.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

Hope and Vanquished Reality - Nguyễn Xuân Phong

8. Thượng đỉnh Manila            
7. "Nội các chiến tranh" và tôi
6. "Du học" miền Bắc               
5. Học với Tập                           

4. Hòa đàm Ba lê                      
3. "Mỹ cút, Nguỵ nhào"              
2. Bốn Mươi Tám Giờ               

1. Một thành phố tan hàng       

2.Bốn Mươi Tám Giờ

  • 21.10.2007
    (Trích dịch)

Năm giờ chiều ngày thứ hai 28 tháng tư năm 1975, Sài Gòn, thông thường nóng bức dưới ánh nắng gay gắt của miền nhiệt đới, bỗng dưng chìm trong bóng tối thê lương. Một trận mưa giông dữ dội, chưa từng thấy ở thành phố, bao trùm lấy cảnh vật, tạo nên một bầu không khí ma quái, nặng nề nhưng bí hiểm. Dựa theo diễn biến của hiện tượng thiên nhiên, tôi tự hỏi tại sao lại trùng hợp với thời điểm của cái gọi là lễ "trao quyền".

 

Trong bối cảnh dông tố bão bùng như vậy, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương sẽ phải chuyển nhượng chức vụ mà ông đã đảm nhiệm trong bảy ngày ngắn ngủi vừa qua - và chút quyền hành liên hệ, nếu có - cho Dương Văn Minh, lãnh tụ của cái gọi là "Lực Lượng Thứ Ba" của Nam Việt Nam. Một chức vụ tổng thống mà tướng Minh chỉ đảm nhiệm được có bốn mươi tám tiếng đồng hồ.

 

Con đường dẫn tới nghi thức bi hài và rắc rối đó hơi dài dòng và quanh co. Từ 1955, Nam Việt Nam đã phấn đấu mãnh liệt để làm tròn bổn phận "Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do" ở Viễn Ðông, một di sản của Tổng Thống Eisenhower và bộ trưởng Ngoại Giao của ông là John Foster Dulles. Chiến lược của hai ông là nhằm chận đứng sự bành trướng của cộng sản quốc tế ở vùng đất bao la đó và ở trên thế giới nói chung. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến nhiệm kỳ của năm tổng thống Hoa Kỳ, khi mà lối suy nghĩ theo phương Tây cho phép họ tin tưởng rằng có thể du nhập và duy trì được tự do, dân chủ, và thậm chí nếp sống Mỹ, cho khu vực Ðông Nam Á,

thời đó, còn xa lạ trên thế giới. Với các tổng thống Eisenhower và Kennedy, dân chúng Mỹ đồng ý với tinh thần đó, không cần phải bận tâm suy xét xem chiến tranh là thế nào. Thế nhưng, dưới thời các tổng thống Johnson và Nixon, dân chúng Mỹ bắt đầu nghi ngờ và vạch ra những sai lầm nghiêm trọng về việc Mỹ nhúng tay vào một đất nước xa lắc xa lơ.

 

Xét cho cùng, cuộc chiến tranh ở Việt Nam không đem lại cho một ai những lợi lộc mà những vị tổng thống đó mong muốn. Trái lại, sự can dự của Mỹ ở Việt Nam trong hai thập niên đã gây nên những chết chóc và hủy diệt khó quên, đã nuốt hàng bao nhiêu Mỹ kim của người chịu thuế và - tồi tệ nhất - là đã gây ra một mối chia rẽ sâu đậm trong lương tâm người Mỹ.

 

Dân chúng Hoa Kỳ cảm thấy hết sức nhẹ người khi toàn bộ quân lính Mỹ đã được rút khỏi Việt Nam vào cuối tháng Ba năm 1973, nhờ Nixon, Kissinger và Hiệp Ðịnh Ba Lê. Sau đó, ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Ford là xóa nhòa cuộc chiến ở Việt Nam trong ký ức tập thể của Mỹ càng mau chóng và càng cấp bách càng tốt, không cần phải ngần ngại và đắn đo.

 

Mùa xuân năm 1975, đương nhiên nhân vật duy nhất, chủ chốt ở Hoa Thịnh Ðốn, còn liên hệ chặt chẽ đến tình hình tuyệt vọng ở Nam Việt Nam, phải là Henry Kissinger, lúc đó vẫn còn làm bộ trưởng Ngoại Giao. Tôi không biết tiến sĩ Kissinger có chút hy vọng gì trong thời gian hòa đàm Ba Lê hay không? Giờ đây, tôi càng tò mò muốn biết ông có khi nào thất vọng vì Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam hay không? Tôi khó tưởng tượng rằng ông đã thất vọng. Tôi đã có dịp làm việc chung với Kissinger trong bốn năm, từ 1969 đến 1973, ở hòa đàm Ba Lê, phần lớn tại những phiên họp cùng với nhiều người, mà qua những lần riêng lẻ, diện đối diện, cũng có. Cũng như nhiều người, tôi thấy Kissinger là một con người năng nổ, có khả năng tri thức thật là hấp dẫn.

 

Nếu muốn có một cuộc đấu trí thượng thặng và tuyệt vời thì bạn nên chấp nhận đi chơi với ông ta một buổi tối. Tôi rất nể óc sáng suốt, mức tinh khôn, nhận thức của ông về lịch sử và, trên hết là tính thực tiễn ở ông. Số người thích ông hoặc ghét ông cũng gần bằng nhau. Ông là một Bộ Trưởng Ngoại Giao rất thành công, và nhất định mối quan tâm hàng đầu của ông là quyền lợi của nhân dân Mỹ. Ông đã cố gắng tối đa để giúp đỡ chế độ Sài Gòn, nhưng mục tiêu chính của ông là chấm dứt sự can thiệp ồ ạt bằng quân sự của Mỹ ở Việt Nam, chận đứng thương vong của Hoa Kỳ, đưa tất cả chiến binh trở về trong vinh dự và kết thúc việc chi tiêu phi lý. Tôi không nghĩ là có gì làm cho ông Kissinger phải thất vọng ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, hồi tháng Mười năm 1972 có thể ông đã gần như tuyệt vọng. Ông sang Sài Gòn với cái mà ông cho là một thỏa hiệp độc đáo trong túi, một bản dự thảo hiệp định Ba Lê mà ông đã hình thành một cách cần cù và khó nhọc qua các cuộc đi đêm với Lê Ðức Thọ, ủy viên bộ chính trị của Hà Nội (Hoa Thạnh Ðốn và Hà Nội đã thỏa thuận ký kết vào bản thảo này ngày 24 tháng Mười). Nhưng, trong năm ngày lưu lại Sài Gòn, từ 17 đến 22 tháng Mười, tiến sĩ Kissinger đã va đầu vào một bức tường đối kháng kiên cố tại pháo đài của Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do, khiến ông phải ngạc nhiên và tức giận. Ông Thiệu không tán thành hiệp ước, đặt Kissinger vào một tình thế thật bối rối cho cá nhân ông và trên bình diện ngoại giao.

