.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

                   TRANG CHÍNH

Không có con đường nào đưa ta đến Hạnh phúc, Hạnh Phúc là con đường - There is no way to happiness - happiness is the way (Thích Nhất Hạnh)
CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 

Từ Bát Nhã đến Phước Huệ
(Kể về những sự  việc đau thương xảy ra cho Tăng Ni tại Bảo Lộc, Lâm Đồng)

  • PSN - 10.10.2009 | Thích Quảng Kim, Thích Tâm Lạc, Thích Tâm Hỷ
    Những chứng liệu này sẽ đi vào lịch sử bi tráng của Phật giáo Việt Nam, Phù Sa thiết tha đề nghị ai đó đang xem những dòng này, vui lòng dịch ra nhiều thứ tiếng để chia sẻ với thế giới, rằng  ... ở một góc trời có tên gọi Việt Nam, trên vùng cao nguyên sương khói đã có 400 người tu rất trẻ phải gánh chịu trên vai hàng triệu tấn bom vô minh mà lòng vẫn hướng về cái lành, cái thật, và cái đẹp của cuộc đời.

Phần 4: Gối Nhẹ Mây Đầu Núi.

Nguồn năng lượng lớn lao tiếp sức cho chúng tôi là sự che chở từ  chư Tôn Đức và những ân nhân có mặt khắp nơi. Nếu không được tiếp nhận những nguồn năng lượng thương yêu này, chúng tôi không đủ sức đối diện chịu đựng mọi hiểm nguy đang đến. Lòng từ bi của các thế hệ tổ tiên tâm linh, biểu hiện qua nhiều hình thức, trực tiếp hay gián tiếp, trong mỗi giây phút đều che chở cho chúng tôi.

Nhiều người lên tiếng ngợi ca tán thán, huynh đệ tôi cúi đầu biết ơn nhưng không cảm thấy tự hào vì ý thức rằng chúng tôi là thế hệ cháu con, tất cả những hùng lực mà chúng tôi có được là tiếp nhận từ chư Tôn Đức và tổ tiên tâm linh của mình. Mặc khác, chúng tôi cảm thấy đau thương không chỉ riêng cho hoàn cảnh mình đang đối diện, mà còn đau thương hơn khi nhìn thấy một vết nhơ đầu tiên in đậm trên trang sử Phật Giáo. Niềm đau bởi vết thương này biết đến bao giờ tan biến?

 

Tu Viện Bát Nhã 12h30’ ngày 27.9.2009

Vậy là qua một giờ các Sư cô xóm Mây Đầu Núi gặp nạn. Chúng tôi cũng bị bao vây nên không biết làm cách nào  để có mặt bảo vệ cho những sư chị sư em của mình. Cầu nguyện ai đó đang đập phá  chửi mắng, xin trong tâm còn chút từ bi, đừng có hành vi thô thiển xúc phạm nữ giới.

Những gì xảy ra ở Rừng Phương Bối lại xảy ra cho Mây Đầu Núi, chỉ khác một chuyện là các Sư cô chưa bị bắt lên xe trong khi một chiếc xe Bus chạy đến ngừng trước cổng. Cơm vừa nấu xong, dọn lên bàn ăn được vài muỗng thì tin dữ ập đến, chỉ kịp thu xếp y bát, giấy tờ tùy thân, tất cả sư chị sư em vào phòng khóa cửa ngồi xuống niệm Phật. Trưa nay các Sư cô nhịn đói. Khoảng chín thanh niên mặt áo mưa, bịt khẩu trang, tay cầm gậy gộc xông vào tầng dưới la hét hăm dọa: “ Các cô ra mau! các thầy bị đuổi đi hết rồi, không còn ai ở đây nữa đâu!”. Sư chị, sư em tôi vẫn ngồi yên, tiếng niệm Bồ Tát Quan Thế Âm vang cao vút tới mây nhưng tiếng đập phá càng thêm dữ dội. Họ dùng gậy gộc đập nát những khung cửa kính, tất cả  vật dụng trong phòng cùng chung số phận. Họ vừa đập, vừa quát: “Chúng mày có ra không thì bảo?”, hết phòng này đến phòng khác, xong tầng dưới tiếp tầng trên, những người thanh niên này có ý thức được họ đang cậy sức mạnh nam nhi để áp chế nữ giới?

