.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)


bút
việt
hồn
quê

BIÊN TẬP

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Kiều Mỹ Duyên | Trần Trung Đạo | Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Tâm Hải Đức | Võ Thị Trúc Giang | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Tuệ Chương - Hoàng Long Hải | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Đại Lãn | Lặng Lẽ | Lâm Kim Loan | Trần Quan Long | Phạm Trọng Luật | Miêng | Diệu Trân | Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Tuệ Sỹ | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Trần Khải Thanh Thuỷ | Anh Thư | Tiểu Tử | Nguyễn Ước | T. Vấn | Hiền Vy | Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |

 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

Hope and Vanquished Reality - Nguyễn Xuân Phong

8. Thượng đỉnh Manila            
7. "Nội các chiến tranh" và tôi
6. "Du học" miền Bắc               
5. Học với Tập                           

4. Hòa đàm Ba lê                      
3. "Mỹ cút, Nguỵ nhào"              
2. Bốn Mươi Tám Giờ               

1. Một thành phố tan hàng       

7. "Nội các chiến tranh" và tôi

  • 30.12.2007

Từ đầu năm 1965, càng ngày quân đội càng nắm quyền hành. Rồi thì Hội Ðồng Quân Lực đã thực sự cai trị Nam Việt Nam.

 

Một buổi chiều vào giờ tan sở, tôi đang ngồi trong phòng làm việc ở hãng xăng Esso thì một người tuổi trung niên, ăn diện com-lê cà vạt, đến gõ cửa và xin nói chuyện với tôi. Ban đầu, tôi tưởng là ông ta muốn xin việc làm. Nhưng, ông ta giải thích ngay là ông đến tìm tôi, theo lệnh của Hội Ðồng Quân Lực - thẩm quyền tối cao của đất nước lúc bấy giờ - để giao cho tôi một nhiệm vụ.

 

Ðối với tôi thì ông ta như là con người từ ngoại tầng không gian đáp xuống. Mối liên hệ duy nhất của tôi với chánh trị và quân đội là mảnh giấy tôi vừa nhận được, đòi tôi trình diện để thi hành nghĩa vụ quân sự. Ông ta mở đầu câu chuyện bằng cách nói thẳng ra rằng lệnh động viên của tôi đã được đình hoãn nhiều lần rồi. Vài ba phút sau đó, tôi được biết rằng mục đích của ông không phải đến để bắt tôi đưa vào trung tâm huấn luyện quân sự. Một cách trịnh trọng và thừa lệnh Hội Ðồng Quân Lực, ông yêu cầu tôi chấp nhận ghế bộ trưởng lao động trong chánh phủ mà các tướng lãnh đang thành lập. Ông vội vàng nói thêm một cách lịch sự là nếu tôi quyết định từ chối đề nghị của Hội Ðồng Quân Lực để rồi phải vào quân trường trong vài ngày tới đây thì thật là phí phạm tài năng. Ông rất tiếc là sự việc đã được trình bày một cách quá vội vã và trao cho tôi địa chỉ của một biệt thự trên đường Công Lý, với lời hẹn là hai mươi giờ.

Khi ra về, ông ấy cũng còn tử tế nói thêm:

- Chúng tôi cũng biết là ông chỉ có ba tiếng đồng hồ để suy nghĩ và quyết định, dĩ nhiên là tối nay ông có quyền đến nơi hẹn hay không, tùy ông định liệu.

Ông ta đến gặp tôi chừng mười lăm phút.

 

Tôi ngồi thừ người ra, không còn nghĩ ngợi gì được nữa và tự hỏi làm sao có ai trong giới chánh trị hoặc quân sự biết được sự hiện diện của tôi trên cõi đời này. Hầu như tôi chẳng có cách gì từ chối một đề nghị khó tin như thế, một đề nghị thực ra là một mệnh lệnh đối với tôi. Tôi không phải là một thứ anh hùng hay loại người nhiều lý tưởng mà dám chống lại các tướng lãnh. Tôi chỉ là một con người hết sức tầm thường, cố gắng trở thành một nhà kinh doanh tài giỏi và thành công, hoàn toàn dị ứng với những thứ gì có dính líu đến chánh trị và không thích đời sống công sở. Tôi điện thoại về nhà báo cho mẹ tôi là tôi không ăn cơm tối vì có công chuyện gấp ở sở, rồi làm một tách cà phê to tướng và thật đậm.

