PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Triều đại Staline mở màn

 

  • PSN 15.07.2008 - Cố Nhân
    1 | 2 | 3 | 4 | 5 | ...

Trong khoảng thời gian từ Cách Mạng tháng Mười cho đến giữa những năm 1930, đời sống tập thể của những nhà lãnh đạo cộng sản được coi như là một "thời kỳ tuyệt vời", như bà vợ của Vorochilov - Bộ Trưởng Chiến Tranh – đã ghi trong nhựt ký của bà. Một thời kỳ hoàn toàn khác xa với thế giới bi thảm và hải hùng của Staline. Điện Cẩm Linh lúc bấy giờ như một xóm làng vô cùng thân thiết, mọi người thăm gặp nhau như tình chòm xóm, cha mẹ con cái gặp gở nhau luôn. Qua bao nhiêu năm cận thân và cận lân, thương yêu nhau cũng có mà giận hờn nhau chẳng phải không. Làm sao tránh khỏi.

Staline thường đến nhà hàng xóm, đánh cờ, tán gẫu, rủ đi xem phim, hay mời ăn cơm, không kiểu cách khách sáo gì hết. Những khi Staline đi nghĩ ngơi miền xa thì chòm xóm láng giềng ghé qua thăm Nadia và hỏi tin tức Staline. Tương đối Staline còn cởi mở hơn Molotov - Thủ Tướng chánh phủ và Ngoại Trưởng - nên dư luận coi Staline như một ông hiệu trưởng rộng lượng còn Molotov như một ông tổng giám thị khắt khe.

Là người giao thiệp rộng rãi, vì nhu cầu của chức vụ, có dịp bắt tay hầu hết những gương mặt nổi tiếng trên thế giới, như Lê Nin, Hitler, Himmler, Göring, Roosevelt và Churchill, nên Molotov là một cộng sự viên sáng giá của Staline. Với biệt danh "trôn sắt", vì khả năng làm việc không mệt mỏi của ông, Molotov hay sửa sai một cách nghiêm túc, không sợ mích lòng. Molotov có tật hay cà lăm những khi nổi nóng hoặc nói chuyện với Staline.

Molotov là con của một người bán rượu, học cỡ trung học và tham gia cách mạng năm mười sáu tuổi. Molotov tự cho mình là người làm báo và gặp được Staline ở tòa soạn tờ Pravda. Molotov tánh tình tàn ác và thù dai, đưa bất cứ ai vào chỗ chết, dẫu là đàn bà, nếu chống đối lại ông. Rất khó chịu với thuộc quyền, Molotov thường xuyên nổi giận với họ và giữ đúng giờ giấc. Nếu như ông nói "đi ngủ trưa mười ba phút" thì đúng mười ba phút là ông thức giấc. Trái với những người màu mè ra vẻ năng nổ của Bộ Chánh Trị, Molotov là một con người cật lực làm việc.

Ứng cử viên Bộ Chánh Trị từ năm 1921, đã giữ chức bí thư Đảng trước Staline, thế nhưng Molotov bị Lê Nin công khai chê là "quan liêu nhiều tai tiếng và hoàn toàn không có năng lực". Cả Trotski cũng chê, làm cho Molotov bị mặc cảm chống chế:"Chúng tôi đâu phải thần thánh gì đồng chí." Đứng thứ hai, sau Staline, Molotov khâm phục Staline nhưng không nể. Hai người thường bất đồng ý kiến với nhau và Molotov cứ chỉ trích Staline mãi.

Con cái của những người lãnh đạo tỏ ý không thích sinh sống trong điện Cẩm Linh vì bị gò bó. Bực cha mẹ luôn miệng bảo con cái đừng làm ồn vì điện Cẩm Linh là chỗ làm việc, không phải là sân chơi. Đối với các cô cậu thì điện Cẩm Linh chẳng khác nào nhà tù, ra vào phải trình thẻ và phải xin giấy tờ cho bạn bè tới chơi.

Nhà Staline hay có những bữa cơm tối tầm thường, sau các phiên hội họp của những đồng chí háo việc. Chỉ cần một món ăn chánh để ở một nơi nào đó, những thực khách tự tay lấy phần ăn của mình và mọi người vừa ăn vừa làm việc, có khi đến hai ba giờ sáng. Ngoài ra, Staline và Nadia cũng thường ăn bữa tối với những cặp vợ chồng khác của điện Cẩm Linh. Ăn uống đơn giản thôi, chẳng phải tiệc tùng gì.