Khi đập kính, bàn tay của một số thanh niên bị chảy máu, đáng thương lắm! Thấy vậy, các sư cô đi tới băng bó vết thương cho người vừa đập phá. Vết thương được băng xong, họ tiếp tục lao vào la hét đập phá. Máu trên thân thể huynh đệ chúng tôi đã rướm ra, máu trên hai bàn tay của người đập phá tươm chảy, nỗi đau đớn trên thân thể gần giống nhau nhưng hai nỗi đau ấy lại cách xa: niềm thương, vô cảm.

Bước chân vội vã của những người phụ nữ từ xóm Rừng Phương Bối chạy lên, dồn dập gấp gáp như muốn hoàn tất việc tấn công các sư cô trong thời gian ngắn nhất. Bằng miệng lưỡi, họ chửi mắng, hò hét để uy hiếp tinh thần. Những căn phòng trong Mây Đầu Núi tiếp tục bị đập phá, vài máy vi tính nằm lăn lóc trong tàn phá của cơn bão si mê. Trước sự truy bức đe dọa của hàng loạt người hung bạo, các sư cô bị đánh bật ra sân không kịp lấy hành lý. Vài sư cô đi ngược lên cầu thang vào phòng lấy y áo cũng bị nhóm người này ngăn cản, xô đẩy xuống phía dưới. Một sư cô vào được trong phòng, nhanh nhẹn lấy đồ dùng cần thiết chợt nghe tiếng người đàn ông đang gọi điện thoại bên ngoài: “Chào đồng chí Chánh! Báo cáo đồng chí, chúng tôi đã đuổi được các cô ra ngoài, một số đang thu dọn đồ”. Ông Chánh được xưng hô qua điện thoại có phải là ông Chánh chủ tịch xã Đambri?

Ngoài hiên nhóm người phụ nữ la hét xô đẩy các sư cô ra sân, bên trong các thanh niên đập phá. Văn phòng làm việc bị đập nát máy vi tính, nhúng nước máy in, két sắt cũng biến đi đâu mất. Một số dụng cụ may vá được các sư cô chuyển xuống dưới sân cũng bị những người phụ nữ  lấy đi. Họ dồn các sư chị, sư em của chúng tôi ra hết ngoài sân, có người chưa kịp mang theo một thứ gì. Trời mưa lớn, không thể chịu đựng cái lạnh trong cơn mưa dầm nên các sư cô đi vào mái hiên thì họ xông vào xô các cô ra mưa, quăng hết túi xách ra ngoài. Một sư em nữ bị đau chân không đi được nên các sư cô cổng xuống, vậy mà họ cũng xấn tới đập đuổi.

Bao nhiêu bạo hành dồn dập bủa vây, chúng tôi không biết kêu ai, gọi ai để cùng chứng kiến cảnh tượng đầy bất công trong mái chùa thân thương, trong miền Đambri rừng rú. Người ta đành lòng đối xử với chúng tôi bằng những hành động tương đương xã hội thời tiền sử (săn bắt, hái lượm). Và không lẽ chấp nhận cách hành xử  này là giải pháp thấu tình đạt lý? Chúng tôi là nạn nhân lạc loài trong một thế giới hết sức xa lạ bất thường.

Thời điểm này tại xóm Rừng Phương Bối, huynh đệ tôi ngồi với nhau thành hình tròn nhưng bị họ cắt chia thành mãnh vụn. Một thanh niên mặt áo ấm màu đen xông vào đánh các thầy tới tấp, ông dùng tay bóp cổ, cùng với số phụ nữ khác lôi các thầy lên xe. Thầy Pháp Nhàn bị một người cao to trong nhóm quăng lên mặt kính trước xe, thầy lăn xuống và bị quăng lên đến mấy lần.

