PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Trai tứ chiếng, gái thuyền quyên

 

  • PSN 6.07.2008 - Cổ Nhân
    1 | 2 | 3 | 4 | ...

Qua cái chết đột ngột của Nadia, người ta nhận thấy rằng Staline đã có nhiều gắn bó với kẻ đầu ấp tay gối của mình - dẫu cho có đóng kịch đi nữa – nhưng trong khi Nadia còn sống ông đã có một thái độ coi bà như là một vật đã chiếm hữu, không cần quan tâm đến, chỉ khi mất đi mới thấy tiếc. Cung cách xử sự như vậy của Staline ít ra cũng cho thấy quá trình ăn ở giữa hai người có một quan hệ đặc biệt, kiểu cách mạng bôn-sê-vít. Nên chi cần phải tìm hiểu ngọn nguồn của cuộc phối ngẫu kỳ lạ giữa một bên là trai tứ chiếng và một đàng là gái thuyền quyên.

Cho đến ngày Nadia nhắm mắt xuôi tay, hai người đã cưới nhau được mười bốn năm. Nhưng, chuyện lứa đôi của hai người đã khởi sự từ xa xưa, bắt nguồn từ môi trường đảng cách mạng bôn-sê-vít. Họ đã cùng nhau chia sẻ quá trình đào tạo hoạt động bí mật, sinh hoạt thân cận với Lê Nin trong cách mạng và trong thời nội chiến. Staline đã biết gia đình của Nadia từ năm 1904, khi nàng vừa lên bốn, trong khi Staline đả hai mươi lăm và đã là con người mác xít được sáu năm.

Danh tánh trên khai sanh của Staline là Iossif Vissarionovitch Djougachvili - tục danh là Sosso và Koba – sanh ngày 6.12.1878, chớ không phải là ngày 21.12.1879, như đã ghi trên giấy tờ chánh thức. Sanh quán là Gori thuộc bang Géorgie, một tỉnh hạt thơ mộng, núi đồi, rất kỵ những gì của Nga, một địa phương cách xa thủ đô Saint-Pétesbourg của xa hoàng hàng ngàn cây số. Đây là một vương quốc có bản chất riêng biệt, có ngôn ngữ, truyền thống, văn minh và văn hóa cố hữu, bị Nga sáp nhập giữa những năm từ 1801 đến 1878, qua nhiều giai đoạn.

Cha của Staline, Vissarion (tục danh Besso) là thợ đóng giày, tánh tình hung dữ, hay uống rượu và đánh đập con mình một cách dã man. Đến đổi có một lần Staline nổi giận phóng dao vào đầu ông. Mẹ của Staline, Gueladze tên tục là Keke, cũng chẳng hiền gì, thường đánh đòn cu cậu chẳng chút xót thương. Bà mang tiếng là con người không chín chắn, đoan trang, nên Staline được cho là con của kẻ này, người nọ, trong khi trông ông giống Besso như đúc.

Sosso là một cậu bé không được cha mẹ quan tâm dạy dỗ, vóc người béo lùn và cục mịch, một loại trẻ con bụi đời. Nhưng bù lại, Sosso rất thông minh. Nên chi bà mẹ của Sosso mong muốn cậu bé nữa sau trở thành linh mục.

Năm 1888, Sosso vào học một trường đạo ở Gori, đến 1894, cậu được học bổng để theo học trường dòng ở Tiflis. Với những bậc cha mẹ lơ là con cái như vậy, Sosso cũng không muốn gần cha lẫn mẹ. Được nuôi dưỡng trong một bối cảnh nặng chất thầy tu nên cậu bé e ngại bạo lực, lo sợ bất an và hay đa nghi. Nhưng nặng óc giáo điều, ưa hận thù và lường gạt tình cảm.

Staline không thích nói tới cha mẹ mình và bàn về thời thơ ấu của ông, một điều cũng dễ hiểu. Về mặt tình cảm, Staline hơi lỗi thời và không thể nào biết được tâm tư đích thực của ông, nhưng rất nhạy bén. Ông là một con người bất bình thường và cũng thừa biết rằng những người làm chánh trị ít khi bình thường lắm. Vì như ông có viết ở đâu đó:"Lịch sử đầy dẫy những con người không bình thường."

Chính trong thời kỳ học ở trường dòng, phương pháp giáo dục rập khuôn giáo lý cơ đốc theo cung cách dòng Tên, chủ yếu bảo ban là phải canh chừng, rình rập, xâm nhập đời sống riêng tư và xâm phạm tình cảm cá nhơn của người khác, làm cho Sosso bất bình. Nhưng lại tác động mạnh đến ông nên suốt đời mình, Staline trau chuốt phương pháp hành động đó. Theo học trường đạo nhưng Sosso trở thành người theo chủ nghĩa vô thần rất sớm, do đó chấp nhận chủ nghĩa Mác cũng nhanh chóng.

