.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


Đại lễ VESAK 2008 LHQ
và con đường của Phật giáo Việt Nam

  • PSN 21.04.2008 | Huỳnh Kim Quang

Trong dịp Đại Lễ Vesak 2007 của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Thái Lan, Ban Tổ Chức Đại Lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc (International Organizing Committee – IOC) đã quyết định chọn Việt Nam là nơi tổ chức Đại Lễ Vesak 2008 của Liên Hiệp Quốc.  Sự kiện này có thể nói là một biến cố lịch sử trọng đại không những cho Phật Giáo Việt Nam mà còn cho cả dân tộc Việt Nam nữa. 

 

Tại sao việc tổ chức Đại Lễ Vesak 2008 của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam lại là một biến cố lịch sử trọng đại cho Phật Giáo và dân tộc Việt Nam?  Để trả lời cho câu hỏi này một cách tương đối minh bạch và đầy đủ, chúng ta cần phải đi sâu vào việc tìm hiểu một số những vấn đề có liên quan thiết yếu đến Đại Lễ này, chẳng hạn từ đâu mà có Đại Lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc, ý nghĩa và mục đích của Đại Lễ Vesak là gì, thực trạng của đất nước và Phật Giáo Việt Nam hiện nay như thế nào, v.v… 


Trước hết là về Đại Lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc. 
Nhân loại, mặc dù đã ra khỏi tình trạng bị đe dọa diệt chủng vì cuộc đương đầu của hai thế lực tư bản và cộng sản trong thời kỳ chiến tranh lạnh vào hậu bán thế kỷ 20, vẫn còn phải đối diện với những cuộc khủng hoảng và bất an vì nạn tranh giành quân bình thế lực quốc tế, nạn cuồng tín tôn giáo và chủ nghĩa, nạn kỳ thị sắc tộc dẫn đến tệ trạng diệt chủng ở lục điạ Phi châu và ngay cả tại khu vực Nam Tư cũ, nạn chà đạp lên quyền sống, quyền làm người và các quyền tự do căn bản của con người trên khắp hành tinh, đặc biệt tại các nước độc tài quân phiệt và độc tài cộng sản, nạn xâm hại một cách nghiêm trọng các môi trường sinh thái trên khắp mặt đất đe dọa đến đời sống của nhiều thế hệ tương lai, v.v… 

 

Liên Hiệp Quốc, một cơ quan điều hợp bao quát sinh hoạt của cộng đồng thế giới, đã nhìn thấy nhu cầu cấp bách về một phương thức cứu chữa mà cộng đồng quốc tế có thể làm được để kịp thời giảm thiểu tối đa những tại họa vừa nêu trên.  Trong nhãn quan và mong ước đó, Liên Hiệp Quốc đã suy nghĩ đến vai trò và khả lực của tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình của Phật Giáo mà đức Phật đã từng cống hiến một cách hữu hiệu cho nhân loại suốt trên hai mươi lăm thế kỷ.

 
Đó chính là động lực và tiêu đích để cho Liên Hiệp Quốc trong khóa họp khoáng đại lần thứ 54 ngày 15 tháng 12 năm 1999 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị Quyết lấy ngày trăng tròn tháng 5 Dương lịch làm ngày Đại lễ Vesak.  Theo đó, Liên Hiệp Quốc hằng năm sẽ chính thức tổ chức Đại lễ Vesak tại trụ sở Trung Ương ở New York cũng như tại các văn phòng của Liên Hiệp Quốc khắp nơi trên thế giới. 


Trong Hiến Chương của IOC, ở Chương 3, Điều 3.2.1 có ghi:
“3.2.1.
To internationally recognize and observe the Day of Vesak, the thrice sacred day  commemorating the birth, the enlightenment and the passing away of the Buddha, as the day of religion and culture.” Tạm dịch:  Để tri nhận và cử hành trên toàn thế giới Ngày Vesak, ba ngày thiêng liêng kỷ niệm đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của Đức Phật, như là ngày tôn giáo và văn hóa.