Các bà mệnh phụ phu nhơn rất nặng ký đối với đấng phu quân của họ. Staline rất chiều vợ. Trong khóa học của bà ở Viện Công Nghiệp, Nadia có gặp và quen biết Khrouchtchev, người đã chứng minh được thành tích đàn áp đối lập thật quyết liệt. Nadia giới thiệu và gởi gắm Khrouchtchev với chồng mình và từ đó Khrouchtchev tiến thân dễ dàng. Staline thường mời Khrouchtchev đến nhà ăn tối và thấy có cảm tình với ông này, một phần vì do Nadia giới thiệu. Khrouchtchev tự cho là trúng số độc đắc vì được đối diện với một bực "thánh sống" mà ông tôn thờ hết mực. Được Staline cười đùa một cách giản dị, thật là ngoài sức tưởng tượng của ông.

Nadia không đắn đo ngại ngùng khi nêu những trường hợp bất công cho chồng thấy. Như trường hợp của một người công chức bị mất việc, bà binh vực người ấy và nói với Staline là không nên đối xử như vậy với những người làm việc như thế, thật đáng buồn. Tưởng đâu Staline bực mình vì những vụ can thiệp như vậy, nào ngờ Staline ra lịnh giải quyết, chỉ vì có sự can thiệp của Nadia.

Ngoại trừ những người đua đòi trong vòng thân cận của Molotov, những cấp lãnh đạo khác còn sinh sống giản dị trong các dinh thự của điện Cẩm Linh, giữ đúng nhiệm vụ cách mạng của mình, lúc nào cũng giữ gìn tính khiêm tốn của con người bôn-sê-vít. Chưa có nạn tham ô nhũng lạm và cũng chưa có hành động lố lăng. Thật ra, những bà vợ của các ông trong Bộ Chánh Trị phải chật vật lắm mới có phương tiện may mặc cho con cái và chính Staline đôi khi cũng kẹt tiền.

Nadia và Dora Khazan - nữ Thứ Trưởng Ngành Dệt, bạn thân của Nadia - mỗi ngày di chuyển bằng xe điện đến trường học và nơi làm việc. Nadia được coi là có đức tính khiêm nhường khi bà cứ giữ họ tên thời con gái, không lấy tên chồng. Dora cũng vậy, đó là kiểu cách của thời bấy giờ. Có cấp lãnh đạo cấm con cái đi học bằng công xa. Chỉ có gia đình Molotov là nổi tiếng không thích làm người vô sản.

Trong gia đình Staline, Nadia đảm đương mọi chuyện. Svetlana thuật lại rằng bà mẹ của cô quản lý mọi chuyện trong nhà với một ngân khoản khiêm nhường." Họ có vẻ tự hào về lối sống khắc khổ kiểu bôn-sê-vít. Có khi, Staline viết thơ cho giám đốc nhà xuất bản nhà nước để hỏi tiền. Staline giữ gìn ý tứ vì nguyên tắc cũng như vì thích làm vậy.

*  *  *

Nhóm người quyền uy nhiều lý tưởng và nhẫn tâm đó, tuổi đời vào khoảng trên dưới ba mươi, là thành phần đầu não của một cuộc cách mạng rộng lớn và khủng khiếp. Họ sẽ cấp thời dựng lên chủ nghĩa xã hội và loại bỏ chủ nghĩa tư bản. Chương trình công nghiệp của họ - Kế Hoạch Ngũ Niên - sẽ làm cho Liên Xô trở thành một cường quốc mà Tây Phương không bao giờ hạ nhục được nữa. Họ mở ra trận giặc đánh phá nông thôn để đời đời hủy diệt kẻ nội thù là bọn phú nông - "koulak" - và tái lập trở lại những phẩm chất của năm 1917.

Chính Lê Nin đã nói:"Phải làm cho quần chúng sợ hãi bọn phú nông một cách khủng khiếp... Hãy thủ tiêu bọn phú nông!" Hàng ngàn người trẻ tán thành lý tưởng đó của họ. Kế Hoạch (ngũ niên) đưa ra mục tiêu là phải tăng năng suất lên 110%, một tiêu chuẩn mà Staline và vài ba người nữa trong ban lãnh đạo cho là có thể đạt được vì có đủ điều kiện thuận lợi. Năm 1931, Staline giải thích rằng:"Hãm bớt nhịp độ có nghĩa là tụt hậu. Và kẻ nào lủi thủi đi sau đều thua cuộc! Chúng ta kiên quyết không chấp nhận thua cuộc. Xuyên suốt trong lịch sử của nó, nước Nga xưa cũ lúc nào cũng thua cuộc chỉ vì bị trễ nãi."

