.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                   TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 

 

Xin cám ơn những người tử tế

Pháp nạn Bát Nhã dường như tiếp tục mở ra những cánh cửa kỳ diệu bất ngờ. Điều đầu tiên làm sửng sốt những người quan tâm tới, là cách hành xử đúng giáo pháp Như Lai, qua sự nhẫn nhục, từ bi và tỉnh giác của đồng loạt gần 400 tăng ni sinh trẻ. Họ đều còn quá trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi đạo nhưng qua thử thách này, họ chợt hiện thân như những cây xanh trên triền núi, chứng thực sự vững mạnh trước sương gió, bão giông. Điều này chẳng ai phủ nhận được vì đây đang là những người thật, cảnh thật, chứ không phải truyền thuyết kể lại.

 

Đối chiếu sự kỳ diệu đẹp đẽ này là những xấu xa vốn sẵn có, nhưng cũng khá bất ngờ là nó lại có thể xấu đến thế! Trong lịch sử, chưa thấy một nhà nước nào đối xử với người tu hành bằng thái độ côn đồ, đánh đập, đốt am, cắt điện nước, xé y, đập bát, đốt kinh, và độc đáo có một không hai là chở tới từng xe phân hôi thối để ném xối xả vào chư vị tôn đức trong giáo hội, tới an ủi và thăm viếng những tu sỹ đang bị bỏ đói khát!

 

 

Tất nhiên nhà nước không đeo thẻ đảng viên trước ngực hay mang chức vụ đương thời để trực tiếp hành động, mà là khích động và thuê mướn những người dân nghèo khổ, làm những việc thất đức này. Từng xe bus chở nam phụ lão ấu, đa số là phụ nữ, được giao bài bản, học thuộc, rồi đến đó mà la mắng, chửi rủa rồi lãnh tiền. Những tài xế taxi được gọi tới để “chở khách hành hương”, đến nơi mới biết là tới để “xúc” tăng ni Bát Nhã ra khỏi tu viện! Điều này cũng chính các tài xế taxi đau lòng mà tự thổ lộ với các thầy cô bị đẩy lên xe. Rồi cũng chính những bác tài xế đó biểu lộ sự bối rối và trắc ẩn khi ra tới đường lộ, bằng cách: “Thôi, con cứ thả quý thầy quý cô xuống đây, thầy cô chịu khó tìm đường lẩn tránh!” Sự việc này cũng đã được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu.

 

Ai có khả năng chi tiền cho những người dân lao động và nghèo khổ đó?

 

Cũng lại khá bất ngờ về sự dối trá của nhà nước. Dù người dân đã nghe quá quen những điều mà lời nói không đi đôi với việc làm của nhà nước, nhưng những việc lươn lẹo đó thường còn được che chỗ này, đậy chỗ kia. Với sự cố Bát Nhã thì hình ảnh trong từng giờ, từng ngày đã lập tức chuyển tải trên khắp thế giới, không phải chỉ hình chụp, mà còn biết bao đoạn phim sống động. Ấy vậy mà những thành phần được gọi là phát ngôn nhân chính thức của nhà nước tuyên bố công khai và cho phổ biến trên báo chí là “Không có! Không có đàn áp đánh đập, xô đuổi gì ở đấy cả!”

 

Dối trá trắng trợn tới mức này, không biết họ đã mất trí chưa?

 

Nhân loại đang ở thế kỷ thứ hai mươi mốt rồi. Con người đã lên tới cung trăng rồi, không còn cái thuở có màn sắt màn thép nào che đậy sự thật được nữa. Dưới ánh mặt trời, sự cố quanh Bát Nhã đã hiện ra và khơi dậy theo bao cái đẹp âm thầm, thức tỉnh bao lương tri, cho chúng ta niềm tin vững mạnh ở lời Phật dạy là mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, do mức độ sâu hay cạn của vô minh che lấp mà Phật tánh đó tỏ hay mờ.  

  

Xin cám ơn những người tử tế đã nhìn rõ sự thật, và lên tiếng cho sự thật.

 

Hóa ra, những người tử tế không ít như ta tưởng.

 

Nhìn cảnh dũng cảm của chư tôn đức chùa Phước Huệ đã mở rộng cửa, dang rộng tay, che chở cho những đứa con hoạn nạn, đã khiến bao người tử tế khác xúc động và bước ra vùng ánh sáng. Như người hàng xóm công giáo âm thầm giúp từng chén cơm, bát nước, như tăng ni sinh tỉnh Lâm Đồng đã lập tức lên tiếng yểm trợ, kể cả sẵn sàng vị pháp thiêu thân. Rồi như vết dầu loang, lương tâm những người tử tế trên khắp thế giới không chịu nổi sự im lặng nữa. Từ Á sang Âu, họ lên tiếng bằng những bước chân thiền hành trong chánh niệm, bằng những đóa hoa kết lại 400 bông, tượng trưng 400 tăng ni sinh trẻ ở Bát Nhã đang bị áp bức, bằng những đêm thắp nến, bằng những thỉnh nguyện thư gửi tới Liên Hiệp Quốc, tới các tòa đại sứ các nước có trụ sở ở Việt Nam, bằng những tình nguyện trích, dịch, cập nhật tin tức từ Bát Nhã để phổ biến trên các mạng lưới toàn cầu.

