.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 
Trước đèn đọc sách:

Điệu sáo chướng tai

2.

Hồ Chí Minh, sáng lập viên Đảng Cộng Sản Đông Dương, nắm lấy chánh quyền vào tháng 8 năm 1945, giữa lúc nạn đói đang hoành hành trên đất Bắc Kỳ và vùng đất Bắc-Trung Kỳ. Xác chết rải rác khắp đường phố Hà Nội và ở miệt đồng quê.

 

Nông dân thực hiện đúng tinh thần lời hứa của Đảng Cộng Sản hồi 1930, chủ trương rằng "ruộng đất là của người cày". Tại nhiều tỉnh, nhứt là ở Bắc-Trung Kỳ (Nghệ An, Thanh Hóa) và ở Bắc Kỳ (Bắc Ninh, Thái Bình), các Ủy Ban Nhơn Dân đứng ra phân chia ruộng đất và tịch thâu tài sản của bọn phú nông. Vì vậy cho nên, mới mở đầu mà cuộc cách mạng có vẻ như một cuộc đấu tranh xã hội vô cùng thô bạo.

 

Trung ương hoảng sợ và giựt mình, Hồ Chí Minh phải cho Ủy Ban Nhơn Dân các tỉnh biết rằng "ruộng và đất đai canh tác không được chia" và ban hành Quyết Định Số 63 về "tổ chức chánh quyền nhơn dân" theo hình chóp, nghĩa là dưới phải thi hành lịnh trên và trên phải kiểm soát dưới.

 

Cuối tháng 8 năm 1945, ở mỏ than Bắc Kỳ, nơi tập trung đông đảo dân vô sản người Bắc, và cũng từng bị bốc lột nặng nề nhứt, 30.000 thợ mỏ Hòn Gai-Cẩm Phả, vừa thoát khỏi kềm kẹp của Tây, sau vụ Nhựt đảo chánh (9.3.1945), tưởng đâu có thể làm chủ được thân phận mình. Họ bầu Ủy Ban Công Nhơn để quản lý công việc sản xuất. Những Ủy Ban nầy đi xa hơn nữa, kiểm soát luôn công việc của quận hạt, của hỏa xa, của bưu điện. Họ áp dụng lương bổng đồng đều, chống nạn mù chữ và lập ra bảo hiểm xã hội. Y như là một công xã công nhơn. Trung ương đâu thể làm ngơ.

 

Hồ Chí Minh đưa quân, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Phương Thảo (sau nầy lấy bí danh Nguyễn Bình), tới bao vây quận và ra lịnh bắt hết những đại biểu thợ mỏ. Những người nầy bị đem về Hải Phòng, nhưng rồi cũng phải thả ra dưới áp lực của thợ mỏ. Nhà nước đưa cán bộ thay thế Ủy Ban Công Nhơn và áp đặt chế độ dân chủ cộng hòa của mình.

 

Việt Minh nắm quyền rồi, rất sợ những phong trào và những sáng kiến độc lập có cơ làm xói mòn tánh cách bá quyền của họ. Hồ Chí Minh không chấp nhận những cuộc cách mạng xã hội. Ông cho những cuộc đấu tranh của công nhơn và nông dân, ngoài hệ thống Việt Minh, là do phe Trotskiste xúi giục nên cần phải bị đè bẹp.

 

Trong những năm 1930, phong trào tranh đấu chống thực dân ở Việt Nam bùng lên rất mạnh. Trong buổi ban đầu đó, Cộng Sản Đệ Tam (phái Staline) và Cộng Sản Đệ Tứ (phái Trotski) hợp sức tranh đấu chống kẻ thù chung, nhưng vào năm 1938, vì tranh chấp quyền bính nên hai phe cộng sản tách rời và phe Đệ Tam giết hại phe Đệ Tứ triệt để. Bởi vậy về cái chết của Tạ Thu Thâu (người thành lập nhóm Trotskiste tại miền Nam), Hồ Chí Minh tuyên bố rằng: "Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc. Chúng tôi đau buồn khi hay tin ông mất... Nhưng tất cả những ai không theo đường lối tôi ban hành đều sẽ bị tiêu diệt." Như vậy đủ biết là hai phe cộng sản coi nhau như kẻ thù không đội trời chung.

 

Hồ Chí Minh tuyên bố rằng: "Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc. Chúng tôi đau buồn khi hay tin ông mất... Nhưng tất cả những ai không theo đường lối tôi ban hành đều sẽ bị tiêu diệt."

Rốt cuộc lại phe Đệ Tam, nhờ có Liên Xô của Staline ủng hộ nên mạnh hơn, dành được chánh quyền. Sau khi Nhựt Bổn đầu hàng, những đảng phái chánh trị đâm ra bối rối vì chưa kịp chuẩn bị. Khi Việt Minh tiến vào Hà Nội, Hồ Chí Minh tóm thâu tổ chức Thanh Niên Tiền Phong, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch quản trị. Trong Nam, phong trào Thanh Niên Tiền Phong mạnh nhứt, vì xuất phát từ những Hội Ái Hữu Học Sinh Nam Kỳ phối họp với Tổng Hội Sanh Viên Đông Dương, sau đó được Đại Tá Ducoroy tổ chức với dụng ý khác, cũng ngả theo Việt Minh.

 

Ngày 25.8.1945, Trần Văn Giàu, cán bộ được đào tạo tại Mạc Tư Khoa, tự phong Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời Nam Bộ. Có hai người nữa phụ lực là Nguyễn Văn Tạo, Ủy Viên Nội Vụ và Dương Bạch Mai, Ủy Viên An Ninh. Trần Văn Giàu tuyển mộ giặc cướp Bình Xuyên làm cận vệ và để chứng tỏ lòng trung thành, Bình Xuyên nộp cho Ủy Ban một lô võ khí ăn cắp của Nhựt Bổn. Lực lượng võ trang nồng cốt của Ủy Ban là đội vệ binh cơ động Annam trước kia của nhà nước thuộc địa. Dương Bạch Mai thành lập Quốc Gia Tự Vệ Cuộc theo hình thức Guépéou (GPU), mật vụ Nga. Nhơn viên công an và các tổ đặc công ám sát lấy từ lực lượng Bình Xuyên.

