.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

  TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 

 

Đêm qua sân trước một cành mai

  • PSN - 31.08.2009
    Ngô Nhân Dụng - Người Việt Online - 30.8.09

Ðấy là hình ảnh trong thơ của một thiền sư đời Lý ở nước ta. Trời vào cuối mùa Xuân, tưởng rằng bao nhiêu hoa đã rụng hết. Nhưng không phải vậy đâu, nhìn ra sân trước, một bông hoa mai mới nở trên cành. Một niềm vui đang nở dậy, chúng ta được thấy thì muốn đem chia sẻ với tất cả mọi người qua một câu thơ.

Hình ảnh gần 400 thiền sinh trong tu viện Bát Nhã thản nhiên chuyên trì tu tập theo pháp môn của họ cũng giống như một bông hoa nở trong khung cảnh đêm tối của xã hội Việt Nam vào cuối mùa Xuân, khi hầu hết các bông hoa đang tàn tạ. Các thiền sinh Bát Nhã đã tặng cho mọi người một niềm vui, một hy vọng. Tin ở tính Thiện của con người. Tin ở truyền thống đạo lý của tổ tiên. Tin rằng “thật thà là cha quỷ quái.” Tin rằng “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”

Câu chuyện những thiền sinh trẻ tuổi tại Bát Nhã đang tu hành nghiêm mật, vững chãi và thảnh thơi, có khả năng khơi lại niềm tin. Dù theo bất cứ tôn giáo nào, chúng ta có thể nhìn vào cảnh họ đang sống mà thêm tin tưởng vào các giá trị tinh thần, tin tưởng sức mạnh tâm linh có khả năng vượt lên trên những dục vọng, sân hận và ngu tối. Khổng Tử nói, “Quân tử đức phong,” người quân tử có sức mạnh như gió thổi. Gió thổi, đám cỏ dại sẽ dẹp xuống. Người sống đức hạnh sẽ cảm hóa được mọi người, những kẻ tiểu nhân sẽ mất ảnh hưởng. Khổng Tử cũng ví đức hạnh của người quân tử giống như hương thơm của bông hoa lan mọc giữa núi rừng. Và một người quân tử sống trong một làng thì cũng có sức giáo hóa hàng xóm chung quanh. Mà trong nước Việt Nam của chúng ta suốt thế kỷ qua, những kẻ tiểu nhân đang lộng hành thật. Khắp đất nước nơi nào cũng đang cần những bông hoa lan quý.

Ðồng tiền đang ngự trị khắp nơi, người nghèo đang lo kiếm đủ miếng ăn, người giầu lo tích lũy thêm của cải. Giới thống trị tiếp tục sử dụng bạo lực và dối trá để bảo vệ quyền hành. Tất cả những thứ đó giống như cỏ dại mọc trên đất nước Việt Nam trong những năm qua. Ma túy tràn lan. Phụ nữ phải bán mình. Thanh niên bơ vơ sống không lý tưởng. Những bạn trẻ Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân bị đầy ải chỉ vì dám thản nhiên cất lên tiếng nói của lương tâm. Các thanh niên trí thức làm “blog” đòi bảo vệ quê hương bị sách nhiễu, bị bắt giam. Các quan chức có quyền biểu diễn khả năng mua được nhiều gái đẹp, đánh bạc với hàng triệu đô la nhờ ăn cắp của công. Những “đại gia” tranh đua nhau mua xe hơi Rolls Royce, mua máy bay riêng. Báo chí loan tin về các người giầu nhất, giầu nhì, và các “siêu sao,” bên cạnh những cảnh cha mẹ bán con, các em bé đi ăn xin. Thanh niên nhìn vào đâu để thấy những tấm gương giúp họ xây dựng lý tưởng cho cuộc đời? Bất cứ ai kiên trì sống theo đạo lý không để cho dục vọng và lòng ích kỷ làm chủ mình cũng là một bông hoa để tặng cho giới trẻ Việt Nam.

