Kinh nghiệm toàn trị tại Trung quốc
Lời mở
đầu
Bài 1:
Những giới hạn co giãn của toàn trị - Bruce Gilley.
Bài 2: Ðe
dọa quyền tối thượng của Ðảng - Bruce J. Dickson.
Bài 3:
Những vấn đề yếu ớt của nhà nước - Shaoguang Wang.
Bài 4: Sự
bất bình đẳng mới - An Chen.
Bài 5: Ổn
định như núi lửa đang sôi - Qinglian He.
Bài 6: Thức
giấc cùng Trung Quốc - Ted C. Fishman.
Bài 4
Những vấn đề yếu ớt của nhà nước
Vương Thiệu-quang
Vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, khi
“đợt sóng thứ ba” của dân chủ hóa quét lên hầu hết quả đất
thì đã có sự tin tưởng rộng rãi giữa các nhà nghiên cứu cũng
như các nhà hoạch định chính sách rằng cải cách dân chủ sẽ
dẫn tới tình trạng nhà nước co lại hoặc bị trung hòa.
Thế nhưng sau một thập niên quá đổi nhấn mạnh tới việc kiềm
chế nhà nước, nhìn vào bản đồ chính trị thế giới lại thấy có
quá nhiều chế độ dân chủ giả mạo hoặc bất toàn, và thậm chí
còn có một số trường hợp “dân chủ lộn ngược” tận gốc rễ.
Rồi cũng khá ngạc nhiên là nhiều nhà nghiên cứu đi tới việc
thấy rằng khả năng đứng vững và hiệu năng của các định chế
nhà nước là thiết yếu cho những viễn ảnh để có dân chủ. Như
Samuel P. Huntington ghi nhận rằng “phải có chính quyền
trước đã rồi mới có thể giới hạn nó.” [1] Chính quyền có dân
chủ ra sao đi nữa không là vấn đề, nếu nó không thực hiện
nổi những chức năng căn bản của một nhà nước thì nhân dân
cũng chẳng thu được phúc lợi gì từ nó.
Bởi thế, một chế độ dân chủ có khả năng và có hiệu năng sẽ
là một hỗn hợp của các định chế có năng-lực-nhà-nước và các
định chế có tính dân chủ. Cái đầu làm cho nhà nước có năng
lực cai trị trong khi cái sau làm cho người dân có thể giữ
cho nhà nước có tinh thần trách nhiệm.
Một ngụ ý thêm nữa là, trong nhiều trường hợp, dân chủ hóa
liên quan tới hai quá trình tách biệt nhau:
1. quá trình chuyển tiếp từ chế độ phi dân chủ tới chế độ
có nhiều hoặc có ít dân chủ, và
2. quá trình thiết lập hoặc tái thiết lập nhà nước —
nghĩa là thật nông nổi cho xứ sở nào mà trong thời gian
chuyển tiếp, lại hủy hoại hoặc làm suy yếu các năng lực
thiết yếu của nhà nước.
Những yếu tố thiết yếu của một nhà nước hiệu năng
Ðể cai trị hữu hiệu, nhà nước phải có đủ khả năng thực hiện
sáu chức năng quan trọng sau đây:
1. Giữ độc quyền sử dụng sức mạnh hợp pháp
Theo định nghĩa của Max Weber, trắc nghiệm căn bản về chủ
quyền quốc gia là chính quyền của quốc gia đó có thể hoặc
không thể tuyên bố độc quyền sức mạnh trên lãnh thổ theo
pháp quyền của nó, với các lực lượng quân sự và các cơ quan
công an cảnh sát có khả năng đẩy lùi kẻ thù quốc ngoại và
bảo vệ trật tự quốc nội. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan
trọng của sự phát triển một lực lượng công an cảnh sát
chuyên nghiệp, tháo vát, tận tâm, có kỷ luật, mặc đồng phục,
và được cai quản bởi luật pháp. Ðiều thú vị là, dù các chế
độ đàn áp thường được gọi là “quốc gia cảnh sát trị”, xét
theo tỉ lệ công dân thì thật ra chúng có khuynh hướng có ít
cảnh sát hơn so với các xã hội tự do là nơi có lực lượng
cảnh sát đông đảo hơn và bị kiềm chế hơn.
