.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

Hope and Vanquished Reality - Nguyễn Xuân Phong

8. Thượng đỉnh Manila            
7. "Nội các chiến tranh" và tôi
6. "Du học" miền Bắc               
5. Học với Tập                           

4. Hòa đàm Ba lê                      
3. "Mỹ cút, Nguỵ nhào"              
2. Bốn Mươi Tám Giờ               

1. Một thành phố tan hàng       

1.Một thành phố tan hàng

  • 14.10.2007

Ghi chú.- Từ năm 1965 đến 1975, ông Nguyễn Xuân Phong đã giữ những chức vụ Ủy Viên Lao Động, Ủy Viên Xã Hội-Chiêu Hồi và Ủy Viên Phủ Thủ Tướng trong Nội Các Chiến Tranh Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời gian hòa đàm Ba Lê về Việt Nam, từ địa vị thành viên phái đoàn lúc ban đầu, ông đã trở thành Trưởng Phái Đoàn vào giai đoạn cuối cùng, với đẳng cấp Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm trong chính phủ. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông đã đi "học tập cải tạo" cho đến 1980.

 Theo yêu cầu của "The Center for A Science of Hope" ở New York, ông đã viết và cho xuất bản quyển "Hope and Vanquished Reality" (Hy vọng và thực tế tan hoang), ICIS Center for A Science of Hope and Xlibris, 2001, xuyên qua bối cảnh chung của đất nước, cũng như riêng tư của cá nhân ông. Chủ đề của tác phẩm tập trung vào luận đề triết học "Hy vọng và thất vọng" nên ông Phong không ghi lại nhiều chi tiết của những vấn đề liên hệ đến ông. Tuy nhiên, cũng có một số dữ kiện được ông trình bày để làm luận điểm, có thể cho người đọc hiểu thêm tình hình đưa đến biến cố tai hại cho Việt Nam Cộng Hòa - 30 tháng 4 năm 1975 - nên chúng tôi xin trích dịch với mục đính tham khảo.

Rời nhiệm sở Trưởng Ðoàn Hòa Ðàm Ba Lê của Việt Nam Cộng Hòa, tôi trở về Sài Gòn năm ngày trước khi chiến xa Bắc Việt đụng sập cánh cổng dinh tổng thống Nam Việt Nam, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Biến cố trọng đại đó đã làm cho hàng triệu người Việt Nam - miền Nam cũng như miền Bắc và ở những nơi khác trên thế giới - thất vọng có mà hy vọng cũng có. Mấy tháng trước đó, tôi ngấm ngầm băn khoăn và thoang thoáng lo sợ thì nay tôi thật sự khổ tâm và tuyệt vọng khi thấy bộ đội Cụ Hồ bắt đầu đi đây đi đó trên những con đường của thành phố quê tôi, từ nay được gọi là thành phố Hồ Chí Minh. Quả thật trời đất đã đảo lộn!

Sau khi rời phi cơ ở sân bay Tân Sơn Nhứt, tôi chán nản vô cùng khi nhìn thấy cảnh tượng đau lòng của hàng ngàn người tụ tập trong phi cảng và hàng loạt người nối đuôi trên đường để tìm cách bay ra khỏi xứ. Ðoàn xe đưa tôi đến dinh tổng thống phải luồn lách qua những đoàn người đó. Những người cận vệ quen thuộc đón chào tôi chẳng mấy gì vui vẻ và chúng tôi hoàn toàn im lặng trong mười lăm phút trên đường vào thành phố. Ðường phố Sài Gòn im ắng một cách khác thường, như tiềm tàng một dấu hiệu dự báo và một bầu không khí ngột ngạt.

Vào khoảng sáu giờ chiều, khi tới dinh tổng thống, người đầu tiên mà tôi gặp là ông Ðại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin. Ông vừa họp xong với Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương, người vừa nhận chức được một tuần lễ, và cũng là người mà tôi sẽ diện kiến. Tôi đã gặp sơ qua ông Ðại Sứ khi ông ghé qua Ba Lê, trên đường trở lại Sài Gòn vài ba tuần trước đó, sau khi đã xin Quốc Hội Hoa Kỳ chi viện cho chính phủ Nam Việt Nam một lần nữa mà không thành công. Sau những lời chào hỏi xã giao ngắn gọn, chúng tôi đồng ý ngay là tình hình quân sự đã hoàn toàn nguy ngập. Tôi hỏi:"Thưa ông Ðại Sứ, có cách nào để tránh được một 'trận chiến Sài Gòn' không?"

Bất cứ người nào khác hay là cá nhân tôi cũng không cần phải chịu đựng hậu quả của một trận đánh như vậy. Cả hai chúng tôi đều thấy rất rõ hậu quả sẽ như thế nào, tàn phá sẽ ra sao và máu sẽ đổ biết bao nhiêu nếu như có đánh nhau trên đường phố Sài Gòn. Ông Ðại Sứ cũng hiểu rằng mối quan tâm cấp thiết nhứt của tôi là sự an toàn của những người thường dân vô tội. 

Tôi thấy ông Ðại Sứ lúng túng không biết phải trả lời ra sao, dợm mở miệng nói mấy lần nhưng không phát ra tiếng. Bằng một cử chỉ đầy tuyệt vọng, ông vẫy tay về hướng có tiếng nổ của súng cối và hỏa tiễn bên ngoài thành phố. Thế rồi ông trấn tỉnh lại, vừa bắt tay từ giả, vừa nói một cách chẫm rải và trịnh trọng:"Tổng Thống Hương phải hành động thật nhanh chóng."

Sau câu nói bí ẩn đó, chúng tôi chia tay nhau. Cung cách của ông Ðại Sứ để lựa lời nói và cái vẫy tay của ông đã cho tôi cảm thấy sự bất lực - của ông cũng như của chính phủ Hoa Kỳ - còn hùng hồn hơn bất cứ lời nói nào. Tuy nhiên, việc ông bỏ lửng câu chuyện để bước đi cũng cho tôi hiểu câu nói “phải hành động thật nhanh chóng” của ông hàm ý ra sao rồi.

Vài phút sau, khi gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng, Tướng Trần Văn Ðôn, và Tham Mưu Trưởng Liên Quân, Tướng Cao Văn Viên, đang đứng ở hành lang, tôi cũng hỏi như vậy. Sau mười năm làm việc chung với nhau trong chính phủ Sài Gòn, chúng tôi là bạn bè thân thiết nên có thể nói chuyện với nhau thẳng thắng và thật tình. Hầu hết những người ở Sài Gòn, Hoa Thạnh Ðốn và Ba Lê đều cho rằng hai tướng Ðôn và Viên là hai người đặc biệt trong guồng máy quân sự Sài Gòn. Không những chỉ riêng biệt về tư cách sĩ quan mà còn trên bình diện của những người đáng kính, về mặt tính tình ôn hòa, liêm chính, lương thiện và về phẩm chất cá nhân trong môi trường đầy dẫy tham nhũng của địa phương.

