.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

Hope and Vanquished Reality - Nguyễn Xuân Phong

8. Thượng đỉnh Manila            
7. "Nội các chiến tranh" và tôi
6. "Du học" miền Bắc               
5. Học với Tập                           

4. Hòa đàm Ba lê                      
3. "Mỹ cút, Nguỵ nhào"              
2. Bốn Mươi Tám Giờ               

1. Một thành phố tan hàng       

6. "Du học" miền Bắc

  • 19.12.2007

Quá ra, chúng tôi ở khám Thủ Ðức tương đối chẳng bao lâu, chỉ một vài tuần. Một buổi sáng, người ta tập hợp chúng tôi ngoài sân trại, mỗi cặp hai người bị còng tay với nhau bằng giây xích sắt và được xe tải quân đội đến đưa ra sân bay. Áy náy, lo âu, nhưng chẳng thấy có dấu hiệu gì cho biết sẽ đi đâu, chúng tôi bị đưa lên một chiếc C-130 rồi máy bay cất cánh. Không ai nói gì với chúng tôi hết. Như thói thường, những người cảnh vệ rất đứng đắn, gần như thân thiện. Sau khi cất cánh, nhiều người đoán rằng có lẽ người ta đưa chúng tôi ra nhà lao nổi tiếng ở Côn Ðảo, nơi giam tù trước kia, dưới thời Pháp ở Nam Việt Nam. Nhưng sau khi bay được hơn nửa tiếng mà chưa đáp thì chúng tôi biết rằng đang bay ra miền Bắc.

 

Sau khi đáp xuống sân bay Gia Lâm gần Hà Nội, chúng tôi thấy phi hành đoàn, vốn là những phi công của Không Quân Sài Gòn trước kia, nhập bọn với chúng tôi trên những chiếc xe tải chạy quanh co qua các con đường trong thành phố để rồi chạy suốt những con đường cái quan, đưa chúng tôi đến trại cải tạo. Dọc theo đường, một số trẻ con la ó chửi bới và ném đá vào chúng tôi. Những người cảnh vệ có vẻ bực mình, và các hành động đó của trẻ con làm cho những người đồng hành với tôi phiền hà và lo âu, nhưng tôi không thấy bực mình gì hết. Ai có thể quở trách những cô cậu chưa đầy mười tuổi đó được? Qua một thời gian lâu gấp đôi tuổi tác của những đứa bé đó, người ta đã tạo dựng nên hình ảnh của bọn Mỹ đế quốc mới, của những tên tử thù ác ôn chống lại tổ quốc Việt Nam mến yêu của họ. Câu châm ngôn Anh xưa cũ có nói:"Ðời người được đánh giá qua tư tưởng và hành động chứ không phải qua thời gian". Nhưng, theo tôi thì phải lâu lắm và phải qua nhiều tư tưởng và hành động mới hàn gắn được vết thương của những tâm hồn trẻ dại trong lòng những đứa bé ném đá kia.

 

[ ... ]

 

Chúng tôi tới trại giam đúng vào giờ ăn trưa, một bữa ăn thật là ngon. Mãi những năm sau này, chúng tôi vẫn còn nhớ lại bữa ăn đó, vì chẳng bao giờ có được bữa cơm như thế nữa ở trại này. Mấy người cảnh vệ vẫn tử tế, làm như chúng tôi không phải là tù tội mà như là những người lữ hành ghé qua để viếng cảnh, thăm bà con bạn bè. Tôi không làm sao hiểu được những sự kiện của cuộc sống nữa, không biết là hoang đường hay thực tế đây. Trong thâm tâm, tôi cũng cảm thấy cần phải hy vọng, nhưng tất cả những gì hoang đường và thực tế đều lẫn lộn, hình thành nên sự kiện của cuộc sống mà tôi phải cố gắng đương đầu bằng cách nào đó.