2. Thu hút tài nguyên
Cũng như con người không thể sống nếu không có máu, nhà nước
không thể vận hành nếu không có thu nhập từ thuế. Chính tài
nguyên có sẵn ấy cho phép nhà nước thực hiện những công tác
khác. Trong ý nghĩa ấy, một chính phủ hiệu năng phải có khả
năng thu hút từ xã hội các tài nguyên đủ dùng, gom các tài
nguyên ấy thành vốn liếng chung của quốc gia và dùng chúng
cho những mục đích quốc gia. Nếu một nhà nước không có khả
năng về mặt tài chánh thì nó không thể hiệu năng.
3. Hình thành bản sắc quốc gia và huy động sự đồng thuận
Duy trì trật tự bằng cưỡng bách mà thôi thì không thể thực
hành về lâu về dài. Phải có một số bản sắc và giá trị được
chia sẻ chung, vượt quá những quan hệ địa phương hoặc thân
tộc và kết chặt xã hội lại như một tổng thể. Lịch sử mới đây
của vùng
Balkans,
Rwanda,
Indonesia và các phần của khối Sô-viết cũ nhắc nhở chúng ta rằng sự thiếu
vắng một bản sắc quốc gia bao trùm xã hội có thể là một lực
ly tâm đáng sợ. Nhà nước cũng cần một khối công dân được xác
định đặc điểm bởi sự đồng nhất luân lý trong chung một đường
biên nhất định — một chuỗi các nguyên tắc nòng cốt vượt quá
bản sắc quốc gia đơn thuần — nếu nó mong muốn cai trị mà
không phải viện tới sự cưỡng bách quá mức và phí tổn quá
đắt.
4. Ðiều chỉnh xã hội và kinh tế
Xã hội hiện đại đầy dẫy những rủi ro do kỹ nghệ, thương mại,
đô thị hóa và bất cân đối của quyền lực và thông tin đem
lại. Do đó, để bảo vệ nhân dân và môi sinh, nhà nước cần
thông qua những luật lệ tác động lên nhiều khía cạnh của đời
sống kinh tế và xã hội bao quát từ cân đo đong đếm tới chất
lượng của thực phẩm và dược phẩm, các định chuẩn an toàn, và
thậm chí quyền và bổn phận của cha mẹ. Chắc chắn sẽ diễn ra
bất tận các cuộc tranh luận về ranh giới thích đáng của việc
“nhà nước điều chỉnh”, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng
hết thảy các xã hội hiện đại có qui củ và hợp lý thì đều
được điều chỉnh cao độ, dù nó dân chủ hay không.
5. Duy trì tính nhất quán nội bộ của các định chế nhà nước
Nhà nước hiện đại cần một bộ máy thư lại có hiệu năng, nghĩa
là một chuỗi các tổ chức lớn rộng và phức tạp với các cơ
quan mà bánh răng cưa của chúng phải ăn khớp nhau. Không thể
cho phép các khuynh hướng thư lại nói chung “xem cơ quan ta
là nhất” hoặc tham nhũng hoặc sự thiếu năng lực của cá nhân
viên chức lên tới điểm xem rẻ tính nhất quán nội bộ của
chính guồng máy quản trị của nhà nước.
