.

PSN
BỘ MỚI 2009
HỘP THƯ

 TRANG CHÍNH

Không tự do chê trách, chẳng bao giờ có lời khen mát lòng - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHƯƠNG MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TỦ SÁCH

Tô Hải: Hồi ký của một thằng hèn

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày

 CHÍNH LUẬN

Sách lược và ý đồ của Trung quốc (6)

  • PSN 13.6.2011 | Ph. D. Iris Vinh Hayes

Cuối năm 2004 tôi có đề xuất một dự án chiến lược dưới tựa đề, Lộ Đồ Hình Thành & Kiến Tạo Một Liên Bang Đông Nam Á Châu. Dự án này thực ra là một đối sách dài hạn để chống lại ý đồ của Trung Quốc. Tuy là nó được soạn thảo và trình bày với mục đích chính là để thuyết phục giới chức Hoa Kỳ nhưng nội dung của nó, theo chủ quan của tôi, thì lại càng nên được lưu ý bởi nhân dân và chính quyền Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng trích dẫn một số đoạn trong dự án để mọi người tham cứu. Hy vọng là có sự bổ ích.

 

Bài sẽ đăng thành nhiều kỳ. Đây là trích dẫn nguyên văn - đoạn 6 (trang 45-48, trang 53-55, trang 61-68)

6.

Những Thử Thách Mà Việt Nam Phải Đối Mặt: tiếp theo

 

Hiểm Họa Quốc Phòng - Việt Nam có tất cả là 4,639 km biên giới trong đó 1,228 km là biên giới Việt-Miên; 1,281 km là biên giới Việt-Trung; 2,130 km là biên giới Việt-Lào; cộng vào đó là 3,444 km bờ biển.

 

 

Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (People's Army of Vietnam) có khoảng 484,000 quân với 3-4 triệu quân trừ bị và ngân sách quốc phòng trên dưới 1.4 tỉ USD trong năm 2004. Lực lượng lục quân của QĐNDVN có khoảng 412,000 quân trong đó có 61 sư đoàn và 45 đơn vị chiến xa với số lượng chiến cụ gồm 2,800 xe tăng và thiết vận (AFV) cộng súng pháo, phòng không và tên lửa. Lực lượng không quân của QĐNDVN có khoảng 30,000 quân với 2 trung đoàn máy bay chiến đấu/tấn công gồm 65 chiếc, 6 trung đoàn máy bay tấn công gồm 124 chiếc, và 29 trực thăng vũ trang. Lực lượng hải quân của QĐNDVN có khoảng 42,000 quân với 2 tiềm thủy đĩnh rất nhỏ SSI, 6 tàu hộ tống, 42 tàu tuần, 6 tàu đổ bộ và 10 tàu rà phá mìn. Ngoài lực lượng chính quy, Việt Nam còn có 40,000 quân công an biên phòng và khoảng 16 triệu dân trong lứa tuổi 18-49 đầy đủ điều kiện sức khỏe để tham gia nghĩa vụ quân sự nếu cần.

 

Tuy có một quân đội khá hùng hậu, phòng thủ một chu vi dài 8,083 km với một lãnh thổ rộng 329,560 km vuông và một lãnh hải rộng 123,700 km vuông không phải là một việc nhẹ nhàng hoặc ít tốn kém cho Việt Nam. Về mặt địa hình Việt Nam có một số bất lợi.

 

Thứ nhất, Việt Nam không có được chiều dầy địa hình lý tưởng. Một vài mũi nhọn tấn công theo hướng Tây-Đông hoặc Đông-Tây có thể cắt đứt Việt Nam ra nhiều đoạn. Nếu trường hợp này xảy ra, bộ tham mưu chỉ huy chiến tranh sẽ bị vô hiệu hóa và chiến lược toàn diện khó có thể triển khai được.

 

Thứ hai, với sự bành trướng của lực lượng hải quân Trung Cộng trong toàn vùng biển Nam Hải, áp lực từ mặt biển Đông ngày càng gia tăng. Nếu có xung đột quân sự, lực lượng hải quân yếu ớt của Việt Nam không những không bảo vệ nỗi lãnh hải mà ngay cả việc bảo vệ lãnh thổ cũng không đủ sức.