 

Ngày 27.8.1945, Trần Văn Giàu và đồng bọn âm thầm mặc cả với Đại Tá Cédile, phái viên của Tướng De Gaulle, được Không Quân Hoàng Gia Anh thả dù xuống. Hành động đó của Giàu bị các nhóm khác nghi ngờ. Cuối năm 1944, trong khi Hồ Chí Minh cầu cạnh OSS (Office of Strategic Services) ở Côn Minh thì ở trong Nam, Trần Văn Giàu cũng tìm cách o bế Tây, qua tên trùm mật thám Duchêne.

 

Trần Văn Giàu cho rải truyền đơn rêu rao: "Việt Minh sát cánh với Đồng Minh để đánh bại Pháp và Nhựt Bổn. Bên Anh, chánh phủ Atlee nghiêng về cánh tả nên chúng ta dễ điều đình hơn." Nhưng sự thực không phải như vậy. Lúc vị Tướng người Anh, Gracey cầm đầu Ủy Ban Kiểm Soát Đồng Minh, tới Sài Gòn để giải giới quân Nhựt, Giàu cổ võ dân chúng treo cờ và biểu ngữ chào mừng. Nhưng trong phúc trình sau đó, Gracey viết: "Tôi đã được Việt Minh chào đón, nhưng tôi đã nhanh chóng đuổi họ đi."

 

Như vậy, người ta thấy rằng trong giờ phút đầu tiên của cách mạng 1945, ở Sài Gòn hai phe cộng sản còn chống đối nhau quyết liệt, không lo chống lại âm mưu của Đồng Minh. Phe Đệ Tứ để cho công nhơn và nông dân đứng lên làm chủ, còn phe Đệ Tam thì kềm hãm lại, nói rằng chưa làm cách mạng nông nghiệp, chưa chia ruộng đất, chưa tịch thu ruộng đất của phú nông. Những người Trotskiste xúi nhơn dân võ trang, thành lập ủy ban nhơn dân và dân quân. Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời bắt những người gây rối loạn trật tự nhốt vô khám lớn Sài Gòn. Nhưng vài ngày sau, quân Anh nắm lấy tình hình của khám lớn và giải giao họ cho sở mật thám Tây.

 

Tướng Gracey tái võ trang những người Pháp bị Nhựt cầm tù hồi 9.3.1945 và ban bố tình trạng thiết quân luật ngày 21.9.1945. Đêm 23, quân lính Pháp có lính Gurkhas (lính người Ấn trong quân đội Anh) của Tướng Gracey yểm trợ, đổ bộ xuống thành phố Sài Gòn. Ngày 23.9, Sài Gòn vùng lên, nhưng Trần Văn Giàu và đồng bọn đã chuồn đi ngày hôm trước. Lúc bấy giờ, các lực lượng chống thực dân lại liên minh bao vây vòng ngoài thành phố.

 

Có những trận đánh nhau lẻ tẻ, chết chóc cũng bộn. Mặt trận bao quanh Sài Gòn tan rả, phe Trotskiste rút về Đồng Tháp Mười, sau khi bị Tây lẫn Việt Minh giết hại cũng khá nhiều. Tập đoàn Trần Văn Giàu rút về Chợ Đệm, phía Nam Chợ Lớn, tiếp tục khủng bố dân chúng. Những người sống sót các trận khủng bố ở Chợ Đệm cho biết là Việt Minh đã thủ tiêu hai ông Bùi Quang Chiêu và Dương Văn Giáo, những nhơn vật chánh trị nổi tiếng, bị kết tội thân Pháp.

 

Trong buổi đầu hỗn quan hỗn quân, Việt Minh giết hại những người yêu nước và chống thực dân như họ, nhưng vì khác chánh kiến. Trên báo "Cờ Giải Phóng" của Hà Nội ngày 23.10.1945, đảng viên của Hồ Chí Minh trắng trợn kêu gọi: "Phải triệt ngay bọn Torôtkit." Dương Bạch Mai đưa một đoàn tù đi thủ tiêu, trong đó có Phan Văn Hùm, đồng chí của ông trong nhóm "La Lutte" đồng thời cũng là bạn tù với nhau ở Côn Đảo, bị ông giết chết rồi liệng xác xuống sông, ở khoảng giữa Phan Thiết và Tháp Chàm.

 

Sau khi thắng được hoặc loại được các chánh đảng hay đoàn thể quốc gia và hủy diệt các chiến sĩ Đệ Tứ, Hồ Chí Minh và tập đoàn độc quyền chiến đấu chống thực dân. Họ thành lập ra một kiểu Nhà Nước của Đảng, với bộ máy kềm kẹp, với những nhà tù cùng tòa án, và ban hành chế độ bắt lính. Đó là cốt lõi của giai cấp thống trị mới, của chế độ quan liêu bàn giấy, thay thế cho giai cấp tư sản và giới địa chủ xưa kia. Sự "thành công" của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản, quy lại, cũng chỉ là thay đổi chủ nhơn ông đối với những người sinh sống bằng sức lao động của mình. Một con ngựa thay đổi người cỡi thôi.

 

* * *

 

Tháng Giêng năm 1950, Mao Trạch Đông công nhận và viện trợ Hồ Chí Minh. Cũng trong tháng nầy, họ Hồ dẫn một phái đoàn đi Mạc Tư Khoa để xin Staline nhìn nhận và chi viện. Theo Võ Nguyên Giáp, có mặt trong chuyến đi đó, Staline khuyên Việt Nam nên khống chế miền Tây Nguyên vì theo ông, nếu kiểm soát được vùng đó là làm chủ được cả nước. Staline hứa viện trợ pháo phòng không 37 ly, xe tải Molotova và thuốc men cho bộ đội.