 

Khắp nơi trên thế giới vẫn đã và đang có những đoàn thể, những tôn giáo bạn, những hội đoàn, những cơ quan truyền thông v.v… tiếp tục lên tiếng đòi hỏi tự do tôn giáo cho Việt Nam và hiện tại là sự bảo vệ và công bằng cho gần 400 tăng sinh trẻ Bát Nhã.

 

Giấy mực đã tốn quá nhiều. Sự thật cũng đã phơi bày quá rõ, trắng đen, phải trái, chẳng cần chi luận bàn thêm, nhưng hầu như mọi nỗ lực và tiếng nói của những người tử tế trên khắp thế giới đều vang vọng ở nơi hoang dã, nơi không người, không vật, không cỏ cây, mới có thể không được đáp lại một mảy may nào đến thế!

 

Giữa nền văn minh toàn cầu, mọi quốc gia đều có hầu hết những tiện nghi tối thiểu để cảm thông nhau, sao riêng địa danh Việt Nam lại như dặm trường thiên lý khi xưa Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh vậy? Dặm trường đó không chỉ  muôn vàn hiểm nguy vì cướp bóc dã man, mà tử khí còn phảng phất suốt tám trăm dặm cuối, là sa mạc mịt mù bão cát ngày đêm, không dấu hiệu nào của sự sống, dù là nhánh cây, ngọn cỏ, trước khi thấy được dòng suối giáp biên giới Y- Ngô?

 

Ấy vậy mà người quyết tâm đi thỉnh lời Phật dạy để cứu khổ muôn loài đã vượt qua. Người và ngựa đó đã tới được dòng suối Dã Mã. Nước suối đã cứu sống cả hai để đi tiếp tới Cao Xương, Khuất Chi, Đột Quyết, và thấy bóng dáng hùng vĩ của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Nơi đó, không bao xa nữa là biên giới Ấn Độ, là đất Phật, là nơi cất giữ những pho kinh vô giá, là linh dược của nhân loại.

 

Hành trình đi thỉnh kinh của ngài Huyền Trang từng được viết lại bằng nhiều ngôn ngữ, từng được quay thành phim, làm say mê bao thế hệ, dù người đọc, người xem, có phải là Phật tử hay không. Thế nào, trong số những người đang nắm vận mệnh đất nước Việt Nam hiện nay chẳng từng là độc giả, khán giả của loạt truyện kỳ diệu này. Nhưng chắc chắn, nếu có xem, họ chỉ thích thú với những màn thần thông của Trư Bát Giới mà không hề biết dừng tâm một giây một phút để bâng khuâng “Dặm trường hiểm nguy đến thế, sao lại có người quyết tâm một người, một ngựa lên đường? Và phép lạ nào đã che chở người ấy đã vượt thoát?”

 

Dù chỉ khởi tâm băn khoăn được đến đây thôi, chắc họ cũng không đến nỗi hành xử với người tu hành như đã và đang hành xử, không vô thần tới mức đốt kinh, đốt sách!       

 

Tại sao loài người lại không thể nghe được tiếng nói của loài người, trong khi người thợ đốn cây vác cưa vào rừng còn khiến cây run rẩy, khi người xòe tay âu yếm, con sóc còn đến gần nhận hạt đậu từ bi?

 

Câu trả lời đơn giản có lẽ chỉ vì những con người đó không tim, không óc. Nhưng ở thời đại văn minh này mà nói thế cũng không ổn vì nay những người-máy (Robot) được người-thật chế tạo, còn có thể tự xoay sở để làm tốt, làm đúng trong nhiều trường hợp đã được thử nghiệm.

 

Vậy, phải sắp xếp ở vị trí nào cho đúng, đối với những người đang trực tiếp ra lệnh và chịu trách nhiệm sự truy bức tới cùng, gần 400 người trẻ tu hành theo pháp môn Làng Mai tại Việt Nam?

