PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự Chiến Tranh

Trước đèn đọc sách:

"No Peace, No Honor" by Larry Berman
Hòa bình đâu,danh dự còn lâu

----------------------------------

Bài 9

Kissinger và con đường mòn

 

Cuối mùa hè 1972, ứng cử viên George McGovern đã thất bại trong kế hoạch tạo ra hình ảnh hấp dẫn để hốt phiếu cử tri ở cuộc bầu cử tổng thống Huê Kỳ vào tháng 11 năm 1972. Y như rằng, khả năng tái đắc cử của Nixon càng ngày càng tốt đẹp hơn. Không phải như Tổng Thống Johnson hồi 1968 - khi mà Huê Kỳ đã lún sâu ở Nam Việt Nam và có vẻ như sắp thua đến nơi - vào giữa hè năm 1972, Tổng Thống Nixon được coi như là đương cố gắng để đạt được hòa bình. Quả vậy, đợt cài mìn Hải Phòng và leo thang ném bom Bắc Việt đã thôi thúc Hà Nội trở lại bàn hội đàm, đã tạo điều kiện cho quân chiến đấu Mỹ trở về nhà, dẫu là một cách chậm rải, nhưng chắc chắn là có trở về. Nixon cũng suýt gặp nguy cơ thất bại trên chiến trường, nhưng sau khi cộng sản bị thua thiệt ở "Mùa Hè Đỏ Lửa" và chiến dịch "Việt Nam Hóa" gần hoàn tất thì chuyện đó khó xảy ra.

Còn tình cảnh của Kissinger thì lại khác. "Hồ hởi, phấn khởi" với thành tích của mình ở Trung Quốc và Liên Xô, và càng ngày càng trở nên lừng danh trên thế giới, hơn bao giờ hết, ông muốn đạt được một hiệp định hòa bình ở Paris trước ngày bầu cử tổng thống Huê Kỳ. Bằng không thì Kissinger sợ rằng sau khi tái đắc cử, Nixon có thể càng "diều hâu" hơn nữa và biết đâu càng "điên tiết lên" mà ăn thua đủ với Bắc Việt (Có dư luận cho rằng, một đôi khi cáu tiết vì Việt Cộng, Nixon muốn cho Bắc Việt ăn bom hạt nhân). Ngoài ra, Quốc Hội có khuynh hướng định kết thúc chiến tranh bằng nghị quyết, mà Nixon lại không hội đủ điều kiện để phủ quyết.

Năm ba tuần lễ trước ngày bầu cử tổng thống Huê Kỳ, Kissinger và Alexander Haig năng nổ điều đình với Tổng Thống Thiệu cùng với hai trợ lý Nguyễn Phú Đức và Hoàng Đức Nhã. Tuy rằng học hành và tốt nghiệp bên Mỹ, cả hai trợ lý này không nghe theo Mỹ một cách ngoan ngoãn nhờ hiểu rành Mỹ và nắm được dư luận quần chúng. Hai nhơn vật này lo ngại là Kissinger cố gắng đạt được hòa bình bằng mọi giá, nhưng không biết ông ta sẽ nhượng bộ cộng sản đến như thế nào.

Ngày 17 tháng Tám, Kissinger và Bunker lại vào dinh Độc Lập để gặp Tổng Thống Thiệu, Nhã và Đức, một cuộc diện kiến mà dư luận cho rằng Kissinger tới để "áp đặt một giải pháp hòa bình" với ông Thiệu. Quả thật, hôm đó Kissinger đến để trình bày cho ông Thiệu một đề nghị mà Kissinger tin tưởng rằng Bắc Việt sẽ chấp thuận. Kissinger định đưa ra cho phía bên kia vào phiên họp ngày 15 tháng Chín.

Đề nghị mới này gồm có việc hình thành một hội đồng bầu cử hỗn hợp, ba thành phần, với tên gọi "Hội Đồng Hòa Giải Dân Tộc" về sau biến thành "Ủy Ban Trung Ương Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc". Kissinger rất tâm đắc với đề nghị này vì ông nghĩ như vậy sẽ tránh được cái chánh phủ liên hiệp mà cộng sản cứ đòi hỏi.