Với hai ông này, vì không cần phải giữ ý giữ tứ như với Ðại Sứ Martin nên tôi hỏi dồn dập:"Chuyện gì đã xảy ra ở bên này vậy hai anh? Tại sao mấy anh để tình hình tồi tệ nhanh chóng như thế? Tại sao mấy anh lại có thể để cho Tổng Thống Thiệu làm như vậy được? Quân Mỹ ở chiến trường chẳng lẽ tồi tệ đến thế sao? Còn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì sao? Chỉ có Tướng Viên trả lời:"Quân sĩ đã cố gắng tối đa." Còn Tướng Ðôn thì chỉ nhìn ra bóng đêm đang ập tới, bao phủ Sài Gòn, khi mặt trời đã lặn, như chừng chờ mong một phép lạ nào hiện ra ở vườn hoa trong dinh Độc Lập, trong khi tôi dồn dập đưa ra những câu hỏi khó trả lời.

Thế thì, chẳng còn hy vọng gì được bao nhiêu trên bất cứ phương diện nào, ở ông Ðại Sứ Hoa Kỳ hay ở các tướng lãnh của chúng tôi. Trước đó, có lẽ cả ba người này đã hy vọng ở một cái gì đó nên họ đã đến gặp và thúc hối vị Tổng Thống Hương già nua, đáng thương, gấp rút trao cái gọi là quyền hành tổng thống cho ông tướng 59 tuổi đời Dương Văn Minh, người mà thể xác to lớn nên mang biệt danh là “Minh Lớn”.        

Thế nhưng, vào thời điểm nguy kịch đó, phải chăng tôi đang hy vọng một điều gì cho chính mình nên mới hỏi như vậy? Phải chăng tôi thật sự nghĩ rằng ông đại sứ Hoa Kỳ hay các tướng lãnh của chúng tôi có thể làm cho bất cứ những ai ở Sài Gòn đều may ra còn hy vọng được một chút gì đó vào giờ phút cuối cùng này? Cho đến hôm nay cũng khó mà nói ra một cách chính xác. Tối hôm đó, ở dinh tổng thống Nam Việt Nam, tôi lo âu nhiều nhứt, không phải cho sự tồn tại của chính thể Sài Gòn mà cho dân chúng Sài Gòn, trong đó có cha mẹ già và bà con của tôi, làm thế nào khỏi bị chết chóc và giết hại qua một “trận chiến Sài Gòn” ghê gớm nhứt.

Tôi hỏi như vậy chỉ vì đó là những thắc mắc duy nhất trong đầu óc tôi. Tôi hoàn toàn ý thức được rằng giờ phút cuối cùng của Sài Gòn đã thật sự đến rồi, chẳng còn làm gì được nữa, chỉ còn biết chứng kiến cảnh Hoa Kỳ, người đồng minh quan trọng của chúng tôi, ra đi mà thôi. Tôi chẳng hy vọng gì nhiều, nhưng lòng tôi thấy cần phải hy vọng dù là hy vọng ở một hoàn cảnh hoàn toàn tuyệt vọng. Mặc dù chẳng còn bao nhiêu để hy vọng, tôi đương nhiên vẫn cảm thấy phải hy vọng. Có phải hy vọng để còn được sống sót? Phải chăng bản năng sinh tồn cơ bản của con người đã thôi thúc tôi hy vọng không? Hy vọng có thể liên hệ với sự sống còn mà cũng có thể không, nhưng muốn sinh tồn thì phải có hy vọng.

Trong khi ngồi chờ để diện kiến Tổng Thống Hương, nhất định là tôi không chú ý đến lịch sử Việt Nam, một lịch sử dẫy đầy chiến tranh. Nhưng có một quan điểm lịch sử mà cả Tổng Thống Hương và tôi cần phải ghi nhớ. Vả lại, chúng tôi, và phần lớn những người Việt Nam khác, tưởng nên phân biệt giữa “Cuộc Chiến Tranh Việt Nam” và “Cuộc Chiến Tranh Mỹ” trên mảnh đất của tổ tiên chúng tôi - điều mà nhiều người khác trên thế giới không để ý.

Có một ai thực sự cho biết “Cuộc Chiến Việt Nam” là như thế nào không? Lịch sử Việt Nam đã có một quá trình đánh nhau và giết nhau quá lâu đời đến đổi nhiều người trong chúng tôi không còn nhớ được sự kiện và hoàn cảnh. Giờ đây, lần đầu tiên trong gần hai thế kỷ tranh cãi, xung đột và đánh nhau, người Việt Nam chúng tôi mới diện đối diện với nhau mà thôi. Thật là bối rối. Không còn Trung Quốc, không còn Pháp, không còn Nhật Bổn, không còn Anh hay Mỹ gì nữa cả. Chỉ có người Việt Nam đối mặt với người Việt Nam.

Ðã có quá nhiều chiến tranh thuộc nhiều loại khác nhau trên quốc gia nhỏ bé này. Nào là chiến tranh chống thực dân, chiến tranh chống phát xít, chiến tranh chống đế quốc, chiến tranh giải phóng, chiến tranh xâm lược, chiến tranh giành độc lập, chiến tranh đòi dân chủ, chiến tranh vì tiến bộ và thịnh vượng, chiến tranh quy ước, chiến tranh dai dẳng, chiến tranh cục bộ, chiến tranh quốc tế hóa. Tất cả đều được tiến hành nhân danh tất cả các triết lý, lý tưởng và học thuyết mà con người đưa ra để biện minh cho chiến tranh. Các cuộc chiến đó đã để lại dấu vết lịch sử và một di sản huyền thoại.

Nhưng cuộc chiến tranh của thế kỷ hai mươi ở Việt Nam đã khác hẳn. Cuộc chiến này đã cho thấy những thực tế phũ phàng. Sự thật hiển nhiên là số bom đạn ném xuống Việt Nam còn nhiều hơn trọng lượng bom đạn sử dụng trong Đệ Nhị Thế Chiến. Rồi đây, những dữ kiện đúc kết từ các thống kê chính thức của hai bên liên hệ sẽ cho thấy tổng số chính xác về thiệt hại nhân mạng. Nhưng các bản ước tính dè dặt của báo chí thế giới, của các cơ quan chuyên môn và những bộ phận khác nữa đã đưa ra con số trên ba triệu người chết trong cuộc chiến kéo dài ba thập niên liền. Cùng với trên mười lăm triệu người tàn tật và bị thương, cộng với vô số nạn nhân bị liên lụy trong những năm sau này thì quả thật người ta sẽ có một tổng số khủng khiếp.

Giờ đây, bỗng dưng người Việt Nam diện đối diện với nhau lần đầu tiên sau gần hai trăm năm lệ thuộc và chịu ảnh hưởng của Pháp và Mỹ. Làm thế nào anh em, họ hàng, cha con có thể tiếp tục giết hại nhau, thế hệ này qua thế hệ khác? Họ đã được kẻ gần, người xa tiếp tay chi viện. Không thể coi đó như là một cái cớ hay một lý do cho cuộc huynh đệ tương tàn, nhưng điều thường nổi bật là âm mưu ý đồ của ngoại bang.

[...]

