.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 


Băn khoăn còn mất

  • PSN - 13.07.2009 | ĐDPNBN-II | Thích Nhật Nguyên

Những ngày vừa qua, dư luận khắp nơi xôn xao và bức xúc về những gì đang diễn ra ở Tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng. Đã nhiều người lên tiếng bênh vực cho 400 tu sinh theo Pháp môn Làng Mai tại đấy. Báo chí nước ngoài cũng đã đưa tin về vụ việc. Ai cũng ngỡ ngàng và đau đớn cho màn kịch trên cái sân khấu Bát Nhã ấy. Một màn kịch được dàn dựng khéo đến nỗi khán giả không thể nào phân biệt được đâu là tác giả, đâu là diễn giả và đâu là nạn nhân. Tôi đã thấy mình là kẻ xem kịch khờ dại đó từ nửa đầu của buổi diễn. Nhưng ở đây tôi xin phép không đề cập đến sự khờ dại ấy của mình mà xin nói về một vài nhận định qua những gì vừa xảy ra.

Là một người xuất gia sống ở miền Trung Việt Nam, tôi đã ngưỡng mộ Thầy Nhất Hạnh từ khi còn trẻ. Tôi không chỉ ngưỡng mộ Thầy Nhất Hạnh vì uy tín và tầm vóc quốc tế của Ông, mà tôi ngưỡng mộ Ông vì cách làm việc rõ ràng, khoa học, hiệu quả  và thuyết phục trong các lĩnh vực tu học, hoằng pháp, giáo dục và hoạt động xã hội. Sau chuyến Thầy Nhất Hạnh về Việt Nam lần đầu năm 2005, nhiều người có tâm huyết phục hưng Phật Giáo nước nhà đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy sự hợp tác của Ông với Thượng Tọa Đức Nghi tại Tu Viện Bát Nhã, Lâm Đồng. Không phải chỉ là những khóa tu ngắn hạn cho cả chục ngàn người, không chỉ là những buổi thuyết giảng chinh phục được giới trí thức và lãnh đạo đất nước mà đó là quyết tâm xây dựng mô thức tu học theo pháp môn Làng Mai tại Tu Viện Bát Nhã. Ngoài những người đang ôm những thành kiến sâu nặng với Thầy Nhất Hạnh từ trước, ai cũng thấy được tầm vóc của Ông và đã khấp khởi mừng thầm cho một tương lai sáng sủa của nền tâm linh dân tộc.

 

Nhưng những gì đang xảy ra những ngày gần đây, thoạt nhìn, lại là một bức tranh hoàn toàn trái ngược:

 

- Thượng Toạ Đức Nghi không hợp tác nữa, nhắm mắt rồi chỉ đạo cho đệ tử cùng những người không hiểu chuyện ức hiếp và đàn áp tu sinh.

- Giáo Hội Trung Ương và Địa Phương tuy có cảm tình và thương yêu những người em của mình (400 tu sinh) đang trong tình trạng chỉ mành treo chuông cũng phải nghiến răng nhắm mắt mà đưa dao cắt nốt sợi tơ mong manh ấy.

- Chính quyền Trung Ương và Địa Phương cho dù đã thấy được sự vô lý và tàn nhẫn của mình cũng phải đành theo lưng cọp mà phóng về vực thẳm.

- Trong khi đó 400 tu sinh trẻ ở đấy đã 2 tuần nay sống trong tình trạng không điện nước, ăn uống hoàn toàn thiếu thốn và luôn bị dồn vào đường chết bằng khủng bố và áp bức.

- Phật tử cư sĩ đau lòng, bức xúc, tức tưởi... chỉ biết than khóc với nhau và cầu nguyện tha lực mà thôi.

 

Tôi nói, thoặt nhìn nó là một bức tranh trái ngược với viễn cảnh ngày Thầy Nhất Hạnh ngồi chứng minh cho ước nguyện cao cả của Thượng Tọa Đức Nghi và bốn chúng đệ tử của Thượng Tọa Đức Nghi khi họ lạy xuống ở chánh điện Tu Viện Bát Nhã mùa Xuân 2005. Nhưng nhìn kỹ lại thì bức tranh này đã được phác họa từ lâu rồi. Tại sao?

