.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                   TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 

 

Thăm các sư em bên nớ!

  • PSN - 10.10.2009 | Sư anh Xóm Thượng

Xóm Thượng, 07/10/09

Các sư em thương mến!

Suốt mấy ngày qua sư anh không học hành thêm gì được ngoài việc thực tập chung với đại chúng. Bởi vì mỗi ngày mỗi giờ lại xảy ra những chuyện không thể ngờ cho các sư em. Sư anh chỉ mong cho mỗi ngày chóng qua để có thể có những tin tốt lành đến với các sư em. Thế rồi, sư anh cũng tìm lại được sự bình an cho mình nhờ thực tập hơi thở và nhìn sâu. Có những lúc sư anh cũng đã đặt bút xuống rồi nhưng không viết gì được. Các sư em biết sao không? Bởi vì có những hành động thật đẹp mà ngôn từ không thể diễn tả được.

Sáng nay, trong buổi tụng giới sư anh cảm thấy thấm thía hơn khi tụng đến phần bốn cách xử sự của một vị nam khất sĩ. Trong đó Bụt dạy rằng:

-          Một vị khất sĩ bị người khác nhục mạ thì không nhục mạ lại.

-          Một vị khất sĩ bị người khác giận thì không giận lại.

-          Một vị khất sĩ bị người khác đánh thì không đánh lại.

-          Một vị khất sĩ bị người khác đùa nhiễu thì không đùa nhiễu lại.

Trong các sư em có người đã thọ giới lớn rồi, có người đang là sadi và có người là tập sự xuất gia, mặc dầu vậy các sư em đã hành động rất đúng theo lời Bụt dạy. Sư anh có niềm tin là các sư em cũng sẽ giữ vững được niềm tin đó trước sau như một. Tăng thân rất bằng lòng và biết ơn các sư em, ở trong cơn bão tố đó mà vẫn giữ được tâm bình lặng.

Ở Huế cũng như các nơi khác trên quê hương mình, suốt cả tuần qua đang gặp bão lớn. Sư anh cảm thấy thương quá. Nhưng chúng ta cũng không trách cứ tại sao thiên tai lại cứ đến mỗi năm trên quê hương miền trung. Bởi vì trái đất này nó cần phải làm như vậy mới có lại sự cân bằng cho ngôi nhà của nhân loại. Trong sự phát triển, con người đã vô tình hay cố ý làm mất đi sự cân bằng của nó. Cho đến trong cách sống hằng ngày của con người cũng có liên hệ.  Thấy được sự tương duyên đó cho nên ông cha ta đã dạy “lá lành đùm lá rách” hay “anh em như thể tay chân”, “chị ngã em nâng”v.v.. Để nhắc nhở chúng ta rằng khổ đau, khó khăn là của chung “một con ngựa đau thì cả tàu bỏ cỏ”.

Các sư em cũng đang đi qua một cơn bão và sư anh biết là các sư em cũng đang thực tập nhìn như vậy. Chỉ khác rằng cơn bảo này không đến từ thiên nhiên mà đến từ lòng người. Mà những người đã đến với các sư em trong thời gian qua chỉ là những người đại diện thôi. Họ đại diện cho một thành phần của xã hội. Một thành phần không được học tập và sống với những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Họ đã không có điều kiện, không được xã hội quan tâm. Một khi mà họ đã không sống với những cái gì chân-thiện-mỹ thì điều tất yếu họ sẽ sống ngược lại. Họ sống với những sự giận hờn, tham vọng và mù quán. Mà tất cả những điều này cũng không phải là điều mà trong chiều sâu tâm thức họ cũng như của tổ tiên họ mong muốn. Vì thế mà những hành động của họ trong thời gian qua cũng chỉ là muốn nói lên một điều rằng, họ muốn được sống với những điều tốt đẹp của đạo đức tổ tiên dân tộc ta. Họ muốn được hiểu, được thương, được tha thứ, bao dung. Nhưng cuộc sống không có những tốt lành đến với họ. Họ rất cần có một bàn tay giàu tình thương để dìu dắt trong cuộc sống. Các sư em tuy chưa giúp được gì cho họ nhưng các sư em đã không tạo thêm khổ đau cho họ. Các sư em đã gửi gắm cho họ những gì đẹp nhất bằng tất cả trái tim của các sư em. Thế nào họ cũng có cơ hội nhìn lại và chuyển hóa.

Các sư em thương! Các sư em rất may mắn vì được sống trong một môi trường mà không đánh mất đi cái ý thức đó. Các sư em đã không có quên đi lời dạy của tổ tiên. Trong gia đình tâm linh, chúng ta có một vị Bồ tát lớn mà hạnh nguyện rất là sâu rộng, đó là Bồ tát Địa Tạng và mỗi ngày chúng ta đã thực tập để sống với những hạnh nguyện của Ngài. “Lạy đức Bồ Tát Địa Tạng, chúng con xin học theo hạnh Bồ tát, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự, để có thể mang đến những nơi ấy ánh sáng, niềm tin, hy vọng và giải thoát. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt vào trong những tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập với những ai đang không còn lối thoát, những ai bị bưng bít không có phương tiện kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người. Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế; trái lại chúng con nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt. Chúng con nguyện tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của Đất, để có thể trở thành trung kiên và không kỳ thị như Đất, và cũng được như Đất có thể làm nơi nương tựa cho những ai cần đến chúng con.”

