Staline, xa hoàng đỏ
Staline, tập sự độc tài

Mùa hè năm đó, kết hợp với Sergo, Staline dựng lên một cuộc mưu
phản giả tạo – cái gọi là "Đảng Công Nghiệp" - với âm mưu tố cáo
ông chủ tịch Xô Viết Nông-Công Kalinine, một con người "hảo
ngọt", đã dùng công quỹ để bao vũ nữ. Ông chủ tịch đành phải xin
lỗi.

Staline và
Menjinski cũng thường liên kết để dựng lên những mưu phản giả
tạo khác để đánh phủ đầu những thành phần nào có ý chống lại
ông. Staline nghi ngờ lòng trung thành của Hồng Quân. Vậy là mật
vụ làm áp lực cho hai sĩ quan tố cáo tham mưu trưởng Mikhail
Toukhatchevski, một cấp chỉ huy có khả năng, nhưng nặng phần
trình diễn, màu mè, cũng là kẻ thù không đội trời chung của
Staline từ cuộc chiến Ba Lan năm 1920. Những sĩ quan không được
sáng giá cũng ganh ghét Toukhatchevski và than phiền với
Vorochilov là vị chỉ huy ngạo mạn này đưa ra những "kế hoạch vĩ
đại" để "miệt thị" họ. Staline cho rằng những "kế hoạch" đó
"quái dị" và nhiều tham vọng, gần như phản cách mạng.
Nhơn viên điều tra của mật vụ tố cáo Toukhatchevski âm mưu chuẩn
bị một vố nhằm vào Bộ Chánh Trị. Vào năm 1930, chuyện đó có vẻ
quá lố bịch, ngay cả đối với người bôn-sê-vít. Staline cho rằng
điều đó có vẻ trầm trọng nhưng khó tin, phải tham khảo với
Molotov. Nhưng Sergo thay đổi ý kiến và chùng bước nên năm 1930,
Toukhatchevski không bị bắt mà cũng không bị đưa ra tòa. Điều
đáng quan tâm là, bảy năm trước chiến dịch "Khủng Bố Nhà Nước",
Staline đã tố giác cũng những đối tượng đó và cũng theo phương
thức đó - một sự thao dượt cho năm 1937 – nhưng chưa được hậu
thuẫn đầy đủ.
***
Nadia chữa bịnh trở về, xuống nhà nghỉ phía Nam để gặp Staline,
nhưng vì bận tiến hành các âm mưu đánh người này, phá kẻ kia nên
Staline hơi lơ là với Nadia. Nadia bỏ đi Mạc Tư Khoa. Staline
cho Nadia biết là vì đang tiến hành một kế nghi binh để đánh lừa
bọn xấu. Staline đang trong thời kỳ bất ổn nên rất đa nghi, nhìn
đâu cũng thấy người ta muốn hại mình.
Ngày 13 tháng Chín, Staline nhắc khẻ Molotov là thượng từng quốc
gia đang mắc một cơn bịnh nguy hiểm, cần phải có biện pháp chỉnh
đốn. Staline cũng phát biểu như vậy cùng với những thành viên
khác trong Bộ Chánh Trị. Thấy vậy, những thành viên này đề nghị
Staline nắm luôn quyền chủ tịch Sovnarkom. Kaganovitch khẩn hoản
yêu cầu Staline nắm quyền lãnh đạo. Mikoïan cho biết là ở
Ukraine năm rồi nông dân đã phá hủy mùa màn. Tình hình khá nguy
hiểm. Ngày nay cần có một ban lãnh đạo mạnh với một người chỉ
huy duy nhứt, như trường hợp của Lê Nin trước kia. Nhưng Staline
lại muốn Molotov thay thế Rykov làm chủ tịch Hội Đồng Ủy Viên
Nhơn Dân.
Ngày 21 tháng Mười, Staline lại phát hiện những trường hợp phản
bội khác. Sergueï Syrtsov, ứng viên Bộ Chánh Trị và là một trong
những người thân tín của Staline, bị tố cáo là có âm mưu chống
lại Staline. Chuyện tố cáo là một nghĩa vụ thường ngày trong
nghi thức bôn-sê-vít và là một bổn phận. Sergo đề nghị Staline
là nên tống cổ mấy tên có lỗi ra khỏi Đảng, nhưng Staline thấy
rằng chưa đủ mạnh nên chưa thẳng tay.
Ngày 19 tháng Mười Hai, khoáng đại hội nghị được mở ra để cũng
cố thành công của Staline, trong chuyện diệt trừ bọn chống đối.