 

Chùa Phước Huệ đã mở rộng cửa cho đàn con Phật tá túc trong đêm mưa bị rượt đuổi tàn bạo khỏi Bát Nhã, và sẵn sàng bảo trợ cho họ ở lại Phước Huệ để tiếp tục tu học. Thượng Tọa trụ trì chùa Phước Huệ từng trả lời các cuộc phỏng vấn, cũng như chia sẻ với đồng bào Phật tử đến thăm là: “Họ tu học tốt lắm! Hoàn cảnh bất ngờ, hàng trăm người tụ về một nơi chật chội, thiếu thốn đủ thứ, lại còn trong tâm trạng bấp bênh, thế mà họ vẫn giữ được chánh niệm, chia nhau công việc, chấp tác chu toàn đâu vào đấy. Chỉ giờ tụng kinh mới nghe tiếng họ hòa vào nhau trầm bổng, ngoài ra, lúc nào họ cũng giữ im-lặng-hùng-tráng. Ai chưa biết sự cố này mà ghé đây, đều không thể ngờ có số đông như thế đang trú ngụ. Mong rằng họ được phép ở lại đây tiếp tục tu học.” 

 

Nhưng lòng từ bi đó không được nhà nước chấp nhận, dù nhà nước không phải đóng góp gì cho sự cưu mang này cả!

 

Có nơi nào trên thế giới mà lòng từ bi không được chấp nhận không?

 

Sau đó, sự truy bức đã lập tức đến Phước Huệ với tất cả sở trường và sở đoản của tâm địa ác độc!

Thưa vâng, đuổi chúng tôi khỏi Phước Huệ thì chúng tôi xin đi, khi có nơi khác cứu giúp.

 

Nơi khác đã sẵn sàng.

 

Hóa ra, cũng không phải!

 

Sau nhiều ngày chờ đợi, nhị vị Thượng Tọa Minh Nghĩa và Viên Thanh đã nhận được công văn chính thức do ngài Nguyễn Thanh Xuân, phó trưởng ban thường trực điều hành BTGCP gửi tới với kết quả là bác đơn xin bảo lãnh tăng thân tu theo pháp môn Làng Mai!

 

Bất cứ khi ta làm gì, nói gì cũng phải có lý do tại sao làm thế, tại sao nói thế. Cái lý do nhà nước bác đơn bảo lãnh của nhị vị Thượng Tọa, là nhà nước không chấp nhận cho tập trung đông người cùng tu tập theo pháp môn Làng Mai tại một cơ sở tôn giáo địa phương!

 

Cái lý do cực kỳ lạ lùng này từng được dấu diếm quanh co, nay đã là  thời điểm phải tự thú, vì không còn quanh co được nữa!

 

Nhà nước quen kiểm soát mọi sự, mọi việc, mọi người, ở mọi nơi, mọi chốn. Sự tiếp nhận quá nhanh chóng và nhiệt tình của đại chúng, nhất là giới trẻ Việt Nam đối với một pháp môn mới mẻ, đem lại hạnh phúc ngay trong từng giây từng phút tu tập, đã khiến nhà nước hoảng sợ!

 

Lẽ ra, một pháp môn đem lại hạnh phúc hiện thực cho hầu hết những ai có cơ duyên tiếp xúc, phải khiến nhà nước vui mừng vì đã tiếp tay họ, xây dựng một xã hội an lạc chứ, sao lại hoảng sợ?

 

Thì ra cái tập khí lâu đời, quen để mắt tới từng lon gạo, từng hạt muối trong mỗi nhà dân; quen vạch lá tìm sâu từng trang giấy, từng giòng chữ, xem trong lòng tác giả những trang giấy, những giòng chữ đó nghĩ gì mà nói thế, làm thế; quen biến dân thành những con vẹt khi bắt phải thuộc lòng những mỹ từ vô hồn rỗng tuyếch, không những chẳng mang lại ích lợi thực tiễn cho ai mà ngược lại, còn tự phơi bày những giả dối trơ trẽn của những mỹ từ đó.

 

Như cảnh dân bị cướp đất, khổ quá, rủ nhau lếch thếch từ quê lên tỉnh, biểu tình bất bạo động, van xin nhà nước trả ruộng trả đất cho họ sống, thì bị cả lực lượng công an, võ trang hùng hậu tới, liệng khói cay, hốt lên xe, ngay bên những biểu ngữ rất đẹp cả về mầu sắc lẫn ý nghĩa, được treo trịnh trọng trên các cánh cửa cơ quan công quyền gần đó: “ Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc”. Sự việc và những hình ảnh cười ra nước mắt này cũng từng được phổ biến khắp nơi, nhưng có sao đâu! Đây là chuyện nội bộ Việt Nam, dân của chúng tôi thì chúng tôi dạy dỗ, đánh riết cũng phải im, nếu không muốn bị tù đầy, trù dập.

