PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Lễ tang Nadia

 

  • PSN 28.06.2008 - Cổ Nhân
    1 | 2 | 3 |...

Nadia từ trần quá đột ngột. Mấy tiếng đồng hồ đã trôi qua, vậy mà Staline cứ đứng thẩn thờ trong phòng ăn, như cái xác không hồn, chừng như không muốn chấp nhận thực tế là Nadia đã chết. Thân nhân đều sửng sốt khi nghe Staline dọa sẽ tự vận để chết theo Nadia, một điều chưa một ai từng nghe thấy từ cửa miệng của Staline. Mấy ngày sau, ông vẫn còn ru rú trong phòng riêng, trầm ngâm suy nghĩ mãi về cái chết của Nadia. Génia và Pavel - vợ chồng người anh của Nadia - phải ở miết trong phòng với Staline, đề phòng ông có hành động xằng xiên.

Staline cứ thắc mắc không biết sao cớ sự lại đến như vậy, vừa ngạc nhiên vừa bực tức. Ông tự hỏi tại sao mình phải lãnh lấy một phát dao đâm sau lưng như vậy, vô cớ lại bất công. Ông liên kết hành động của Nadia với ý nghĩ là người ta thường tự vận để trừng phạt một ai đó. Có phải là vì ông đã không để ý đến bà, đã không thương yêu bà đúng mức? Ông thú nhận với những người chung quanh rằng "ông là người chồng không tốt", rằng cái chết của Nadia "đã làm đảo lộn cuộc đời ông" và trách cứ ông anh Pavel của Nadia là "đã tặng Nadia một món quà hết chỗ nói, một cây súng sáu!"

Đến xế trưa, bác sĩ Kuchner, cùng với một nhơn viên nữa, đến khám nghiệm tử thi Nadia. Bản tường trình khám nghiệm ghi rằng: "Đầu xác chết nằm trên gối, mặt nhìn sang phải. Cạnh bên cái gối là khẩu súng ngắn. Diện mạo hoàn toàn bình thảng, đôi mắt hé mở. Mặt và cổ bên phải có dấu bầm màu xanh và đỏ, có vết máu..." Như vậy là có người đã đưa xác chết và khẩu súng lên giường. Những vết bầm trên mặt có phải là dấu vết của hành hung. Staline có làm điều gì bí ẩn không? Rất có thể đêm đó Staline đã về phòng Nadia, gây sự, đánh đập rồi hạ sát. Mà cũng có thể những vết bầm là vì bà bị ngã xuống đất. Nên chi dư luận cứ phân vân. Bản khám nghiệm kết luận: "Ở ngay tim có một lỗ nhỏ khoảng 5 ly. Như vậy là nạn nhơn chết cấp thời vì vết thương ở tim." Mảnh giấy ghi kết quả khám nghiệm đó đã được giữ kín trong sáu mươi năm.

Các nhơn vật lãnh đạo, trong đó có Thủ Tướng Molotov, kéo đến hiện trường, nhìn qua rồi bỏ đi, không biết phải làm gì. Trong những trường hợp như vậy, bản năng người bôn-sê-vít nhắc nhở họ là nên bịa ra một câu chuyện nào đó để khuất lấp đi. Hiển nhiên là Nadia đã tự vận, nhưng những giới chức cận thần của Staline, như Molotov, Kaganovitch (bộ trưởng vận tải) và Enoukidze (cha đỡ đầu của Nadia), đều thỏa thuận với Staline là không nên công khai hóa cái chết tự ý như vậy. Vì dư luận sẽ cho là có sự phản kháng về mặt chánh trị.

Chứng thơ y tế cho rằng Nadia chết vì viêm ruột dư. Bác sĩ pháp y của điện Cẩm Linh đành phải phản bội lời thề cùng Hippocrate mà đặt bút ký vào bản tin lếu láo. Enoukidze thảo ra văn bản cáo phó về cái chết của Nadia và tiếp theo đó là lời phân ưu đưa lên báo "Pravda", với chữ ký của các cấp lãnh đạo cùng với phu nhơn của họ, để tiếc thương "một người bạn thân thiết, một con người có tâm hồn tuyệt vời... trẻ trung, nhiệt tình và tận tâm với đảng bôn-sê-vít và với cách mạng."

Staline không còn đầu óc đâu nữa, Enoukidze cùng với những quan chức cao cấp đứng ra lo tổ chức lễ tang độc nhứt vô nhị này. Nghi thức lễ tang bôn-sê-vít, trên nguyên tắc sẽ kết hợp những thủ tục truyền thống thời xa hoàng cùng với những cung cách đặc biệt của cách mạng. Thế nhưng, đích thân Staline muốn phải tổ chức đám tang theo nghi thức cổ truyền. Enoukidze làm chủ tịch ủy ban lễ tang cùng với những người thân của Nadia và Staline, như Dora Khazan (bạn gái thân thiết với Nadia) và Pauker (cận vệ Staline).