Thầy Pháp Sỹ vừa thoát ra từ những bàn tay hung dữ, chưa kịp ngồi xuống, một thanh niên khác tung nắm đấm vào miệng của thầy nhưng anh kịp dừng tay nên ra đòn nhẹ. Sau đó họ bắt thầy lên xe, khóa chặc cửa trước cho xe chạy. Trên chuyến xe này, ngồi bên cạnh các sư chú là một thanh niên có nét mặt nghiêm nghị  lạnh lùng. Các sư chú hỏi anh là ai? Vì sao có mặt cùng lúc với chúng tôi trên xe để làm gì?Anh trả lời là công an thị xã Bảo Lộc. Nói xong, anh ra lệnh cho tài xế quay xe rẽ vào đường tắt tiến ra thị xã. Chú tài xế lưỡng lự không biết phải như thế nào khi biết mình không thể tiếp tay cho việc làm nhẫn tâm, chú cho xe dừng lại, mở cửa cho các thầy thoát ra ngoài. Chú tài xế nói với các thầy: “Con xin các thầy thông cảm, nghe công ty điều hành  gọi xe vào đây để chở khách, khi vào đến nơi thì con mới biết các thầy đang gặp nạn, họ lừa con để dùng xe đuổi các thầy đi”. Sư chú hỏi thêm: “Biết vậy sao anh không chạy xe về, còn mở cửa xe để cho họ áp tải?”. Chú tài xế trả lời: “Con quay xe về không được, lúc đó con bị ép vì họ nói đây là chỉ thị của thị xã. Nhưng con thấy lúc đó các thầy có cưỡng lại cũng không được, tình trạng sẽ căng thẳng thêm, con chở các thầy ra ngoài đường để các thầy xuống xe thôi!”.

Từng chiếc Taxi chở huynh đệ tôi chạy ra cách tu viện không xa liền dừng lại cho chúng tôi xuống. Nhưng cũng có một vài Taxi sợ áp lực của công an nên chạy thẳng. Trên đường xuất hiện Cảnh Sát Giao Thông đang làm nhiệm vụ, có mặt rất nhiều thanh niên, họ không cho Taxi dừng lại. Những thầy nào nhảy từ trong xe ra liền bị nhóm thanh niên này nhào tới đánh đập, đạp xuống rãnh nước hai bên đường. Huynh đệ tôi vẫn cố gắng quay trở lại tu viện để bảo vệ nhau dù đang bị người khác rượt đuổi. Khoảng bốn mươi Thầy và sư chú bị xe chở ra ngoài tu viện đang tìm cách về xóm Mây Đầu Núi. Trong xóm Rừng Phương Bối họ vẫn tiếp tục đánh đập khống chế các thầy.

Hơn nữa ngày trôi qua tình trạng bạo hành vẫn chưa được can thiệp, chấm dứt. Mưa suốt cả ngày, thân thể huynh đệ tôi mệt nhoài, đuối sức. Chúng tôi nhìn nhau nhưng không đủ sức nói thêm lời nào. Trong ánh mắt thân thương, chúng tôi hiểu mình phải cố gắng kham nhẫn chịu đựng, dù ai đó nhẫn tâm bức hại thân mạng, dù kiệt sức ngã quỵ thì chấp nhận chết mà không bao giờ oán giận.

- 15h00’, một chiếc xe Toyota màu trắng mười hai chỗ ngồi, biển số xanh, từ hướng xã Đambri chạy về tu viện (phía xa xuất hiện bóng dáng bốn anh công an thôn, tay cầm roi điện, điều khiển hai xe gắn máy chạy thật nhanh như sẵng sàng cơ động truy bắt tội phạm cứu dân lành). Xe chạy ngang qua nơi chúng tôi đứng trú mưa thì dừng lại, trên xe bước xuống một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi. Gương mặt ông khá sáng, tóc hoa râm rẽ mái, tiếng nói sang sảng dứt dạt, thỉnh thoảng lắng dịu ngọt ngào. Nhìn qua chúng tôi biết đây là một cán bộ già dặn, rất chuyên môn trong công tác tuyên truyền. Ông tự giới thiệu: “Tôi là Phó Chủ Tịch Mặt Trận thị xã Bảo Lộc. Tôi hay tin (Phật tử chùa Bát Nhã) đánh đập các thầy nên vào can thiệp kịp thời. Trong số các thầy ai là người đại diện thì mời lên xe ngồi, chúng ta cùng tâm sự!”. Chúng tôi im lặng vì không còn hơi sức đáp lại. Thật may cho mình còn sống để nghe những lời tâm sự rất nghiệp vụ của ông. Đứng hồi lâu thấy chúng tôi không nói năng gì, ông lên xe tiến vào tu viện.

