Bát Nhã chưa yên

Thiền sinh
cư sĩ lắng nghe Pháp thoại trong 1 khóa tu tại tu viện Bát Nhã
(photo PS) |
Xã Dambri là một vùng xa vắng hoang sơ. Quốc lộ từ Sài Gòn đi Đà Lạt
không chạy qua đây nên ít có ai để ý đến địa danh này. Nhưng từ ngày
Thượng tọa Đức Nghi cúng dường ngôi chùa của mình, cùng với mảnh đất
trong vùng rừng núi chập chùng này cho Sư ông Làng Mai, bộ mặt Dambri tự
nhiên vươn lên nhiều sức sống. Cũng từ ngày đó, ngôi chùa có tên Bát Nhã
của Thượng tọa bắt đầu được nhiều người biết đến, với một tên mới là Tu
viện Bát Nhã - Làng Mai. Chánh điện của ngôi chùa vẫn còn giữ nguyên với
những nghi lễ thờ cúng như những ngôi chùa khác ở Việt Nam. Thêm vào đó
là thiền đường Cánh Đại Bàng rộng lớn được xây cất để đáp ứng nhu cầu,
từ khi pháp môn Làng Mai được đem về hành trì tại đây. Đó là chưa kể đến
những tăng xá và ni xá được xây cất trong thời gian cấp tốc để đủ chỗ ở
khoảng 500 người ở thường trú. Ít nhất, đến giờ này chưa có một ngôi
chùa hay một tu viện nào của Việt Nam có một số lượng đông đảo tăng ni
như tại tu viện Bát Nhã. Cũng như chưa có một tu viện nào ở Việt Nam mà
chỉ trong một thời gian ngắn đã được nhiều người từ nhiều nơi biết đến
như tu viện Bát Nhã này, nhất là giới trẻ ở các thành phố lớn như Huế,
Sài Gòn, Hà Nội, hay Đà Nẵng.
Bát Nhã đã trở thành địa chỉ cho tất cả những ai muốn được thư giản sau
một tuần mỏi mệt vì áp lực của công việc... Ở nơi đây gần như có đủ
những chất liệu lành mạnh và hạnh phúc. Ngồi thiền buổi sáng để có sự an
lạc trong tâm hồn. Nghe Pháp thoại để thấy được sự sống và hạnh phúc
đang có mặt. Ăn cơm chánh niệm để thấy được tặng phẩm quí giá của đất
trời ban cho, mà thường thường trong cuộc sống hàng ngày chúng ta ít để
ý đến. Người ta thường nói : ăn cũng là nghệ thuật, là văn hoá. Nếu có
trà đạo hay thiền trà thì chúng ta tìm thấy ở tu viện Bát Nhã còn có
thiền ăn cơm. Ngoài ra còn có thiền hành, thiền buông thư, thiền làm
việc, v.v… Tất cả mọi hành động điều là thiền. Thật là đơn giản cho
những ai chưa biết thiền là gì. Đương nhiên thiền tập là con đường lâu
dài miên mật, nhưng ở tu viện Bát Nhã có một cánh cửa thiền thật đơn
giản để bạn dễ dàng bước vào. Những bước chập chửng đầu tiên. Vâng,
những bước chân chập chửng vụng về đầu tiên ấy lại là nền tảng cho những
bước chân vững chải sau này. Thiền là chánh niệm và chánh niệm là thiền.
Ngày tôi đến tu viện Bát Nhã thì cửa thiền còn rộng mở. Chưa bị công an
xã đến khoá chốt ngăn chận. Ngày quán niệm đầu tháng thật khó quên trong
tâm tưởng của tôi. Mọi người từ mọi nơi về tham dự rất đông mà khung
cảnh lại êm đềm và thanh thản. Mọi người hình như ai cũng hiểu là về đây
để hưởng sự êm đềm của một ngày, một cuối tuần, mà cuộc sống chật vật
nhiều khi không cho phép. Một ngày ở tu viện Bát Nhã rất dài, vì bạn
phải dậy thật sớm để dự buổi thiền toạ và tụng kinh. Mọi người thực tập
sống những giờ phút chánh niệm nên chỉ trao đổi những câu chuyện với
nhau trong giới hạn. Do đó không khí thanh tịnh dịu êm có mặt khắp nơi.