 

Chúng ta đều thấy rằng có vẻ như Thầy Nhất Hạnh và Làng Mai đã thất bại trong sự hợp tác với Thượng Tọa Đức Nghi. Tôi xin không nói về Thượng Tọa Đức Nghi vì như vậy tôi biết sẽ mất thì giờ của quý vị. Tôi xin nói về những nguyên nhân thất bại của Làng Mai trong sự hợp tác này. Thứ nhất, Làng Mai đã chọn một đối tác mà họ không hiểu đủ và không tìm hiểu đủ. Thượng Tọa Đức Nghi có đến Làng Mai nhiều lần thật, nhưng ai cũng biết Thượng Tọa Đức Nghi đâu có phải đến vì mục đích tu tập. Trong khi đó Làng Mai lại dựa vào Thượng Tọa Đức Nghi như là chỗ đứng pháp lý duy nhất của mình tại Việt nam, một nhà nước pháp quyền chưa hoàn chỉnh. Cho đến khi Thượng Tọa Đức Nghi trở mặt và hiện nguyên hình là một nghệ sĩ sân khấu ưu tú thì mọi chuyện đã không cứu vãn được nữa rồi. Nhà nước pháp quyền Việt Nam là một hệ thống chưa hoàn chỉnh bởi vì luật pháp Việt Nam là luật pháp của kẻ mạnh chứ không phải là luật pháp của kẻ đúng.

 

Thứ hai, Làng Mai, đặc biệt là các vị Giáo Thọ Làng Mai làm việc tại Việt Nam không biết rằng tình cảm (phong bì) là thứ dầu nhớt duy nhất để vận hành cho bộ máy hành chính khổng lồ của đất nước. Họ không biết rằng nước trong thì cá không sống được. Họ càng không biết rằng Giáo Hội Phật Giáo mà họ đang một mực kính trọng và nương tựa cũng là một bộ phận của hệ thống hành chính đó. Họ muốn làm đúng pháp luật trong khi pháp luật này chỉ dành cho kẻ mạnh. Họ muốn làm đúng Giới luật, Giới luật mà Đức Phật dạy là luật pháp cao quý nhất trong tất cả các luật pháp mà đâu biết rằng tại Việt Nam Giới luật cao quý ấy đã từ lâu ngoan ngoãn nằm im dưới sự lũng đoạn và thao túng của quyền lực cá nhân, của tham vọng và của sợ hãi. Thử hỏi đó có phải là một sự thất bại căn bản hay không?

 

Sai lầm nghiêm trọng thứ ba của Làng Mai là cách hành đạo và sự thành công của họ. Thật là tức cười khi thành công lại lại chính là nguyên nhân của thất bại. Mà trong trường hợp này là thật đấy, tôi thấy vì họ hành đạo quá thành công cho nên tạo ra nhiều ganh tỵ. Người Việt Nam nào mà không hiểu điều này? Môi trường sinh hoạt tâm linh của Việt Nam là một vùng hoang vu. Những thành công rực rỡ của sinh hoạt Phật giáo được báo chí trong nước ca ngợi chẳng qua chỉ là những trang sức loè loẹt trên một cơ thể già nua. Ai trong chúng ta là không thấy được điều này? Nhưng ai trong chúng ta cũng thương yêu và quý trọng thân thể ấy bởi vì đó là thân thể của chính chúng ta. Nếu quý vị không chấp nhận Phật Giáo Việt Nam là một cơ thể già nua và những thành công của thân thể ấy là những thứ trang sức phù phiếm thì tôi xin nói một cách khác rằng thân thể ấy được vận hành bởi những tế bào đang lão hóa và thủ cựu. Vâng, việc Làng Mai dám mang vào thân thể ấy những tế bào tươi nhuận, mạnh khoẻ và trẻ trung khác nào một lời tuyên chiến? Cuộc chiến không cân sức này mang lại kết quả hôm nay chúng ta đang thấy.

 

Nói như vậy không có nghĩa là Thượng Tọa Đức Nghi thắng cuộc. Chính Thượng Tọa Đức Nghi cũng phải thừa nhận điều này, phải không thưa Thượng Tọa? Tôi không tin là Thượng Tọa Đức Nghi có thể ngủ yên giấc bởi vì tôi tin vào giác tánh nơi Thượng Tọa Đức Nghi. Giác tánh ấy sẽ không làm cho tính người nơi Thượng Tọa Đức Nghi bị giết chết bởi tham vọng, sân hận và sợ hãi của Ông. Sự ân hận và dằn vặt nơi Thượng Tọa Đức Nghi chính là phần nào còn sót lại của sự biểu hiện giác tánh này vậy. Và qua đó chúng ta cũng thấy được phần thắng của Thượng Tọa Đức Nghi rồi!