 

Trung Quốc sẽ võ trang bộ đội và chuyên chở viện trợ của Liên Xô cho Hà Nội. Trung Quốc cũng sẽ đưa cố vấn quân sự sang và cho phép Hà Nội thiết lập quân trường trên đất Vân Nam để đào tạo và huấn luyện bổ túc cán bộ.

 

Liên Xô trách Việt Nam quá trễ nải trong công cuộc cải cách ruộng đất. Trung Quốc hứa sẽ trao kinh nghiệm về xách động quần chúng trong công tác nầy. Trong hồi ký của mình, Nikita Khrouchtchev tiết lộ rằng Hồ Chí Minh đi Mạc Tư Khoa xin xỏ đủ điều. Staline chẳng hứa hẹn gì bao nhiêu, mà còn đối xử với họ Hồ một cách trịch thượng.

 

Theo Nikita Khrouchtchev thì Hồ Chí Minh muốn Mạc Tư Khoa nên công bố chuyến đến thăm của ông phải được coi như của một chủ tịch nước, nhưng Staline trả lời rằng ông Hồ đến thình lình thì làm sao tổ chức được. Thuật lại chuyện nầy, Staline nói với Khrouchtchev: "Đồng chí thử nghĩ, hắn ta muốn gì? Tôi đã trả lời là không!"

 

Họ Hồ cũng thuật lại rằng, nhơn chuyến đi đó, ông có xin một chữ ký lưu niệm của Staline trên bìa tạp chí ảnh "Liên Xô trên đường xây dựng", (một kiểu cách lấy điểm giống như ông từng xin hình có chữ ký của Tướng Claire Chennault năm 1945). Staline ký xong trao cho Molotov và Kaganovitch cùng ký, nhưng đem về khách sạn thì sáng hôm sau không thấy tạp chí đó đâu nữa. Thì ra mật vụ Liên Xô đã được lịnh lấy lại trước khi Hồ Chí Minh rời Mạc Tư Khoa!

 

Đồng thời, một phái bộ cố vấn quân sự Tàu, dưới quyền điều khiển của Vi Quốc Thanh, và một phái bộ cố vấn chánh trị, dưới sự lãnh đạo của La Quý Ba, cũng đến Việt Bắc đóng tổng hành dinh tại đó. Hai quan cố vấn nầy, mang theo đoàn tùy tùng (đầu bếp, người chăn ngựa, bồi phòng,...), là thượng khách của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh. Hai ông sẽ làm cho đời sống chiến khu Việt Minh rập khuôn như bên Cộng Hòa Nhơn Dân Trung Quốc.

 

Vi Quốc Thanh chỉ vẽ cho bộ tham mưu Việt Minh cách tổ chức và triển khai quân đội, thiết lập kế hoạch chiến lược và việc chuẩn bị chiến tranh. Họ Vi gieo vào đầu óc cán bộ tư tưởng quân sự của Mao Trạch Đông. Khoảng 20 cố vấn lo về vấn đề hậu cần, truyền tin và y tế... còn một số khác phụ trách việc đào tạo chánh ủy.

 

Công trình đào tạo của cố vấn Tàu đem lại kết quả cụ thể trong cuộc tấn công của Việt Minh trong Chiến Dịch Biên Giới Thu-Đông (tháng 9 và 10 năm 1950), tiêu diệt quân Pháp trên Đường 4, từ Cao Bằng đến Lạng Sơn, và làm cho Pháp phải di tản khỏi Lào Cai. Cố vấn La Quý Ba thì lo tổ chức hành chánh tổng quát, tài chánh, thuế khóa, vận tải, truyền tin, an ninh và gián điệp... Ông du nhập cho Việt Minh phương pháp "chỉnh huấn" của Mao, nhằm cải tạo ý thức, niềm tin và thói quen văn hóa của cá nhơn đã bị xã hội cũ làm cho suy đồi, để cho đương sự trở thành con người mới.

 

Trong tinh thần chỉnh huấn, cá nhơn phải tự hạ mình và ăn năn hối lỗi trước quần chúng và chịu nhục trước những người điều tra tội ác. Người tự phê tự kiểm phải kể ngược lại từ ngọn ngành của những sai quấy và lỗi lầm của mình trong quá khứ. Công cuộc tẩy não nầy làm cho phong trào tự sát nổi lên, thậm chí trong lực lượng võ trang bắt đầu có phản kháng.

 

Đầu năm 1951, Đảng Cộng Sản Đông Dương biến thành Đảng Lao Động Việt Nam và lấy tư tưởng Mao làm ý thức hệ căn bản của Đảng.

 

Sau những trận đánh Cao Bằng - Lạng Sơn, để tránh bị Pháp ném bom, Trường Sĩ Quan Lục Quân Trần Quốc Tuấn được dời từ Thái Nguyên đi Côn Minh (Vân Nam) bên Trung Quốc. Theo lời cố vấn Tàu, tướng chỉ huy trường có thi hành công tác chỉnh huấn để phát hiện ra những phần tử phản cách mạng (Việt gian).

 

Qua một đợt chỉnh huấn có cò mồi giả dạng Việt gian, khai báo những tội lỗi tày trời để cho những người khác thật thà khai báo mà lọt vào cạm bẩy. Vì vậy mà đã có những vụ tự sát, bằng cách treo cổ, tự bắn, nuốt lưỡi dao cạo,...

 

Khi chiến dịch chỉnh huấn kết thúc, vị Tướng chỉ huy trưởng quân trường Trần Quốc Tuấn báo cáo lên Đảng là đã phát hiện ra được 70% Việt gian, cùng với những hình phạt liên hệ và những vụ tự vận. Với tình hình như vậy, trung ương lo ngại có cơ nổi loạn nên Đảng đề cử một phái đoàn đi Côn Minh điều tra, có đại diện Đảng Cộng Sản Trung Quốc tháp tùng.