Trái với cuộc đối thoại đượm màu sắc vô phương cứu chữa và tuyệt vọng giữa ông đại sứ Hoa Kỳ với tôi, tại hành lang dinh tổng thống vào buổi chiều tai hại đó, thì tôi lại có một cuộc hội kiến vô cùng cảm động và thấm thía với vị Tổng Thống Trần Văn Hương của chúng tôi, một ông tổng thống già nua, bệnh hoạn và gần như khuyết thị. Rõ ràng là ông đang cố gắng cứu vãn vài ba giây phút cuối cùng cho nghi thức và phẩm giá của một chức vụ mà ông không mưu cầu cũng chẳng mong muốn, dù ông chỉ đảm trách có một tuần lễ ngắn ngủi.

Từ chức vụ phó tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa, ông được đưa lên ghế tổng thống khi ông Thiệu từ chức một cách giản dị đơn sơ, chín ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy ông Thiệu từ chức, để cho ông phó già nua, yếu đuối của mình phải gánh lấy một tình hình hỗn loạn. Nếu như không có nguy cơ phải bỏ ngỏ Nam Việt Nam cho lực lượng vũ trang Bắc Việt, đang lăm le tiến vào Sài Gòn, thì ông Trần Văn Hương may ra sẽ là con người xứng hợp ở thời điểm và vị trí đó trong lịch sử của nhân dân Việt Nam.

Thật là khó hiểu cho một con người như ông lại phải đóng một vai trò nhục nhã dường ấy. Ðiều đó hoàn toàn trái ngược với bản tính của ông. Chính phủ của ông đã từng là đồng minh của siêu cường hàng đầu trên thế giới và đã từng được trên cả trăm quốc gia khác công nhận chính thức, thế mà giờ đây ông trở nên bơ vơ và bị bỏ rơi. Ðiều làm cho ông càng thêm nhục nhã là áp lực từ mọi phía, trong đó có cả áp lực của ông đại sứ Hoa Kỳ, yêu cầu ông từ chức để cho “Minh Lớn” có thể lên nắm quyền và điều đình - và có thể đi đến một thỏa hiệp nào đó - với phe cộng sản đang thắng thế.

Ông Hương nghĩ rằng ông phải tôn trọng Hiến Pháp của Việt Nam Cộng Hòa, một nguyện vọng mà nhân dân Nam Việt Nam đã biểu thị qua cuộc tổng tuyển cử. Ông không còn thấy có điểm nào khác để biện minh. Ông hy vọng rằng điểm này của luật pháp quốc tế và cung cách suy nghĩ đứng đắn của con người sẽ thúc đẩy Hoa Kỳ sử dụng lực lượng quân sự để can thiệp trở lại mà cứu nguy cho Sài Gòn. Hoặc giả điều đó có thể thúc đẩy Liên Hiệp Quốc, hoặc cái gọi là cộng đồng quốc tế, có một hành động nào đó để ngăn chận đà tiến bất hợp pháp của quân lính Bắc Việt. Thế nên, ông Hương bám lấy lập trường, vốn cho rằng việc ông trao quyền lại cho “Minh Lớn” là vi hiến. Bị đưa đẩy đến tình cảnh khó khăn như vậy, nhất định là ông phải phân vân giữa một bên là ước vọng lâu đời của ông về một Nam Việt Nam tự do, dân chủ và một bên là nỗi tuyệt vọng chán chường của ông trước tình hình tan rã nhanh chóng, do chỗ Mỹ không chịu can thiệp để cho Sài Gòn khỏi lọt vào tay cộng sản.

Tổng Thống Hương là một con người rất nhạy cảm. Ông có thể rơi nước mắt trước những khó khăn có khả năng đem lại hậu quả tai hại cho dân tộc và đất nước ông. Có lần, ông đã khóc ngay trong hội đồng nội các. Lần cuối cùng tôi chứng kiến cảnh ông mủi lòng là khi tôi trở về Sài Gòn hồi tháng giêng năm 1973 để dự phiên họp Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia (HÐANQG), chỉ một đôi ngày trước khi ký kết Hiệp Ðịnh Ba Lê. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu loan báo rằng hòa đàm đã đến giai đoạn mà Việt Nam Cộng Hòa không còn cách nào khác hơn là phải ký vào hiệp định (Sài Gòn đã quyết liệt từ chối không chịu ký cho đến lúc đó), vì chính phủ Hoa Kỳ có thể sẽ ký một mình nếu cần. Biến cố đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bè và đồng minh cũ sẽ chia tay nhau. Ông Thiệu và chính phủ Nam Việt Nam sẽ phải tìm đồng minh khác. Lúc bấy giờ Cụ Hương không cầm được nước mắt và, bất hạnh thay, rồi đây ông lại có lý do để khóc lần nữa.

Ông Thiệu không cần phải giải thích cho thành viên của HÐANQG biết rằng Hiệp Ðịnh Ba Lê sẽ kết thúc việc Mỹ can thiệp ở Việt Nam và kết liễu chính phủ chống cộng ở Sài Gòn. Hiệp Ðịnh có những điều khoản quy định rằng chính phủ Sài Gòn có thể sẽ được thay thế bằng một chính phủ liên hiệp “không cộng sản”, một sự trá hình thô bạo để khoả lấp thế thống trị của Hà Nội. Thế là, cuối cùng, Hoa Thịnh Ðốn đã quyết định lìa bỏ ý niệm coi Nam Việt Nam là “Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do” ở Ðông Nam Á, một ý niệm mà có thời họ đã quyết tâm dựng lên cho bằng được. Ðối với Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, một Nam Việt Nam chống cộng không còn chút giá trị nào hết.

Xuyên suốt cuộc đời, ông Hương đã được coi như là một nhà yêu nước, một con người quốc gia, một thành viên của dân chủ và tự do. Ông đã đấu tranh liên tục cho những gì ông tin tưởng là đất nước của ông và cho Thế Giới Tự Do. Ông đã vào tù, ra khám không biết bao nhiêu lần, hăng say đấu tranh chống lại sự thống trị của Pháp và chế độ độc tài của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, và đã sống nghèo khổ và bình dị suốt đời. Ông được kính trọng vì tính thanh liêm và lương thiện. Là một nhà giáo chuyển sang làm chính trị, ông là một bậc lão ông dễ mến đối với người miền Nam. Lúc bấy giờ ông Hương đã bảy mươi hai tuổi. Ông đã làm đô trưởng Sài Gòn hồi năm 1954 và làm thủ tướng hai lần, mỗi lần được vài tuần, vào những năm 1964-1965 và 1968-1969, trong mấy cái gọi là nội các dân sự của Sài Gòn. Cũng như nhiều người ở Nam Việt Nam và ở những nơi khác lúc bấy giờ, ông Hương không hiểu nguyên nhân nào khiến ông Thiệu từ chức, để lại cho ông cái chính phủ tan rả của Sài Gòn. Hơn nữa, cùng với đa số những người ở Sài Gòn, ông Hương khó hiểu tại sao, với một thế lực và một sức mạnh quân sự như thế, mà Hoa Kỳ lại có thể bỏ rơi người anh em và đồng minh Nam Việt Nam bé tị.

