.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

 TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 


Bát Nhã trong
câu chuyện bình an của tôi
(Chia sẻ của một Đảng viên hành trì pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã)

  • PSN - 10.09.2009 | TDTCSM

Hồi tôi mới tập im lặng, tôi thấy rất khó chịu. Trong cái im lặng đó, tôi mới thấy tôi ồn ào như thế nào, tôi buồn cái gì, tôi giận ai, người nào đúng, người nào sai, tôi vui với ai, tôi thích cái gì... mọi thứ đó nó cứ chạy vòng vòng trong đầu tôi mặc dù miệng tôi chẳng nói. Tôi đã thấy vì sao trước đây tôi thường dễ bực bội, dễ đau phiền, dễ bạo động, nóng tính và tham lam, bởi vì nó cũng giống như thói quen hay cười... của tôi mà thôi. Tôi cho tâm tôi ăn gì, tôi thường xuyên luyện tập cho tâm tôi điều gì, thì tôi sẽ hành động theo những gì tâm tôi chỉ bảo. Và cha mẹ tôi, anh chị em tôi, con cháu tôi cũng bị ảnh hưởng từ tôi, vì mỗi ngày tôi nói với họ, tôi ăn với họ, tôi ngủ với họ nên họ cũng mệt khổ nếu ngày đó tôi “rèn luyện” bực bội, giận hờn, trách móc... Chỉ đến lúc tôi im lặng, tôi mới biết.

Lúc tu viện Bát Nhã bắt đầu có những dấu hiệu bị đe dọa với những tiếng hú đêm, những ánh đèn pin rọi chao đảo, tiếng đập cửa giữa khuya, rồi những người tận dụng thời khắc người khác im lặng để đập phá, la hét, mắng chửi... làm như thể mình nhanh nhẩu, khẩn trương nói trước thì mình sẽ đúng cho dù đó có là thông tin gì. Nếu không tận mắt chứng kiến, không tận tai nghe, tôi đã không có cơ hội để hiểu. Giờ đây, tôi có được cho mình rất nhiều bài học quý để áp dụng trong cuộc sống từ sự im lặng mà tôi đã học được từ Bát Nhã.

Bạn hãy thử im lặng, để nghe tôi kể câu chuyện này nhé. Nhưng trước khi kể, tôi vẫn nói với bạn rằng, bạn đừng hoàn toàn chỉ tin tôi, bạn hãy nghe nhiều thông tin khác, rồi bạn chỉ tin chính mình thôi. Đó là bài học đầu tiên tôi đã học được từ sự im lặng của mình. Câu chuyện thế này:

“Đây là lần thứ tư nó đến Bát Nhã, cũng như ba lần trước, nó đến vào ngày cuối tuần, nó đã đi dạo suối, nó ngắm mây trời trong xanh, đồi chè và hưởng thụ không khí an lành mà nó rất thiếu ở Sài Gòn. Nó không theo đạo nào cả, nó đã từng đến nhà thờ Thiên Chúa Giáo nghe cha giảng với nhỏ bạn thân, có đoạn cha giảng rất hay, nó thích, nhưng bảo nó theo đạo Thiên Chúa thì nó chịu. Nó đã từng đến chùa nghe tụng kinh, nó cảm nhận được năng lượng bình an trong chùa, nhưng bảo nó theo đạo Phật thì nó cũng chịu luôn. Nó là đảng viên (đảng Cộng Sản VN), ông bà, cha mẹ nó cũng là đảng viên và đã cống hiến xương máu cho hai cuộc chiến tranh để tặng cho nó hòa bình hôm nay, nên nó rất thương quý nền hòa bình nó đang được sống. Nó đã từng nói, nếu đất nước có chiến tranh, nó sẽ đi lính đầu tiên. Nó sẽ sống giống như ông bà cha mẹ nó đã từng sống, cống hiến hết mình cho tập thể, sống vì mọi người.