Khu vườn Lâm Tì Ni thu nhỏ thật xinh xắn, thu hút những bước chân thiền
hành qua đó. Tượng người mẹ tay dắt hai đứa con thơ như nhắc nhở chúng
ta nên nhớ đến những ngày hạnh phúc bên mẹ. Trân quí những ngày còn có
mẹ, để lỡ một ngày mẹ có mất đi, ta đỡ phải nuối tiếc.
Những ngày tôi lưu lại tu viện Bát Nhã thật là hạnh phúc. Tôi ước ao sẽ
có nhiều tu viện như thế tại Việt Nam, một làn gió mới đem đến sự an
lành hạnh phúc cho mọi người, bỏ lại sau lưng những mệt nhọc bon chen
trong cuộc sống hàng ngày. Có một nơi dừng chân và với những phương tiện
thật đơn giản nhất là chúng ta có được sự thoải mái cả thân và tâm.
Rời tu viện Bát Nhã tôi vẫn ao ước có một ngày trở lại. Đôi khi ước mơ
của tôi rất đơn giản, như về đó để được ngồi nơi căn nhà nhỏ bên suối,
nghe tiếng nước chảy róc rách của thác nước nho nhỏ gần đó. Những gì tôi
nghĩ rất đơn giản giờ đây có thể không còn đơn giản nữa. Một khi những
vị xuất gia tại đây không còn được sự thanh tịnh để tu hành, thì những
cư sĩ và thiền sinh làm sao có thể về lại tu viện Bát Nhã. Mọi chuyện
đổi thay đã xảy ra một cách nhanh chóng, chung qui cũng chỉ vì Thượng
tọa Đức Nghi không giữ lời hứa. Lợi dụng dịp này, Ban Tôn Giáo Chính Phủ
cũng chen vào làm cho tu viện Bát Nhã trở nên xáo trộn mất đi sự thanh
tịnh của thiền môn.
Năm 1998 Thượng tọa Đức Nghi qua Làng Mai thăm viếng, vận động tài chánh
xây dựng tu viện Bát Nhã. Năm 2001 qua tu viện Lộc Uyển để tìm hiểu thêm
về mô thức sinh hoạt và tu học của Làng Mai. Thượng tọa cũng muốn các đệ
tử của mình tìm hiểu về pháp môn Làng Mai nên đã gởi các vị đệ tử lớn
qua Làng tu học.
Năm 2005 trong chuyến về Việt Nam thăm quê hương và hoằng pháp lần thứ
nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thượng tọa đã thỉnh mời Thiền Sư và
tăng thân Làng Mai lên thăm chùa Bát Nhã. Trước sự hiện diện của tứ
chúng, Thượng tọa tuyên bố cúng dường tu viện cho Thiền Sư và tăng thân
Làng Mai để làm nơi tu học, đào tạo giáo thọ nhằm cung ứng cho nhu cầu
tâm linh rất lớn trong khu vực Đông Á. Trong những lý do Thượng tọa nêu
ra có một điểm đáng chú ý là : Thiền Sư Nhất Hạnh là người yêu nước,
có tinh thần Đạo Pháp và Dân Tộc.
Thấy được quá trình cộng tác lo cho đồng bào tỉnh nhà về mặt từ thiện,
tâm linh và sự thành tâm phát nguyện của Thượng tọa nên Thiền sư Nhất
Hạnh đã chấp nhận sự cúng dường.
Hoài bảo của Thượng tọa lúc đó là tu viện Bát Nhã sẽ trở thành nơi tu
học cho 1.000 tăng ni. Tăng thân Làng Mai đã hết lòng hợp tác để biến
hoài bảo đó thành sự thật. Số tiền Làng Mai đầu tư vào việc xây dựng các
cơ sở đã lên đến con số cả chục tỷ bạc. Số tiền trên là do bá tánh tứ
phương cúng dường vì yêu chuộng pháp môn của Làng Mai.
Trong khi Bát Nhã đang trên đà phát triển kỷ lục trong một thời gian
không quá hai năm. Từ một ngôi chùa bé nhỏ chơ vơ giữa cao nguyên vắng
lặng với số tu sĩ không lấp đầy những đầu ngón tay, phật tử thì le hoe
dăm ba cụ già, v.v…
|