6. Tái phân phối tài nguyên
Sự tái phân phối thì liên quan tới sự tái phân cấp các tài
nguyên hiếm hoi cho các nhóm xã hội khác nhau. Mục đích của
nó là cung cấp cơ hội may mắn tối thiểu với sự an toàn kinh
tế cũng như ngăn chặn sự bất ổn chính trị vốn có khuynh
hướng làm điêu đứng xã hội nào đang có những chênh lệch lớn
lao về của cải và các cơ hội quá ít hoặc hoàn toàn không có
để biến đổi xã hội. Một chính sách tái phân phối vừa phải sẽ
khiến nhà nước có khả năng duy trì trật tự xã hội và gia
tăng tính chính thống của nó.
Khủng hoảng cai trị tại Trung Quốc
Ðo lường bằng sáu tiêu chuẩn kể trên thì nhà nước-Ðảng Cộng
Sản Trung Quốc (ÐCSTQ) là một nhà nước yếu ớt. Nó xâm nhập
sâu xa bằng những yêu sách cực độ về quyền lực và tìm cách
đi sâu vào mọi xó xỉnh của xã hội, nhưng xâm nhập không có
nghĩa là hiệu năng. Thực tế, một nhà nước xâm nhập có thể
tồi trong việc lập và thực hiện chính sách và cả trong việc
xử lý công tác quản lý thường lệ. Hai thập niên rưỡi cải
cách trên căn bản thị trường của một Trung Quốc đang hội
nhập thật sâu vào nền kinh tế thế giới và phát đạt chưa từng
thấy chỉ làm lộ rõ thêm sự “thâm thủng năng lực” của nhà
nước, như một điềm gở. Vì kinh tế và chính trị của Trung
Quốc ngày càng phức tạp và thông thoáng hơn bao giờ nên các
định chế quản trị và chính trị của xứ sở bị tụt hậu hơn bao
giờ. Quả thật có vô số dấu hiệu chỉ rõ rằng Trung Quốc đang
lâm vào cuộc khủng hoảng sâu xa và thậm chí quá tải về cai
trị tới độ chứa đựng từng tiêu chuẩn và gồm đủ cả sáu tiêu
chuẩn kể trên.
Dấu hiệu thứ nhất của khủng hoảng về cai trị là tình trạng
vô luật lệ đang đe dọa cao độ tại Trung Quốc. Con số hàng
năm các tội ác có báo cáo, tính theo tỉ lệ 10.000 người,
bùng nổ từ 5,5 trong năm 1978 tới 28,8 năm 2000. Mức độ tội
phạm có bạo lực thậm chí tăng nhanh hơn, đăc biệt trong mấy
năm vừa qua. Trên cả nước, các cơ quan thi hành luật pháp
không thể đối phó vì thiếu nhân lực, thiếu ngân khoản và
thiếu tái trang bị. Lối tiếp cận để ngăn chặn tội ác theo
kiểu Mao-ít lấy địa bàn khu phố và thôn xóm, với các ban
giám sát hoạt động từng đơn vị, đều không còn hữu hiệu trong
một xã hội rộng lớn với số dân di động ngày càng tăng. Với
chỉ một viên chức phục vụ cả ngàn dân cư, Trung Quốc là một
trong những quốc gia cảnh sát trị thưa thớt nhất thế giới.
Tại các địa phương nhất định, các phạm nhân quả thật đông
hơn và nhiều súng hơn, đã hạ sát các viên chức; trong năm
2001, 443 viên chức bị giết trong lúc thi hành nhiệm vụ. Một
số cơ quan công an địa phương là đối tượng xâm nhập của
người phạm pháp, hoặc bị hối hộ, trở thành nơi cung cấp sự
bảo vệ (có trả tiền) cho băng đảng đang hoành hành trên
đường phố và phạm pháp mà không bị trừng phạt.
Tài chính công cộng của Trung Quốc thì hỗn loạn. Gánh thuế
má nói chung vẫn nặng nề, đặc biệt đối với nông dân; thậm
chí tại miền trung Trung Quốc, nhiều cơ quan cấp huyện và
thị xã không trả nổi tiền lương và tiền hưu bổng đều đặn
hoặc ngay cả việc cung ứng các dịch vụ công cộng cơ bản.