 

Mà những thất bại của Làng Mai cũng không có nghĩa đã làm cho Làng Mai thua. Ngược lại, tôi thấy Làng Mai đã làm được nhiều điều qua cuộc hợp tác này và những người thương mến và bênh vực Làng Mai lâu nay nên tự hào về điều đó.
 

 

Thứ nhất, thành công lớn nhất của Làng Mai qua chuyện này theo tôi, một người tu trong truyền thống Phật Giáo Việt Nam, là ở chỗ: họ cho chúng ta thấy được bằng xương bằng thịt thế nào là một người tu chân thật. Từ sau những trang sử oai hùng của những người con ưu tú của Phật Giáo Việt Nam trong thập niên 60 của thế kỷ trước đến nay, lịch sử Phật Giáo Việt Nam ghi lại được bao nhiêu kẻ xuất gia anh tú nữa? Có đấy, nhưng lác đác và không thiếu phần gượng ép.

 

Tôi nghe kể về cảnh các thầy ngồi yên bất động với vẻ mặt trầm tĩnh khi những kẻ côn đồ chửi bới và khủng bố xông vào thiền đường mà lòng mình không kềm nổi tự hào. Hình ảnh này nhắc tôi nhớ lại cái đêm mà đức Đệ Nhất Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng chư tôn đức tăng tại chùa Ấn Quang ghi vào sử Phật Việt Nam một nét son hào hùng. Các huynh đệ đang làm lịch sử đấy, tôi tự bảo mình như vậy mà lòng thấy tự hào.

 

Những người tu theo pháp môn Làng Mai  theo tôi biết là họ không sở hữu gì riêng tư hết kể cả tiền bạc, xe máy, điện thoại, ti vi, sách vở hay địa chỉ e-mail. Họ sống với nhau như một gia đình tâm linh, lấy uy nghi và giới luật làm người hướng dẫn, lấy tình huynh đệ làm thước đo, lấy sự buông bỏ làm niềm vui, lấy sự soi sáng làm chuẩn mực...

 

Tôi đã không tin lắm về những lời ca tụng này cho đến cái ngày bi hùng ấy, cái ngày mà họ ngồi yên trầm tĩnh trước bạo động, nhục mạ và khủng bố ấy. Quý vị không thấy đó là linh hồn của mình hay sao? Từ lâu chúng ta đều thấy rằng niềm tin vào con đường chuyển hóa trong giới học Phật đã hao mòn đi nhiều nếu như không nói là hết sức mong manh; chúng ta đều thấy rằng kinh nghiệm và khả năng chuyển hóa trong giới xuất gia cũng đang trở thành bí kíp!

 

Bây giờ nó biểu hiện ra đấy, nơi 400 con người tu trẻ ấy. Nếu như niềm tin của 400 con người ấy không mãnh liệt và sống động; nếu như họ không có khả năng và kinh nghiệm chuyển hóa, tôi không tin là họ có thể giả bộ trầm tĩnh và uy nghiêm trong khi bạo động, khủng bố và sự lăng mạ đang uy hiếp họ. Tôi thở phào và thấy mình còn có một cơ hội. Này 400 người anh em của tôi, hãy tự hào và kiên cường lên vì điều ấy.

 

Làng Mai đã cống hiến cho Phật Giáo Việt Nam một niềm tin mới vào con đường tâm linh truyền thống của dân tộc. Nếu có người nào chỉ tin rằng Thầy Nhất Hạnh là một con người chuyên cách tân và chỉ có khuynh hướng cải cách thì hãy xét lại. Theo tôi, nếu nói cách mạng và làm mới thì Thầy Nhất Hạnh đi đầu. Nhưng nếu nói bảo hộ và cố hết sức để gìn giữ những tinh hoa của truyền thống thì không ai “cực đoan” và tận tụy như Ông. Và Ông đã thổi vào 400 con người trẻ ấy linh hồn của Ông, linh hồn ấy vừa mang những cái đẹp của truyền thống vừa mang những khả năng tân thời.
 

