PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Lão góa vợ quyền thế

Nadia mất rồi, sinh sống trong gian phòng của dinh Potechny và trong điền gia trang Zoubalovo, những nơi mà ông đã từng chung sống qua với Nadia, Staline rất lấy làm đau khổ. Thấy vậy, Boukharine – lý thuyết gia Bộ Chánh Trị - đề nghị Staline đổi nơi ở với ông ta. Tư dinh mới của Staline, nằm ngay ở từng dưới của văn phòng ông, có một khung cảnh chẳng mấy hấp dẫn, bị cô con gái Svetlana sau này cho rằng chẳng phải là tổ ấm. Vậy mà Staline giữ mãi cho đến khi chết.

Các con của Staline thì thích điền gia trang Zoubalovo hơn, cho đó mới là một ngôi nhà đích thật, vì vậy nên Staline cứ để cho các con sinh sống nơi đó. Ông ra lịnh cất một ngôi nhà khác cho riêng ông, hiện đại, khoáng đãng và tuyệt hơn, ở Kountsevo, cách xa điện Cẩm Linh chín cây số. Đấy là dinh thự chính thức của Staline, nơi ông tắt thở hai mươi năm sau đó. Lần hồi về sau, ngôi nhà mở mang thành một trang viên rộng lớn và trang nghiêm, nằm giữa một hệ thống chòi canh, biệt thự dành cho khách, tất cả nằm trong một vòng cây thông xanh với hai vòng rào và vô số điếm canh phòng, cùng hàng trăm nhơn viên bảo vệ.

Staline sống hoàn toàn đơn độc, không một ai ở trong ngôi nhà đó của ông, không cận vệ, chẳng có người hầu. Tan việc, Staline ăn uống ở ngôi nhà trong điện Cẩm Linh, xong xe đưa về điền gia trang, thui thủi một thân một mình. Trong khi các con của ông tiếp tục sinh sống ở Zoubalovo, "một thiên đường, một hải đảo thần tiên", theo cách gọi của Svetlana.

Thế nhưng, không vì vậy mà Staline đã trở thành một ẩn sĩ, lánh đời và xa người. Càng ngày, ông càng giao du với một nhóm cận thần phái nam, gần như là một triều đình nhỏ riêng biệt của một Nga xa hoàng thế kỷ XVII. Nhưng chẳng bao lâu sau, Staline lại chung sống yêu thương nồng thắm với một gia đình tái hợp. Pavel Allilouïev, anh của Nadia, cùng bà vợ Genia, từ Bá Linh mới trở về là chỗ thân tình gần gũi nhứt của Staline. Kế đó, chị Anna của Nadia và ông chồng Stanislas Redens rời Kharkov trở về Mạc Tư Khoa, sau khi được chỉ định làm thủ trưởng mật vụ Guépéou. Redens là một con người thích kênh kiệu và nát rượu.

Cặp vợ chồng thứ ba của Aliocha Svanidze, anh của Kato, bà vợ thứ nhứt của Staline, mất năm 1907, cũng vừa từ ngoại quốc trở về. Bà vợ Maria, một giọng nữ, là ca sĩ opéra có tiếng. Dư luận cho rằng Maria là một trong những mệnh phụ phu nhơn ái mộ "Chúa Tể" Staline, như hầu hết các bà trong cận triều của ông. Các bà thường xuyên ganh đua nhau quyết liệt để được Staline chiếu cố.

Chuyện con cái thì Yakov, con trai của bà vợ đầu tiên, nay đã hai mươi bảy tuổi đầu, sắp tốt nghiệp kỷ sư điện, dẫu rằng Staline muốn Yakov theo nghiệp nhà binh. Yakov có giọng nói và hình hài giống cha, nhưng hai cha con không hạp nhau. Svetlana cô gái út của Nadia có vẻ được Staline thương yêu, chìu chuộng nhứt nhà. Staline thường khen rằng con gái giống mẹ, nhưng thật ra Svetlana giống Staline hơn, cũng khôn ngoan, cương quyết và bướng bỉnh. Svetlana thường nói:"Miễn là ba tôi thương tôi, ai ghét cũng mặc tình. Ba có biểu lên cung trăng, tôi cũng đi." Thế nhưng, Svetlana cho rằng mỗi lần Staline ôm hôn thì sặc mùi khói thuốc. Svetlana không ưa người anh ruột của mình, vì Vassili quá hung dữ với cô bé.

