.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                            TRANG CHÍNH

" Không có tự do Sáng Tác, thì Văn Nghệ Sĩ sẽ bị biến thành Thợ Viết, Thợ Vẽ, ... cho một ông chủ nào đó mà thôi ! " (LN)

bút
việt
hồn
quê

TIN VĂN

Bài vở cho trang này xin gửi về:
nhà văn PHONG THU
phongthu@mindspring.com

THƯ MỤC CÁC TÁC GIẢ

Thích Phước An | Trần Đỗ Cung | Nguyễn Thị Thanh Dương Minh Triết TRẦN THIỆN ĐẠT | Trần Kiêm Đoàn | Phổ Đồng | Võ Thị Trúc Giang | Nguyễn Thế Hà | Trần Đan Hà | Nhất Hạnh | Vĩnh Hảo | Chiêu Hoàng | Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích  | Thạch Lang | Đại Lãn Lâm Kim Loan | Vũ Nam | Nguyễn Văn Nhớ Nguyên Nhung | Chân Y Nghiêm | Pháp Nhật Không Quán | Phan Quân | Đặng Văn Sinh | Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm | Phong Thu | Nguyễn Mạnh Trinh | Lê Khánh Thọ | Trần Đình Thu | Anh Thư | Diệu Trân | Tiểu Tử | Nguyễn Ước Tịnh Ý | Tác Giả Khác ...

GIAI THOẠI

Bùi Giáng | Hữu Loan | Giang Hữu Tuyên |


 

 

  Xem toàn Thư mục Phan Quân

 
Trước đèn đọc sách:

Điệu sáo chướng tai

3.

Thất bại của Quân Đội Viễn Chinh Pháp ở Điện Biên Phủ, cùng với việc ký kết Hiệp Định Genève, là dấu chấm hết của cuộc chiến tranh Đông Dương hồi một (1945-1954). Hiệp Định hòa bình ký kết ở Genève hồi tháng 7 năm 1954 là tờ giấy khai sanh cho một nước Việt Nam chia đôi bởi vỹ tuyến 17, cụ thể theo địa lý là dòng sông Bến Hải.

 

Tháng 10 năm 1954, Quân Đội Viễn Chinh Pháp di tản khỏi miền Bắc, giao cho cộng sản để họ dựng lên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Một nửa phía Nam về tay Bảo Đại, trở thành Quốc Gia Việt Nam, một chế độ do Pháp lập ra từ 1949.

 

John Foster Dulles, Ngoại Trưởng Mỹ, tuyên bố: "Hiệp Chúng Quốc Huê Kỳ không tham dự vào một Hiệp Định cốt để trấn an và Mỹ không khi nào công nhận việc cộng sản chánh thức cai trị bất cứ phần đất nào của Đông Nam Á." Như vậy là Mỹ tiếp tục sự nghiệp của những người thực dân Pháp cũ, đưa Quốc Gia Nam Việt Nam vào vòng chiến lược của mình trong chiến tranh lạnh, để đương đầu lại khối cộng sản Liên Xô-Trung Quốc. Nhằm can thiệp ồ ạt vào Nam Việt Nam, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm, một vị quan lại Công giáo, lên ghế thủ tướng.

 

Gia đình họ Ngô đã từng có thế đứng trong Triều Đình Huế, khi ông Diệm làm Tuần Vũ Phan Thiết được cất nhắc lên Thượng Thơ Bộ Lại của Hoàng Đế Bảo Đại năm 1932. Trong thời gian nầy ông được bầu làm Tổng T Ký Ủy Ban Cải Cách. Ông đề xướng hai điều với chính quyền bảo bộ Pháp, một là thống nhất Trung Bắc Kỳ theo Hòa ước Giáp Thân 1884 và hai là cho Viện Nhân Dân Đại Biểu Trung Kỳ được quyền tự do thảo luận các vấn đề. Việc thống nhất cốt sẽ buộc chính quyền Bảo hộ Pháp bãi bỏ khâm sứ Trung Kỳ và thống sứ Bắc Kỳ và thu về thành một viên tổng trú sứ (résident général) ở Huế mà thôi. Việc thứ hai là để canh tân lối cai trị cũ. Vì không thấy được chấp nhận, ông từ chức ngày 12.07.1933.

 

Sau khi Hồ Chí Minh nắm chánh quyền, Việt Minh đày ông Diệm lên miền thượng du và xử tử người anh của ông là Ngô Đình Khôi tại Huế. Trong những năm 1950, ông Diệm đi Mỹ cùng với người anh khác là Ngô Đình Thục, giám mục Vĩnh Long. Ông Thục giao phó ông Diệm cho hồng y Spellmann, Tổng Giám Mục Nữu Ước, để ông nầy giới thiệu với những yếu nhơn chánh trị Huê Kỳ.

 

Năm 1954, dưới áp lực Huê Kỳ, Hoàng Đế Bảo Đại - cứ sống lưu vong ở lầu đài Thorenc bên Pháp - đề cử Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng và ủy nhiệm cho ông Diệm toàn quyền dân sự và quân sự của Quốc Gia Việt Nam. Khi lên cầm quyền ông Diệm, cũng giống như Hà Nội, kiểm soát dân chúng qua tờ khai gia đình, như chế độ hộ khẩu ngoài Bắc. Chánh phủ của ông cấm người ngoại quốc hành nghề trong ngành k nghệ và thương mại, bắt buộc họ phải nhập tịch Việt Nam.

 

Quân đội được tổ chức theo Huê Kỳ và cũng do Mỹ huấn luyện và đào tạo. Phái Bộ Quân Sự Huê Kỳ đưa những cố vấn quân sự đến tận các đơn vị quân đội của Nam Việt Nam. Tiền đề chủ yếu của việc Mỹ can thiệp vào Nam Việt Nam là việc huy động của giới trí thức Mỹ. Những giáo sư Đại Học Michigan (MSU), Yale, Pittsburgh và Californie, hợp lực với mật vụ CIA và FBI, tiếp tay với chánh phủ Ngô Đình Diệm trong mọi lãnh vực, nhứt là quân sự và cảnh sát.

 

Được cố vấn Mỹ lo phụ giúp trong những lãnh vực đó, chánh phủ Ngô Đình Diệm rảnh tay lo diệt trừ những kẻ thù của mình. Mỹ cũng có nhúng tay vào kế hoạch tấn công Bình Xuyên của Bảy Viễn. Bảy Viễn hết theo Việt Minh tới đầu hàng Pháp, được Tây thăng cấp tướng và giao phụ trách an ninh thủ đô Sài Gòn. Là chúa tể của những nhà chứa và những ổ cờ bạc to lớn ở Sài Gòn-Chợ Lớn, Bảy Viễn cung cấp tài chánh cho Bảo Đại, cứ ở Pháp. Đã vậy, Tây còn cho Bình Xuyên nắm ngành công an của thành phố.