Hoặc, cũng trong Hiến Chương của IOC, ở Chương 3, Điều 3.2.2 có ghi:
“3.2.2. To promote, foster and maintain collaborations between the different Buddhists traditions and schools, in order to foster and support Buddhist Culture, Philosophy and Practice for the well being and happiness of humanity.”
Tạm dịch:  Để thăng tiến, nuôi dưỡng và bảo tồn sự hợp tác giữa những trường phái và truyền thống Phật Giáo khác nhau, để khuyến khích và hỗ trợ cho sự thực nghiệm, triết lý và văn hóa Phật Giáo cho đời sống của con người được phúc lợi và an lạc.


Lấy ngày đại lễ Vesak làm ngày sinh hoạt tôn giáo và văn hóa thế giới để cổ võ tinh thần hòa bình, an lạc, từ bi và trí tuệ của đức Phật nhằm hóa giải những thù hận, bất an, khủng hoảng và khổ đau cho nhân loại, trong Thông Điệp đại lễ Vesak tổ chức tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York, vào ngày 7 tháng 5, năm 2002, ông Cofi Annan, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đã phát biểu: “In this time of global uncertainty, the Buddha's vision of peace and of humanity's highest potentials may be more relevant than ever before.
On this Day of Vesak, let us remember that whatever our origin, our race, our culture or our belief, we are not essentially different. Above all, we share the same home, a shrinking planet on which we are bound to live together. So, let us work together towards the common good and the harmonious and peaceful coexistence of all the world's people.” Tạm dịch:  Trong thời kỳ bất an của thế giới hôm nay, quan kiến của đức Phật về hòa bình và về tiềm năng cao tột của nhân loại có thể thích đáng hơn bất cứ lúc nào. Trong ngày Vesak này, chúng ta hãy ghi nhớ rằng cho dù gốc gác, chủng tộc, văn hóa hay niềm tin của chúng ta là gì đi chăng nữa, thực chất chúng ta không khác biệt nhau.  Trên tất cả, chúng ta cùng dự phần trong một ngôi nhà, một hành tinh nhỏ hẹp trong đó chúng ta sống liên kết với nhau.  Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện hướng đến sự tốt lành và sự tương sinh hòa bình và an lạc cho tất cả mọi người trên thế giới này.


Đại lễ Vesak được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000 tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York.  Đến năm 2004, Chính phủ và Phật Giáo Thái Lan đã xin đăng cai để được tổ chức đại lễ Vesak tại Thái Lan.  Qua năm 2005 đại lễ Vesak được tổ chức tại Ấn Độ và sau đó suốt 2 năm liền đại lễ Vesak đều được Chính phủ và Phật Giáo Thái Lan tiếp tục đăng cai tổ chức.  Trong Đại lễ Vesak năm 2007 tại Thái Lan, Chính quyền và Phật Giáo Việt Nam, đại biểu là Học Viện Phật Giáo Việt Nam do Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đại diện, đã chính thức xin đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak tại Việt Nam vào năm 2008.  Sau khi cứu xét nhiều điều kiện trong đó có nhiều nước cùng đăng cai, Ủy Ban Tổ Chức Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (IOC) đã chuẩn thuận cho Việt Nam đảm nhận việc tổ chức Đại lễ Vesak năm 2008.


Qua những lần tổ chức Đại lễ Vesak tại Ấn Độ và Thái Lan trước đây, chúng ta nhận thấy có mấy điểm cần lưu ý:


1.  IOC đóng vai trò chủ chốt trong việc chỉ đạo và điều hợp tổng quát việc tổ chức, đặc biệt trong phần nội dung của Đại lễ.  Vị Chủ Tịch của IOC không do một giáo phẩm trong Giáo Hội hay một viên chức trong Chính phủ đảm nhận mà do một vị Viện Trưởng của một Đại Học Phật Giáo, như trường hợp tại Thái Lan là vị Viện Trưởng, Thượng Tọa Phra Dharmakosajarn của Viện Đại Học Mahachulalongkom – rajavidyalaya là Chủ Tịch IOC.