 

[ ... ]

 

Nơi giam giữ mới của chúng tôi ở miền Bắc Việt Nam mang địa chỉ thư từ hợp lệ là "Trại A15" (Trại Hà Tây, tỉnh Hà Sơn Bình). Chúng tôi đặt tên cho nó là "Chi Nhánh Hà Nội Hilton" vì chỉ cách xa "Hà Nội Hilton" chừng năm mươi cây số. Nơi đó, Hà Nội đã nhốt tù binh chiến tranh Mỹ cho đến 1973. Hà Tây là một trại tù khá rộng lớn, gồm có khoảng một tá nhà giam, mỗi cái bề ngang sáu thước và chiều dài năm mươi, bao bọc xung quanh là một bức tường cao. Chúng tôi bị nhốt ở đó vào khoảng một nghìn hai trăm người, trên một trăm người vào mỗi nhà. Mười một nhà tranh vách đất chỉ có một nhà gạch lợp ngói. Tôi bị nhốt vào ngôi nhà gạch. Phòng giam khá rộng. Bốn hố vệ sinh nhỏ nằm cơi trên mặt đất, trong một phòng bé tí ở góc. Những gác cây được dùng làm giường ngủ, cửa sắt như thông lệ và cửa sổ nhỏ có song sắt. Có cửa sổ là hy vọng rằng đêm đêm sẽ có những vì sao trở lại làm bạn cùng tôi.

 

Tính theo tiêu chuẩn của Sài Gòn thì điều kiện sinh sống ở đây khổ cực và thô sơ, nhưng rất phải chăng với miền Bắc Việt Nam, không phải chỉ cho tù mà còn cho cả dân chúng nói chung. Ngoại trừ việc bị nhốt và khóa chặt, chúng tôi còn được ưu điểm hơn dân làng ở bên ngoài. Bốn tháng một lần, chúng tôi lãnh phần đường, xà phòng, kem đánh răng cùng những phẩm vật khác, được dân làng coi như xa xỉ và đôi khi họ hỏi chúng tôi để mua. Tám giờ làm việc nặng cho phép chúng tôi hưởng được mười lăm kí ngũ cốc một tháng, trong khi cảnh vệ và dân làng chỉ lãnh có chín kí. Tôi được biết một vũ công ba-lê lãnh mười tám kí và một nhân công mỏ than thì hai mươi hai.

 

Tôi không thấy phiền hà mấy vì phải làm lụng cực nhọc và thiếu tiện nghi vì tôi đã từng sống thiếu thốn hơn nhiều trong những ngày còn đi học ở Ba Lê, Luân Ðôn và Oxford, vừa đi học vừa đi làm đủ thứ nghề như trực khách sạn, gác cửa, phụ bếp, lao công nông trại, người phát thư, gói quà Giáng Sinh, giữ trẻ, rửa xe, phục vụ quày rượu, phụ tá nhà xác và thậm chí cả việc làm móng tay cho mấy bà. Nhưng, dĩ nhiên là với một tâm trạng khác.

 

Tướng lãnh và sĩ quan cao cấp của quân đội bị nhốt ở một khu khác trong trại, cách biệt với chúng tôi bằng một bức tường. Trong căn nhà của chúng tôi vẫn còn có những người bạn từ nhà tù Thủ Ðức - bộ trưởng tài chính, các thứ trưởng thông tin và văn hóa - nhưng còn có nhiều bộ mặt mới, những tên tuổi lạ hoắc, ở nhiều tỉnh khác nhau của Nam Việt Nam. Người ta chia chúng tôi ra từng nhóm mười người và không biết vì lý do gì, tôi không được xếp chung với những người trước kia thuộc cấp lãnh đạo chính đảng, viên chức cao cấp trong chính phủ hay những người phản động có tiếng tăm. Tôi bị liệt vào hạng người ở lứa tuổi sáu mươi, trong khi tôi chỉ có ba mươi chín. Có ông Tám Hựu, một con người bần cùng, mù chữ, nhỏ thó nhưng vui vẻ, hầu như bảy mươi hai tuổi đời làm nghề đánh xe ngựa tại nơi sinh quán của ông, một làng gần Gò Công trong vùng Châu Thổ sông Cữu Long. Ông không cho biết tại sao bị đưa đi học tập cải tạo và chẳng ai hỏi ông làm gì. Cái nhóm nhỏ kỳ quặc của chúng tôi được miễn lao động nặng, nhưng vẫn phải làm vệ sinh cầu tiêu vì ai cũng bị bắt buộc làm công việc đó.

