.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

Hope and Vanquished Reality - Nguyễn Xuân Phong

8. Thượng đỉnh Manila            
7. "Nội các chiến tranh" và tôi
6. "Du học" miền Bắc               
5. Học với Tập                           

4. Hòa đàm Ba lê                      
3. "Mỹ cút, Nguỵ nhào"              
2. Bốn Mươi Tám Giờ               

1. Một thành phố tan hàng       

3."Mỹ cút, Nguỵ nhào"

  • 2.11.2007
    (Trích dịch)

Hồi đầu năm 1975, nhiều người khó hiểu tại sao không một ai ở Hoa Thịnh Ðốn chịu tìm phương cách để cứu vãn Việt Nam Cộng Hòa, hoặc nói lên một tiếng nào để cho "Trận Ðánh Sài Gòn" dễ sợ không xảy ra. Dù sao, thành phố Sài Gòn cũng ít chứng kiến những cuộc đánh nhau với địch quân hơn là trông thấy cảnh chạm súng qua nhiều cuộc đảo chính thời chế độ Sài Gòn trước kia.

Không đủ khả năng ngăn chặn Sài Gòn sụp đổ, thực sự không phải vì quân lính Việt Nam Cộng Hòa yếu kém hay súng ống đạn dược thiếu hụt. Cả hai yếu tố đó đều dư thừa để có thể chống trả một cách thoải mái trong vòng mấy tháng. Tuy nhiên, vào mùa xuân 1975 giờ tính sổ của lịch sử đã đến. Một thời điểm để cho chuyên viên của hai phe lâm chiến ở Việt Nam đối chiếu thực tế và kiểm nghiệm xem những ý niệm và lý thuyết của họ về tự do và dân chủ, về chủ nghĩa quốc gia và độc lập, về chủ quyền và hòa bình thế giới có giá trị gì không.

Dĩ nhiên, thanh lý chiến tranh là một vấn đề vô cùng khó xử đối với các cấp lãnh đạo ở Hoa Thịnh Ðốn cũng như ở Sài Gòn. Nhưng điều đó lại làm cho các ủy viên bộ chính trị Hà Nội ngạc nhiên không ít, vì từ hai thập niên qua họ đã mong muốn Hoa Kỳ ngưng can thiệp vào Việt Nam. Hà Nội chưa bao giờ quan tâm đến con số một triệu người của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và quân cộng sản cũng biết được rằng vào đầu năm 1975, ý chí chiến đấu chẳng còn bao nhiêu.

Phần lớn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là những người lính trẻ tân tuyển, bị bắt buộc làm nghĩa vụ quân sự. Ưu tiên hàng đầu của những người này là tìm cách tránh né bất cứ hình thức chiến đấu nào. Dù sao đi nữa thì tuyệt đại đa số quân sĩ Sài Gòn, thực ra đã được tuyển mộ không phải là để đánh trận. Người ta thường thấy họ đi tuần tra hoặc bảo vệ an ninh cho công sở, với nhiệm vụ chính là bảo đảm "an ninh lãnh thổ" cho dân chúng.

Dưới thời ông Diệm, dân chúng nông thôn ở trong những cái gọi là "ấp chiến lược", không khi nào biết được là mình đích thực bị giam lỏng hay bị ngăn cách với phần còn lại của đất nước. Vì thế cho nên Hà Nội và quân lính cộng sản ở Nam Việt Nam không chú trọng mấy đến những người lính quân dịch non trẻ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và không cho đó là một vn đề. Họ quan tâm đến việc Hoa Kỳ can thiệp ở đó.

Nhưng Sài Gòn và Hoa Thịnh Ðốn lại cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là một yếu tố chủ yếu, được ghi vào những phúc trình và các cuộc thảo luận quan trọng về chiến tranh du kích, về quân số, về tương quan lực lượng, về hỏa lực, về bình định và về số thương vong. Nói cách khác, nhờ đó mà có những con số thống kê để đưa ra trình bày ở "Four O'Clock Follies" - phiên họp báo hàng ngày vào lúc 16g của quân đi Mỹ tại Sài Gòn - một hoạt cảnh chán ngấy, được diễn ra mỗi ngày, dành cho báo chí quốc tế ở Sài Gòn.

Tổng Thống Johnson cũng chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao tổ chức những phiên họp báo hàng ngày tương tự để cho dân chúng Mỹ biết được những diễn tiến tốt đẹp của chiến dịch mưu tìm tự do và dân chủ ở Nam Việt Nam. Cũng may mà Hiệp Ðịnh Ba Lê năm 1973 đã hạ màn chấm dứt những vở diễn đó, và dân chúng Hoa Kỳ không còn phải nghe những câu chuyện dễ sợ xuất phát từ đó. Dân chúng Mỹ đương nhiên vẫn tin tưởng ở lý tưởng cao cả về tự do và tiến bộ nhưng càng ngày càng ít quan tâm đến ý niệm coi Nam Việt Nam là "Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do" ở Ðông Nam Á. Hoa Kỳ đã trở lại với quan niệm sơ khởi, thời Tổng Thống Kennedy, muốn cho người Nam Việt Nam có thể tự vệ mà không cần quân lính Hoa Kỳ hỗ trợ. Nhưng đâu phải đơn giản.

Thiên hạ thường tự hỏi không biết John F. Kennedy có thể nào gửi quân chiến đấu Hoa Kỳ sang Nam Việt Nam hồi 1962, thay vì gửi "cố vấn", khi Việt Cộng gia tăng mạnh mẽ chiến tranh với sự tham dự của Bắc Việt Nam hay không. Về sau, Tổng Thống Nixon than phiền là Tổng Thống Kennedy đã mở màn cho tình trạng hỗn loạn ở Việt Nam và không chịu làm gì để ngăn ngừa cuộc ám sát Tổng Thống Diệm. Tôi nghĩ rằng JFK không làm cho Hoa Kỳ phải chi ra hàng tỷ Mỹ kim và đưa nửa triệu quân Mỹ vào Nam Việt Nam, và rất có thể ông tìm cách thương thuyết với Hồ Chí Minh để gở rối, dù cho cái gọi là chính phủ "không cộng sản" thay vì "chống cộng" ở Sài Gòn phải gánh chịu hết. Hà Nội có thể chấp thuận giải pháp đó, mà cũng có thể không, vì lúc bấy giờ cuộc chiến chưa quyết liệt. Như vậy thì rất có thể phải đi đến một giải pháp quân sự, và Hoa Thịnh Ðốn cũng gặp trường hợp khó xử như thế.