Năm 1899, Staline bị trường dòng cắt học bổng và sa thảy nên gia nhập Đảng Công Nhơn Dân Chủ Xã Hội Nga. Ông trở thành con người cách mạng chuyên nghiệp, với bí danh Koba. Ông tìm được một chỗ làm ở Viện Khí Tượng Tiflis, công ăn việc làm độc nhứt, trước khi trở thành cấp lãnh đạo nước Nga hồi năm 1917.

Koba rất say mê chủ nghĩa Mác, coi đó như là một "hệ thống triết học", có khả năng chữa được bá bịnh toàn cầu. Trong thời kỳ hoạt động cách mạng, Koba làm quen với những hành động bí mật, tinh thần đấu tranh, vận dụng mánh khóe, nói tóm lại tất cả những hành vi đưa đến thắng lợi cho bản thân, bất chấp lẽ phải và đạo lý.

Năm 1902, Koba bị bắt và bị đày đi Si Bê Ri, lần đầu tiên trong loạt bảy lần bị bắt, hết sáu lần vượt ngục. Những lần đi đày dưới chế độ xa hoàng chẳng có chút gì ghê gớm như những trại tập trung của Staline. Có lẽ công an dưới triều đại xa hoàng chính cống không độc ác bằng?

Khi trở về Tiflis hồi năm 1904, Koba gặp ông già vợ tương lai, Sergueï Allilouïev, lớn hơn Koba mười hai tuổi, làm nghề thợ điện. Bà vợ của Sergueï, Olga Fedorenko, có vẻ đẹp tự nhiên, thích giao du với những người cách mạng. Có tin đồn rằng Olga có ăn nằm với Staline và Nadia là kết quả của mối tình vụng trộm đó. Nhưng người ta cho rằng dư luận đó không có cơ sở vì khi Koba gặp gở gia đình đó thì Nadia đã lên ba. Thế nhưng, trong giới cách mạng thì trường hợp trai gái léng phéng nhau là chuyện thường tình.

Trước khi Staline và Nadia yêu đương nhau, hai người đều là thành viên của phong trào bôn-sê-vít, thường tụ tập tại nhà của gia đình Allilouïev, cha mẹ của Nadia. Một mối giao tình khác làm cho hai người thường gặp gỡ nhau. Koba gặp lại gia đình Allilouïev ở Bakou và có lần Staline đã cứu vớt Nadia thoát chết ở biển Caspienne.

Trong khoảng thời gian đó, Koba kết hôn với Ekaterina (Kato), một cô gái cũng thuộc phe bôn-sê-vít và có được một trai tên Yakov Djougachvili. Mười bốn tháng tuổi, Yakov đã mồ côi mẹ, được chị của Kato đem về nuôi dưỡng đến năm 1921 mới theo Staline lên Mạc Tư Khoa. Nhưng, hai cha con thường mâu thuẫn nhau nên Yakov đã toan tự tử, mà không chết, vì tánh tình hà khắc của Staline. Đã vậy, Staline còn mỉa mai:"Thằng bắn súng dở ẹt."

Yakov bị quân Đức Quốc Xã bắt cầm tù vào tháng Bảy 1941. Năm 1943, Staline không chịu trao đổi Yakov với Thống Chế Paulus của Đức bị Hồng Quân bắt trong trận Stalingrade. Qua một lần trốn trại không thành công, Yakov bị chuyển đến một trại nghiêm khắc hơn, Yakov mất tinh thần và buồn chán. Một buổi chiều, Yakov không chịu vào buồng giam, cứ đi tới vùng cấm. Cảnh vệ nổ súng bắn chết Yakov vào ngày 14.4.1943. Lại có tin cho rằng Yakov tự vận bằng cách lao mình vào hàng rào điện.

Cuộc sống lứa đôi của Staline và Kato thường xuyên bị xáo trộn vì những chuyến đi về của Koba. Về với gia đình chẳng được bao lâu thì Staline lại ra đi và thời gian vắng mặt cứ dài đăng đẳng. Vào ngày 25.11.1907, vì thiếu săn sóc, Kato đã chết đi vì bịnh lao phổi, sau chỉ có bốn năm chăn gối và ở tuổi đời hai mươi bốn. Kato qua đời, Koba kêu than với bạn bè: "Người đàn bà đó làm cho trái tim sắt đá của tôi trở nên dịu hiền. Nàng đã chết, thế là tình cảm của tôi đối với con người cũng theo nàng luôn. Trái tim tôi bây giờ rỗng không." Về sau, trong chiến dịch "Đại Thanh Trừng", cha mẹ vợ của Staline đều bị bắt và bị đem xử tử vào năm 1941, sau mấy năm sinh sống với Staline trong điện Cẩm Linh.