 

Sau khi cứu xét hồ sơ, những quân nhơn bị kết tội Việt gian được phép trình bày để biện minh. Tiếng khóc, tiếng kêu la vì tức giận và bất bình nổi lên đều khắp. Thật là "Nỗi oan dậy đất, án ngờ lòa mây"! Để xoa dịu nỗi giận của những người bị hàm oan vị tướng trưởng phái đoàn bắt ông tướng chỉ huy trường và ủy ban chỉnh huấn nhà trường phải kiểm thảo. Tướng chỉ huy quân trường thú nhận đã giả mạo trong việc buộc tội. Có tiếng la giận dữ: "Tống cho nó một trái lựu đạn hay một viên kẹo đồng!"

 

Như vậy là những khóa chỉnh huấn được mở ra trong Đảng, trong quân đội, trong các đơn vị sản xuất công nghiệp cũng như nông nghiệp. Có những khóa học, người ta tịch thâu lưỡi dao cạo, dao nhọn, và ban đêm đèn được để sáng để phòng ngùa những vụ tự sát. Từ năm 1960, những ai bị nghi ngờ "phảng cách mạng" đều bị giam và cho vào các "trại cải tạo".

 

Chiến tranh Đông Dương (1945-1954) nằm trong nội dung của chiến tranh lạnh xảy ra sau Thế Chiến II, giữa hai khối, một là các cường quốc Tây Phương và hai là khối cộng sản Liên Xô-Trung Quốc. Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ tiếp tế võ khí cho Pháp để ngăn chận cộng sản, còn Liên Xô và Trung Quốc thì chi viện cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH).

 

Sau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, hội nghị Genève về Việt Nam khai mạc. Pháp hợp với Anh Mỹ để bàn bạc cùng VNDCCH, dưới sự bảo trợ của Trung Quốc và Liên Xô. Một nước Việt Nam bị chia cắt hợp ý Trung Quốc hơn là một Việt Nam thống nhứt, nhứt là một nước có hận thù với Tàu gần hai ngàn năm qua. Hơn nữa Trung Quốc không muốn tạo điều kiện để cho Việt Nam dòm ngó qua Lào và Cam Bốt.

 

Dưới áp lực của nước Tàu đàn anh, VNDCCH chấp nhận chia Việt Nam ra làm đôi, VNDCCH của Hồ Chí Minh giữ lấy phần phía Bắc vỹ tuyến thứ 17, còn Quốc Gia Việt Nam của Bảo Đại lãnh phần đất phía Nam vỹ tuyến. Hiệp Định Genève ký kết ngày 21.7.1954, quân Viễn Chinh Pháp rút khỏi miền Bắc, quân Việt Minh tiến vào Hà Nội tháng 10, 1954.

 

Theo Tổng Thống Eisenhower thì Huê Kỳ không có dính líu gì đến hội nghị Genève nên không bị Hiệp Định trói tay. Trong tinh thần đó, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng miền Nam rồi lần hồi truất phế Bảo Đại qua một cuộc trưng cầu dân ý. Từ ảnh hưởng Tây, miền Nam Việt Nam chuyển sang ảnh hưởng Huê Kỳ, rồi Mỹ bắt đầu nhảy vào cuộc chiến. Ngô Đình Diệm từ chối không chịu bầu cử thống nhứt đất nước, được Hiệp Định dự trù vào năm 1956. Chiến tranh Đông Dương thời Mỹ làm cho Hà Nội phải lệ thuộc Bắc Kinh nhiều hơn nữa và từng bước một VNDCCH trở thành chư hầu của Liên Xô.

 

* * *

 

Chế độ nông nô muôn đời của người làm ruộng Việt Nam gặp chế độ vô sản đang nổi lên thành ra cái gọi là tư bản nhà nước quan liêu. Nhà nước của Đảng nắm độc quyền đất đai mà những ông chủ mới trọn quyền thao túng nên những người cày đành cam chịu cảnh sống chết mặc bây.

 

Năm 1954, Hồ Chí Minh phát động chương trình cải cách ruộng đất theo mô hình "thổ địa cải cách" của Trung Quốc (1946-1949), một "biến cố làm đất trời đảo lộn" đưa tới chỗ đẫm máu và làm cho nông dân nổi loạn. Tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội, để phát động chiến dịch, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh phát biểu: "Luật cải cách ruộng đất của ta chí nhân, chí nghĩa, hợp lý hợp tình, chẳng những là làm cho cố nông, bần nông, trung nông ở dưới có ruộng cày, nhưng đồng thời chiếu cố đồng bào phú nông, và đồng bào địa chủ".

 

Trong chương trình nầy, người ta phân chia giai cấp nông dân ra làm bốn loại, địa chủ là những chủ điền giàu có, cho người làm ruộng thuê mướn đất và nộp tô, phú nông là những nhà nông có ruộng mà thuê mướn người làm, trung nông là những người cày cấy ruộng của mình, bần nông là những nông dân nghèo làm ruộng đủ ăn và cuối cùng cố nông là những người làm ruộng mà chẳng có đất. Trong mỗi xã ấp, bắt buộc phải kiểm kê coi có bao nhiêu địa chủ, nếu không có thì nâng cấp phú nông và trung nông lên địa chủ. Ngay cả trung nông, bần nông và thậm chí cố nông cũng không thoát khỏi sấm sét của Tòa án nhơn dân đặc biệt.

