.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


VESAK và những khó khăn tồn tại

  • PSN 11.05.2008 | Minh Mẫn


Tuy Việt Nam đăng cai  tổ chức Đại lễ Vesak, tinh thần văn thư của Thủ Tướng chính phủ phổ biến khá thông thoáng, nhưng các nơi, từ tỉnh, Thành, quận huyện, xã ấp đều không được trơn tru như ta tưởng.

Ngay tại TP HCM, khi các quận huyện và cả tư gia, cơ bản đến nay đã hoàn chỉnh việc trang trí, thiết lập lễ đài, thì Thành Hội, BTS chả hiếu phấn đấu thế nào mà đến nay chưa có động tĩnh.

Lễ đài chính của Thành Hội đưa vào sân bóng đá quân khu 7, có tường rào bao bọc ( không sợ Thành Hội đá bóng lọt ra ngoài phạm vi ). Nếu làm lễ mà nhốt trong bốn bức tường thành như thế, thà để tại Vĩnh Nghiêm tốt hơn. Thương cho Phật Giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trên 2000 năm mà khi tổ chức lễ, không có mặt bằng khả dĩ hành lễ!

Nghe đâu lúc đầu sân bóng đá quân khu 7 không đồng ý cho mượn hay cho mướn, vì có những trận đấu sắp diễn ra, cuối cùng thương thảo gay go, cơ quan chủ quản đã đồng ý chuyển giao mặt bằng vào ngày 12/4 âm lịch, tức chỉ có 2 ngày để thiết lập lễ đài và trang trí, một ngày làm lễ và sau đó trả  lại gấp cho họ. Các quận huyện và tư gia như nhóm Khiếm thị mà đã phải chuẩn bị gần 2 tuần mới hoàn tất, Thành Hội thời gian chỉ cho phép 2 ngày trước khi lễ chính bắt đầu thì ta tưởng tượng cái lễ đài đó, và tầm vóc  buổi lễ của Thành Hội sẽ như thế nào? ( có lẽ chỉ đủ thời gian căn màng trình diễn rồi cuốn gói ra đi! )

Thật ra không có  đơn vị Phật Giáo nào tự nhiên được chấp thuận nơi thiết lập lễ đài một cách dể dàng, ngay tại Hốc Môn, Ban Đại Diện đấu tranh lắm mới được chấp thuận trên một ô đất rộng lớn của tư nhân nằm dọc quốc lộ 22. Trong buổi họp có đủ các ban ngành đoàn thể trong Mặt Trận như: An ninh, Ban Tôn Giáo, Hội Phụ Nữ, Đất đai và môi trường… mỗi bộ phận đều nêu cái khó khăn để cản trở, trong đó thông thường là an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Họ nêu đủ lý do để đẩy Ban tổ chức rút vào trong bốn vách chùa. Nơi nào đủ lời lẽ biện luận bảo vệ quyền lợi thì Phật giáo nơi đó mới có được địa điểm thiết lễ tương đối thông thoáng, nếu BTS hay BĐD nào yếu lý, nhút nhát, sợ mất lòng quan trên thì đành chấp nhận lép vế như Thành Hội Phật Giáo TP HCM! 