Trong quá trình hoạt động cách mạng thầm kín, Staline đã bị công an Okhrana của xa hoàng bắt lên bắt xuống nhiều lần, lần nào Staline cũng tìm cách trốn trại. Đến đổi các đồng chí của ông nghi ngờ cho rằng Staline gian trá, nước đôi. Thế nhưng, hồ sơ của Okhrana cũng công  nhận rằng Staline là con người Mác xít cuồng tín.

Kỳ lưu đày chót của Staline là vào năm 1913. Ông bị đưa lên miền Đông-Bắc giá lạnh của Si Bê Ri. Trong gian nan tù tội và qua những lần vượt ngục, Staline có dịp tiếp xúc với những nhơn vật cách mạng tầm cỡ như Molotov, Trotski, Lê Nin,...

Sai lầm quân sự và tình hình thiếu hụt lương thực, thực phẩm xuất phát từ Thế Chiến 14-18 làm cho chế độ quân chủ Nga phải suy vi và sụp đổ đột ngột hồi tháng Hai năm 1917. Phe bôn-sê-vít bị bất ngờ và chế độ xa hoàng phải nhường bước cho một chánh phủ lâm thời. Ngày 12 tháng Ba, Staline về tới thủ đô và tạm trú tại nhà gia đình Allilouïev. Lúc bấy giờ cô bé Nadia đã trở thành cô gái mười sáu xuân xanh mơn mởn đào tơ. Gặp lúc Molotov đang làm biên tập viên cho tờ Pravda, Staline cũng tháp tùng nghề viết báo luôn. Ngày 25 tháng Mười 1917, Lê Nin phát động cuộc cách mạng bôn-sê-vít.

Là người ngưỡng mộ Lê Nin và cũng được Lê Nin chú ý nên khi thành lập chánh phủ, Staline được giao phó Bộ Dân Tộc, với Fiodor Allilouïev (anh của Nadia) làm thơ ký văn phòng và Nadia làm thơ ký đánh máy. Năm 1918, những người bôn-sê-vít phải đấu tranh quyết liệt để sinh tồn vì đà tấn công ồ ạt của quân Đức. Lê Nin và Trotski bị bắt buộc phải ký hòa ước Brest-Litovsk và nhường đất cho Đức.

Sau khi Đức đầu hàng, quân đội Anh, Pháp và Nhựt Bổn tạm thời quản lý, trong khi đó chế độ xa hoàng dựng lên quân Bạch Vệ và dời thủ đô về Mạc Tư Khoa. Diện tích của lãnh thổ dưới quyền trách nhiệm của Lê Nin cũng bị thu hẹp lại. Tháng Tám, Lê Nin bị ám sát nhưng không chết, làm cho phe bôn-sê-vít phải núng động. Đến tháng Chín, lành vết thương, Lê Nin đặt nước Nga trong tình trạng báo động. Trong thời kỳ này, Trotski (Ủy Viên Chiến Tranh) và Staline trở thành hai nhơn vật quan trọng, sau Lê Nin. Hai người này cũng nằm trong số năm thành viên của Bộ Chánh Trị đầu tiên do Lê Nin hình thành.

Năm 1918, thành phố chiến lược Tsaritsyne, cửa vào dựa lúa và mỏ dầu của miền Bắc Caucase, đồng thời cũng là lối vào Mạc Tư Khoa ở phía Nam, đang có nguy cơ thất thủ lọt vào tay quân Bạch Vệ. Lê Nin phái Staline tới Tsaritsyne, với chức vụ Tổng Giám Đốc Hậu Cần cho miền Nam nước Nga. Nhưng Staline phấn đấu để trở thành ủy viên với nhiều quyền hạn quân sự rộng lớn. Với một chiếc xe lửa bọc thép, cùng với bốn trăm Hồng Quân (quân đội do Trotski thành lập), Fiodor Allilouïev và cô đã tự viên trẻ đẹp Nadia, Staline tiến vào thành phố Tsaritsyne ngày 5 tháng Tư, một thành phố thiếu thốn đủ thứ và đầy dẫy trò phản bội. Staline kiên quyết hành động và xử bắn những người bị tình nghi là phản cách mạng. Rút kinh nghiệm, Staline thấy rằng cái chết là công cụ đơn giản và hữu hiệu nhứt của chánh trị.