 

Còn chuyện học tập cải tạo thì sao? Trong năm đầu tiên, người ta không đòi hỏi chúng tôi làm gì nhiều, ngoại trừ nghe đài phát thanh Hà Nội qua một loa phóng thanh mở lớn tối đa. Hàng ngày, sau khi bị khóa nhốt trong buồng vào khoảng năm giờ chiều, chúng tôi nghe đọc báo "Nhân Dân", một tờ báo hàng ngày, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Việt Nam. Thỉnh thoảng, chúng tôi được lệnh viết bản kiểm điểm và tự kiểm. Tôi có thể viết nhanh chừng ba mươi trang, nhưng được biết có người tìm cách viết ra hàng nghìn trang. Thế nhưng, phần lớn thời gian của chúng tôi được dành cho những chuyện tầm phào.

 

Trong ngày, chúng tôi được tự do đi lại trên sân trống trước nhà giam và luân phiên nhau, một ngày hai lần, đi đến bếp lãnh rá "bột luộc", trên tiêu chuẩn một trăm năm mươi gờ-ram cho mỗi đầu người và khoảng nửa lít nước nóng, màu đo đỏ tựa như nước trà. Sau đó là vài ba muỗng nước muối thế thôi. Chúng tôi được ăn cơm có tí thịt nhân dịp những ngày lễ lớn, như đầu năm dương lịch, Tết, Quốc Khánh 2 tháng Chín và lễ Lao Ðộng. Chúng tôi sụt cân nhanh chóng. Có một đêm, khi đi vệ sinh, tôi bắt gặp ông bạn cũ của tôi từ khám Thủ Ðức, ông tòa tối cao pháp viện, đang nướng một con ốc trên một tờ giấy đang cháy. Cả hai chúng tôi đều bối rối và ngượng ngập. Một vài tuần lễ sau, tôi nhận thấy ông già đánh xe ngựa lén lút dấu ba con chuột trong số chín con mà chúng tôi giết được vào lúc chiều và bỏ nằm ở một góc kẹt. Ðối với nhiều người, chuyện ăn uống - hay là chuyện thiếu ăn - đã trở thành một mối ám ảnh.

 

[ ... ]

 

Khi các toán lao động được thành hình, phần lớn chúng tôi, khoảng một nghìn hai trăm tù nhân ở "Chi Nhánh Hà Nội Hilton" đã hết sợ chết - có thể là không hoàn toàn trăm phần trăm nhưng cũng ở mức độ nào đó. Như thế không có nghĩa là những chán nản và thất vọng liên hệ đến cuộc đời tù tội đã hoàn toàn vắng bóng. Nhiều đêm, lòng hỏi lòng, tôi thử xét xem liệu tôi có được trả tự do hay không và chừng nào. Thử cân nhắc tội tình mà người ta có thể tính toán so với thân thế của mình trong chế độ Sài Gòn trước kia, tôi đoán ít ra cũng phải từ năm đến mười lăm năm tù. Tôi nghĩ rằng như vậy cũng phải lẽ đối với con người và phải chăng đối với tôi và với những ai có quyền quyết định như vậy.

 

Nhưng có điều kỳ lạ là khi đã bước sang năm thứ ba của quãng đời tù tội thì năm, mười hay mười lăm năm chẳng khác biệt là bao. Hy vọng được tự do của tôi đã teo lại thành một thứ hy vọng thụ động, loại hy vọng tôi nghĩ cũng giống như ý niệm buông xuôi của Dom Helder Camara[1]. Thế nhưng, tôi nghĩ người ta thường lầm tưởng cho đó là sự cam chịu vì không còn lo liệu được nữa hay là vì bất lực. Ông bà ta có câu:"Hãy bằng lòng với số phận và với những gì mình có", một cách nói rất xứng hợp với ngụ ngôn phương Tây là "sống dĩ hòa vi quý".

 

Tâm trạng "mặc kệ" giúp ích cho tôi rất nhiều vì tôi có thể bằng lòng với thân phận mình và với tình cảnh khó chịu của tôi. Vì đã mặc kệ nên tôi có thể xem thường những yếu tố tiêu cực và mang tính hủy diệt của hoàn cảnh, do đó tôi mới hy vọng được vào tương lai một cách đơn giản nên dễ chấp nhận hiện tại. Tôi chấp nhận thực tế, một thành phần chủ yếu để hy vọng. Nhờ chuyển biến được thái độ nên cá tính tôi, cách cư xử của tôi thay đổi đi nhiều, do đó bạn bè cùng cảnh ngộ cũng như các cai tù đều ngạc nhiên. Họ thắc mắc không hiểu tại sao tôi vẫn tươi cười nổi? Khi các bạn tù của tôi cảm thấy nản chí hay mất tinh thần thì họ bảo nhau:"Mình đến xin anh Phong kể chuyện đi".