 

Thành công thứ hai của Làng Mai là mô hình sinh hoạt của một đoàn thể, của một Tăng thân. Phật Giáo Việt Nam đã sản sinh ra không biết bao nhiêu là nhân tài, đặc biệt là sau thời kỳ chấn hưng Phật Giáo từ những năm 30 của thế kỷ trước. Những con người ấy đã viết nên những trang sử đẹp của Phật Giáo Việt Nam cận đại. Công hạnh và gia tài của quý Ngài để lại cho thế hệ chúng ta là rất lớn và chúng ta còn thừa hưởng cho đến hôm nay. Nhưng chúng ta phải công nhận rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay, thách thức cho nền giáo dục Phật Giáo nước nhà quả là quá lớn. Nhìn chung, hệ thống giáo giục Phật Giáo bây giờ có vẻ kiện toàn về tổ chức và hình thức, nhưng về hiệu quả và nội dung thì vẫn còn rất khiêm tốn, đặc biệt là về phẩm hạnh và lý tưởng của giới xuất gia.

 

Hòa Thượng Thích Chơn Thiện, Trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương, Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Huế trong một bài phát biểu ở hội nghị cấp Trung Ương của Phật Giáo cũng đề cập điều này. Hòa Thượng có nói rằng cấp thiết phải xây dựng những Học viện nội trú để tăng ni sinh vừa được học vừa thực hành những điều mình học và đó cũng là một môi trường tốt để bảo hộ giới hạnh của tăng ni sinh. Thiết tưởng đó là tâm huyết chung của những kẻ có lòng cho nền tâm linh của dân tộc. Nhưng phải thú nhận rằng chúng ta vẫn còn chưa bắt đầu.

 

Trong khi đó Làng Mai đã xây dựng thành công một mô hình chúng ta muốn. Nhưng phước đức của tổ tiên còn thiếu nên chúng ta đã không học hỏi được. Mặt khác, chúng ta cũng thấy rằng đào tạo tăng tài theo chủ nghĩa cá nhân là đi ngược lại với sự phát triển chung của văn minh và cũng là đi ngược lại với truyền thống giáo dục Phật Giáo. Làng Mai đã làm được cả hai mặt.  Tuy có thể không thành công thật đấy, nhưng nó đã đi vào lịch sử rồi. Nó cho dù có ẩn tàng trong thời gian tới, nhưng trong tâm linh dân tộc và trong lòng mỗi chúng ta Tăng thân 400 người tu trẻ ở Tu viện Bát Nhã tu tập theo pháp môn Làng Mai  đã là hơi thở, đã là một thực tại không thể nào ẩn tàng.
 

 

Thành công thứ ba của Làng Mai, mà theo tôi Làng Mai phải thấy được, đó là những việc đã xảy ra vừa rồi là một biện chứng vô ngôn mà hùng hồn cho thấy rằng lập luận nói pháp môn Làng Mai chỉ thích hợp ở phương Tây chứ không thích hợp ở Việt Nam là hoàn toàn áp đặt và vô nghĩa. Tôi nghe nhiều người nói rằng pháp môn Làng Mai chỉ dành cho người nhập môn, chỉ biết thở và cười thôi. Thì tôi cũng không bình luận gì. Nhưng khi thấy họ có thể thở và cười được trước khủng bố, nhục mạ và bạo hành thì tôi biết chắc cái thở và cười ấy không phải là kẻ nhập môn nào cũng làm được.

 

Tôn Giả Ca Diếp được tôn làm Sơ Tổ Thiền Tông không phải chỉ bằng một hơi thở và bằng một nụ cười ở Linh Sơn Pháp Hội đấy sao? Ai dám xem thường nụ cười và hơi thở ấy của Tôn Giả Ca Diếp?

 

Tôi đã cúi đầu bái vọng từ căn phòng nhỏ nơi ngôi chùa quê của mình khi biết 400 người anh em ấy đang thở và cười bằng hơi thở và nụ cười của Tôn Giả Ca Diếp ngày nào trên núi Thứu. Pháp môn Làng Mai không thành công ở Việt Nam, phải chăng người ta muốn nói những người đang hành trì pháp môn này không phải là người Việt Nam và họ đang ở trên đất Tây?