 

Không thể chấp nhận địa vị vừa ăn cướp vừa la làng của Bình Xuyên, nên chánh phủ Diệm phải chấm dứt tình trạng đó. Cuộc tiêu diệt Bình Xuyên làm thiệt hại phần lớn dân chúng đô thành, hàng ngàn quân dân chết và bị thương và một số lớn nhà cửa tiêu tan. Thua cuộc, Bảy Viễn và đồng bọn rút về khu sình lầy Rừng Sát, lối 15 cây số phía Đông-Nam Sài Gòn. Đến tháng 10, 1955, bọn thảo khấu Bình Xuyên mới dứt khoát bị dẹp xong.

 

Những cuộc hành quân đánh giáo phái Hoà Hảo hồi tháng 12, 1954, kế đó hồi tháng 6, 1955 đã phá nát tổng hành dinh của Năm Lửa, một lãnh tụ của Hoà Hảo ở Cái Vồn và làm tan rả đám dân quân Hoà Hảo của Ba Cụt, một lãnh tụ Hoà Hảo khác, đóng trong vùng Thất Sơn (Châu Đốc). Trong một âm mưu giả vờ đàm phán, người của chánh phủ, ông Nguyễn Ngọc Thơ, bắt Ba Cụt và đưa ra xử tử, bằng, cách chặt đầu.

 

Các tướng lãnh Cao Đài, bị CIA mua chuộc, đã về quy hàng với chánh phủ Diệm vào tháng 3, 1955. Quân sĩ được xáp nhập vào quân đội quốc gia. Chỉ riêng Hộ Pháp Phạm Công Tắc, không chịu biện pháp hoà hợp đó, nên bỏ trốn sang Nam Vang. Hàng ngàn chức sắc và tín đồ bị bắt giam. Như vậy là ban đầu chánh thể Ngô Đình Diệm phải mất một thời gian dài thanh trừng giáo phái và bọn cướp Bình Xuyên cùng với số thân binh liên hệ.

 

Trong tình hình dẹp kẻ thù giáo phái và bọn cướp kiêu binh vừa tạm xong, ngày 22 tháng 10 năm 1955, ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại. Như vậy là Nhà Nguyễn chấm dứt, chế độ cộng hòa ra đời. Cùng với người em, Cố Vấn Ngô Đình Nhu và với hậu thuẫn của Mỹ, ông Diệm đã áp dụng một chánh sách độc tài gia đình trị tai hại nhứt ở Nam Việt Nam trong 9 năm trời (1955-1963).

 

Ngô Đình Nhu, người em mà cũng là kẻ mưu sĩ cho ông Diệm, thực hiện phương pháp đội ngũ hóa quần chúng nhơn dân theo kiểu Việt Minh. Từ đó ông hình thành một chánh đảng duy nhứt, Đảng Cần Lao Nhơn Vị, quy tụ lối 70000 cán bộ. Việc chọn lựa đảng viên chủ yếu tập trung vào những người sanh trưởng miền Trung, quê quán họ Ngô, theo Công giáo, chớ không phải những người Nam hay Bắc, thường theo Phật giáo hay Khổng giáo.

 

Để quân sự hóa dân chúng, ông Nhu bày ra đoàn thể Thanh Niên Cộng Hòa, mà ông là Tổng Thủ Lãnh, còn bà Nhu, vợ ông thì nắm Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới và Thanh Nữ Cộng Hòa và cũng Tổng Thủ Lãnh luôn. Như vậy, hai vợ chồng ông Nhu chia nhau nắm gần hết quần chúng Việt Nam. Đã vậy mà ông Nhu còn có nhiều cơ quan mật vụ và tình báo – lúc cao điểm lên tới 13 cơ quan - với nhiều quyền lực to lớn, bắt giam người không cần xét xử. Qua những ban ám sát, thường được biết dưới tên gọi rất hiền lành vô thưởng vô phạt là Đội Quan Sát và Liên Lạc. Qua bàn tay của các đội đó, ông Nhu cho mọi thành phần đối lập với chế độ hay những phần tử bị nghi ngờ chống đối chế độ tan biến đi một cách êm thấm.

 

Tháng 10 năm 1956, tòa án quân sự Nha Trang xử tử hai trong số khoảng 50 đảng viên Đại Việt. Một trong những lãnh tụ của đảng nầy là văn sĩ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, sau đó đã tự vận chết trong tù năm 1963, mấy tháng trước khi Diệm bị lật đổ.

 

Sau Hiệp Định Genève, chỉ có những đơn vị chánh quy Việt Minh rút về Bắc. Cán bộ Việt Minh, quân kháng chiến cũ chống Pháp vẫn ở lại trong Nam. Cùng lúc với việc tiểu trừ Bình Xuyên và giáo phái, Diệm cũng mở chiến dịch "tố cộng". Công cụ của Đảng Cần Lao, Đội Quan Sát và Liên Lạc, càn quét những căn cứ cũ của Việt Minh ở các tỉnh miền Đông và miền Tây. Họ bắt hàng loạt rồi đem tra khảo và hành hình, tiêu diệt những quân du kích cũ, những cán bộ hành chánh Việt Minh, cũng như những nông dân và những nhà trí thức đến tháng 12 năm 1957.

 

Khám Chí Hoà, trại tù Thủ Đức, trại tù phiến cộng Tân Hiệp (Biên Hoà), nhà tù Côn Đảo, trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc, nơi nào cũng đầy nghẹt tù. Năm 1958, ở trại Phú Lợi (Thủ Dầu Một), mạng danh là "Địa ngục trần gian", với đủ cực hình tàn khốc nhằm lung lạc ý chí của những người Cộng sản, trong số 6000 tù nhơn, gần 1000 người bị đầu độc đến chết.

 

Nhà tù Côn Đảo, với các "chuồng cọp" nổi tiếng, là tên gọi trại giam do Pháp Việt Nam Cộng hòa xây dựng để giam giữ những nhân vật Cộng sản cao cấp và nguy hiểm trong những năm chiến tranh Việt Nam. Chuồng cọp do VNCH xây dựng cải tiến năm 1971 còn có tên là trại 7 hay là trại Phú Bình. Công ty Mỹ RMK-BRJ có viện trợ để xây dựng lại những nơi giam giữ nầy.

 

Những trung tâm thẩm vấn tù binh, dưới sự cố vấn của OAS (Office Assistance Special) được thành lập trên toàn quốc. Các chuyên viên Mỹ cũng tham dự những phiên thẩm vấn tù binh, thường có những phiên tra khảo bằng cách trấn nước, tra điện và đốt lửa. Theo lời tiết lộ của Peter Schuler (Les soldats Américains accusent), một nhơn viên quân báo, thì ở một trung tâm thẩm vấn Chợ Lớn, gần một ngàn tù phiến Cộng đã bị hành quyết.