Thế nhưng, Tổng Thống Thiệu không chấp nhận đề nghị nào có hội đồng hòa giải vì, theo ông Thiệu thì đó chỉ là bước đầu để rồi sẽ đi tới một chánh phủ liên hiệp. Ngoài ra, còn những điểm chưa được làm rõ như cái thế của ông Thiệu, như số quân Bắc Việt trong Nam. Như để trấn an Tổng Thống Thiệu, Nixon viết thơ riêng cho Tổng Thống Thiệu:"Tôi xin nhứt quyết cam kết với tổng thống là chẳng khi nào chúng tôi giàn xếp gì với phía bên kia mà không có thảo luận trước với tổng thống." Thế nhưng, nói và làm có đi đôi không?

Chẳng hạn như mặc dầu nghĩ rằng sẽ có ngưng bắn, nhưng Kissinger lại nói với ông Thiệu là ông ta không nghĩ rằng chuyện đó sắp xảy ra vì Hà Nội chưa sẵn sàng. Kissinger nói rằng:"Chúng tôi muốn thực hiện tối đa những gì được cho là hợp lý, nhưng chúng tôi cũng phải giữ vững nguyên tắc là Huê Kỳ sẽ không khi nào kết thúc một cuộc chiến, trong đó 45.000 người của chúng tôi đã hy sinh, bằng cách đi với kẻ thù mà chống lại bằng hữu, hoặc giả phá tan một chánh phủ đồng minh với chúng tôi để đổi lấy 400 tù binh chiến tranh, hay chỉ để thắng trong một cuộc bầu cử, chúng tôi cũng không muốn thắng cử trên một căn bản như vậy. Sách vở lịch sử tồn tại lâu dài hơn một cuộc bầu cử."

Đối với ông Thiệu thì những lời nói của Kissinger chỉ có tính cách xã giao, đầu môi chót lưỡi thôi. Những chuyện quan trọng hơn - đối với Việt Nam Cộng Hòa – không thấy Kissinger đề cập đến. Như điểm hai bên cùng rút quân thì Kissinger nói là ông không đạt được sự đồng ý của Liên Xô. Thế rồi Kissinger lảng sang chuyện khác bằng cách nói là có thể xua quân vào Bắc Việt, một giả thuyết mà Hoàng Đức Nhã khôi hài cho là chẳng có nghĩa gì hết.

Ngày hôm sau, Kissinger lại trở vào dinh Độc Lập để diện kiến Tổng Thống Thiệu. Cũng để bàn tán những chuyện khơi khơi. Nào là ngừng bắn, nào là tiếp tục ném bom Bắc Việt qua ngày bầu cử tổng thống Huê Kỳ, nào là chuyện tù binh Huê Kỳ bị cộng sản giam giữ,...

Qua trao đổi với Kissinger, ông Thiệu thấy có vẻ Mỹ muốn ngưng bắn tại chỗ, một giải pháp không có lợi cho Nam Việt Nam. Kissinger cảm thấy rằng ông Thiệu xử sự gần giống như Lê Đức Thọ, nghĩa là cho thấy gần như ưng thuận để rồi chẳng đồng ý gì hết.

Kissinger rời Sài Gòn với một nhận xét chua cay là quan điểm của ông Thiệu về nội dung hòa đàm hoàn toàn khác biệt với Kissinger. Ông Thiệu chưa sẵn sàng để chấp nhận hòa bình qua thương thuyết. Tất cả những gì Tổng Thống Thiệu mong muốn là bộ đội miền Bắc rút về, sau đó là một cuộc bầu cử trong tinh thần mỗi người một lá phiếu. Ủy ban hòa hợp hòa giải có thể tổ chức bầu cử nhưng không có quyền cai trị. Theo tinh thần của điện văn gởi đại sứ Bunker ngày 19 tháng Tám, liên quan đến nội dung của đề nghị mà Kissinger sẽ trao cho Hà Nội ngày 15 tháng Chín, người ta thấy rõ rằng Mỹ và Nam Việt Nam vẫn chưa thỏa thuận nhau trên những điểm then chốt.

Thành thử ra, Kissinger đứng trong một thế vô cùng khó khăn, muốn thỏa hiệp với Bắc Việt, nhưng phải được Nam Việt Nam chấp nhận. Trong khi tình hình giữa ông Thiệu và Kissinger còn đương giằng co thì ngày 22 tháng Tám, Tổng Thống Nixon được đảng Cộng Hòa tín nhiệm cho ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Nên chi, lại phải thêm một dữ kiện nữa để thu xếp chuyện hòa đàm cho khớp với ngày bầu cử.