 

Thế là tôi kể và khi nào hết chuyện thật thì tôi lại bịa đặt ra những câu chuyện mới để cho họ được vui lòng. Câu chuyện mà họ thích nhất - và rất tin tưởng - liên quan đến cung cách người dân phương Tây giải quyết những bài toán hàng ngày về may mặc, ăn uống, hút xách, săn bắn, tán tỉnh, ăn lễ Giáng Sinh, đón mừng năm mới và vô số những điều bí ẩn khác trong cách xử sự của người Tây phương. Họ thỏa thích nghe những chuyện của tôi hầu như mỗi tối sau khi cửa buồng đã khóa lại. Chúng tôi chui vào thế giới riêng tư và tách biệt của chúng tôi để tìm lấy đôi ba giờ thoát ly thực tại và mặc kệ đời. Tuy nhiên, lần nào cũng thế, sự yên tĩnh của chúng tôi cũng bị những tiếng khóc nghẹn ngào trong đêm làm chúng tôi phải nhói lòng. Có lúc thì một người, có khi vài ba người, như là một lời nhắc nhở nghiêm khắc cho hàng trăm người khác về cảnh ngộ nghiêm trọng của thân tù tội.

 

Thái độ mặc kệ có thể là một tâm trạng tiêu cực, gần như là thất vọng, nhưng cũng có thể là một thứ "mặc kệ vui vẻ", không cần quan tâm đến tình thế bất lực và vô vọng, một tâm trạng tiêu cực không biết âu lo và không thấy được chút hy vọng nào. Thế là tôi nhất định bám lấy tâm trạng mặc kệ vui vẻ, một tâm trạng giúp tôi có thể chịu đựng được cuộc sống tù tội lúc bấy giờ. Nó làm cho tâm trí của tôi đỡ bị giày vò một cách vô ích, cho tôi bớt mơ tưởng viễn vong và bớt hy vọng hão huyền với những ước mơ kỳ quái về những mục đích không tưởng và không thể đạt được.

 

Bị đưa ra miền Bắc có nghĩa là triển vọng được tha càng trở nên xa vời. Thông thường, chúng tôi cho rằng những người có tội nặng mới bị đưa ra Bắc Việt Nam. Phần lớn những viên chức của Sài Gòn cũ được giữ lại phía Nam. Thế là bọn tù chúng tôi tha hồ mà ảo tưởng để rồi vỡ mộng. Mấy năm sau, tôi được biết rằng những người được giữ lại trong Nam cũng bị giam cầm lâu dài như những ai bị đưa ra Bắc, thế nhưng đúng là những phần tử "ác ôn" và "côn đồ" thì bị nhốt ở miền Bắc.

 

Thế thì ai là những người bạn tù của tôi ở "Chi Nhánh Hà Nội Hilton"? Có vài người gọi là "tù hình sự", chẳng có gì nguy hiểm. Tôi làm quen được vài ba người. Như trường hợp một ông bác sĩ, cựu giám đốc bệnh viện, đã ở tù đến năm thứ mười với bản án mười lăm năm vì tội bắn chết bà vợ và kẻ tình địch. Còn có một lô biệt kích Sài Gòn cũ, đã được thả dù xuống Bắc Việt vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 để thi hành các nhiệm vụ phá hoại, nhưng đã bị cộng sản bắt và tống giam ở đó trên mười lăm năm. Trường hợp này làm cho tôi phải tính toán lại, và nghĩ rằng ít lắm tôi cũng phải bị tù mười lăm hay thậm chí hai mươi năm.