 

Ngồi một mình trong văn phòng ở Esso, tôi chẳng nghĩ chút nào đến những gì chức vụ bộ trưởng sẽ đem lại cho tôi. Trái lại, tôi thả hồn vào cõi u buồn trong hai tiếng đồng hồ, hình dung và suy ngẫm đủ điều, và hồi tưởng lại những ngày thích thú ở Anh quốc và năm năm sau này làm việc cho Esso, từ lúc tôi trở về Sài Gòn. Chiều hôm đó, cả một thế giới trong tôi dường như đã sụp đổ, và linh tính báo rằng những gì ở phía trước sẽ chẳng tốt đẹp tí nào. Tôi đương đầu với một cái gì hoàn toàn vô định, quá to lớn, nên tôi không muốn tìm hiểu hay đối phó. Cuối cùng, tôi ý thức rằng đôi khi, con người ở đời phải chấp nhận thực tế của số mạng.

 

Ðến giờ phải tới điểm hẹn, tôi tắt đèn, khóa cửa phòng, chào tạm biệt (lần cuối) người gác đêm trong vòng rào của tòa nhà Esso, nhảy lên chiếc xe hơi chẳng khác gì như một rô-bô, cho nổ máy và bắt đầu chạy tới địa chỉ đã cho. Tôi không thể tưởng tượng rằng cái đêm tháng Sáu 1965 đó là lúc tôi bắt đầu một hành trình mười năm để đi đến cao điểm là trại học tập cải tạo Long Thành.

 

[...]

 

Trong phòng giam nhà tù Thủ Ðức, tôi luôn tự hỏi không biết đã làm cách nào mà leo lưng cọp được trong vòng mười năm dài đăng đẳng kia. Tôi không có thói quen hối tiếc bao giờ cả. Tôi không hối tiếc vì đã trở về Sài Gòn năm ngày trước khi thành phố này rơi vào tay cộng sản. Tôi đã không hối tiếc vì đã rời Anh quốc để trở về Nam Việt Nam hồi 1960. Và tôi cũng chưa tự trách cứ mình sao đã đi đến nơi hẹn hồi tháng Sáu 1965 làm chi để cho thân phận bị gắn bó với chức bộ trưởng chánh phủ.

 

*  *  *

 

Ðêm đó, khi lái xe rời khỏi tòa nhà Esso, tôi chưa thấy thắc mắc gì về điều mà tôi sẽ gặp phải. Nhất định rằng trại huấn luyện quân sự và đi lính là điều dễ ghét đối với tôi, và nếu không tránh được thì tôi cũng có cách. Nếu như tôi không được mời làm bộ trưởng lao động, có thể tôi sẽ là một kẻ trốn quân dịch và bỏ xứ ra đi. Thế thì thân phận của tôi sẽ khác đi. Dù sao, định mệnh cũng đã an bày.

 

Ði đến địa chỉ đã cho chỉ mất năm phút ô tô. Nơi hẹn là một biệt thự rộng lớn, ở mặt tiền có một cái vườn bông. Những người dân sự đứng gác mở cổng cho xe tôi vào, ngay sau khi tôi cho biết danh tính. Tôi nghĩ là tôi ăn mặc khá chỉnh tề với sơ mi trắng tay dài và cà vạt. Người ta đưa tôi vào một phòng khách thênh thang, khoảng hai mươi người đã ngồi đấy, ai cũng lạ hoắc. Tôi gật đầu chào toàn thể và tìm một chiếc ghế trống gần nhất để ngồi và không dám nhìn thẳng vào mặt ai vì sợ bị cho là vô lễ. Phần đông đều lớn tuổi hơn tôi nhiều và dù cảm thấy không thoải mái, tôi cũng không thấy e ngại hay sợ sệt gì hết. Khoảng năm phút sau, một người nho nhã, trọng tuổi, ôm ốm, bước vào. Một người mà tôi thực sự vui mừng gặp lại, đó là bác sĩ Trần Văn Ðỗ, bạn lâu đời của cha mẹ tôi. Ông có vẻ cũng vui mừng khi gặp tôi và bắt tay chào hỏi thân tình, rồi ông đi đến chào những người khác.

