Hope
and Vanquished Reality -
Nguyễn
Xuân Phong
8.
Thượng đỉnh Manila
7.
"Nội các chiến
tranh" và tôi
6.
"Du học"
miền Bắc
5.
Học với Tập
4.
Hòa đàm Ba lê
3.
"Mỹ
cút, Nguỵ nhào"
2.
Bốn Mươi Tám Giờ
1.
Một thành phố tan hàng
8. Thượng đỉnh
Manila 1966
Trước khi vào chuyện.-
Sau khi làm Ủy Viên Lao Ðộng khoảng một năm,
ông
Phong được bổ nhiệm vào chức vụ Ủy Viên, Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Hành
Pháp Trung Ương, tương đương với bộ
trưởng
phủ thủ tướng.
* * *
Đôi lời về Thượng Đỉnh Manila.-
Đáp ứng lời mời của Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand E. Marcos –
sau khi đã hội ý với những nước liên hệ - nguyên thủ của bảy quốc
gia Châu Á Thái Bình Dương đã đồng ý họp thượng đỉnh tại Manila vào
hai ngày 24 và 25 tháng Mười năm 1966, để thẩm định về cuộc chiến ở
Nam Việt Nam và duyệt xét lại những ý định của họ trong vùng Châu Á
Thái Bình Dương. Thành phần tham dự gồm có:
1.- Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand E. Marcos;
2.- Tổng thống Đại Hàn, Park Chung Hee;
3.- Tổng thống Hoa Kỳ, Lyndon B. Johnson;
4.- Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo VNCH, Nguyễn Văn Thiệu;
5.- Thủ tướng Úc Châu, Harold Holt;
6.- Thủ tướng Tân Tây Lan, Keith Holyoake;
7.- Thủ tướng Thái Lan, Thanom Kittikachorn;
8.- Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương VNCH, Nguyễn Cao Kỳ.
Tất cả các quốc gia trên đây đều có quân tham chiến tại Việt Nam.
* * *
Khi
được bổ nhiệm vào chức vụ Ủy Viên Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp
Trung Ương hồi năm 1966, tôi mới bắt đầu hiểu được những gì đang
diễn ra trong
chính phủ Sài Gòn.
Một lần nữa, tôi lại may mắn gặp được một vị công chức khác, cũng do
Tây đào tạo,
ông
Trần Ngọc Giàu, một người bạn cũ khác của ba tôi, coi tôi như con
cháu.
Nhiệm vụ mới của tôi cũng đơn giản là theo dõi văn thư đến và đi, để
phối hợp các bộ trong
chính phủ
và chuẩn bị tài liệu cùng với những yếu tố để quyết định, trình lên
thủ tướng, có kèm bản tóm lược
vấn
đề
và ý kiến đề nghị. Tôi cũng được giao phó công tác điều phối chương
trình tiếp khách của thủ tướng, tổ chức các phiên họp liên bộ, tiếp
những khách ngoại quốc nào mà không ai chịu tiếp và tham dự những
sinh hoạt xã hội vô thưởng vô phạt.
Tôi chẳng có gì nhiều để làm nên tôi có thì giờ để suy ngẫm thêm đôi
chút về diễn biến của cuộc chiến và những bí ẩn giữa
Hoa Thịnh Ðốn
và
Sài Gòn.
Ðồng thời cũng là một thời kỳ mà tôi bắt đầu khám phá ra cái thế
giới tương phản giữa huyền thoại và thực tế, hiểu được cái ý niệm
chủ quan và khách quan, được coi như là đã tạo nên những sự kiện
thực tế của cuộc sống, nhưng phần lớn chỉ là sản phẩm xuất phát từ
óc tưởng tượng của con người. Tôi bắt đầu nghĩ đến chiều hướng biến
thiên của lịch sử đang bao trùm lấy tôi, và nói theo cách nói của
người Anh quốc, như một câu chuyện huyền thoại về hai thành phố, cụ
thể là của
Sài Gòn
và
Hoa Thịnh Ðốn.
 Trong
thời kỳ làm Ủy Viên Phủ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, việc
đáng kể nhất mà tôi có dự phần là công vụ đi Manila vào cuối tháng
Mười 1966. Tôi thuộc thành phần của phái đoàn tiền phong, có nhiệm
vụ hoàn thành việc chuẩn bị thượng đỉnh bảy quốc gia bàn về Việt
Nam, do Ferdinand Marcos,
Tổng Thống
Phi Luật Tân, chủ trì và khách mời danh dự là
Tổng Thống
Lyndon Baines Johnson (LBJ) của
Hoa Kỳ.