2.  Để hỗ trợ hữu hiệu cho việc tổ chức Đại lễ Vesak được thành tựu viên mãn Giáo Hội và Chính phủ của quốc gia sở tại cần tiếp tay trong một số công tác cụ thể như:  Về Giáo Hội là để vận động Tăng, Ni và quần chúng Phật tử tham gia đông đảo, để hỗ trợ về mặt nhân sự cho các chương trình nghi lễ, tiếp tân, thuyết giảng, v.v...  Về Chính phủ là để hỗ trợ cụ thể cho vấn đề an ninh, tài chánh, lưu thông di chuyển, v.v...


Về thực trạng của đất nước Việt Nam. 
Sau hai mươi năm mở cửa để phát triển kinh tế và giao thương với cộng đồng thế giới bên ngoài, Việt Nam có thể nói là đã thoát khỏi tình trạng cô lập về mặt bang giao quốc tế và phần nào vực dậy được nền kinh tế què quặt, tụt hậu và nghèo đói của xã hội Cộng Sản.  Nhưng, sự chênh lệch giàu nghèo vẫn còn là một nan đề xã hội, trong đó, kẻ có tiền và quyền thì được nhiều điều kiện thuận lợi để làm giàu thêm, còn người nghèo khó không tiền và quyền thì cũng vẫn phải sống cuộc đời bần hàn thiếu thốn, chính vì vậy, vô số trẻ em vì gia đình quá nghèo đã không thể cắp sách đến trường.  Một nền kinh tế thị trường được vội vã dựng lên trên nền tảng mong manh và yếu kém của một xã hội chưa ổn định về mặt luật pháp, chưa chuẩn bị đủ về mặt kiến thức chuyên nghiệp, cho nên đã không thể tránh khỏi những sai lầm nghiêm trọng trong nhiều lãnh vực, và vì vậy đã tạo ra những trở lực không nhỏ cho tiến trình phát triển rộng lớn.  Nhiều quyền tự do căn bản của người dân, như tự do báo chí, tự do ngôn luận, vẫn chưa được tôn trọng một cách đúng mức đã là lỗ hổng cho những tệ nạn lạm quyền và tham nhũng phát sinh.  Đặc biệt nếp sống đạo đức, văn hóa và tâm linh truyền thống lâu đời của dân tộc đã bị vùi dập dưới sức mạnh của cuộc sống thác loạn chạy theo chủ nghĩa quyền lực, tiền tài, sắc dục, thời thượng,
v.v...


Động lực chủ yếu cho một đất nước phát triển toàn diện không hoàn toàn nằm trong tay của thể chế chính quyền cai trị, mà tùy thuộc căn bản vào nội lực ắt có của cả dân tộc.  Nội lực căn bản của dân tộc ấy chính là năng lực hiển phát của truyền thống văn hóa cao, tiềm lực vững mạnh của nền đạo đức và tâm linh sẵn có, khả lực hùng hậu của tài nguyên và nhân lực và sau cùng là tinh lực phát tiết của trình độ dân trí. 

 

Đây chính là lý do tại sao, các nhà cách mạng chân chính của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 như cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, v.v…, vì muốn giành lại độc lập cho đất nước và phát triển xã hội đã quyết tâm vận động phong trào canh tân, phát triển dân trí và phục hưng truyền thống văn hóa, đạo giáo căn bản của dân tộc, mặc dù thời đó Việt Nam đang nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Khi truyền thống văn hóa, đạo đức và tâm linh được phục hưng, khi nền dân trí được mở mang thì chính là lúc sức mạnh nội lực căn bản của dân tộc được dựng lập để trên nền tảng ấy thực hiện mọi công cuộc phát triển đất nước.  Dân trí được nâng cao thì người dân ai cũng ý thức một cách sâu sắc về giá trị quý báu của đời sống tri thức mà trong đó có cả quyền sống, quyền làm người và các quyền tự do căn bản khác. 