 

Trong bưng biền, những cán bộ Việt Minh cũ, những du kích trước kia và những người thoát khỏi các cuộc truy lùng của các Đội Quan Sát và Liên Lạc của Diệm, tập họp lại thành những đơn vị tác chiến quân sự chánh trị, đánh trả những lực lượng chánh phủ. Họ được quần chúng nông thôn, vì căm thù những trận bố ráp liên miên, che chở. Ngoài ra, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Việt Minh phân chia ruộng đất của những chủ điền tản cư về thành thị cho nông dân tại chỗ. Trong những năm 1956-1957, Diệm bắt buộc nông dân trả ruộng đất lại cho sở hữu chủ, phần đông là những người quyền thế hay công chức cao cấp.

 

Ở nông thôn, thường xảy ra những vụ tranh chấp giữa nông dân và chủ điền khi họ trở về đòi địa tô. Tự cảm thấy bị cướp đoạt, những nhà nông căm tức nầy phản ứng bằng gậy gộc, dao búa. Có khi cả xã ấp đứng lên chống lại những chủ điền có cảnh sát và quân đội hỗ trợ. Ở vùng châu thổ sông Cữu Long, trong năm tuần lễ, có 40000 dân làng bị bắt giữ, hàng trăm bị đem đi thanh toán còn những người khác bị tập trung vào "ấp chiến lược".

 

Những ai vuột thoát được càn quét thì vào bưng biền gia nhập du kích, nên càng ngày hàng ngũ Cộng quân càng thêm đông đảo. Vào mùa xuân năm 1960, dân quân du kích dấn thân vào những trận đánh thật sự với quân của Diệm ở Bến Tre và Cao Lãnh, ven biên Đồng Tháp Mười, cũng như ở Bến Cát, cách Sài Gòn 40 cây số về hướng Bắc.

 

Ở Sài Gòn năm 1959, những nhà tư sản phóng khoán, như kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, luật sư Trịnh Đình Thảo, chức sắc đạo Cao Đài,... họp nhau lại âm mưu lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, đứng ra chống đối, nên có, một số người đã bị hành xử. Nhóm nầy liên lạc với tập đoàn Hà Nội để xin giúp đỡ.

 

Tháng 12 năm 1960, trong chiến khu Tây Ninh, gần biên giới Cam Bốt, một buổi họp đã được triệu tập để bàn việc thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGP). Đại Hội đầu tiên của MTGP, dưới sự chủ tọa của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, thoát khỏi lao tù của Diệm, họp lại hồi 1962, quy tụ khoảng sáu mươi đại diện chánh trị mới được thành lập. MTGP bao gồm các tổ chức quân sự chánh trị của Việt Minh, cũng như những thành phần còn sót lại của Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hảo. Chương trình hoạt động của MTGP gồm có giải phóng Nam Việt Nam khỏi bị Mỹ chiếm đóng và thành lập một cộng hòa dân chủ trung lập, đứng ngoài các "thế lực quân sự thù nghịch hiện tại".

 

Tháng 5, 1961, Hà Nội đưa vào Nam một toán gồm 4500 cựu binh Việt Minh, đã từng tập kết ra Bắc sau Hiệp Định Genève hồi 1954, để tăng cường MTGP. Kế đó, Hà Nội quyết định thiết lập trong chiến khu Nam Bộ cái gọi là Trung Ương Cục Miền Nam (TƯC), dưới quyền điều động của Lê Duẫn, người bắt đầu nắm quyền MTGP. Lê Đức Thọ, chủ tướng của bọn đầu sỏ Hà Nội nhiều phen đi Nam - 1967, 1971, 1972 và 1975 – vì Thọ sợ MTGP quên rằng hắn là chúa tể và muốn cho những người mới vừa kết bè kết cánh đừng quên câu nói của Thọ "Đảng là ta, ta là Đảng".

 

Như vậy là trong khi phe Ngô Đình Diệm lên mặt độc tài gia đình trị thì ngoài bưng MTGP cũng đứng lên như là một chánh phủ. Tháng 6 năm 1968, MTGP đứng ra lập "Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam" (CPLT), mà Thủ Tướng là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, có các luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Trịnh Đình Thảo phụ tá. CPLT là công cụ nhờ đó Hà Nội trực diện với Mỹ ở miền Nam.

 

Năm 1962, quân đội miền Nam mở những trận càn quét triệt để nhằm hủy diệt các kháng chiến của MTGP. Quân chánh quy, phối họp cùng không, hải quân, pháo binh và chiến xa mở hành quân khắp nơi trên đất nước, nhứt là ở Gia Định, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Long An và Bến Tre ở phía Nam, cũng như ở Phú Yên và Quảng Ngãi, ngoài Trung. Thương vong khá nhiều. Phi cơ Mỹ ném bom Napalm, bom hơi độc và rải chất hóa học độc hại xuống ruộng vườn.

 

Dẫu vậy, vào tháng 11 năm 1962, trong trận tảo thanh Ấp Bắc, một ấp có 600 dân, nằm cạnh Đồng Tháp Mười, gần Mỹ Tho, một đại đội thiện chiến Việt Nam Cộng Hòa bị Việt Cộng đánh trả mãnh liệt. Trong những năm 1963, 1964 và 1965, lực lượng chánh phủ Nam Việt Nam cũng gặp nhiều thất bại nặng nề.

 

Trong mục đích nhằm ngăn chận MTGP tuyển quân và tiếp tế, Diệm đưa ra "quốc sách" ấp chiến lược (1961) để tách rời Việt Cộng với thường dân ở nông thôn. Với kế hoạch nầy, chánh phủ hy vọng tập trung được 80% nông dân Nam Việt Nam. Sau khi gom dân rồi, quân chánh phủ càn quét và tiêu diệt phần đất còn lại.

 

Ấp chiến lược tổ chức theo hình thức "tự quản, tự phòng và tự phát triển" và là hậu thân của Khu trù mật phát động năm 1959. Quản lý ấp là một Ban trị sự, phòng thủ bảo vệ ấp là lực lượng Phòng vệ dân sự, phối hợp với các đơn vị Thanh niên, Thanh nữ Cộng hòa của ấp đó phụ trách. Ấp được xây với hệ thống phòng thủ, thường có hai vòng rào. Vòng ngoài bằng dây kẽm gai, tre hoặc bụi gai. Vòng trong đắp đất, trên gắn kẽm gai. Giữa vòng ngoài và vòng trong là hào sâu khoảng hơn một mét cắm chông nhọn. Mỗi ấp đều có một hoặc nhiều chòi canh tầm nhìn xa, các cổng ra vào được canh gác cẩn mật.

 

Ban ngày, người dân được tự do ra vào để làm ăn, tuy nhiên người lạ muốn vào ấp phải qua sự kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Ban đêm, các cổng ra vào được đóng kín lại, nhưng các trường hợp cấp thiết của dân ở bên trong vẫn được giải quyết. Mọi trường hợp xâm nhập lén lút, bất hợp pháp từ bên ngoài vào đều bị phát hiện vì trong ấp có hệ thống báo động. Chung quanh ấp là một diện tích đồng trống để lính canh dễ theo dõi việc di chuyển phía ngoài.