Trong bức thơ ngày 31 tháng Tám, Tổng Thống Nixon cố gắng thuyết phục để cho Tổng Thống Thiệu thuận tình với Bạch Cung. Nixon hứa là Huê Kỳ không khi nào phản bội đồng minh của mình và sẽ không bán rẻ Nam Việt Nam để đổi lấy hòa bình một cách dễ dàng. Bức thơ viết tiếp:"Giờ đây, chúng tôi không làm điều gì mà chúng tôi đã từ chối trong ba năm rưởi đã qua. Nhơn dân Mỹ biết rằng Huê Kỳ không thể mua lấy hòa bình hay danh dự, hoặc đem những sự hy sinh của mình đổi chác, mà ruồng bỏ người đồng minh quả cảm của mình. Điều đó sẽ không có tôi và sẽ chẳng bao giờ có tôi... nhưng muốn thành công ở đoạn đường cuối cùng, trên một hành trình dài đăng đẳng, thì chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng nhau. Lẽ nào vì bất đồng ý kiến mà chúng ta lại trao cho kẻ thù những gì chúng ta đã không đưa cho họ trong khi chúng ta đoàn kết." Đọc vậy thì biết vậy, nhưng Tổng Thống Thiệu cũng không thấy yên lòng bao nhiêu vì linh tính cho ông thấy rằng Huê Kỳ và Bắc Việt đã xích lại gần nhau trong chuyện hòa đàm.

Phiên mật đàm ngày 15.9.1972 kéo dài sáu tiếng đồng hồ, một phiên họp mà Kissinger cho là "khá lý thú, từ trước đến nay". Theo Kissinger thì trong phiên họp đó Bắc Việt có thái độ dè dặt, phần nào nôn nóng muốn biết thời điểm dứt khoát cho cuộc dàn xếp sau cùng và chưa khi nào thấy họ muốn mật đàm kế tiếp sớm sủa và thường hơn. Kissinger đưa ra đề nghị, trong đó có bầu cử tổng thống dưới sự giám sát của Hội đồng hòa hợp hòa giải, một đề nghị mà Kissinger cho Tổng Thống Nixon biết rằng "không được Sài Gòn hoàn toàn tán thành". Và cũng là một biện pháp mà Tổng Thống Thiệu ngại nhứt, vì nhứt định là nó sẽ dẫn tới một chánh phủ liên hiệp.

Trước phiên mật đàm kế tiếp, Kissinger nhận được một giác thơ của Tổng Thống Thiệu, liên quan đến đề nghị của cộng sản, qua kỳ họp kín ngày 15.9. Ông Thiệu cho rằng đề nghị kỳ này của Hà Nội có vẻ trịch thượng hơn đề nghị ngày 1.8.72 trước kia. Cộng sản chỉ muốn tìm cách bắt chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa phải đầu hàng vô điều kiện. Hơn nữa, đề nghị kỳ này đã để lộ âm mưu ý đồ đen tối của Lê Đức Thọ.

Thể theo yêu cầu của Thọ, kỳ mật đàm này kéo dài hai ngày liền, 26 và 27 tháng Chín. Bắc Việt có vẻ nôn nóng, muốn biết Huê Kỳ định ký kết trước hay sau ngày bầu cử tổng thống Huê Kỳ (tháng 11, 1972). Vậy mà, sau mười một giờ mật đàm trong hai ngày 26 và 27 với Thọ, cũng chẳng có tiến bộ gì đáng kể. Thọ có đề nghị một dạng biến thể của Hội đồng hòa hợp hòa giải, mang tên "Chánh phủ Lâm thời Hòa hợp Quốc gia", một chánh phủ hoàn toàn không có ông Thiệu. Kissinger cho rằng kế hoạch này của cộng sản cũng không thể chấp nhận được. Thế nhưng, cộng sản đã xích lại gần lập trường của Mỹ một cách từ từ. Theo Kissinger dự đoán thì, phiên mật đàm tới, dự tính vào ngày 8 tháng Mười, sẽ dứt khoát đạt được một sự dàn xếp hoặc giả sẽ tạo ra một loạt hành động quân sự mới.