 

Tôi bắt đầu nhận ra rằng cung cách suy nghĩ nhằm loại trừ cái này, bác bỏ cái kia như thế có thể làm cho mình cảm thấy bất lực, vô vọng và tuyệt vọng, cuối cùng đi đến chỗ tự hủy diệt mà thôi. Một mặt, tôi phải duy trì niềm hy vọng sẽ được tự do và đồng thời phải bớt đắn đo về viễn ảnh bị giam giữ lâu dài như thế. Chỉ cần người ta cho tôi biết thời gian giam giữ một cách chính xác hay phỏng chừng thì tôi có thể nuôi dưỡng niềm hy vọng. Nhất định là những người giam giữ tôi cố tình không cho biết thời gian giam giữ để khai thác niềm hy vọng của chúng tôi. Trong thời gian đầu bị đưa ra Bắc, đặc biệt là trước khi đi ngủ, tôi có thể hy vọng hàng ngày sẽ được tha vào "tuần tới". Khi những tuần lễ trôi qua không còn đếm được nữa, tôi bắt đầu hy vọng cho "tháng tới". Khi không còn hy vọng ở tháng nữa, tôi lại cho là "năm tới". Cuối cùng, tôi chỉ còn hy vọng một cách mù mờ là sẽ được tha "trong nay mai". Biết đâu sẽ có ân xá tổng quát? Có thể Liên Hiệp Quốc sẽ can thiệp. Có thể bà con của tôi bên phía cộng sản sẽ vận động cho tôi. Không biết chừng cộng sản sẽ quyết định tống xuất tôi thay vì giam giữ. Những sự mơ tưởng đó là một liều thuốc giảm thống, nhưng cũng là một sự chối bỏ thực tế một cách phi lý và như thế sẽ làm tiêu tan hy vọng đích thực.

 

Có một điều chắc chắn là tôi còn sống. Tôi không biết người ta có còn nghĩ tới chuyện hành quyết hay không. Biết bao giờ tôi mới được tự do đây? Nhưng tôi vẫn còn sống. Tôi tự hỏi không biết gia đình tôi xoay xở ra làm sao qua tình thế đó? Sau này, tôi được biết rằng trong hai năm đầu chúng tôi bị giam giữ ngoài Bắc, không ai cho gia đình chúng tôi biết chúng tôi đang ở đâu cả (đến năm thứ tư chúng tôi mới được thăm nuôi). Ngược lại, chúng tôi cũng không biết những người ở nhà ra sao cả. Xa cách, cộng với tình trạng mù mờ về thân phận của họ làm cho tôi rất khổ tâm. Ngạn ngữ Việt Nam có câu "thà tử biệt hơn sinh ly". Nhưng, dứt khoát là tôi còn sống.

 

Cuối cùng, tôi không buồn ước đoán viễn vong nữa. Việc trại biên chế tôi vào tổ xây dựng và lao động với tư cách thợ hồ tạo điều kiện cho tôi quan tâm đến những việc khác. Qua công việc, có một cái gì thực sự tích cực bắt đầu nẩy nỡ trong lòng tôi. Tôi vui mừng có được cơ hội để học nghề trong ngành hồ nhẹ nhàng và tôi rất hài lòng với công việc. Trong hai năm qua, lần đầu tiên tôi thấy mình không còn là kẻ vô dụng nữa. Tôi có thể đóng góp công sức của tôi. Vì sao, vì bọn thợ hồ chúng tôi có thể xây dựng nhà tù cho bản thân mình, tạo dáng nhà tù cho nó thành trại cải tạo đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam với những tiện nghi mà chúng tôi có thể chấp nhận được theo tiêu chuẩn Nam Việt Nam. Là những người thợ xây của "Chi Nhánh Hà Nội Hilton", chúng tôi cảm thấy tự hào và cuộc sống lại có ý nghĩa và mục đích. Tôi không còn là một kẻ vô giá trị nữa, một người lêu lổng trong một tập thể ăn không ngồi rồi. Công việc đó làm cho con người cảm thấy có nhân phẩm và một lần nữa tôi cũng cảm thấy như thế.