 

Thứ ba, phía Tây của Việt Nam là hai quốc gia tuy có phần thân thiện nhưng quá yếu ớt về mọi mặt. Sườn che của Việt Nam do đó trở thành “quá mỏng” và buộc nó phải phân tán lực lượng để phòng thủ cũng như buộc nó phải xen vào hoặc khống chế nội bộ của những quốc gia này để bảo vệ cho chính nó.

 

Về mặt thực lực quân sự Việt Nam cũng đang đối diện với một số bất lợi.

 

Thứ nhất, tuy trước đây là một quân đội thiện chiến nhưng thế hệ có kinh nghiệm chiến trường đã già nua và thay thế bởi một thế hệ trẻ hơn không thực sự từng trải chiến trường.

 

Thứ hai, vũ khí đang sử dụng là những thứ đã “quá lạc hậu.”

 

Thứ ba, Việt Nam hình như vẫn lẩn quẩn với khái niệm chiến tranh du kích, sở trường duy nhất và cố hữu, nên chưa chuẩn bị sẵn một loại hình chiến đấu mới có thể đáp ứng nhu cầu của thời điểm hiện tại.

 

Thứ tư, Việt Nam khó có thể hiện đại hóa lực lượng quân sự vì sự e ngại của các quốc gia chung quanh.

 

Thực trạng cần tìm ra lối thoát: thực lực của QĐNDVN đang tuột dốc nhanh chóng và cùng lúc hiệu quả phòng vệ lãnh thổ của QĐNDVN ngày càng tệ vì chiến cụ của những quốc gia lân cận đều được hiện đại hóa với tốc độ nhanh chóng.

 

Cao Miên có tất cả là 2,572 km biên giới trong đó 1,228 km là biên giới Miên-Việt; 541 km là biên giới Miên-Lào; 803 km là biên giới Miên-Thái; cộng vào đó là 443 km bờ biển. Quân Đội Hoàng Gia Cao Miên (Royal Cambodian Armed Force) có khoảng 140,000 quân và ngân sách quốc phòng khoảng 120 triệu USD cho năm 2000. Lực lượng lục quân của QĐHGCM có khoảng 90,000 quân trong đó có 22 sư đoàn không đủ cấp số với số lượng chiến cụ gồm 180 xe tăng, súng pháo, phòng không và tên lửa. Lực lượng hải quân của QĐHGCM có khoảng 3,000 quân, trong đó có 1,500 là lính bộ, với 4 chiếc tàu tuần ven biển. Lực lượng không quân của QĐHGCM có khoảng 2,000 quân với một phi đội máy bay chiến đấu gồm 19 chiếc Mig-21, trong số 24 máy bay chiến đấu hiện có, và 15 máy bay trực thăng. Ngoài lực lượng chính quy, Cao Miên có khoảng 1.8 triệu dân trong lứa tuổi 18-49 đầy đủ điều kiện sức khỏe để tham gia nghĩa vụ quân sự nếu cần.

 

Thực trạng cần tìm ra lối thoát: lực lượng quân sự của Cao Miên đứng riêng rẽ không đủ sức để phòng vệ một chu vi dài 3,015 km với một lãnh thổ rộng 181,041 km vuông chưa nói tới lãnh hải và không đủ sức để chống lại bất cứ một cuộc xâm lược nào bất kể từ đâu tới.

 

Lào có tất cả là 5,083 km biên giới trong đó 235 km là biên giới Lào-Miến; 541 km là biên giới Lào-Miên; 423 km là biên giới Lào-Trung; 1,754 km là biên giới Lào-Thái; và 2,130 km là biên giới Lào-Việt. Quân Đội Nhân Dân Lào (Lao People's Army) có khoảng 28,000 quân và ngân sách quốc phòng trên dưới 20 triệu USD cho năm 2004. Quân cụ trang bị gồm có khoảng 260 xe tăng và xe thiết vận, 12 chiếc máy bay, súng pháo, phòng không và tên lửa. Ngoài lực lượng chính quy, Lào có khoảng 954 ngàn dân trong lứa tuổi 18-49 đầy đủ điều kiện sức khỏe để tham gia nghĩa vụ quân sự nếu cần.

 

Thực trạng cần tìm ra lối thoát: với một quân đội quá nhỏ bé mà phải phòng vệ một chu vi dài 5,083 km và một lãnh thổ rộng 236,800 km vuông, Lào gần như bỏ ngỏ.