 

Nền đạo đức và tâm linh chân chính được phục hưng thì người dân không những biết cách làm sao để sống hạnh phúc an lạc cho bản thân mà còn góp phần kiến tạo hạnh phúc và an lạc cho nhân quần xã hội.  Cho nên, phát huy truyền thống văn hóa chính thống của dân tộc, nâng cao dân trí và phục hưng nếp sống đạo đức tâm linh tôn giáo chính là góp phần tích cực và hữu hiệu vào công cuộc chuyển hóa cơ chế độc tài, phục hồi giá trị của tự do, dân chủ, nhân quyền, xóa bỏ các tệ nạn lạm quyền, tham nhũng và mở ra thật sự tiến trình phát triển toàn diện cho đất nước.


Phật Giáo được truyền vào Việt Nam tính đến nay đã trên hai ngàn năm. Trong suốt quá trình lịch sử dài lâu ấy, Phật Giáo Việt Nam cũng đã trải qua nhiều kinh lịch hưng suy!  Nhưng có điều, dù ở trong bất cứ tình cảnh nào, Phật Giáo Việt Nam cũng luôn luôn là một thực thể, một bộ phận bất phân của dân tộc, luôn luôn đứng chung hàng ngũ với đại khối dân tộc để cùng nhau tiến thoái. Bởi lẽ đó, ngày nay trong thịt da và máu huyết của giống nòi Lạc Việt, người ta thấy có chất liệu và dáng hình của Phật Giáo Việt Nam ánh hiện. Chính vì vậy, trải qua một ngàn năm đô hộ của giặc Tàu, một trăm năm đô hộ của giặc Tây, và từ giữa thế kỷ hai mươi đến nay, trong cơn biến động sâu xa của đất nước, trước những tranh chấp và thao túng của các thế lực chính trị, các ý thức hệ, các chủ nghĩa ngoại lai, Phật Giáo Việt Nam đã cùng với dân tộc chia xẻ những thăng trầm và khổ nhục! Trong hệ quả suy trầm và khổ nhục của Phật Giáo đã phơi bày ra đó với sự tha hóa, chia rẽ, suy vi và bế tắc trầm trọng diễn ra ngay chính tự thân của Phật Giáo Việt Nam! 

 

Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam, ai có lòng đối với Đạo Pháp và Dân tộc mà không khỏi ngậm ngùi chua xót!  Thảm trạng đau lòng ấy chứng tỏ một sự kiện xác thực rằng, Phật Giáo Việt Nam đã là nạn nhân, giống như dân tộc Việt Nam cũng đã là nạn nhân. Nạn nhân của những cá nhân mang đầu óc tham vọng điên cuồng và nạn nhân của những thế lực tập đoàn tàn hại đất nước! 


Nỗi đau thương và tủi nhục ấy còn gia tăng gấp bội khi những người cùng là nạn nhân mà lại còn không tỉnh thức để quay lại đánh phá và gây khổ đau cho đồng đạo, cho pháp hữu của mình!  Rồi cuối cùng ai là kẻ hưởng lợi, ai là người bị mất mát?  Điều thấy rõ mồn một là, kẻ hưởng lợi đó nhất định không phải là Tăng, Ni và Phật tử, ngược lại người mất mát đó chính là Phật Giáo Việt Nam! 