Thế rồi cuộc sống của hòa bình đã đem đến cho nó những khổ đau, nó nhìn quanh nhiều người cũng khổ những cái khổ giống như nó đang khổ. Cha mẹ lục đục, anh chị em giận nhau không nhìn mặt, đồng nghiệp ganh đua chức quyền tiền bạc, những kẻ yêu nhau thì cấm đoán, vũ lực, bạn bè có lợi mới chơi không thì thôi... rồi nhiều người muốn chứng tỏ mình là kẻ giàu có, tài giỏi, có ảnh hưởng nhiều lên người khác, ai cũng muốn làm chuyên gia tâm lý cho người khác trong khi bản thân chuyên gia thì dễ bực bội, nói xấu người này người kia, ly dị, tranh cãi... mọi người đã không sống theo những gì họ nói. Nó biết ngay cả chính nó cũng giống như mọi người, rất muốn làm người tốt, vui vẻ, bao dung... nhưng chưa có được phương pháp hiệu quả để “hiện thực hóa” tư tưởng vào cuộc sống hằng ngày. Vậy mà nó tìm được phương pháp ấy tại Bát Nhã, bạn có thấy nó may mắn không?

Nó đã từng rất ghét kẻ thù xâm lược đất nước nó, nó đã từng rất giận cha nó, căm thù rượu bia, những cú đấm, những câu nói nặng lời, sự ngược đãi, sự khoe khoang của những người giàu có, quyền hành, và bạo lực của người có sức mạnh cơ bắp to lớn hơn nó. Vậy mà đến Bát Nhã, nó đã được thoát khỏi những tâm trạng khó chịu đó chỉ bằng tư duy: “Kẻ thù chúng ta không phải con người, kẻ thù chúng ta là sự tham lam, giận hờn, sự thiếu hiểu biết trong con người đó”.

Ghê không? Phải là người rất giỏi mới dám nói như vậy, đúng không? Nó đem điều đó vô áp dụng cho chính cuộc đời nó, đúng là nó rất giận cha nó, nhưng nếu ai làm gì cha nó thì nó sẽ bảo vệ cha nó đến cùng, dù cha nó có làm nó giận thế nào thì nó vẫn rất thương cha nó, dù tình thương đó rất khó để mà thương, nói thương cha đã khó, nuôi dưỡng hành động và ý nghĩ thương cha mỗi ngày dù cha vẫn còn gây cho mình bao nhiêu khổ đau thì càng khó hơn. Có lúc nó thấy đập phá, la hét, bạo động mà dễ hơn nói yêu thương, lắng nghe và chịu thảo luận nhưng nó cũng biết vì chỉ làm cái dễ đó hoài mà cuộc đời cha nó, cuộc đời nó dù có tiền, có học vị mà thiếu hạnh phúc, thiếu bình an, chết dần từng ngày chứ không phải đang sống mỗi ngày.

Nó chấp nhận, nó không giận cha nó nữa, nó chỉ giận sự bạo động trong cha nó thôi. Thế nhưng làm sao để cha nó không bạo động, hành hung với nó nữa? Nó không biết. Nhưng thầy và sư cô trên Bát Nhã thì biết, nó được dạy cho bài hát Hiểu Và Thương. Ừ nhỉ, có hiểu mới có thương, hiểu càng sâu thương càng rộng, hiểu càng rộng thương càng sâu. Nó chưa hiểu được cha nó, cha nó chưa hiểu được chính cha nó, cha nó cũng chưa hiểu được nó luôn thế nên cha con càng thương nhau càng hành hạ nhau, lý luận với nhau, trách móc, đòi hỏi nhau... thương mà không hiểu làm cho cha con đều bị thương hết. Một vị Thầy ở Bát Nhã bảo với nó: “Con thương cha, thương mẹ, thương rất nhiều người, chỉ có một người con chưa thương đủ đó là chính con”. Ghê không? Hiệp 2, khỏi cần cãi lại nó cũng biết điều đó là đúng với nó, nếu nó biết thương nó thì nó đâu để chính nó sống trong sự buồn giận, tranh giành, lý luận đúng sai trong khi khổ đau cứ đầy dãy mỗi ngày... nó hi sinh cho gia đình, nó sống vì ngày mai... mọi lý lẽ nó trang bị cho cuộc đời nó chỉ nhằm che dấu cái khổ đau nó đang có và đầu hàng sự thay đổi ... Nó đã dũng cảm một cách ngu dốt.