Vào tháng Bảy, tình hình quân sự trở nên tồi tệ, Staline nắm luôn quyền chỉ huy quân sự. Cách mạng cần có một vai trò như vậy để tồn tại, nhưng đồng thời Staline cũng muốn tranh giành quyền bính với Trotski, người đang phát huy Hồng Quân với sự trợ lực của các "chuyên viên quân sự", nghĩa là những cựu sĩ quan xa hoàng. Staline nghi ngờ những con người bán rẻ lương tâm đó, nên chi khi nào thuận lợi là ông cho bắn bỏ ngay.

Trong thời gian hoạt động ở Tsaritsyne, Staline sinh sống trong một toa xe lửa, trước kia của một đào hát, được trang trí rất đẹp. Có thể Staline và Nadia yêu nhau trong thời gian này. Nadia lên mười bảy tuổi còn Staline, ba mươi chín. Hai người cách nhau hai mươi hai tuổi. Một mối tình giữa trai tứ chiếng và gái thuyền quyên làm cho cô nữ sinh cảm thấy e ngại và phập phòng lo sợ.

Staline và đàn em, tay chưn bộ hạ, dựng lên một phong trào "đối kháng quân sự" chống lại Trotski, mà Staline coi như một vị "tướng cải lương hò quảng". Phe Staline bắt giữ một nhóm "chuyên viên quân sự" của Trotski, nhốt trong một chiếc xà lan đậu trên sông Volga. Trotski giận dữ phản đối, nhưng rồi chiếc xà lan chìm đi, mang theo những "chuyên viên" của Trotski. Staline cho rằng:"Chết là hết chuyện, vấn đề nào cũng được giải quyết. Hết người là hết vấn đề." Đại để thì đó là quan niệm chánh trị của những con người bôn-sê-vít.

Lê Nin hơi ngại vì thái độ thù nghịch Trotski của Staline làm cho tình hình ở Tsaritsyne trở nên trầm trọng, nhưng không vì vậy mà ông trừng phạt Staline. Lê Nin đưa Staline ra khỏi Tsaritsyne. Về Mạc Tư Khoa, Staline làm đám cưới với Nadia và sinh sống trong một căn hộ đơn sơ trong điện Cẩm Linh, cùng với gia đình bên vợ. Về sau, họ ở trong một ngôi nhà thôn dã ở Zoubalovo xinh đẹp hơn.

Tháng Năm 1920, Staline được bổ nhiệm làm chánh ủy cho mặt trận Tây-Nam sau khi quân Ba Lan chiếm Kiev. Bộ Chánh Trị ra lịnh tiến chiếm Ba Lan để đưa cách mạng sang phía Tây. Khi được lịnh chuyển giao toán kỵ binh cho người chỉ huy mặt trận phía Tây, Staline từ chối làm hỏng hết mọi chuyện.

Năm 1921, muốn tỏ ra mình là con người bôn-sê-vít khắc khổ, Nadia đi bộ đến bảo sanh viện để cho ra đời đứa con trai đầu lòng, Vassili. Năm năm sau, Nadia sanh ra cháu gái, Svetlana. Trong thời gian đó, Nadia vẫn làm thơ ký đánh máy trong văn phòng của Staline, một vị trí rất hữu ích cho những âm mưu sau này của Staline.

*  *  *

Với một quá trình yêu thương giữa hai con người trong hoàn cảnh như vậy và với một khoảng cách tuổi đời dường ấy, người ta chẳng mấy ngạc nhiên về cung cách sinh sống của cuộc đời chồng vợ kiểu Staline và Nadia. Hơn nữa, trước khi ăn ở với Nadia, Staline đã có một đời vợ trước với Ekaterina (Kato) Svanidze, mà Staline cho là "người phụ nữ được ông yêu thương nhứt sau bà mẹ", nhưng cuộc sống lứa đôi vẫn hời hợt, có cũng như không. Khi Kato qua đời, Staline cũng có nhận xét giống hệt như những phát biểu của ông, sau đám tang Nadia. Cũng cùng một nội dung, đại ý "chỉ một người mất đi thì tất cả không còn gì". Thế nhưng, phải chăng vì chỗ chẳng còn lại gì đó mà con người cách mạng bôn-sê-vít của Staline đã hung bạo, tàn ác và vô nhơn đạo hết mức, có một không hai trên đời này hay không?

(Còn tiếp)

Cố Nhân

(Nguồn: "Le géorgien et l'écolière", trong tác phẩm "Staline, la Cour du Tsar Rouge", S. S. Montefiore, nxb. Editions des Syrtes, 2005.)

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.