 

Như tôi đã nói trên đây, ngoại trừ ngôi nhà gạch mà chúng tôi đang ở, những căn khác toàn là nhà tranh vách đất. Rõ ràng là có nhu cầu khẩn cấp về nơi ăn chốn ở đứng đắn hơn, chưa nói làm gì tới chuyện đẹp mắt hơn. Công việc luyện tay nghề của tôi tiến triển khá tốt đẹp và cuối cùng tôi đã trở nên một trong năm trưởng tổ xây dựng, phụ trách một tổ mười người. Thế là chúng tôi đứng ra xây dựng lại nhà tù, một nhiệm vụ mà chúng tôi đảm trách một cách hăng hái, say mê nữa là khác. Phần việc gay go nhất - có thể nói là thấm thía và cảm động nhất - là giai đoạn cuối cùng khi đặt những thanh sắt vào cửa sổ, dĩ nhiên là từ bên trong. Tôi chỉ còn biết tự nhũ bằng cách nói rằng:"Cũng được đi, gió mát của Trời vẫn còn vào ra thông thả".

 

Nói rằng tôi coi trọng nghề hồ thì quả đúng như thế. Trong hai năm lao động cực nhọc một cách chân thật và làm ra của cải đó, tôi rất dễ cởi mở tâm tư tình cảm hơn là suy nghĩ. Lý luận và lý trí hướng dẫn con người tình cảm của tôi, nhưng những xúc cảm dễ tác động và có tầm quan trọng đối với toàn bộ con người của tôi rất nhiều. Những học thuyết của Marx và Lenin không ảnh hưởng đến tôi nhiều như thời tôi còn học ở Oxford, nhưng tôi khá ngạc nhiên trước những cử chỉ thân thiện, thậm chí đầy tình cảm, của vài người cảnh vệ.

 

Trong số này có một anh chàng, mới bước vào lứa tuổi hai mươi, tâm sự với chúng tôi là anh ta có may mắn được các nhà ngoại giao Cuba mời dự dạ vũ tối thứ bảy ở Hà Nội và anh ta rất muốn học nhảy để làm cho cô bạn lé mắt chơi. Thấy anh ta sôi nổi quá, anh em chúng tôi cũng động lòng nên tổ xây dựng chúng tôi sắp xếp để chỉ cho anh. May thay, trong tổ chúng tôi có một anh cựu sĩ quan cảnh sát tương đối trẻ, một cây nhảy vũ điệu Nam Mỹ và một tay "vũ sư" điêu luyện. Cho nên, trong khi tổ lo xây cất nhà tù thì hai người này tìm một chỗ kín đáo để nhảy mambo và các vũ điệu khác của Cuba. Anh cảnh vệ có vẻ là một môn sinh sáng dạ nên chẳng bao lâu đã trở thành một chúa tể mambo, cũng như sành sỏi các điệu rumba, samba và cha-cha-cha. Kế đến là anh ta cần phải ăn mặc cho đúng điệu nên chúng tôi bảo nhau và cố gắng tìm mượn trang phục từ đầu đến chân cho anh ta, thậm chí lén mượn cả đồng hồ đeo tay hiệu Seiko. Thế là chàng cảnh vệ trẻ tuổi thắng bộ cánh hết ý đi dự dạ hội!

 

Những cơ hội đầy tình cảm như thế rất thường xảy ra. Là một tù nhân được tin cậy, tôi thường được chỉ định đi theo xe trại đi chợ ở xã. Trong những dịp như thế, mấy anh cảnh vệ thường đi lang thang và bỏ chúng tôi lại một mình trông chừng chiếc xe. Có một dịp, tôi rất ngạc nhiên thấy một bà, rất già và gầy ốm, đến gần. Bà hỏi với một giọng Bắc rất nặng:

 

- Mấy cậu là người trong Nam phải không?

- Vâng.

 

Tôi trả lời gọn như thế. Bà liếc qua liếc lại, kiểm soát xung quanh chúng tôi một cách nhanh chóng rồi lấy ra một chiếc bánh to lớn, loại bánh nướng của nông dân, và dúi vào tay tôi. Bà nói lầm bầm:"Ăn nhanh lên đi" rồi bà bước đi nhanh chóng khuất dạng. Tôi giải quyết nhanh chiếc bánh trước khi mấy anh cảnh vệ trở lại. Dường như bà Mẹ Việt Nam của tất cả chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng với những người con mình, miền Bắc cũng như miền Nam, dù là kẻ thù xưa cũ hay là không. Mấy tháng sau, tôi lại gặp bà ta lần nữa ở chợ xã và có dịp đáp lại tình nghĩa trước đây. Ðang mặc chiếc áo ấm bằng len duy nhất của tôi, một thứ y phục loại tốt nhất thời du học ở Oxford (chính hiệu Scotch House of Knightsbridge), tôi cởi nhanh ra và trao vào tay bà ta rồi hối thúc:

 

- Cụ đi lẹ đi.