Ngày Nadia mất, Vassili được mười hai tuổi nên rất xao xuyến. Vassili bị xúc động nặng nề và hoàn toàn tuyệt vọng. Mất mẹ, Vassili phải chịu một chấn động tâm lý sâu xa, gần như tiêu hủy cuộc đời. Thế là Vassili có những hành động thô bạo, hung hăng, hay gây gổ, lên mặt ta đây con nhà quyền quý, ăn nói văng tục cả trước mặt phụ nữ, muốn được người ta coi như là ông hoàng, nhưng lại có vẻ ngu ngốc và đáng thương.

Vassili làm chuyện xằng bậy nhưng không ai dám báo cho Staline, người mà Vassili sợ như sợ cọp. Người ta nói rằng Vassili tôn kính Staline như "người công giáo thờ Chúa". Mất mẹ, lại thiếu tình thương của cha, Vassili lớn lên trong một thế giới u buồn, thiếu tình thương của đám cận vệ, của những tên mật vụ hung tợn và nịnh bợ, thiếu sự giảng dạy đầy yêu thương của các bậc gia sư.

Vassili được phó thác cho đám cận vệ và nhơn viên văn phòng riêng của Staline. Những hành động nào sai quấy của Vassili thường được đám cận vệ báo cáo cho chánh văn phòng, rồi ông này nói với cận vệ thân tín của Staline, Nicolaï Vlassik, để ông này báo cáo lại Staline.

Staline rất tin tưởng Vlassik, một người nông dân khỏe mạnh, được huấn luyện rất khắt khe, tánh tình rất là nông dân, được tuyển vào mật vụ Tchéka năm 1919, chuyên bảo vệ yếu nhơn của Bộ Chánh Trị, sau đó chuyên bảo vệ Staline kể từ 1927. Được Staline tín cẩn, Vlassik trở thành "nhơn vật có thế", vì sợ cọp nên cứt cọp người ta cũng sợ. Nên chi, Vassili coi Vlassik như một người cha. Staline ít dạy dỗ Vassili mà chỉ giao cho những người hầu hạ.

Mãi mấy năm về sau, Staline mới ý thức được rằng đã mất mẹ lại xa cha và chỉ sống với đám cận vệ và kẻ hầu, người hạ, cuộc sống của trẻ con phải bị xáo trộn. Chính Staline cũng đã nói:"Trẻ con lớn lên mà thiếu mẹ có thể nên người nhờ mấy bà quản gia, nhưng họ cũng không làm sao thay thế được bà mẹ..."

*  *  *

Tháng Giêng năm 1933, Staline trình trước Đại Hội Ủy Ban Trung Ương Đảng những thành tựu bất ngờ, cho thấy kế hoạch ngũ niên đã thành công đáng kể. Đảng đã cho những xưởng máy kéo hoạt động, sản xuất được năng lượng điện, sản xuất than, thép và dầu lửa. Thành phố đã mọc lên trên các sa mạc. Đập nước và nhà máy điện Dniepr đã hoạt động và đường xe lửa Turkestan-Sibérie đã hoàn tất, nhờ nhơn công tù tội được gia tăng rất nhiều. Mọi khó khăn trở ngại đều quy vào lỗi của đối lập. Nhưng đó là vào năm 1933, một năm khủng khiếp với hàng triệu nạn nhơn mới của nạn đói và hàng trăm ngàn người bị lưu đày.

Tháng Bảy 1933, một công trình xã hội chủ nghĩa vĩ đại khác được khánh thành, một con kinh nối liền biển Trắng với biển Baltique (Kinh Belomor), dài 227km, khởi công từ tháng 12.1931. Con kinh hoàn thành với số nhơn công kinh khủng là 170.000 người tù, trong số đó khoảng 25.000 bị chết trong vòng một năm rưởi.

Mùa hè năm đó, các quan to trong triều đình cảm thấy quá mệt mỏi, sau năm năm cật lực để hoàn thành kế hoạch ngũ niên vẻ vang, chiến thắng đối lập và đè bẹp nông dân. Sau đợt làm việc đó, nhiều người ngả bịnh. Một số khác thì lo tìm đường đi nghỉ ngơi.

