.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi ! (Siddhatta)


Chùa một cột cho Tiền Giang
 

  • PSN 3.07.2008 | Minh Mẫn gửi từ Sàigòn

Chùa một cột là một nét văn hoá sáng tạo từ thời Lý, đã trở thành một biểu tượng văn hoá của dân tộc qua nhiều thế kỷ, thậm chí là logo cho một thủ đô Hà Nội. Được đúc phía sau bạc cắc 5. 000 VN hiện nay.

Chùa Một Cột xây dựng vào mùa đông tháng 10 âl. 1049. Chùa xây theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông, bên trong thờ đức Quán Thế Âm. Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho tu bổ. Năm 1840 được trùng tu. Theo tài liệu lịch sử thì  một cột có trước thời Lý ở Hoa Lư Ninh Bình.

Sau khi đất nước phân ly, theo chân người di cư, miền Nam cũng mọc lên  ngôi chùa Một Cột do cố Hoà Thượng Thích Trí Dũng xây dựng tại Thủ Đức, gọi là Nam Thiên Nhất Trụ; Cũng với tinh thần gắn bó với dân tộc, chùa Một Cột cũng xuất hiện tại Lâm Tỳ Ni, Nepal khi HT T. Huyền Diệu thành lập ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại  đó.

Trên 10. 000 ngôi chùa có tầm vóc và hơn 20. 000 ngôi am tự viện từ Bắc chí Nam, mỗi ngôi có một dáng vẻ cá biệt, nhất là những ngôi chùa lịch sử đi vào di tích văn hoá, nhưng chưa có lối kiến trúc nào hàm tàng tính chất triết lý và dáng vẻ của một hoa sen như chùa Một Cột, đó là tính độc đáo phát xuất từ văn hoá Phật giáo Đại thừa phát triển tại Việt Nam.

Chùa Một cột cũng đi vào hội hoạ thơ văn, xuất hiện trên các bích chương của ngành du lịch, một số sách báo và lịch… một số nghệ nhân và nhà đúc khuôn tạo mẫu vẫn lấy kiểu dáng chùa Một Cột làm quà lưu niệm. Làng Mai cũng cách điệu hoá chùa Một Cột trên những trang báo Làng Mai, túi vải đeo và bát ăn cơm… Đại lễ Vesak vừa qua,  một số banner cũng in hình chùa Một Cột để quảng bá.

Người nước ngoài nhìn thấy chùa Một Cột là biết nước Việt Nam; Rất may, trải qua bao thời chinh chiến, ngôi chùa lịch sử đó không bị đạn bom tàn phá! Khi quân Pháp rút lui, cho mìn nổ phá sập chùa, nhưng sau đó đã được tái dựng.

Gần đây, một cán bộ thuộc cục Thuế TP HCM đã phục chế nguyên mẫu chùa Một Cột bằng gỗ dáng hương, hiến cúng cho Tỉnh Tiền Giang; Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh đã nhận được công văn số 1336/CV-TU ngày 09/4/08 của sở Văn Hoá Thông Tin về việc tiếp nhận ngôi chùa đó. Sau khi bàn bạc, thống nhất ý kiến giữa Thường Trực UBMTTQ tỉnh và một số ban ngành, Ban Thường Trực tỉnh Ủy đề xuất định vị ngôi chùa Một cột qua công văn -720/CV-MT  như sau:

-          Nên tiếp nhận ngôi chùa Một cột do ĐC Nguyễn Trọng Hạnh tặng, vì chùa Một Cột là cơ sở thờ tự thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, là biểu tượng của văn hoá Việt Nam

-          Nên định vị chùa Một Cột tại chùa Vĩnh Tràng, là khu di tích lịch sử văn hoá của Tỉnh,là nơi tham quan của khách du lịch trong nước, ngoài nước và khách thập phương đến viếng. Có điều kiện chăm lo tu bổ, là nơi tổ chức các nghi lễ theo truyền thống Phật Giáo.

-          Đề xuất sở văn hoá thông tin Thể dục thể thao và du lịch, MTTQ Tỉnh,BTG Tỉnh phối hợpvới BTS PGtỉnh khảo sát điểm định vị ngôi chùa Một Cột tại chùa Vĩnh Tràng. Đề nghị UBND Tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng, sữa chữa hồ nước để đặt ngôi chùa Một Cột.