 

Bác sĩ Ðỗ là người đã từng đại diện cho Sài Gòn tại Hội Nghị Genève 1954 và từ đó đến giờ tiếp tục làm bộ trưởng ngoại giao, lúc làm lúc nghỉ, trong khi vẫn hành nghề y sĩ. Bác sĩ Ðỗ đã đi vào sách vở lịch sử vì đã khóc như người mất vợ khi Hiệp Ðịnh Genève 1954 về Ðông Dương quyết định chia đôi Việt Nam tại vỹ tuyến thứ mười bảy - sản sinh ra cái gọi là Cộng Sản Bắc Việt và Quốc Gia Nam Việt Nam - hay ít ra cũng là những thực thể hay thực tế, nếu không muốn tranh cãi nhiều về luật pháp quốc tế.

 

Kế đó, sinh hoạt rộn rịp hẳn lên và có tiếng xe hơi chạy vào cổng. Một người trẻ có râu mép, mặc đồ bay đen, có gắn hai sao cấp tướng, hối hả bước vào phòng, chào mừng toàn thể và mời mọi người bước sang phòng ăn. Tôi nhận ra ngay Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Tôi có thấy hình ảnh ông ấy trên báo chí. Hội Ðồng Quân Lực vừa mới chỉ định ông làm chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Tên gọi có vẻ "cách mạng" đồng nghĩa với "chánh phủ"). Chúng tôi được mời ngồi xung quanh chiếc bàn ăn dài và ông Kỳ mở đầu phiên họp với lời cám ơn tất cả chúng tôi đã đồng ý giúp đỡ ông ta thành lập một chánh phủ, cần phải hoàn tất và bắt đầu hoạt động trong vài hôm nữa. Ông giải thích rằng trong hai năm qua, từ khi lật đổ ông Diệm, các chánh phủ dân sự kế tiếp nhau đều thất bại trong việc đem lại ổn định cho đất nước. Vì lẽ đó - ông nhấn mạnh và lập lại từ "ổn định" - Hội Ðồng Quân Lực phải đứng ra nắm lấy quyền hành.

 

Nhìn lướt qua một tờ giấy, ông Kỳ lần lượt gọi tên chúng tôi, tương ứng với các bộ liên hệ và giới thiệu mỗi người cùng tập thể. Mỗi khi được đọc tên, chúng tôi từng người đứng lên gọn gàng, cúi đầu chào bên trái rồi bên phải. Tôi không nhớ được ai với ai hết ngoại trừ bác sĩ Ðỗ và Tướng Kỳ. Có lúc, ông Kỳ nhận xét, đối chiếu niên kỷ chúng tôi, từ người nhiều tuổi nhất là luật sư Lưu Văn Vi, vào lứa tuổi bảy mươi, làm Ủy Viên Tư Pháp, đến kẻ nhỏ tuổi hơn hết là tôi, một nhà kinh doanh, chỉ có hai mươi chín, làm Ủy Viên Lao Ðộng. Sau đó, ông đi vòng quanh chiếc bàn bắt tay mọi người. Tôi nghĩ ông muốn biểu lộ tình thân hữu bằng một nụ cười thoáng qua, nhưng hơi khó thấy vì bị bộ râu mép che khuất.

 

Sau khi Tổng Thống Diệm bị ám sát hồi tháng Mười Một 1963, tập đoàn quân đội tìm cách làm cho Hoa Thịnh Ðốn hài lòng nên đã để cho các chính khách Sài Gòn đứng ra thành lập một loạt chánh phủ "dân sự", hết cái này đến cái khác, chỉ để đi đến hai năm đầy hỗn loạn. Tổng Thống Johnson đành phải chấp nhận quyền lực dễ ghét của phái quân đội ở Nam Việt Nam để may ra duy trì được một thế ổn định nào đó. Vì thế nên Hội Ðồng Quân Lực mới ra đời hồi tháng Sáu 1965, đương nhiên là để bảo vệ tự do và dân chủ.