 

Các đoàn cán bộ trẻ mới toanh, được Trung Quốc đào tạo đặc biệt cho công cuộc nầy, nhảy xổ vô xã ấp hoàn toàn xa lạ với họ, chẳng biết gì về người và việc của địa phương. Theo Nguyễn Khắc Viện, ngòi bút sáng giá của Hà Nội thì: "Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa, không cần phải dựa trên cộng đồng truyền thống mà phải khởi sự bằng cách phá bỏ những cộng đồng ấy." Vì vậy cho nên, các đoàn cán bộ đó dựng nên luật pháp của mình, trọn quyền sinh sát và cải cách đồng quê.

 

Hồ Chí Minh chỉ thị cho những đoàn cán bộ trẻ phải diệt trừ "những phần tử xấu nầy ở các tổ", như vậy ông muốn thanh lọc nền tảng của Đảng. Những con người thừa hành nhiệt tình nầy nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhứt là những cán bộ cũ có gốc rễ ở xóm làng, ở miền sinh quán của họ. Họ giải tán các chi bộ, loại bỏ cán bộ cũ hoặc đưa họ ra các đội hành quyết.

 

Những cán bộ trẻ đó thành lập những chi bộ mới với những đảng viên mới. Lúc gia nhập Đảng những người nầy - phần đông mù chữ và dễ sai bảo - phải tuyên thệ trước hình ảnh của bốn "Ông Tây Râu", nghĩa là Karl Marx, Friedrich Engels, Lénine và Staline bên cạnh chân dung của Chủ tịch Mao và Chủ Tịch Hồ.

 

Năm 1956, tạp chí "Học Tập" phải công nhận là ở nhiều nơi, người ta đã phạm phải nhiều sai lầm tai hại trong công tác thanh trừng, như tra khảo, bắt buộc tự thú bằng mọi cách, kết tội hấp tấp. Năm 1954, cá nhơn Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận là có nhiều cán bộ đã tra khảo ngườî dân. Quyết định nào, cán bộ Việt Nam cũng lấy ý kiến của các phái viên của Mao, "các đồng chí cố vấn Triết, Triệu, Vương".

 

Nhiều trường hợp điển hình, chẳng hạn như ở Thái Nguyên, họ đã tuân hành chỉ thị của cố vấn Trung Quốc tử hình bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, mẹ nuôi của Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong Tuần Lễ Vàng, gia đình bà cũng đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập.

 

Ở nhiều tỉnh khác, những bị cáo bị đưa ra tòa án nhơn dân để tố khổ, để đối chất với những người đã làm công cho họ, những người thân cận, về những vụ đối xử tàn tệ, hãm hiếp, bốc lột, cho vay cắt cổ, cướp đoạt đất đai, hay liên hệ với chánh đảng hay với Phòng Nhì Pháp,... Nhiều khi, những người đấu tố được đưa đi tập dợt trước khi trình diễn trước tòa án nhơn dân.

 

Những sai lầm như vậy làm cho dân chúng uất ức và nông thôn sôi sục vì ở những nơi đó người ta lạm dụng nhiều nhứt. Như vậy là làn gió nổi loạn đã bắt đầu. Như ở Quỳnh Lưu tháng 11 năm 1956, nông dân bị tố oan, khiếu nại lên trên. Tỉnh đưa về cán bộ điều tra có công an hộ tống. Quần chúng bắt giữ cán bộ và tước súng công an. Như vậy là leo thang, Hà Nội phái quân đội về nổ súng vào đám đông. Phải mất ba ngày mới dẹp xong vụ nổi loạn đẫm máu.

 

Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam chủ yếu xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là "bóc lột", "phản quốc" (theo Pháp, chống lại đất nước), "phản động" (chống lại chính quyền) như địa chủ, Việt gian, cường hào, các đảng đối lập. Đảng Lao động Việt NamChính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện cung cách nầy vào những năm 19531956. Chương trình nầy tịch thu tài sản, đất đai của những người nầy và chia lại cho bần nông, cố nông, đồng thời tiến hành đấu tố và xử tội họ.

 

Đây là một trong những phương cách chính yếu mà những người theo chủ nghĩa cộng sản nghĩ rằng phải thực hiện để lập lại công bằng xã hội, đồng thời thiết lập nền chuyên chính vô sản nhằm tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách nhanh chóng. Trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Manifesto), Karl Marx đã tuyên bố: "cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc".

 

Cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc được tổ chức với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để với sự cố vấn trực tiếp của các cán bộ Trung Quốc. Tuy nhiên, với tình hình nông thôn Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn khác nhau, việc áp đặt giáo điều vào tình hình hai quốc gia đã gây ra nhiều phương hại. Cuộc cải cách và đấu tố nầy đã gây một không khí kinh hoàng tại nông thôn miền Bắc lúc ấy, và tác hại mạnh đến sự đoàn kết dân tộc và nhiều thế hệ người Việt.

 

Vậy là có sai thì ta sửa, sửa chỗ nầy lại sai chỗ khác. Hết đàn áp nhơn dân qua đấu tranh xã hội thì lại triệt hạ quần chúng trên tư tưởng. Đó là biến động văn học qua cái gọi là dập tắt phong trào "Nhơn Văn Giai Phẩm".

 

* * *

 

Năm 1945, Trần Dần, người quê Nam Định, được 19 tuổi. Thấm nhuần tư tưởng "Đạo" của Lão Tử, nên theo lý tưởng của ông thì xã hội trở về với cái giản dị nguyên thủy cũng giống như một con ngựa không ai cầm cương, tha hồ đi dọc đi ngang. Ông liên kết với Trương Tửu, Lương Đức Thiệp trong nhóm văn học mác-xít "Hàn Thuyên". Năm 1946, Trần Dần cầm đầu "Nhóm Tượng Trưng" và công bố bản tuyên ngôn trong tạp chí "Dạ Đài". Tánh tình ngang ngược của Trần Dần được thể hiện qua câu nói của ông: "Tôi muốn là một ánh tuệ tinh quét địa cầu một trận, tô đỏ vùng trời bao la của đời sống và nghệ thuật... Tôi muốn thành lập những nhóm "je m'en foutiste" (tôi cóc cần), những câu lạc bộ "j'exaspère le bourgeois" (tôi chọc tức giới tư sản)..." Ông nhìn Hà Nội của Tây và của Nhựt với "cặp mắt hung dữ".