Vậy mà đó không phải là điều mà Mỹ đã cho ông Thiệu biết. Đại sứ Bunker nói với Tổng Thống Thiệu:"Trong tương lai trước mắt, hầu như không có khả năng gì sẽ dàn xếp được từ nay cho đến tháng Mười Một, ngoại trừ Hà Nội thay đổi lập trường. Bây giờ thì chúng ta phải làm cách nào bảo đảm nắm được tình hình và chuẩn bị chiến lược cho thời kỳ sau bầu cử, theo đường hướng mà ông Kissinger đã thảo luận với tổng thống trong chuyến đi Việt Nam kỳ rồi của ông ấy."

Tổng Thống Thiệu tiếp tục vận động quần chúng, bêu riếu cộng sản cho rằng Bắc Việt đề nghị một giải pháp bịp bợm. Việt Nam Cộng Hòa là một chánh phủ hợp hiến và hợp pháp, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Thiệu, một tổng thống dân cử. Vậy thì, Huê Kỳ và Hà Nội lấy quyền gì để đưa ra giải pháp chánh trị này nọ cho tương lai Nam Việt Nam chớ? Trong cuộc nói chuyện tại một trường Đại học của Sài Gòn ngày 29.9.72, ông Thiệu cho rằng đề nghị mới của Việt Cộng còn "đồi bại và ngoan cố hơn trước" và nhấn mạnh rằng liên hiệp với cộng sản nghĩa là Nam Việt Nam sẽ thất bại trong chiến tranh chánh trị. Ông Thiệu đả kích mạnh mẽ "Lực lượng thứ ba" trong chánh trị Nam Việt Nam, một thành phần tự cho là có quyền cầm cân nẩy mực giữa Việt Nam Cộng Hòa và Chánh Phủ Lâm Thời miền Nam trong một chánh phủ ba thành phần. Trong bài diễn văn đọc tại Huế, Tổng Thống Thiệu cho rằng cái gọi là thành phần thứ ba đó gồm có "một số ít kẻ hoạt đầu, một nhóm tay sai và bọn lưu vong chánh trị, tự xưng là lực lượng thứ ba ở Nam Việt Nam." Theo ông Thiệu thì nhóm này là những người thân cộng.

Tại Việt Nam, luận điểm của Tổng Thống Thiệu càng củng cố thêm hình ảnh của ông như là một lãnh tụ quốc gia có khả năng kháng cự lại áp lực và mưu toan xen vào nộ bộ Nam Việt Nam của ngoại bang. Lập trường đó của Tổng Thống Thiệu cũng làm cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa lên tinh thần. Thế nhưng ở bên Mỹ lại là chuyện khác rồi. Ngay những người ủng hộ lâu đời chánh sách của tổng thống Mỹ cũng thắc mắc là tại sao ông Thiệu lại có vẻ như chống đối lại một giải pháp hòa bình qua thương thuyết. Kissinger lại than thân trách phận:"Người Việt Nam không biết hàm ơn."

Thấy cần phải hãm bớt ông Thiệu nên Nixon phái Tướng Haig sang Việt Nam với hai nhiệm vụ. Một là thuyết trình cho ông Thiệu về phiên mật đàm ngày 8 tháng Mười sắp tới của Kissinger với Lê Đức Thọ và hai là khuyên lơn Tổng Thống Thiệu nên bớt chống đối công khai. Do chỗ cùng là tướng lãnh với nhau, Tướng Haig nghĩ là dễ nói chuyện với ông Thiệu hơn. Kissinger không được lợi thế như Tướng Haig. Theo ông Thiệu thì Kissinger là một con người tráo trở, dễ nghe theo luận điệu của Hà Nội. Chính Tướng Haig còn bảo là:"Công bình mà nói thì ông Thiệu có lý."