Một cuộc dàn xếp ôn hòa với Hồ Chí Minh cũng có thể đặt Tổng Thống Kennedy vào thế đối nghịch lại với phe diều hâu và CIA, là những thành phần nồng cốt trong việc đưa ông Ngô Ðình Diệm lên ghế tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và rất mong muốn lưu giữ ông lại. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là Tổng Thống Nixon đã có công đưa toàn bộ quân lính Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam về trong nhiệm kỳ đầu của ông (theo báo cáo của Bộ Quốc Phòng thì hồi tháng Ba năm 1969, con số đó lên đến 541.000), và với chính sách "Việt Nam hóa" chiến tranh, ông đã đưa mức thương vong của lính Mỹ xuống mức tối thiểu. Vào lúc ký kết Hiệp Ðịnh Ba Lê hồi tháng Giêng 1973, còn 25.000 binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam phải đưa về. Hồi tháng Giêng 1975, Hoa Thịnh Ðốn bị bắt buộc phải theo đuổi hy vọng của John F. Kennedy về một Nam Việt Nam "không cộng sản", có khả năng tự vệ, không có sự can thiệp quân sự của Mỹ. Nhưng, ý kiến đó đã tàn phai một cách nhanh chóng hồi tháng Ba 1975, khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không đủ sức hoặc không chịu đánh trả lại binh lính Bắc Việt.

Trong gần hai thập niên, Hà Nội đã áp dụng chiến thuật du kích để chống lại Hoa Kỳ, nhưng trong lần chạm trán cuối cùng với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, họ lại vận dụng chiến tranh quy ước truyền thống và cổ điển. Người Việt Nam mà đánh du kích chống lại người Việt Nam khác thì thật là lố bịch. Chiến tranh du kích mà không còn quân lính ngoại quốc ở Nam Việt Nam là chỉ mất thời gian một cách vô lý. Thế nên, tướng Giáp và tướng Dũng rất vui mừng tung toàn bộ lực lượng quân sự quy ước chống lại Sài Gòn hồi tháng Ba năm 1975, theo đúng truyền thống của West Point. Rủi thay, các tướng Maxwell D. Taylor, William C. Westmoreland và Creighton W. Abrams không còn ở đó nữa.

Người ta có thể hy vọng có những trận đánh trả đích thật của các đơn vị thiện chiến của Sài Gòn - thủy quân lục chiến, nhảy dù, thiết giáp, biệt động quân và lực lượng đặc biệt - những quân chuyên nghiệp ưu tú của Sài Gòn, ngực đầy huy chương, những chiến sĩ được hưởng đầy đủ đặc ân và được đền bù xứng đáng cả một thế hệ. Trên ba thập niên chiến đấu dưới mọi màu cờ, họ không hiểu mà cũng chẳng quan tâm mấy đến những vn đề chính trị đàng sau những cuộc xung đột. Họ đã chọn quân đội làm sự nghiệp nên ít để ý đến nguồn gốc hay kết cuộc của chiến tranh. Họ chỉ tin tưởng ở các sĩ quan chỉ huy của họ, chấp hành mệnh lệnh hết sức mình và hoàn thành công việc năm này qua năm khác. Họ chiến đấu không phải vì ủng hộ các chính khách mà để bảo trợ gia đình.

Chuyện gì đã xảy ra cho những đơn vị thiện chiến này của Sài Gòn hồi mùa xuân 1975? Hồi tháng Ba, một vài đơn vị bị cưỡng bách đưa vào những trận đánh tương đối nhỏ ở Cao Nguyên Trung Việt, nơi mà họ đã đạt được những thành tựu rõ ràng là dưới mức trung bình. Những trận đánh này chỉ là những cuộc chạm trán nhỏ. Quân thiện chiến của Sài Gòn đã từng chiến thắng những trận đẫm máu hơn. Tại sao bây giờ lại không được như vậy? Thậm chí dân thường cũng thấy rằng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thiếu tinh thần, thiếu ý chí và không sẵn sàng. Hơn nữa, thành tựu của những quân nhân này thường phản ảnh suy nghĩ, thái độ và cung cách xử sự của cấp chỉ huy họ. Các cấp lãnh đạo quân sự có vn đề gì?

Từ khi ký kết Hiệp Ðịnh Ba Lê hồi tháng Giêng năm 1973, quân nhân cao cấp của Sài Gòn đã được ưu đãi. Ông Thiệu có thể đã cho họ biết rằng tổng thống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ có đưa ra lời "cam kết" thành văn long trọng, là bảo đảm an ninh cho Việt Nam Cộng Hòa. Viên thuốc ngủ đã có tác dụng khá tốt gần hai năm. Nhưng giờ thì đã đến lúc phải tỉnh giấc để nhìn sự thực. Khi tình hình thoái hóa nhanh chóng ở Cao Nguyên và những vùng khác, ông Thiệu đã nhiều lần yêu cầu Hoa Thịnh Ðốn hỗ trợ quân sự, dù cho chỉ bằng phương tiện trên không. Khi Hoa Thịnh Ðốn từ chối không chịu hành động thì các tướng lãnh của Sài Gòn hoàn toàn không biết nghĩ thế nào.

Gửi cho vài ba phi cơ của Ðệ Thất Hạm Ðội, dù chỉ để tác động tâm lý, hoặc giả cho Hà Nội thấy một loại dấu hiệu nào đó nói rằng Hoa Kỳ không từ bỏ ý niệm lâu đời về việc bảo vệ một "Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do" ở Nam Việt Nam mà cũng thực sự khó khăn đến thế sao? Giúp đỡ Sài Gòn cầm cự trong một thời gian mà cũng nhiêu khê vậy à. Ngày 25 tháng Ba, Tổng Thống Ford có gửi cho ông Thiệu một thông điệp thân hữu, nhắc lại rằng chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng rất tiếc là Quốc Hội Hoa Kỳ không chấp thuận việc sử dụng phi cơ Mỹ.

Ðể trấn an Việt Nam, ngày 28 tháng Ba, Hoa Thịnh Ðốn phái Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, Frederick Carlton Weyand, một vị tướng bốn sao, đến Sài Gòn. Ông Weyand có mặt ở hòa đàm Ba Lê và sau đó trở thành tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, một chức vụ ông đảm nhiệm cho đến khi quân lính Mỹ hoàn toàn rút khỏi Việt Nam vào cuối tháng Ba năm 1973.

Tôi đã biết ông Fred Weyand trong nhiều năm qua và chúng tôi đã trở thành bạn thân với nhau. Fred thật tình tin tưởng rằng Nam Việt Nam là "Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do". Sau chuyến đi thăm Sài Gòn, trong một cuộc họp với hai ông Ford và Kissinger, dưới ánh mặt trời California ở Palm Springs hôm 4 tháng Tư, tôi chắc rằng ông đã vận dụng hết tài hùng biện của mình để mô tả tình hình quân sự đen tối và tuyệt vọng của Nam Việt Nam và hết lòng bênh vực cho trường hợp của Nam Việt Nam.