Liệu những người làm áp lực để ông Hương trao quyền lại cho “Minh Lớn” có chút hy vọng nào để tin tưởng rằng như thế Nam Việt Nam sẽ có cơ may tồn tại không? Liệu bằng cách nhượng bộ Bắc Việt, qua hình thức “hòa hợp hòa giải dân tộc” và “tự quyết”, ngụy trang dưới dạng “không cộng sản”, nhân danh cái gọi là tự do dân chủ, có làm cho người Việt ở Nam Việt Nam dễ thở hơn không? Ðối với ông Hương thì không thể hy vọng như thế được. Ðiều đó vượt khỏi sự hiểu biết và sức tưởng tượng của ông. Hy vọng duy nhất còn lại cho ông và nhiều người khác ở Sài Gòn là chỉ còn có nước “hy vọng khơi khơi” không biết phải hy vọng điều gì, một thứ “hy vọng để mà hy vọng”.

Thử hỏi ông Hương còn có cách nào khác, ngoại trừ tuyệt vọng? “Minh Lớn” không có một lời tuyên bố nào có khả năng đem lại một chút hy vọng gì rõ ràng hay cụ thể. Ông đề cao cái khả năng tiềm tàng là có thể “nói chuyện” (một uyển ngữ của từ “mặc cả”) với “những người anh em” thù địch đã bao quanh Sài Gòn. Có khả năng “nói chuyện” với Hà Nội là “lợi thế” của chính khách Sài Gòn, những người tự cho mình là kẻ đối thoại mà Hà Nội có thể chấp nhận được. Chỉ cần một chỉ dấu thoáng qua của Hà Nội cho thấy có thể là như vậy, thế là nhân vật liên hệ có thể kể như trúng số độc đắc.

Hà Nội không bao giờ công khai nói ra là phía cộng sản sẽ chấp nhận “Minh Lớn”, nhưng họ đã khôn khéo hàm ý cho rằng ông ấy có thể là nhân vật đó, và ngẫu nhiên có thể hẹn gặp với bà Bình của Mặt Trận Giải Phóng (MTGP). Ðại sứ Pháp và đại sứ Mỹ ở Sài Gòn quả quyết cho rằng “Minh Lớn” có thể làm điều đó. Họ biết chắc rằng Hà Nội sẽ không khi nào chịu thương thuyết một cuộc dàn xếp nếu ông Thiệu còn ngồi ghế tổng thống - thậm chí dù chỉ để tìm một thỏa hiệp để ngồi lại uống trà - và ít có hy vọng thương thuyết với ông Hương, một con người đang bị cho ra rìa.

Cụ Hương có thể đã nghĩ rằng cái gì “Minh Lớn” có thể làm được thì ông cũng có thể làm được, và còn làm tốt hơn, trong vấn đề đó. Ông không phải là một tướng lãnh quân đội đã từng đối đầu với những người anh em thù địch trên chiến trường như “Minh Lớn”. Mục đích, lý tưởng và hy vọng của ông dành cho đất nước và dân tộc Việt Nam lúc nào cũng cao cả và đáng kính, xét theo tiêu chuẩn đứng đắn và lịch sự. Ông nghĩ rằng có thể đạt được một giải pháp hòa bình qua thương thuyết, và cảm thấy rằng không có lý do gì mà ông phải bị loại ra khỏi cuộc tranh tài đó.

Là một con người nhiều tuổi, bệnh hoạn và nghèo nàn, ông Hương không bị thúc đẩy phải hy vọng nhiều cho bản thân. Nhưng ông nuôi dưỡng những lý tưởng được thiết tha ấp ủ suốt đời, lý tưởng tự do, dân chủ và tiến bộ. Có thể đây là những ý niệm trừu tượng, chớ không phải là những thực tế đã sống qua, được thu thập qua sách vở và nghiên cứu trong quá trình ông đã được đào tạo thành nhà giáo. Thực ra, ông không biết, thậm chí không nhìn thấy tận mắt, những điều đó ở những nơi khác, khi mà ông không được đi đây đi đó nhiều, vì mắt kém và sức khỏe mong manh. Tuy nhiên, ông rất yêu chuộng những lý tưởng đó.

Khi tôi bước vào văn phòng của Tổng Thống Hương thì thấy ông không ngồi ở bàn giấy trong văn phòng tổng thống của ông Thiệu trước kia, nhưng chỉ ngồi một mình tại một bàn họp ở phòng bên cạnh, dành cho HÐANQG, trên tường có nhiều bản đồ. Ông cố sức tựa tay lên cạnh bìa chiếc bàn dài và trống trơn. Cuộc diện kiến giữa Ðại Sứ Martin và ông vừa chấm dứt - thực ra đó là lần cuối cùng hai người được dịp nói chuyện với nhau. Thông điệp của ông Martin làm cho ông Hương gần như sững sờ. Ông đã được ông đại sứ cho biết dứt khoát là ông đừng có mong gì Mỹ can thiệp để cứu vãn Sài Gòn, và con đường duy nhất còn lại cho ông là phải từ chức ngay để trao quyền lại cho “Minh Lớn”.

Nghe tiếng bước chân và tiếng nói của tôi, ông ngẩn đầu lên. Tôi hỏi:"Thưa tổng thống vẫn bình an? Tôi vừa từ Ba Lê về tới và đến yết kiến tổng thống ngay đây." Ông Hương trả lời với một giọng điệu mệt mỏi:"À, Phong, mạnh giỏi không em? Ba má em như thế nào? Khá lâu rồi qua không được gặp hai ông bà. Nhờ em chuyển đến hai ông bà những lời thăm hỏi của qua." Ông chìa bàn tay run run, và tôi nắm lấy với hai tay trong niềm cảm mến xâu xa, tìm cách chuyền qua cho ông một chút nào an ủi và khích lệ, qua sự tiếp xúc của những bàn tay.

Hai ngày trước đó ở Ba Lê, tôi đã nhận được một điện thư yêu cầu tôi trở về Sài Gòn. Ðó là một bức điện khác thường, không phải lời của một tổng thống triệu hồi một quốc vụ khanh về để tham khảo. Ðiện thư chỉ nói một cách đơn thuần:"Hương cần gặp Phong". Ông Hương đã gởi bức điện thư đó cho tôi chỉ một ngày sau khi ông đã thành lập nội các, mà Thủ Tướng là Nguyễn Bá Cẩn, ngay sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ông Cẩn là một công chức chuyên ngành được đào tạo dưới thời Tổng Thống Diệm, đã làm Chủ Tịch Quốc Hội trong nhiệm kỳ của ông Thiệu.

Có sự trùng hợp là tôi đã tự ý quyết định trở về nên đã đăng ký chuyến bay của tôi trước đó một tuần. Một trong những người mà tôi đã điện thoại cho biết rằng tôi sẽ trở về Việt Nam là ông David Anderson, Ðại Sứ Úc Châu tại Pháp, người bạn cố cựu của tôi. Chúng tôi quen biết nhau lúc ông ấy làm đại sứ ở Sài Gòn hồi năm 1965. Ông chạy vội đến văn phòng tôi và khuyên tôi nên xét lại, đồng thời cũng bày tỏ thiện cảm và mối quan tâm liên quan tới tình hình.

