PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Con người Staline

 

Trong nội bộ Đảng, người ta nể Staline không phải vì sợ mà vì cảm tình. Staline nắm được triều thần, nhưng thường thường thì họ cũng phục tùng ông vì thiện cảm. Staline lớn tuổi hơn họ, ngoại trừ Klim Vorochilov, Bộ Trưởng Chiến Tranh. Phần đông, những nhơn vật quyền thế quanh Staline đối xử rất thân tình, gọi ông bằng tục danh "Koba" hay "Sosso". Năm 1930, họ đều là những nhơn vật liên minh với nhau, chớ không phải là người thuộc hạ nên ai cũng toàn quyền hành động. Một số thì liên kết vì thân tình, đôi khi biến thành liên minh đối nghịch lại Staline. Số khác thì thường bất đồng ý kiến với Staline. Cái khó của Staline là ở chỗ ông nắm một cái đảng không có thứ bực nghiêm minh mà lại cai trị một đất nước quen sống trong một thể chế chuyên quyền thời xa hoàng.

Staline không phải là một quan lại lu mờ, như Trotski tưởng. Nhứt định là ông ta có tài tổ chức. Ông không bao giờ hành động hay nói năng tùy hứng mà cân nhắc cẩn thận từng quyết định. Ông có thể làm việc bất kể ngày đêm, thông thường là một ngày mười sáu tiếng. Ông có một cái tài khác thường và lạ kỳ. Ông có thể mê hoặc người ta, vì ông là một con người dễ mến. Dẫu cho không gây được cảm tình thật sự, ông cũng làm cho người ta cảm thấy tình bằng hữu. Ông thường nổi nóng, nhưng khi đã quyết định mơn trớn thì không ai cưỡng lại được. 

Ông có gương mặt cởi mở và linh động, dáng điệu uyển chuyển dịu dàng, lúc nào cũng tràn đầy nghị lực. Những ai đã một lần gặp ông đều mong muốn gặp lại vì ông làm cho đối tượng có cảm tưởng là từ nay đã có một sự ràng buộc mãi mãi với ông. Theo Artiom - người con nuôi của Staline và Nadia – thì với trẻ con, Staline cũng coi như người lớn và cho chúng có cảm tưởng là cũng quan trọng. Những người khách đều ngạc nhiên vì tánh khiêm tốn của ông, vì cung cách hút ống điếu của ông và vì sự thanh thản của ông. Sau khi gặp Staline lần đầu, Joukov, vị thống chế tương lai, mất ngủ khá lâu vì "dáng dấp của J. V. Staline, giọng nói ung dung của ông, những phán đoán thực tiễn và sâu sắc của ông cũng như sự chú ý của ông khi lắng nghe tôi phúc trình làm cho tôi khâm phục vô cùng". Còn ông Soudoplatov, một nhân viên mật vụ, thuật lại rằng "khó mà nghĩ rằng một con người như thế có thể lừa dối ai vì những phản ứng của ông rất là tự nhiên, không chút kiểu cách màu mè". Nhưng ông này cũng nói thêm là "ông ta hơi cứng rắn mà không cần che đậy".

Theo nhận xét của những con người bôn-sê-vít tỉnh lẻ thì cung cách ăn nói trầm tĩnh và không màu mè của Staline là một lợi thế, còn khá hơn nhiều so với điệu ăn nói huyễn hoặc của Trotski. Giọng ăn nói không suôn sẻ và không hùng hồn làm cho người đối thoại cảm thấy tin tưởng hơn. Thiên hạ không tin tưởng gì ở Staline, nhưng đó là người mà Đảng tin cậy. Ông ta tiêu biểu cho Đảng, những từng lớp cấp dưới tin tưởng ông ta. Beria, người đứng đầu ngành mật vụ cho là Staline "rất khôn ngoan", là "một thiên tài chánh trị". Thô lỗ hay dịu dàng không cần biết, ông ta nổi bật so với những người xung quanh nhờ trí thông minh.

Không phải Staline chỉ giao du với những người quyền chức, mà ông cũng tiếp xúc với công chức cấp nhỏ, luôn luôn tìm những người giúp việc cứng rắn hơn, trung thành hơn và chịu làm việc không mệt mỏi. Lúc nào thuộc cấp cũng có thể tiếp xúc với ông được, vì ông có nói: "Tôi sẵn sàng giúp đỡ và tiếp các đồng chí."

Những người thuộc phe nhóm của Staline coi ông như là chủ tướng của họ, nhưng trong nhãn quan của họ thì ông còn hơn thế nhiều. Staline tự đặt cho mình một vai trò hào hùng và thánh thiện. Khi Đảng hoan hô ông như là một lãnh tụ thì ông tỏ lời cám ơn: "Các đồng chí hãy tin tưởng là tôi sẽ hết lòng hy sinh cho sự nghiệp của giai cấp công nhơn, và nếu cần, bằng từng giọt máu của tôi. Tôi xin dâng những lời chúc tụng của các đồng chí lên Đảng vĩ đại, đã sáng tạo và nuôi dưỡng tôi, rập theo hình dáng và giống y như Đảng."