Dĩ nhiên là hoài công, vì tổng thống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ chẳng còn làm gì được nữa khi Quốc Hội Hoa Kỳ đã khẳng định bác việc chi viện thêm cho Việt Nam Cộng Hòa để tiếp tục cuộc chiến, chưa kể 720 triệu Mỹ kim do Tướng Weyand đề nghị hay là ngay cả 300 triệu Mỹ kim hoàn toàn viện trợ kinh tế mà các trợ lý của Bạch Cung đã nghĩ đến. Bằng hữu ở Thượng Viện nói rõ với Tổng Thống Ford là ông sẽ không có lấy một đồng ten nào cho bất cứ việc gì có tính cách quân sự ở Việt Nam, nhưng trái lại, ông có thể có bất kỳ số tiền nào ông cần để đưa tất cả người Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Như thế, đã có quyết định là chẳng một ai phải chi ra bất kỳ món tiền nào cả cho việc Tổng Thống Ford yêu cầu Quốc Hội cấp 720 triệu Mỹ kim để cứu nguy chính phủ Sài Gòn. Trách nhiệm pháp lý và tinh thần của cuộc giết hại sẽ thuộc về Quốc Hội chứ không phải Tòa Bạch Ốc. Ngoài ra, ai ai cũng thừa biết rằng dù cho với một triệu Mỹ kim thì, về mặt vật chất và nhân sự, Hoa Thịnh Ðốn cũng không thể chi viện quân sự và kinh tế thêm kịp thời cho Nam Việt Nam để Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chận đứng được đà tiến của quân lính Bắc Việt. Chỉ còn có một việc hữu hiệu mà Tổng Thống Ford có thể làm được hồi tháng Tư đó của năm 1975 là cho Hoa Kỳ can thiệp quân sự ồ ạt, nhưng lại là một hành động điên rồ và thái quá.

Từ khi những trận đánh nhỏ xảy ra trong tỉnh Phước Long hồi đầu năm 1975, ông Thiệu đã chuẩn bị để thử thách Hoa Thịnh Ðốn lần cuối cùng và nắm phần chắc là Tổng Thống Ford không còn cách nào khác hơn là xả láng trong ván bài vì người Mỹ. Có thể ông Thiệu đã được thúc đẩy để làm như vậy khi nhớ lại đòn bốc đồng của Tổng Thống Johnson trong việc leo thang chiến cuộc của Mỹ ở Việt Nam. Cũng có thể ông Thiệu hy vọng có một người nào đó ở Hoa Thịnh Ðốn sẽ làm một hành động điên rồ, dựa theo một tin đồn đại cho rằng, vào lúc nào đó, ông Nixon có thể điên tiết lên mà bấm nút hạt nhân để kết thúc chiến tranh Việt Nam. Nhưng dĩ nhiên là ông Thiệu hiểu biết rất ít về Tổng Thống Ford, và ông đã sai lầm khi đánh giá quá cao về việc Mỹ muốn tiếp tục đưa người và của vào Nam Việt Nam.

Sự tan rả khó tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đà tiến không ai ngăn chận của quân lính Bắc Việt xuống miền Nam nhất định làm cho hy vọng ở Hà Nội lên cao trong khi cấp lãnh đạo của Sài Gòn càng thêm thất vọng. Tình hình đó không làm cho "Văn Phòng Hình Bầu Dục" ở Hoa Thịnh Ðốn thất vọng nhưng chỉ nhẫn nhục. Tổng Thống Johnson có thể đã cảm thấy thất vọng hồi 1968 khi ông tìm cách hoặc chiến thắng hay là có được một lối thoát danh dự nhưng lại hoài công. Chuyện chế độ chống cộng của Sài Gòn sắp sụp đổ đến nơi có thể cũng đã làm cho Tổng Thống Nixon nản chí, nếu không phải là thất vọng. Ông Nixon đã làm tối đa để giúp đỡ nhưng không thể hy vọng hoặc thất vọng cho Việt Nam vì ông phải bận tâm quá nhiều với vụ tai tiếng Watergate hồi 1974.

Còn đối với Tổng Thống Ford hồi 1975, thì từ lâu Nam Việt Nam đã trở thành một vệ tinh phiêu dạt trong không gian, và do đó, cách xa hàng tỷ năm ánh sáng. Dưới nhãn quan của nhiều người - một cái nhìn quá ra có vẻ tiên tri - thì dù sao ông Ford cũng chỉ là một tổng thống tạm quyền mà thôi. Thế nên, lực lượng của Nam Việt Nam rơi rụng cũng như những con cờ đô-mi-nô xếp hàng từ Cao Nguyên đến Sài Gòn chỉ trong vòng năm mươi lăm ngày đêm, qua các trận đánh rời rạc gần như vô lý. Một hiện tượng vượt khỏi óc tưởng tượng và có vẻ như chẳng thuận lý chút nào hết.

Khi từ chức, ông Thiệu công khai biện minh là vì Hoa Kỳ không chịu viện trợ quân sự thêm nữa. Ðiều đó không giải thích được sự sụp đổ hoàn toàn và cấp thời của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa. Vẫn còn nhiều thời gian để cứu vãn chế độ chính trị Sài Gòn, nhưng cứ mỗi ngày trôi qua, người ta càng thấy rõ là Hoa Thịnh Ðốn đã quyết định khác đi rồi.

Thế là, "Minh Lớn" bắt buộc phải đưa ra một mục đích cụ thể và có ý nghĩa để duy trì niềm hy vọng hão của ông. Chắc chắn là ông cũng có chút hy vọng khi nhận lãnh quyền hành từ tay ông Hương. Có thể ông đã giải đoán tin tức sẵn có, để biết hay để tin tưởng, bằng một phương thức nào đó, nên ông hy vọng rằng tình hình chưa đến đổi vô phương cứu chữa. Chắc là ông không nhận lãnh chức vụ tổng thống nếu như ông không tin cậy ở một điều gì hoặc ở một người nào đó. Ai có thể đem lại niềm tin đó? Chắc chắn không phải người Mỹ rồi. Người Pháp chăng? Hay là người Trung Quốc? Hoặc giả Liên Xô chăng? Hay Hà Nội? Mặt Trận Giải Phóng à? Ðương nhiên là Bà Bình, Mặt Trận Giải Phóng và "Lực Lượng Thứ Ba".

Làm sao ông lại có thể tin tưởng như thế được khi mà đoàn xe tăng dài vượt qua khỏi lực lượng Nam Việt Nam và tiến gần đến Sài Gòn? Hy vọng duy nhất của "Minh Lớn" là nối lại quan hệ hữu nghị với phía bên kia, nhưng với ai đây? Những nhà lãnh đạo cấp cao đã tìm cách thực hiện và đã thất bại. Hà Nội không còn trả lời điện thoại nữa, ngoại trừ để tán gẫu chuyện đời. Chỉ còn một vài ngày nữa là tất cả người Mỹ phải ra đi. "Minh Lớn" thấy rõ rằng điều kiện tiên quyết để cho ông có thể làm bất cứ điều gì là phải chấm dứt ngay và một cách triệt để sự hiện diện của Mỹ ở Nam Việt Nam. Vào giờ phút cuối cùng, mối quan tâm trọng đại của Hà Nội vẫn còn vì cho là Hoa Kỳ có thể sẽ bất ngờ can thiệp trở lại bằng cách nào đó.