Chủ đích của tôi trong chuyện trở lại quê nhà là để gần cha mẹ già và gia đình tôi. Vì là chỗ thân thiết với gia đình nên tôi cũng nghĩ đến ông Hương. Ông là người bạn thân của cha mẹ tôi trên năm mươi năm qua. Giờ đây, khi tôi đang ở bên ông, và vì tôi là một trong những người hiếm hoi đã trở về trong khi bao nhiêu người khác đã ra đi, dường như Cụ Hương cảm thấy cần phải hỏi tôi:"Này, có còn chút hy vọng nào không?" Và tôi phải nói lên điều mà chắc chắn ông cũng nghĩ đến:"Dạ thưa tổng thống, chẳng còn hy vọng gì nữa."

Rồi chúng tôi nói lang thang, chuyện nọ xọ chuyện kia. Liên tưởng tới chuyện vừa gặp ông đại sứ Hoa Kỳ, ông bắt đầu nói về người Mỹ. Rồi nói đến người Nga, người Trung Quốc và người Pháp - và nói rất nhiều về người Pháp. Rõ ràng là ông rất khó chịu với cung cách bất hợp hiến của việc ông “trao quyền” tổng thống cho “Minh Lớn”. Ông nói một cách mỉa mai:"Chức vụ tổng thống đâu phải là chiếc khăn tay mà trao qua trao lại cho người ta hỉ mũi..."

Tôi cố nén để khỏi đáp lại rằng mối quan tâm “hợp hiến” của ông là điều mà thiên hạ đâu có cần nghĩ tới trong một tình hình gay cấn. Dĩ nhiên là đề tài đàm đạo của chúng tôi có tính cách nghiêm trang và những giải pháp có tính quan trọng, nhưng không làm nên đề tài lịch sử. Người ta chỉ ghi nhận những gì được Hoa Thạnh Ðốn, Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Hà Nội và Ba Lê nói và làm - chẳng chút nào quan tâm đến những gì ở Sài Gòn. Trong lãnh vực ngoại giao cao cấp quan trọng, Nam Việt Nam phải tan biến đi như một chuyện hoang đường. Ðó là thực tế trong chính trị thế giới.

Như để lôi hai chúng tôi ra khỏi giây phút trầm ngâm, một nhân viên bước vào trình một điện thư của tòa đại sứ Việt Nam ở Ðài Loan. Không đọc được vì mắt kém, ông Hương đưa cho tôi mà không nói năng gì hết. Ðiện thư cho biết Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Văn Bắc đã tới Ðài Loan và xin từ chức. Có phải là một cử chỉ lịch sự hay là một cách khôi hài mỉa mai? Dẫu sao đi nữa thì điều đó tiêu biểu một cách chắc chắn cho sự tan rã công khai và cho đợt xuống tàu ồ ạt để đi... về đâu? Dĩ nhiên là đến một nơi nào đó ở hải ngoại.

Cuộc hội kiến tiếp tục, ông Hương lập đi lập lại nhiều lần, thì thầm gần như là nói cho riêng ông, nhưng tôi cũng nghe thấy được, như một lời than thở:"Chẳng còn hy vọng gì được nữa, phải không?" Không muốn để cho ông cảm thấy quá cô đơn, mỗi lần như thế tôi cũng lập lại:"Vâng, không hy vọng gì nữa đâu, thưa Tổng Thống." Khi ông lầm bầm câu hỏi đó đến lần thứ tư, tôi nhất định đáp lại chậm rải qua một giọng cứng rắn hơn để cho ông chấm dứt tình trạng hoang mang:"Dạ không. Không còn bất cứ hy vọng nào nữa. Nhưng còn một vài chuyện phải làm. Nhưng không phải là tổng thống hay tôi phải làm và cả Mỹ nữa. Một người nào khác sẽ làm. Tổng thống đừng bận tâm. Tổng thống nên đi nghỉ thôi. Những người khác sẽ hân hoan làm điều đó."

Bỗng nhiên, tôi thấy hối tiếc đã nói ra như vậy. Tôi biết rõ là cái bóng ma chiến bại và đầu hàng sẽ làm cho cụ già dễ thương kia đau khổ. Tôi thấy rằng ông đang khóc thầm, thu người hẳn vào chiếc ghế dựa. Chẳng còn gì để ông làm nữa cả. Không hành động được nữa nên niềm hy vọng đang vỗ cánh bay đi càng thêm khó chịu. Những giọt nước mắt của ông có thể là vì vỡ mộng, vì căm phẫn, vì chán ghét, vì bị phản bội hay chỉ vì tuyệt vọng. Tuy nhiên, ông kiên quyết bám lấy một chút hy vọng mong manh, dù biết rằng chẳng còn gì để hy vọng nữa. Cũng như nhiều người ở Sài Gòn, cụ Hương dễ mến kia cứ hy vọng một cách mù quáng và kiên trì vào việc cứu vãn và duy trì cái chính phủ “hợp hiến” của Việt Nam Cộng Hòa. Ông không còn hy vọng đến một ước mơ nhỏ nhoi nào hay một điều mơ tưởng nào khác.

Ðã hai thập niên qua, nhiều người ở Nam Việt Nam đã được động viên để hiểu biết và tin tưởng rằng tự do là quyền sống và lẽ chết, là một cái gì để người ta phấn đấu và hy sinh mạng sống. Nhưng cụ Hương không còn tin tưởng như thế nữa vì chính phủ của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, lãnh tụ của Thế Giới Tự Do, có vẻ như chẳng còn suy nghĩ như thế nữa. Họ đã cắt đứt quan hệ cuối cùng nối liền họ với tiền đồn rồi.

Sau rốt, tôi nghĩ đã đến lúc tôi phải xin cáo biệt. Vừa qua là một cuộc hội kiến vừa ngọt bùi vừa cay đắng và đau thương. Cả hai chúng tôi đều thấy rõ rằng có nói nữa cũng bằng thừa. Nguồn hy vọng cuối cùng của ông Hương trong đêm lịch sử đó chỉ có thể là ông đại sứ Hoa Kỳ, Graham Martin, nhưng lại là người chẳng đem đến cho ông điều gì nữa. Trước khi khép cánh cửa ra về, tôi nhìn ông lâu dài, thiết tha mong muốn giúp đỡ ông nhưng biết rằng tôi chẳng còn làm gì được nữa. Tôi không thấy vị tổng thống của một đất nước nào bất động và cô đơn như vậy, với một nét mặt hoàn toàn tuyệt vọng và hai vai khòm xuống vì buồn rầu. Ðó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông Trần Văn Hương. 