Trong những năm vừa qua, tổng số tiền thu nhập từ thuế của
chính quyền trung ương bình quân rất thấp, 8% tổng sản phẩm
quốc nội (GDP) hoặc ít hơn, để lại một Bắc Kinh rõ ràng là
không có khả năng thực hiện nhiều chức năng quản lý quan
trọng, kể cả việc tài trợ một lực lượng công an hiện đại.
Thêm nữa, con số thống kê năm 2000 cho thấy tiền thu thuế
chính thức của các cơ quan mọi cấp chỉ bằng khoảng 15% GDP
trong khi cái gọi là tiền thu thuế không chính trức thì gia
tăng theo hình trôn ốc, và hiện nay, nó có khả năng nhiều
gấp hai lần rưỡi tổng số tiền thu thuế chính thức. Không một
xứ sở nào trên thế giới này bị xem là có quá nhiều nguồn tài
chánh công cộng đi vào các tài khoản ngoại ngân sách như
thế. Ðược thu nhân danh nhà nước nhưng chỉ bị kiểm soát qua
loa so với tiền thu thuế chính thức; tiền thu thuế không
chính thức cung cấp dồi dào cơ hội cho việc hối lộ và làm hư
hoại viên chức.
Tại Trung Quốc, bản sắc quốc gia không phải là chủ đề được
giải quyết một cách đầy đủ nhưng nó đặt ra sự đe dọa lớn lao
cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chỉ ở vùng Tây Tạng
và Tân Cương là yêu cầu ly khai có được sự ủng hộ của dân
chúng tới một mức giới hạn nào đó. Ðiều nguy hiểm hơn cả là
sự trống rỗng tâm linh của một xứ sở có 1,3 tỉ linh hồn. Sau
ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) năm
1949, chủ nghĩa Mao cố ý tỏ ra là mình đưa ra một mục đích
có ý nghĩa cho cuộc sống. Dù không biết nó có từng thật sự
làm như thế hay không, nhưng ngày nay, rõ ràng là sự gia
tăng của thương mại và thị trường đã thu nhỏ chủ nghĩa Mao
tới mức còn bé hơn cái vỏ ốc của chính nó ngày trước. Khi
các chênh lệch xã hội rộng thêm, tham nhũng và bất an tăng
cao trong thời kỳ đổi thay chóng mặt, hàng triệu người Trung
Quốc thấy thế giới chung quanh mình tàn bạo, bất thân thiện
và trống rỗng ý nghĩa. Nhiều người trở nên hoài nghi yếm
thế. Những người khác khao khát một dây neo tâm linh, ao ước
cái có vẻ như “những ngày tốt lành” thời Mao hoặc lũ lượt
kéo nhau tới với các tôn giáo được thành lập chính thức như
Thiên Chúa giáo và Phật giáo hoặc các giáo phái mới, thí dụ
Pháp Luân Công mà đã bị chính thức cấm.
Sự mỏng manh của nhà nước Trung Quốc cũng được biểu lộ trong
năng lực điều chỉnh không thỏa đáng và đáng buồn của nó.