Ðã đến thời điểm mà "Minh Lớn" có một niềm hy vọng có ý nghĩa, hữu lý, và thực tế hay không, không thành vn đề nữa. Ông là hiện thân cho niềm hy vọng của "Lực Lượng Thứ Ba", của những người khác ở Nam Việt Nam, và thậm chí của một vài viên chức ở Hoa Thịnh Ðốn và ở Pháp, là những người đã ôm ấp một mối hy vọng mơ hồ nào đó nên đã thúc đẩy "Minh Lớn" nhận lãnh quyền hành của ông Hương. "Lực Lượng Thứ Ba" sốt sắng tìm cách tạo dựng và quảng bá niềm hy vọng rất cần thiết đó. Những người phụ tá của "Minh Lớn" hối hả gắn uy hiệu mang hình hoa sen nhà Phật lên bục thuyết trình, ngay sau khi ông Hương nói đôi lời chính thức để từ chức. Một hình ảnh nói lên mối hy vọng nặng tính tượng trưng tuyệt đỉnh, và như thế, kết hợp hình thức thi ca và huyền bí. Dĩ nhiên, đem hoa sen nhà Phật làm biểu tượng chính trị là một hành động bất kính. Chẳng khác nào tự thú "nhân danh Trời Phật, con đã làm nên bao nhiêu là tội lỗi!"

Lúc nào tôi cũng tin tưởng quyết liệt ở vận mệnh. Tôi thấy những sự việc lúc bấy giờ là điển hình cho điều đó. Thực tế không thể đảo ngược đã lồng vào định mệnh và số phận đã được an bài hồi cuối tháng Tư 1975. Gần nửa thế kỷ qua, Hồ Chí Minh đã thực sự lập ra một nhóm người thuần thục. "Bác Hồ" rất chuyên cần và, dù cho sau khi ông đã qua đời hồi 1969, các môn đồ của ông cũng vẫn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Ðối với Hà Nội, "Minh Lớn" không phải là một vn đề đặc biệt mà là mối quan tâm hạng bét. Mục tiêu căn bản nhất và mong đợi từ lâu của miền Bắc trong chiến tranh ở Việt Nam là làm nhụt ý chí và quyết tâm chiến đấu của người Mỹ. Họ đã đạt được điều đó, không phải trên chiến trường, nhưng ở Quốc Hội bên Mỹ. Hồ Chí Minh đã hoàn thành một điều y như thế, hai mươi hai năm về trước, hồi 1954, với Lực Lượng Viễn Chinh Pháp tại Ba Lê, ở Ðiện Bourbon (Quốc hội Pháp). Vậy mà, khi xe tăng Bắc Việt đã đến cửa ngỏ Sài Gòn, khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không muốn chiến đấu nữa, và khi Hoa Thịnh Ðốn đã quyết tâm không khi nào can thiệp nữa, "Minh Lớn" vẫn còn cố nuôi hy vọng và cố gắng làm cho người khác hy vọng.

Hy vọng, nhưng với lý do nào và mục đích gì? Có người cho rằng ông hy vọng tránh đổ máu bằng cách tuyên bố Sài Gòn là "thành phố bỏ ngỏ" và đón nhận người Việt Nam của mọi thành phần chính trị. Như thế ai cũng vào được, không cần phải có ai mời mọc hay công bố gì hết. Với đề nghị, "tôi không bắn và anh cũng không bắn". Ðó là điều mà những người thân cận của "Minh Lớn" chủ trương. Ông không thể ra lệnh cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chận đứng đà tiến càng ngày càng nguy hiểm của quân lính Bắc Việt. Dù cho tiếng tăm và uy tín của ông trong quân đội Nam Việt Nam vẫn còn, nhiều lắm "Minh Lớn" chỉ có thể kêu gọi quân lính Sài Gòn buông vũ khí thay vì giữ vững tay súng. Ðó là điều mà người ta nghĩ rằng ông sẽ làm và có thể làm được.

Còn đề nghị chia sẻ quyền hành với phía bên kia thì sao? Ðiều đó hơi khó, nếu không phải là khôi hài. Chính phủ Sài Gòn chẳng còn thứ gì quyền thế để san sẻ, thậm chí một đồng minh cũng không, và bộ chính trị Hà Nội không có gì cần thiết để chia sẻ với Nam Việt Nam.

Ðiều có vẻ như được mong đợi là một liên minh giữa "Lực Lượng Thứ Ba" của "Minh Lớn" và Mặt Trận Giải Phóng của Bà Bình - một hy vọng quả thật là khiêm nhường. Ðúng là một hy vọng đáng thương tâm. Nhưng nghe được và đứng đắn. Thực ra, như vậy còn khá hơn đề nghị của Ngô Ðình Nhu hồi 1963 nhằm đưa Nam Việt Nam vào thế thuần phục Hồ Chí Minh trong một nước Việt Nam thống nhất và liên bang. Ý kiến của ông Nhu, cùng với thành tựu vô cùng kém cỏi của chính phủ Sài Gòn lúc bấy giờ chỉ thúc đẩy người ta lật đổ nhanh chóng ông Diệm, người anh của ông, qua một cuộc đảo chính quân sự, đúng theo truyền thống của những nước cộng hòa tí hon, nặng tính cải lương kịch trường, với chế độ chính trị bấp bênh. Cả hai ông Diệm và Nhu đều bị đại úy Nhung, một người tùy tùng thân cận nổi tiếng của "Minh Lớn", hạ sát, sau khi hai anh em đã chấp nhận đầu hàng. Người ta cho đó là vì "Súng tiểu liên chẳng may gây ra tai nạn bên trong một chiếc M-113".

Khi ông Thiệu - người đã cầm đầu cuộc tấn công vào Dinh của ông Diệm - lúc bấy giờ còn mang cấp bực đại tá, hỏi về cuộc giết hại thảm thương thì lúc đó "Minh Lớn" cho là một cuộc "tự tử bất ngờ". Dĩ nhiên là không phải dưới danh nghĩa của hoa sen nhà Phật mà dưới danh nghĩa của cánh quân sự. Nhờ công trạng đó, ông Nhung được thăng thiếu tá, và sau đó được biết là đã thắt cổ tự vận bằng dây giày trận. Dù sao, ông cũng là cái bung xung tốt để trấn an anh em nhà Kennedy, những người hết sức bực mình vì cái chết của ông Diệm.

Không giống như biến cố năm 1963, tình hình năm 1975 là một trường hợp tuyệt vọng cho Nam Việt Nam và không đặt bộ chính trị Hà Nội trước một sự chọn lựa khó khăn hay vn đề gì hết. Hoặc là một sự thất trận trá hình của Sài Gòn, hay là một chiến thắng trọn vẹn, lịch sử và vẻ vang. Lẽ đương nhiên là Bắc Việt nghiêng về sự chọn lựa thứ nhì.

Sự tiêu tan của chính phủ Sài Gòn và ảo tưởng về "hòa hợp hòa giải dân tộc" giữa Mặt Trận Giải Phóng và những lực lượng khác chống đối lại chế độ Sài Gòn lúc nào cũng là chiến lược và mục tiêu bất biến của bộ chính trị. Ðó là một khái niệm đơn giản nhưng hữu hiệu, đâm ra lại rất thành công, nhờ tất cả các vai, ở địa phương lẫn nước ngoài, đều rất thuộc tuồng. Xuyên suốt bốn năm hòa đàm Ba Lê, lập trường của Hà Nội lúc nào cũng minh bạch và đơn giản liên quan đến các chính phủ Hoa Kỳ và Sài Gòn là "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Nay đã đạt được mục đích - Mỹ đã ra đi và chính phủ Sài Gòn không còn nữa - thì hai mục tiêu "liên hiệp" và "hòa hợp hòa giải dân tộc" cũng trở thành lỗi thời. Nhưng, chẳng tốn hao gì khi để cho mọi người nghĩ rằng "Lực Lượng Thứ Ba" của Sài Gòn và Mặt Trận Giải Phóng có thể kết hợp lại trong tinh thần "hòa hợp hòa giải dân tộc".