 

Ông Kỳ, lúc bấy giờ khoảng ba mươi lăm tuổi, ngồi ghế thủ tướng cho đến khi trở thành phó tổng thống cho ông Thiệu. Tôi không thể nghĩ rằng ông muốn làm thủ tướng khi còn quá trẻ. Chúng tôi có một điểm chung là cả hai chúng tôi còn ít tuổi đối với chức vụ. Tôi thấy rõ là ông Kỳ chưa hiểu biết hoặc chưa có kinh nghiệm để cầm đầu chánh phủ Nam Việt Nam. Không một ai có khả năng như thế sau khi ông Diệm tạ thế. Thời đại hỗn loạn chế ngự Sài Gòn. Ai điên gì mà lãnh lấy nhiệm vụ đó? Tất cả các tướng lãnh khác đều nhiều tuổi hơn ông Kỳ nên thích ở hậu truờng sân khấu hơn.

 

Thiên hạ muốn nói gì về ông Kỳ thì nói, nhưng tôi thấy rằng ông ta là một con người điềm đạm, bình tĩnh và lịch sự. Ông ấy cũng là một con người hành động khá hăng say - một con người quy tụ một cách phức tạp những tính như bốc đồng, trực giác và kiên quyết trong những tình huống khủng hoảng và khẩn cấp. Dù cho ông nhanh trí để có một quyết định tốt hay bậy bạ, nhưng ông cũng có ưu điểm là thái độ cùng với tài ăn nói trước đám đông và sức thu hút quần chúng của ông. Ông cũng hết lòng hết dạ với cộng tác viên và phụ tá, người tốt cũng như người xấu, nhưng ông không quy tụ được nhiều người tốt bên cạnh ông. Ðó là nhược điểm của ông. Ông điều hành chánh phủ theo kiểu phi công tài ba điều khiển chiến đấu cơ phản lực, một thân một mình trong phòng lái, giống như ông làm việc bên quân sự. Ông rất bận rộn với các tướng lãnh và chiến tranh nên các bộ trong chánh phủ phải tự mình lo liệu lấy.

 

Tôi không hiểu những người khác ngồi chung quanh chiếc bàn có nghĩ gì về cái đêm định mệnh đó hay không, trường hợp nào đã đưa họ đến đây, họ có mục đích gì và động cơ nào thúc đẩy họ. Về sau, tôi thấy rằng ông Kỳ, hay là Hội Ðồng Quân Lực, đã hình thành một sự pha trộn khôn khéo trong vụ tập họp này. Một sự cân bằng giữa nam và bắc, già với trẻ, chuyên viên và chính khách, dân sự và quân đội. Tôi thuộc thành phần rất trẻ, phi chánh trị và chuyên viên miền Nam. Những người khác có những hy vọng và mục đích cao quý như thế nào tôi không được biết. Riêng tôi thì một sự rỗng không. Cho nên, thế là tôi đã leo lưng cọp.

 

Bộ Lao Ðộng, mà tôi được đề cử để quán xuyến, nhỏ hơn Phòng Nhập Cư về tầm cỡ cũng như về nhân sự và ngân sách hàng năm không bằng ngân sách của ngành Chuyên Chở Công Cộng Sài Gòn. Tôi cũng khám phá ra rằng đồng lương nhà nước thật kém cỏi. Không phải là công chức hay sĩ quan quân đội, có ngạch trật hẳn hoi, tôi được kể như một loại "thân hào nhân sĩ" chỉ ăn lương tháng cấp bộ trưởng chánh phủ. Số tiền chẳng là bao đó - do chính sách khắc khổ của ông Kỳ - chỉ hơn đồng lương mà tôi xuất túi để trả cho chuyên viên tốc ký kiêm đánh máy riêng của tôi, một cộng sự viên tín cẩn. Còn có cái gọi là "quỹ mật", gấp đôi lương tháng của bộ trưởng, có thể chi tiêu không cần chứng minh. Số tiền đó được dùng làm quỹ chi tiêu lặt vặt để người thư ký của tôi mua thuốc lá, trà, cà phê, nước ngọt và thỉnh thoảng mua sandwich vì những thứ xa xỉ đó không có mục nào trong ngân sách của bộ đài thọ. Vì còn độc thân, tôi khước từ những tiện nghi do chánh phủ cấp như nhà ở chức vụ, với đầu bếp, quản gia, tài xế và công xa, và vẫn tiếp tục ở với cha mẹ tôi trong cơ ngơi của gia đình, như vậy yên chí hơn.