 

Nếu VML [Việt, Miên, Lào] kết hợp thành một quần thể LBĐNAC [Liên Bang Đông Nam Á Châu], chưa nói tới sự gia nhập của MTM [Mã, Thái, Miến] về sau, tổng cộng chu vi phòng vệ của LBĐNAC sẽ là 8,383 km với 742,880 km vuông lãnh thổ và 132,200 km vuông lãnh hải. Quân đội của LBĐNAC lúc đó có hơn nửa triệu quân; 3,180 xe tăng và xe thiết vận; 225 máy bay chiến đấu/tấn công; 44 máy bay trực thăng; 2 tàu lặn SSI; 6 tàu hộ tống; 46 tàu tuần; 6 tàu đổ bộ; và 10 tàu rà phá mìn. Thêm vào đó là 40,000 quân công an biên phòng; 3-4 triệu quân trừ bị và 18.8 triệu người dân trong lứa tuổi 18-49 đầy đủ điều kiện sức khỏe để tham gia nghĩa vụ quân sự.

 

Tuyến phòng vệ mạn Bắc dọc Trung Quốc lúc đó sẽ là 1,704 km chiều dài, chỉ có 423 km dài hơn tuyến phòng thủ mạn Bắc của VN đứng một mình, nhưng bù lại tựa lưng là một chuỗi cao điểm có lợi thế phòng thủ vững chắc và không phải phân tán lực lượng để phòng bị tuyến bên hông như trước. Tuyến phòng thủ ven biển lúc đó sẽ là 3,887 km, chỉ dài hơn 433 km so với tuyến phòng thủ ven biển của VN trước đây, nhưng bù lại bờ biển Cao Miên được phòng thủ kín hơn để ngăn chận một cuộc đổ bộ tập kích chí tử vào mạn Nam.

 

Thêm vào đó, bất cứ một mũi dùi tấn công nào từ mạn Bắc đánh xuống hoặc hoặc mạn Đông đánh vào hoặc mạn Nam đánh lên, LBĐNAC sẽ có đủ chiều dầy địa hình để triệt thoái và làm tiêu hao lực lượng địch. Với tình trạng què quặt hiện tại, ngay cả Việt Nam cũng chưa có được khả năng bay xa thọc sâu (projection capability) để có thể đẩy tuyến phòng thủ ra xa hơn hoặc có thể thọc sâu vào hậu phương của địch. Thiếu khả năng này, VML hoàn toàn thụ động trên chiến trường và cũng vì thế yếu tố chiều dầy địa hình lại càng trở nên quan trọng hơn.

 

Nhưng lợi ích lớn nhất trong tất cả những lợi ích quân sự, nếu LBĐNAC thành hình, có lẽ là cơ hội hiện đại hóa quân đội liên bang để tái lập sự thăng bằng quân sự cho toàn vùng. Một LBĐNAC nằm trong vòng đai BVTC [bao vây tiếp cận] phải có đủ thực lực nhằm bảo đảm hiệu quả của chiến lược BVKCLBTQ [bao vây, kềm chế, làm bể Trung Quốc]. Vì thế, Hoa Kỳ và đồng minh trợ giúp LBĐNAC để nhanh chóng cải thiện khả năng tự vệ của nó là một điều đương nhiên sẽ phải xảy ra. Đây là một cơ hội hiếm có cho VML.

 

Hiểm Họa Mêkông - Con sông Mekong (còn có tên là Dza Chu, Lan Trường Giang, Mea Nam Không, Tonle Thom, và Cửu Long) dài 4,350 km là tài sản chung của 7 quốc gia trong đó có VML. Tuy được xếp hạng thứ mười một về chiều dài, Mekong được xếp hạng nhì về sự phong phú sinh thái. Từ độ cao 4,975 m chảy xuống, Mekong mang theo dòng nước một số lượng phù sa khổng lồ và một tiềm năng thủy điện to lớn.