Khoáng đại hội nghị cất chức Rykov và đưa Molotov lên làm Chủ
Tịch Sovnarkom. Sergo vào Bộ Chánh Trị, lãnh đạo Hội Đồng Kinh
Tế Tối Cao, cơ quan đặc trách quản lý kế hoạch ngũ niên, một
phương tiện lý tưởng để áp đặt chương trình công nghiệp hóa
cưỡng bách.
Những thăng thưởng mới và nỗ lực được tung ra để cố gắng hoàn
thành Kế Hoạch Ngũ Niên trong vòng bốn năm gây ra nhiều bất bình
trong cấp lãnh đạo. Ai cũng muốn binh vực cho quyền lợi của lãnh
vực mình chịu trách nhiệm và cho những người thuộc bè phái mình.
Chính Staline cũng vậy, là con người chủ chốt của chiến dịch
"Khủng Bố Nhà Nước" mà cũng phải tìm cách luồn lách, vòng do tam
quốc, để lần mò tới đích.
Staline phải cố gắng dàn xếp những vụ tranh chấp càng ngày càng
trở nên hung hăng, đến đổi những nhơn vật quan trọng, như
Kouïbychev, Sergo và Mikoïan đe dọa từ chức, chỉ vì người nào
cũng binh vực vây cánh của mình.
Mùa hè năm 1931, tình hình thiếu thốn lương thực thực phẩm ở
nông thôn bắt đầu xuất hiện với cơn thiếu đói thật sự. Vào giữa
tháng Bảy, trong khi Bộ Chánh Trị nhẹ tay trong chiến dịch chống
lại những chuyên viên công nghiệp thì công cuộc đánh phá ở nông
thôn lại tiếp tục. Cơ quan mật vụ cùng với một trăm tám mươi
ngàn đảng viên, từ những thành phố được đưa về nông thôn, đã
phải bắn giết, đánh đập và đưa vào trại tập trung để phá tan
làng mạc.
Trên hai triệu nông dân bị đày đi Sibérie hoặc Kazakhstan. Năm
1930, đã có một trăm bảy mươi chín ngàn người bị giam giữ phải
lao động khổ sai trong các trại tập trung và năm 1935, con số đó
lên tới một triệu. Chuyện "Khủng Bố Nhà Nước" và lao động khổ
sai đã trở thành sinh hoạt then chốt trong hoạt động của Bộ
Chánh Trị. Staline đặc biệt quan tâm đến sinh hoạt này, ông luôn
luôn thắc mắc, ai lo bắt bớ, bọn Bạch Vệ cũ làm gì trong các xí
nghiệp, phải giải phóng gấp các nhà tù để lấy chỗ giam bọn
Koulak, phải xử sự như thế nào đối với bọn bị bắt,... Staline
đưa ra những con số người cần được đưa đi đày cho từng nơi, như
Ukraine 145.000, Bắc Caucase 71.000,... Bảng danh sách dài thườn
thượt lên đến tổng số là 418.000 người đi đày.
Trận chiến hủy diệt nông dân đưa một số lớn những nhà lãnh đạo
ra khỏi Điện Cẩm Linh, đóng hành dinh ở miền thôn dã. Sau Cách
Mạng, cấp lãnh đạo Liên Xô chia nhau những điền gia trang,
thường là trung tâm của những cuộc đấu đá phân chia quyền hành.
Trung tâm của cuộc sống nhiều hấp dẫn đó là Zoubalovo, cách xa
Mạc Tư Khoa chừng 35 cây số, ở đó có điền gia trang của Staline
và nhiều nhơn vật đầu sỏ khác. Những tòa nhà nông thôn này là
của những bực sang giàu trước Cách Mạng, bị nhà nước Xô Viết
tịch thu làm của công.
Điền gia trang của Staline – Zoubalovo-1 – là một thế giới kỳ
diệu đối với đám trẻ con của Staline. Vì, khác với sinh hoạt ở
Điện Cẩm Linh, đời sống ở điền gia trang thoải mái tự do hơn.
Cha mẹ sống ở từng trên, con cái từng dưới. Vườn hoa nắng đẹp và
sum suê cây lá. Cuộc sống ở đó được bọn trẻ cho là thần tiên, vì
có đầy đủ hết, nào là thơ viện, phòng tắm hơi, phòng chiếu phim,
vườn rau cải, vườn cây ăn trái, trại chăn nuôi,...