 

Theo kháng chiến chống lại ý đồ tái chiếm Việt Nam của thực dân, Trần Dần gia nhập Đảng Cộng Sản năm 1949 và có mặt ở trận tuyến Điện Biên Phủ năm 1954. Sau Hiệp Định Genève, cùng với bạn bè, ông đòi hỏi được tự do sáng tác nghệ thuật, loại bỏ chế độ kiểm soát chánh trị trong các nhóm sinh hoạt văn học quân đội. Ông xin giải ngũ và ra khỏi Đảng. Người ta bắt giam ông ba tháng vì bất tuân kỷ luật. Càng nặng tội hơn nữa là khi Trần Dần cưới Bùi Thị Ngọc Khuê, một người công giáo có gia đình di cư vào Nam, bất chấp ý kiến phản đối của Đảng.

 

Bên Mạc Tư Khoa, ngày 25.2.1956, Khrouchtchev đưa ra bản phúc trình tố cáo tội ác của Staline, lên án việc sùng bái cá nhơn và tạo ra kinh hoàng, dự báo là hai khối sẽ dàn hòa. Dấu hiệu cho thấy trong thế giới cộng sản sẽ có nhiều xáo trộn.

 

Ở Hà Nội, ngọn gió chống đối bắt đầu nổi lên vào mùa xuân 1956 với số ra mắt của tờ "Nhân Văn Giai Phẩm", trong đó có bài thơ "Nhất định thắng" của Trần Dần và một số sáng tác của các thi sĩ Hoàng Cầm, Lê Đạt... Giai phẩm nầy bị nhà nước tịch thu. Bài thơ rất dài, than thân trách phận, than cảnh nhà "hai người, một gian nhà chật, rất yêu nhau sao cuộc sống không vui", buồn cảnh chia ly của cuộc di cư vào Nam,... trong đó hai câu dưới đây được lập đi lập lại bốn lần:

 

Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.

 

Hội Nhà Văn Hà Nội nhóm lại chỉ để phê phán bài thơ "Nhất định thắng" của Trần Dần. Những tay bồi bút đó cho rằng đương sự có đầu óc phản động, cho rằng ông đi ra ngoài đường lối "hiện thực xã hội chủ nghĩa" và buộc tội nhà thơ có "khuynh hướng chống Đảng và từ bỏ lập trường đấu tranh giai cấp". Như vậy là Trần Dần lại phải đi "nằm ấp" ở Hỏa Lò 3 tháng. Trong tù ông lấy một lưỡi dao cạo râu kéo da cổ ra, cứa ngoài da, rồi "lu loa lên dọa tự tử". Ông phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi cho đến năm 1960.

 

Để chống chủ nghĩa "xét lại" của Khrouchtchev, vào cuối tháng 5, 1956, Mao phát động khẩu hiệu "Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh" nghĩa là "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", để kêu gọi thiên hạ tự do phát biểu tư tưởng. Nhưng đó chẳng qua là mưu mẹo của "Người cầm lái vỹ đại" nhằm đưa những người chỉ trích chế độ, hoài nghi Đảng, đi vào những trại "lao cải" hay lên đoạn đầu đài.

 

Ở Hà Nội, Hồ Chí Minh lo ngại sự chống đối chánh quyền càng ngày càng công khai, trong đó có cả những nhơn vật khoa bảng như Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, kể cả học giả tên tuổi Phan Khôi và Thứ Trưởng Thanh Niên Nguyễn Hữu Đang trong chánh phủ của họ Hồ.

 

Trong số Nhân Văn đầu tiên ra ngày 15.9.1956, Hoàng Cầm có bài đòi xét lại bản án của Trần Dần. Lê Đạt mở đường cho phong trào chống đối với bài thơ "Ông Bình Vôi", để phê phán những cán bộ sống lâu lên lão làng nhưng "càng lớn càng đặc" trong đó có những câu :

 

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại...

 

Qua tạp chí "Nhân Văn" nhiều nhơn vật tiếng tăm có bài viết đả kích chương trình cải cách ruộng đất của Hà Nội. Người ta cũng nhắc lại câu nói quyết liệt của Trường Chinh, Tổng Bí Thư Đảng, Trưởng Ban Chỉ Đạo Trực Tiếp: "Thà giết mười người vô tội còn hơn để thoát một kẻ thù." Câu nói phản cách mạng nầy làm mất uy tín của công cuộc cách mạng. Nhóm "Nhân Văn" cũng chỉ trích nặng nề chánh sách "hộ khẩu", nhằm kiểm soát gắt gao nhơn dân, chút động tĩnh gì của người dân cũng phải trình báo với công an.

 

Ngày 11.12.1956, nhà nước tịch thâu tạp chí số 6 "Nhân Văn", nhưng không vì vậy mà phong trào chống đối bị đè bẹp. "Giai Phẩm Mùa Đông" vẫn xuất bản, sinh viên cho ra tờ "Đất Mới", thi sĩ Nguyễn Bính ấn hành tác phẩm "Trăm Hoa",... Ngày 15.12.1956, Hồ Chí Minh ra sắc lịnh cấm chỉ tất cả các ấn phẩm đối lập, nếu vi phạm sẽ bị tù hoặc lao động khổ sai chung thân.

 

Đại Hội II Văn Nghệ Sĩ hồi tháng 2 năm 1957, do Đảng bảo trợ và dưới sự chủ tọa của Hồ Chí Minh, lên án nhóm Nhân Văn Giai Phẩm nặng nề, cho họ là những người phản cách mạng, những tên Trotskiste phá hoại, bọn đầu cơ cách mạng, những con buôn trục lợi văn hóa, những tai sai của đế quốc,...