Người bôn-sê-vít thời đó cho rằng thành lũy nào cũng không chống cự nổi họ. Những ai nghi ngờ khả năng đó của họ đều là kẻ phản bội. Cái chết là cái giá của tiến bộ. Kẻ thù ở khắp nơi, giống như thời nội chiến, những người bôn-sê-vít cảm thấy vừa ổn định được đất nước. Vì vậy cho nên họ phải cứng rắn, một phẩm chất bôn-sê-vít. Và Staline có thừa phẩm chất đó, "ông quyết liệt loại bỏ những gì thối nát, bằng không thì ông không phải là người chiến sĩ cộng sản." Staline căn dặn Molotov "phải thanh tra, phải kiểm soát và nếu cần, phải dần cho họ một trận nên thân" và nói thẳng với công chức là ông sẽ "bẻ cổ vài ba đứa".

Boukharine và Rykov - đồng chí một thời của Staline nhưng có khuynh hướng hữu khuynh – không đồng ý với cách mạng theo kiễu Staline, nhưng không được ưa chuộng và không được lòng quần chúng bằng Staline mà cũng không cưỡng lại được khuynh hướng giải quyết vấn đề theo phương thức bạo lực quá mức. Năm 1929, Trotski bỏ đi lưu vong để chống đối Staline một cách mạnh mẽ từ bên ngoài và bị trong nước coi như là một kẻ phản bội và là tên ly khai hàng đầu. Boukharine thì bị loại khỏi Bộ Chánh Trị qua một cuộc biểu quyết. Thế là, Staline đã trở nên chúa tể của bọn đầu sỏ chánh trị, nhưng chưa ló mòi độc tài chuyên chế.

Tháng Mười Một năm 1929, trong khi Nadia lo học thi ở Viện Công Nghiệp thì Staline đẩy mạnh ngay cuộc chiến tranh chống lại nông dân, sau khi đã nghỉ ngơi thoải mái trở về. Ông chủ trương tiến công bọn phú nông để lấy đà và phải đập mạnh bọn phú nông để cho họ không bao giờ ngóc đầu lên được nữa. Nhưng, nông dân phản kháng, không chịu gieo mạ để chống đối lại chế độ.

Ngày 21 tháng Mười Hai năm 1929, với thành công vượt bực của công trình khủng khiếp và khổng lồ, giới quyền uy trẻ tuổi cùng với phu nhơn của họ, dẫu mệt mõi nhưng vẫn hăng say nhờ những thành tựu ngoạn mục trong việc xây dựng những thành phố và nhà máy mới, hứng khởi vì đã đánh dẹp bọn nông dân ngoan cố, đã kéo nhau đến điền gia trang của Staline ở Zoubalovo để mừng sanh nhựt thứ năm mươi của Staline. Ngày hôm đó, mỗi người trong tập thể viết một bài đăng trên tờ Pravda, suy tôn Staline làm chủ tướng của họ, với tư cách người thừa kế chánh thức của Lê Nin. Thế là, một giai đoạn lịch sử mới của cộng sản Liên Xô bắt đầu từ đây.

*  *  *

Mấy ngày sau bữa tiệc mừng sanh nhựt đó, các đấng quyền uy thấy cần phải đẩy mạnh cưộc chiến chống nông dân hơn nữa và phải hoàn toàn "thanh toán giai cấp phú nông". Họ đưa mật vụ vào cuộc chiến, với những hành động tàn nhẫn có chủ mưu, những vụ cướp phá thô bạo và một hệ tư tưởng cuồng tín để tiêu diệt hàng triệu sanh linh.

Tháng Giêng năm 1930, Molotov dựng kế hoạch để tiêu diệt bọn phú nông, được chia ra làm ba loại. Loại thứ nhứt là phải loại trừ ngay, loại thứ nhì cần được nhốt trong các trại và loại thứ ba, khoảng một trăm năm mươi ngàn gia đình, phải bị đi đày. Molotov đích thân giám sát những đội tử thần, các xe lửa, những trại tập trung, như một vị chỉ huy quân sự. Tổng số cũng có từ năm đến bảy triệu người bị liệt vào ba loại nói trên. Thế nhưng, người ta không biết họ dựa trên những yếu tố nào để gán cho nạn nhơn là thuộc loại phú nông.

Trong khoảng thời gian 1930-1931, lối một triệu sáu trăm tám mươi ngàn người bị đưa đi đày ở miền Đông và miền Bắc. Trong vòng mấy tháng thôi, kế hoạch của Staline và Molotov đã làm dấy lên hơn hai ngàn cuộc nổi dậy với sự tham dự của trên tám trăm ngàn người. Kaganovitch - Bộ Trưởng Vận Tải - và Mikoïan - Bộ Trưởng Ngoại Thương và Thực Phẩm Nông Nghiệp - chẳng khác nào như những bạo chúa, tổ chức những cuộc chinh phạt ở nông thôn, với những đoàn kỵ mã và những xe bọc thép của mật vụ Guépéou.