Ðó là một thượng đỉnh mang tính lịch sử của những niềm
hy vọng chưa từng có bao giờ. Ðó là thời điểm leo thang quân sự,
nhưng cũng là lúc mở màn cho chính sách giải kết của Hoa Kỳ để ra
khỏi chiến tranh Việt Nam. Tổng Thống Johnson điều chỉnh kịch bản
cho phù hợp với tinh thần của chương trình "củ cà rốt và cây gậy",
qua lời lẽ như:
"Xâm lược không được thắng, nhưng hãy ngưng đánh nhau để tạo dựng
một chương trình tái thiết vĩ đại cho cả Bắc lẫn Nam Việt Nam, do
viện trợ Hoa Kỳ đài thọ". Ngay từ năm 1965, qua lời tuyên bố ở
Baltimore ngày 7 tháng Tư, LBJ đã đưa ra "củ cà rốt" nhằm viện trợ
một tỷ Mỹ kim cho các nước Ðông Nam Á, kể cả Bắc Việt. Ông cũng
không quên cho biết là muốn thương thuyết vô điều kiện với Hà Nội để
chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Tại thượng đỉnh Manila, ông nói rõ
hơn bằng cách đề nghị rút toàn bộ quân lính Hoa Kỳ ra khỏi Nam Việt
Nam trong vòng sáu tháng, ngay khi Hà Nội chấm dứt xâm lược vũ trang
chống lại chính phủ Sài Gòn. Dĩ nhiên là "Bác Hồ" hoàn toàn không
làm sao giải thích được một giải pháp như thế cho nhân dân miền Bắc
và nhân dân thế giới. "Bác Hồ" khó chấp nhận lý lẽ đơn giản của LBJ
là để cho Mỹ rút quân lính về mà không cần phải đánh họ. Trái lại,
lập luận đó phải đợi đến Tổng Thống Nixon mới thực thi được, để bắt
đầu đưa quân lính về hồi năm 1969, thế nhưng "Bác Hồ" cũng không
ngưng chiến tranh. Tổng Thống Johnson không còn có cách nào khác hơn
là theo đuổi chương trình "súng và bơ" mãi cho đến cuối nhiệm kỳ của
ông hồi tháng Giêng 1969. Ông cũng được an ủi là có hy vọng đem lại
điều tốt cho mọi người - người Việt Nam và người Mỹ - và làm cho
toàn thế giới được văn minh và tiến bộ hơn.
Ngay từ đầu thập niên 1960, với tư cách là phó tổng thống, LBJ đã
hăng say chủ trương thực hiện một chương trình phát triển đại quy mô
vùng châu thổ sông Cửu Long của Nam Việt Nam. Rủi thay, niềm hăng
say nồng nhiệt và "củ cà rốt" vĩ đại đó đã bị bỏ dở. Nếu như LBJ đã
có khả năng thực hiện chương trình đó thì phần số và định mệnh của
cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ có thể hoàn toàn khác hẳn.
* * *
Nhiệm vụ viết bài diễn văn cho Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ
Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, cuối cùng lại lọt vào tay tôi. Một
công việc cấp bách mà lại giao cho tôi chỉ có vài giờ trước khi lễ
khai mạc bắt đầu. Vào khoảng hai giờ sáng, tôi thấy ông Thiệu vẫn
còn đang chuẩn bị bài diễn văn tại phòng của ông ở khách sạn Manila,
nơi tạm trú của các phái đoàn. Sở dĩ tôi đến gặp ông Thiệu vào lúc
đó là vì tôi có nhiệm vụ phải báo cáo cho ông về việc làm của phái
đoàn tiền phong tại thượng đỉnh. Thế là, ông yêu cầu tôi xem qua bài
diễn văn, mà tôi chưa được đọc. Bài diễn văn này đã được các phụ tá
của ông soạn thảo, dưới hình thức của một bài phát biểu rất kêu, nói
lên quyết tâm bất biến của Sài Gòn là tiếp tục chiến đấu. Một bài
diễn văn hoàn toàn lạc đề đối với một thượng đỉnh cho ước vọng hòa
bình và tôi thưa thẳng với ông như thế. Ông Thiệu rất khó chịu với
nhận xét của tôi. Ông nổi giận ném bản thảo cho tôi rồi bảo tôi sửa
lại. Tôi nhanh chóng thảo bài diễn văn khác, chỉ đọc trong khoảng
mười phút thay vì ba mươi của bài cũ.