 

Trên chuyến bay trở về Hoa Thạnh Ðốn, sau khi hội họp với những nhà lãnh đạo "điếc đặc" ở Sài Gòn, các thành viên trong đoàn tùy tùng của Kissinger thấy rõ rằng ông "thầy thuốc tài ba" kia đã điên tiết vì con bịnh không chịu nuốt viên thuốc của ông. Làm sao mà những nhân vật ấy lại dám đòi sửa tới hai mươi ba mục trong bản dự thảo chớ? Dù chỉ một thay đổi nhỏ thôi cũng đủ làm cho ông Thọ của Bắc Việt ở Ba Lê bực mình và sẽ tặng thêm cho Kissinger vài ba danh từ khó chịu nữa. Rất có thể ông đã cằn nhằn, cho rằng tập đoàn Sài Gòn là đồ trời đánh, thánh đâm và đáng cho tiêu luôn là vừa.

 

Ông thầy thuốc đó lại còn phải đương đầu với chuyện nản lòng hơn nữa. Không đầy một tuần lễ sau, hai mươi ba tu chính lại tăng lên thành sáu mươi chín. Nhưng, tài nghệ đương đầu với những tình thế khó khăn đã giúp ông thành công. Không có gì khó khăn đối với ông hết. Ông thuộc nằm lòng câu châm ngôn "Có vấn đề thì có biện pháp", cũng tương đương với câu "Không có câu hỏi ngớ ngẩn mà chỉ có câu trả lời ngớ ngẩn".

 

Ngay sau cuộc chạm trán đáng tiếc ở Sài Gòn, Tổng Thống Nixon tặng cho chế độ Sài Gòn một món quà cuối cùng bằng cách mở một trận ném bom ngoạn mục và thảm khốc, mười hai ngày đêm xuống Hà Nội - từ 18 đến 30 tháng Mười Hai năm 1972 - trong dịp lễ Giáng Sinh. Buồn thay, ông Tổng Lãnh Sự Pháp, đang ở Hà Nội, là một trong những người bất hạnh. Về mặt quân sự, cuộc ném bom chẳng đem lại một thay đổi nào cho bên này hay bên kia hết. Còn về mặt tâm lý, với mục đích thuyết phục hay làm cho chùng bước, trận ném bom cũng không đem lại kết quả mong muốn. Nó là một phương thuốc trấn an nhất thời cho lòng tự ái của những nhà lãnh đạo Sài Gòn và một viên thuốc ngủ ngắn hạn cho chế độ Sài Gòn. Một cái chợp mắt, nhưng ngủ thêm chẳng được bao lâu.

 

Sau trận ném bom Hà Nội, Lê Ðức Thọ và Kissinger lại mật đàm ở Ba Lê vào ngày 8 tháng Giêng năm 1973. Một đợt thương thuyết cuối cùng của hai người về Hiệp Ðịnh Ba Lê. Ðể làm áp lực, ngày 16 tháng Giêng, ông Nixon gửi cho ông Thiệu một bức thư vừa vuốt ve, vừa hăm dọa. Tướng Alexander Haig, đặc phái viên của tổng thống Hoa Kỳ, đã trao thư đó, có Ðại Sứ Ellsworth Bunker (biệt danh "Ông Già Tủ Lạnh" ở Sài Gòn vì dáng dấp lạnh lùng của đương sự) tháp tùng.

 

Một mặt là một bức thư cảm động giữa thân hữu. Mặt khác, đó là một tối hậu thư rất rõ ràng cho ông Thiệu. Hãy duyệt ký Hiệp Ðịnh Ba Lê, bằng không thì đã đến lúc thân hữu phải chia tay. Nói cách khác, nếu không chịu ký thì chế độ Sài Gòn chỉ còn cách nhảy xuống sông Sài Gòn để tìm một siêu cường số một khác ủng hộ cho. Tôi đọc được bức thư đó, vài ba phút sau khi ông Thiệu nhận được, vì có một bản được gửi qua điện thư cho tôi ở Ba Lê. Phái đoàn Mỹ cũng đã trao cho tôi một bản và yêu cầu tôi giúp đỡ ông Thiệu nuốt viên thuốc đắng đó, vì quyền lợi của bản thân ông.

 

Trong bức thơ gửi Tổng Thống Thiệu, Tổng Thống Nixon đã minh bạch nói rõ ý định của ông là, "Tôi đã dứt khoát quyết định ký tắt bản thỏa hiệp vào ngày 23 tháng Giêng và duyệt ký vào ngày 27 tháng Giêng tại Ba Lê. Tôi sẽ ký một mình, nếu cần".

 

Bức thư của Tổng Thống Nixon viết tiếp, "Trong trường hợp đó, tôi sẽ công khai giải thích rằng chính phủ của ngài cản trở hòa bình. Hậu quả là Hoa Kỳ chắc chắn sẽ chấm dứt ngay việc chi viện kinh tế và quân sự, điều mà chính phủ của ngài có thay đổi nhân sự cũng không ngăn chận được. Tuy nhiên, tôi mong rằng dù sao hai đất nước chúng ta đã cùng nhau chia sẻ và chịu đựng trong cuộc xung đột thì cũng cùng nhau chung sống để giữ gìn hòa bình và thừa hưởng lợi lộc ...."

 

Tôi được triệu hồi ngay về Sài Gòn để dự phiên họp đặc biệt của HÐANQG. Khi tôi vừa rời phi trường đến thẳng dinh Độc Lập thì ông Thiệu đang đợi tôi trong văn phòng và chúng tôi thảo luận với nhau trong một tiếng đồng hồ trước khi vào họp với HÐANQG. Chỉ có hai người chúng tôi nên có thể nói chuyện hoàn toàn thẳng thắn.

 

Chúng tôi có thể trao đổi thẳng thừng với nhau từ năm 1967, khi ông Thiệu đảm nhiệm chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia và Quốc Trưởng hữu danh vô thực. Bấy giờ ông là một tướng lãnh bộ binh không có quyền hành gì mà lại dám thách thức mọi người để ứng cử tổng thống. Lúc đó, tôi chịu trách nhiệm về huy hoạch, tổ chức và điều hành guồng máy hành chính cho cái gọi là cuộc tổng tuyển cử ở Nam Việt Nam hồi tháng Chín năm 1967. Các cuộc tổng tuyển cử này rất quan trọng đối với nỗ lực của Hoa Thạnh Ðốn nhằm chứng minh cho nhân dân Mỹ và cho toàn thế giới thấy rằng tự do và dân chủ đã ra đời ở Nam Việt Nam và phải được bảo vệ.

 

Giờ đây, tôi lại thấy thương ông Thiệu, nhưng cần phải cho ông biết rằng tôi không còn nghi ngờ gì nữa việc Mỹ thực tình muốn bỏ rơi ông nếu ông không chịu duyệt ký Hiệp Ðịnh Ba Lê. Ông trả lời là làm vậy cũng bằng chính phủ Sài Gòn tự sát. Tôi không cần phải nói năng gì hơn nữa. Một anh đạp xích lô của Sài Gòn cũng có thể nhận định tình hình chính trị và kết luận như vậy.

 

Ông Thiệu cho rằng thỏa hiệp như thế chẳng khác nào bán rẻ Nam Việt Nam cho Liên Xô. Tôi cố gắng an ủi ông bằng cách giải thích rằng nội dung của hiệp định còn có nhiều lý lẽ, và điều thực sự quan trọng là liệu Mỹ có muốn và có khả năng ủng hộ cho sự sống còn của Việt Nam Cộng Hòa nữa hay không.