Tình trạng làm đồ giả mạo tràn lan là một thí dụ gây ấn
tượng mạnh. Gần như bất cứ cái gì cũng có thể bị làm giả,
không chỉ đồng hồ Rolex mà thậm chí cả hạt giống, phân bón,
thuốc trừ sâu, dược phẩm, máy móc nông nghiệp, con dấu nhà
nước, thẻ chứng minh nhân dân, hộ chiếu, nhãn kiểm tra ô-tô,
biên lai thuế, bằng cấp đủ loại, giấy hôn thú, giấy chứng
nhận công nhân viên, hồ sơ thuế hải quan, sổ ngân hàng, bạc
cắc, sách Harry Potter, huy chương Cúp bóng đá Thế giới, và
thêm nữa. Văn bằng đại học thông dụng tới nỗi thống kê năm
2000 ghi nhận rằng con số người có văn bằng cao đẳng hoặc
đại học năm đó nhiều hơn số người thật sự tốt nghiệp tới
khoảng 600.000 người. Thậm chí có những người mặc đồng phục
của công an mà có thể không là công an thật. Trong năm năm
vừa qua, chính phủ khám phá ra gần 320.000 bộ đồng phục, huy
hiệu công tác, xe và vũ khí của công an, và phát hiện được
10.000 công an dỏm. Năm 2001, có 192.000 người tử nạn sau
khi dùng dược phẩm giả hoặc chất lượng quá kém. Bất chấp các
nỗ lực của chính quyền đưa tới việc đóng cửa 1.300 xí nghiệp
dược, hay là một nửa của toàn bộ kỹ nghệ ấy, năm đó, trong
sáu tháng đầu của 2002, có thêm 70.000 cái chết vì dược phẩm
đểu.
Hãi hùng chẳng kém những con số kể trên là càng ngày càng có
thêm người chết vì sự bất lực của nhà nước trong việc điều
chỉnh sự an toàn ở nơi lao động. Con số những cái chết có
báo cáo vì tai nạn kỹ nghệ gia tăng hằng năm tính từ đầu
thập niên 1990. Chỉ riêng năm 2002, trong sáu tháng đầu, có
hơn 53.000 người chết trong tổng số 450.000 vụ rủi ro mà hầu
hết xảy ra tại hiện trường lao động. Gần 3.400 người chết là
thợ mỏ tử nạn trong khi làm việc. Là nước sản xuất than đá
lớn nhất thế giới, sản lượng của Trung Quốc có phần cao hơn
Hoa Kỳ nhưng tỉ lệ thợ Trung Quốc chết tính theo một triệu
tấn than mỏ thì cao hơn Hoa Kỳ 100 lần và cao hơn tỉ lệ của
thế giới 20 lần. Trong suốt mấy chục năm trước đây, kỹ nghệ
đó bị khống chế bởi một số ít ỏi mỏ do nhà nước điều hành,
ngày nay Bắc Kinh đối mặt với một công tác gần như không thể
làm nổi là điều chỉnh hàng ngàn mỏ nhỏ do tư nhân làm chủ;
có nhiều mỏ loại đó là cái bẫy của thần chết. Chính quyền đã
và đang giảm thiểu số lượng các mỏ mở ra từ 82.000 năm 1997
xuống khoảng 15.000 hiện nay, nhưng tai nạn tử vong vẫn còn
cao tới mức dễ sợ.
Nhà nước Trung Quốc thường được xem như một cỗ máy với các
cơ quan hoàn toàn ăn khớp nhau một cách êm ái. Trong thực
tế, hệ thống kiểm soát và phối hợp có tính tập trung ấy là
một sự vờ vĩnh rộng khắp. Rất gần cái tiêu điểm mà Kenneth
Lieberthal dùng thuật ngữ “chủ nghĩa toàn trị chắp vá” để
xác định đặc điểm của chế độ đó. Các vấn đề làm đồ giả mạo
và tai nạn tử vong nơi lao động — vốn vẫn dai dẳng xảy ra
bất chấp những gì phải hoàn toàn ngay thẳng, đã được thừa
nhận khi có những chiến dịch của chính phủ trung ương triệt
để chống lại chúng —phơi bày không chỉ sự bất lực của nhà
nước Trung Quốc đối với việc điều chỉnh xã hội mà còn cho
thấy sự bất lực của nhà nước trong việc làm cho các viên
chức của nó thực thi công tác của họ. Một số viên chức chỉ
giản dị là tham nhũng, nháy mắt với các công ty bất lương
hoặc nguy hiểm để được lại quả bằng đút lót. Các viên chức
khác, đặc biệt ở cấp địa phương chỉ đưa mắt ngó hàng triệu
người dân đang tìm việc làm và còn muốn góp phần đẻ ra công
ăn việc làm cho dù nó có nghĩa là chịu đựng những công việc
không an toàn hoặc tẻ nhạt. Mặt khác, chính quyền địa phương
kẹt tiền, dựa vào các hoạt động như thế để thu thuế lợi tức
trong khi xem các sắc lệnh hoặc nghị định do trung ương gởi
xuống như không có, vì chúng chỉ giao nhiệm vụ mà không có
chút nào tài trợ. Như thế, tham nhũng và những hình thức bất
chấp luật lệ khác tiếp tục tiến triển nhanh chóng, và mỗi vụ
tai tiếng mới là làm xói mòn thêm nền tảng đạo đức của chế
độ.