 Vào
năm giờ sáng, Ðại Sứ của Sài Gòn tại Manila, ông Phạm Ðăng Lâm, bị
dựng dậy để nhận lãnh nhiệm vụ khó khăn là phải làm sao đưa in bài
diễn văn mới cho kịp giờ. Philip Habib hay tin có bài diễn văn mới
nên rất muốn có một bản. Mỹ mà không biết trước được những gì người
cầm đầu của Việt Nam Cộng Hòa sắp tuyên bố công khai trước thượng
đỉnh là điều tuyệt đối không thể chấp nhận. Ông Thiệu và mọi người
khác, kể cả Philip Habib, chỉ đọc được bài diễn văn mới vào lúc tám
giờ sáng, một giờ trước khi Tổng Thống Marcos tuyên bố khai mạc
thượng đỉnh và nhường bục đọc diễn văn lại cho ông Thiệu. Bài diễn
văn của ông Thiệu mở đầu bằng câu "Chúng tôi muốn có hòa bình".
Câu này đã làm cho toàn thể cử tọa của phiên họp quốc tế lập tức
đứng lên vỗ tay tán thưởng ông Thiệu khá lâu. Không biết thiên hạ có
hiểu một cách chính xác ông Thiệu muốn nói gì qua câu nói đó hay
không, nhưng mọi người đều hài lòng. LBJ có vẻ hoan hỉ hơn ai hết
với câu tuyên bố rất mong đợi đó. Nhưng, cá nhân tôi thật tình mong
muốn như thế khi thảo ra câu đó và hết sức ước muốn chiến tranh chấm
dứt.
Trong khi ông Thiệu tìm mọi cách chứng minh rằng chế độ Sài Gòn có
khả năng đứng vững, cả về quân sự lẫn chính trị, thì dứt khoát Hoa
Kỳ đã không còn kiên nhẫn và cuối cùng đã quyết định tìm phương thức
để kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng. Chiến lược của LBJ là
chọn phương thức đưa quân bộ chiến Hoa Kỳ can thiệp ồ ạt ở Nam Việt
Nam. Nhưng, ông vẫn chưa hiểu loại chiến tranh mà ông phải đương
đầu. Hàng trăm nghìn lính Mỹ đã được đưa vào Nam Việt Nam, nhưng
tình hình cứ trở nên tồi tệ hơn. Thế giới gần như mệt mỏi với chuyện
đánh nhau nên đã chuyển hy vọng từ chiến trường sang bàn hội nghị.
Người ta hy vọng với một mục đích chung là giải pháp hòa bình, nhưng
lại là một niềm hy vọng thiếu mất ý nghĩa và lý do để cho các phe
liên hệ có thể chấp nhận. Ai cũng hy vọng có hòa bình, nhưng không
một người nào biết cách để đạt được. LBJ khuyến cáo chúng tôi đừng
làm cho Thượng Ðỉnh Manila biến thành một phiên hội họp để bàn về
chiến tranh và nhấn mạnh rằng nên coi ông như là một thành viên bé
nhỏ nhất trong cuộc họp cấp cao của bảy nước, có thể nói là người
cuối cùng trong "bảy hiệp sĩ Samurai".
 Rõ
ràng là LBJ hy vọng sao cho thế giới - và một lần nữa Hà Nội - biết
rằng ông muốn có một giải pháp thương thuyết cho cuộc xung đột dễ sợ
đó. Hồi 1965, Tổng Thống Johnson đã tìm cách thuyết phục Hà Nội hội
đàm, nhưng thực ra ông nghĩ rằng Hồ Chí Minh không muốn điều gì khác
hơn là một sự chiến bại của Mỹ ở Việt Nam. Hồ Chí Minh và bộ chính
trị sẵn sàng tìm phương thức theo đường lối bí mật riêng của họ để
mở hướng hội đàm riêng rẽ với Hoa Thịnh Ðốn, nhưng cũng quả quyết
tin rằng LBJ chẳng khi nào chấp nhận một giải pháp, theo đó chế độ
chính trị Sài Gòn sẽ không còn được Mỹ hậu thuẫn qua sự hiện diện
của quân lính Mỹ và việc can thiệp quân sự. Một cuộc đối thoại giữa
những người điếc.