Thế nên đối với "Minh Lớn", hy vọng như là miếng mồi cho chính cá nhân đương sự mà thôi, và cho những người nào khác muốn tin tưởng ờ niềm hy vọng đó, kể cả những ai ở Ba Lê và Hoa Thịnh Ðốn. Đại sứ của Pháp và Hoa Kỳ thực sự mong muốn đưa "Minh Lớn" vào chiếc ghế tổng thống càng nhanh càng tốt. Như vậy, niềm hy vọng to tác của "Minh Lớn" là làm thế nào để cho dân chúng tin tưởng rằng Sài Gòn có thể được cứu vãn bằng cách "hòa hợp hòa giải dân tộc", do đó giảm nhẹ được cơn sửng sốt kinh khủng của một Nam Việt Nam thất trận. Ðặc biệt là nhằm vào quân lính của Sài Gòn để đạt được mục tiêu thực tiễn là làm cho họ buông súng. Một sự khôn khéo thượng thặng theo kiểu Machiavel.

Chế độ tổng thống của "Minh Lớn" còn hy vọng gì nữa đây? Phải chăng họ hy vọng rằng với một sự can thiệp nào đó của quốc tế, họ có thể kết hợp những phe phái Nam Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Mặt Trận Giải Phóng và duy trì thực thể Nam Việt Nam dưới dạng nào đó -  dĩ nhiên là không có chính phủ Sài Gòn cũ - nhằm xoa dịu miền Bắc Việt Nam thân Liên Xô? Ý niệm đó còn khó chấp nhận hơn hòa hợp hòa giải dân tộc, nhưng nghe vĩ đại và cao thượng. Mặt Trận Giải Phóng sẽ gồm toàn là người Nam Việt Nam để làm đối trọng lại Mạc Tư Khoa. Nhiều người trong giới thân cận của "Minh Lớn" quả thật đã tin tưởng ở kế hoạch hùng tráng đó. Có thể họ cứ giả thuyết là "biết đâu được". Ngành ngoại giao quốc tế tài ba đôi khi có thể tạo ra những chuyện thần tình.

Nhiều người chắc còn nhớ là chúng ta đã làm như thế hồi 1971, và đã để lỡ mất cơ hội. Lẽ ra chúng ta phải "đánh bóng bàn" khá hơn. Dù sao đi nữa thì Nixon và Kissinger đã cố gắng hết sức, với kết quả hạn chế nhưng phấn khởi, nhằm đạt được thế liên minh kỳ lạ đó, một hành động làm cho các ủy viên bộ chính trị Hà Nội bất bình rất nhiều và thậm chí còn bối rối hơn nữa vì Mạc Tư Khoa cũng có tham gia. Ðiều làm cho họ không hài lòng là Trung Quốc và Hoa Kỳ lại từng bước bang giao và hợp tác hữu hảo với nhau.

Những năm 1971 và 1972 là giai đoạn quan trọng trong bang giao quốc tế, với Kissinger nắm quyền hành ngoại giao. Tháng Bảy 1971, Kissinger đi Bắc Kinh để chuẩn bị thượng đỉnh Trung-Mỹ. Tháng Hai 1972, Nixon mở một chuyến viếng thăm Chủ Tịch Mao rất thân thiết, kết thúc bằng việc ký kết cái gọi là Tuyên Ngôn Thượng Hải ngày 28 tháng Hai. Một cơ hội để Trung Quốc nhắc nhở Hoa Kỳ rằng hai quốc gia phải là những người bạn vô cùng thân thiết, vì kẻ thù số một của Bắc Kinh lúc nào cũng là Mạc Tư Khoa chớ không phải Hoa Kỳ.

Người ta còn nhớ tín hiệu được phát ra hồi 1953 ở Triều Tiên. Khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt, Trung Quốc còn phải đương đầu với các cuộc đấu tranh giành quyền lực và bất ổn trầm trọng, và cần nghỉ lấy hơi. Cho nên, lửa thử vàng gian nan thử bạn, một người bạn giúp mình trong lúc khó khăn mới thực sự là người bạn tốt. Richard Nixon hân hạnh ra tay đỡ đầu cho Chủ Tịch Mao làm thành viên của cái câu lạc bộ lộng lẫy và rất quyền thế được gọi là Liên Hiệp Quốc. Và nói nhanh mà thực hiện cũng nhanh.

Tháng Năm 1972, ba tháng sau khi đi thăm Bắc Kinh, Nixon đi Mạc Tư Khoa và tạo cho Liên Xô một cơ hội để vượt qua Trung Quốc, với bản tuyên ngôn chung Hoa Kỳ-Liên Xô cho biết hai siêu cường đều có thiện chí giảm thiểu căng thẳng và bắt đầu thương thuyết hữu nghị về những vn đề liên quan đến nước Ðức, an ninh Châu Âu, và các vn đề quan trọng khác. Một trong những vn đề đó là Thỏa Ước Hạn Chế Vũ Khí Chiến Lược (SALT, Strategic Arms Limitation Treaty), một thỏa ước làm cho nhiều người ngủ yên giấc hơn, dù cho mọi người vẫn còn tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân như điên, với trò chơi phổ biến là tiến hai lùi một.

Quả thật là một thời đại mới trong ngoại giao quốc tế, nhờ có chính sách "thư giãn" (détente) tuyệt vời của Hoa Kỳ. Một sự chọn lựa từ Pháp để đặt tên thật đáng tiếc vì nó có hai nghĩa, hoặc "thư giãn" hay là "cò súng" - ai chọn nghĩa nào tùy ý. Trong mật đàm tại Ba Lê, Kissinger không quên lợi dụng tình hữu nghị mới hình thành với Trung Quốc và Liên Xô để cải tiến uy tín của ông đối với Lê Ðức Thọ của bộ chính trị Hà Nội.

Bức Màn Sắt phần nào đã biến thành bức màn nhôm, trong khi đó bức Màn Tre của Bắc Việt vẫn cứ dày đặc như bao giờ. Thuyết "Tam Quốc" của Kissinger trong chính trị thế giới cuối cùng đâm ra đạt được năng suất, dễ tiến hành và vô cùng hữu hiệu. Mọi người đều đồng ý là nếu như tất cả các phe đối nghịch ngồi lại, nói chuyện với nhau và tìm thế thăng bằng trên một chiếc bàn ba chân thay vì trên cái kệ hai chân thì ít nguy hiểm và dễ hơn nhiều. Thực ra, Bắc Kinh đã có kinh nghiệm với ý niệm "Tam Quốc" này trên ba nghìn năm trước đây và đã đưa ra sử dụng trở lại năm 1953, qua một ấn bản hiện đại hóa, với vỹ tuyến 38 ở Triều Tiên. Bắc Kinh chỉ muốn Hoa Kỳ hiện diện bên cạnh họ để phòng hờ trường hợp Liên Xô tấn công.