Họ sát phạt nông dân không nương tay. Khi những người chỉ huy chiến dịch đã quyết định thì lịnh sẽ được thi hành ngay một cách đại quy mô, không cần biết đến sinh mạng con người. Theo Béria, một nhơn viên mật vụ đang có uy tín, thì "khi chúng ta, những người bôn-sê-vít, muốn được chuyện thì chúng ta không cần biết gì hết". Tự cho mình là ngang hàng với Thượng Đế trong ngày đầu sáng thế, những người bôn-sê-vít dựng nên thế giới trong cơn điên cuồng hoang loạn.

Một thành viên bôn-sê-vít trẻ tuổi, thuật lại rằng:"Tôi đích thân tham gia vào một trận sát phạt như vậy, đi lùng sục nông thôn để tìm thóc lúa giấu giếm... Tôi đổ hết những gì trong tủ đựng đồ ăn của mấy lão nông dân già ra, không đếm xỉa gì những tiếng khóc than của đám trẻ con và những lời kêu ca của mấy mụ đàn bà. Tôi tin rằng mình đã hoàn thành sự nghiệp lớn lao và cần thiết để đổi mới nông thôn."

Những người nông dân nghĩ rằng họ có thể bắt buộc chánh phủ phải dừng tay lại bằng cách hạ sát gia súc của họ. Người nông dân mà phải giết chết súc vật của họ cho thấy nỗi bất bình của họ đã lên đến mức nào. Tổng cộng có trên hai mươi sáu triệu trâu bò và hơn mười hai triệu con ngựa bị giết như vậy. Ngày 16 tháng Giêng năm 1930, chánh phủ quyết định phú nông nào giết gia súc sẽ bị tịch thu tài sản.

Cuộc khủng hoảng càng ngày càng trầm trọng thêm nên thậm chí những người thân cận của Staline cũng bắt đầu thấy khó chịu trong vụ cưỡng đoạt thóc lúa của nông dân, nhứt là ở Ukraine và miền Bắc Caucase. Dĩ nhiên là Staline quở mắng họ, nhưng họ cũng phản ứng lại bằng những cơn giận dữ hoặc dọa từ chức, dẫu cho phần đông họ còn trẻ hơn Staline những hai mươi tuổi đời. Để xoa dịu bớt, Staline tìm cách vỗ về.

Andreï Andreev là một thủ lãnh miền Bắc Caucase rất thân cận với Staline. Tuy vậy, ông cũng cho rằng những đòi hỏi của Staline không làm sao thực hiện được, tối thiểu cũng phải mất năm năm. Ban đầu Molotov cố gắng viết thơ động viên:"Đồng chí Andreev thân mến, tôi có nhận được thơ của đồng chí báo cáo tình hình giao nộp thóc lúa. Tình hình rất là khó khăn. Tôi cũng thấy rằng bọn phú nông áp dụng phương thức mới để chống lại chúng ta. Nhưng tôi hy vọng là mình sẽ bẻ gảy phong trào đó."

Bực mình, Staline nổi giận chỉ trích Andreev đến đổi đương sụ đâm ra hờn dỗi, làm cho Staline phải xin lỗi:"Đồng chí Andreev thân thương, tôi không nghĩ là đồng chí sẽ ngưng việc thu thóc lúa. Nhưng nhịp độ giao nộp của miền Bắc Caucase làm cho chúng ta gặp khó khăn không ít. Vì vậy nên chúng ta phải có biện pháp để thúc đẩy tiến trình đó. Xin đồng chí hãy nhớ cho là thu được bao nhiêu là quý bấy nhiêu. Xin đồng chí nhớ rằng chúng ta còn quá ít thời gian. Vậy thì hảy bắt tay vào việc! Thân chào cộng sản."

Nhưng vì quá tức giận, Andreev không buồn nhúc nhích, Staline lại phải viết thơ nhắc nhở và không quên đề cao danh dự của con người bôn-sê-vít! "Chào đồng chí, tôi đã trì hoãn khá lâu. Xin đồng chí đừng giận. Về chiến lược tiến hành... tôi xin rút lại lời nói. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là những người thân cận với đồng chí phải đáng được tin cậy và đáng được tôn trọng đến cùng. Tôi muốn nói đến những người lãnh đạo hàng đầu của chúng ta. Nếu không thì Đảng ta sẽ thất bại hoàn toàn. Tôi xin siết chặt tay đồng chí. Staline." Staline thường bị bắt buộc phải rút lại lời nói.

(Còn tiếp)

 

Cố Nhân

(Nguồn:"La famille du Kremlin" trong tác phẩm "Staline, la cour du tsar rouge" của S. S. Montefiore, nxb. Editions des Syrtes, 2005)

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.