Tuy nhiên, người anh hùng tự cho là có trọng trách thiên định đó tích cực tìm cách bảo bọc những người cùng phe nhóm trong một thân tình hiền hòa, để cho mọi người tin rằng ông là người đáng tin cậy hơn hết. Staline có tính khí bất thường nhưng lúc nào cũng có óc hài hước. Ông là con người dễ tiếp cận và vui tánh.

Staline để ý đến bạn bè và những người thân cận. Ông cũng để ý đến nơi ăn chốn ở của họ, kể cả chuyện con cái của họ trong gia đình. Ông thường theo dõi tình hình vật chất của thuộc cấp và sẵn sàng ra tay giúp đỡ. Ban lãnh đạo thường thiếu hụt vì đồng lương tháng được ấn định trên căn bản "tiêu chuẩn tối đa của Đảng", trong tinh thần "một người lao động có trách nhiệm" không thể nào lãnh lương nhiều hơn một người thợ tay nghề cao. Nhưng, người ta đã có cách để giúp đỡ những người lao động thiếu thốn, như những giỏ thức ăn do căn tin của điện Cẩm Linh cung cấp hay những phần ăn đặc biệt do các cửa hàng quốc doanh phân phát cho những nhà lãnh đạo. Ngoài ra còn có những bao thơ, những quà bí mật bằng tiền mặt hay phiếu mua hàng hoặc chi phí nghỉ hè.

Đảng không phải chỉ là một sự tập họp lại những nhóm người, nhưng gần như là một tập thể có tính gia đình. Giai cấp lãnh đạo gần như là một tổ hợp phe phái và bè cánh. Lazare Kaganovitch là người nhỏ nhứt trong năm anh em, trong số đó có ba người là nhơn vật bôn-sê-vít quan trọng. Các thành viên của gia đình bên vợ Staline đều là công chức cao cấp. Cả hai anh em nhà Sergo đều là những nhơn vật lỗi lạc ở Caucase, nơi mà nạn bè phái gia đình đã thành quy luật. Ngoài ra, cả một hệ thống chằng chịt hôn nhơn đồng tộc càng làm cho quan hệ quyền lực thêm phần rắc rối và có những hậu quả tai hại. Khi một người quyền thế mất chức thì những người liên hệ cũng rơi theo, như những người leo núi liên kết cùng một sợi giây.

Staline coi những người liên minh với ông như một "nhóm thật hạn hẹp" đầy tình nghĩa anh em, đã hình thành "qua quá trình đấu tranh" chống lại chủ nghĩa cơ hội của Trotski và Boukharine. Thế nhưng, từ lúc cuộc "cách mạng của Staline" biến nông thôn thành một ảo ảnh đầy ác mộng thì Staline cảm thấy rằng từ nay trong Bộ Chánh Trị đã có sự hoài nghi và lòng trung thành đã có vấn đề.

Những phiên họp của Bộ Chánh Trị rất cởi mở và thoáng, dẫu trong tình hình nguy ngập vẫn cứ vui vẻ. Staline không khi nào chủ tọa những phiên họp Bộ Chánh Trị, dành danh dự đó cho Rykov, chủ tịch Hội Đồng Ủy Viên Nhơn Dân – Sovnarkom. Được biết là Staline không bao giờ lên tiếng trước tiên ở phiên họp Bộ Chánh Trị, để cho những thành viên tự do giải bài tư tưởng, không phải đắn đo e dè.

Những phiên họp Bộ Chánh Trị thường hay kéo dài, giờ này qua giờ nọ, nhiều khi làm cho Staline mỏi mệt. Ông phải yêu cầu tạm ngưng, dời chương trình nghị sự lại hôm khác. Staline cũng biết rằng ông không có được sự nhứt trí trăm phần trăm trong Bộ Chánh Trị. Có nhiều ủy viên Bộ Chánh Trị muốn hợp đồng lại để cho Staline ra rìa. Rykov, ông chủ tịch hữu khuynh của Sovnarkom không tin tưởng gì các kế hoạch của Staline và bây giờ thêm Kalinine nữa cũng hơi hoài nghi Staline. Nên chi, Staline biết rằng ông có thể bị liệt vào thành phần thiểu số trong Bộ Chánh Trị, thậm chí bị lật đổ.

Staline cảm thấy khó chịu với tình trạng không nhứt trí trong Bộ Chánh Trị, đặc biệt là trong khi có cuộc khủng hoảng trầm trọng về chuyện nông thôn. Staline không khi nào tha thứ thái độ phản bội của Kalinine. Mỗi sự chỉ trích là một vấn đề sanh tử, phải trái, lành mạnh hay bịnh hoạn đối với một con người đa nghi, thường tự cho mình là quan trọng và phải đảm nhiệm một thiên mệnh. Mấy tháng qua, Staline cứ nghiền ngẫm mãi tình hình mất tin tưởng của những người chung quanh.