 

Từ lúc Thượng Ðỉnh Manila hồi năm 1966, - mặc dù đã có biệt ngữ tiêu biểu "Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do" - tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ không đủ khả năng để đóng vai trò "Người Anh Cả" ở Ðông Nam Á mãi mãi. Sớm muộn gì Hoa Thạnh Ðốn cũng phải đi đến thỏa hiệp không phải với Hà Nội, Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh, nhưng với chính nhân dân Mỹ.

 

Chiến tranh ở Việt Nam sẽ trở thành một mối bất hòa trầm trọng trong gia đình, rất khó xử và buồn phiền, không liên hệ gì đến chính trị thế giới hay hòa bình thế giới hay chuyện cứu nguy thế giới. Như ai ai cũng biết, chuyện cắn đắn trong gia đình đôi khi có thể dẫn đến một bi kịch đau thương. Những lập luận nhàm tai, thường được đưa ra để biện minh cho cuộc chiến ở Việt Nam, nay không còn thuyết phục được ai nữa.

 

Từ năm 1953, sự cân bằng và ảnh hưởng trên thế giới đã tương đối ổn định ở vĩ tuyến ba mươi tám tại Triều Tiên, và thật sự không cần phải duy trì một sự hiện diện quân sự quan trọng nào khác của Mỹ ở Ðông Á để bảo vệ lợi ích của nhân dân Hoa Kỳ và hòa bình thế giới. Tôi chẳng bao giờ tán thành cái gọi là "Thuyết Domino", thường đưa ra cái viễn ảnh là cộng sản sẽ thống trị toàn cõi Ðông Nam Á chỉ bằng sức mạnh vũ khí - kể cả "chiến tranh du kích" - khiến Mỹ phải ồ ạt can thiệp bằng chiến tranh quy ước để ngăn chặn.

 

Tôi nhớ lại thời kỳ Tổng Thống Nixon công du Trung Quốc và ở Sài Gòn, người Việt Nam chúng ta đặt cho ông cái bí danh khôi hài là "Vịt Bắc Kinh" ("Peking Dick" - Vì tên của ông Nixon là Richard, gọi tắt là Dick. Qua trò chơi chữ, từ Dick đã được đổi thành Duck để làm nên bí danh có âm hưởng như một món ăn nổi tiếng của người Tàu.) vì hành động ngoại giao táo bạo đó.

 

Tôi bèn nhắc ông Thiệu rằng chỉ có ba mạnh thường quân quân sự to lớn và hùng mạnh có khả năng đài thọ cho cuộc chiến Việt Nam, và nếu Hoa Kỳ chẳng còn cách nào khác là vứt bỏ Việt Nam để giải quyết chuyện riêng tư và vấn đề nội bộ của họ, thì Nam Việt Nam chỉ còn có nước đi tìm một đồng minh khác. Ông Thiệu thấy rằng con đường duy nhất còn lại cho ông là "đánh bóng bàn" với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.

 

Qua việc ông nhìn tôi lâu dài lúc đó, tôi nghĩ rằng ông muốn nói với tôi lần nữa những gì ông đã nói với tôi vào cuối năm 1970. Một sự chọn lựa như thế còn tệ hại hơn là không có sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Thế nên, tôi lập lại luận điểm của tôi là Sài Gòn không còn cách nào khác hơn là tiếp tục "chơi banh" với Hoa Kỳ. Và tôi nói thêm:"Ông sẽ là con 'Vịt Bắc Kinh' nằm trong lò nướng của các đầu bếp CIA rồi, còn đâu mà giao banh được cho Chủ Tịch Mao", qua kiểu khôi hài đen của người Anh, mà tôi đã hấp thụ được qua những năm tháng theo học tại Oxford.

 

Ông Thiệu mời tôi cùng ông dự phiên họp của HÐANQG ở phòng bên cạnh, đã đông đủ thành viên. Chính tại đây tôi đã chứng kiến cảnh Phó Tổng Thống Hương rơi nước mắt khi ông Thiệu cho biết rằng chính phủ Sài Gòn không còn cách nào khác hơn là duyệt ký bản Hiệp Ðịnh Ba Lê do Hà Nội và Hoa Thạnh Ðốn thảo ra.

 

Dù cho là một trường hợp đáng buồn, nhưng không có lý do gì khiến Sài Gòn phải thất vọng hồi mùa xuân năm 1973. Dù sao, hai ông Nixon và Kissinger cũng còn tử tế, đưa ra một "bảo đảm thành văn" của tổng thống, nói rằng Hoa Kỳ sẽ bảo đảm an toàn cho Việt Nam Cộng Hòa nếu Sài Gòn chịu duyệt ký Hiệp Ðịnh Ba Lê.

 

Mùa xuân năm đó, mọi chuyện đều tốt đẹp. Hòa Ðàm Ba Lê (cho phe bồ câu ở Mỹ), trận ném bom mùa Giáng Sinh (cho phái diều hâu của Hoa Thạnh Đốn), và hiệp định sắp tới (cho mọi người, ngoại trừ Sài Gòn), đã đem lại lợi thế cho Nixon và cho Ðảng Cộng Hòa của ông. Với hơn sáu mươi phần trăm phiếu của dân chúng, ông đã tái đắc cử vẻ vang, đánh bại ứng cử viên Dân Chủ George McGovern. Một nhiệm kỳ đầy tin tưởng hơn lần ông thắng phiếu Phó Tổng Thống Hubert Humphrey hồi 1968, với tỷ lệ khít khao. Tất cả mọi gian nan để mật đàm và những điều khoản nôm na của Hiệp Ðịnh Ba Lê đã trở thành một mớ lý thuyết suông trong bối cảnh thực tế và thực tiễn. Thực ra mà nói thì hai ông Nixon và Kissinger đều tin tưởng rằng nội dung của hiệp định sẽ cho phép Hoa Kỳ kết thúc sự can thiệp quân sự của họ ở Việt Nam trong danh dự. Và hai ông cứ nghĩ rằng hiệp định đó sẽ cho Sài Gòn có được cơ may vững chắc để tự lo cho mình mà không cần sự hiện diện đông đảo của quân lính Hoa Kỳ.

 

Nhờ có Hiệp Ðịnh Ba Lê, Mỹ trọn vẹn rút hết quân lính ra khỏi Việt Nam, một cuộc ngưng bắn trên danh nghĩa, ít ra cũng giảm thiểu được mức độ đánh nhau giữa người Việt Nam và hạn chế được việc gởi thêm chiến cụ sang Việt Nam - ít ra trên nguyên tắc. Những từ "thay thế vũ khí cũ" đã được hai ông Thọ và Kissinger tranh cãi và thảo luận gay go nhất trong giai đoạn thương thuyết cuối cùng ở Ba Lê.

 

Ông Kissinger cũng đưa được điều khoản quy định việc giúp đỡ người Việt Nam giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ. Nhân dân Nam Việt Nam sẽ đi đến "hòa hợp hòa giải dân tộc" và "tự quyết" qua "tổng tuyển cử tự do" và có thể đi đến thống nhất đất nước qua tiến trình dân chủ vào một thời điểm thích hợp trong tương lai. Về phần Nam Việt Nam, những giải pháp này sẽ được bàn thảo qua các giai đoạn kế tiếp của hòa đàm Ba Lê tại Hội Nghị La Celle Saint Cloud giữa hai phía của miền Nam Việt Nam (Sài Gòn, dưới danh nghĩa Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, dưới danh nghĩa Cộng Hòa Miền Nam), từ tháng Tư năm 1973 đến ngày chính phủ Sài Gòn tan rã hồi tháng Tư năm 1975.