Tôi biết rằng ông Hương không thực sự ước mong tôi đem lại cho ông chút hy vọng gì. Ðiều mà ông cần ở tôi nhiều nhất là một sự an ủi thân hữu để trám đầy khoảng trống to lớn đang bao quanh ông. Ðiều này tôi có thể làm được. Hôm đó, tôi trở về Sài Gòn đặc biệt là để có mặt cùng với ông, nhưng tôi có thể chia sẻ cảm nghĩ của ông, cũng như những cảm nghĩ mà tôi chia sẻ với cha mẹ già nua của tôi sau đó trong đêm. Cha mẹ tôi vui mừng khi thấy tôi trở về nhà để ở cạnh hai ông bà trong khi nhiều người muốn đi tỵ nạn lưu vong.

Tổng Thống Hương không biết chính phủ của Việt Nam Cộng Hòa sẽ được cứu vãn như thế nào, có hay không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Ông cũng không nghĩ là “Minh Lớn” có thể cứu vớt được chính phủ đó, nhưng vì không còn cách nào khác, Tổng Thống Hương đành nhượng bộ các áp lực buộc ông phải từ chức, thế là Tướng Minh nhận lấy vai trò lãnh đạo ở Nam Việt Nam vào giờ phút cuối cùng.

Hy vọng... giờ tôi nhớ lại hai năm trước đây tôi đã có cảm tưởng về một niềm hy vọng lớn lao cũng do chính phủ Hoa Kỳ đem lại, một chính phủ hôm nay đã bỏ rơi chúng tôi. Ngày đó, ở phi trường Orly (Pháp) vào trung tuần tháng giêng năm 1973, chính ông Henry Kissinger, lúc bấy giờ đang giữ chức vụ Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, đã cho tôi có cảm tưởng như vậy. Ông sắp sửa trở lại Hoa Thạnh Ðốn để diện kiến Tổng Thống Nixon, sau khi đã tiếp xúc lần nữa với Lê Đức Thọ, ủy viên bộ chính trị Hà Nội. Cuộc tiếp xúc đã diễn ra sau chiến dịch ném bom mười hai ngày đêm của Mỹ xuống Hà Nội vào dịp Giáng Sinh 1972, một mưu lược nhằm gây áp lực buộc Hà Nội phải chấp nhận Hiệp Ðịnh Ba Lê (rốt cuộc được ký kết khoảng hai tuần lễ sau đó, vào ngày 27 tháng giêng năm 1973).

 Trước khi bước lên chiếc phi cơ đặc biệt dành cho ông, tại phòng khách danh dự, tiến sĩ Kissinger phải gặp báo chí. Mọi người đều biết cả hai chúng tôi rất rành vì họ đã theo dõi hòa đàm Ba Lê trong mấy năm qua. Ðến gần máy vi âm, với một tâm trạng vui vẻ, tiến sĩ Kissinger khôi hài giới thiệu tôi với phóng viên:”Quý vị đều biết ông Phong, phụ tá đặc biệt của tôi về Châu Mỹ La Tinh”, ám chỉ đến tình trạng căng thẳng lúc bấy giờ giữa Mỹ và một vài nước La Tinh láng giềng.

Các phóng viên nghĩ rằng những cuộc “mật đàm” giữa Kissinger và Thọ đang đến giai đoạn cuối cùng và rồi đây sẽ dẫn đến một thỏa hiệp. Thế nên lời tuyên bố của tôi có đoạn như sau:”Chúng tôi đã mở lại hòa đàm Ba Lê với phía bên kia trong tinh thần của một niềm “hy vọng mới”, nhằm đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được cho cuộc chiến ở Việt Nam”. Một lúc sau, Kissinger cũng nói đến “hy vọng mới” trong lời tuyên bố của ông.

Liệu ông Kissinger có cùng chia sẻ niềm hy vọng mới hay chỉ là một cách nói gọn ghẽ để thu hút dư luận, dành cho phương tiện truyền thông. Tôi nghĩ rằng ngay một kẻ hùng mạnh trên cõi đời này đôi khi cũng hy vọng, khi công việc vuột khỏi tầm tay. Tôi cũng nghĩ rằng những nhà lãnh đạo uy thế cũng có thể có hy vọng và nói ra rõ ràng một cách dễ dàng hơn những con người tầm thường ngoài đường phố. Lúc bấy giờ, tôi hy vọng nhiều và một cách cụ thể là Hiệp Ðịnh Ba Lê sẽ được ký kết. Một trong những lý do để cho tôi hy vọng như vậy là sự hiện diện của tiến sĩ Kissinger bên cạnh tôi, như là đại diện cho một bộ máy chiến tranh vĩ đại trên địa cầu. Tổng Thống Nixon rất cần có được Hiệp Ðịnh Ba Lê vì nhu cầu trong nước cho cuộc vận động để tái đắc cử, chưa kể các lý do khác. Hy vọng đặc thù của tôi không tồn tại lâu dài. Nó tan biến với vụ từ chức của ông Nixon vào ngày 9 tháng 8 năm 1974 vì vụ tai tiếng Watergate, một biến cố đã trở thành “phát súng ân huệ” cho việc Mỹ can thiệp ở Việt Nam và cho số phận của Nam Việt Nam. Hy vọng, thực tế và phần số.

[...]

Trong đêm định mệnh 25 tháng 4 năm 1975 đó, liệu ông Ðại Sứ Graham Martin có lợi thế gì hơn Tổng Thống Trần Văn Hương để đem lại một hy vọng nào đó cho sự tồn tại của chính phủ Sài Gòn không? Hoặc có hy vọng gì cho những chính khách đầy tham vọng của Sài Gòn không? Hay là hy vọng gì cho sự an toàn của những người vô tội ở thủ đô cũ của Việt Nam Cộng Hòa không? Có lẽ là không. Ông đại sứ Hoa Kỳ đã biết được những diễn biến liên quan đến sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Nhất định là ông đã làm mọi cách trong khả năng của ông để cứu vãn, không những cái “Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do” trên tuyến chống cộng, mà còn cái ý niệm nào đó về một Nam Việt Nam không cộng sản để cho dân chúng được sinh sống mà không bị giết hại hay tiêu diệt thêm nữa.

Ông Martin, người đại diện tại chỗ cho siêu cường hàng đầu trên thế giới, cảm thấy mình ở trong một tư thế hoàn toàn bất lực, không thể làm thay đổi tình hình. Ông bị bắt buộc phải đóng một vai tuồng lịch sử của một thảm kịch trăm phần khó khăn hơn vai tuồng đau khổ của Tổng Thống Nam Việt Nam, Trần Văn Hương. Không có cách nào người khác biết được tâm tư và cảm nghĩ thầm kín của ông đại sứ Hoa Kỳ. Thế nhưng, cảnh tượng ở Tòa đại sứ Hoa Kỳ đã nói thay cho ông rồi. Một sự hỗn loạn hoàn toàn mà khung cảnh điển hình là cuộc di tản trên sân thượng của sứ quán. Một cảnh tháo chạy hối hả và lộ liễu như vậy của viên chức chính phủ Hoa Kỳ không làm cho thiên hạ hy vọng gì nữa - dĩ nhiên là ngoại trừ những ai đã leo lên được những chiếc trực thăng kia. Một cảnh tượng làm tăng thêm nổi tuyệt vọng cho nhiều người dân Sài Gòn.