Chánh sách quá khích của Staline dẫn tới những cuộc đàn áp quá lố, làm dấy lên một phong trào đối kháng khiến ông cảm thấy rất lo ngại. Những phản ứng quá mạnh tay của Staline tạo ra một bầu không khí làm cho ông có nhiều lý do phải sợ hãi. Nỗi sợ hãi lo âu đó ảnh hưởng đến sinh hoạt trong gia đình.

*  *  *

Trong những ngày nghỉ ngơi ở miền Nam, Staline hay được tin Rioutine, một người bôn-sê-vít kỳ cựu, chịu trách nhiệm ngành nghệ thuật thứ bảy, đứng về phe đối lập. Staline phản ứng cấp thời, viết thơ cho Molotov, nói rằng chỉ đuổi Rioutine ra khỏi Đảng không chưa đủ mà phải đày đương sự đi càng xa Mạc Tư Khoa càng tốt. Đồng thời, Staline tạo ra một loạt những vụ án ngoạn mục và dựng lên những vụ "mưu phản", được cho là do những người bị nghi ngờ là "kẻ phá hoại" tạo ra.

Staline thúc đẩy nhịp độ tập thể hóa và hối hả tiến hành chương trình công nghiệp hóa. Cứ tình hình càng căng thẳng là Staline càng làm tăng thêm bầu không khí gay cấn, tạo ra những kẻ thù mới để làm cho những người đối nghịch thực sự bên trong Đảng và những chuyên viên kỷ thuật nào cho rằng những dự án của Staline là không thi hành được phải lo sợ.

Staline ra lịnh ngay cho Molotov cấp thời công bố những lời thú tội của các thành phần gọi là "phá hoại", và một tuần sau đó tuyên bố là "những tên đểu giả đó phải bị xử tử hết". Thế là, Staline nhứt quyết đánh vào bọn hữu khuynh trong chánh phủ. Ông phát động một chiến dịch chống bọn đầu cơ tiền tệ, mà những người chịu trách nhiệm là các ủy viên tài chánh Rykov, Piatakov và Brioukhanov, những tên "cộng sản khả nghi". Staline muốn cho máu phải đổ nên ra lịnh cho trùm mật vụ Menjinski bắt thêm bọn phá hoại. Sau đó, Staline ra lịnh cho Molotov "xử bắn vài ba chục tên phá hoại xâm nhập vào những văn phòng của Molotov". 

*  *  *

Mùa hè năm 1930, trong khi Đại Hội thứ XVI tôn vinh Staline lên ngôi lãnh tụ thì Nadia lâm bịnh nặng, ông phải đưa Nadia đi Carlsbad để tìm cách chữa trị hữu hiệu nhứt, kế đó ông đưa Nadia đi Bá Linh để thăm gặp người anh của bà, Pavel, và bà chị dâu, Génia. Bịnh trạng của Nadia thật là phức tạp, bí ẩn, có lẽ thuộc tâm thần. Bà bị đau trong bụng, có lẽ là do hậu quả của một lần phá thai. Bà còn bị đau đầu, đau thật nhiều, có lẽ là triệu chứng của sự lấp ráp sai lệch của những mảnh xương sọ, hay là chỉ vì hậu quả của những trận đấu đá nội bộ của Liên Bang Xô Viết. Dẫu cho phải để hết tâm sức vào việc tổ chức Đại Hội, vào cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù ở nông thôn và trong Bộ Chánh Trị, Staline vẫn tận tình lo cho vợ.

*  *  *

Như vậy, Staline là một con người tràn đầy mâu thuẩn và bất ngờ. Là một đối tượng có lý trí, thông minh, đôi khi cũng thơ mộng, có một thể chất cân đối và trên trung bình, nhưng lại có khuynh hướng độc ác, không lành mạnh. Phải chăng, vì Staline đã mang dấu ấn của một tuổi trẻ chịu ảnh hưởng của một người cha nát rượu, hành hạ con cái và của một bà mẹ thiếu tình thương, không phải là một loại gà mái chịu che chở đùm bọc con dưới đôi cánh? Hơn nữa khi vào đời, Staline đã lao vào đà tranh đấu của một đảng viên cộng sản và lăn lóc qua kiếp tù đày. Ngoài ra, có thể hai lần chết vợ một cách hụt hẫng và ngỡ ngàng đã làm cho con tim của ông rỗng không, mở ngõ mời vào những xung động ác ôn. Rồi đây, người ta sẽ còn chứng kiến những hành động tàn bạo của Staline, trên đà lịch sử của Liên Xô. Công lao gọi là "dựng nước" của Staline – "Người cha yêu thương của nhơn dân" - đã bị những hành động độc hại và vô lương của ông làm hoen ố một cách đáng tiếc.

 

(Còn tiếp)

 

Cố Nhân

(Nguồn: "Le Charmeur", trong "Staline, la cour du tsar rouge", của S.S. Montefiore, nxb. Editions des Syrtes, 2005.)

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.