Chúng tôi đứng trú mưa trong mái hiên của căn nhà nhỏ bên đường, nhìn về phía cổng Mây Đầu Núi có các anh công an mặc thường phục đang dầm mưa. Các anh cũng vất vã nhọc nhằn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc sống này, hoàn cảnh nào cũng có những khó khăn riêng. Nếu hiểu được “cái riêng” trong lòng người khác, mình sẽ cảm thông và chuyển hóa được phiền giận đang phát khởi.

Gió lạnh mưa dầm, chúng tôi định vào quán phía bên kia đường mua một hộp bánh ăn lót dạ. Nhưng may sao, một cô gái đi xe gắn máy mang theo nhiều phong bánh chạy tới, cô nói: “Các thầy ăn tạm cho đỡ đói”, xong cô quay xe đi liền như sợ ai đó bắt gặp.  Dáng dấp của cô gái này chúng tôi đã nhiều lần gặp khi cô có mặt tại tu viện. Lần đầu tiên là ngày 29.6.2009, cô là một trong những người tiên phong tấn công và chửi bới các thầy, y phục của cô không được kín đáo cho lắm. Khi tấn công lên thiền đường tăng xá nhìn thấy các thầy đắp y chấp nay niệm Phật, cô là người dang rộng cánh tay để ngăn cản lớp người hung dữ lao lên. Sau đó, có lẽ vì quá mệt nên cô ngồi xuống trước cửa lặng lẽ nhìn các thầy. Chúng tôi không hiểu sự thay đổi đột ngột về cách hành xử này, nhưng sự thật là cô đã khóc. Sáng nay cô có mặt trong y phục kính đáo hiền lành. Cô không tham gia tấn công chửi mắng mà chỉ yên lặng với nét buồn. Khi nhóm người lao vào đánh đập các thầy thì cô chạy vào can thiệp, mọi người kéo cô ra xa và cô là người duy nhất có biểu hiện che chở.

- 15h30’ huynh đệ tôi tập trung về xóm Mây Đầu Núi. Các sư cô chuẩn bị hành lý xách tay như sắp bị ai di chuyển đi đâu. Vào tới ni xá, chúng tôi giật mình khi nhìn thấy những căn phòng tan hoang đổ nát như vừa trải qua trận càn quét của quân Nguyên Mông mà lịch sử Việt Nam ghi lại. Dưới bậc thềm, một thanh niên đang ngồi. Tôi nhận ra anh vì sáng nay anh có tham gia lôi kéo chúng tôi. Hỏi anh có mệt không, đói bụng không? Anh trả lời: “ Dạ mệt lắm, đói lắm!”. Chúng tôi đến gặp các sư cô đứng trú mưa dưới mái hiên xin một cái bánh trung thu lên mời anh ăn cho bớt đói, anh không dám nhận nhưng nở nụ cười rất hiền: “Dạ con không sao, để các thầy mang theo đi đường”. Mang theo đi đường? Vậy là tối nay chúng tôi phải rời Bát Nhã thật sao? Đi đâu? Về đâu? Những câu hỏi không thành lời gợi lên trong tâm tư. Chúng tôi ngồi với anh thật lâu, kể những câu chuyện vui vì biết anh đang khổ tâm.

Thầy Pháp Hội cùng một số sư chú từ xóm Rừng Phương Bối đi lên Mây Đầu Núi, sau lưng là nhóm người phụ nữ bám sát đuổi theo. Họ vừa đi vừa chửi, tay cầm gậy gộc. Các thầy vẫn đi trong trầm tĩnh, yên lặng. Còn vài phút nữa thôi những trận cuồng phong bạo tàn đổ ập lên thân thể huynh đệ tôi.

Nhiều người đàn ông, thanh niên, phụ nữ đồng loạt ùa vào tổng tiến công. Chúng tôi biết sau trận này họ sẽ thành công với kịch bản công phu dàn dựng. Lúc này mưa lớn lắm! Họ lao vào xô đẩy kéo hành lý quăng ra sân, đuổi các thầy cô ra đứng dưới mưa. Thầy Pháp Hội bị đánh tới tấp, các sư chú vào can ngăn cũng bị đánh xô đẩy. Nhiều sư chú, sư cô bị đẩy rất mạnh nên trợt chân té xấp mặt xuống tầng cấp. Họ đồng thanh la hét: “Chúng mày đi mau, cút xéo! Đây không phải là chùa chúng mày. Sao mà lỳ thế! Đuổi đầu này chạy đầu kia”. Có người chạy ra sân rút cây hàng rào xông vào đánh lùa, có người nắm khăn chít trên đầu các sư cô kéo giật xuống.