 

Trong Hiệp Ðịnh Ba Lê có khá nhiều yếu tố cụ thể để cho mọi người hy vọng. Về mặt quân sự, ông Kissinger đáng được tán dương là đã tạo điều kiện để cho Hoa Thạnh Ðốn "tom góp được đồ tế nhuyễn mà ra về", danh dự không bị sứt mẻ. Về phần giải pháp chính trị giữa người Việt Nam với nhau thì có nhiều bối cảnh cho thấy có rộng đường hành động, và chế độ Sài Gòn có thừa thời gian để tự lo liệu. Ông Thiệu phải cố gắng giành được những lợi điểm càng nhiều càng tốt, nhưng tối hậu thư của ông Nixon hồi 1973 chẳng có gì để làm cho chế độ Sài Gòn mất hy vọng. Thế thì cái gì đã thúc đẩy quân lực Việt Nam Cộng Hòa tháo chạy một cách hỗn loạn và ông Thiệu từ chức ngày 21 tháng Tư năm 1975, nêu gương xấu cho tướng tá của ông noi theo rồi lưu vong cùng với ông, thay vì chiến đấu đứng đắn để chống lại người anh em thù nghịch ở Nam Việt Nam?

 

Ở Việt Nam, chưa bao giờ có hiện tượng phổ biến là nhân vật chính trị cao cấp từ chức, và ông Thiệu chưa bao giờ cho thấy là ông thuộc loại quân nhân chịu rời bỏ nhiệm sở, trong khi hầu hết một triệu quân lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn ở vị trí của mình. Ông Thiệu có thể cứ ngồi ghế tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa, không cần quan tâm đến dư luận của cả thế giới, nếu như ông muốn. Ông có thể lãnh đạo quân lính đánh trận quyết tử sau cùng trong danh dự và liều thân trong một trận chiến cần đánh và phải đánh. Tại sao ông lại không làm như thế được? Tướng lãnh vẫn còn hậu thuẩn ông, quân lính vẫn còn đó với hàng nghìn phi cơ và chiến xa, đạn dược cần thiết vẫn còn chất đống trong kho.

 

Vào đầu năm 1975, tình hình chiến trường chưa đến đổi tuyệt vọng ở Nam Việt Nam. Ông James Schlesinger, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ lúc bấy giờ, tuyên bố rằng cuộc tiến kích của Việt Cộng vào tỉnh Phước Long chỉ ở mức độ nhỏ chớ không phải là một cuộc tấn công quan trọng. Nhưng, rõ ràng là ông Thiệu và nhiều người khác cho rằng tình hình ở Hoa Thạnh Ðốn cho thấy Mỹ thiếu quyết tâm và không còn muốn kéo dài cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Vở tuồng đã chấm dứt. Những nhà lãnh đạo của Sài Gòn như đã nghe thấy tiếng gọi:"Anh em ơi, hãy tự lo lấy thân", mặc dù có thư bảo đảm của Richard Nixon, và chính phủ Hoa Kỳ hứa cũng như cam kết bảo vệ nền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa.

 

Tổng Thống Nixon đưa ra lời hứa một cách rất thành thật và đầy thiện ý. Ông cam kết duy trì một Nam Việt Nam chống cộng và tin tưởng rằng sẽ thực hiện được điều đó với Hiệp Ðịnh Ba Lê, chừng nào ông còn là tổng thống Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ và có đủ quyền uy của "Siêu Cường Hàng Ðầu" trong một thế giới sẵn sàng ủng hộ ông. Ông Nixon có nhiều giải pháp để chọn lựa. Còn ông Thiệu thì chẳng còn cách nào khác hơn là tự xử bằng cách "hara kiri" (tự tử danh dự theo lối Nhựt Bổn) nếu như ông và những người cùng phe chống cộng như ông muốn sống cho xứng danh với lý tưởng và lương tâm.

 

Ông Nguyễn Văn Thiệu là một con người tiêu biểu trong quân đội Nam Việt Nam, trên ba mươi năm qua. Ông là một trong những sĩ quan cấp tướng tương đối ưu tú, tính theo tiêu chuẩn của Sài Gòn, rất tỉ mỉ, chịu khó làm việc, một nhà quản lý và một tay hành chánh giỏi. Thỉnh thoảng ông cũng vui chơi như mọi người trong quân đội, nhưng không thể nói ông là một tay ăn chơi trác táng. Lúc bấy giờ, tôi nghĩ ông Thiệu là một tướng lãnh không quá tệ, đã trở thành một tổng thống tạm được, trong một tình hình như vậy. Không dễ gì duy trì sự đoàn kết trong quân đội Nam Việt Nam. Ông không tin tưởng ai, và không ai tin tưởng ông, nhưng ông sòng phẳng với mọi người. Ông là một người chơi cờ hơn là một tay đánh phé.

 

Mãi cho đến giờ phút cuối cùng, ông Thiệu thực sự tin tưởng rằng ngoài ông ra không một người Sài Gòn nào có thể thuyết phục được Hoa Kỳ cứu vớt Nam Việt Nam. Như thế, ông đã tạo ra một mối hy vọng cho chính ông. Không phải ông ở trong thế bất lực, và không phải ông từ chức vì thất vọng. Nhưng, cuối cùng ông chấp thuận làm thế bởi vì người đồng minh duy nhất và lâu đời của ông, siêu cường số một trên thế giới, bảo ông nên ra đi. Bằng cách từ chức, ông nghĩ rằng may ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự sống còn của Nam Việt Nam qua giải pháp thương thuyết giữa "Minh Lớn" và Hà Nội. Nhưng, đối với ông Thiệu, đó chỉ là trò khôi hài.

 

Ông Thiệu từ chức, có vẻ như với một tâm trạng mà người Pháp thường nói "après moi le déluge" (Nôm na có nghĩa là "sau ta thì đại hồng thủy"), sau ta chẳng còn gì nữa đâu! Thế nhưng dưới nhãn quan của các chuyên viên tâm thần thì như vậy có phải là một "hành động cho không, biếu không" chăng? Xét theo tình thế thì hẳn là không phải rồi. Tổng thống không bao giờ làm một điều gì vô lối, và nếu thiên hạ ở Hoa Thạnh Ðốn nghĩ như thế về ông Thiệu thì thật đáng tiếc. Chính Ðại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin cũng còn nhớ là ngày 20 tháng Tư, ông đã nhắc ông Thiệu nên quyết định vì lợi ích của nhân dân Việt Nam. Ông Martin nói như vậy trong tinh thần bằng hữu, không phải với tư cách một ông đại sứ. Ông cũng nhớ là Tổng Thống Ford đã tuyên bố nhiều lần với báo chí rằng chính phủ Hoa Kỳ không thể yêu cầu tổng thống dân cử của một quốc gia đồng minh từ chức, lại càng không thể truất phế ông bằng một cuộc đảo chính. Cuối cùng, ông Thiệu phải mất hai mươi bốn giờ suy nghĩ để đi đến quyết định đau khổ cuối cùng là từ chức, nhưng chắc chắn là phải có một dấu hiệu dành cho Ðại Sứ Martin và những thân hữu của ông ở Hoa Thạnh Ðốn.