Lần hồi trẻ con gia đình Staline cũng quen với những người cận
vệ và những thơ ký của Staline. Đám cận vệ được coi như người
trong gia đình. Những người này thường xuyên sinh sống trong chu
vi gần nên đương nhiên được coi như chỗ thân quen. Pauker,
trưởng toán cận vệ và Vlassik, bảo vệ cá nhơn của Staline lúc
nào cũng có mặt tại chỗ. Pauker rất vui tánh, yêu mến trẻ em và
được lòng mọi người, trong khi Vlassik thì hay làm dáng, nên trẻ
con cho Vlassik "có bộ điệu như con gà tây dềnh dàng".
Trẻ con thích nhứt là Pauker và Staline cũng quý người cận vệ
này. Trước kia Pauker là thợ hớt tóc cho nhà hát Opéra ở
Budapest mà cũng biết đóng kịch nữa. Do đó đôi khi Pauker cũng
làm hề chọc cười Staline và kiêm thợ hớt tóc cho Staline. Mỗi
năm đến mùa Giáng Sinh, Pauker đóng vai "Ông Già Noël" phân phát
quà cho trẻ em trong Điện Cẩm Linh. Mật vụ, dưới bề ngoài một
ông già Giáng Sinh, không còn gì tiêu biểu hơn nữa cho một thế
giới kỳ lạ, như thế giới của những người cộng sản.
Một nhơn vật nữa, cũng thường xuyên có mặt bên cạnh Staline là
Alexander Poskrebychev, chánh văn phòng của Staline. Người ta
thường thấy Alexander đi hối hả xuyên qua vườn hoa của Zoubalovo
để phân phát tài liệu cho phòng này phòng nọ. Ông này có hình
thù dị tướng, xấu xí nhưng làm việc rất giỏi. Bộ phận làm việc
của Alexander là trung tâm của bộ máy quyền lực của Staline. Ông
là người tổ chức các phiên họp của Bộ Chánh Trị.
Nhìn nét mặt của Alexander, người ta có thể đoán được tính khí
của Staline trong khoảng thời gian nhứt định. Trong việc làm,
Staline gọi Alexander là "đồng chí", nhưng ngoài ra thì Staline
gọi ông với tên thân thương là Sacha hay là "sếp". Nhưng về sau,
Alexander phải chịu nhiều đau khổ vì Staline. Trong những ngày
cuối đời của Staline, chính Alexander, người y tá không được đào
tạo căn bản đó đả phải một thân, một mình săn sóc cho Staline.
Hàng ngày, Staline thường dậy trễ, lối mười một giờ, ăn sáng
xong rồi bắt đầu làm việc với những chồng hồ sơ mà ông mang
theo, được gói trong giấy báo – ông không thích dùng cặp. Bữa ăn
trưa của ông, thường là vào khoảng 3 hoặc 4 giờ xế trưa, rất
thịnh soạn, có mặt gia đình đông đủ và nhứt định là phải có một
nửa thành phần Bộ Chánh Trị cùng với các phu nhơn.
Staline rất thương con nít. Con cái Staline thường chơi với anh
chị em họ hàng và những người con của cấp lãnh đạo ở Điện Cẩm
Linh. Ngoài ra, còn có con cái của những người bôn-sê-vít khác.
Con trai đông hơn con gái. Vassili thường bắt nạt em gái,
Svetlana, thích lên mặt ta đây nên thường kể cho em gái nghe
những chuyện sinh lý. Staline rất cưng con gái Svetlana và không
thích mấy đứa con trai.
Là con trai nhưng tánh tình ủy mị nên Vassili làm cho Nadia rất
lo ngại. Những nhơn vật bôn-sê-vít không nuôi dạy con cái mà
giao cho các chị vú em hoặc những người giám hộ. Chẳng khác gì
những gia đình quý tộc. Lý do là phần lớn các bà cũng có công ăn
việc làm, không ai có thì giờ nuôi dạy con cái.
Khi lớn lên, Svetlana thường tâm sự là không bao giờ thấy mẹ tỏ
vẻ thương yêu triều mến. Trái lại, Svetlana nói rằng mẹ rất yêu
thương anh là Vassili. Vì Nadia quan tâm đến Vassili nhiều hơn
nên Svetlana có ý ganh tỵ, cho rằng mẹ cũng yêu thương nhưng hơi
khắt khe. Staline rất thương yêu con gái, thường hun hít nựng
nịu, nhưng khi lớn lên Svetlana thường than phiền là cô không
chịu được mùi thuốc lá và râu ria lởm chởm của người cha. Còn
Nadia hơi cách xa con gái nên Svetlana coi mẹ như một hình ảnh
thánh thiện để yêu thương kính mến trong xa cách.