 

Đầu năm 1958, bị báo chí quốc doanh vạch mặt chỉ tên, nhiều người trong nhóm phải vào tù, 476 người "phá hoại mặt trận tư tưởng" bị tập trung lại để "chỉnh huấn" và viết "kiểm thảo", thậm chí còn phải ra tự thú trước quần chúng. Rồi bị đài đi các trại tập trung miền Việt Bắc hoặc những khu nông nghiệp gần biên giới Lào. Có người bị đưa đi những hợp tác xã hoặc những xí nghiệp để "lao động cải tạo".

 

Nhà nước đóng cửa đại học Hà Nội hồi tháng 3 năm 1958. Cung cách điều tra để moi móc những lời tự thú làm cho nhiều nhà trí thức phải tự sát, như chủ bút tờ "Cứu Quốc" phải vào rừng treo cổ, một người khác nuốt lưỡi dao cạo,... Đào Duy Anh mất chức vụ nghiên cứu và giáo sư, Trần Đức Thảo không được giảng dạy triết học đi chăn bò ở Ba Vì, Phan Khôi bị đài đi Chiêm Hoa (Tuyên Quang), Trương Tữu mất ghế giáo sư đi làm nghề châm cứu, Lê Đạt, Trần Dần đi lao động cải tạo ở Chí Linh.

 

* * *

 

Khối cộng sản Liên Xô-Trung Quốc bắt đầu rạn nứt kể từ 1960. Trong tập đoàn Hà Nội, phe thân Tàu đông đảo hơn lên án phe thân Liên Xô là "xét lại" và Hồ Chí Minh dĩ nhiên đứng theo những người thân Mao. Ngay lúc bấy giờ, Lê Đức Thọ, người đã dám nói: "Đảng là tôi, tôi là Đảng", trở thành nhơn vật then chốt trong hệ thống Nhà Nước. Là ủy viên Bộ Chánh Trị, Thọ được bổ nhiệm Trưởng Ban Tổ Chức Trung ương, một cơ quan mật vụ mạnh nhứt của Hà Nội, tương đương với KGB của Liên Xô.

 

Như vậy, Thọ nắm hết các sơ yếu lý lịch của đảng viên, từ dưới lên tới trên, từ nguồn gốc xã hội đến quá trình chánh trị. Những hồ sơ nầy được cập nhựt hoá nhờ những thông tin do vô số báo cáo viên công khai, "cá nổi" hoặc ngầm, "cá chìm" cung cấp. Báo cáo viên nằm trong đám bạn bè, đồng chí, láng giềng, trưởng ấp, trưởng phường khóm qua hệ thống "hộ khẩu", canh phòng và tố giác lẫn nhau.

 

Người ta đưa các cô sanh viên xinh đẹp đến hầu hạ những tai to mặt lớn nằm điều trị trong những bịnh viện đặc biệt dành riêng, và một vài quan cũng bị sa ngã. Thế là những hình chụp và phim ảnh do những máy ẩn giấu thâu được, người ta sẽ xếp vào hồ sơ những nạn nhơn liên hệ. Chính những nhơn viên phụ trách sức khỏe của "cha già dân tộc", của tổng bí thơ, của các ủy viên bộ chánh trị và ủy viên trung ương đảng, dưới tài điều động của Thọ, đã tiết lộ những bí mật phòng the đó.

 

Lê Đức Thọ đã thanh trừng những người thân Liên Xô bị cho là "xét lại" một cách kín đáo để tránh búa riều của những ông chủ Điện Cẩm Linh. Tháng 12 năm 1963, Đại Hội Ủy Ban Chấp Hành của Ủy Ban Trung Ương, qua nghị quyết 9 công bố việc thanh trừng chủ nghĩa "xét lại". Trong tài liệu này, Trường Chinh cho biết đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và của Nhà Nước chủ yếu liên kết với đường lối Trung Quốc. Kế đó, Lê Đức Thọ nói rõ thêm là: "Để chống chủ nghĩa xét lại, chúng ta dành nhiệm vụ lý thuyết cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc, còn chúng ta lo về phần thực hành." Điều này cho thấy tại sao đã có những phương pháp quá khích như nhiều người bị coi như là "xét lại" bị chết đột ngột hay bị cho vào trại cải tạo.

 

Trường Chinh cho biết: đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và của Nhà Nước chủ yếu liên kết với đường lối Trung Quốc.

Lê Đức Thọ nói rõ thêm là: "Để chống chủ nghĩa xét lại, chúng ta dành nhiệm vụ lý thuyết cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc, còn chúng ta lo về phần thực hành."

Nếu không có Hồ Chí Minh can thiệp thì Võ Nguyên Giáp, người hùng của Điện Biên Phủ, cũng bị Lê Đức Thọ và Lê Duẫn ghép vào tội "xét lại và chống Đảng" rồi. Năm 1974, trong dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, tên tuổi của Giáp và đàn em không nghe nói tới, mà người ta chỉ nói đến công trạng của Đảng. Ngoài ra, báo chí đã được chỉ thị kín đáo là đừng nhắc nhở gì tới họ.

 

Các khoá sinh ở Liên Xô, có thể bị nghi ngờ bị "nhiễm", đều được lịnh trở về nước. Tướng Lê Quốc Lộc và nhiều sĩ quan khác, cảm thấy gió đang xoay chiều, ở lại Mạc Tư Khoa và Liên Xô cũng không buồn trục xuất họ. Kể từ 1964, Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu căng thẳng, trong khi Mỹ khởi sự ném bom miền Bắc, Lê Đức Thọ và bộ hạ Trần Quốc Hoàn, Bộ Trưởng Công An kín đáo thanh lọc các chức sắc trong tập đoàn. Hoàn chủ trương: "Biện pháp để tận diệt bọn phản động không phải chỉ bắt giam và cải tạo mà còn phải thủ tiêu".

