.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi!
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

Phật học ứng dụng

 

Xây dựng hòa bình

Làm mới thân tâm, xây dựng hòa bình là nghệ thuật và phương pháp làm đẹp nếp sống cá nhân, thăng hoa đời sống đạo đức, hóa giải mâu thuẫn và chữa lành thương tích, khổ đau, làm nền tảng xây dựng hòa bình với những người thân thương trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Hạnh phúc cá nhân làm ra hạnh phúc gia đình. Một người đau khổ thì cả gia đình cũng đều đau khổ. Gia đình đau khổ thì xã hội điêu linh, sinh ra chiến tranh và thù hận. Do đó, hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Khổ đau cũng không phải là vấn đề cá nhân. Sự sống của ta liên hệ mật thiết với sự sống của tất cả mọi người và mọi loài chung quanh như hoa với nắng, như trăng với sao, như nước với nguồn... Cho nên ta phải biết nghệ thuật làm mới thân tâm và hóa giải khó khăn trong mỗi người. Nghệ thuật ấy là con đường tâm linh, là nếp sống tỉnh thức, là đời sống đạo đức, trách nhiệm và văn hóa.

Không biết bao nhiêu cặp vợ chồng người Việt ở trong xã hội Tây phương đã đổ vỡ cũng vì mỗi người không biết hóa giải những khó khăn và tuyệt vọng trong tâm. Ta giận hờn, trách móc, lên án nhau bởi vì ta có quá nhiều năng lượng bất an, khổ đau và mâu thuẫn trong lòng. Vợ ly dị chồng, chồng bỏ bê vợ, cả hai đều là nạn nhân của những bức bách, nội kết và mâu thuẫn ấy. Mới ban đầu, hai người yêu nhau tha thiết nhưng vì không biết làm mới tình yêu nên những xung đột, giận hờn và vụng dại đã làm héo mòn tình yêu, đã soi mòn nếp sống hạnh phúc gia đình cho nên sau khi ở với nhau một thời gian, ta không thể chịu đựng nhau được nữa. Mỗi người là một khối lửa, mỗi người là một trái bom nổ chậm nên vợ chồng thường gây gỗ nhau, cãi lộn nhau, buồn giận nhau, trách móc nhau rồi cuối cùng phải ra tòa ly dị. Sau khi vợ chồng chia tay, khối lửa trong lòng mỗi người nguôi đi một chút nhưng khi có dịp chung sống với một người mới thì ta lại tạo ra xung đột, gây gỗ và mâu thuẫn. Ta không biết cách chuyển hóa những khối nội kết. Ta không biết thực tập hơi thở ý thức để an tịnh lại cảm xúc buồn đau. Ta không biết lắng nghe nhau bằng tâm hiểu biết. Ta không biết nói với nhau những lời thương yêu và xây dựng. Ta cứ để tham, sân, si khống chế đời sống tình cảm và suy tư do đó ta tiếp tục là nạn nhân của nhau. Ta đã tạo ra nhiều khổ đau trong đời sống gia đình và lứa đôi. Những đứa con sinh ra trong những gia đình tan vỡ ấy mang mặc cảm thiếu cha hoặc thiếu mẹ, thiếu không khí đầm ấm, thiếu đời sống hạnh phúc gia đình nên đa số những người trẻ ấy cảm thấy bơ vơ và lạc loài. Họ không còn tin tưởng nơi cha mẹ và đời sống gia đình. Họ mất đi cơ hội để thật sự học được bài học thương yêu bởi vì cha mẹ đã không biết thương yêu nhau.

Thời xưa ở Việt Nam, con người còn sống trong môi trường hạnh phúc gia đình, bố mẹ thương yêu nhau, vợ chồng xây dựng cho nhau để làm nên tổ ấm gia đình. Luân lý, đạo đức rất chặt chẽ do đó dù có khó khăn, bất bình giữa vợ chồng, ta cũng không dám lớn tiếng với nhau bởi vì bà con hàng xóm sẽ chê bai, sẽ đánh giá thấp văn hóa, đạo đức của gia đình và dòng họ. Nhờ luân lý đạo đức, nhờ văn hóa gia đình nên vợ chồng tin tưởng nhau, đồng tâm hợp lực xây dựng một gia đình hạnh phúc và gương mẫu. Vợ chiều chồng, chồng nhường vợ. Trong khi đó xã hội Tây phương, luân lý đạo đức đi xuống trầm trọng. Con người chạy theo tiền bạc, danh vọng và ham muốn nên ta tới với nhau với mục đích hưởng thụ và thỏa mãn những ham muốn cá nhân. Có thể hai người tới với nhau để bớt đi nỗi cô đơn, lạc loài và thèm khát mà không phải vì văn hóa gia đình và tiếp nối dòng dõi, giống nòi nên ta đã tạo ra rất nhiều xáo trộn trong đời sống vợ chồng và gia đình. Ta thay đổi vợ chồng như thay áo. Hễ không hợp nhau là:

‘‘Anh đi đường anh, tôi đường tôi

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi…’’

Vợ đi làm để dành tiền riêng, chồng đi làm mở trương mục riêng, lại còn chưa kể tới những chuyện cờ bạc, nhậu nhẹt, nhảy nhót... Đời sống gia đình hiện tại quá mong manh. Cũng như thế, liên hệ giữa cha con, mẹ con, anh em và cộng đồng đã trở nên mong manh, có nhiều khó khăn, chia rẽ và hiểu lầm. Anh giận hờn em; em gây gỗ anh. Chị không nói chuyện với em; em cố tình xa lánh chị. Cha từ con; con bỏ nhà đi lang thang... Cho nên ta hãy thực tập làm mới hạnh phúc gia đình và làm tốt đẹp lại liên hệ giữa anh em, cha con, mẹ con và huynh đệ. Ta hãy tập nói với nhau bằng những lời dễ thương, hãy tập lắng nghe sâu sắc bằng tâm thương yêu và tập mở lòng ra để tìm hiểu người thương mà đừng chiếm hữu, đừng bắt ép, đừng la mắng và đừng lên án người thương. Tình yêu gia đình, tình nghĩa anh em, tăng thân hòa hợp và đời sống lứa đôi có một sứ mạng thiêng liêng và cao cả. Tới với nhau bằng văn hóa đạo đức, xây dựng gia đình, đời sống tâm linh, ta mới có cơ hội hiểu được chính mình. Ta nhận thấy rằng bấy lâu nay ta là nạn nhân của độc tài, nóng giận, ghen tuông do đó lời nói của ta toàn là trách móc, hờn dỗi, lên án... đối với người thân yêu.

Xây dựng lại gia đình, tình huynh đệ, cộng đồng là món quà quý nhất mà ta có thể để lại cho con cháu. Bởi vì con mất niềm tin nơi gia đình, nơi đời sống lứa đôi, nơi tình thương của cha mẹ, nơi đời sống tâm linh là một tai họa lớn cho thế hệ mai sau. Họ mang mặc cảm thất vọng, lạc loài và cô đơn. Họ không biết thương yêu nhau. Họ không biết tin tưởng nơi đâu. Họ tiếp nối những thương đau, đổ vỡ và khó khăn của cha mẹ. Một số trong những người nầy tìm tới một tu viện, một nhà thờ hoặc một chốn tâm linh để nương náu nhưng rốt cuộc họ cũng cảm thấy bơ vơ, lạc loài và không có hạnh phúc trong môi trường mới, do đó họ lại bỏ thầy bỏ bạn mà đi. Cũng có thể, họ sẽ hủy diệt cả sự sống của họ trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng và khổ đau bởi vì họ không tìm ra được ý nghĩa của sự sống. Họ không được nuôi dưỡng bằng tình thương nên họ cũng không có khả năng thương yêu và đem lại hạnh phúc gia đình. Đây là một hiện tượng nguy cơ và đe dọa cho hạnh phúc của thế hệ tương lai. Đời sống vật chất đã lấn áp hết đời sống tâm linh. Tình cảm con người càng ngày càng xuống thấp. Chủ nghĩa cá nhân của người Tây phương đã đồng hóa nhận thức của người Việt. Trong khi đó khó khăn, mâu thuẫn và khổ đau trong gia đình và đời sống lứa đôi càng ngày càng trở nên trầm trọng.