Bồ tát Địa Tạng đâu phải chỉ riêng của đạo Bụt, nhìn sâu thì các sư em sẽ thấy Bồ tát đang đại diện cho các thế hệ tổ tiên dân tộc của chúng ta nữa. Chúng ta đã không tiếp xúc với Bồ tát như một đức tin mà chúng ta đã đi vào hạnh nguyện của Bồ tát bằng cách sống hằng ngày của mình. Xã hội của chúng ta rất cần thêm những vị Bồ tát có những thao thức và hạnh nguyện đó.

Trong xã hội của chúng ta có biết bao nhiêu người vẫn còn đang bị kẹt ở trong vòng đau khổ, hận thù. Họ sống mà không có chủ quyền của một con người. Biết bao nhiêu người trẻ như các sư em đang không có hướng đi, không có được một nếp sống lành mạnh, đang là nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Trong cơn bão tố ấy các sư em đã cùng nhau giống lên tiếng chuông đại hồng để tất cả mọi người cùng hướng về nền đạo đức của dân tộc. Chúng ta đã thay mặt cho tất cả những người ấy nói lên cái ước mơ sâu sắc nhất trong thâm tâm họ. Và thật may mắn là đã có rất nhiều người hướng tâm về. Họ đã lên tiếng, đã cùng hành động không phải chỉ vì chúng ta mà vì quê hương, họ đang nghĩ đến nền đạo đức của dân tộc. Chúng ta cầu mong cho tất cả những ai đang gặp khó khăn như chúng ta cũng nhận được sự quan tâm đó để dòng suối của tình thương được trải khắp trên tất cả mọi miền.

Các sư em thương! Các sư em đã đến với tăng thân và đã xem đây là một ngôi nhà chung của mình. Các sư em đã không đến từ một nơi mà khắp mọi miền đất nước, từ miền Bắc cho đến miền Nam và mang trong mình dòng máu của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo khác nhau. Mặc dầu vậy các sư em đã buông bỏ được những cái riêng tư của mình để đoàn kết xây dựng tăng thân. Đoàn kết để sống chung hòa hợp đó cũng là một trong những nét đẹp của dân tộc ta. Cũng những năm qua, đã có rất nhiều người đến với các sư em và các sư em đã thực tập không phân biệt. Dù có khác nhau về tôn giáo, quan điểm, thành phần các sư em cũng đã xem họ như là anh em một nhà. Mà cái hay nhất là mọi người đã cảm thấy hạnh phúc, tìm lại được hướng đi cho cuộc sống của mình. Họ tìm lại được những giá trị văn hóa đạo đức của tổ tiên. Họ không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng, buồn chán và thù hận cuộc đời. Chúng ta đã giúp cho họ tiếp nối được những gì mà tổ tiên đã trao truyền nhưng họ chưa tiếp nhận được. Vì vậy mà Bát Nhã dù không còn nữa nhưng nó đã đi vào lòng của dân tộc. Chừng nào nền đạo đức dân tộc còn thì các sư em vẫn còn. Bởi vì các sư em thuộc về quê hương, thuộc về giống nòi.

Các sư em thương! Trong những ngày này trong lòng sư anh luôn có một khoản không gian trống để nghĩ về các sư em. Sư anh nghĩ rằng trong các sư em có người đã từng được làm người và xuất gia trong quá khứ, có thể anh em mình đã gặp nhau. Và có thể trong những kiếp sống làm người trong quá khứ thì kiếp này là đẹp nhất của các sư em. Bản thân sư anh cũng thấy như vậy. Kiếp này là kiếp đẹp nhất của anh em mình. Bởi vì trong kiếp này các anh em mình có cơ hội để thực hiện được những ước mơ sâu sắc nhất trong lòng của một người trẻ. Tổ tiên đã cho mình có được niềm tin, có lý tưởng, có hiểu biết và thương yêu để cùng nhau đi chung trên một con đường.

Thương chúc các sư em luôn có nhiều bình an và vững niềm tin nơi con đường của tăng thân.
 

Sư anh Xóm Thượng


PHÁP NẠN CHÙA Bát Nhã II rất mong đón nhận ở các bạn những: thư từ, ý kiến, nhận định, tường thuật, hình ảnh, âm thanh... Mỗi tiếng nói là một viên gạch xây nền công lý nước nhà, và nhất là góp phần quyết định cho sự sinh tồn của Tu viện Bát Nhã. Hãy gửi thư về chúng tôi qua địa chỉ: phusaonline@gmail.com Trân trọng cám ơn các bạn!


Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC

PHẬT SỰ

PHÁP ĐÀM

VU Lan 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

LÊN TRÊN= | GỬI BÀI | LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.