Trong im lặng nó đã biết thay đổi, sau khi im lặng nó biết hành động hơn. Bây giờ nó và cha nó bắt đầu đi trên con đường hiểu nhau để thương nhau, nó hạnh phúc lắm, nó đã có con đường. Thế nên nó mới không hề ngạc nhiên khi thấy mấy sư chú cầu nguyện cho những người phụ nữ leo lên mái nhà Bát Nhã nhảy múa, mong cho cô đừng rớt xuống chứ rớt xuống thì cô sẽ chết mất. Thế nên nó mới không hề ngạc nhiên khi thấy mấy sư cô xóm Mây Đầu Núi rớt nước mắt khi nghe nó kể nó gặp ngoài Bảo Lộc những người phụ nữ từ miền Bắc được thuê vào Bát Nhã để làm cỏ chè, cỏ cà phê chứ không hề biết vào để đập phá, họ nói với nó họ đi làm thuê ngày 60 ngàn, họ trả giá xe ôm vào Bát Nhã 15 ngàn thôi, khiến chú xe ôm giật mình “bà biết đây vô đó bao xa không mà trả giá đó?” mẹ hồn nhiên nói “không”. Nó chẳng biết nên khóc hay nên cười lúc ấy.

Những ngày bạo động, nó ở trong lòng Bát Nhã, sư cô mở cửa cho nó về nhưng nó không về, may mắn là nó đã không về, nó ở để tận mắt chứng kiến sự im lặng và tình thương có hiểu biết của những người tu hành, nó thấy nó rất may mắn vì nhận được những bài học quý diễn ra ngay trước mắt mình. Người ta ném đá, la mắng, vức phân, hăm dọa, rượt các vị tu hành. Nó đã từng đứng bên trong cửa kiếng nhìn ra bên ngoài cửa kiếng để thấy những người đàn ông đi hù dọa, gõ cửa phòng nữ tu trong đêm tối, thấy những người phụ nữ thiếu vải nhảy nhót, cố ý muốn va chạm các thầy. Thế mà mấy vị tu hành ấy họ càng thương những người đang muốn làm tổn thương họ. Họ nói với nó rằng “ Đừng giận, đừng buồn mấy cô chú đó em nhé, họ chưa biết mình, chưa hiểu mình nên họ mới làm vậy”. Nó sốc lắm.

Nó thấy trên mạng, người ta mắng vị sư Đức Nghi, nói vị ấy rất thậm tệ vậy mà lúc nào nó cũng nghe mấy sư cô, sư chú, mấy thầy ở Bát Nhã gọi vị ấy là sư phụ, nói là rất nhớ sư phụ, biết ơn sư phụ, thương và hiểu sư phụ. Thiệt là chỉ có ở Bát Nhã, nó mới thấy cái người gây tội lỗi, ác mồm ác miệng lại được thương nhiều nhất, được hiểu nhiều nhất chứ nó chưa thấy ở đâu có cả.

Bên ngoài, bạn thử đánh người nào một cái thử xem, nếu bạn to con quá họ không dám đánh lại thì họ cũng liếc bạn một cái. Còn ở Bát Nhã, họ bị đủ thứ thế kia mà họ vẫn cười, vẫn hiểu, vẫn thương, vẫn kiên nhẫn chờ đợi, hi vọng, thiệt là lạ. Mình không tắm một ngày, mình đã thấy khó chịu. Mình không có điện một ngày mình đã khó chịu, vậy mà họ vẫn chịu được... thiệt là chẳng biết nói gì nữa.