Suốt ba thập niên qua, cửa nhà của Phật Giáo Việt Nam đã không may!  Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHTN) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) xem nhau như người xa lạ, thậm chí có lúc hai bên còn chống đối lẫn nhau, không bên nào chịu ngồi lại, để cùng nhau hướng đến công cuộc xây dựng và phát triển nền Phật Giáo Việt Nam!  GHPGVN vì không thể mạnh dạn thoát ra khỏi sự chi phối của chính quyền, để có thể sinh hoạt độc lập đi theo con đường trong sáng của Đạo Phật truyền thống, cho nên, dù sinh hoạt hợp pháp mà đã không đóng góp được nhiều như kỳ vọng của Tăng, Ni và quần chúng Phật tử trao gửi.  GHTN vì không chịu đặt dưới sự chi phối của chính quyền, cho nên, đã không thể sinh hoạt hợp pháp, và vì vậy cũng đã không thi thiết được trọn vẹn sứ mệnh xây dựng và phát triển nền Phật Giáo Việt Nam trong vị thế và vai trò lớn lao đối với lịch sử.  Do đó, Phật Giáo Việt Nam đã bị suy trầm và bế tắc hầu như toàn diện!


Trong thảm trạng như vậy, đại đa số Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam thầm lặng đã và đang trông chờ điều gì? Câu trả lời thật xác quyết và minh bạch mà ai cũng thấy và biết, đó là sự ngồi lại trong tinh thần thanh tịnh hòa hợp đúng nghĩa của truyền thống Tăng già Đạo Phật, vượt thoát lên trên tất cả những hệ lụy, trói buộc và giới hạn của các thế lực vô minh thế gian để cùng nhau xây dựng và phát triển toàn diện nền Phật Giáo dân tộc. 


Trong bối cảnh của thế giới, của đất nước Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam như vậy, một Đại Lễ Vesak 2008 của Liên Hiệp Quốc được cử hành trọng thể tại Việt Nam sẽ mang lại những ý nghĩa gì?
Thứ nhất, Liên Hiệp Quốc, qua Đại Lễ Vesak 2008 tại Việt Nam, sẽ chính thức phổ biến tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình của Phật Giáo đến với tất cả các nước thuộc khu vực Á Châu và Thái Bình Dương, đặc biệt các nước còn nằm trong hệ thống chính trị độc tài Cộng Sản như Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam.  Khu vực các nước liên đới biên giới với Trung Quốc như Bắc Hàn, Miến Điện, Tây Tạng, Đài Loan, Việt Nam gần đây đã xảy ra nhiều biến động bất an làm cho tình hình trong vùng trở nên căng thẳng và đầy bất trắc!  Một Đại Lễ Vesak với tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình của Đức Phật được long trọng tổ chức ngay trong lòng bất an của khu vực này là điều thuận lợi để làm lắng dịu những cơn bạo hành đã và có thể tiếp tục diễn ra.  Hơn nữa, khu vực Đông và Nam Châu Á là nơi tập trung các nước có truyền thống Phật Giáo lâu đời và chiếm một vị thế vững mạnh trong lòng các dân tộc này.  Chính vì vậy, việc tổ chức một Đại Lễ Vesak tại Việt Nam là tạo thắng duyên vừa cho sự ngồi lại của các nước Phật Giáo trong vùng, vừa tái khẳng định và phục hưng các truyền thống Phật Giáo lâu đời tại các quốc gia này.


Thứ hai, khi một Đại Lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc được tổ chức long trọng tại Việt Nam với những sinh hoạt văn hóa và tôn giáo rầm rộ từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở địa phương thì chắc chắn đó là một biến cố lịch sử lớn lao chưa từng được thực hiện trên đất nước Cộng Sản suốt hơn nửa thế kỷ nay.  Qua sự thực hiện sâu và rộng Đại Lễ Vesak này, toàn dân Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận trực tiếp với một truyền thống văn hóa và đạo Phật đã bám rễ sâu xa trong lòng dân tộc từ hai ngàn năm nay.  Và cũng nhân đây, chất liệu tiềm tàng của nền văn hóa và đạo Phật truyền thống ấy sẽ có cơ hội hưng phát phổ quát khắp đất nước.  Một đạo Phật chân chính hiện diện và phát huy rực rỡ trong lòng dân tộc là biển lớn có khả năng tinh lọc mọi uế trược đến từ các cành nhánh sông rạch chủ nghĩa, ý hệ, đảng phái trở thành một vị thuần khiết, đó là vị mặn của muối, vị mặn của huyết thống Lạc Hồng. 