Ðã bao năm qua, Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã tập trung khoảng một triệu quân dọc theo biên giới chung của hai nước. Lúc nào cũng thế, phải mất một thời gian lâu dài Hoa Kỳ mới biết được khả năng của những người ở Bắc Kinh. Thuyết "Tam Quốc" đâm ra khá hữu hiệu từ những năm 1950 (cũng nhờ có những nhà vật lý học hạt nhân người Mỹ gốc Tàu vì nhớ nhà nên trở về giúp Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc làm bom). Thuyết đó bây giờ hơi lỗi thời, nhưng biết đâu được. Như người Pháp hay nói, "càng nhiều thay đổi, càng y như cũ" (Plus çà change, plus c'est la même chose), nhắc nhở chúng ta rằng sự vật càng thay đổi thì càng giữ nguyên trạng.

*  *  *

Trở lại mùa xuân 1975 và hy vọng của "Lực Lượng Thứ Ba" ở Sài Gòn. Họ hy vọng rằng có thể tự cho mình đã có một thành tích chống đối lại chế độ Sài Gòn, hy vọng rằng có thể làm cho người anh em thù nghịch thấy rằng "Lực Lượng Thứ Ba" chưa bao giờ chống cộng và sẽ vui sướng sinh sống mãi mãi sau này với Mặt Trận Giải Phóng và Hà Nội. Hòa hợp hòa giải dân tộc sẽ gỡ được thể diện và trong nước lẫn ngoại quốc đều có thể chấp nhận. Thế là, vn đề đời sống xã hội đã xong. "Không theo ta là kẻ thù của ta".

Giờ thì không còn thì giờ, chẳng cần gì nữa hết, ngoại trừ sự kiện rõ rành rành, không thể chối cãi được là những đoàn xe tăng xả hết tốc lực chạy xuống phía Nam, một vài chiếc đã đến cửa ngỏ của Sài Gòn. Xe tăng đó sẽ vào thành phố trong khi người ta chưa kịp thấu hiểu một cách đúng đắn mấy chữ "hòa hợp hòa giải dân tộc". Giờ của sự thật và của lịch sử đã điểm - chỉ có Lực Lượng Thứ Nhất đang tiến lên mà thôi. Không cần đến Lực Lượng Thứ Hai, Thứ Ba hay bất kỳ lực lượng nào khác nữa.

Số phận lúc nào cũng được quyết định trên chiến trường, chớ không khi nào ở bàn hội nghị. Thương thuyết và thỏa hiệp chỉ nói lên thực tế và chỉ được sử dụng để ký kết đầu hàng hay chiến thắng. Ngoài ra, cũng chỉ là những lời trình bày thiện ý khơi khơi. Thương thuyết liên hệ đến những sự kiện đích thực, không phải đến những điều hy vọng. Thỏa hiệp quốc tế chỉ có giá trị khi nào nó phù hợp với thực tế, có nghĩa là phù hợp với cán cân lực lượng hay tương quan lực lượng. Buồn thay, Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 đầy ấp những thiện ý và hy vọng thay vì sự kiện.

Hòa hợp hòa giải dân tộc và quyền tự quyết có thể là điều gì đó trên cõi đời này, và đã được ghi vào Hiệp Ðịnh Ba Lê. Không một ai có thể bác bỏ giá trị của nguyên tắc căn bản về tình anh em, về tự do và về dân chủ. Khi chẳng còn có thể nói gì được nữa, ai cũng có thể tuyên bố, "Tôi yêu thương bạn rất nhiều và lúc nào cũng tôn trọng ý muốn của bạn như bạn tôn trọng ý muốn của tôi".

Ở hội nghị La Celle Saint Cloud giữa hai bên miền Nam Việt Nam, hòa hợp hòa giải dân tộc và quyền tự quyết là mối quan tâm chính của tôi trên hai năm trời. Tình anh em, như bất cứ tình yêu nào, khó mà giãi bày qua ngôn ngữ cụ thể và qua hành động. Ý nghĩa của hòa hợp hòa giải dân tộc và quyền tự quyết có thể trải rộng từ sự đại diện theo tỷ lệ trong ngành lập pháp đến việc phân chia quyền hành trong ngành hành pháp của một chính phủ liên hiệp. Như vậy phải mất nhiều năm các chính đảng mới thực hiện được các cuộc bầu cử tự do và dân chủ. Hy vọng về hòa hợp hòa giải dân tộc và quyền tự quyết không mấy sáng sủa, nhưng lại là những đề tài hấp dẫn, thảo luận mãi không thôi.

Khi xe tăng Bắc Việt đến vùng ngoại ô Sài Gòn, người ta có thể hy vọng là ít ra sẽ có một lễ đầu hàng trang trọng, với bút để ký tên, với những bảo đảm và giám sát quốc tế và sự hiện diện của đại diện siêu cường. Có người có thể cũng hy vọng được coi như tù binh chiến tranh theo quy chế Thỏa Ước Genève. Tuy nhiên, hy vọng đó thực ra có vẻ khó thành hiện thực. Ðáng lý ra điều đó phải được đặt dưới sự bảo hộ của Ân Xá Quốc Tế và Ủy Ban Quốc Tế Hồng Thập Tự, thay vì giữa người Việt với nhau.

Chúng tôi đã là những người "phản bội Tổ Quốc" trên một trăm năm dưới chế độ thực dân Pháp và trước đó nữa, "bù nhìn" của xâm lược Tàu trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất. Phía bên kia cứ lập đi lập lại nhiều lần với chúng tôi như thế. Cho nên, bất cứ hy vọng nào để được coi là tù binh chiến tranh dưới Thỏa Ước Genève đều trở nên lố bịch. Chúng tôi tha hồ muốn tự cho mình là gì cũng được - chiến sĩ đấu tranh cho tự do, người bảo vệ dân chủ, nhân công của nền kinh tế thần diệu, giới ưu tú của nhân loại - nhưng không được tự cho là tù binh chiến tranh. Chúng tôi chỉ là những người "phản bội Tổ Quốc". Hy vọng duy nhất còn lại cho nhân dân và đất nước chúng tôi là đoàn kết lại như là một gia đình. Có thể hy vọng đầu hàng như anh em, như họ hàng, như chú bác, nhưng đòi được quy chế quốc tế về tù binh chiến tranh giữa thân thuộc với nhau là khôi hài và buồn cười đối với cả hai bên.