 

Khu vực đầu tiên áp dụng Ấp chiến lược là khu đồn điền cao su Lai Khê, quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương, tiếp theo là các tỉnh Phú Yên, Bình Định Quảng Ngãi. Năm 1962 Chính phủ đề ra kế hoạch xây dựng 11.000 đến 12.000 ấp nhưng khi nền Đệ nhất Cộng hòa bị lật đổ vào cuối năm 1963 thì con số đưa ra là 7.205 ấp. Bổ túc cho Ấp chiến lược là lực lượng Dân vệ khoảng 60.000, vào thập niên 1960, đảm nhiệm việc canh phòng và tuần tiễu.

 

Người Việt Nam, nhứt là nông dân, luôn hoài niệm nơi cũ chốn xưa, mồ mã ông bà, nên thấy nhớ tiếc vườn cũ đất xưa, rồi rất căm thù "quốc sách" ấp chiến lược và người đưa ra vấn đề đó. Nên chi người dân coi chánh phủ như kẻ thù. Ngày anh em ông Diệm nằm xuống rồi, ấp chiến lược không còn nữa và biến thành "ấp đời mới" và "ấp tân sinh".

 

Dưới thời Ngô Đình Diệm cũng có những đoàn thể công nhơn, cũng có những cuộc đình công đấu tranh, nhưng không gay gắt lắm. Chỉ là hình thức, lấy lệ vì mật vụ của Ngô Đình Nhu đã xâm nhập vào, hơn nữa Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công, Trần Quốc Bữu, là người của ông Nhu. Ngoài ra, MTGP còn xúi công nhơn liên kết với giới chủ để "có lực lượng đưa cách mạng đến chỗ thành công".

 

Vấn đề kỳ thị và chèn ép tôn giáo của gia đình Công giáo Ngô Đình Diệm ai cũng ghi nhận, nhưng thái độ đó nổi cộm trong năm 1963. Các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo bị đè bẹp hồi những năm 55-56, Diệm tiến tới quấy rầy Phật Giáo, tôn giáo của đại đa số nhơn dân Việt Nam.

 

Cuộc đàn áp đẫm máu bắt nguồn từ Huế, miền đất sanh quán của gia đình họ Ngô. Nơi đó cũng là giáo phận của Giám Mục Ngô Đình Thục, anh ông Diệm, còn quyền uy chánh trị nằm trong tay em ông Diệm, Ngô Đình Cẩn và chị ông Diệm là Bà Cả Lễ thì nắm hết lợi lộc kinh tế của thành phố.

 

Trong một dịp Tòa Thánh Vatican tấn phong ông Ngô Đình Thục, giáo dân đã treo khoảng 12 lá cờ Vatican trên quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa. Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất bất bình về chuyện nầy. Ở cương vị nguyên thủ quốc gia, và nhất là địa vị em của Ngô Đình Thục, nhưng ông không muốn hiện tượng nầy xảy ra lần nữa, nên đã ban hành luật "Cấm treo mọi thứ cờ khác ngoài Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa tại nơi công cộng". Ý tưởng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhằm đề cao "quốc hồn", và tránh chia rẽ giữa Công Giáo với các tôn giáo khác tại Việt Nam. Qua dịp lễ tấn phong Ngô Đình Thục khi cờ Vatican bay phấp phới quá nhiều, che cả cờ Việt Nam Cộng hòa.

 

Một sự trùng hợp tai hại, hai ngày sau đó là lễ Phật Đản. Biết trước Phật tử sẽ treo cờ Phật giáo, Tổng Thống Diệm đã cho hoãn thi hành lệnh nầy. Lệnh ban từ Sài Gòn không chuyển kịp đến Huế - kể cũng khó hiểu vì thời buổi viễn thông tân tiến - và lực lượng cảnh sát tại Huế đã yêu cầu Phật tử không treo cờ Phật giáo. Điều nầy bị hiểu lầm thành "cấm treo cờ Phật giáo" và gây nhiều bất bình cho giới Phật tử.

 

Thượng tọa Thích Trí Quang, ngay trong buổi lễ Phật Đản, đã đọc bài chỉ trích chính quyền Ngô Đình Diệm và khích động lòng bất mãn của Phật tử lên cao. Bài nói chuyện nầy được thu âm, và Thượng tọa Thích Trí Quang dẫn đầu nhóm Phật tử đến đài phát thanh yêu cầu truyền thanh cho tất cả mọi người cùng nghe. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên đã cho binh sĩ đến bao vây đoàn biểu tình tại Đài Phát thanh Huế. Trong lúc lộn xộn xảy ra vụ nổ làm 7 người chết cùng nhiều người khác bị thương. Liên Hiệp Quốc cử đặc sứ đến dàn xếp vụ việc. Giáo hội Phật Giáo ở miền Nam cũng lên tiếng phản đối, nhưng chánh phủ cứ lãng tránh.

 

Ngày 11 tháng 6, Hòa Thượng Thích Quảng Đức tẩm xăng tự thiêu ngoài đường phố. Vụ tự thiêu nầy dấy lên một luồng dư luận bất bình trên thế giới đả kích nặng nề hành động đàn áp tôn giáo của phe Ngô Đình Diệm. Sau đó còn có những vụ tu sĩ Phật Giáo tự thiêu vì đạo pháp ở Huế và Nha Trang.

 

Ở Sài Gòn, tại các chùa chiền và những thành phố khác, người ta đồng lòng cùng nhau đứng lên biểu tình chống chánh phủ. Đêm 21 tháng 8, Lực Lượng Đặc Biệt, quân chủng hàng đầu của chế độ, theo lịnh của Ngô Đình Nhu, đập phá Chùa Xá Lợi, trung tâm chống đối mạnh bạo nhứt của Phật Giáo. Khoảng ba mươi nhà sư bị thương và trên 1400 người bị bắt. Ở Huế, Lực Lượng Đặc Biệt tấn công Chùa Từ Đàm giết chết hàng chục người và đập phá nhà chùa.

 

Hành động hãm hại Phật Giáo làm cho dư luận quần chúng Huê Kỳ phải xao xuyến. Qua một cuộc phỏng vấn truyền hình hồi đầu tháng 9 năm 1963, Tổng Thống Kennedy lên án hành động đó. Và tuyên bố rằng: "Nếu Nam Việt Nam muốn thắng chiến tranh, thì họ phải thay đổi chánh sách và có thể phải thay đổi người lãnh đạo."

 

Như vậy là tương lai của nhà Ngô đã bắt đầu u ám. Sau biến cố Phật Giáo, xét thấy Diệm không còn khả năng giữ tuyến đầu chống Cộng nữa, chánh quyền Kennedy thấy cần phải thay đổi lãnh đạo ở Nam Việt Nam. Đồng tình với kế hoạch của CIA, 14 tướng lãnh và 10 đại tá của Diệm hè nhau lật đổ Diệm. Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 của tập đoàn tướng lãnh kết thúc với việc ám sát ông Diệm cùng người em Ngô Đình Nhu vào bình minh sáng ngày 2 tháng 11. Sau đó, Ngô Đình Cẩn, bạo chúa ở Huế, cũng bị xử tử, bà Nhu thì đang ở Huê Kỳ, còn Giám Mục Ngô Đình Thục thì đang dự hội nghị ở La Mã. Trong điện tín gởi Kennedy ngày 6 tháng 11, Đại Sứ Cabot Lodge viết: "Đảo chánh là do chúng ta sắp xếp, nếu không có chúng ta thì không thành được."