 

Cho đến ngày 20 tháng Tư năm 1975, làm thế nào mà ông Thiệu không chịu nghĩ rằng tình hình chưa thực sự tuyệt vọng? Làm thế nào ông có thể tuyệt vọng khi Nam Việt Nam có một quân đội to lớn hàng thứ tư trên thế giới, một không lực to lớn hàng thứ tư với gần hai nghìn phi cơ, một hải quân đứng hàng thứ bảy, và hàng tỷ Mỹ kim chiến cụ và thiết bị tinh vi?

 

Nhưng, dù cho có một quả bom nguyên tử để tiêu diệt toàn bộ Bắc Việt thì cũng chẳng thay đổi gì được tình hình, vì vấn đề không phải ở đó. Cuối cùng, ông Thiệu phải hiểu ra và chấp nhận rằng vấn đề cấp bách là không còn tiếp tục chiến đấu được nữa và không thể tiếp tục cuộc chiến để tìm cách làm cho nhân dân Nam Việt Nam tồn tại và tránh cái thảm họa khủng khiếp là hai quân đội Việt Nam của hai miền Nam Bắc giết hại nhau nữa. Người ta nói cho ông biết rằng tình trạng của chế độ chống cộng Nam Việt Nam đã tuyệt vọng và chính ông, Nguyễn Văn Thiệu, là nguyên do của tình trạng tuyệt vọng đó. Ông liên tục bị thiên hạ nhồi nhét vào đầu óc cái viễn ảnh, theo đó ông là người gây khó khăn cho nỗ lực nhằm cứu vớt và đem lại hy vọng cho người Việt ở miền Nam, muốn có một chính phủ "không chống cộng". Một thứ hồ lốn quá đẹp! Thật là hết chỗ nói! Cứ một điệu nhảy "rock'n roll" đó, người ta dượt đi dượt lại với ông Thiệu từ 1967 đến 1975, mà nhộn nhịp nhất là do Hoa Thạnh Ðốn cùng với các đại sứ Ellsworth Bunker và Graham Martin.

 

Với Hiệp Ðịnh Ba Lê và tác dụng đảo ngược về cán cân lực lượng, do Mỹ chấm dứt viện trợ và ngưng can thiệp, trong khi các sư đoàn chính quy Bắc Việt cứ tiếp tục hiện diện ở phía Nam, và vũ khí cùng đạn dược của Liên Xô và của Trung Quốc cứ tự do tràn vào Hà Nội thì làm sao Nam Việt Nam sinh tồn được với tư cách là một quốc gia? Ấy thế mà ai ai cũng ngây thơ tiếp tục nuôi dưỡng đủ mọi cách để hy vọng. Vì không thể tìm đâu ra một giải pháp nào tốt hơn, thiên hạ đành phải "không chó bắt mèo..." để chấp nhận sự gợi ý của Hà Nội là ông Thiệu nên từ chức.

 

Nên chi, hồi mùa xuân 1975, nhật lệnh cho quân lính Sài Gòn là ngưng chiến đấu, và hy vọng có một giải pháp ôn hòa để thoát khỏi tình trạng hổn độn. Ba Lê hợp lực với Hoa Thạnh Ðốn nhằm thuyết phục ông Thiệu nhanh chóng trao quyền cho Phó Tổng Thống, cụ Trần Văn Hương già nua và bệnh hoạn. Dĩ nhiên là ông Hương cũng chẳng có nhiệm vụ gì khác hơn là diễn lại kịch bản đó bảy ngày sau, khi "Minh Lớn" được dịp khoác lên mình chiếc "long bào" và trở thành hiện thân duy nhất cho niềm hy vọng có một không hai. Thất vọng tạm thời tan biến và hy vọng bắt đầu xuất hiện trong lòng dân chúng ở Nam Việt Nam.

 

Thực tế mà nói, việc Tổng Thống Thiệu từ chức ngày 21 tháng Tư năm 1975 đúng là một thông điệp rõ ràng cho một triệu quân sĩ Việt Nam Cộng Hòa biết rằng chẳng còn cuộc chiến đấu nào đáng để tiến hành nữa cả. Ngày 22 tháng Tư, Tổng thống Pháp Giscard d'Estaing cũng phụ họa thêm bằng cách kêu gọi mọi người ngưng bắn và cùng nhau ngồi vào bàn thương thuyết (chiếc bàn tròn rộng lớn nổi danh ở Ba Lê lại sẵn sàng để có thể sử dụng ngay).

 

Không phải ông Thiệu từ chức với hy vọng là "Minh Lớn" sẽ có khả năng cứu vãn Nam Việt Nam. Tay bạc duy nhất giữ kín quân bài chủ cho đến lúc cần vẫn là Chú Sam. Tay cờ Nguyễn Văn Thiệu, trong giờ phút ngắn ngủi còn lại, đành phải nhanh chóng và dứt khoát tìm cách tháu cáy Hoa Thạnh Ðốn qua một cuộc đánh phé nên phải xáo bài để tìm con bài thích nghi. Ông đã minh thị nói lên lập trường chống cộng bằng cách hoàn toàn không chịu chung sống với bất cứ thứ gì có chút liên hệ với chủ nghĩa cộng sản ở Nam Việt Nam. Ông đã từng nói là không có Nguyễn Văn Thiệu tức không có Nam Việt Nam. Ông đã hiểu rõ là ông Ngô Ðình Diệm không tài nào hình thành nổi Nam Việt Nam chống cộng mà không có sức mạnh của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nam Việt Nam đã được dựng lên để tồn tại và tùy thuộc vào chỉ mỗi Hoa Kỳ mà thôi. Thế nên, dù cho dưới quyền của tổng thống Thiệu, Hương hay "Minh Lớn", chung quy lại cũng sẽ chỉ đi đến chung cuộc là không còn miền Nam Việt Nam nữa.

 

Sau khi từ chức ngày 21 tháng Tư, ông Thiệu vẫn còn quyết liệt ôm lấy một mối "hy vọng khơi khơi" là vào phút chót Mỹ sẽ ồ ạt can thiệp bằng quân sự để ngăn ngừa Nam Việt Nam có nguy cơ sụp đổ, lọt vào tay quân lính Bắc Việt. Dù cho ngày 23 tháng Tư, tại trường đại học Tulane ở New Orleans, Tổng Thống Ford đã "mặt dạn mày dày" lên tiếng kêu gọi dân chúng Mỹ hãy đưa Chiến Tranh Việt Nam lui vào dĩ vãng, hãy quên đi quá khứ và nhìn về tương lai (nói dễ hơn làm), ông Thiệu vẫn cứ chờ, cứ đợi, nhưng vô ích, nên chỉ chịu rời bỏ xứ sở ra đi tối ngày 25 tháng Tư, sau khi được Ðại Sứ Graham Martin gọi tới gọi lui, yêu cầu lên chiếc phi cơ đặc biệt C118 của không lực Hoa Kỳ để đi Ðài Loan cùng với cựu thủ tướng, đại tướng Trần Thiện Khiêm. Ngay trước khi lên máy bay, ông Thiệu còn bỏ ra nửa phút gọi điện thoại cho tôi để từ giả, bảo tôi nên thận trọng và hãy lo cho những bạn bè còn ở lại Sài Gòn.