Tôi là một người Việt Nam ở Mỹ, xa quê hương từ lúc chưa tới tuổi mười lăm, mười sáu. Đã có lần tôi muốn quên đi giống nòi, muốn chối từ quê hương, muốn trốn chạy bản chất Lạc Hồng nên tôi đã không muốn nói tiếng Việt. Một hôm đi với mạ trong phố chợ ''mall'', nghe mạ nói tiếng Việt mà tôi cảm thấy xấu hổ, bực mình và khó chịu. Tôi sợ người ta chê cười, kỳ thị, khinh thường và làm nhục người Việt. Trong quá khứ, tôi đã từng bị học sinh Mỹ kỳ thị, đánh đập tới phun máu và gãy răng. Tôi không muốn bị người ta đày đọa, sỉ nhục nên tôi mang cho tôi cái mặt nạ vừa xa lạ vừa cô đơn vừa lạc loài bởi vì tôi có mặc cảm tự ti văn hóa và giống nòi. Tôi sợ hãi người ta kỳ thị. Tôi muốn hội nhập vào xã hội mới. Tôi muốn thành công trong xã hội này... Do đó tôi muốn ‘‘quên nước quên non.’’[1] Tôi muốn quên Việt Nam khổ đau, chiến tranh và hận thù. Càng ngày tôi càng cảm thấy xa lạ với chính tôi. Tôi đã đánh mất gần hết gia tài văn hóa. Tôi đã bị bứng mất gốc rễ từ cội nguồn huyết thống và tâm linh. Càng muốn trốn chạy chính mình, lánh xa quê hương nòi giống, lãng quên văn hóa tổ tiên, từ chối tiếng mẹ đẻ bao nhiêu, tôi càng cảm thấy cô đơn và lạc loài bấy nhiêu. Bây giờ nhớ lại tâm trạng ấy, tôi cảm thấy sao mình dại dột quá, nông nỗi quá. Lớn lên một chút, tôi mới cảm thấy yêu thương quê hương một cách thắm thiết. Biển Thuận An, Phá Tam Giang, rừng dương xanh, bãi cát trắng... là những nơi ghi đầy kỷ niệm của thời thơ ấu. Tôi yêu tính nết của người Việt. Tôi yêu cách sống của người Việt. Tôi yêu tình cảm nhẹ nhàng, kín đáo mà nồng nàn của người Việt. Tôi yêu giọng hò tiếng hát trên sông. Mỗi khi nghe tiếng mẹ hò ru con vào buổi trưa, tất cả những kỷ niệm của quê hương yêu dấu lại trở về. Một cảm giác nhớ thương và tiếc nuối dâng lên nhè nhẹ về nỗi đầm ấm, hạnh phúc của thời thơ ấu... Tóm lại, tôi không muốn mất gốc, không muốn đánh mất văn hóa, không muốn chạy trốn chính mình. Làm sao tôi có thể trốn chạy được mình? Đi đâu tôi cũng là tôi với những ước mơ, tình cảm và tâm tư. Tôi không thể nào mang cho mình một chiếc mặt nạ xa lạ suốt đời này. May mắn thay! Tôi gặp được Thầy tôi. Mạ tôi đưa tôi đến với Thầy. Thầy là hình ảnh lý tưởng nhất, đẹp đẽ nhất của những người con nước Việt thân yêu. Nét đẹp của Thầy là nét tinh anh của văn hóa, giống nòi và tâm linh. Nét đẹp đâu cần phải thay hình đổi dạng để trở thành mắt xanh tóc vàng. Nét đẹp hình hài chưa phải là nét đẹp đích thực. Danh vọng và bằng cấp chưa hẳn là giá trị cao cả của đời người. Thấy như thế, mặc cảm tự ti văn hóa và giống nòi trong tôi đều tan biến hết. Tôi tìm lại được tôi. Tôi bắt đầu đọc sách tiếng Việt trở lại. Từ đó trở về sau, tôi bắt đầu thương yêu tiếng Việt. Nghe bằng tiếng Việt, nói bằng tiếng Việt và viết bằng tiếng Việt, tôi mới thật sự cảm thấy thấm thía và rung động cả trái tim trong nỗi niềm sung sướng và hạnh phúc. Tôi không phải là nhà văn. Hồi còn ở trung học, văn của tôi tồi lắm. Không phải cô giáo cho điểm trung bình hoặc dưới trung bình mà tôi nghĩ như thế. Đó là một sự thật. Tôi viết được như hôm nay đều do bổn sư của tôi trao truyền và dạy dỗ. Hơn thế nữa, khi ta yêu thích cái gì thì ta cứ nghĩ về nó thường xuyên. Hát hoài thì tiếng hát sẽ hay. Đọc văn chương hoài thì tự nhiên ta có thể làm thơ viết văn được.

Tóm lại, tôi thật sự không muốn thấy đời sống gia đình, tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa anh em và đời sống văn hóa tâm linh của tổ tiên bị soi mòn và mất mát. Mất văn hóa là mất tất cả! Cho nên tôi xin chân thành chia sẻ những kinh nghiệm nhỏ bé về sự thực tập hòa giải bản thân và hàn gắn với những người thân thương. Mong sao cuốn sách này sẽ đem đến một chút lợi lạc cho mọi người hầu đền đáp công ơn ông bà tổ tiên, cha mẹ, anh chị em, thầy tổ và quê hương yêu dấu.

Chân Pháp Đăng


[1] Trịnh Công Sơn

Không có con đường đưa tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường!


ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.