Hai ông Graham Martin và Trần Văn Hương đều là những con người rất tốt. Cả hai đều là những công thần lương thiện đầy thiện chí và ý hướng để đem lại phúc lợi cho người khác. Nhưng cả hai đều ở vào bước ngoặt của lịch sử, nơi mà người tốt phải lãnh việc xấu, còn người xấu thì phần lớn tìm cách lánh xa những hậu quả mà họ đã góp phần tạo ra.

Nhất định là Ðại Sứ Martin và Tổng Thống Hương đã cố gắng hình thành những chiến lược có cơ đem lại những tia hy vọng, nhưng cả hai đều phải hành xử chức năng của mình qua một bối cảnh toàn là tuyệt vọng. Hiểu biết được tánh tình của cả hai, tôi có thể hình dung được nổi nhục mà họ phải gánh chịu trong khi đảm trách những vai trò mà lịch sử và hành động của những người khác trong bao năm qua đã trao lại cho họ.

Không như ông Hương, Graham Martin biết rõ tại sao chính phủ Hoa Kỳ bỏ rơi chính phủ chống cộng của Nam Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ là trong những tháng, những tuần lễ và rồi những giờ phút cuối cùng, cá nhân ông Martin càng lúc càng trải qua tình trạng căm phẫn và tuyệt vọng. Ðó là những gì mới mẽ và quái gở đối với ông. Mặt nào đó, có thể còn trầm trọng hơn nổi tuyệt vọng của ông Hương, vì ông Martin biết rõ hơn ông Hương mức thoái hóa của tình hình và ông đã không làm được gì để cứu vãn Sài Gòn. Ông đã bám lấy càng lâu càng hay - thực sự là lâu đến khi không còn an toàn cho ông nữa.

Trong hai ngày thứ hai 28 và thứ ba 29 tháng tư, tiến sĩ Kissinger và Tổng Thống Ford không ngớt yêu cầu Ðại Sứ Martin nên ra khỏi Sài Gòn, nói rằng chính tại quê nhà Hoa Kỳ cũng cần đến những bậc anh hùng như ông. Nhưng ông Martin đã dùng mọi mưu mẹo mà ông có thể nghĩ ra được để đánh lừa Hoa Thạnh Ðốn và Bộ Tư Lệnh Ðệ Thất Hạm Ðội hầu tìm cho được càng nhiều trực thăng càng tốt để cứu vớt những người Mỹ cuối cùng và hàng trăm người Việt Nam còn bị kẹt trong sứ quán của ông. Cá nhân ông Martin đã bị cưỡng bức phải leo lên chiếc trực thăng sau cùng vì người phi công không chịu cất cánh nếu không có ông và cứ lập đi lập lại rằng đã nhận chỉ thị đặc biệt của Tổng Thống Ford là phải đưa ông đại sứ Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn. Lúc đó là vào khoảng 5 giờ sáng ngày thứ tư 30 tháng tư năm 1975, và một ít quân sĩ đầu tiên của Bắc Việt Nam vừa tiến qua cầu xa lộ Sài Gòn, cách sứ quán Hoa Kỳ không đầy mười phút ô tô.

Tôi nghĩ rằng dù cho sáng ngày hôm đó ông bay ra khỏi Sài Gòn, Graham Martin vẫn hy vọng còn có thể thương thuyết để tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến đẫm máu, nếu như “Minh Lớn” làm tổng thống Nam Việt Nam và chịu dàn xếp ôn hòa với quân lính Bắc Việt của Hà Nội đang tiến vào. Không biết Ðại Sứ Martin có cơ sở gì để coi niềm hy vọng của ông là thực tế hay không, nhưng ít ra cũng là nỗ lực liều lĩnh của ông để tìm cách đem lại cho một tình hình gần như tuyệt vọng một “hy vọng để mà hy vọng” với mưu lược và hành động, chớ không phải chỉ là những thủ đoạn tuyệt vọng.

Với hai ông Hương và Martin, tuyệt vọng và hy vọng cùng hiện hữu bên cạnh nhau vào những giờ phút nguy kịch và cuối cùng của quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian để có thể hy vọng chẳng còn bao nhiêu nữa trong khi khả năng để tuyệt vọng lại nhiều hơn. Mùa xuân 1975 là thời điểm mà những ai có liên can đến “Chiến Cuộc Việt Nam” đều vừa hy vọng vừa tuyệt vọng một các mãnh liệt. Sự sụp đổ đột ngột, nhanh chóng và đau buồn của chính phủ Sài Gòn vượt quá sức tưởng tượng. Một điều bất ngờ làm cho dân chúng Việt Nam, ở ngoài Bắc cũng như ở trong Nam, đều sửng sốt. Có thể nào trường hợp đó là một chuyện thực sự bất ngờ đối với chính quyền Hoa Kỳ hay không? Có thể nào các ngành tình báo Hoa Kỳ đã có phần nào thiếu sót? Hoặc giả họ là nạn nhân của những gián điệp hai mang chăng? Có vẻ như các chuyên viên và những nhà lãnh đạo ở Hoa Thạnh Ðốn bị bất ngờ trước sự suy đồi quá nhanh chóng của các biến cố.

Thế nhưng, có phải quyết định và hành động của Hoa Thạnh Ðốn là động cơ chính đưa tới hậu quả thảm khốc hay không? Hơn hai mươi năm trời trước kia, Hoa Thạnh Ðốn đã tung ra đủ mọi niềm hy vọng thượng thặng về “Cuộc Chiến Việt Nam”, nhưng chưa bao giờ cho thấy một kịch bản như hồi cuối tháng tư 1975, khi tất cả sẽ chấm dứt bằng một màn tồi tệ, mà hình ảnh tiêu biểu đầy bi thảm là cuộc di tản từ sân thượng của sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn.

Công bằng mà nói thì cũng nên nhìn nhận là biến cố đã hoàn toàn vượt khỏi khả năng của bất kỳ chuyên viên, nhà tiên tri, thày bói toán, người máy hay những bộ óc thông minh nhất của Hoa Thạnh Ðốn. Không ai có thể dự kiến hay đoán trước được tiến trình thời sự ở Việt Nam vào đầu năm 1975. Tuy nhiên, rõ ràng là một thời điểm đánh dấu bước ngoặt quan trọng của lịch sử Việt Nam. Châm ngôn phổ biến có câu:”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Phải chăng số phận và định mệnh đã cho thấy là đến lúc những người anh em thù nghịch của Việt Nam nên có quyết định và ra tay hành động theo cách nào đó để chấm dứt cuộc phân tranh dai dẳng, cùng với màn chém giết buồn thảm và tương tàn.

[...]