 

Cụ thể mà nói, chương trình, hành động và hy vọng của ông Thiệu có ba mặt. Thứ nhứt, ông tìm cách gắn liền danh dự của Mỹ với sự sống còn của chế độ chính trị chống cộng ở Nam Việt Nam. Kế đến, ông cố tình để cho tình hình quân sự suy đồi đến độ Hoa Thạnh Ðốn cảm thấy vô cùng xấu hổ, phải can thiệp mạnh bạo bằng quân sự. Thứ ba, nếu như Hoa Kỳ quyết định không ngăn chận đà tiến quân của lực lượng Bắc Việt thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng không bị đưa vào một cái thế phải chạm trán với cộng quân. Nói cách khác là sẽ không có vấn đề Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục kéo dài chiến tranh mà không có sự hiện diện và trợ lực của Hoa Kỳ để hậu thuẩn cho ông Thiệu. Nếu Hoa Kỳ không chi viện thêm nữa và không muốn chống lại việc Bắc Việt có thể sẽ nắm quyền ở Nam Việt Nam thì không có lý gì để cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa kéo dài cuộc chiến đấu và giết hại nhau đôi ba tháng nữa, chỉ vì "Minh Lớn". Ông Thiệu cho thực thi những ý kiến đó hồi tháng Giêng năm 1975. Khi ra đi hồi tháng Tư trong năm, ông để cho Cụ Hương và "Minh Lớn" lãnh đủ những hậu quả đó. Thế là, hai ông này tùy nghi có những quyết định lịch sử, hân hoan vẫy chào hay cúi đầu nhượng bộ, tùy theo Hoa Thạnh Ðốn có hạ màn hay không, và hạ theo kiểu cách nào đó.

 

Hơn nữa, khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không chấp nhận chiến đấu với lực lượng Bắc Việt thì nguy cơ tắm máu ở Sài Gòn và ở nhiều thành phố lớn khác của Nam Việt Nam sẽ giảm thiểu khá nhiều và chắc chắn sẽ tránh đổ máu cho thường dân vô tội.

 

Trong những ngày cuối cùng của chế độ chính trị Sài Gòn, Tổng Thống Hương và nhiều người Sài Gòn chắc chắn sẽ tự hỏi mãi là tại sao Mỹ chẳng làm gì nữa để giúp đỡ họ. Hai mươi năm trước đó, người Mỹ đã đem lại hy vọng cho họ và làm cho họ tin tưởng vào tự do dân chủ. Ðiều đó đã trở thành nếp sống của nhiều người ở Nam Việt Nam. Ông Hương đã lớn lên trong thời kỳ thực dân Pháp, nói rành rẽ tiếng Pháp, và đã đấu tranh chống lại cả chủ nghĩa thực dân Pháp lẫn chế độ độc tài Ngô Ðình Diệm. Ông không biết tiếng Anh nhiều và đặc biệt là không ưa Mỹ. Hoa Kỳ là đồng minh duy nhất khả dĩ hậu thuẫn cho cuộc tranh chấp với người anh em thù nghịch cộng sản nên ông đành chấp nhận thực tế.

 

Ông Hương và những người khác ở Nam Việt Nam cũng không có cách nào chọn lựa được. Nhiều người đã đương nhiên ở phía Nam của vỹ tuyến mười bảy hồi năm 1954, và đã ra đời ở "Tiền Ðồn Thế Giới Tự Do". Dù cho họ có quyền chọn lựa thì chỉ có hai cách, một là cứ ở trong tòa nhà đang cháy, hai là nhảy qua cửa sổ. Chọn lựa đứng về phía Mỹ hay đi theo phe cộng sản chẳng khác gì nói chuyện bằng tiếng Tàu đối với mẹ tôi hay các bà dì tôi ở thôn xã quê nhà - hoặc như người Mỹ thường cho đó là nói tiếng Hy Lạp, không ai hiểu nổi.

 

Cho nên khi ông Hương không còn hy vọng được nữa, khi ông không còn có thể mang lại hy vọng cho người khác, khi người khác chẳng còn hy vọng ở ông và hy vọng cùng với ông được nữa - khi người dân ở Nam Việt Nam không còn chút hy vọng gì - thì cần phải tạo ra một hy vọng. Cần phải tạo ra hy vọng vì lợi ích của mọi người. Ðối với người có quyền có chức và có thế lực thì vì danh dự, đối với dân thường thì để sống còn.

 

Niềm hy vọng được tạo ra như thế, là lời tuyên bố ngày thứ Hai, 28 tháng Tư năm 1975, được loan đi trên khắp đất nước và ra ngoại quốc, cho biết ông Hương đã "trao quyền" cho "Minh Lớn". Không ai biết hoặc được thông báo lý do và mục đích của nghi thức đó, ngoại trừ việc ông Hương chẳng còn hy vọng gì nữa và có thể "Minh Lớn" có chút hy vọng nào chăng. Lễ trao quyền thể hiện một cách cụ thể niềm hy vọng đáng tin tưởng, hy vọng cuối cùng, hy vọng sẽ cứu thoát được Sài Gòn, Nam Việt Nam, tự do, tiến bộ và dân chủ. Một niềm hy vọng hầu như để có được mọi thứ, vậy mà chẳng hy vọng được gì hết. Dĩ nhiên là chẳng phải lỗi tại ai hết. Mọi người đều cố gắng tận lực.

 

Việc ông Hương từ chức và việc "trao quyền", đã chờ đợi từ lâu, được hoan hô như là một thắng lợi ngoại giao, thực hiện dễ dàng và không tốn kém gì cả. Tại sao trước kia chúng ta không nghĩ đến điều đó để phải chi tiêu 150 tỷ Mỹ kim? Hoặc giả 230 tỷ? Khoảng 20 tỷ trung bình cho một năm. Nhưng, giờ đây những con số đó không còn quan trọng gì nữa. Rốt lại, tiền bạc không phải chi ra để chiến thắng, cũng không phải cho chính sách "không thua, chẳng thắng". Người ta đã chi ra chỉ vì danh dự, một phẩm chất vô giá đối với nhân dân Mỹ và những nhà lãnh đạo của họ, từ Tổng Thống Eisenhower đến Ford, từ Ngoại Trưởng Dulles đến Kissinger.

 

Với một cái giá như thế, nếu nói rằng Chiến Tranh Việt Nam là của người Việt Nam thì có phần khôi hài vì toàn bộ dân chúng của cả hai miền Nam Bắc Việt Nam không thể nào tằn tiện nuôi con heo đất hàng mấy trăm năm để đài thọ cho một cuộc chiến như vậy. Chiến Tranh ở Việt Nam còn có nhiều chuyện khác nữa, nhưng cũng là một cuộc chiến đánh thay, đánh thế và được điều khiển từ xa.

 

Thế nên, dưới áp lực của hầu hết mọi người, kể cả Pháp và Hoa Kỳ, cụ Hương đồng ý "trao quyền" đúng một tuần lễ sau khi ông Thiệu từ chức. Cụ có thể chẳng cần làm gì hết, nằm nhà ngủ thẳng giấc, và tình hình cũng không thay đổi chút nào hết. Là một nhà giáo tận tâm, cụ đảm trách vai trò được lịch sử phó thác. Hai mươi năm trước, ông Hương đã chứng kiến việc ông Diệm hình thành nước Việt Nam Cộng Hòa, với sự giúp đỡ của Eisenhower và Dulles. Có thể, trong lớp học, thầy giáo Hương đã giảng cho học trò nhiều lần rằng dân tộc và đất nước, dưới nhiều màu sắc khác nhau, thường xuất hiện và mất dạng trên bản đồ thế giới. Ngày nay, không còn được Ford và Kissinger giúp đỡ gì nữa, ông sẽ làm một hành động có thể xóa sạch Việt Nam Cộng Hòa trên mặt địa cầu.