 

Sau khi Đệ Nhứt Cộng Hòa sụp đổ rồi, những người có tham vọng chánh trị mới xuất hiện cứ tự tôn cho rằng mình chẳng kém ai và không ai hơn mình, nên đã xảy ra nào chỉnh lý, nào biểu dương lực lượng, đảo chánh rồi tái đảo chánh cứ lung tung ben. Rốt cuộc lại, qua sự dàn xếp của Đại Sứ Mỹ Maxwell Taylor, tình hình chánh trị Nam Việt Nam đẻ ra một chánh phủ tướng lãnh, với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương.

 

Tướng Kỳ, một tướng Không Quân trẻ tuổi (35 tuổi hồi 1965), cứ phát ngôn vung mạng, làm cho dư luận báo chí nghĩ rằng ông ngưỡng mộ Hitler. Dưới sự lãnh đạo của ông ở ghế thủ tướng, đất nước như ở trong tình trạng chiến tranh, với việc ông tự cho chánh phủ của ông là "Nội các chiến tranh". Ông đoạn giao với Pháp, xử tử công khai Tạ Vinh, một thương gia người Hoa vì vụ đầu cơ tích trử lũng đoạn thị trường.

 

Đã có Tướng Kỳ còn thêm Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lịnh Cảnh Sát kiêm Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội và kiêm luôn Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo. Một con người mà tóm thâu quá nhiều chức vụ, toàn là công cụ dò la, theo dõi và có quyền bắt giữ. Dư luận cho rằng Tướng Loan là cánh tay hành động của Tướng Kỳ. Tấm ảnh ông bắn chiến binh Việt Cộng giữa đường phố Sài Gòn, trong trận đánh Tết Mậu Thân (1968), đã đưa ra một hình ảnh xấu xa tàn ác về ông. Nhưng đến tháng 5 năm 1968, một viên đạn Việt Cộng làm ông trở thành phế nhơn.

 

Tình trạng hai tướng lãnh cầm quyền rốt cuộc cũng trở thành chánh thức với việc hai ông Thiệu và Kỳ đắc cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống qua cuộc tổng tuyển cử năm 1967. Mặc dầu ở vai trò Phó, Tướng Kỳ vẫn còn bị coi là muốn lấn lướt ông Thiệu. Như vậy Mỹ cho rằng khó khăn cho Tướng Thiệu, coi Kỳ như là một chướng ngại vật và không đem lại hiệu quả gì, nếu không muốn nói là ông Kỳ phá hại. Họ tìm cách làm cho ông Kỳ suy yếu và nâng cao uy tín của Tổng Thống Thiệu.

 

Cho nên người ta nhận thấy rằng, tình thế Nam Việt Nam, dưới bàn tay của Huê Kỳ, không thoát đâu được với Mỹ. Nhứt nhứt phải theo ý muốn của Mỹ. Nhìn cái gương của Ngô Đình Diệm, những tướng lãnh làm chánh trị thấy rõ thân phận mình nếu không nghe lời Mỹ.

 

*  *  *

 

Những thảm cảnh chiến tranh tiếp tục tàn phá đời sống dân lành vô tội chỉ vì tham vọng của những siêu cường. Qua được chiến tranh Đông Dương đợt một (1945-1954), người dân Việt Nam lại phải chịu đựng cuộc chiến Việt Nam lần thứ hai, kéo dài mười lăm năm từ 1960 đến 1975. Cuộc chiến lần nầy đâu phải chỉ liên hệ đến Việt Nam không thôi, mà còn liên lụy đến Cam Bốt và Ai Lao nữa. Như vậy là cả ba nước Đông Dương.

 

Huê Kỳ bắt đầu đánh phá bên kia vỹ tuyến 17 qua các cuộc thả đặc công biệt kích bí mật vào Bắc Việt (1961). Họ thả những toán gián điệp đặc công, đưa người nhái đổ bộ lên vịnh Bắc Việt nhằm phá hủy cơ sở quân sự và công nghiệp miền Bắc. Nhưng phần lớn những đặc công mật nầy đều bị bắt và hành quyết hay bị chết trong các trại tù. Có một số đông những quân lính bị cầm tù nầy vẫn còn cải tạo tập trung mãi đến sau 1975.

 

Ngày 2.8.1964, trong Vịnh Bắc Việt, một khu trục hạm Mỹ đi thâu hồi đặc công bị tàu tuần tra miền Bắc tấn công bằng thủy lôi. Tháng 2 năm 1965, Huê Kỳ bắt đầu ném bom xuống Bắc Việt Nam. Những tháng kế tiếp, Mỹ ném bom xuống miền Bắc như trải thảm qua chiến dịch gọi là "Rolling Thunder" (Sấm rền). Tháng 3, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ lên bải biển Mỹ Khê (Đà Nẳng), mở đầu cho việc lính chiến Mỹ ồ ạt tới Việt Nam.

 

Như vậy là cuộc chiến Việt Nam của Mỹ đã bắt đầu, có quân đồng minh của Huê Kỳ tham dự, như Nam Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân và Úc Đại Lợi. Dĩ nhiên là có Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Một cuộc chiến không trận tuyến mà Cộng quân, những người không quân phục có mặt ở mọi nơi, nhưng kín đáo hòa mình trong dân chúng.

 

Một cuộc chiến ở đó người đánh với ma, vì kẻ thù thì tứ tung mà địch quân chẳng rõ ràng, ẩn mình trong dân chúng. Kể từ 1965, quân lính Gi's Mỹ mở các cuộc hành quân trên các chiến trường miền Nam Việt Nam trong chiến dịch gọi là "tìm kiếm và tiêu diệt" (Search and destroy). Vì không am tường về dân chúng Việt Nam, nên Mỹ thấy người dân có vẻ quê mùa, chân chất nào cũng là Việt Cộng. Như vậy nên đã có những cuộc bắn giết vô tội vạ, không phân biệt trẻ già trai gái gì hết, như ở Mỹ Lai, Mỹ Khê, Sơn Thắng-4,...

 

Năm 1967, William Colby, trùm CIA ở Sài Gòn, tiến hành "Chiến Dịch Phượng Hoàng" nhằm phá vỡ cơ cấu MTGP, với những cuộc hành quân giết hại nhằm vào cán bộ và những người ủng hộ MTGP. Là một chiến dịch tình báo, nên việc ám sát bí mật trong chiến tranh Việt Nam được tiến hành bởi Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) với sự phối hợp của Tình báo Việt Nam Cộng hòa. Chương trình nầy được hoạch định với mục đích phát hiện và "vô hiệu hóa" – bắt bớ, chiêu hàng, giết chóc, hoặc kiềm chế – các cán bộ Việt Cộng nằm vùng, những người tuyển dụng và đào tạo cơ sở cách mạng tại các xã ấp Miền Nam Việt Nam, cũng đồng thời là những người hỗ trợ các nỗ lực đấu tranh vũ trang. Chiến dịch nầy đã tiêu diệt và vô hiệu hóa trên 60000 Việt Cộng.