 

Trung Quốc ở đầu nguồn, chiếm một nửa chiều dài của con sông, đã ngang nhiên xây nhiều đập thủy điện bất chấp thiệt hại kinh tế và môi sinh của các quốc gia phía dưới nguồn. Đập Manwan (Man Loạn) xây xong từ năm 1993 tại Lancang. Đập Dachaosang (Đại Chiến Sơn) khởi công năm 1996 và đã hoàn tất. Đập Jinghong (Cảnh Hồng) hoàn tất vào tháng 6 năm 2003. Đập Xiaowan (Tiểu Loan) khởi công năm 2001 dự trù hoàn tất vào năm 2010. Ganlanba, Gongguoqiao, Mensong và Nuozhadu là 4 đập còn lại, trong số 8 đập nằm trong kế hoạch từ thập niên 1970, cộng thêm 6 đập dọc chính lưu và 13 đập nằm ở những phụ lưu cũng sẽ lần lượt được thực hiện.

 

Nhóm Songkhram Conservation Group của Thái đã báo cáo là tại Lào và bắc Thái mực nước Mekong xuống tới mức thấp nhất và số lượng cá cũng xuống tới mức thấp nhất, từ trước cho tới giờ mà người ta còn ghi nhớ trong ký ức. Chuyên gia nhiều kinh nghiệm cũng cho rằng những dự án này sẽ làm hại Biển Hồ của Cao Miên (Cambodia's Great Lake) và hại đến đồng bằng nam bộ của Việt Nam. Biển Hồ cung cấp 100,000 tấn cá một năm, tức cung cấp tới 80% lượng protein cần thiết, cho dân Cao Miên.

 

Làm hại Biển Hồ tức là làm bể nồi cơm của dân Miên. Dòng Mekong hàng năm cung cấp phù sa cho đồng bằng nam bộ để sản xuất khoảng 14 triệu tấn lúa gạo nuôi sống trên 80 triệu dân Việt và còn dư để xuất khẩu. Làm thiệt hại đồng bằng nam bộ là làm bể nồi cơm của dân Việt. Mekong là nguồn sống của 65 triệu người trong vùng hạ lưu. Làm thay đổi sinh thái của Mekong là bóp chết sự sống của họ. Có 76 tổ chức của 25 quốc gia đã từng lên tiếng nhưng Trung Cộng bất chấp lời khuyên và sự phản đối.

 

He Daming, một nhà nghiên cứu của Trung Quốc tại Yunan, đã biện hộ là những cái đập thủy điện này có ích cho việc điều hòa lượng nước của Mekong bằng cách giữ lại lượng nước trong mùa lụt và xả nước trong mùa khô. Những lời này của He Daming hé lộ cho thấy một điều đáng sợ vì tính cách chiến lược của những đập thủy điện mà Trung Quốc đang xây hoặc sắp xây.

 

Đó là (a) nó cho Trung Cộng khả năng để làm nên những trận lụt giả tạo và những hạn hán giả tạo đối với những vùng đất thấp nằm cuối nguồn Mekong như là Việt Nam, Cao Miên, Thái Lan và Lào; (b) nó cho Trung Cộng quyền quyết định mạng sống và sự sống của 65 triệu người trong 4 quốc gia Việt, Miên, Lào, Thái; và từ đó (c) nó cho Bắc Kinh cây “gậy đánh chó” để buộc những quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng phải nhượng bộ những yêu sách của nó.

 

Trong mùa lụt năm 2000, tính chung cho cả hai nước Việt Nam và Cao Miên, đã có tới 800 người bị mất mạng, thiệt hại 430 triệu USD, và 8 triệu người bị ảnh hưởng. Chỉ với cái đập thủy điện Manwan thôi mà ba nướcVML đã khổ sở và thiệt hại vì nó không ít. Nếu Trung Cộng thực sự thực hiện tất cả những dự án của nó thì liệu VML sẽ ra sao?

 

Chưa hết, nhiều chuyên gia còn báo động là nước thải công nghệ từ khu vực Yunnan (Vân Nam) ra Mekong, nếu không kiểm soát, sẽ biến Mekong thành ống cống lớn và Biển Hồ thành bồn chứa nước dơ. Những thiệt hại môi sinh này liệu những người lãnh đạo yếu hèn của VML có thể gánh nổi và ngẫng mặt nhìn thế hệ mai sau?

 

MRC (Mekong River Commision) đã nhiều lần mời Trung Quốc gia nhập để có thể bàn cãi biện pháp “sử dụng con sông này một cách có trách nhiệm hơn” thì bị Trung Cộng thẳng thừng từ chối. Điều đáng buồn là trong lúc các NGOs và các nước khác quan tâm cho môi sinh của các quốc gia có dòng Mekong đi ngang qua bị làm hại bởi những quyết định “du côn” của Trung Quốc thì ba quốc gia VML hình như không dám tích cực lên tiếng, nhất là VN.