Người ta loan báo cho các con của Staline biết rằng Nadia đã chết vì bị viêm ruột thừa. Thế nhưng, qua tiết lộ của bà mẹ, Atiom (dưỡng tử của Staline) biết được sự thật, nhưng không ai trong gia đình dám xác nhận. Vassili thì ngay tình tin rằng mẹ mình qua đời vì bịnh. Riêng, người con gái, Svetlana, lúc Nadia mất chỉ biết khóc, đến mười năm sau, khi đọc tờ "Illustrated London News" mới biết là mẹ mình tự vận. Sáng ngày 10.11.1932, người ta đưa xác Nadia đến bịnh viện của điện Cẩm Linh để hóa trang. Đến đêm thì xác được chuyển đến Quảng Trường Đỏ để tiến hành lễ tang. Nằm trong hòm, Nadia trông rất trẻ đẹp, mặt mày trắng trẻo dễ thương.

Staline cùng Bộ Chánh Trị xuất hiện, bao quanh chiếc hòm. Vassili chạy theo ôm cha và khuyên cha đừng khóc. Staline đứng lặng nhìn gương mặt dịu hiền của bà vợ đã từng yêu thương, ghét bỏ, trừng phạt và hất hủi ông. Nước mắt quanh tròng, Staline nói một cách đắng cay: "Bà ấy đã bỏ tôi như bỏ một kẻ thù." Khi nhơn viên phụ trách mai táng sửa soạn đóng nấp hòm lại thì, bất ngờ thay, ông cúi xuống nâng đầu Nadia và áp lên môi bà một chiếc hôn vĩnh biệt. Đám tang mủi lòng oà lên khóc.

Chiếc hòm được đưa ra Quảng Trường Đỏ, đặt trên một chiếc xe tang màu đen, bốn góc trang trí bốn quả bóng hình thành một cái tán kiểu cọ, chung quanh là toán quân danh dự cùng với những người lính đứng dọc đường mà xe tang sắp đi qua, một cuộc tiễn đưa người quá cố mang dấu ấn thời vua chúa xa hoàng. Sáu mã phu, ăn mặc toàn màu đen, nắm dây cương dẫn dắt sáu con ngựa bước đi, phía trước là ban quân nhạc trổi bản hành khúc lễ tang.

Đám ma bắt đầu di chuyển, theo hướng mở đường của cảnh sát, một đám ma đầu tiên của thời kỳ cộng sản mà nguyên nhơn của cái chết được ngụy trang, không cho những người đưa đám biết. Dư luận của những người đưa tiễn chê trách Nadia khá nhiều và tiếc thương cho Staline không ít. Ai cũng cho rằng Nadia đã bỏ chồng ra đi không đúng lúc, vì tình hình đang có nhiều khó khăn cho Staline.

Vì lý do an ninh, Staline không đi bộ hết lộ trình đến nghĩa trang Novodevitchi. Cùng với bà nhạc mẫu, Staline đi đến nghĩa trang bằng xe hơi. Tại mộ huyệt, cũng những nghi thức thường tình, với bài ai điếu chung chung, ca ngợi đức tính của người nữ đồng chí, đúng sự thực hay không chẳng cần thiết. Nhưng điều cốt yếu là phải có đoạn nhắc tới người lãnh tụ: "Chúng ta là bằng hữu, là đồng chí của đồng chí Staline. Chúng ta thông cảm nỗi khổ đau do mất mát mà đồng chí Staline phải gánh chịu. Chúng ta có bổn phận phải chia sẻ gánh nặng của sự mất mát này." Staline cuối xuống hốt nắm đất liệng xuống huyệt và hai người con trai, Artiom và Vassili, cũng làm theo cha một cách máy móc. Staline đích thân chọn mẫu nhà mồ cho Nadia, với một đóa hoa hồng để tưởng nhớ đến chiếc hoa mà Nadia đã cài lên mái tóc đêm hôm đó. Suốt quãng đời còn lại, Staline cứ nghiền ngẫm mãi về cái chết khó quên này. Thất bại đó trong đời tư đã hoàn toàn thay đổi tâm tính của Staline.

Nadia chết đi(1932), Staline thay đổi thấy rõ. Chắc hẳn rằng cái chết bất đắc kỳ tử của bà vợ đã làm cho lòng tự ái của Staline bị sứt mẻ và ông phải mang nhục, mất hết khả năng thương cảm và trở nên hung tợn hơn. Ông đâm ra ganh ghét, đố kỵ và thường than thân trách phận.

*  *  *

Sau đám tang, thân nhơn vẫn tiếp tục canh chừng Staline, đề phòng những hành động chẳng lành do quẫn trí. Có một đêm, Génia Allilouïeva, chị dâu của Nadia, vào thăm chừng Staline thì cảm thấy tứ bề hoàn toàn yên lặng. Bỗng dưng, bà nghe một tiếng la dễ sợ và phát hiện ra Staline đang nằm trên ghế trường kỷ, trong bóng tối và đang khạc nhổ lên tường. Bà đoán chắc Staline làm vậy đã lâu vì nước bọt chảy dài lóng lánh trên tường. Được hỏi làm gì vậy, Staline không trả lời và tiếp tục nhìn đăm đăm mấy bãi nước miếng đang chảy dài trên tường.