Ở Thượng Ðỉnh Manila, hai ông Thiệu và Kỳ có rất nhiều hy vọng củng
cố địa vị cá nhân và thuyết phục cho các quốc gia đồng minh thấy
rằng Nam Việt Nam vẫn còn vững vàng để đóng vai trò Tiền Ðồn Thế
Giới Tự Do ở miền Viễn Ðông, và vẫn còn xứng đáng để cho Hoa Kỳ
chiến đấu và chi viện, hầu bảo vệ thanh thế và làm cho thiên hạ tin
tưởng. Thì chẳng phải chính sách đối ngoại Hoa Kỳ, trên căn bản, coi
số phận của cả Ðông Nam Á tùy thuộc vào sự sống còn của một Nam Việt
Nam chống cộng đó sao? Cảm tưởng chung của các quốc gia gọi là đồng
minh vẫn tiếp tục hy vọng một cách mơ hồ rằng Hoa Kỳ có thể chấm dứt
can thiệp ồ ạt bằng quân sự mà chế độ Sài Gòn vẫn cứ tồn tại như thế
nào đó. Thế thì, thực sự liệu có hy vọng gì cho một giải pháp thương
lượng hay không?
* * *
Tôi cầm đầu phái đoàn Việt Nam để, cùng với Mỹ, soạn thảo bản thông
cáo chung. William Bundy cầm đầu phái đoàn Mỹ, gồm có nhiều nhân vật
liên hệ đến Việt Nam trước kia. Trong ủy ban soạn thảo còn có phái
đoàn của các quốc gia có quân ở Nam Việt Nam, như Úc, Tân Tây Lan,
Nam Triều Tiên và Thái Lan. Phiên họp làm việc diễn ra tại dinh tổng
thống, Ðiện Malacañang, dưới quyền chủ tọa của Thứ Trưởng Ngoại Giao
Phi Luật Tân, ông Ingles. Chúng tôi bắt đầu làm việc vào khoảng sáu
giờ chiều, và đến mười một giờ đêm, chúng tôi mất đi nửa tiếng vì
cuộc tranh luận hăng say của hai phái đoàn Mỹ và Nam Triều Tiên.
Thật là bối rối vì bạn bè chúng tôi lại tranh chấp nhau vì quyền lợi
của Việt Nam.
 Cuộc
tranh luận xảy ra khi ủy ban soạn thảo đề cập đến
vấn
đề
thương thuyết với phía bên kia. Phái đoàn Triều Tiên nhất định là họ
và các đồng minh khác của chính phủ Sài Gòn phải có mặt trong bất cứ
cuộc hòa đàm nào. Phái đoàn Mỹ lập luận cho rằng chuyện đó phải là
một
vấn
đề
giữa người Việt Nam với nhau (tất cả chúng tôi có được cảm tưởng là
tuy Bundy nói như vậy một cách rất nghiêm túc, nhưng lại không gì
thành thật lắm!)
Khi thấy có vẻ như cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều không chịu nhượng bộ
chút nào hết, tôi đề nghị tạm ngưng một lúc để xả hơi. Trong thời
gian tạm nghỉ, một nhân viên phái đoàn Triều Tiên đột nhiên yêu cầu
tôi đến gặp trưởng phái đoàn của ông. Ông này cấp thời tỏ ý tiếc là
đã phải tranh luận gay cấn với phái đoàn Mỹ. Ông ta cho biết đã nhận
chỉ thị nghiêm ngặt của tổng thống Triều Tiên liên quan đến điểm đã
tranh luận, vì họ đã trải qua một trường hợp tương tự với Hoa Kỳ vào
thập niên 1950. Ông cảnh giác là nếu như hòa đàm có xảy ra, Sài Gòn
sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với phía bên kia, rồi Sài Gòn chẳng
nói năng gì được trong khi thương thuyết, rồi cuối cùng chỉ phải
chấp nhận và tuân hành. Dĩ nhiên, tôi chân tình cám ơn ông đã có lời
khuyên và nói rằng ai cũng biết "Người Anh Cả" của chúng ta nổi
tiếng là có thói quen cứ làm theo ý mình. Chúng tôi biết ơn những
người bạn Triều Tiên đã can thiệp hộ chúng tôi về yếu tố then chốt
đó, nhưng chúng tôi cũng có bổn phận phải làm mọi cách để bảo vệ
quyền lợi của chính mình và phải hết sức chú ý về việc Hoa Kỳ sẵn
sàng làm bất cứ gì cần phải làm để bảo vệ quyền lợi thiết thân của
họ.