Quận Nhất, bên cạnh kênh Nhiêu Lộc, BĐD quận tại chùa Vạn Thọ đã thực hiện lễ đài nằm phân nửa trên giòng kênh, cờ xí  giăng xa hàng trăm mét. hoa sen nổi trên các thùng phuy cao hơn 2m, tận dụng một phần  của dòng kênh để treo đèn, hoa, chẳng những thế, ngọn tháp cao độ 20m nằm góc tay mặt chùa ngạo nghễ bủa ra chung quanh các dãy cờ phất phới giữa nắng gió. Chư Tăng và Phật tử đang tiếp tục cờ đèn và những chi tiết để hoàn chhỉnh cho buổi lễ! Đặc biệt, HT Thanh Sơn, chánh Đại Diện PG Q.I và các Linh Mục gần đó rất thân thiện. Khi chuông nhà thờ koong keeng vào dịp lễ Noel, là thầy cùng Phật tử mang quà qua chúc mừng. Tiếng trống vang hồi báo hiệu lễ Đản sinh, các Linh Mục và Hội đồng giáo xứ lễ mễ tặng vật, mang qua cúng dường. Tinh thần hoà hợp nầy đã có trước 1975. vì vậy, cờ xí giăng ngang qua các tư gia tín hữu Kito giáo là chuyện bình thường như sự bình thường vào dịp Noel mọi cờ đèn treo qua nhà Phật tử vậy. Bên kia giòng kênh, thuộc địa giới Phú Nhuận, chùa Quán Thế Âm của chư Ni, cũng bắt đầu tiến hành thiết lập lễ đài, vì thế, cờ xí giăng dọc bờ kênh giáp ranh với quận I như hội cờ hoa!

Quận 10, chùa Phước Hải của Sư Bà Tịnh Nguyện cờ nhỏ và banner chạy dài từ ngã tư Cao Thắng xuống gần đến rạp hát Hoà Bình.

Đoạn đường Âu Cơ, giáo kỳ cũng toòng teng xuyên qua các trụ đèn chạy dài hàng trăm mét giữa lượng lưu thông người và xe.

Đặc biệt, khu chợ Ông Tạ, 80% là Kito giáo, thế mà cờ ngũ sắc tung bay giữa lòng phố chợ.

Quận 7 chưa thấy một lá cờ xuất hiện, cũng giống như Thành Hội PG TP HCM, lễ đài sẽ dựng tại sân thể dục thể thao, nhưng đến 12 âm lịch mới cho xử dụng, cờ, bích chương mới bắt đầu xuất hiện, nghĩa là trước ngày rằm  có 2 hôm!

Ngược lại, quận Nhà Bè, trước kia nhập chung  Q.7, bây giờ tách quận, Nhà Bè chỉ lưa thưa vài chùa, không có Hòa Thượng. cơ sở thờ tự chỉ vài ba cái, thế mà từ chùa Pháp Võ xuống đến Chơn Giác gần  sông cái Nhà Bè, hai bên đường Bích chương treo dọc các trụ đèn, không thấy cờ, nên trông rất đơn điệu, người ta dễ lầm tưởng các bích chương: “Cấm quảng cáo rao vặt, cấm bán hàng rong, cấm chiếm dụng lòng lề đường…” nên chả ai buồn xem! qua cơn gió, các bích chương nằm lăn lóc bên lề đường, một số còn lưu luyến trụ đèn, nằm vắt vẻo như một vận động vên treo ngược đầu trên thanh xà gỗ.

Chùa Từ Tân, Bảy Hiền, như mọi năm, đều thiết trí lễ đài, nhưng năm nay khởi sắc hơn, hoành tráng hơn, cờ chạy dài từ trong chùa ra đến đầu lộ hơn 500m. Các anh, các bác và cả mấy thầy chăm chú, hăng say trong công việc. thầy Viên Giác, trụ trì, tuy bận rộn, đi các tỉnh thành, cũng phải quan tâm đôn đốc Phật sự tại chùa. Cơn mưa Hè tuông nước, cuống trôi bao mệt nhọc, lưu lại nét phấn chấn trên từng khuôn mặt những người tham gia công việc.

Đi một vòng thành phố, Vesak như chìm khuất trong lòng nhịp sống bình thường của phố thị kinh doanh, những cờ giăng của chùa lấn ra lộ vài mươi mét cũng chả là chuyện lạ với dân phố thị. Một số chùa cũng chẳng muốn treo đèn cờ, vẫn im lìm bất động như căn bệnh liệt kháng của một cơ thể già nua suy nhược!

Hầu hết, ngoại trừ Hốc Môn và Q.I, lễ đài tương đối xuất hiện sớm, các quận huyện còn lại vẫn chưa có dấu hiệu vào mùa!