 

Trên đà "tìm và diệt", Mỹ mở chiến dịch "Cedar Falls" (Thác Cedar) là chiến dịch quân sự từ ngày 8 tháng 1 đến 16 tháng 1 năm 1967 trong chiến tranh Việt Nam do Quân đội Mỹ Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện nhằm triệt nhổ gốc rễ các căn cứ của MTGP ở vùng "Tam giác sắt" (khu vực rộng 155 km² nằm giữa sông Sài Gòn và đường 13, khoảng 40 km phía bắc trung tâm Sài Gòn). Chiến dịch có sự tham gia của 16 ngàn lính Mỹ và 14 ngàn lính Việt Nam Cộng hòa. Quân Giải Phóng Miền Nam quyết định không giao chiến mà phân tán rút vào rừng. Trong chiến dịch nầy, "lính chuột cống" (Tunnel Rat) được sử dụng lần đầu tiên để xâm nhập hầm trú ẩn và hệ thống công sự ngầm của quân Giải Phóng.

 

Khu "Tam Giác Sắt" bao bọc Bến Cát, Bến Súc và Củ Chi là khu căn cứ địa Việt Cộng, với một hệ thống hầm và giao thông hào chằng chịt. Việt Cộng đã tấn công tổng hành dinh Sư Đoàn 25 Bộ Binh Huê Kỳ từ những đường hầm nầy. Bến Súc bị bao vây, quân chánh phủ đưa dân vào vùng kiểm soát của Nam Việt Nam rồi đặt chất nổ phá tung hệ thống đường hầm.

 

Chiến tranh chết chóc không sao kể siết, mà thủ phạm bên nào cũng có. Bên Việt Cộng không vừa gì, như qua trận Tết Mậu Thân, ngày 31 tháng 1 năm 1968. Gần Huế, trên vùng đồi núi, có một cái mộ tập thể âm u hãi hùng, nơi đó người ta len lén đặt một vài cành hoa thương tiếc. Đó là mồ chôn tập thể những người dân đất Thần Kinh bị Việt Cộng tàn sát khi tiến vào "giải phóng" nhơn ngày lễ truyền thống trọng đại và to lớn nhứt của dân tộc. Ở đó, người ta tập trung lại gần 3000 xác chết lấy từ lòng sông, từ giếng nước, từ đầm lầy, từ rừng rậm và từ đồi hoang. Những người dân thường nầy bị "giải phóng quân Việt Cộng" bắn bỏ hoặc đập chết hay chôn sống tới chết.

 

Không gì hay hơn quan điểm của cựu Đại Tá cộng sản Bùi Tín, đào thoát và tỵ nạn ở Paris, nói về Tổng Tiến Công tết Mậu Thân (1968):

 

"Lợi dụng lòng tin tưởng và tính ngạo nghễ của Tuớng Westmoreland, Tư Lịnh Lực Lượng Huê Kỳ tại Việt Nam, chúng tôi đồng loạt tấn công trên bốn mươi tỉnh lỵ, thị xã cùng căn cứ quân sự một cách đột xuất. Đại sứ quán Huê Kỳ ở Sài Gòn cũng nằm trong số những mục tiêu đó. Quân miền Bắc chiếm đóng Huế trong đêm 4 tháng 2 năm 1968. Khi họ vào được Cố Đô rồi, quân Bắc Việt nhận thấy rằng dân chúng đã không thừa cơ nổi dậy chống lại quân chánh phủ và quân Mỹ, mà lại bỏ chạy. Rất ít ai chào mừng và giúp đỡ quân Bắc Việt. Nên chi, quân Bắc Việt nghi ngờ cho rằng thị dân Huế toàn là đồ "ngụy", bọn "ác ôn". Lúc bấy giờ đã có 5000 sĩ quan và quân nhơn các cấp ra đầu hàng."

 

Rồi thì cuộc săn lùng những ai hợp tác với kẻ thù, mà danh sách đã được các tên "cách mạng" nằm vùng cung cấp. Những tên nầy có mặt cùng khắp trong hệ thống gọi là "ngụy quân ngụy quyền", từ tỉnh Thừa Thiên cho đến làng xóm. Đặc công MTGP bắt giữ nhơn viên chánh quyền Nam Việt Nam tại nơi làm việc hay tại nhà, đôi khi bắt luôn cả gia đình. Ai kháng cự bị thanh toán ngay tại hiện trường, những người khác bị trói ké đem đi giam giữ rồi thủ tiêu.

 

Quân Bắc Việt tấn công Phú Cam, bắt đi hàng trăm người Công giáo bị coi như là kẻ thù truyền kiếp, vì cha ông họ xưa kia đã theo các cha cố Tây khi bọn thực dân tới xâm chiếm xứ sở của ta. Những nạn nhơn thảm thương nầy ra đi không bao giờ hẹn ngày trở lại!

 

Bộ đội lục xét từng nhà một, tìm thấy tại một tiệm phở chứa súng ống, do láng giềng tố cáo, bắn chết chủ tiệm ngay trước quán ăn. Một ông gác dan phòng thông tin, cùng với gia đình bốn người, trốn trong một cái hầm, bị toán người mặc bà ba đen phát hiện được, lôi ra và bắn bỏ, không cần phải nêu lên tội danh gì hết. Quân nhơn Việt Nam Cộng Hòa, bí nước cùng đường, ra đầu thú nhưng mỗi người đều lãnh viên kẹo đồng hay một phát mã tấu.

 

Tình hình dồn dập, ngày 14.2.1968, quân Mỹ phối họp vói quân Nam Việt Nam mở cuộc phản công. Máy bay ném bom dữ dằn, pháo binh hoạt động ráo riết, quân bộ chiến choảng nhau khắp nơi trong Cố Đô, biến phần lớn nơi nầy thành những đống gạch vụn và bụi đất tro tàn. Hoàng thành bị cướp phá, cung điện bị thiêu rụi và đền đài bị triệt tiêu. Các cuộc đánh nhau trên đường phố nổi lên điên cuồng suốt 10 ngày liền. Nhưng rốt cuộc, vào lúc bình minh ngày 24.2.1968, cờ vàng ba sọc đỏ của Nam Việt Nam phất phới bay trở lại trên thành phố Huế.

 

Tương quan lực lượng ở Huế đã xoay chiều, các nhà chiến lược Hà Nội ra lịnh cho bộ chỉ huy hành quân mặt trận Huế cố gắng cầm cự chờ quân tiếp viện. Nhưng than ôi, trận tuyến đang thua mà chờ nông nổi gì, nên lịnh thu quân chưa tới thì quân Việt Cộng đã tan biến theo cung cách mạnh ai nấy chạy trối chết. Quân tinh nhuệ miền Bắc cũng tháo chạy toán loạn bảo vệ lấy bộ xương nằm trong lớp da bọc ngoài của mình. Đêm 25.2, Trung Ương Cục ra lệnh rút vào rừng núi phía Tây Huế là nơi từ đó họ xuất phát. Trọng pháo, súng cối và phi cơ Mỹ-Việt săn đuổi ráo riết Cộng quân trên đường rút lui.