 

Không, họ là người Việt nam cả đấy, mà họ là người trẻ, người trí thức, một lớp người đại diện cho sức mạnh của dân tộc; họ đang đi trên nền đất bô-xít yêu thương của cao nguyên Việt Nam đấy chứ; họ đang tụng kinh toàn bằng tiếng Việt nữa cơ mà; họ còn mặc những chiếc áo, đội những chiếc nón rất Việt Nam, không lai căng như những nơi tự xưng là truyền thống Việt Nam khác. Phải mạnh dạn nói rằng hạt giống Làng Mai gieo trồng ở Việt Nam rất hợp với thủy thổ và khí hậu, đã nẩy mầm, bắt rễ và lớn lên với nhiều triển vọng và tiềm năng. Những hoa trái đầu tiên dù khiêm nhượng của pháp môn ấy đã khơi dậy lòng tin của quốc dân Việt Nam về một nền giáo dục Phật Giáo và một nền đạo đức tâm linh khả dĩ làm nơi nương tựa và dựng xây một đất nước Việt Nam trước thách thức toàn cầu hóa và sự suy vong của những giá trị tinh thần.

 

Bây giờ, giả sử 400 con người ưu tú ấy của đất mẹ Việt Nam không tiếp tục được con đường của họ tại Tu Viện Bát Nhã thì đó là một sự mất mát lớn lao và là một niềm đau chung cho quốc dân, cho hồn thiêng đất nước. Rừng cây non mơn mởn của này đang bị đe dọa và có thể bị triệt phá. Tuy là một nỗi đau, nhưng ai là người có đủ quyền năng để làm mất đi một hạt bụi? Huống chi đó là một rừng cây đã đâm hoa, kết trái và đã nuôi sống hàng triệu con người? Những người đang viết sử Việt hãy lên tiếng nói đi nếu quý vị không muốn cố tình chép lại cái chết đau thương của Nguyễn Trãi, người con đất Việt đã phải uất ức mà chết vì dám chủ trương phục hồi văn hóa Việt!
 

 

Năm nay, tôi thấy Làng Mai cho ấn hành 2 ấn bản Nhật Tụng Thiền Môn 2010 Toàn Bằng Quốc Văn cho cả 2 miền Bắc và Nam với sự giới thiệu của Hòa Thượng Thích Thanh Từ và Thượng Tọa Thích Lệ Trang. Tôi đã vui mừng thấy công trình Việt hóa nghi lễ Phật Giáo mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam muốn cố gắng đẩy mạnh đang được thực hiện.

 

Thầy Nhất Hạnh và Làng Mai làm điều này đâu phải cho Làng Mai quốc tế? Họ đang làm cho Phật Giáo Việt Nam đấy chứ. Tại sao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không nhân cơ hội mà đẩy mạnh quá trình Việt hóa này? Phải chăng chúng ta sợ ảnh hưởng của Thầy Nhất Hạnh và Làng Mai tại Việt Nam sẽ làm lu mờ đi sự lãnh đạo chập chờn và thiếu hiệu quả của mình?

 

Tôi thấy Phật Giáo là Phật Giáo chung, Đạo Phật không thuộc riêng một thể chế nào cả, dù là thể chế đang lãnh đạo đất nước; Đạo Phật cũng không phải là riêng của Giáo Hội nào cả dù là Giáo Hội Phật Giáo mà Đạo Phật là con đường của những người đang sống và hành trì con đường hiểu và thương của Đức Phật.

 

Vì vậy đóng góp xây dựng Phật Giáo Việt Nam không phải là độc quyền của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Tôi thấy nếu như những vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không mạnh dạn buông con dao nơi tay mình thì không chỉ 400 người tu ở Tu Viện Bát Nhã mà sẽ còn những người con khác nữa của Phật Giáo Việt Nam sẽ bị quý vị cắt đi sợi chỉ mành mong manh duy nhất họ đã dại dột buộc vào quý vị.

 

Ở đây, tôi muốn nhắn với 400 người anh em của tôi đang ở Tu Viện Bát Nhã rằng quý vị không đơn độc, tổ tiên chúng ta đã đi qua con đường quý vị đang đi. Hãy đi tới. Tôi xin mượn một câu của cố nhạc sị Trịnh Công Sơn để tặng cho quý vị: “Đường đi tới dù chông gai thì quanh đây đã có người”. Trong số 400 quý vị có sự hiện diện của Nguyễn Trãi, của Hàn Thuyên, của Vạn Hạnh, của Trúc Lâm Đại Sĩ... Hay nói như Thầy của quý vị, quý vị có Thầy của quý vị trong mỗi tế bào của quý vị. Như vậy, quý vị còn sợ hãi gì?


 

Tóm lại, Làng Mai dám giương cao ngọn cờ cách mạng thì phải chịu sức gió của lá cờ. Ngọn cây cao nào trong rừng mà không phải gánh chịu trước những cơn bão? Huống chi, kẻ hành trì con đường của đức Phật là kẻ lội ngược dòng! Tôi thật có đau buồn và lo lắng cho 400 người anh em của tôi. Nhưng tôi không tin rằng hồn thiêng đất nước sẽ bỏ rơi họ.