Ngày 2.10.72, Tướng Haig và Đại Sứ Bunker đến dinh Độc Lập. Tướng Haig xin gặp chỉ một mình Tổng Thống Thiệu trước tiên, vì lúc ấy có Hoàng Đức Nhã cùng tiếp khách. Với một cung cách đầy tế nhị ngoại giao và trong tinh thần huynh đệ chi binh, Tướng Haig chuyển lời của Nixon cho ông Thiệu:"Tổng Thống Nixon yêu cầu Tổng Thống Thiệu nên thật sự quan tâm đến suy nghĩ thầm kín của Tổng Thống Nixon liên quan đến tình hình hiện nay của cuộc chiến. Điều này đặc biệt quan trọng, trong bầu không khí hiện nay, khi mà những dư luận của giới ngoại giao thông thường và những bài báo không chính xác và đầy tính suy diễn có thể làm cho hai nhà lãnh đạo dễ hiểu lầm." Kế đó, Haig trình bày một số đề nghị mà Kissinger định trao cho Lê Đức Thọ trong phiên mật đàm ngày 8.10.72. Như thường lệ, ông Thiệu lắng nghe, đặt một vài câu hỏi và không có vẻ gì bối rối lo ngại.

Trước khi lên đường đi Paris, Tướng Haig, cùng với Đại Sứ Bunker và John Negroponte (một trợ lý của Kissinger), đến họp với Tổng Thống Thiệu lần nữa. Lần này có sự tham dự của toàn thể Hội đồng An ninh Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Ông Thiệu cho rằng Kissinger bị những đề nghị của cộng sản "phục kích". Hội đồng Hòa hợp Quốc gia, không phải là chánh phủ nhưng trên thực chất là đã là như vậy rồi, vì cũng gồm ba thành phần của chánh phủ.

Phó Tổng Thống Trần Văn Hương kiểm điểm lại những gì Huê Kỳ đã nhượng bộ cộng sản, như Mỷ chịu để cho Mặt Trận tham dự hòa đàm, như vậy là công nhận Mặt trận như là một thực thể chánh trị. Cộng sản đòi Mỹ rút quân về trong khi Bắc Việt chẳng có hành động tương ứng, như vậy họ coi Mỹ là kẻ xâm lược. Như vậy, người Việt Nam phải có bổn phận đuổi Mỹ ra khỏi đất nước mình. Vậy thì Bắc Việt tự đặt mình vào thế người anh cả, có bổn phận thu xếp vấn đề giữa hai thành phần. Ông Hương nói rằng không thể tin cộng sản được, họ chẳng có hành động nào để đáp lại chuyện ngưng ném bom của Mỹ (Linebacker).

Để đáp ứng lại những điểm chỉ trích của những người lãnh đạo hành pháp Việt Nam trong Hội đồng An ninh Quốc gia, Tướng Haig chống chế rằng Huê Kỳ phải cân nhắc, thêm hai bớt một, để khỏi bị dư luận Mỹ chỉ trích, nhưng chủ yếu là chuyện Bắc Việt đòi hỏi Mỹ bỏ rơi Tổng Thống Thiệu và lật đổ chế độ Việt Nam Cộng Hòa là không thể thỏa mãn được.

Tổng Thống Thiệu cho rằng Kissinger diễn trò lá mặt lá trái với Việt Nam Cộng Hòa, vì ngày 13.9, ông có đưa ra một phản đề nghị, nhưng ngày 26.9, Kissinger lại trình bày một đề nghị chẳng có bao nhiêu điểm giống với đề nghị của ông Thiệu. Mỹ viện cớ rằng đề nghị của Sài Gòn sẽ làm cho hòa đàm phải đổ vỡ.

Thủ Tướng Khiêm cho rằng qua đề nghị hiện thời của Mỹ, Nam Việt Nam coi như là bù nhìn của Huê Kỳ và chẳng có bao nhiêu quyền hành. Trái lại, Mặt Trận thì trở thành một thế lực, chẳng khác nào người nghèo trúng số độc đắc.

Cuộc đối đáp qua lại cho thấy rõ ràng hai quan điểm Việt-Mỹ gần như đối đầu nhau về hòa đàm, Tướng Haig không biết phải tường trình như thế nào với Nixon đây. Ông Thiệu tóm lại một điểm là Huê Kỳ và Bắc Việt không thể quyết định về những vấn đề của Nam Việt Nam. Ông cho Haig biết rằng, Huê Kỳ muốn làm gì thì làm nhưng không thể tìm cách giải quyết chuyện nội bộ của Nam Việt Nam. Rõ ràng là giữa Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa có một mối bất đồng nghiêm trọng về chuyện thương thuyết để tìm hòa bình.