Dĩ nhiên, ít ra cũng hy vọng có được điều "mong ước sau cùng", nếu muốn - đó là hy vọng khỏi bị hành quyết. Bất hạnh thay, đây là vn đề giữa mỗi người và lương tâm của mình. Ở đây chẳng ai giúp đỡ được chúng ta. Không ai lại đem hàng triệu tên "bù nhìn" đi hành quyết, nhưng mỗi ngày đều có người bị đem hành quyết trên khắp thế giới. Hy vọng nhỏ nhoi mà lại nhiều đau khổ. Danh sách có thể kéo dài vô tận. Ai ai cũng có thể hy vọng một điều gì đó, tốt hoặc xấu, vô lý hay có lý, cho chính mình hoặc cho người khác, hay cho mọi người. Muốn cho hy vọng xuất hiện và có giá trị, "Minh Lớn" phải làm cho niềm "hy vọng để mà hy vọng" của ông mang một mục đích, có ý nghĩa, hợp lý và có tính thực tế, hay thậm chí có vẻ là như thế. Một trường hợp khó xử cho ông. Ông tự ép buộc mình phải hy vọng mà thiếu những yếu tố đó.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một thảm kịch cho nhiều người dưới nhiều hình thức, nhưng đó cũng là một cuộc chiến lạ lùng. Loại chiến tranh đó, nhân dân Mỹ và các tổng thống của họ mới gặp lần đầu. Trong sách vở của West Point hay Wall Street không có một điều gì để giúp cho Lyndon B. Johnson biết rằng ông phải đương đầu với loại an ninh nào của Hoa Kỳ. LBJ thực tình nghĩ rằng ông hành động vì quyền lợi của nhân dân Mỹ và công việc cụ thể của ông ở Nam Việt Nam là chặn đứng sự bành trướng của cộng sản quốc tế, mà những tay chuyên viên của ông coi như là đồng nghĩa với chiến tranh du kích. LBJ phải mất nhiều thời gian và tiền bạc mới hiểu ra là không đơn giản như thế đâu. Nếu như quan niệm của LBJ không lồng trong một Ðại Xã Hội (Great Society) rất giàu có và hùng mạnh về quân sự thì có thể đã mất ít thời gian hơn và ít tốn tiền của người nộp thuế hơn mới rút tỉa được kinh nghiệm.

Vâng, Hoa Thịnh Ðốn coi chiến tranh như là một cuộc chiến đấu chống lại sự bành trướng của cộng sản quốc tế, nhưng các bộ óc thông minh nhất trong Văn Phòng Hình Bầu Dục không biết đến một nhân tố căn bản và có tính quyết định nhất. Là sự lây lan của cộng sản được pha trộn một cách khéo léo cùng với đà vùng lên dữ dội của chủ nghĩa quốc gia trong bối cảnh giải thể chủ nghĩa thực dân trên khắp thế giới, đòi hỏi chấm dứt sự có mặt, sự thống trị và sự đô hộ của ngoại bang và đòi phục hồi độc lập và chủ quyền. Những điều này không có liên hệ gì với súng ống cả. Cuộc đấu tranh giành độc lập của "Bác Hồ" không có lý lẽ gì để tồn tại nếu không được cộng sản quốc tế ủng hộ chống lại Ba Lê trước kia và sau này chống lại Hoa Thịnh Ðốn. Hồ Chí Minh chẳng còn cách nào chọn lựa khác hơn là đặt cộng sản quốc tế ngang hàng với chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam. Tổng Thống Eisenhower đã thấy rõ điều đó nên đã khuyến cáo đồng minh Ba Lê của mình là nên bỏ kiểu chiến tranh thuộc địa lỗi thời ở Ðông Dương đi và thay thế bằng một chiến tranh chống cộng sản quốc tế, vì tự do và dân chủ. Nói thì dễ nhưng khó làm.

Ba Lê hoàn toàn khánh tận và đuối sức. Làm thế nào người ta có thể đòi hỏi một tên thực dân có vẻ xấu xa trước kia bỗng dưng trở thành một chàng hiệp sĩ rạng rỡ, chễm chệ trên lưng một con ngựa trắng được? Thế nên, sau này có vẻ hơi bất công khi Richard Nixon than phiền rằng Chiến Tranh Việt Nam là con đẻ của John F. Kennedy và Ðảng Dân Chủ phải có trách nhiệm cứu vãn danh dự của Hoa Kỳ. Richard Nixon đã cố gắng và có phần nào thành công trong việc cố gắng hết sức mình để cứu vãn danh dự Mỹ cho đến giây phút cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống.

*  *  *

Thực tế mà nói thì với tất cả sự giúp đỡ của Tổng Thống Eisenhower, phải nhìn nhận rằng Tổng Thống Diệm mở màn toàn bộ công trình với một thế bất lợi trầm trọng là chủ nghĩa quốc gia Việt Nam bị cho là ngang hàng với sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam và  Nam Việt Nam trở thành Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do. Một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không phải là bất khả thi, so với nhiệm vụ của "Bác Hồ". Một nhiệm vụ dễ dàng hơn nhiều nếu phải giải thích cho những người tầm thường ngoài đường phố Sài Gòn và dân nghèo ở nông thôn Việt Nam biết thế nào là một "người yêu nước", với bổn phận thiêng liêng phải chống lại bất kỳ sự thống trị nào của ngoại bang và sự hiện diện của họ trên lãnh thổ quốc gia. Thật là quá dễ đối với "Bác Hồ" khi gắn liền việc phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa cộng sản và truyền bá đường lối Mác-Lê cho đó là phương cách tốt nhất để chống lại người giàu có và thế lực, để bảo vệ lợi ích chính đáng của người nghèo khổ và bị áp bức. Ông có thể suy luận một cách đơn giản để chứng minh rằng Cộng Sản Việt Nam là hiện thân của người Việt Nam yêu nước chân chính và của người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc đích thực. Làm sao có thể thuyết phục để cho thiên hạ chấp nhận rằng người giàu có, sung túc lại đi bảo vệ lợi ích của kẻ nghèo được? Ðòi hỏi người nghèo khó khốn khổ đấu tranh cho nếp sống của bọn nhà giàu thì cũng là chuyện khôi hài.

Cũng như nhiều người ở Nam Việt Nam, tôi thấy bối rối vì những khía cạnh khác của cuộc xung đột. Ðó là tính khủng khiếp và tính hung bạo mù quáng của nó. Một khi sấm sét của chiến tranh đã giáng xuống, bên này bắt đầu đổ trách nhiệm cho bên kia mở đầu cuộc chiến đẫm máu. Dứt khoát là trong đầu của nhiều người khác cũng lẫn lộn và khó xử như thế, theo nhận xét của tôi lúc bấy giờ. Một cuộc chiến tranh dữ dội và đẫm máu đang diễn ra. Ai cũng muốn thấy chiến tranh chấm dứt càng nhanh càng tốt, nhưng không ai biết làm cách nào để kết thúc. Giống như mọi người khác, tôi rất mong muốn sự tàn bạo, chết chóc và tàn phá kia sớm chấm dứt. Nhưng bằng cách nào đây? Bằng cách nào? LBJ có thể đã tự đặt cho ông câu hỏi như thế hàng triệu lần, không biết phải làm gì với quân lính của ông ở Nam Việt Nam, ngoại trừ tiếp tục tiến trình leo thang.