Trong khi đó, thừa lúc Staline vắng mặt, Sergo - tục danh của Gregori Ordjonikidze, Ủy Viên Nhơn Dân về Công Nghiệp Nặng - vận động lèo lái Bộ Chánh Trị chống lại Staline. Ông này rất bực tức. Càng lúc càng có nhiều nhơn vật đi nghỉ mát nên chỉ còn Kaganovitch là người chịu trách nhiệm chánh. Những nhơn vật quyền thế cạnh tranh nhau không ngừng để dành lấy tài nguyên cho lãnh vực liên hệ. Thế nhưng, các quan lớn cứ tiếp tục đi nghỉ mát và ra lịnh bằng thơ từ.

Mùa hè năm 1933, Molotov nhận được bản phúc trình cho hay một nhà máy ở Zaporojie sản xuất những bộ phận rời của máy liên hợp gặt-đập lúa không đạt tiêu chuẩn vì có bàn tay phá hoại. Molotov, cũng như Staline, đều nghĩ rằng hệ thống của mình hoàn chỉnh và hệ tư tưởng khoa học của mình đứng đắn thì mọi sai quấy trong công nghiệp là do phá hoại mà ra, nên ra lịnh bắt những người có tội.

Nhưng những người trách nhiệm cơ sở cầu cứu Sergo. Trong khi Staline đang nghỉ ngơi, Sergo hăng say biện minh cho những người chịu trách nhiệm về công nghiệp nên thuyết phục được những thành viên của Bộ Chánh Trị. Nên chi vụ kiện cáo không đi đến đâu hết và Staline cứ ở nơi nghỉ mát mà viết thơ than phiền thôi.

Ngày 12.9.33, Staline quyết liệt than phiền với Molotov rằng việc Sergo binh vực "những thành phần phản động trong Đảng chống lại Ủy Ban Trung Ương" là biểu thị khuynh hướng thù nghịch với Đảng. Staline quyết định phạt Molotov bằng cách rút ngắn thời gian sáu tuần lễ nghỉ phép của đương sự vì Molotov đã "để cho Sergo có hành động lưu manh".

Staline khắc phục được Sergo một cách dễ dàng, nhưng thái độ tấn công khá mạnh bạo của ông cho thấy ông cương quyết đối với người hùng thứ hai, đứng sau ông. Thất thường và nóng tánh, nhưng Sergo là hiện thân của nhà quản lý nghiêm khắc. Có lần Sergo bị Lê Nin phạt vì đã tát tai một đồng chí. Thậm chí, Sergo còn đánh cả Molotov trong một cuộc cãi vã nhau. Sergo là đồng chí hung hăng nhứt của Staline trong cuộc đấu tranh chống lại những người đối lập. Theo Eteri, con gái của Sergo, thì ông này nóng tánh như một "hỏa diệm sơn", đôi khi tát tai cả các đồng chí, nhưng cơn giận qua rất mau.

Sergo là người ủng hộ hết mình "Khúc Ngoặt Vĩ Đại" của Staline. Theo Kaganovitch thì Sergo là "trái tim và linh hồn của chánh sách này". Được bạn bè quý mến, Sergo được coi như là "con người bôn-sê-vít tuyệt vời" và "hào hiệp". Sergo đồng ý với Staline ở nhiều điểm, nhưng không vì vậy mà tôn thờ Staline. Ông không bao giờ sợ bị cho là nghịch ý với Staline, mà ông coi như là một người anh hay càu nhàu, thậm chí có khi còn ra lịnh cho Staline nữa. Theo Staline thì Sergo là con người "kiêu căng gần như là điên rồ".

*  *  *

Đang nghỉ ngơi ở miền Nam, nhưng Staline không bao giờ ở một chỗ cố định, cứ di chuyển luôn. Ngày 23.9.33, Laboka – bí thơ thứ nhứt Đảng bộ Abkhazie - tổ chức cho Staline một cuộc du ngoạn bằng tàu, tiếp theo là một cuộc đi săn. Staline và Vlassik, người cận vệ, đi trên tàu "Ngôi Sao Đỏ", một chiếc du thuyền có dộng cơ. Bỗng dưng, một loạt tiểu liên từ trong bờ bắn ra...

(Còn tiếp)

 

Cố Nhân

Nguồn: "Le veuf tout puissant", trong quyển "Staline la cour du tsar rouge" của S.S. Montefiore, nxb. Editions des Syrtes, 2005.

  


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.