 

Tổ tiên tâm linh của họ có những bậc lỗi lạc và đức độ vô biên: từ Khương Tăng Hội, cho đến Trúc Lâm Điều Ngự; từ Thật Diệu Liễu Quán đến Tánh Thiên Nhất Định; và thời cận đại họ có Thiền Sư Tịnh Khiết, Thiền Sư Chân Thật, Thiền Sư Đôn Hậu, Hòa Thượng Thiện Hoa, Hòa Thượng Thiện Minh, Hòa Thượng Thiện Siêu... Đường đi của họ dù chông gai đã có người đi cùng và bảo hộ đấy chứ.

 

Tổ tiên huyết thống của họ có biết bao nhiêu là anh hùng kiệt hiệt! Vua Hùng còn đó, cho đến lòng vì nước của Lý Công Uẩn; rồi Trần Hưng Đạo, rồi Lê Lợi, rồi Nguyễn Trãi rồi Quang Trung; rồi còn có Duy Tân, Hàm Nghi, Phan Sào Nam, Hoàng Hoa Thám... Cùng đường với họ cả đấy.

 

Sông núi có khí thiêng, đất nước có hồn thiêng. Huống chi Giáo Pháp còn có Thiên Long Hộ Pháp? Tôi tin rằng tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống của họ phải có trách nhiệm với họ, phải bảo vệ họ. Bởi vì họ là sự tiếp nối xứng đáng của hai dòng sinh mệnh ấy.

 

Cơ thể già nua của tâm linh Việt Nam đang đau nhức. Những tế bào mạnh khỏe nhưng còn non trẻ và mới mẻ đang tận tụy chữa trị và phục hồi cơ thể già nua ấy. Chúng ta cũng là những tế bào của cùng một cơ thể, làm sao chúng ta tránh khỏi sự đau nhức chung ấy? Cơ thể là cơ thể chung mà. Dù đau thương, chúng ta vì một cơ thể tráng kiện và khoẻ mạnh hãy tin rằng những tế bào mới sẽ đủ sức mạnh mà hoàn thành sứ mạng cao cả của họ. Bởi vì nếu họ không thành công, thì cơ thể già nua ấy sẽ chết trong bệnh tật. Và chúng ta cũng sẽ chết theo cơ thể già nua ấy.

 

Có người hỏi tôi rằng trong tình hình hiện nay thì liệu số phận và tương lai của họ như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho số phận và tương lai của họ? Thầy Nhất Hạnh và Làng Mai sẽ làm gì? Trách nhiệm này thuộc về ai?

 

Tôi không có đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi này. Nhưng lời cuối tôi muốn nói với 400 người anh em ở Tu Viện Bát Nhã, rằng quý vị được sinh ra tại Việt Nam, quý vị lớn lên trên đất nước Việt Nam vì vậy quý vị là những người con của đất nước Việt Nam; quý vị cũng đã xuất gia ở Việt Nam, tu học ở Việt Nam, cùng thở chung bầu khí của tâm linh Phật Giáo Việt Nam và vì vậy quý vị là những người con của Phật Giáo Việt Nam. Quý vị đã tu tập và phụng sự cho Phật Giáo Việt Nam, cho con người Việt Nam và cho đất nước Việt Nam. Vì vậy tương lai của quý vị, số phận của quý vị là tương lai, là số phận của Phật Giáo Việt Nam, và của đất nước Việt Nam.

 


Miền Trung, mùa Sen nở, Phật lịch 2553

Ngày 12, tháng 07, năm 2009

Thích Nhật Nguyên

 

Đây là ý kiến riêng của tác giả, Phù Sa hoàn toàn không có trách nhiệm!

 


PHÁP NẠN CHÙA BÁT NHÃ II rất mong đón nhận ở các bạn những: thư từ, ý kiến, nhận định, tường thuật, hình ảnh, âm thanh...  Mỗi tiếng nói là một viên gạch xây nền công lý nước nhà, và nhất là là góp phần quyết định cho sự sinh tồn của Tu viện Bát Nhã. Hãy gửi thư về chúng tôi qua địa chỉ: phusaonline@gmail.com Trân trọng cám ơn các bạn!


Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC

PHẬT SỰ

PHÁP ĐÀM

VU LAN 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.