 

Nếu VML chuyển hóa và kết hợp thành một quần thể LBĐNAC nhân bản, dân chủ, pháp trị thì nhất định không ai, kể cả Trung Cộng, có thể tự tung tự tác làm hại môi sinh của nhân loại và chắc chắn giải pháp cho việc khai thác tiềm năng của dòng Mekong sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Đó là chỉ mới nói tới một dòng Mekong chứ chưa nói tới những tài nguyên khác, thí dụ như rừng của VML bị tàn phá để lấy gỗ bán cho thị trường chế biến Trung Quốc và thú rừng bị lùng bắt đến độ diệt chủng để cung cấp cho thị hiếu ăn uống của người Tàu.

 

Hiểm Họa Nội Trị Và Ngoại Giao - Chưa hết, trong lúc đất nước đang bị Trung Cộng lũng đoạn chính trị, đánh phá kinh tế, thôn tính văn hóa và lấn chiếm lãnh thổ thì kèm theo đó áp lực chính trị và ngoại giao tiếp tục gia tăng.

 

WTO, WB, ADB đang thúc hối phải cải tổ nhanh hơn và sâu rộng hơn. USAID, UNICEF, WHO, NGOs phát biểu lo ngại về tình trạng bất bình đẳng ngày càng cách xa và tình trạng nghèo đói bệnh tật của dân Việt ở vùng sâu vùng xa.

 

Những tổ chức của quốc tế, của người Việt hải ngoại trên khắp thế giới và quốc hội Hoa Kỳ đang ầm ĩ tố cáo đòi hỏi quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận cho người dân trong nước.

 

Những nhân vật cộng sản phản tỉnh đang móc nối thành phần thứ ba và thành phần cấp tiến đứng lên đòi dân chủ hóa bộ máy cầm quyền.

 

Những dân tộc Thượng vùng cao nguyên đang ra mặt chống trả sự áp bức bất công và đòi ly khai Việt Nam để thành lập một quốc gia DEGAR độc lập.

 

Nông dân nhiều nơi biểu tình và đánh nhau với công an vì bất mãn những lạm dụng qui hoạch cướp đoạt đất đai của họ.

 

Chưa hết, nhiều bằng chứng cho thấy bên trong guồng máy nhà nước và đảng (a) thành phần chóp bu đang đấm đá nhau để tranh giành quyền lực và quyền lợi, (b) những cánh tay kinh tế của nhà nước và đảng choảng nhau thường xuyên để dành địa bàn hoạt động, (c) cán bộ nhà nước và cán bộ điều hành công ty quốc doanh từ trên xuống dưới đua nhau hoang phí phá tán của công, nạo hút máu mỡ của dân, gạ bán tài nguyên của nước, rồi tìm cách chuyển tài sản ra hải ngoại đầu tư và đưa con du học. Tất cả những tệ trạng này đe dọa đến sự mất còn của chế độ. Và dường nhiều người đang âm thầm chuẩn bị cho một cuộc “di tản chiến lược ra hải ngoại” phòng hờ nếu chế độ bị sụp đổ.

 

Hiểm Họa Lực Lượng Lao Động Bị Băng Hoại - Trong tất cả những hiểm họa, ngoài hiểm họa bị Tàu hóa, có lẽ hiểm họa con người bị băng hoại là đáng sợ hơn cả. Nhìn vào lực lượng lao động tại Việt Nam, từ thượng tầng tới hạ tầng, từ trái qua phải, từ trong ra ngoài, từ công sở nhà nước tới nông trường tới xí nghiệp tới cửa hàng tới bến xe, từ trí thức tới bình dân, đâu đâu cũng thấy có vết đen kém khuyết đức tính tốt mà một người nhân viên cần phải có.