Tình hình khá căng thẳng đến đổi ngày 6.10.1972, Nixon cảnh giác Tổng Thống Thiệu là nếu sự hục hặc giữa hai bên bị tiết lộ công khai thì sẽ có sự gián đoạn đơn phương. Thậm chí Nixon còn đưa ra hình ảnh một cuộc đảo chánh để dọa ông Thiệu:"Tôi khuyên Tổng Thống nên tìm mọi cách để chúng ta khỏi đi tới một bầu không khí có thể đưa đến các biến cố tương tự như những diễn tiến làm cho chúng ta phải khiếp sợ hồi 1963..."

Cuối cùng ngày 9.10.72, phiên mật đàm quan trọng cũng diễn ra, trễ hơn dự tính một ngày, vì Tướng Haig kẹt ở Việt Nam để cố gắng điều đình với ông Thiệu. Phải mất trên 18 tháng điều đình và hàng chục ngàn người hy sinh mới đạt được điều mà lẽ ra hai bên phải thừa nhận tư đầu. Đó là việc Huê Kỳ không thể hoặc không muốn ép buộc tất cả bộ đội Bắc Việt ra khỏi Nam Việt Nam. Và Kissinger cũng không thể bận tâm đến như vậy về số phận của "chánh phủ nhu nhược và thiển cận của Nam Việt Nam."

Mở đầu phiên mật đàm, Kissinger đưa ngay đề nghị:"Trên bình diện chánh trị, chúng tôi công nhận hiện nay có hai quân đội, hai chánh phủ, và ba lực lượng chánh trị ở Nam Việt Nam. Đề nghị của Huê Kỳ phản ảnh rõ ràng nhận thức này. Chúng tôi cũng tôn trọng triệt để một nguyên tắc căn bản khác là thiết lập một bộ phận gồm có ba thành phần, sẽ có vai trò trung gian và cố vấn cho cả hai bên và có thể đóng góp vào việc thi hành những hiệp ước đã ký kết."

Kissinger lưu ý rằng đề nghị này là một nhượng bộ lớn lao về phía Huê Kỳ, và nói rõ rằng đề nghị này vẫn chưa được Sài Gòn chấp thuận về vấn đề bầu cử quốc hội và bầu cử tổng thống. Kissinger nhắc lại là bộ phận ba thành phần kia chỉ là bộ phận tạm thời, không phải là một chánh phủ vì chưa có trọng trách của một chánh phủ.

Huê Kỳ chịu để cho một số lực lượng võ trang miền Bắc ở trong Nam, nhưng Kissinger yêu cầu Hà Nội cung cấp danh sách những địa điểm đóng quân chính xác của bộ đội miền Bắc ở Nam Việt Nam và cũng yêu cầu Hà Nội đưa lực lượng chiến đấu trong chiến dịch "Mùa Hè Đỏ Lửa" về Bắc. Kissinger cũng nói rõ là không có tài liệu nào được ký kết cho biết là Mỹ có trách nhiệm bồi thường chiến tranh, nhưng Mỹ chịu tham gia vào kế hoạch tái thiết quy mô trên toàn bộ Đông Dương, qua một văn kiện đơn phương ký kết riêng rẻ.

Khi đến phiên mình phát biểu thì Lê Đức Thọ cho biết:"Để nhanh chóng kết thúc chiến tranh và tái lập hòa bình, để bày tỏ thiện chí, hôm nay chúng tôi đề nghị một điều mới mẽ về nội dung và về phương thức thực tế và đơn giản để thương thuyết. Đó là một Thỏa hiệp về chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình tại Việt Nam để giải quyết những vấn đề quân sự, bao gồm chuyện rút quân và thả tù binh, một cuộc ngừng bắn tại Việt Nam với sự giám sát và kiểm tra quốc tế." Cùng với điều mà Thọ gọi là "hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại kinh tế ở Bắc Việt Nam." Theo tinh thần bản đề nghị này thì sau khi thỏa hiệp đã được ký kết thì sẽ có ngừng bắn ngay.

Nghe Thọ nói như vậy, Kissinger mừng hết lớn vì đây là điều mà Kissinger mơ ước trong vòng bốn năm thương thảo đã qua. Đang ghi ghi chép chép, Kissinger bỗng dừng tay lại hỏi Thọ có thể cho xin một bản đề nghị, như vậy Kissinger khỏi phải ghi chép. Vậy là Thọ rút bản đề nghị từ trong túi ra trao cho phía Mỹ. Phái đoàn Huê Kỳ xin nghỉ giải lao, ra ngoài sân để tham khảo và tìm hiểu về bản đề nghị của Thọ. Kissinger cho rằng bản văn đó chứa đựng mầm móng cho một lối thoát.