Tên tu viện Bát Nhã gợi lại một câu chuyện đáng suy ngẫm. Hồi 1960 ở miền Nam có phong trào đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Một dịch giả rất thông thạo chữ Hán dịch chuyện, đã tả những nhà sư đánh võ có món Ban Nhược Chưởng. Cứ nghe ba chữ Ban Nhược Chưởng chẳng ai biết nó là gì, nhưng ai cũng mê. Nhưng những ai đã biết qua kinh Phật thì biết rằng dịch giả này đã đọc sai. Hai chữ Ban Nhược trong chữ Hán đó, người theo đạo Phật biết phải đọc là Bát Nhã. Các người dịch kinh Phật ở Trung Hoa đời trước thấy dịch chữ Phạn ra là Trí, hay là Trí Ðộ, cũng dễ gây hiểu lầm, cho nên phiên âm ra. Ðọc hai chữ Ban Nhược theo lối phát âm đời Ðường nghe giống chữ “Pra nha” trong tiếng Phạn, người Việt đọc là Bát Nhã. Một món võ phát xuất từ chùa Thiếu Lâm chắc phải gọi là Bát Nhã chưởng chứ không phải là Ban Nhược chưởng!

Câu chuyện trên đây cho thấy vào thế kỷ 20 ngay cả những dịch giả thông thạo chữ Hán ở nước ta cũng nhiều người không biết kinh kệ Phật Giáo. Mà nói chung giới trí thức nước ta trong thế kỷ trước đều như vậy. Phần lớn người ta mang một hình ảnh về đạo Phật theo lối cúng kiếng phổ thông, giới trí thức được giáo dục từ thời Pháp thuộc tự tách mình ra khỏi truyền thống mà không biết. Ðến thời cộng sản tình trạng này càng nặng nề. Những người theo chủ nghĩa Cộng Sản vốn khinh thường các tôn giáo. Họ coi những kẻ tu hành là loại người “không sản xuất” ăn bám vào xã hội. Cho nên họ chỉ tính lợi dụng tôn giáo để đạt các mục tiêu chính trị.

Nhưng các tôn giáo là những nền tảng giữ vững đạo lý chung. Những người tu hành nêu tấm gương sống đạo giúp cho mọi người dân giữ gìn đạo lý, như một nhà văn cộng sản rất kiên cường cũng có lúc tỉnh ra, viết, “Chùa là cái thiện của làng.”

Ðiều nguy hiểm cho xã hội là chính những người có tôn giáo cũng không đủ niềm tin mạnh để sống xứng đáng với tín ngưỡng của mình. Khi đó họ không giúp ích được cho xã hội. Nhưng khi chúng ta thấy một người, một nhóm người sống với hạnh nguyện vững chãi, thái độ thong dong, không sợ hãi, không bị mua chuộc, không ganh ghét, không hận thù, thì mọi người chung quanh dù theo tôn giáo nào cũng tự nhiên thấy một niềm an ủi và khích lệ giúp mình sống đạo cho xứng đáng với tín ngưỡng của mình. Ðó là những bông hoa đang nở trong lúc Xuân tàn này.

Nước Việt Nam đang cần phục hồi niềm tin vào các giá trị đạo lý, cần những ngọn gió quét sạch đám cỏ dại. Những bạn trẻ đang tu tập nghiêm mật trong tu viện Bát Nhã cho chúng ta hy vọng là điều đó sẽ được thể hiện. Như sư chú Pháp Hội trả lời trong một cuộc phỏng vấn, các thiền sinh có rất ít nhu cầu. Bị cắt điện, họ dùng đèn cầy khi cần thiết. Ðồng bào sống chung quanh tu viện, người Phật tử cũng như người Công Giáo, đã lén vượt vòng vây của công an tiếp tế cho họ, từ cây nến đến hạt gạo nấu cơm. Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, nhịn đói ngồi thiền cũng chẳng sao. Bị cắt nước, họ chỉ cần đi múc nước giếng từ xa. Nhu cầu quan trọng nhất của các thiền sinh này là chuyên cần tu tập, giữ gìn hạnh nguyện xuất gia.