 

Đánh cắp vật liệu, đánh cắp thời gian, đánh cắp tiền bạc, đánh cắp tin tức, đánh cắp phương tiện, đánh cắp giao kèo, đánh cắp dịch vụ, đánh cắp danh tiếng, đánh cắp công trình, đánh cắp sáng tạo, đánh cắp bản quyền, gian lận báo cáo, gian lận hồ sơ, gian lận bằng cấp học vị, lừa gạt khách hàng, khiếm nhã với người chung quanh, thiếu thiện chí phục dịch . . . hoặc nhận thức rõ hoặc không nhận thức rõ về hành vi của mình, hoặc không vui hoặc hả hê về hành vi của mình.

 

Hiểm họa một lực lượng lao động thiếu những đức tính tốt hoặc đi xa hơn là một lực lượng lao động bị băng hoại nhân cách sẽ đe dọa trực tiếp tới tiềm năng sản xuất và nội lực của Việt Nam.

 

Hiểm Họa Lực Lượng Trẻ Bị Dồn Nén - Nhìn vào giới trẻ, những rường cột của đất nước trong tương lai, thì lực lượng thanh niên thanh nữ của Việt Nam quả thực là một một tiềm lực lớn, một biển hỏa nham dưới lòng đất cần có chỗ để phát tiết năng lực và năng lượng. Thông minh, hiếu học, muốn tiến thân, có kiến thức, sáng tạo, quyền biến, đa năng đa dạng, thực tế và lãng mạn hiện diện cùng một lúc trên bản thân để thể hiện sức sống mang nét nhân bản . . . là một số đặc tính đáng ngưỡng mộ của tuổi trẻ Việt Nam.

 

Tuy nhiên, trong một môi trường què quặt hãm bức như hiện nay, biển hỏa nham này thực sự không có hướng đi và không có chỗ để phát tiết. Nhiều hiện tượng tiêu cực được ghi nhận như là nghiện ma dược, nghiện coi phim tình dục, tập trung ở những tụ điểm trụy lạc, băng đảng phá phách, đua xe sống chết trên đường phố, làm thơ “siêu ấn tượng” tình dục, tự kết liễu cuộc sống.

 

Hoặc hành nghề giải quyết sinh lý cho các mệnh phụ, làm gái gọi có nhãn hiệu người mẫu hay hoa hậu, đóng phim tình dục, làm vợ hờ cho sếp lớn, làm gái ôm đủ loại đủ kiểu, làm vợ ngoại kiều, bán thân cho Tàu . . . để kiếm tiền hưởng thụ theo kiểu Mỹ [một sự ngộ nhận đáng tiếc!].

 

Những hiện tượng tiêu cực diễn ra ở một diện rộng đến độ báo chí trong nước phải lên tiếng báo động và phê phán là chủ nghĩa vật chất đang thống trị giới trẻ Việt Nam hoặc đạo đức của họ đang bị băng hoại. Có lẽ sự phê phán nặng lời này cũng không sai.

 

Tuy nhiên, những hiện tượng tiêu cực cần phải được hiểu là những dấu hiệu tiền báo của một sự thật cực kỳ quan trọng: một biển hỏa nham không có hướng đi, chưa có lối phát tiết và sẵn sàng tìm khe hở để bộc phát. Và khi nó bộc phát, hậu quả sẽ khó lường.

 

Hiểm Họa Phân Cách Giữa Ba Miền - Ba miền Bắc-Trung-Nam tuy cùng một đất nước nhưng luôn luôn nhìn nhau với con mắt “phân cách” hoặc ngấm ngầm hoặc biểu lộ. Từ khi Chúa Nguyễn Hoàng vào đất Quảng Trị mở ra giai đoạn Nam Bắc phân tranh, cho đến khi con cháu được đất ở phương Nam, cho đến giai đoạn chống Pháp, cho đến cuộc chiến tranh Việt-Mỹ chia đôi hai miền Nam Bắc và cho đến nay thái độ phân cách giữa ba miền luôn luôn tồn tại.

 

Thái độ phân cách này không phải do người Pháp tạo ra vì nó đã hiện hữu suốt và hơn 4 thế kỷ, người Pháp chỉ lợi dụng vào cái sẵn có. Thái độ phân cách phát sinh không phải vì khối dân tộc Việt mang bản chất chia rẽ hay oán ghét nhau nhưng vì những va chạm đến từ hai nguyên do chính.

 

Thứ nhất, phần lớn là do “một cái mền chính sách” đắp lên cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Cái mền có thể làm ấm áp thoải mái dân Bắc nhưng làm nóng nực dân Nam và khó chịu dân Trung. Không thể đắp chung một cái mền chính sách vì quần chúng trong ba vùng mang ba bản chất khác nhau và có những nhu cầu khác nhau. Không may là từ trước đến nay chế độ nào cũng vấp phải lỗi lầm này.