Trên Kontum, đoàn cồng chiêng của người sắc tộc do chị Hạnh Mãn hướng dẫn, bị chính quyền địa phương ngăn trở không cho ra Hà Nội tham dự!.

Riêng Daklak năm nay, không xuất hiện những ngăn trở khó khăn cho tư gia như mọi năm, trong các buông làng do đạo tràng Phật Đắc cũng xuất hiện cờ, đèn, vườn Lâm Tỳ Ni tại một số nhà sắc tộc!

Đà Nẳng, Quảng Trị tuy gặp trở ngại bước đầu, nhưng giờ đây đã trơn tru mọi việc.


Công an Tây Ninh gỡ cờ


Gỡ bích chương


Phá lễ đài

Trong khi đó, tại Tây Ninh, một Niệm Phật đường ở thị xã do thầy Thiện Thọ cư trú, công an và các ban ngành địa phương tự tay đến tháo gỡ lễ đài, bích chương, cờ đèn và đem tượng sơ sanh về kho xã, vì không có giấy phép đón mừng Phật Đản. chả những thế, BĐD xã và Tỉnh Hội Tây Ninh ra công văn: “Kế hoạch số 19 ngày 18/02/08. kế hoạch số 15 ngày 12/5/08” không chỉ đạo tư gia và các am thất được treo cờ, thiết lễ mừng Vesak. Đó là lý do để chính quyền ra tay dọn dẹp. Chả hiểu các sư Tỉnh Hội tiếp nhận tinh thần ngăn cản đó từ đâu, và cán bộ chính quyền hầu như cũng không hề nhận được chỉ thị của Thủ Tướng chính phủ đón mừng Vesak 2008, nên không biết gì về quyền tự do tôn gíao như thế!

Chắc chắn còn rất nhiều và rất nhiều địa phương gây khó cho dân, các sư cán bộ Giáo hội địa phương cũng đã thể hiện quyền lực với đồng đạo mình như thế!

Với sự phấn khởi của Tăng tín đồ Phật Giáo năm nay cũng chỉ là sự phấn khởi trên tinh thần, nhưng chưa phát tiết ra hành động, chưa khởi sắc đồng bộ  trong suốt tuần lễ Phật Đản mà sự chuẩn bị phải trước đó hơn nửa tháng!

Dĩ nhiên tổ chức nào cũng có khiếm khuyết, nhưng khiếm khuyết do vô tình chứ không thể cù nhầy vô trách nhiệm như đang xẩy ra. Cán bộ chính quyền cũng như một số chức sắc Giáo Hội các cấp, hành xử tuỳ tiện như vua con một cõi, bất tuân thượng lệnh. Một đất nước như thế, một tôn giáo như thế làm sao phát triển đồng bộ trong tinh thần thượng tôn luật pháp???

Những ai có đọc báo, nghe qua TV thì mới biết là Vesak đang xuất hiện trên đất nước mình, đa phần trong xã hội bù đầu vì kinh tế, chẳng ai quan tâm một sự kiện lớn đến với dân tộc, những năng nổ của các chùa, những cờ hoa tung bay trong một góc nhỏ của TP trên tám triệu dân, họ xem đó là những chuyện: thường ngày ở Huyện!

Một Vesak đáng vui hay buồn khi mà các nơi vẫn còn xuất hiện lắm điều bất cập! Rồi đây, Triển lãm hay những hoạt động văn hoá cho mùa Vesak có đủ khả năng thể hiện sức sống của một Phật Giáo trúng mùa hay cũng chỉ là sự gượng gạo của một tấm thân nhiều bệnh hoạn.

Dẫu sao, chính quyền và GH TW cần can thiệp sớm ở Tây Ninh để Tăng Tín đồ cùng vui hưởng mùa Vesak trọn vẹn.

MINH MẪN
09/5/08

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.