Trong đạo Phật có hàng vạn phương pháp tu trì để hướng đến giải thoát. Ðảng Cộng Sản Việt Nam muốn tất cả mọi Phật tử và người xuất gia phải quy tụ trong một tổ chức cho họ dễ kiểm soát. Vì họ không biết gì về đạo Phật. Cũng vì họ vốn khinh thường các tôn giáo. Mà cũng vì có những người có tôn giáo tiếp tay cho họ. Ðảng Cộng Sản muốn biến vụ Bát Nhã thành một cuộc tranh chấp giữa nhóm thiền sinh này với giáo hội Phật Giáo chính thức được nhà nước công nhận. Ðó là một thủ thuật gian dối. Nếu không có công an làm áp lực thì chẳng nhà sư nào trong giáo hội đó thấy cần phải bắt buộc nhưng người xuất gia khác phải ra khỏi những tu viện mà chính nhờ có họ nên mới được dựng lên. Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã kêu gọi vị sư thuộc giáo hội của nhà nước hãy nói chuyện với các thiền sinh ở Bát Nhã. Ðây là lời kêu gọi những người con Phật hãy đoàn kết với nhau, không nên để quyền lực chính trị thao túng nữa. Lời kêu gọi này đặt trách nhiệm lên tất cả những người lãnh đạo giáo hội đang nghe lệnh Ban Tôn giáo của đảng Cộng Sản. Quý vị này là những người đã học Phật Pháp. Trong hàng vạn pháp môn của nhà Phật, tại sao họ không tôn trọng phương pháp tu tập của 400 thiền sinh, mà phương pháp đó đã chứng tỏ con đường giải thoát là có thật, hiệu quả là đã đào tạo được những tăng ni sống đạo giữa đời, vững chãi và thảnh thơi như vậy? Mà giải tán đám thiền sinh này rồi có giải tán được tâm nguyện giải thoát của họ hay không?

Trong ba ngày nữa các thiền sinh này có thể sẽ bị đuổi ra khỏi những ngôi tự viện mà đồng bào Phật tử khắp thế giới, người Việt cũng như người ngoại quốc, đã hỗ trợ để xây dựng lên. Nhưng dù các bạn trẻ này có bị đưa đi bất cứ nơi nào trong nước Việt Nam, mỗi người, mỗi nhóm người sẽ mang theo hạnh nguyện là nhưng bông hoa mới nở cống hiến cho đất nước. Dù trong nhóm 400 người đó sau này chỉ có một số người vững vàng hạnh tu mãi mãi, thì đó cũng là một tặng phẩm quý báu cho dân tộc. Ðức của người quân tử như ngọn gió, tập hợp nhưng ngọn gió đó lại, chúng ta sẽ có ngày thấy nền đạo lý dân tộc sống lại. Chúng ta sẽ thấy hồn thiêng sông núi là có thật, con cháu của những Chu Văn An, Nguyễn Ðình Chiểu sẽ sống xứng đáng với di sản đạo lý của tổ tông.

Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Ðêm qua sân trước một nhành mai.

 

 

 

Ngô Nhân Dụng

 

 

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=100526&z=7

 

 


PHÁP NẠN CHÙA BÁT NHÃ II rất mong đón nhận ở các bạn những: thư từ, ý kiến, nhận định, tường thuật, hình ảnh, âm thanh... Mỗi tiếng nói là một viên gạch xây nền công lý nước nhà, và nhất là góp phần quyết định cho sự sinh tồn của Tu viện Bát Nhã. Hãy gửi thư về chúng tôi qua địa chỉ: phusaonline@gmail.com Trân trọng cám ơn các bạn!


Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC

PHẬT SỰ

PHÁP ĐÀM

VU LAN 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

LÊN TRÊN= | GỬI BÀI | LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.