 

Chỉ là một vai tuồng để diễn xuất, nhưng tại sao định mệnh lại tráo trở gán điều ô nhục đó cho một lão già hiền lành, đáng thương? Lý do rõ ràng nhất là chỉ vì ông Hương cả đời không có một đồng đô la dính túi, do đó không có lý do gì để tháo chạy như bao nhiêu người khác. Ðạo diễn không sao tìm được một kịch sĩ nào xứng hợp hơn với vai diễn khó khăn như thế bằng ông Hương, dù cho ông chỉ cần lẩm bẩm một đôi lời. Ðiều mà ông Hương đã làm quả thật là để giao lại, không phải cho phía bên kia, mà cho "Minh Lớn", người chủ trương là cần phải chính thức chấm dứt sự hiện hữu của Việt Nam Cộng Hòa.

 

Ông Dương Văn Minh đã chọn hoa sen của nhà Phật làm biểu tượng và quốc huy, tượng trưng cho hòa bình, tình thương và lòng từ bi của Phật giáo, một niềm hy vọng duy nhất có thể còn lại cho người Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Một niềm hy vọng nhân tạo, không có tinh thần hay linh hồn, được tạo ra và phát động không có một mục đích nhất định, ngoại trừ quy tụ lại những hy vọng của người khác - một thứ hy vọng rất là giả tạo. Ðể khơi động niềm hy vọng yếu ớt đó, buồn thay, người ta lại bắt buộc một người già nua bệnh tật phải nhường quyền hành có tính chất giả thuyết cho một người khác hoàn toàn bất lực để hoàn thành một điều vô định, bất khả thi.

 

Vào những giờ phút đen tối nhất của chế độ Sài Gòn, nhất định phải có sự tương phản giữa hy vọng và tuyệt vọng. Trong số những người hy vọng, có những người hy vọng vì thấy cần phải hy vọng, có những người hy vọng vì được người khác đem lại hy vọng, có những người tìm cách chia sẻ hy vọng với người khác và có những người có bổn phận tạo ra ảo ảnh của hy vọng khi biết rằng không có hy vọng. Chẳng ai biết được "Minh Lớn" hy vọng gì hoặc muốn làm cho người khác hy vọng gì. Nhưng phần lớn dân chúng Sài Gòn chắc chắn là có thể hy vọng mọi thứ trên cõi đời này. Lúc đó, họ cùng chung một hy vọng nổi bật là đừng có chuyện gì quá quắt, tác động đến cuộc sống giản dị của họ. Vì thiếu vắng một niềm hy vọng có mục đích rõ rệt, dân chúng Sài Gòn chỉ hy vọng sao "Trời Ðất đừng đảo lộn" để cho cuộc sống khốn khổ của họ có thể tiếp tục mà không phải cùng cực và buồn thảm hơn nữa. Và chắc chắn là có nhiều người trên khắp đất nước, từ Bắc chí Nam, chỉ hy vọng sao cho chiến tranh sớm chấm dứt, chấm dứt thật nhanh và một cách vĩnh viễn. Không còn chết chóc và tàn phá nữa. Và, lần đầu tiên người Việt Nam không còn phải chém giết nhau.

 

Ông Hương thể hiện cho tuyệt vọng, còn "Minh Lớn", cho hy vọng. Tôi không thấy hy vọng mà cũng chẳng thấy tuyệt vọng khi tham dự lễ "trao quyền" trong dinh tổng thống. Tôi có hai lý do giản dị để có mặt tại đó. Thứ nhất là để hiện diện cùng với ông lão cô đơn, thậm chí chẳng còn một viên phụ tá đáng kể nào ở bên cạnh. Thứ hai là tôi muốn công khai lãnh lấy đầy đủ phần trách nhiệm liên quan đến chức vụ của tôi tại hòa đàm Ba Lê, với tư cách "Quốc Vụ Khanh Ðặc Trách Hòa Ðàm kiêm Trưởng Phái Ðoàn Việt Nam Cộng Hòa tại Hội Nghị Hai Phía Miền Nam Việt Nam, La Celle Saint Cloud".

 

Hội nghị giữa những người anh em thù nghịch đó đã kéo dài, lúc họp, lúc ngưng, trong vòng hai năm từ 1973 tới 1975. Hội nghị đó đã trở thành một trong những truyền thuyết lịch sử vụn vặt, được dựng lên với âm mưu ý đồ làm cho dân Việt Nam và những người khác hy vọng ở hòa đàm. Ðiều đó phần nào đã đem lại kết quả là hai ông Thọ và Kissinger chia nhau lãnh Giải Nobel Hòa Bình năm 1973. Lẽ ra cũng nên thành lập Giải Nobel Hy Vọng.

 

*  *  *

 

Lễ "trao quyền" rất lộn xộn và có dáng dấp của một màn cải lương thật bất ngờ, với sự trợ lực của thiên nhiên, qua một cuộc dàn cảnh của thời tiết, làm cho Sài Gòn phải chìm trong bóng tối giữa ban ngày, khoảng một tiếng đồng hồ. Như tôi đã nói, cái cảnh tượng bất ngờ đó ăn khớp một cách hết sức hoàn chỉnh với hoa sen của nhà Phật, được tướng Minh sử dụng làm uy hiệu cá nhơn ông.

 

Trời quang mây tạnh ngay sau khi nghi thức chuyển giao chấm dứt. Ðại sảnh của dinh đầy ập người, phần lớn là thuộc các cơ quan truyền thông quốc tế và thành viên thuộc "Lực Lượng Thứ Ba" của "Minh Lớn". Một vài người quen đến bắt tay tôi và nắm lấy cơ hội để hỏi ngay, "Có hy vọng gì không?" Thậm chí có một người còn nói với tôi, "Thấy anh trở về Sài Gòn hôm nay thì biết còn hy vọng, có đúng không?" Tôi chỉ có thể đáp lại bằng một nụ cười chẳng giống ai. Một người bạn lâu đời, ông François Nivolon làm cho nhật báo Pháp, tờ "Le Figaro", cũng lách người tìm đến chào hỏi tôi với một cái nhướng mày kinh ngạc và chán nản. Rõ ràng là ông lo âu cho sự an toàn của cá nhân tôi.

 

Bạn bè và thân thuộc cho rằng tôi điên nên mới trở về Sài Gòn trong khi hàng nghìn người đang tìm mọi cách để ra đi. Bao nhiêu là thắc mắc! Liệu khi Sài Gòn sắp thất thủ tôi có bị quân cộng sản bắt và hành quyết hay không? Bộ tôi không lo cho sự an toàn của cha mẹ và gia đình tôi hay sao mà lại có mặt bên cạnh họ ở Sài Gòn để tạo ra mối nguy cơ cho họ vậy? Bộ tôi không thấy tình hình nguy ngập và hết hy vọng qua cuộc di tản hỗn loạn của mấy người Mỹ còn lại và như thế có nghĩa là vô phương cứu chữa chỉ còn có nước vọt ra ngoài càng nhanh càng tốt hay sao?