 

Làm bộ trưởng không hấp dẫn bằng làm một nhà doanh nhân trẻ và sung túc mà tôi đã hoạch định. Không được bảo hiểm, không có phụ cấp đắt đỏ, không có hưu trí hay những quyền lợi tương tự. Thậm chí sau này, khi được phái đi "công vụ" ở hòa đàm Ba Lê, tôi được trả khoán 50 Mỹ kim một ngày. Khoản tiền tiết kiệm mà tôi đã tom góp được sau năm năm làm việc với Esso tiêu tan như tuyết trên lò sưởi. Gia đình tôi không giàu có gì, lương đồng nào xào đồng nấy. Vì vậy cho nên, sau khi Sài Gòn sụp đổ, các ông cậu và chú bác của tôi, những người làm lớn bên phía cộng sản, ngạc nhiên vì sao tôi không có nhà, xe riêng, không có tiền gởi ngân hàng. Nếu xét theo tiêu chuẩn Mác-xít thì tôi chắc chắn được liệt kê vào giai cấp "tiểu vô sản" một cách không khó khăn gì hết.

 

Gia nhập chánh phủ Sài Gòn, tôi không có mục tiêu hay mục đích cá nhân nào đặc biệt cả. Tôi chỉ bận tâm với công việc được giao phó cho tôi ở Bộ Lao Ðộng. Tôi không có nhu cầu phải giao dịch nhiều với các bộ khác. Qua kinh nghiệm điều đình với những công nhân ngành xăng dầu ở Esso, tôi không xa lạ gì với các lãnh tụ công đoàn và viên chức bộ lao động. May mắn cho tôi là gặp được một người bạn cũ khác của ba tôi, ông Nguyễn Lê Giang, một người đã được đào tạo chu đáo dưới thời thực dân Pháp để trở thành công chức cao cấp ở Bộ Lao Ðộng. Ông đã hai lần làm Bộ Trưởng Lao Ðộng dưới trào các chánh phủ dân sự trước kia và nay vẫn tiếp tục ở đó với tư cách là Tổng Thanh Tra Lao Ðộng. Ông vui mừng khi gặp tôi, và tôi cũng vui mừng gặp được ông, và ông cho rằng sự hiện diện của tôi là "một luồng không khí mát mẻ" so với những chính khách Sài Gòn đã làm bộ lao động trước kia.

 

Việc làm không mấy thích thú đối với tôi, nhưng tôi cố gắng hết sức mình để hoàn thành. Tôi được để yên muốn làm gì thì làm, nhưng điều đó làm cho tôi ngại nhất. Nói chung, tôi thích khoảng thời gian phục vụ tại Bộ Lao Ðộng, với tất cả những người làm việc tại đó, nhưng các cuộc tiếp xúc đầu tiên của tôi với chánh trị Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ ở Nam Việt Nam làm cho tâm tư của tôi phải ray rứt vô cùng.