Cứ theo tinh thần Lê Nin, con người bôn-sê-vít nghĩ rằng có thể
xây dựng được một con người mới – con người xô viết – qua cố
gắng học hành triệt để. Những người có quyền có chức trong chế
độ cộng sản thường là những người tự học, trình độ văn hóa nửa
vời, nên chẳng bao giờ ngưng học. Vì vậy cho nên con cái của họ
phải học hành cật lực để trở nên những người khai hóa hơn bực
cha mẹ và cố gắng nói được ba thứ tiếng mà những người giám hộ
truyền đạt cho.

Đối với những
người bôn-sê-vít, Đảng không phải chỉ là bực
trên trước
gia đình mà là một
gia đình cao cả.
Nên chi, khi Lê Nin chết đi, Trotski tự cho mình đã "mồ côi" và
Kaganovitch đã gọi Staline là "cha chúng ta". Staline quở trách
Boukharine và cho hắn biết rằng "cá nhơn không là gì hết. Chúng
ta chẳng phải là một quần thể gia đình mà cũng không phải là một
bè nhóm thân hữu, chúng ta là Chánh Đảng của giai cấp công
nhơn". Những người bôn-sê-vít tự mình rèn luyện bản chất lạnh
lùng của họ. Có người còn cho rằng "một người bôn-sê-vít phải
coi trọng công việc hơn vợ mình". Những thành viên gia đình
Mikoïan rất đoàn kết, nhưng Anastas Mikoïan là một người cha
"nghiêm khắc, khó tánh thậm chí khắc nghiệt, không khi nào quên
mình là một ủy viên Bộ Chánh Trị và một con người bôn-sê-vít.
Trong bữa ăn tối tại Điện Cẩm Linh, Staline nói với
Enoukidze:"Một con người bôn-sê-vít đích thật không nên có gia
đình vì hắn phải hiến dâng trọn vẹn cho Đảng." Theo một chiến sĩ
bôn-sê-vít lão thành thì:"Nếu phải chọn lựa giữa Đảng và cá nhơn
thì phải chọn Đảng vì Đảng là hiện thân cho mục đích chung, của
những gì tốt đẹp cho số đông, và một con người chỉ là một con
người."
Vậy mà, Staline rất rộng lượng với trẻ con. Artiom, con nuôi của
Staline và Nadia, nói rằng:"Tôi nghĩ là Staline thương tôi thiệt
tình. Tôi nể nhưng không sợ ông. Ông thường làm cho câu chuyện
trở nên thích thú và ông giúp cho mình suy nghĩ như một người
lớn."
Truyền thống người dân Caucase hay để cho trẻ em liếm rượu trên
ngón tay người lớn và khi bé thơ đã lớn lên, cho chúng uống
những ly rượu nhỏ. Staline thường cho Vassili uống từng hớp
rượu, và sau đó cho cả Svetlana nữa, và thói quen đó làm cho
Nadia không hài lòng. Hai vợ chồng cãi nhau luôn về chuyện này.
Khi Nadia hoặc bà chị cằn nhằn thì Staline chỉ cười trừ và chống
chế:"Cũng một thứ thuốc trừ bịnh thôi."
Có một hôm, Artiom phạm một lỗi khá trầm trọng vì Staline rất đa
nghi. Những người lớn đang bận làm việc, Artiom thấy nồi soupe
đang chờ bèn cắc cớ lấy thuốc hút ống điếu của Staline rắc vào.
Khi húp soupe, người lớn phát giác ra là có thuốc lá trong đó.
Tri hô lên, Artiom nhận lỗi. Staline tĩnh bơ hỏi Artiom đã nếm
thử chưa. Artiom lắc đầu. Staline cho biết là rất ngon và biểu
Artiom húp thử và dặn "nếu con thấy ngon thì nói ông quản gia
lúc nào cũng để thuốc lá vào soupe, còn không ngon thì từ nay về
sau đừng làm vậy nữa".
Nhóm nhân vật lãnh đạo hàng đầu này đều biết rõ tình hình suy
đồi khủng khiếp ở nông thôn. Stanislas Redens, anh rể của Nadia
và trùm mật vụ Ukraine, là vai chánh của vụ đói ăn ở đó, là
người biết rành tình hình và đã tích cực nhúng tay vào tội ác.
Nhứt định là bà vợ, chị ruột của Nadia, thế nào cũng nói cho
Nadia rõ thảm kịch Ukraine. Một biến cố trọng đại rồi đây không
những sẽ phá nát cuộc hôn nhơn của Staline mà còn nguy hại cho
chính gia đình bôn-sê-vít nữa.
(Còn tiếp)
Cố Nhân
(Nguồn: "La famine et la campagne", trong tác phẩm "Staline,
la cour du tsar rouge", S.S. Montefiore, nxb.
Editions des Syrtes, 2005.)
|