quá trình thương thuyết tốt đẹp hơn và vẫn còn hy vọng đạt được một hòa bình trong danh dự. Thực ra, Hà Nội biết rằng cứ kéo dài thời gian như vậy, bộ đội miền Bắc càng xâm nhập miền Nam đông hơn và Huê Kỳ càng giảm bớt ý muốn ủng hộ ông Thiệu. Vậy là ông Thiệu cũng cảm thấy rằng cuộc chơi sắp tới hồi kết cuộc.

Xem tiếp

 

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.