Nhìn lại thời gian vừa qua người ta thấy cuộc cải cách tại
Trung Quốc đi qua hai giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn một bắt
đầu từ năm 1978 và kết thúc khoảng năm 1993. Trong khoảng
thời gian ấy, cải cách là một cuộc chơi “đại thắng lợi”: mọi
thành phần xã hội đều được hưởng lợi tối đa, dù một số được
hưởng lợi nhiều hơn các số khác. Thế nhưng kể từ khoảng năm
1994, nạn thất nghiệp gia tăng và tình trạng bất bình đẳng
trong xã hội nhanh chóng mở rộng, bắt đầu biến vô số công
nhân và nông dân thành những kẻ rốt cuộc là người thua cuộc,
thậm chí thua tối đa. Cuộc chơi cải cách trở thành một cuộc
kinh doanh trong đó một bên ăn cả và một bên thua trắng tay
(zero-sum affair), nghĩa là một số người này thu hoạch trong
sự mất mát của những người kia. Ngày nay Trung Quốc là một
xã hội rất bất bình đẳng về kinh tế xã hội hơn bao giờ hết
trong lịch sử của nước CHNDTH, với chỉ số Gini, dùng để so
sánh sự bất bình đẳng trong phân phối lợi tức, ở khoảng 0,43
hôm nay [cuối năm 2002] so với 0,32 vào hai mươi năm trước,
1980.
Bất bình đẳng tới mức đó thì thành vấn đề; nhà nước Trung
Quốc có thể trả lời vấn đề đó bằng một sự tái phân phối do
nó chủ động nhưng khả năng thu hút tài nguyên yếu ớt đã giới
hạn trầm trọng năng lực khiến nó không thể đóng đúng vai trò
của mình. Năm 2000, kết toán chi tiêu của Trung Quốc cho các
chương trình an sinh xã hội là dưới 1,2% GDP. Chi tiêu công
cộng cho giáo dục và chăm sóc y tế tổng cộng chưa tới 3,5%
GDP, một tỉ lệ thấp hơn rất nhiều so với con số tương ứng mà
người ta nhận thấy tại hầu hết các nước khác, kể cả những
nước đang phát triển. Hậu quả là, tại Trung Quốc, bất chấp
nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh đem lại thịnh vượng cho
nhiều người, các định chuẩn đời sống bị xuống thấp trong đại
bộ phận nhân dân, để lại đằng sau nó một di sản bao gồm sự
nản lòng kỳ vọng, càng ngày càng sa sút sự ủng hộ những cải
cách dựa trên thị trường, bất mãn càng lúc càng trầm trọng,
xung khắc lên cao và làm mãnh liệt thêm các sức ép lên trên
nhà nước.