 

Hàng ngàn tù binh, cũng như vô số dân thường bị bắt, vì bị cho là nguy hiểm cho cách mạng, mà các cánh quân phải lôi đi theo trên đường rút lui, đâm ra là một gánh nặng cho quân giải phóng. Phải làm sao đây? Bí lối cùng đường, mỗi cánh quân tùy nghi giải quyết và cung cách hay và gọn nhẹ nhứt là thủ tiêu tập thể.

 

Vạch rõ những sai phạm và lầm lỗi của Bộ Chỉ Huy Hà Nội, khiến cho cuộc tiến kích Tết Mậu Thân phải thất bại, ông Bùi Tín, vị Đại Tá Việt Minh đào thoát tỵ nạn lưu vong ở Pháp nhận định:

 

"Trên chiến trường, khi đã đạt được chiến thắng mong muốn – trong trận nầy là cảnh giác chánh phủ và dư luận quần chúng Huê Kỳ - thì mình phải biết dừng lại, bảo tồn lực lượng, vừa đánh vừa rút lui. Thế nhưng không phải vậy, Bộ Chỉ Huy ham ăn, cứ thúc đẩy tiến công tới mức cùng. Ở Huế, cuộc chiến đã duy trì và kéo dài cả tháng trời, gây khó khăn cho chuyện thu quân."

 

Khi chiến trưng Huế chấm dứt, người ta phát hiện ra ngay bên trong thành phố và ở những vùng phụ cận một lô mồ chôn tập thể. Phần lớn những xác chết đều bị trói tay sau lưng, nhiều sọ người bị bắn hay bị đập, còn một số khác bị chôn sống. Trong số người chết còn có người Đức, người Phi, người Đại Hàn, cũng như vô số dân cư phần đông chẳng theo phe nào hết.

 

Cũng nên thêm những xác chết do Tòa Án Nhơn Dân và các đội xử tử để lại. Đó là chưa kể xác chết của những người bị lính Nam Việt Nam giết hại để trả thù như các toán võ trang nằm vùng và những người tiếp tay, trong khi tái chiếm Cố Đô. Những xác chết nầy phải cho vào hố chôn tập thể ở Bãi Dâu gần Gia Hội, một nơi khác ở chưn núi Ngự Bình và một chỗ thứ ba về phía Tây trên đường từ Huế vô miệt núi.

 

Người ta còn tìm thấy dưới đáy một cái giếng xác hết của Bác Sĩ người Đức, ông Horst Günther Krainick, giảng sư Đại Học Y Khoa Huế và của bà vợ, cũng như tử thi của hai bác sĩ người Đức, đã đến Việt Nam vì lý tưởng của mình. Bạn thân của hai ông nầy, Bác Sĩ Georg Alsheimer, mấy năm sau đến Huế để tìm tin tức về cái chết của họ, nhưng chẳng bao giờ gặp được những nhơn chứng.

 

Đàn Nam Giao nổi tiếng, có nền vuông vức, tượng trưng cho Đất (Phương Đàn), bên trên có một mặt phẳng tròn, tượng trưng cho Trời (Viên Đàn), xưa kia là nơi chốn hết sức tôn nghiêm của Việt Nam. Cứ ba năm một lần, hoàng đế đến tế lễ cúng bái cầu nguyện Thượng Đế.

 

Sau khi thống nhứt đất nước hồi 1975, nhà nước XHCN cho xây lên trên bàn thờ tế lễ một đài kỷ niệm vinh danh những người cộng sản chết trong trận Mậu Thân. Người dân Huế coi đó như một hành động xúc phạm đến truyền thống, một thái độ khiêu khích báng bổ trịch thượng. Nhơn dân Cố Đô phản đối quyết liệt và lâu dài đến đổi Ủy Ban Nhơn Dân thị xã phải chịu thua và cho đập phá hồi 1993.

 

Cuộc tấn công Mậu Thân ở nơi nào cũng kéo dài trong vòng đôi ba ngày, chỉ có ở Huế là lâu nhứt, 26 ngày. Việt Cộng bị tổn thất nặng nhứt tại tòa Đại Sứ M ở Sài Gòn, tiêu tan cả một đội cảm tử đặc công. Tổng kết lại, Việt Cộng chết 40000 trong khi bên phía đồng minh thì 1100 Mỹ và 2500 lính Sài Gòn. Tổn thất dân thường lên đến con số 15000.

 

Qua một cuộc phỏng vấn của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, khi được hỏi kết quả cuộc tấn công như vậy thu có bù chi không. Tổng Bí Thơ Lê Duẫn đáp: "Đó là một chiến thắng lớn, hạ thấp tính ngạo nghễ của Mỹ." Cũng ông Tổng Bí Thơ đó thuật lại với những người thân cận: "Tôi đã gặp đồng chí Mao Trạch Đông và nói thẳng với đồng chí là nếu Trung Quốc giúp đỡ thì chúng ta thắng Mỹ với tổn thất ít hơn, bằng không thì, nếu chúng ta có phải hy sanh trên một hai triệu người, chúng ta cũng không nao núng..." Hẳn rồi, đổ máu thiên hạ chớ đâu phải máu mình. Bọn đầu sỏ cầm quyền đâu có ngại ngùng gì khi quyết định cho người dưới phải sống hay chết!

 

Bên Huê Kỳ, tháng 1 năm 1969, Nixon thay thế Johnson ở Tòa Bạch Ốc. Trước khi bầu cử, Nixon tuyên bố là ông có kế hoạch để chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Trước phong trào chống đối chiến tranh càng ngày càng mãnh liệt, tháng 5, 1969, Nixon mật kín đề nghị với Hà Nội hai bên cùng rút quân. Tháng 6, ông loan báo cho hồi hương 25000 quân trong số 540000 Gi's có mặt tại Việt Nam. Tuy vậy biểu tình phản chiến vẫn tiếp tục như đã lọt vào một chu kỳ không đảo ngược được. Thêm vào đó còn xuất hiện một vài biến cố bất lợi do lỗi lầm của lính Mỹ trong lúc hành quân, như vụ tai tiếng Mỹ Lai.

 

Tháng 10 năm 1969, phe phản chiến Mỹ biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở nhiều nơi trên đất nước Huê Kỳ, càng ngày càng lan rộng và nhiều kiểu cách. Tháng 4 năm 1970, Nixon mở rộng chiến tranh qua đất Cam Bốt, lấy cớ tiêu diệt bộ chỉ huy Việt Cộng đóng trên vùng biên giới Miên-Việt, ở khu Lưỡi Câu và Mõ Vịt. Mùa xuân 1970, những cựu binh Mỹ, thù nghịch với chiến tranh cũng xuống đường, đòi rút quân về.