 

Có những cái chết bất tử làm cho người ta phải đặt dấu hỏi như trường hợp Dương Bạch Mai, chết giữa tiệc rượu mừng sanh nhựt của ông tại Quốc Hội (1964), Tướng Hoàng Văn Thái, Thứ Trưởng Quốc Phòng, anh hùng Điện Biên, chết đột ngột và âm thầm tại nhà riêng năm 1986, Tướng Lê Trọng Tấn, được đề cử làm bộ trưởng quốc phòng thay thế Văn Tiến Dũng, mất đột ngột ngày 5.12.1986, Phạm Bình, cục trưởng cục Quân Báo Bộ Tổng Tham Mưu, biết rành những sai trái của các tướng lãnh trong việc biển thủ và chia chác chiến lợi phẩm sau khi chiếm miền Nam đã tự vận chết năm 1987 và một tuần lễ sau, con trai trưởng của Phạm Bình, người nắm giữ hồ sơ của cha, tử thương trong một tai nạn mô-tô.

 

Năm 1988, đến phiên cựu Tổng Bí Thơ Trường Chinh cũng bị một cái chết mờ ám. Tin tức cho rằng hai ngày sau khi té lầu, rồi chết đi vì vết thương ở đầu. Nhưng lại có tin đồn rằng ông bị chính cận vệ của ông sát hại theo lịnh Lê Đức Thọ. Kỳ Đại Hội 6 năm 1986, Trường Chinh đã tranh chấp với Lê Đức Thọ về định hướng mới của Đảng để tiến tới Đổi Mới.

 

Lê Đức Thọ chuẩn bị dư luận trước khi loại các kẻ thù trong nội bộ Đảng. Ngưng nhập những ấn phẩm từ Mạc Tư Khoa, bị coi như có hại. Tài liệu ngoại ngữ của Bắc Kinh, được Tòa Đại Sứ Trung Quốc phát không, tràn ngập các cơ quan tuyên truyền và giáo dục. Những bộ biên tập báo chí cũng như các Ban Tuyên Giáo d đều được chỉ thị phải củng cố đường lối Mao và đả kích chủ nghĩa "xét lại kiểu Khrouchtchev".

 

Tháng 7 năm 1967, Lê Đức Thọ ra lịnh bắt Hoàng Minh Chính, Viện Trưởng Viện Triết Học Mác-Lê, bị coi như người cầm đầu cuộc chia rẻ "xét lại và chống Đảng". Ông không tán thành Nghị quyết 9 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và muốn thay đổi theo đường lối Đệ tứ Cộng sản. Sau 12 năm cải tạo và 9 năm quản chế tại gia, ông được tự do ngày 14.6.1996. Ông mắc bịnh ung thư và qua đời ngày 7 tháng 2 năm 2008 (mồng một Tết Mậu Tý) tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội.

 

Trong năm 1967, Lê Đức Thọ ra lịnh bắt giam Tướng Đặng Kim Giang, cựu chiến hữu của Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tướng Giang công khai chỉ trích Staline đã giết hại những người Bolshêvick cũ và coi Mao Trạch Đông là tướng cướp. Giang bị nhốt 6 năm và đi cải tạo 7 năm. Bị quản thúc tại nhà, người hùng Điện Biên mất đi năm 73 tuổi trong một căn nhà tồi tàn.

 

Nhiều sĩ quan khác của Bộ Tổng Tham Mưu và của Ủy Ban Chánh Trị tờ Quân Đội Nhơn Dân như Đổ Đức Kiên, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Hoàng Thế Dung, Đinh Chấn,... cũng cùng chung số phận, bị kết tội xét lại và liên lạc với tòa Đại Sứ Liên Xô tại Hà Nội. Sau nhiều tháng biệt giam, bị cô lập và điều tra ở Hỏa Lò, họ bị cho cải tạo qua lịnh 3 năm gia hạn dài dài.

 

Tháng 10 năm 1967, đến lượt Vũ Đình Huỳnh, cựu thơ ký riêng của Hồ Chí Minh bị cho đi cải tạo tới 1954. Là đảng viên từ năm 1930, Huỳnh cho rằng họ Hồ chịu trách nhiệm trong vụ cải cách ruộng đất đẩm máu, dưới sự lèo lái của các cố vấn Tàu. Qua Bộ Trưởng Nội Vụ Trần Quốc Hoàn, Huỳnh cũng biết được bí mật phòng the của Hồ, theo đó người phụ nữ "phục vụ" cho cha già dân tộc đã bị giết hại. Họ Hồ có hay tin Huỳnh bị bắt và có yêu cầu can thiệp, nhưng Hồ làm bộ ngạc nhiên rồi làm thinh. Sau 7 năm tù và cải tạo (1967-1973), Huỳnh bị đày đi Nam Định.

 

Vũ Thư Hiên, con trai của Vũ Đình Huỳnh cũng bị bắt giam và đi cải tạo 9 năm. Vũ Thư Hiên đào thoát và tỵ nạn tại Pháp. Ông có ghi lại trong hồi ký "Đêm giữa ban ngày", về chín năm bị giam cầm, trong đó ông muốn chia sẻ với người đọc những điều suy ngẫm về mô hình nhà nước chuyên chính vô sản, cũng như ông tiết lộ những bí mật của vụ án xét lại và gây dư luận lớn trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

 

Lê Đức Thọ thù hằn Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang và Vũ Đình Huỳnh dai dẳng là vì khi cả ba bị tù ở Sơn La từ 1939 đến 1944, có một lúc, Thọ được cắt cử làm người sai bảo của tên chúa ngục người Pháp Cusso. Thọ bị nghi ngờ là đã báo cáo cho Cusso những chuyện làm của tù chánh trị. Vì vậy Thọ muốn che đậy những hành động không đẹp của mình trong thuở đi tù.

 

Hết Bài 2 - xem tiếp bài 3
Xem lại bài trước

Phan Quân 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.