Kết thúc phiên mật đàm, Kissinger phát biểu:"Thưa ông Cố vấn đặc biệt, thưa ông Bộ Trưởng, trước tiên tôi xin thưa là tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến mà ông Cố vấn vừa trình bày. Hai đất nước chúng ta sẽ thiết lập hòa bình và hòa bình sẽ mở cửa cho sự bang giao mới giữa hai nước. Mối bang giao này sẽ thay đổi những giao dịch thù địch từng hiện hữu đã nhiều năm qua. Căn cứ trên ý kiến và cung cách trình bày của ông Cố vấn, tôi nghĩ là ông Cố vấn đã mở ra một trang sử thương thuyết của chúng ta và chúng ta có khả năng đạt được một sự dàn xếp sớm sủa."

Thật ra, đề nghị gọi là mới này của Hà Nội chỉ lập lại – qua một lối hành văn khác - những điểm chánh của họ từ trước tới lúc bấy giờ, kết hợp với những nhượng bộ của Huê Kỳ, chẳng hạn như quân Bắc Việt không rút về Bắc. Đề nghị mới này vẫn còn dự trù có Hội đồng Hòa hợp Hòa giải, được diễn dịch dưới một dạng dứt khoát sẽ đưa tới một chánh phủ liên hiệp, một đề tài quan trọng mà Kissinger sẽ phải thương lượng với Sài Gòn trong những ngày sắp tới.

Những đề nghị qua lại của Hà Nội và Hoa Thạnh Đốn đều hàm chứa chút ít nhượng bộ của hai bên. Âu cũng là nguyên lý trong thuật thương thuyết mà thôi. Bắc Việt không còn đòi giải quyết tình trạng chánh trị của thể chế Nam Việt Nam như là tiền đề cho việc ngừng bắn. Đáp ứng lại, Huê Kỳ chấp nhận ngừng bắn tại chỗ (kể cả bộ đội đã xâm nhập trong chiến dịch "Mùa hè đỏ lửa") để đổi lấy tù binh Mỹ và việc rút quân chiến đấu và thiết bị quân sự về.

Được lời như cởi tấm lòng, Kissinger cảm thấy đời lên hương, sớm muộn gì ông cũng sẽ nổi tiếng là người đã kết thúc được cuộc chiến không được lòng dân Mỹ. Ông dựng lên kế hoạch, nào là chấp thuận hiệp định, rồi trở về Hoa Thạnh Đốn, rồi đi Sài Gòn để điều đình để năn nỉ ông Thiệu chấp nhận, rồi chánh thức ký kết hiệp định cho kịp ngày bầu cử tổng thống Huê Kỳ. Thậm chí Kissinger còn dự tính sẽ đi thăm đường mòn Hồ Chí Minh nữa kia!

Phiên mật đàm ngày 11.10.1972 là buổi họp lâu nhứt, kéo dài 16 tiếng đồng hồ. Kissinger lẫn Lê Đức Thọ đều "hồ hởi phấn khởi" với thành tích đã đạt được. Hai người chia tay nhau và hẹn ngày đặt chữ ký trên văn bản cuối cùng.

Ngày 12.10.72, Kissinger và Haig trở về Hoa Thạnh Đốn để báo cáo thành quả với Nixon. Nhưng Bạch Ốc không được vui trọn vẹn vì có vẻ hoài nghi. Đối với Kissinger, tái lập hòa bình để rút được GIs về, lấy lại tù binh và giữ chiếc ghế cho ông Thiệu thì còn đòi hỏi gì hơn. Thế nhưng dư luận của Bạch Ốc – qua ông chánh văn phòng Haldeman và phần nào qua Tướng Haig, trợ lý của Kissinger – cho rằng vì muốn được tiếng cá nhơn nên Kissinger đã hấp tấp nhượng bộ Bắc Việt. Giờ đây, vấn đề gay go còn lại là không biết Sài Gòn có nuốt được món ăn khó nhá đó hay không? Đại nạn của ngài tiến sĩ là phải điều đình với người Việt Nam, máu đỏ da vàng, phía quốc gia cũng như phía cộng sản!

 

Xem tiếp>>

 

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.