Trong bài diễn văn truyền hình ngày 21 tháng tư, ông Thiệu phê phán chính phủ Hoa Kỳ, nói rằng nguyên nhân chính làm cho tình hình suy sụp là quyết định ngưng can thiệp quân sự và chấm dứt viện trợ thêm nữa cho Việt Nam Cộng Hòa. Chính phủ Sài Gòn thừa biết rằng sẽ không bao giờ tồn tại nổi nếu không có viện trợ của Hoa Kỳ, về mặt quân sự lẫn kinh tế. Chính phủ này chưa bao giờ có khả năng bù trừ lại sự thiếu hụt then chốt đó. Làm thế nào người Việt Nam chống cộng có thể chiến đấu trong cuộc Chiến Tranh của Mỹ tại Việt Nam mà không có Hoa Kỳ? Thậm chí với tất cả các phương tiện chiến tranh quy ước thừa mứa, tinh vi, với bom Mỹ, với hơn nửa triệu lính Mỹ, một triệu hai quân Việt Nam Cộng Hòa và hàng tỷ Mỹ kim mà họ cũng chỉ có thể xoay xở trên hai mươi năm qua “để cho khỏi thua” mà thôi. Miền Bắc biết những gì đang xảy ra nên đẩy mạnh và tăng cường guồng máy quân sự, chính trị và tuyên truyền để khai thác tình hình thuận lợi như trời đất ban cho như thế. Càng hiển nhiên hơn nữa là Hoa Thạnh Ðốn cắt tuyến liên lạc cuối cùng nối liền với “Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do”.

Hậu quả là vào cuối tháng tư 1975, Tổng Thống Hương bị rơi vào tình cảnh vô phương hành động, thứ nhất là vì Hoa Kỳ không còn ủng hộ một Nam Việt Nam chống cộng nữa và thứ nhì là vì “quyền hành tổng thống” mà ông thừa hưởng không nặng cân bằng mảnh giấy của ông ký trao quyền lại cho ông Minh. Ông lâm vào một tình thế tuyệt vọng vì vay trò duy nhất dành cho ông là trao quyền hiến định của ông cho cá nhân, mà Mỹ và những người khác trong cấp lãnh đạo của Nam Việt Nam chọn lựa.

Tôi đã trông thấy những gì tôi không muốn thấy, nhưng để chuẩn bị tâm tư, tôi đã mường tượng ra những trường hợp sau đây, khi đáp xuống Sài Gòn: thế bất lực của ông đại sứ Hoa Kỳ, tình trạng hết hy vọng của tướng lãnh chúng tôi và nỗi tuyệt vọng của Tổng Thống Hương. Những gì tôi thưa với ông Hương là để giúp ông từ chức mà không chần chừ. Vì nhiều lý do và mục đích khác nhau, tôi cũng bắt đầu giúp đỡ mọi người khác trong khả năng của tôi - người Pháp, người Trung Quốc, người Nga, người Mỹ, chính khách Sài Gòn, và thậm chí cả phía bên kia.

Vì không có khả năng khắc phục nghịch cảnh nên tôi cảm thấy bất lực, nhưng không phải tuyệt vọng. Tôi không nghĩ rằng vì Sài Gòn sụp đổ mà quân cộng sản và Việt Cộng sẽ thủ tiêu tôi ngay, nhưng viễn ảnh của một cuộc thất trận đã làm tôi băn khoăn. Cảm nghĩ của tôi cũng giống như tâm trạng của đa số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa - họ chỉ cần lột bỏ quân phục rồi về nhà sinh sống với gia đình. Họ đã làm thế trong một vài ngày cuối cùng của tháng tư 1975. Ở những đơn vị quân đội của Nam Việt Nam không có nơi nào hoang mang sợ hãi cả. Tôi có cảm tưởng là công chức Sài Gòn hoảng sợ nhiều hơn bên quân đội. Có lẽ vì mấy thập niên qua, họ lãnh phần trách nhiệm lớn lao trong việc tuyên truyền chống cộng nên tự cho mình là thành phần đáng lo ngại. Cuối cùng, có phải vì họ nhìn thấy trước cảnh “tắm máu” khó tránh, đã được đồn đại khá nhiều khi quân xâm lược Bắc Việt tiến vào thành phố Sài Gòn chăng?

Tôi không thấy có biểu hiện nào tuyệt vọng xung quanh tôi trong quần chúng Sài Gòn. Thiên hạ tiếp tục làm ăn, và đường phố Sài Gòn vẫn yên lặng, ngoại trừ một vài nơi ở trung tâm, với người ngoại quốc tụ tập quanh các khách sạn lớn, những cảnh di tản dễ khiếp ở phi trường và ở những điểm hẹn cho trực thăng bốc đi. Náo loạn nhất, dĩ nhiên là sứ quán Hoa Kỳ, nơi mà hàng nghìn người tập trung lại trước cổng, la lối và tranh giành nhau để lọt được vào bên trong. Phần lớn là giới thượng lưu giàu có của Sài Gòn, viên chức cao cấp, sĩ quan quân đội và những người đã xoay xở để làm giàu nhờ Mỹ. Nhiều người cũng nhảy lên được một chuyến bay, cứ liên tục luân chuyển từ sân thượng của sứ quán.

Như đã nói trên đây, Ðại Sứ Martin là một trong những người ra đi sau cùng, khi xe tăng Bắc Việt tiến vào ngoại ô Sài Gòn sáng ngày thứ tư, 30 tháng tư 1975. Ông là viên chức cao cấp của Hoa Kỳ có mặt tại hiện trường vào giai đoạn cuối cùng đầy bi thảm và mang tính lịch sử của Cuộc Chiến Tranh Mỹ ở Việt Nam. Tôi chắc chắn là ông cảm thấy tuyệt vọng khi ngồi trực thăng nhìn bờ biển Việt Nam mờ lần với khoảng cách xa. Tôi cũng đoan chắc rằng ông cảm thấy lòng buồn thấm thía và không thể nào không nghĩ đến người con trai mà ông đã hiến dâng cho cuộc chiến, đã từng diễn ra ác liệt trên đất nước Việt Nam của chúng ta.

Tổng Thống Thiệu chưa đến đổi tuyệt vọng khi từ chức ngày 21 tháng tư. Ông Thiệu và đội ngũ quân lực Sài Gòn của ông bị dồn vào thế bất lực nhưng chắc họ vẫn còn bám vào chút hy vọng là vào phút chót Mỹ sẽ ồ ạt can thiệp bằng quân sự để chận đứng đà tiến của xe tăng Bắc Việt và để cho một Nam Việt Nam chống cộng được sống sót. Lên đường lưu vong ngày 25 tháng tư, liệu ông Thiệu và các tướng lãnh Sài Gòn có cảm thấy mất hy vọng, tuyệt vọng, hay có cảm nghĩ vừa sĩ nhục vừa gian dối không? Còn ông Trần Văn Hương, người đã trọn đời bất lực, không khi nào có được thực lực bao giờ hết, ngay cả trong một tuần lễ nắm quyền hành tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, không biết ông có hy vọng gì không?

[...]

“Cuộc chiến tranh Việt Nam” đã để lại những vết thương sâu đậm và vẫn còn đau nhói cho dân tộc Mỹ, cũng như “Cuộc Chiến Tranh Của Mỹ” còn làm cho nhân dân Việt Nam âm thầm buồn tủi và khiếp sợ.

[...]

 

- Hết -

(Kỳ tới: Bốn mươi tám giờ làm tổng thống)

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.