 

Ðại để, bộ lao động có ba mục tiêu là cải thiện bang giao với nghiệp đoàn, làm cho công nhân ý thức được an toàn lao động và áp dụng luật lệ lao động, mà chỉ có một ít công ty Việt Nam để ý thi hành, vì lực lượng lao động của họ không đáng kể. Hầu hết những liên đoàn ngoại quốc không cần biết đến Bộ Lao Ðộng. Ông Nguyễn Lê Giang cũng như cha tôi - thậm chí như ông tôi, trên phương diện tuổi tác - nên chúng tôi làm việc với nhau rất vui vẻ và mỗi khi họp lại, chúng tôi thường có những dịp để vui cười. Chẳng hạn như chúng tôi rất quan tâm để đạt được an toàn lao động cho công nhân, nhưng khi có người đạp phải mìn bẫy trên đường đi làm thì lý do là chẳng may. Một hỏa tiễn rơi trúng xưởng thợ thì cũng là vì rủi ro và hóa chất khai hoang (chất độc màu da cam) mà rải lầm xuống công nhân cao su thì tại họ gặp vận xui. Làm gì có chuyện an toàn trong chiến tranh, kể cả an toàn lao động. Như thế thì các công ty bảo hiểm gặp được thời kỳ vàng son.

 

Cho nên, dù có cùng đường lối, cùng ước mơ và cùng lý tưởng tuyệt vời do Sài Gòn và Hoa Thịnh Ðốn đưa ra, chúng tôi cũng không tài nào thực hiện được chính sách "súng và bơ" của Tổng Thống Lyndon Baines Johnson (LBJ). Làm thế nào người ta có thể hy vọng thiết lập hoặc tái lập một tình trạng bình thường ở Nam Việt Nam trong tình hình chiến tranh ác liệt cho được? Hay là làm sao có thể cho rằng mọi việc đều tốt đẹp cho dân chúng nhờ kinh tế thịnh vượng, trong khi hàng triệu quân lính phải tiếp tục đánh nhau trên chiến trường năm này qua năm nọ chớ?

 

Thế nhưng, phải nói là nhờ Tổng Thống Johnson nhiều nhất vì, trong số năm vị tổng thống Hoa Kỳ đối đầu với Chiến Tranh Mỹ tại Việt Nam, ông là người đã giải quyết cuộc xung đột và tình trạng khó xử ở Việt Nam - đang hồi quyết liệt đối với Hà Nội lẫn Hoa Thịnh Ðốn - một cách dứt khoát và tận tình. Về sau, Tổng Thống Nixon đứng trước một sự chọn lựa ít khó khăn hơn, vì vào những năm 1968-1969, các nhà lãnh đạo Bắc Việt đã bắt đầu giảm bớt điều kiện để điều đình mà muốn tìm ra một lối thoát (dù là tạm bợ). LBJ đã dành hết tâm trí để đối phó với chiến tranh ở Việt Nam. Không nhất thiết là cuộc chiến của ông, nhưng nó đã trở thành cuộc chiến dài nhất, bi thảm và khủng khiếp, trong hai trăm năm của lịch sử nhân dân Hoa Kỳ. Danh tính LBJ sẽ mãi mãi được nhắc đến và được gắn liền với cuộc xung đột ở Việt Nam. Cái trớ trêu của số phận và định mệnh là ở đó.

 

Tổng Thống Johnson đưa ra sáng kiến "súng và bơ" một cách thật tình, phù hợp với lý tưởng cao quý nhất của Mỹ, được lưu truyền từ những bậc khai quốc công thần. Ðầu óc LBJ đưa ra "súng ống" nhưng tâm tư ông cho thêm "bơ" vào, với tất cả quyền lực và sự thịnh vượng ghê gớm của chương trình Ðại Xã Hội (Great Society). Ở Hội Nghị Honolulu hồi tháng Hai 1966, ông đã minh bạch nói cho các Tướng Thiệu và Kỳ của Sài Gòn biết rõ mục đích. Hội nghị đó là một thượng đỉnh đầy tình nghĩa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trên Thái Bình Dương, nửa đường giữa Hoa Thịnh Ðốn và Sài Gòn, với sự hậu thuẫn của cấp lãnh đạo có thế lực của Ngũ Giác Ðài cũng như những vị bộ trưởng canh nông, y tế, giáo dục và xã hội năng nỗ của Mỹ.