 

Bà không hiểu chuyện gì đã xảy ra nhưng cũng bước đi thật nhanh. Tôi nghĩ là bà hết sức sợ mấy người cảnh vệ đang lảng vảng quanh đó. Lúc nào tôi cũng hy vọng là chiếc áo ấm sẽ che chở bà, chống lại cái lạnh rét buốt của miền Bắc.

 

Trong một dịp khác, tổ xây dựng của tôi đem xe cải tiến đến một nhà kho vật liệu xây cất. Trước khi chất gạch và những bao xi-măng lên xe, chúng tôi chúc mừng cho người giữ kho, một chị đang mang thai. Chị này là một nông dân mộc mạc và gầy còm sinh sống với ông chồng, làm cảnh vệ, trong một căn nhà nhỏ bé, vách đất mái tranh. Tôi vuốt ve cái đầu con chó mực nhỏ thó của chị giữ kho, như tôi thường làm mỗi khi đến nhà kho vì lúc nào tôi cũng thích chó. Tôi nghĩ đó là vì tôi bị ảnh hưởng nếp sống bên Anh.

 

Cử chỉ yêu quý chó của tôi như làm cho người đàn bà bụng chửa nghèo nàn giữ kho kia nhớ đến điều gì. Chị này cho chúng tôi biết rằng, buồn thay, rồi đây con chó sẽ bị đem bán và ngả thịt để giúp thanh toán chi phí của một dịp vui mừng sắp đến. (Người miền Bắc thích ăn thịt chó còn người miền Nam thì thích những thứ mà chúng tôi nghĩ là những món ăn ngon, văn minh hơn như ếch và ốc). Thành viên tổ xây dựng chúng tôi nhìn nhau rồi ngấm ngầm quyết định một đường lối hành động. Chúng tôi chất bốn bao xi-măng lên xe, chồng gạch lên trên rồi đưa cho chị giữ kho một mảnh giấy để ký tên xác nhận rằng chúng tôi đã nhận đủ số lượng cần thiết. Sau khi kiểm lại số vật liệu trên xe, chị  cho rằng dường như chúng tôi lấy thiếu một trong số năm bao đã ghi. Tôi nhìn thẳng vào mắt chị ấy và nhất quyết rằng chúng tôi đã lấy năm bao. Các bạn trong tổ xây dựng cũng đồng ý là như vậy. Họ đồng thanh nói:

 

- Trên xe có năm bao mà chị.

 

Tôi kéo chị qua một bên và nói nhỏ là chúng tôi sẽ bù chỗ sai biệt bằng cách mua một bao khác trong vài ngày nữa và xin chị vui lòng để cho chúng tôi giúp đỡ. Người phụ nữ đáng thương kia lem luốc nước mắt, nước mũi khi chúng tôi đẩy chiếc xe ra khỏi nhà kho. Tôi không nhớ là chúng tôi đã có cảm nghĩ xót thương gì, hoặc giả người phụ nữ nông thôn miền Bắc kia có mang ơn gì hay không. Chị ta chỉ là một người chị em túng quẫn, dù là một người chị thù nghịch trước kia, và chúng tôi tìm cách chia sẻ chút tình cảnh khó khăn của chị ta, trong khả năng của chúng tôi. Tôi tin chắc rằng những thành viên khác trong tổ cũng có cùng cảm nghĩ như tôi.

 

Câu chuyện này kết thúc một cách rất lý thú. Một vài tuần lễ sau, trong một chuyến đi khác để lấy vật liệu xây cất ở nhà kho, toán của chúng tôi tìm thấy một biểu hiện, nói lên lòng cảm kích của người đàn bà quê mùa kia, được giấu dưới đống gạch trên xe chúng tôi. Một miếng thịt cầy nướng hậu hĩ được gói trong một tờ giấy báo.