Nếu bây giờ bạn bảo tôn giáo của nó là đạo Phật rồi thì nó cũng chịu, nó chưa lý giải được cho bạn đâu vì nó chưa biết Phật là ai? Đạo Phật cụ thể là gì? Chỉ biết chắc chắn là nó không chịu được khi nhìn mấy ông thầy tu trẻ ở chùa cạnh nhà nó, phì phèo điếu thuốc, nói năng đi đứng ào ào, lung tung, tùy tiện với phật tử làm như mình đã là thầy chùa thì đã là thầy thiên hạ. Nếu bảo nó theo đạo Phật như thế thì nó không chịu.

Nhưng nó biết chắc chắn từ nay trở đi nó sẽ là đảng viên tốt hơn. Vì nó đã được trang bị cho rất nhiều công cụ để sống và làm việc vừa tốt cho mình, vừa cho mọi người từ các phương pháp thiền tập tại Bát Nhã. Bây giờ nó biết cách không làm tổn thương người khác, không để người khác làm tổn thương mình. Trong cuộc họp chi bộ nó biết cách tự kiểm điểm hay đóng góp ý kiến cho người khác bằng phương pháp hiểu sâu thương lớn rất an toàn kia, vì nó đã nắm giữ được hơi thở, được bình an để lắng nghe thật sâu, khi có công cụ này, nó đi đâu cùng thấy được sống là chính mình, nó mở dần những cánh cửa tự do. Chắc chắn nó sẽ là đứa con hiếu thảo, dễ dàng nói yêu thương và chăm sóc cha mẹ chu đáo hơn ngày trước khi nó đến Bát Nhã. Nó đã biết cách gìn giữ và phát triển đất nước mà ông bà cha mẹ đã tặng nó bằng một người công dân mới là nó hôm nay, người công dân Việt Nam không dùng bạo lực, không dùng lời lẽ hăm dọa, không dùng năng lượng tiêu cực để sống, để làm việc mà chỉ dùng sự rèn luyện lắng nghe, hiểu sâu, trao đổi tôn trọng trước mọi lúc cần giải pháp.

Câu chuyện của nó đến đây là hết rồi. Nhưng nếu được bạn hỏi thêm thì nó sẽ nói một chút nữa.

Nó muốn nói với sư phụ Đức Nghi và các thầy Đồng rằng: “Các thầy ơi, nhờ Bát Nhã mà con đã loại dần cái giận, cái ghét hằng ngày, nên con có hiểu, có thương các thầy. Con rất muốn hằng tháng được lên chơi với Bát Nhã, được thăm các thầy, nếu Bát Nhã đi rồi, làm sao chúng con được lên đó đây?”

Nó muốn nói với các thầy, các sư chú, sư cô, các bạn tập sự ở Bếp Lửa Hồng, Mây Đầu Núi và Rừng Phương Bối rằng: “ Cám ơn, cám ơn rất nhiều! Cám ơn vì mọi người đã làm những điều mọi người đã nói, rằng làm gì cũng phải để có kết quả là sự bình an cho nhau”.

TDTCSM


PHÁP NẠN CHÙA BÁT NHÃ II rất mong đón nhận ở các bạn những: thư từ, ý kiến, nhận định, tường thuật, hình ảnh, âm thanh... Mỗi tiếng nói là một viên gạch xây nền công lý nước nhà, và nhất là góp phần quyết định cho sự sinh tồn của Tu viện Bát Nhã. Hãy gửi thư về chúng tôi qua địa chỉ: phusaonline@gmail.com Trân trọng cám ơn các bạn!


Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC

PHẬT SỰ

PHÁP ĐÀM

VU LAN 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

LÊN TRÊN= | GỬI BÀI | LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.