 

Tổng Thống Johnson không phải mất nhiều công sức để thuyết phục cho những người đồng minh Nam Việt Nam của ông biết rằng chương trình "súng và bơ" của ông là điều tốt nhất mà họ có thể ước mơ trên cõi đời này. Ðiều làm cho Tổng Thống Johnson vui thích vô cùng là những nhà lãnh đạo của Sài Gòn chứng tỏ ra bảo hoàng hơn vua bằng cách long trọng cam kết sẽ đích thân thực thi một cách thận trọng chương trình vĩ đại của LBJ. Tổng Thống Johnson cũng muốn cho các nghị sĩ hay chống đối như Fulbright, Morse cùng những người khác - lúc bấy giờ đang điều trần trước ủy ban ngoại giao thượng viện - thấy rằng chiến dịch mưu tìm tự do và dân chủ cho Nam Việt Nam có mục đích đáng ca ngợi và đứng đắn (mục đích), là để bảo vệ phẩm chất đoan trang và đạo đức văn minh nhất (ý nghĩa), và chính sách "súng và bơ" của ông là điều hợp lý và phải lẽ nhất đáng được tiến hành (lý do). Ðiều còn lại mà LBJ phải làm là tạo ra những thực trạng để nuôi dưỡng niềm hy vọng của ông.

 

Chính sách của Tổng Thống Johnson chủ trương một cách đơn giản là ngăn ngừa không cho Bắc Việt tấn công Nam Việt Nam bằng vũ lực. Trong bối cảnh của thế giới quan đó, có thể ông đã yên tâm nghĩ rằng, về mặt đạo đức, ông có lý khi đưa ra một chính sách như thế. Nhất định là ông tin tưởng rằng ông có thừa khả năng vật chất để trừng trị Bắc Việt. Ðồng thời ông lại có khuynh hướng muốn đem lối sống của Mỹ, đem sự tiến bộ và thịnh vượng chia sẻ cho người Việt nghèo khổ ở Nam Việt Nam. Chắc chắn là ông thành thật ước muốn như thế. Hy vọng của ông đã được trình bày rõ ràng trong bản thông cáo chung của Hội Nghị Honolulu, một bản thông cáo chủ trương mạnh mẽ "phòng thủ chống lại xâm lược, làm cách mạng xã hội, tiến tới chánh phủ tự do, tấn công nghèo đói, ngu dốt và bệnh tật, và không ngớt mưu tìm hòa bình."

 

Mặc dù với tất cả thiện chí và những ý định tốt đẹp, cuối cùng, chính sách lại sản xuất ra nhiều "súng" hơn "bơ", như sự thể đã cho thấy một cách đáng buồn và nhanh chóng sau này. Vậy chớ có thế nào Tổng Thống Johnson coi trọng khía cạnh "bơ" nhiều hơn "súng" không? Theo như châm ngôn Việt Nam thì nên "giải quyết vn đề bẳng con tim và khối óc", thay vì bằng khối óc và con tim. Ðương nhiên là có một niềm hy vọng to lớn để có được thịnh vượng và tiến bộ, tự do và dân chủ - những lý tưởng bất diệt và phổ thông của mọi thời ở khắp nơi và cho mọi người. Chắc chắn là dù sao Tổng Thống Johnson cũng chỉ thị cho các nhà ngoại giao và các tướng lãnh của ông phải tận tình giúp đỡ chánh phủ Sài Gòn để làm cho những điều đó trở thành thực tế.

 

Vào mùa xuân năm 1966, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, tướng Nguyễn Cao Kỳ nhắc tới nhắc lui với mọi người - một cách rất hùng hồn như thường lệ, với tài ăn nói bẩm sinh của ông - rằng giải pháp trọng yếu cho cuộc chiến tranh chống lại xâm lược vũ trang đẫm máu của Bắc Việt, muốn có hiệu quả, không phải là một chánh phủ dân sự hay quân sự mà khẳng định là một chánh phủ "được bầu một cách dân chủ".

 

 

(Kỳ chót: Thượng đỉnh Manila)

 

Phan Quân
 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

Tập truyện Nỗi Buốn Côi Cút.

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.