 

Nhà nước tin như thế, nhưng thà, trên sân khấu tang thương của đất nước, thấy dân đóng vai đàn vẹt cũng khiến nhà nước bớt sợ hãi hơn là thấy những cánh cửa lương y mở rộng, đón nhận mọi người đau khổ, nguyện chữa trị mọi vết thương mà không đòi hỏi một thù lao nào!

 

Tây phương có câu “Too good to believe” đễ diễn tả điều này. Người Tây phương khi nói câu này là để tỏ lòng hoan hỷ, biết ơn những ai đã hiến tặng sự tốt đẹp tuyệt vời với tâm bất vụ lợi. Nhưng nhà nước Việt Nam khi nhìn sự việc này lại hoảng sợ và nghi ngờ “Sao có thể quá tốt như thế? Chắc có âm mưu gì đây?” Và họ không thể sống trong sự thấp thỏm, nghi ngờ, nên giải pháp từ đầu là phải dẹp pháp môn Làng Mai tại Việt Nam!

 

Nhà nước quyết dẹp thì dẹp được thôi. Nhà nước nắm quyền sinh sát trong tay, dẹp những thành phần bạo động chống đối còn được, huống chi là vài trăm người tu hành chỉ ngồi yên lặng niệm danh hiệu Quan Thế Âm.

 

Chỉ có một điều bất ngờ nho nhỏ họ không lường trước, là tinh thần vô úy của toàn thể tăng thân Bát Nhã thể hiện ra bằng thân giáo nghiêm túc, từ bi, nhẫn nhịn, khiến thế giới sửng sốt khâm phục.

Từ sự khâm phục đó, những người tử tế đã xuất hiện.

 

Những quốc gia hâm mộ Đạo Phật như Ấn Độ, Thái Lan, Mã Lai v.v… dễ dàng cảm thông và yểm trợ đã đành, nhưng toàn thể 27 quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu đã lên tiếng rất sớm để bênh vực tăng thân Bát Nhã là điều đáng lẽ khiến nhà nước Việt Nam phải dừng tâm tham sân si, suy nghĩ lại.

 

Tội nghiệp thay, khi con người không hiểu được tiếng gọi của lương tâm con người thì loài cầm thú chẳc cũng khó sống chung!

 

Ngôi tu viện Bát Nhã xây cất bằng đất, đá, vôi, vữa, vẫn còn đó, nhưng không còn những bóng áo nâu nhẹ nhàng vào ra. Những bóng áo nâu không còn nhưng tinh thần Bát Nhã vẫn bàng bạc không gian.

 

Các bạn trẻ Việt Nam ơi, muốn trắc nghiệm, các bạn cứ ghé về mà xem. Xin thử đứng yên trên nền đất cũ, thở vào, biết mình đang thở vào, thở ra, biết mình đang thở ra, mang thân về với tâm trong phút giây chánh niệm để biết là mình đang thở, đang sống. Rồi rất chậm rãi, mời bạn hãy thong dong thiền hành theo những viền cỏ, qua những rừng cây, mỗi bước chân chạm đất là mỗi bước cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

 

Nghe tiếng chuông, xin dừng lại. Đại hồng chung nơi gác chuông kia im lìm đã lâu. Tiếng chuông từ đâu vậy? Thưa, chuông ngân lên từ hồn đất đó bạn. Đất chấp nhận mọi thiệt thòi, nhận chịu mọi rủi may, nuôi dưỡng và cưu mang mọi sự sống, nên những ai thực sự quay về bản thể thì sẽ nghe được tiếng chuông tỉnh thức luôn thong thả âm vang kia.

 

Các bạn trẻ Việt Nam ơi, khi các bạn thở được những hơi thở như thế, bước được những bước chân như thế, thì ngay sát na đó, các bạn đang chính là tăng thân Bát Nhã. Bạn có thể thở như thế, đi như thế, ngay vườn sau nhà bạn; bạn có thể nghe được tiếng đại hồng chung qua tiếng chuông đồng hồ, chuông điện thoại, hoặc ngay cả qua tiếng gió lùa bên khung cửa hé…

 

Và như thế, chúng ta có bao giờ mất nhau đâu.

 

Gần hai ngàn sáu trăm năm đã qua, nhưng Đức Thế Tôn có bao giờ xa ta! Ngài vẫn luôn còn đây, dạy chúng ta biết hiểu, biết thương, nên các bạn có thể an tâm, là không bao giờ chúng ta thiếu những người tử tế.

 

Xin cám ơn những người tử tế trên khắp thế giới đã hướng về tu viện Bát Nhã trong khúc quanh bi thảm nhưng cực kỳ bi tráng của lịch sử Phật Giáo.     

 


Huệ Trân
 

Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

ăng s

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC

PHẬT SỰ

PHÁP ĐÀM

VU Lan 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

LÊN TRÊN= | GỬI BÀI | LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.