 

Như đã nói trên đây, gần bốn năm qua, gia đình chúng tôi không biết chúng tôi ở đâu, dù có thể đoán được là chúng tôi đã bị đày ra Bắc. Tuy nhiên, chúng tôi được phép nhận quà từ trong Nam gửi ra, mà nơi nhận bưu phẩm để gửi đi là khám Chí Hòa ở Sài Gòn. Ðối với người dân miền Bắc, những gói quà đó tượng trưng cho sự hào phóng không ngờ và không tưởng tượng được. Họ chưa từng thấy một sự sung túc nào như thế. Một gói nhỏ gồm có thuốc men, thực phẩm, quần áo và những thứ lặt vặt khác mà gia đình gởi cho chúng tôi cũng bằng năm đến mười năm tiền lương đối với một viên chức hạng trung ở miền Bắc Việt Nam thời đó.

 

Trong những năm đó, một trong những thực tế nổi bật nhất mà tôi nhận thấy là khả năng có vẻ như vô hạn của con người để chịu đựng trên hai mặt thể chất và tinh thần. Cùng với công việc làm khổ cực mà chúng tôi phải đảm trách vào năm giam cầm thứ hai tại miền Bắc, khi các tổ lao động đã thành hình, là một niềm hy vọng lớn lao. Dù không được nói ra một cách chính thức, chúng tôi được để cho hiểu rằng các "trại lao động" khác với "trại giam" ở chỗ phạm nhân của trại tập trung lao động có hy vọng và lợi thế là được tha sớm hơn. Thế cho nên, chúng tôi bắt đầu "tám giờ vàng ngọc của ngày lao động", nghĩa là từ năm giờ sáng đến năm giờ chiều, với niềm hy vọng mới và thậm chí một cách vui vẻ. Quả là tám giờ lao động đúng mực, nhưng chẳng mấy chốc mà nó cho thấy hậu quả của nó. Chúng tôi càng ngày càng gầy đi và có nhiều người bắt đầu thấy tiếc là đã mất đi những tháng ăn không ngồi rồi khi chúng tôi cảm thấy những cơn nhức nhối đầu tiên ở những bắp thịt đau đớn. Tôi là một trong những người cố gắng hết sức mình để chịu đựng tối đa. Chúng tôi làm thế không phải vì sợ những người cai tù hoặc vì hy vọng được tha sớm mà để tự chứng minh là còn có thể vận dụng trí óc và tay chân, không phải là những con người vô dụng. Trong những trường hợp như thế, chúng tôi nhận thấy rõ ràng là sức mạnh của thân xác không phải lúc nào cũng theo được sức mạnh của trí tuệ.

 

Tiêu chuẩn lương thực từ mười đến mười lăm kí ngũ cốc hàng tháng chỉ đủ cho những ai cao không quá một thước sáu và cân nặng lối năm mươi kí. Tôi cao trên một thước bảy cho nên sau khoảng chín tháng lao động, tôi cân nặng còn có bốn mươi ba kí, so với bảy mươi hai kí, ngày tôi bắt đầu vào tù. Tôi trông giống một cái bong bóng xì hơi, đặt biệt là ở mông. Nhiều người bị rụng răng. Tôi cố gắng giữ được sáu cái, một thành tựu khá tốt về việc giữ gìn sắc đẹp. Trên bình diện thẩm mỹ, chế độ ăn uống đó là một tai họa, nhưng nó giúp tôi hiểu được đầy đủ hơn bản chất của cuộc sống và hướng dẫn tôi trên hành trình liên tục tìm kiếm một con người tự nhiên, không màu mè phải như thế nào. Nhìn thấy thân xác của một con người thu nhỏ lại thành những thành phần chủ yếu của bộ xương là một điều kỳ lạ, nhưng tôi vẫn bướng bỉnh bám lấy quyết tâm đi đến mức cùng của sức chịu đựng.

 

 

[Kỳ tới: "Nội các chiến tranh"]

 


[1] Dom Hélder Camara (Pessõa Camara): Tổng giám mục Ba Tây có lập trường bênh vực người nghèo và bị áp bức của các nước Thế Giới Thứ Ba. Ông thường khuyên nên đối phó với tuyệt vọng bằng cách cho đó là định mệnh và tốt hơn là nên chấp nhận điều đó theo cung cách mặc kệ vui vẻ, vui vẻ chấp nhận cái gì phải đến thì sẽ đến thôi, không cần phải đau buồn gì hơn mà khổ tâm.

 

Phan Quân
 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.