 

Thứ hai, phần khác là do cái nhìn cục bộ, thiếu cảm thông, thiếu tin tưởng và muốn áp chế của những người cầm quyền. Không may từ trước đến nay chế độ nào cũng đi vào con đường u tối này.

 

Chính sách “siết chặt” của Lê Duẩn, từ 1975 cho đến gần đầu thập niên 1990, là một chính sách hình thành do sự thúc đẩy bởi cái nhìn thiếu thiện cảm đối với dân miền nam vì cho rằng “dân miền nam thiếu kỷ luật, khó dạy” và bởi cái thái độ hạ cấp “con chúng ta sai, vợ chúng ta xài, nhà chúng ta ở.”

 

Thử nhìn lại lịch sử và con người. Một phần đất trong cái gọi là miền nam thì nam bộ là một vùng đất mới “mượn” được từ tay của người Miên không lâu, từ khi Chúa Sải Nguyễn Phước Nguyên gã công chúa Ngọc Vạn cho quốc vương Chey Chetta II năm 1620 rồi lợi dụng quan hệ với con rể mượn đất Prey Nokor [Sàigòn-Chợ Lớn] và Kas Krobey [Bến Nghé] để lập trạm thuế năm 1623 mở đường cho cuộc nam xâm.

 

Đến khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lược Cao Miên năm 1668 thì vùng đất nam bộ đã có sẵn hơn 4 vạn hộ và lập nghiệp hàng trăm năm rồi. Ngoài những bộ tộc cố cựu như Mạ, Chu Ru, Stiêng, Rơ Giai còn lại đa số là người Việt. Nguyễn Hữu Cảnh chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai đặt làm huyện Phước Long dựng Trấn Biên [Biên Hòa], lấy xứ Sài Côn [Sài Gòn] dựng Phiên Trấn [Gia Định] rồi chiêu mộ dân phiêu bạt từ Bố Chánh trở vào trong nam đưa về ở cho đông đảo thêm đồng thời thiết lập hệ thống hành chánh để thu thuế và bắt lính.

 

Như vậy cha ông của nhân dân miền nam trước đây là một tập hợp của nhiều sắc tộc gồm một phần là những hảo hán Việt đi khai phá vùng đất mới, một phần là những người Khmer còn bám đất ở lại trước sự bành trướng của người Việt, một phần khác là những người Chàm khẩn hoang định cư và người Thượng từ miền cao bị bán hoặc tự nguyện tìm đến làm gia nô cho những người giàu có. Người Minh Hương tị nạn chính trị cũng hòa vào dòng sống đó.

 

Nhóm Trần Thượng Xuyên phát triển đất Đồng Nai, nhóm Dương Ngạn Địch phát triển đất Mỹ Tho, nhóm Mạc Cửu phát triển đất Kiên Giang, Long Xuyên và Cà Mau.

 

Những người Việt hảo hán này, những người Khmer, Chàm yêu đất này, những người Thượng với bản tính ít đố kỵ bỏ sơn cước xuống đồng bằng này, những người Minh Hương giỏi buôn bán này . . . tất cả đã đổ mồ hôi xương máu đóng góp vào cái gọi là lãnh thổ Việt Nam.

 

Họ mới chính là những người mở cõi cho Việt Nam, không phải là vua chúa hoặc triều thần nhà Nguyễn như những sử gia triều đình đã cho quá nhiều credit và quên mất một sự thật là chính những bàn tay, những khối óc, những con tim, những giọt máu và mồ hôi của quần chúng miền nam đã làm nên nó.

 

Chính họ, quần chúng nam bộ, làm nên miền nam của Việt Nam.

 

Dân miền nam là một khối hợp chủng đến từ mọi miền đủ mọi giai cấp hòa vào dòng sống nam bộ. Họ nhiệt tình và dễ dãi. Con cháu họ về sau mang truyền thống “chịu chơi, không màu mè và không đố kỵ” trong máu. Nhờ quá trình đó cộng một thời gian dài giao tiếp với người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Mỹ dân miền nam vốn dĩ đã ít cục bộ càng thêm phóng khoáng.