 

Để phản đối Nixon leo thang chiến tranh sang Cam Bốt, sanh viên Đại Học "Kent State" ở bang Ohio nổi lên chống đối, đốt phá văn phòng phụ trách sĩ quan trừ bị. Vệ Binh Quốc Gia được lịnh nổ súng làm thiệt mạng 4 người và bắn bị thương 11 sanh viên, ngày 4.5.70. Rồi thì biểu tình tiếp nối, bãi khóa, biểu tình ngồi đủ hết. Dân chúng đã chán ngấy chiến tranh.

 

Xáo trộn bắt đầu leo thang trong xã hội Huê Kỳ với các cuộc biểu tình chống chiến tranh và biểu tình chống biểu tình. Bước qua năm 1971, liên quân Việt-Mỹ mở chiến tranh sang Lào, nói là để ngăn chận tuyến hậu cần của quân Hà Nội. Tinh thần quân đội Mỹ bắt đầu có vấn đề, những thái độ bất tuân thượng lịnh xảy ra, một vài quân lính phản đối thượng cấp, không chịu đi hành quân,...

 

Chiến tranh Việt Nam phá hỏng tinh thần quần chúng Mỹ ở hậu phương rồi lần hồi phá tan quân phong quân kỷ quân đội Huê Kỳ. Một cuộc chiến không thấy lối ra mà mục tiêu cũng không rõ ràng. Một cuộc chiến mà người quan sát lẫn người trong cuộc mất phương hướng và chán chường.

 

Còn phía bên Cộng sản thì sao? Trong tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh", Bảo Ninh hé lộ qua lời tâm sự của người bạn chiến binh đào ngũ:

 

"Tớ đâu phải sợ chết. Nhưng cứ giết chóc mãi như thế nầy là hủy diệt nhân tính trong con người mình... Cậu còn nhớ trận đánh Play Can hồi 1967 không? Cậu còn nhớ cảnh xác chết ngập chiến trường không? Chúng mình lội bì bỏm trong máu đỏ... Bao nhiêu thằng đểu giả thoải mái lợi dụng chiến tranh trong khi con cái nông dân phải đau lòng đứt ruột ra đi, bỏ lại mẹ già chịu cảnh màn trời chiếu đất. Chiến thắng hay thua trận... chẳng có nghĩa gì với tớ. Giết, tớ đã giết quá nhiều. Nhục nhã, tớ chẳng thấy đâu là vinh quang khi suốt đời cứ bắn giết."

 

Tác giả trước thuộc lữ đoàn 27 quân đội miền Bắc, chiến đấu từ năm 1959 cho đến khi chiếm được Sài Gòn hồi 1975. Đơn vị của ông chỉ còn lại 10 người sống sót trên quân số 500.

 

Trong khi hai phe Quốc-Cộng bắn giết nhau nhừ tử thì các thế lực quan thầy tìm cách hoàn chỉnh chiến thuật, chiến lược trong chiến tranh lạnh của họ. Vào cuối năm 1971, Trung Quốc gia tăng viện trợ cho Bắc Việt Nam. Nhưng đến tháng 2 năm 1972 thì Mao Trạch Đông "hẫu hảo" tiếp Nixon, hy vọng lôi nước Tàu ra khỏi cảnh cô lập và nâng mình lên cao làm lực đối trọng lại Liên Xô. Nixon hứa giảm sự hiện diện quân sự Mỹ tại Đài Loan, đổi lại việc Trung Quốc ngừng đáp ứng những đòi hỏi của Hà Nội về chánh trị. Trong khi đó, Kissinger, cố vấn an ninh của Nixon, đang đi đêm với Lê Đức Thọ tại Paris.

 

Năm 1971, Liên Xô tăng cường cung cấp cho Hà Nội xe tăng, và trang thiết bị nặng. Qua đường mòn Hồ Chí Minh, hàng đoàn xe tải chở chiến cụ cho các sư đoàn được bố trí dọc theo biên giới Nam Việt Nam và Cam Bốt. Trong khi đó quân lính đánh bộ Việt Cộng tăng cường nỗ lực đánh phá khắp nơi, An Lộc, Bình Long, Qung Trị,...

 

Tháng 5 năm 1972, Nixon đi Mạc Tư Khoa được Brejnev tiếp đón nồng hậu. Đồng thời, ông cho lịnh phong tỏa cảng Hải Phòng và đẩy mạnh việc ném bom miền Bắc. Trong chiến dịch trên không, nhằm "đưa Bắc Việt vào thời kỳ đồ đá", Không Quân Mỹ thiệt hại đáng kể. Thiệt hại phía Cộng sản dĩ nhiên là phải to lớn, nhưng không được nghe ai nói ra.

 

Ngày 27.1.1973 tại Paris, Kissinger và Lê Đức Thọ ký kết Hiệp Định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam. Chuyện triệt thoái quân song phương không nghe nói tới nữa. Làm như chỉ có hai phe Mỹ và Hà Nội trong cuộc chiến Việt Nam. Hà Nội trao trả tù binh Mỹ và những người lính chiến Mỹ cuối cùng cũng rời Việt Nam.     

 

Dưới thời Mỹ, Sài Gòn sống trong cảnh phồn vinh mượn tạm. Khi Mỹ rút về, đời sống người dân phải thắt lưng buộc bụng, sống trong cảnh "Việt Nam hóa chiến tranh". Kinh tế gặp khó khăn, tình hình quân sự cũng không sáng sủa gì, vì thiếu sự hỗ trợ của Mỹ. Đã có hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình rồi mà Việt Cộng vẫn hung hăng giành dân lấn đất. Rõ ràng là ý đồ xâm chiếm miền Nam của Việt Cộng cứ ngấm ngầm.

 

Từ đầu năm 1975, nhiều đoàn chiến xa và pháo binh nặng tràn xuống phía Nam, đánh chiếm nhiều nơi. Đến khi vào tháng 3, Ban Mê Thuột thất thủ làm cho một loạt các thành phố lớn cũng ngã theo, như những con cờ đô- mi-nô. Xe tăng Bắc Việt tiến đến Biên Hòa, rồi Sài Gòn. Ngày 25.4, Tổng Thống Thiệu từ chức, trao quyền lại cho ông Hương, rồi ông Hương trao lại cho Tướng Minh, để vị Tướng nầy đầu hàng Việt Cộng. Thế là chấm hết một "huyền thoại"!

 

Hết Bài 3 - xem tiếp bài 4
Xem lại bài trước

Phan Quân 


PHAN QUÂN

 
Tên thật: Phan Văn Minh
Ngày sanh: 17.02.1931
Dân Sài Gòn
Học sinh Pétrus Ký
Khoá I Thủ Đức (1951-1952)
Sĩ quan bộ binh: (1952-1953)
Sĩ quan Không Quân: (1954-1975)
Tù cải tạo: (1975-1987)
Định cư ở Pháp: (1990-...)

Tác phẩm :

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.