Qua nhận xét của những người thân cận, cái chết bất ngờ của Nadia đã phá tan huyền thoại "anh hùng tượng đá" của Staline. Khi chuyện trò với người thân, kẻ thương trong gia đình hai bên, Staline thường tâm sự: "Mấy đứa nhỏ thì không thành vấn đề rồi, vài ba ngày tụi nó sẽ quên đi, còn tôi, tại sao bả nở xử sự như vậy với tôi?" Khi khác, Staline lại nói: "Bả quyên sinh vì giận tôi đã đành, nhưng còn mấy đứa nhỏ thì sao đây?" Và thường thường câu chuyện hay kết thúc theo kiểu: "Bả làm tan nát đời tôi. Bả làm cho tôi trở thành một kẻ phế nhơn." Như vậy cho thấy cái chết của Nadia đã tác động đến tâm lý và tinh thần của Staline quá nhiều. Một thất bại của bản thân vô cùng nhục nhã đã làm ruỗng nát tâm hồn và ý chí của một con người "sắt đá" như tên gọi, ở hàng lãnh đạo tuyệt cao. Đến đổi Staline ngỏ ý muốn từ chức, nhưng Bộ Chánh Trị không cho.

Ấy vậy mà chẳng bao lâu sau đó, tình hình đưa đẩy ông vào cao trào đàn áp nông dân và đánh trả không khoan nhượng kẻ nội thù bên trong Đảng, nên Staline đã lấy lại cái thế của mình trong nhiệm vụ coi như được trời đất giao cho. Staline nhớ đến Eismont, Smirnov và Rioutine, những người đối kháng, tác giả của tài liệu được tìm thấy trong phòng Nadia đêm hôm bà tự vận. Thế là, Staline mượn rượu để giải sầu, tâm thần rối loạn nên sanh ra chứng mất ngủ. Một tháng sau cái chết của Nadia, Staline viết cho Vorochilov, Bộ Trưởng Chiến tranh: "Chuyện mấy thằng Eismont, Smirnov và Rioutine làm cho rượu uống mất ngon. Thứ đối kháng kiểu chúng nó nặng mùi vodka. Phải tóm cổ bọn chúng, phải bắt cho được mấy con thú hoang đó, thứ thú dữ đang gào thét và phải chận đứng những tin đồn đang lan tràn khắp Mạc Tư Khoa. Tôi như đang ở trên sa mạc, bần thần khó chịu vô cùng vì chứng mất ngủ."

Nadia mất đi rồi, cuộc sống của Staline hoàn toàn xáo trộn, đến đổi rượu uống cũng chẳng thấy ngon. Nadia đè nặng tâm hồn Staline mãi cho đến chết. Mỗi khi gặp người nào quen biết Nadia, ông cũng nói về bà. Hai năm sau thảm kịch mà gặp Boukharine - bạn của Nadia - trong rạp hát, ông cứ mãi mê nói về Nadia, bỏ qua cả một màn hát và giải thích là thiếu Nadia, ông không làm sao sống được. 

Hàng năm, đến ngày 8 tháng Mười Một, gia đình họp lại làm lễ giỗ cho Nadia, nhưng Staline không ưa ngày kỷ niệm đó nên vẫn ở cung điện nghỉ mùa đông tại miền Nam. Thế nhưng, người ta ghi nhận là phòng nào trong nhà cũng có ảnh của Nadia, lớn nhỏ đủ hết. Thậm chí Staline còn bỏ cả chuyện khiêu vũ vì Nadia không còn nữa.

Hàng trăm ngàn thơ phân ưu gởi tới văn phòng, cái thì thương cho phận nàng "yếu đuối mong manh như cánh hoa", cái thì khuyên Staline nên cẩn trọng: "Xin đồng chí nhớ cho, chúng tôi cần có đồng chí, vậy đồng chí nên giữ gìn sức khỏe." Có những sinh viên xin phép mượn danh tính của Nadia đặt cho trường mình, Staline không ưng ý và chỉ trao thơ lại cho bà chị Anna của Nadia. Nỗi đau như bất tận, nên mười sáu năm sau khi một nhà điêu khắc định gởi cho ông một bức tượng của Nadia thì ông bảo ông chánh văn phòng cho người gởi thơ biết là có nhận được thơ và xin hoàn lại. Tuy nhiên, cái tang đau buồn đó cũng không chiếm hết thời gian của điện Cẩm Linh vì nhà nước còn trăm ngàn chuyện ngổn ngang.

(Còn tiếp)

Cố Nhân

(Nguồn: "Les Funérailles", trong tác phẩm "Staline, La Cour du Tsar Rouge" của Simon Sebag Montefiore, nxb. Editions des Syrtes, 2005.)

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.