-          ………

Như vậy là Tỉnh Ủy  khuyên nên nhận ngôi chùa với lý do đó là cơ sở thờ tự thuộc GHPGVN và là biểu tượng văn hoá Việt Nam! Nếu  thuộc cơ sở thờ tự thuộc GHPGVN thì để GHPGVN nhận hà cứ phải được Tỉnh ủy chấp nhận. Chùa Một Cột không còn là cơ sở thờ tự mà là biểu tượng của một văn hoá dân tộc, của chung dân tộc, Phật giáo chỉ có bổn phậm chăm sóc mà thôi. Chính vì quan niệm thuộc cơ sở thờ tự của GHPGVN nên vấn đề giải quyết định vị đưa đến chổ lúng túng bế tắt không hợp lý:

1/ Diện tích chùa Vĩnh Tràng là 2,7 hecta, qua nhiều thời kỳ bị dân lấn chiếm nên bị thu hẹp, phía mặt tiền Vĩnh Tràng, TT Huệ Minh, trưởng BTS PG Tỉnh Tiền Giang đã xử dụng 5. 000m2 làm hoa viên và tôn tạo tượng đức Phật Di Đà cao 15m, bên kia đường là Bồ Đề Quán. Phía tay mặt đường vào chùa là tượng Quán Thế Âm và phòng may giáo phục. Không gian và cảnh trí tương đối hài hoà; nếu đặt chùa Một cột thì để ở đâu cho tương xứng, không khéo biến thành chợ trời trung bày đồ cổ.

2/ Chùa một cột  vừa là biểu tượng văn hoá cổ trên 10 thế kỷ, lại bằng gỗ. Chùa Vĩnh Tràng là di tích văn hoá chưa tới 200 năm ( 1840)xây dựng gạch đá cement, thiết trí hoa văn bằng miểng sành. Betong gạch đá, miểng sành  chen   vai với gỗ nó sẽ phá cách nghệ thuật một cách tàn nhẫn.

Nếu cưỡng đặt chùa Một cột ở Vĩnh Tràng, người có óc thẩm mỹ trưng bày cổ vật sẽ đánh giá óc nghệ thuật và cách quản lý đồ cổ của tỉnh Tiền Giang như một người giữ kho, dồn tất tật vào một chỗ cho dễ quản lý  và đỡ chịu trách nhiệm.

Có người đề nghị đặt chùa Một cột ngay giếng nước TP (đây là hồ nước chu vi tương xứng với ngôi chùa Một cột) nhưng Tỉnh ủy ngại mang tiếng nhà nước làm chùa! nếu ngại dính vào chùa chiền thì mâu thuẩn với điều 1 của công văn trích dẫn: Nên tiếp nhận ngôi chùa Một cột do ĐC Nguyễn Trọng Hạnh tặng, vì chùa Một Cột là cơ sở thờ tự thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, là biểu tượng của văn hoá Việt Nam

Thật ấu trỉ khi nghĩ như thế, giả thử nhà nước làm chùa cũng tốt hơn cho mở phòng nhảy, ổ mại dâm và sòng bạc! Mỹ Tho nói riêng và Tỉnh Tiền Giang nói chung , trên 90% quần chúng là người đạo Phật và đạo thờ tổ tiên. So với tỷ lệ dân số và quán cơm chay  tại tỉnh Tiền giang với TP HCM thì dân số chưa bằng 1/10 của TP HCM, nhưng quán chơm chay nhiều hơn Sàigòn; Nếu so với thủ đô Hà Nội thì quán bán chay tại Tiền Giang gấp 20 lần hơn số lượng ở Hà nội, mãi đến bây giờ, Hà Nội mới có 4 quán chay.

Trước 1975, đạo Dừa của kỷ sư Nguyễn Thành Nam cũng phát xuất tại ranh giới Mỹ Tho và Bến Tre, như vậy nhân dân vùng Tiền Giang có khuynh hướng đạo đức tâm linh là chuyện dễ hiểu; Đặt một biểu tượng văn hoá dân tộc tại tỉnh nhà mà ngại mang tiếng làm chùa, nghĩa là họ chỉ thấy thiểu số chưa tới 3% ngoại đạo là quan trọng mà không thấy tình cảm đạo đức của hơn 90% người dân dành cho địa phương nếu nhà nước biết tận dụng cơ hội nầy để đưa biểu tượng văn hoá dân tộc  công khai tại điểm công cộng.