 

Điều không thể chối cãi khác là sức ảnh hưởng rất lớn của đạo Phật qua Đại Lễ Vesak 2008 đối với giới trẻ và tri thức Việt Nam. Thành phần này xưa nay chỉ cho rằng đạo Phật là đạo mê tín dị đoan, là đạo chỉ biết cúng tụng, là đạo không có văn minh khoa học.  Qua Đại lễ Vesak 2008, thành phần trẻ và tri thức Việt Nam sẽ nhìn thấy rõ hơn về khả tính ưu việt của một đạo Phật, một đạo Phật truyền thống vốn là cái nôi của nền văn hóa Việt Nam, vốn là tiềm lực trong công cuộc dựng và giữ nước, vốn là nguồn sáng tạo vô biên của mọi ngành khoa học và nghệ thuật, vốn là chất liệu sung mãn cho nếp sống biết tôn trọng sự sống, tôn trọng quyền làm người, hướng đến tự do, dân chủ thật sự.  

 

Có người cho rằng với sự chấp thuận việc tổ chức Đại lễ Vesak 2008 của Liên Hiệp Quốc, Chính quyền Cộng Sản Việt Nam có thể có hai điều lợi.  Đó là, một, nâng cao được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, hai, làm tốt cho bộ mặt của chế độ đối với những công kích về việc đàn áp tôn giáo trong những năm tháng qua. 

 

Tuy nhiên, thực tế không hẳn là điều hoàn toàn thuận lợi cho chế độ như vậy, bởi vì, chúng ta đừng quên rằng, cộng đồng thế giới không phải dễ dàng tin tưởng hoàn toàn vào những gì đang diễn ra mà còn tùy thuộc rất nhiều vào những gì sẽ xảy ra nữa.  Điều ấy có nghĩa là, nếu chỉ vì muốn rửa mặt cho chế độ mà Chính quyền tổ chức Đại Lễ Vesak 2008, rồi sau đó vẫn tiếp tục chính sách bất công đối với Phật Giáo thì Chính quyền Việt Nam cũng sẽ bị cộng đồng nhân loại lên án, như đã từng bị lên án từ lâu nay.


Thứ ba, hưởng được nhiều thuận lợi nhất qua Đại lễ Vesak 2008 của Liên Hiệp Quốc chính là toàn thể Phật Giáo Việt Nam, chứ không phải chỉ là một giáo hội, hệ phái hay giáo phái Phật Giáo riêng lẻ nào. Một Đại Lễ Vesak với danh nghĩa của Liên Hiệp Quốc chủ trì, có sự tham dự của trên 70 quốc gia và hàng ngàn quan khách quốc tế bao gồm các nhà lãnh đạo Phật Giáo các nước, có thể có sự hiện diện của ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, các nhà lãnh đạo quốc gia, các chính khách tên tuổi, các nhân sĩ tri thức quốc tế, suốt hàng tuần lễ diễn ra các buổi Đại Lễ Phật Đản tại các địa phương trên toàn quốc đến Đại Lễ Vesak tổ chức tại Hà Nội trong 4 ngày, mà chương trình bao gồm nhiều sinh hoạt nổi bậc như văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, tôn giáo, hội thảo và thuyết trình với những đề tài liên quan đến các vấn đề lớn của nhân loại hiện nay, như Phật Giáo và môi sinh, Phật giáo và khoa học, Phật giáo và dân chủ, Phật giáo và phương thức trị liệu chiến tranh, thù hận, v.v…
quả thật là một sự kiện trọng đại chưa từng diễn ra trước đây cho Phật Giáo Việt Nam. 