 

Ðầu óc tôi có nghĩ đến những chuyện đó nhưng không ảnh hưởng gì đến quyết định trở về Sài Gòn của tôi cả. Không một ai trong gia đình bảo là tôi nên về hay không hết. Chỉ một mình tôi quyết định thôi. Tôi chỉ muốn ở bên cạnh cha mẹ tôi, và chắc rằng cha mẹ tôi cũng muốn như thế, trong những ngày cuối cùng của Sài Gòn. Có lẽ đó là mục đích đầy đủ, ý nghĩa nhất và là niềm hy vọng của tôi và của gia đình trong những giờ phút nguy kịch và bi thảm đó. Chúng tôi đều biết là thật sự nguy hiểm nhưng điều quan trọng hơn nữa đối với chúng tôi là cùng hiện diện bên nhau. Nhiều giống thú vật cũng làm thế, thay vì chạy tán loạn mỗi con một ngả. Bản năng tự nhiên là tụm lại với nhau và cùng nhau nhận lấy số phận và định mệnh.

 

Ðủ thứ hy vọng, cá nhân cũng như tập thể, đều hiện hữu ở dinh tổng thống hôm đó. Phương tiện truyền thông quốc tế chắc phải cảm thấy rất cần có một niềm hy vọng, nhưng không thấy có một hy vọng nào to lớn xuất hiện. Giới chính khách Sài Gòn không thể chấp nhận chuyện chế độ Sài Gòn sụp đổ. Với sự từ chức của ông Thiệu và nay của ông Hương, "Lực Lượng Thứ Ba", mà đại biểu là "Minh Lớn", đã đạt được những gì họ mong đợi trong hai mươi năm qua là nắm được quyền hành và ngự trị trong "Dinh Ðộc Lập" khang trang, do ông Diệm dựng lên với viện trợ Hoa Kỳ và với sự tiếp tay của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đã được giải khôi nguyên La Mã năm 1955.

 

Vậy thì "Lực Lượng Thứ Ba" còn đòi hỏi gì nữa? Một giải pháp quân sự đã hoàn toàn vuột khỏi tầm tay. Quân lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không còn đánh nhau để mà đánh nhau nữa, không thể làm được điều gì mà nửa triệu quân Mỹ đã không làm được trong thập niên qua. Dĩ nhiên, họ có thể hy vọng ở một giải pháp chính trị - nhưng một giải pháp loại gì và như thế nào đây? Viễn tượng về một cuộc thảo luận chính trị với Hà Nội không có vẻ gì khác hơn "nói chuyện với đầu gối", theo kiểu nói rất phổ biến của người Việt Nam qua báo chí thời đó. Nói cho cùng, thế thương thuyết của "Minh Lớn" cũng không thuận lợi gì hơn.

 

Ðâu cần phải đòi hỏi tiếp tục có một đất nước gọi là Việt Nam Cộng Hòa nữa. May ra có thể hy vọng có được một chế độ không cộng sản thay vì một chế độ chống cộng ở Sài Gòn, nhưng như vậy chẳng khác nào trình làng một ván bài đen, thua là cái chắc. Liệu có không tưởng và quá muộn để cho "Lực Lượng Thứ Ba" của "Minh Lớn" cho biết là họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ hình thức chính phủ nào mà Hà Nội cho là phù hợp, miễn là phe nhóm của "Minh Lớn" được công nhận cách nào đó, thậm chí như là một "chiếc ghế nhỏ" trong hội đồng nội các không? Dù cho như vậy cũng chẳng có bao nhiêu hy vọng.

 

Chính khách Sài Gòn phải loại bỏ tuyệt vọng và tìm kiếm hy vọng, nhưng một thứ hy vọng không có mục đích phù hợp và có ý nghĩa, ngoại trừ niềm hy vọng tránh né được chết chóc và hủy diệt qua trận đánh dự kiến cho Sài Gòn. Nhiều người có thể coi bản năng sinh tồn cơ bản như là hy vọng. Thế nhưng, trong bầu không khí vô cùng căng thẳng của lễ trao quyền, đột nhiên tôi cảm thấy nhẹ người, không phải vì nó đem lại cho tôi chút hy vọng gì, nhưng vì, đối với tôi, cái lễ kia đã chính thức kết thúc cái chức năng và trách nhiệm vô ích của tôi, với tư cách là Quốc Vụ Khanh Phụ Trách Hòa Ðàm kiêm Trưởng Phái Ðoàn Việt Nam Cộng Hòa tại Hội Nghị Hai Bên Miền Nam Việt Nam, La Celle Saint Cloud. Thường thì hy vọng có đó và mất đó mà không ai nghĩ tới. Tôi cảm thấy có một cái gì gọi là hy vọng, nhưng thật sự tôi không biết hy vọng gì. Lúc bấy giờ, hy vọng có phần nào mơ hồ đối với tôi, nhưng dường như rất dễ lây lan và là một điều rất cần cho thiên hạ.

 

Trong thời kỳ hòa đàm Ba Lê, người ta có hy vọng và khi Hiệp Ðịnh Ba Lê được ký kết hàng triệu con tim ngập tràn hy vọng. Hy vọng làm cho người Mỹ đoàn kết trở lại và người Việt Nam cảm thấy hân hoan vì bớt đi cảnh chết chóc và tàn phá trên đất nước mình, ở Bắc lẫn ở Nam Việt Nam.

 

Vào những ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975, mọi người đều có hy vọng, cách này hay cách khác. Nhưng, lúc đó từ Sài Gòn đến Hoa Thạnh Ðốn mỗi người hy vọng với một mục đích khác nhau, vì có những ý định khác nhau, của ông Thiệu, ông Hương, và "Minh Lớn", của Gerald Ford và Kissinger, của Mao Trạch Ðông và Chu Ân Lai, của Leonid Brezhnev, của Giscard d'Estaing, và của nhiều người khác nữa đã từng liên hệ đến số phận của chính phủ một nước nằm về phía Nam của Việt Nam, mang danh hiệu Việt Nam Cộng Hòa. Thế là, trước hơn hết, người ta hy vọng có mục đích, nhưng nhiều phe phía lại có nhiều mục đích khác nhau.

 

Hồi mùa xuân 1975, mục đích hàng đầu, đáng quan tâm và đáng kể hơn hết, là mục đích của Hoa Kỳ - không phân biệt bồ câu hay diều hâu, tướng lãnh hay chính khách, tổng thống hay quốc hội, giáo sư đại học thông thái hay trùm tư bản. Sau cùng và thực ra, đó là ý muốn và mục đích hoàn toàn xuất phát từ nhân dân Mỹ và có lợi cho họ mà thôi. Có một cuộc "Chiến Tranh của Mỹ ở Việt Nam" nhưng Mỹ không thua mà cũng chẳng thắng ở Việt Nam. Thực ra thì có một cuộc "Chiến Tranh Việt Nam ở Hoa Kỳ", bị nhân dân Hoa Kỳ làm cho thất bại, chưa phải là trăm phần trăm nhưng cũng phần nào.

 

Mục đích của hy vọng mang tính cách riêng tư và cá biệt, nhưng hy vọng với mục đích có ý nghĩa và hợp lý thì người ta dễ hy vọng hơn. Mục đích cần phải có nội dung được mọi người chấp nhận để có thể biến thành hy vọng, một thứ hy vọng có khả năng tồn tại lâu dài, và như thế may ra mục đích mới có thể chiếm ưu thế và đem lại ý nghĩa cho hy vọng.

 

 

 (Kỳ tới: "Mỹ cút, ngụy nhào")

Phan Quân
(Trích dịch)

 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.