Nơi giếng nước nhỏ có chùa Dược Sư, tương lai nơi nầy là phố ẩm thực đêm, dự án xây khách sạn 5 sao nơi khu vực gần giếng nước, đang tiến hành, biến khu vực nầy thành trung tâm sinh hoạt văn hoá của TP Mỹ Tho, thì  hình ảnh ngôi chùa Một Cột  giữa lòng giếng nước (hồ nước) như thế không hợp cách hơn sao?

Trình độ quản lý đô thị  còn hạn hẹp như thế thảo nào, đại lễ Vesak được Thủ tướng chỉ đạo phát triển trên toàn quốc qua báo đài, thế mà chính quyền Mỹ Tho vẫn còn dè chừng e ngại không dám cho quần chúng treo cờ, và BTS Tiền Giang cũng răm rắp nghe theo mà không dám giải thích cho Tỉnh ủy hiểu. Trong khi đó, cá nhân thầy trụ trì Dược Sư cổ súy và đích thân trang trí vườn Lâm Tỳ Ni, treo cờ cho các Phật tử  tại gia lại bị hù doạ

Nếu Tỉnh ủy khăng khăng định vị chùa Một Cột tại Vĩnh Tràng mà BTS không đồng thuận thị lẽ nào họ dám cưởng bức? Và cho dù  người ta cúng cho Tỉnh, BTS không có quyền với tư cách một chức sắc tôn giáo đề nghị cấp trên đặt tại giếng nước ư???

Đây không phải quyền lợi riêng của Phật giáo tỉnh nhà mà là giá trị văn hoá và mỹ thuật cho  Tiền Giang, mọi người dân có quyền đề bạt ý kiến chung lo xây dựng địa phương mình tại sao ai cũng e ngại, trong khi đó, một tu sĩ như Thích Quảng Lộc ở chùa Trường Sanh lại tự đồng làm đơn xin gia nhập Đảng là thế nào? (Đây là việc làm sai trái với luật đạo mà một cá nhân còn can đảm tiên phong, tại sao chuyện công ích để làm cho TP đẹp đẻ hơn, và món quà  vô giá đó của người hiến tặng xứng đáng với tâm nguyện của họ. mà PG địa Phương không dám có ý kiến?

Thử tưởng tượng chùa Một Cột định vị tại Vĩnh Tràng, thì cảnh trí và giá trị cũng chả tăng thêm, du khách xem đó là của chùa, ngược lại nếu đặt nơi công cộng thì giá trị ngôi chùa Một Cột sẽ khác hơn và cảnh quang TP cũng được đánh giá cao hơn. BTS và chính quyền không đủ can đảm và sáng suốt để quyết định một việc làm có giá trị hơn sao.

Nếu BTS PG Tiền Giang thụ động cũng như chính quyền địa phương thiếu can đảm và óc thẩm mỹ cho TP mình thì  dù là Thủ Tướng, cũng không giúp gì được nếu không có sự yêu cầu.

Tại sao Bình Dương và TP Đà Nẵng phát triển, đẹp hơn trong các tỉnh Thành khác, phải chăng giới lãnh đạo can đảm và có óc sáng tạo, có tầm nhìn xa hiểu rộng???

Miền Đông có  Đại Nam quốc tự; miền Trung có Bãi Bụt Đà Nẵng, có Trúc Lâm Bạch Mã ở Thừa Thiên, miền Bắc có chùa Bái Đính… là những cơ sở tín ngưỡng văn hoá tân tạo sau 1975; vậy miền Tây có gì làm biểu tượng? Tiền Giang là cửa ngõ vào miền Tây Nam bộ; Tiền giang có sẳn lực lượng quần chúng đầy tâm đạo, cuộc sống dễ chịu, hiền hoà mà chưa có một kỳ tích nào. Qua cầu Bắc Mỹ Thuận, ngay ngã ba có Bảo Tháp Xá Lợi miền Tây, nay biến thành nghĩa trang liệt sĩ. Phật giáo miền Tây Nam bộ đã có công trình tín ngưỡng văn hoá nào mang tầmn cở quốc gia? Phải chăng do hậu quả của tính thụ động, an phận như tính hiền hoà của đồng lúa miền Nam!

Đồng bào Tiền Giang và riêng TP Mỹ Tho chờ xem giá trị ngôi chùa Một cột do người có tâm đạo hiến cúng được nhà nước và Phật giáo địa phương hành xử thế nào cho tương xứng  một biểu tương quốc gia đồng thời làm nở mặt giới lãnh đạo tỉnh nhà.

 

MINH MẪN
03/7/08

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường / There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.