Huynh đệ tôi tiếp tục bị hành hạ, nhiều sư chú bị đập đầu vô tường, nhiều sư cô bị xô ngã trên cầu thang, thầy Pháp Vinh bị người đàn ông cầm gậy rượt đuổi xô té xuống bờ tường… Họ lùa anh chị em tôi ra hết ngoài sân. Người đàn ông có hình dáng cao to luôn điều động thanh niên, phụ nữ, ông ra đứng trước sân dõng dạt tuyên bố: “Xin mời anh chị em ra về. Ngày hôm nay chúng ta thành công. Ngày mai chúng ta tiếp tục vào đây”. Họ kéo nhau đi ra cổng tiến ra đường lớn, nơi có chiếc xe Bus đang đậu.

Tưởng rằng sóng gió đi qua, chúng tôi có ý tưởng trở vào ni xá thu dọn những gì đổ nát, dù biết chắc mình không thể lưu lại nơi này. Tiếng chửi bới ngoài cổng xao lên. Chúng tôi nhìn ra thấy lần này số lượng người tấn công đông hơn, họ mới nhận quân tiếp viện chăng? Nhóm người đó ùa vào bao vây ni xá, la ó, đưa mắt chăm chăm nhìn vào các sư anh lớn. Lúc này là 16h 05’. Một người đàn ông trong nhóm la lên: “Thằng Pháp Hội, thằng Pháp Sĩ, thằng Pháp Tụ là ba thằng cầm đầu. Bà con bắt ba thằng đầu xỏ này đi”.

Bấy giờ họ đồng loạt nhằm vào các sư anh lớn của chúng tôi mà  truy bắt. Thầy Pháp Sỹ không trú mưa dưới mái hiên như chúng tôi, thầy ngồi tựa lưng vào ghế đá ngoài sân. Nhìn ra, chúng tôi biết sư anh đang thấm mệt vì đói và lạnh. Tất cả chúng tôi cũng trong tình trạng đó. Nhiều đàn ông xông vào nơi thầy đang ngồi. Biết sư anh mình đang gặp nguy hiểm nên chúng tôi cùng lúc đi ra quay quanh che chắn. Anh chị em tôi đứng gần nhau, vì thế họ xông vào tạt nước dơ lên đầu. Họ lấy nước bùn trong chậu sen tạt lên chúng tôi xối xả. Một thanh niên leo lên tầng một múc nước mưa từ trên dội xuống đầu các sư cô, bên dưới có ngưới cầm cây đánh sư cô Đức Nguyên.

Chúng tôi bị đánh lùi về vườn rau, y áo tay chân nhuộm màu bùn đất. Huynh đệ dồn lại thành một khối, lần này sư anh lớn đứng vào trong để các sư em nhỏ che chắn bên ngoài. Chiều tối dần về, trên trời cao những đám mây trắng tan biến đâu mất, mây đen cuồn cuộn phía xa.

 

Kỳ tới Phần 5: Bàn tay Bồ Tát. | Xem lại: phần 3 | phần 2 | phần 1
Người viết: Thích Quảng Kim, Thích Tâm Lạc, Thích Tâm Hỷ


PHÁP NẠN CHÙA Bát Nhã II rất mong đón nhận ở các bạn những: thư từ, ý kiến, nhận định, tường thuật, hình ảnh, âm thanh... Mỗi tiếng nói là một viên gạch xây nền công lý nước nhà, và nhất là góp phần quyết định cho sự sinh tồn của Tu viện Bát Nhã. Hãy gửi thư về chúng tôi qua địa chỉ: phusaonline@gmail.com Trân trọng cám ơn các bạn!


Từng bước thảnh thơi, từng bước nở hoa sen!

ĐẠO BỤT
TRONG
DÒNG
VĂN
HÓA
VIỆT

CHƯƠNG MỤC

PHẬT SỰ

PHÁP ĐÀM

VU Lan 2551

VESAK 2552 (2008)

VẤN ĐỀ GIÁO HỘI TN

ĐẠO BỤT HIỆN ĐẠI HÓA

THEO DẤU THIỀN SƯ 3 | 4 | 5 | 6

LIÊN MẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

LÊN TRÊN= | GỬI BÀI | LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.