Hầu hết các triệu chứng của sự “thâm thủng năng lực cai trị”
được xác định ở trên thì gần như đã lộ rõ tại vùng nông thôn
miền trung và miền tây Trung Quốc. Tại một số vùng nông thôn
các định chế của nhà nước chỉ đơn giản là ngưng làm việc, và
các thị tộc cổ truyền hoặc các băng đảng tội ác trám vào chỗ
trống đó. Trong tình trạng một nhà nước hiện đại không chịu
làm những công tác căn bản nhất đúng với yêu cầu đặt ra cho
nó, người dân ở thôn quê càng ngày càng thấy rằng, hơn bất
cứ cái gì khác, nhà nước chỉ còn là một mối phiền lòng, cần
né tránh nó trong cuộc vật lộn hằng ngày để sống còn.
Một ưu tiên mới
Vì nhà nước hiệu năng là điều kiện tiên quyết để có dân chủ,
và Trung Quốc ngày nay không có một nhà nước như thế, cho
nên đối với nó, hẳn chẳng tỉnh táo chút nào nếu đi theo sự
minh triết có tính qui ước của đợt sóng dân chủ thứ ba và
quan niệm rằng muốn theo đuổi dân chủ thì vấn đề là phải làm
suy yếu các định chế nhà nước. Sự khủng hoảng về cai trị
đang gây ra những tổn thương xã hội nghiêm trọng; nếu vẫn để
yên mà không ngăn chặn, nó có thể làm hư hại các viễn tượng
của Trung Quốc trong việc trở thành một chế độ dân chủ đầy
lông đủ cánh. Bởi lý do đó, những nhà cải cách dân chủ nên
nỗ lực làm vững mạnh các năng lực của nhà nước theo một diễn
tiến dân chủ hóa, hơn là ra sức kiềm chế quyền lực của nhà
nước.
Có thêm bốn lý do khiến Trung Quốc ôm chặt việc tái thiết
nhà nước như một ưu tiên cao nhất của quốc gia. Thứ nhất,
hầu hết người dân Trung Quốc đều ao ước chính phủ càng ngày
càng có năng lực hơn trong việc thực hiện có hiệu quả các
chức năng thiết yếu của nó, vì sự vô năng lực của nhà nước
đang gây tổn thương lớn lao cho tình trạng lành mạnh kinh tế
xã hội. Thứ hai, dân chủ tự nó không có khả năng chữa trị sự
vô năng lực của nhà nước. Cần phải thực hiện những nỗ lực
đặc biệt. Thứ ba, dân chủ — vì nó cho phép sự khả dĩ đua
tranh rộng rãi nhất, nên nói một cách chính xác, nó do đó
định chế hóa sự bất định — tích cực đòi hỏi một nhà nước có
tính hiệu năng cao để có thể giữ cho công việc của quốc gia
tiến triển bất chấp những khuynh đảo. Ðối với một xứ sở như
Trung Quốc, những thách thức do sự tự do hóa và dân chủ hóa
mang tới chỉ làm nổi bật thêm nhu cầu ấy. Sau cùng, dân chủ
hóa sẽ phóng xã các sức mạnh có khả năng đặt sức ép lớn lao
lên hệ thống chính quyền. Sự cáo chung của chủ nghĩa toàn
trị có thể đưa tới sự tan rã lãnh thổ dần dần; mức tôn trọng
của nhân dân đối với chính quyền có thể tụt xuống rất thấp;
những kỳ vọng càng ngày càng cao có thể vượt quá khả năng
đáp ứng của chính quyền; sự phá sản của đảng cai trị cũ có
thể để lại đằng sau nó một chỗ trống; và các sức ép đòi hỏi
một sự đồng dạng lớn lao hơn (kết quả của quyền công dân
được nới rộng) có thể làm phơi bày và làm trầm trọng thêm
những căng thẳng mà trước đây bị đè nén về miền địa phương,
sắc tộc, giai cấp và tôn giáo.