Lúc bấy giờ là mùa xuân năm 1975, tôi không làm sao quên được cuộc thảo luận thẳng thắn, vào một buổi tối năm 1968, về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Hồi đó ở Sài Gòn, trong một bữa ăn tối tại tư gia của ông Soo Young Lee, đại sứ Nam Triều Tiên, về sau làm đại sứ của Cộng Hòa Triều Tiên tại Ba Lê. Ông và tôi đang nói chuyện phiếm với Tướng William C. Westmoreland, lúc bấy giờ là tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Tôi nhắc lại lời Tổng Thống Park của Triều Tiên đã nói cùng chúng tôi tại Thượng Ðỉnh Manila năm 1966:"Khi đi đánh giặc thì phải thắng chớ không phải để thua".

Thế là Ðại Sứ Lee, một cựu tướng lãnh không quân, nói đùa, "Ðúng rồi, cũng giống như đá bóng chỉ ở trên nửa sân phía bên mình!", thì làm sao mà thắng được.

Tướng Westmoreland không bình luận gì về nhận xét của chúng tôi nhưng chỉ nhoẻn miệng cười, một trong những cái cười phóng khoáng và giòn tan trứ danh của ông. Nếu tôi không lầm thì bữa ăn là để tiễn Westy (tên gọi thâm mật của Westmoreland). Cho nên, trong chiến lược "không-thắng, chẳng-thua", Hoa Kỳ đã có lần ném bom đến tận vỹ tuyến thứ hai mươi, cài mìn Cảng Hải Phòng và không kích Hà Nội mười hai ngày đêm vào dịp Giáng Sinh 1972. Như vậy để được gì? Phá vỡ các tuyến tiếp tế chăng? Ðe dọa leo thang chăng? Một tác động tâm lý đối với địch à? Trên nguyên tắc, có phải là một phản ứng từng bước, hạn chế, cân xứng trong thế tự vệ chống lại xâm lược không?

*  *  *

Một tuần lễ sau trận ném bom xao động dư luận nhân dịp Giáng Sinh 1972 đánh xuống Hà Nội, Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ thương thuyết trở lại ở Ba Lê. Lúc đó, Tổng Thống Nixon tuyên bố rằng đó là "một cuộc đầu hàng kỳ lạ của địch đối với những điều kiện của chúng ta". Thế thì, Hoa Kỳ ném bom Hà Nội là để tác động tâm lý, không phải Cộng Sản Bắc Việt, mà là dành cho Quốc Hội và nhân dân Mỹ. Như thế có phải là mục đích mâu thuẩn lại thực tế, và hy vọng tùy theo mục đích không? Nếu không phải ngay trong lúc đó thì khi nhìn lại người ta thấy rằng không phải hy vọng chiến thắng mà hy vọng đừng thua, hay đúng hơn là hy vọng thoát khỏi tình trạng hỗn độn kinh khủng trong vinh dự bằng mọi giá. Trời Ðất lại đảo ngược nữa rồi!

Tất cả chúng ta có thể biết ơn Tổng Thống Richard Nixon, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Henry Kissinger và Ðô Ðốc Thomas H. Moorer, Chủ Tịch Tham Mưu Trưởng Liên Quân, qua việc thu ngắn chiến tranh Mỹ ở Việt Nam một cách đáng kể với trận ném bom nhân dịp lễ Giáng Sinh 1972 xuống Hà Nội. Cuộc chiến tranh dài nhất (dù cho không công bố) trong lịch sử Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ nên đổi tên thành "Chiến Tranh duy nhất của Mỹ ở Việt Nam". Như thế may ra có thể làm cho dân chúng quên đi một cách nhanh chóng hơn giai đoạn buồn phiền và khủng khiếp trong lịch sử Hoa Kỳ.

*  *  *

Dĩ nhiên là hồi mùa xuân năm 1975, người ta không thể tin rằng, với bộ máy chiến tranh ghê gớm, chính phủ Mỹ, một đồng minh của chế độ Sài Gòn, một quốc gia lãnh đạo thế giới tự do, lại có thể để cho quân cộng sản của Bắc Việt tiến đến cửa ngỏ Sài Gòn. Ngay khi mọi người thấy rằng Hoa Kỳ đã đưa lực lượng của họ ra khỏi Việt Nam thì dường như lý do tồn tại của chính phủ Sài Gòn cũng tan biến. Thì ra là như thế. Vì tình hình thực tế, vì không thể trông thấy một kết quả đáng giá, vì không có một lý lẽ hay mục đích nào để tiếp tục chém giết nhau nữa, nên không còn cách gì để cho Nam Việt Nam hy vọng được nữa, như họ đã được người lãnh đạo Thế Giới Tự Do dạy bảo cho trong hai thập niên qua. Ðã có một Nam Việt Nam với Hoa Kỳ. Không có Hoa Kỳ thì không còn Nam Việt Nam nữa. Nhưng, có phải thực sự người ta đã đánh mất mục đích ở Hoa Thịnh Ðốn không?

Trong vòng hai thập niên, chính sách Mỹ về chiến tranh Việt Nam có mục đích đầy đủ ý nghĩa. Thế nhưng, mục đích đầy đủ ý nghĩa đó đã bị bỏ rơi vì đã trở thành hết sức vô lý, phi lý, bất hợp lý và vô ý nghĩa do chỗ chi tiêu một cách điên rồ, do tàn phá khủng khiếp, do con số tử thương không thể tưởng tượng và đau khổ không kể xiết mà mọi bên phải gánh chịu trong chiến dịch của Mỹ để mưu tìm tự do và dân chủ ở Việt Nam. Thật ra và cuối cùng, chính nhân dân Mỹ, chứ không phải năm tổng thống Hoa Kỳ có liên hệ đến chiến tranh Việt Nam, đã chịu trách nhiệm về vụ đánh mất mục đích có ý nghĩa.

Còn đối với các nhà lãnh đạo và chính khách của Sài Gòn thì khả năng hy vọng của con người đã bị giảm xuống còn có thành tố tương phản cơ bản là hy vọng sống còn hay đương đầu với định mệnh, dù cho phải hy vọng khơi khơi. Trong trường hợp này thì chẳng có bao nhiêu là hy vọng. Hy vọng phải cao hơn sự thôi thúc để sống còn một cách tự nhiên và theo bản năng. Sống còn là có ý nghĩa, nhưng chỉ một mình ý niệm sống còn không thôi không thể là một mục đích có ý nghĩa để hy vọng. Mặt khác, "hy vọng khơi khơi" chẳng đem lại ý nghĩa hay mục đích gì để hy vọng một điều gì đó, mà chỉ làm cho người ta "hy vọng để mà hy vọng", một cách mơ hồ, không có chút gì hợp lý. Muốn hy vọng cần phải có lý do. Hoa Thịnh Ðốn đã cho Sài Gòn có lý do để hy vọng trong hai mươi năm, nhưng không thể làm cho nhân dân Mỹ có một lý do nào để duy trì tự do dân chủ ở Nam Việt Nam nữa, khi người Mỹ chịu thuế phải trả một cái giá quá cao về tiền bạc và nhân mạng. Giống như mọi chuyện ở đời, lý tưởng tự do dân chủ cũng có cái giá của nó. Và hy vọng cũng phải có cái giá của nó về mặt lý do.

 *  *  *

(Kỳ tới: Hòa đàm Ba Lê)

Phan Quân
(Trích dịch)

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.