 

Với thực trạng bế tắc suốt mấy thập niên qua của toàn khối Phật Giáo Việt Nam thì Đại Lễ Vesak 2008 quả là một cơ hội quý giá để thúc đẩy mọi công cuộc phục hưng và phát triển toàn diện nền Phật Giáo cả nước. 


Qua Đại Lễ Vesak 2008 của Liên Hiệp Quốc lần này, cho thấy vị thế và vai trò hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và đất nước Việt Nam. Vị thế và vai trò ấy sở dĩ có được và đang được tôn vinh chính là vì Phật Giáo Việt Nam luôn luôn hành xử đúng chức năng và vai trò của mình. Chức năng, đó là một Phật Giáo Việt Nam vừa truyền thừa đầy đủ tinh hoa của truyền thống hai ngàn năm trăm năm đạo Phật bắt nguồn từ đức Thích Ca Mâu Ni, vừa thi thiết trọn vẹn bản nguyện tự giác giác tha, hàm tàng hai đức tính ưu việt trí tuệ và từ bi. Vai trò, đó là Phật Giáo Việt Nam kiên thủ không rời con đường nhập thế độ sinh trong phong thái xuất thế siêu việt, không để mình bị trói buộc, bị hệ lụy, bị tác nghiệp trong sứ mệnh lớn lao và cao cả ấy.


Hai ngàn rưởi năm trước, suốt con đường giáo hóa trên bốn thập niên của Ngài, đức Phật luôn luôn đứng trên tất cả mọi giới hạn của các tranh chấp và hệ phược thế gian.  Ngài đã sáng suốt và dũng mãnh chọn con đường chuyển hóa nhân sinh và xã hội bằng phương thức tự giác và giác tha lấy mục đích tận trừ vô minh và phiền não trong nội thể để trong sạch tự thân và tịnh Phật quốc độ.  Có người cho rằng đó là con đường tiêu cực, là cách thụ động, là xoay lưng lại với những khổ đau và bất ổn của cá nhân và xã hội. 

 

Nhưng, họ đã sai lầm!  Vì những kẻ chê trách phương thức hành đạo của Đức Phật ấy đã dùng lăng kính một chiều của kẻ phàm phu còn ngã chấp, của nhà chính trị chạy theo các chủ thuyết, chủ nghĩa, đảng phái thế gian.  Họ quên rằng mọi công cuộc cải cách nhân sinh và xã hội nếu không bắt nguồn từ cuộc cách mạng tâm linh căn để nhất thì vĩnh viễn chỉ là những thay đổi chấp vá tạm thời bề ngoài, trong khi những mầm mống bất an và khủng hoảng sâu kín bên trong của tham, sân, si vốn vẫn còn nguyên vẹn.  Chính trong ý nghĩa đó mà khi được Vua Lê Đại Hành tham vấn về vận nước, Thiền sư Pháp Thuận đã tóm tắc ý chỉ an bang tế thế trong một bài kệ:
 

“Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.”

 

“Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ hết đao binh.”
              (Lê Mạnh Thát, Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tập 2)


Nơi nào biết ứng dụng đạo lý giác ngộ và giải thoát, nơi ấy sẽ kiến tạo được nếp sống ổn định, an lạc và thái bình.  Sự ổn định, an lạc và thái bình trước hết phải đến từ chính nội thể tâm thức của từng cá nhân, rồi sau đó mới có ổn định, an lạc và thái bình thật sự bên ngoài xã hội.  Phật Giáo chính là con đường, là phương thức hữu hiệu để xây dựng mọi sự ổn định, an lạc và hòa bình cho con người và xã hội.  Đây là lý do tại sao Liên Hiệp Quốc đã ra Quyết Nghị tổ chức Đại Lễ Vesak để tôn vinh và phổ biến tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình của Đức Phật, như là một giải pháp thích đáng để phát huy tự do, nhân tính và hòa bình trên thế giới.

Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sinh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Huỳnh Kim Quang
 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.