Khi ủy ban họp trở lại, tôi đề nghị đưa vào thông cáo chung một câu
nói rõ ràng là, nếu Hà Nội chịu ngồi vào bàn hội nghị, Sài Gòn cũng
sẵn sàng tham dự, sau khi tham khảo rộng rãi các đồng minh của mình.
Như vậy cũng đủ để đem hy vọng lại cho những người đọc bản thông cáo
chung của Thượng Ðỉnh Manila.
* * *

Tổng
Thống Johnson có vẻ rất hài lòng với thượng đỉnh. Tôi có nhiều dịp
để cùng cười vui với ông trong dạ tiệc Fiesta Barrio do Tổng Thống
Marcos khoản đãi, khi kết thúc kỳ họp cấp cao. Ông rất vui vẻ và
thân mật. Một lúc sau, tôi được nhân viên phái đoàn Mỹ cho biết
riêng là ngày hôm sau, 26 tháng Mười, Tổng Thống Johnson sẽ đi Cam
Ranh, nằm ngay phía Nam Ðà Nẳng, để thăm quân lính Hoa Kỳ, mà không
công bố trước cho báo chí biết. Họ nói ông không cần có một nhà lãnh
đạo nào của Sài Gòn ở đó để đón ông, nhưng sự có mặt của tôi cũng
quá đủ để tháp tùng ông. Tôi rất đỗi ngạc nhiên về điều đó và trả
lời ngay cho Philip Habib và các đồng sự của ông rằng tôi mà làm thế
thì hoàn toàn không phải lẽ, chưa nói đến chuyện là điều đó nhất
định sẽ đưa tôi vào hang cọp về mặt chính trị.
 Bất
cứ chính khách nào của Sài Gòn cũng cảm thấy vinh hạnh nếu được một
ông tổng thống mời như thế. Nhưng tôi xin từ chối, với lời cám ơn,
và nói rõ rằng tôi không thích tiếp nhận món "quà tẩm thuốc độc" đó.
Tôi đề nghị với những người Mỹ tiếp xúc với tôi là nên mời Thủ Tướng
Nam Việt Nam đón Tổng Thống ở Cam Ranh. Biết được cơ hội này, nhiều
phe phái chính trị Nam Việt Nam cố gắng tìm cách để được mời tham
gia nghi thức danh dự nghênh đón. Trong khi đó, tôi tìm cách lánh
mặt và nương náu cạnh Marcos Phu Nhân cùng với đoàn mỹ nhân duyên
dáng và xinh đẹp, mang biệt danh "Blue Ladies", được chỉ định hầu
tiếp những khách tham dự Thượng Ðỉnh trong thời gian ở Manila.
Do ai và bằng cách nào tôi không bao giờ được rõ, nhưng cuối cùng có
quyết định là ngày hôm sau ở Cam Ranh, tôi sẽ đứng dưới chân cầu
thang máy bay của Tổng Thống Johnson, cùng với Chủ Tịch Ủy Ban Hành
Pháp Trung Ương của Nam Việt Nam, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, để chào
mừng Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh Hoa Kỳ tại căn cứ quân sự khổng lồ
của Mỹ. Nhưng như thế cũng chưa hết ngạc nhiên đối với tôi. Ngay khi
vừa đặt chân xuống mảnh đất Việt Nam và bắt tay chúng tôi, Tổng
Thống chỉ vào tôi và nói với Tướng Kỳ:
- Ông này là người có nhiệm vụ khó nhất ở Sài Gòn.
Tại sao ông lại nói thế? Tôi không hề biết, nhưng sau này tôi được
người ta cho hiểu rằng ông rất cảm kích với cái câu mà tôi viết để
mở đầu bài diễn văn của ông Thiệu, "Chúng tôi muốn có hòa bình". Tôi
cho rằng đó là một cách khen tặng của ông, nhưng tôi không biết ông
đã có cách gì để tìm ra một giải pháp hợp tình hợp lý cho các bên để
có thể chấm dứt tình trạng hỗn độn khủng khiếp ở Việt Nam hay chưa.
Dù thế nào đi nữa thì nhất định cũng là một loại quà tẩm thuốc độc
đối với tôi. Chẳng bao lâu sau đó, tôi được bổ nhiệm vào một bộ
khác.
Phan Quân
(Trích dịch)
(Hết)
|