Dĩ nhiên nói như thế không phải có ý rằng sự khủng hoảng về
cai trị đang lập thành chứng cớ để giữ riết lấy cái nhà nước
có bàn tay sắt ấy. Trong khi nhà nước hiệu năng là điều kiện
ắt có cho một nền dân chủ ổn định, nó không chút nào là điều
kiện đủ. Chiến lược tốt nhất cho Trung Quốc là tái xây dựng
một nhà nước có tính dân chủ, nghĩa là, làm mạnh thêm năng
lực cai quản thiết yếu của nhà nước trong khi định chế hóa
“sự tham gia của mọi thành phần” và “sự tranh luận công
khai”, hai đặc tính cơ bản của dân chủ mà Robert A. Dahl đã
mô tả. Ngày nay tại Trung Quốc, tình trạng phân cực kinh tế
xã hội, đô thị hóa cùng những gia tăng trong việc xóa nạn mù
chữ, giáo dục và sự phơi bày bằng truyền thông, đang hiệp
sức nhau gây nên khát vọng tham gia vào việc lập quyết định
chung. Nếu các nhóm bên trong xã hội không tìm được những
kênh có tính định chế để qua đó họ có thể trình bày những
nhu cầu và những quan tâm của mình thì sự bất mãn đang bị đè
nén có thể sẽ bùng nổ thành bạo động. Ðể xã bớt hơi nén này,
trong suốt quá trình chuyển tiếp, nhà nước phải càng ngày
càng hợp tác với các nhóm xã hội đang sở đắc ý thức chính
trị và hướng dẫn sự tham dự của họ bằng những phương cách
nuôi dưỡng sự hội nhập chính trị.
Trong ý nghĩa này, sự tham dự được định chế hóa sẽ lập nên
không chỉ một dụng cụ để làm dịu bớt sự khống chế của nhà
nước mà còn một van an toàn qua đó nhà nước có thể làm giảm
thiểu những căng thẳng giữa nhà nước và xã hội. Về lâu về
dài, khi tính chất đa dạng và phức tạp của các quyền lợi
ngày càng ăn khớp nhau hơn thì thời gian sẽ tới cho xứ sở để
thay thế cấu trúc độc quyền của sự câu kết quyền lợi bằng
một cấu trúc có tính cạnh tranh.
-----------
Shaoguang Wang (Vương Thiệu-quang, 王 紹 光), giáo sư môn khoa
học chính trị, Ðại học Trung Hoa - Hongkong. Ông là tác giả
và đồng tác giả của trên mười cuốn sách, trong đó có:
Failure of Charisma: The Chinese Cultural Revoluttion in
Wuhan – Không lôi cuốn nổi quần chúng: Cách mạng Văn hóa tại
Vũ Hán (1995); The Political Economy of Uneven Development:
The Case of China – Kinh tế chính trị của sự phát triển
không đồng bộ: Trường hợp Trung Quốc (1999); và The Chinese
Economy in Crisis: State Capacity and Tax Reform (Study on
Contemporary China) – Kinh tế Trung Quốc đang khủng hoảng:
Khả năng của nhà nước Trung Quốc và Cải cách thế má (Nghiên
cứu về Trung Quốc đương đại)-(2001); Nationalism, Democracy
and National Integration in China – Chủ nghĩa dân tộc, Dân
chủ và Hòa nhập dân tộc tại Trung Quốc (2003)
[1]Samuel P. Huntington, Political Order in Changing
Societies – Trật tự chính trị trong các xã hội đang thay đổi
(New Haven: Yale University Press, 1968), 8. Xem thêm Adam
Przeworski và những người khác, Sustainable Democratization
– Dân chủ hóa có khả năng duy trì được (Cambridge: Cambridge
University Press, 1995), 13; và Juan J. Linz và Alfred
Stepan, Problems of Democratic Transition and Consolidation:
Southern Europe, South America, and Post-Comminist Europe:
Các vấn đề của chuyển tiếp dân chủ và sự củng cố: Nam Âu,
Nam Mỹ và châu Âu hậu cộng sản (Baltimore: Johns Hopkins
University Press, 1996), 17.
Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc
chính là con đường. |
|