 

Dầu vậy, dân miền nam vẫn là dân nam thủy chung của đất nước.

 

Dân quê miền nam yêu miền nam sông nước của họ. Họ sống với lũ. Họ làm nhà sàn ngay trên nước. Họ sống đời gạo chợ nước sông. Họ trôi nổi bềnh bồng trên sóng nước theo ghe thương hồ. Họ chăn vịt, nuôi cá tôm, trồng lúa sạ trên ruộng đồng trắng nước.

 

Dân thành miền nam thì chưng diện bảnh bao. Tiêu xài rộng rãi. Giao lưu mọi giới, mọi cấp, mọi nơi “thượng vàng hạ cám” đều có đủ. Tất cả đều muốn xuề xòa xí xóa cho xong chuyện.

 

Dầu quê hay thành, dân nam đều mang nặng bản sắc “giang hồ tứ hải giai huynh đệ.” Dân nam hâm nóng keo sơn gắn bó dân tộc từ trong mỗi hớp rượu đế cho đến từng gấp cá nướng truôi. Dân nam ôm ấp tự tình dân tộc một cách không chải chuốc trong trái tim và thể hiện cũng bình dị, như câu hò ca dao như tiếng hát cải lương trên miệng họ.

 

Tập đoàn Lê Duẩn không hiểu được sức mạnh này và có ý nghi ngờ đố kỵ nên muốn hủy diệt cách sống rộng mở của miền nam để áp đặt “văn hóa Bắc Hà nặng son phấn Bắc Kinh” và “giáo điều lai căn” lên miền nam. Chính vì những áp chế này, và những áp chế tương tự, mà những xung đột trầm trọng nảy sinh.

 

Nói về trung bộ của miền nam, từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lìa Thanh Hóa vào đàng trong dấy nghiệp cho đến đời Chúa Nguyễn Phước Chu thì trung bộ hình thành trọn vẹn.

 

Lãnh thổ của đàng trong dưới thời Nguyễn Hoàng là một phần đất đã lấy từ tay của dân tộc Chămpa. Vào thế kỷ thứ 11, Vua Chế Củ của Chămpa đem quân xâm lấn Đại Việt bị vua Lý Thánh Tông bắt được nên dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính [Quảng Bình, Quảng Trị] để chuộc mạng.

 

Đến đầu thế kỷ thứ 14 Vua Chế Mân của Chămpa dâng hai châu Ô, Lý [Thuận-Quảng: Thừa Thiên, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng] cho Vua Trần Nhân Tông làm sính lễ cưới Huyền Trân Công Chúa.

 

Sau đó dân Việt tiến xuống phương nam lấy nốt phần đất còn lại của Vương Quốc Chămpa lập thành tỉnh huyện sát biên giới Cao Miên.

 

Năm 1611 quân Chămpa từ Đồ Bàn kéo ra xâm phạm Thuận Quảng, Chúa Tiên sai tướng đánh dẹp, đẩy quân Chămpa lùi về tận Diên Ninh, lấy đất mới lập thành Phủ Phú Yên.

 

Năm 1653 Vua Bà Tấm của Chămpa đem quân xâm phạm Phú Yên bị đánh bại nên dâng đất Ninh Hòa và Diên Khánh chuộc mạng. Chúa Tiên cho lập thêm Phủ Thái Khang và Phủ Diên Ninh, địa giới mở rộng tới Phan Rang bây giờ.

 

Đến năm 1692, Vua Bà Tranh của Chămpa kéo quân đánh phá Phủ Diên Ninh. Quốc Chúa Nguyễn Phước Chu sai quân đánh dẹp, bắt được Bà Tranh, đổi tên Phủ Diên Ninh thành Trấn Thuận Thành rồi thành Phủ Bình Thuận.

 

Từ đó dân Chămpa trở thành một sắc tộc thiểu số của dân Việt và toàn bộ đất đai của người Chămpa biến thành lãnh thổ trung bộ của Việt Nam.

 

Xét về mặt địa lý, miền trung là một tập hợp của 4 khu vực đồng bằng không được phì nhiêu so với đồng bằng bắc bộ và đồng bằng nam bộ: khu vực đồng bằng Bình-Trị-Thiên, khu vực đồng bằng Nam-Ngãi-Định, khu vực đồng bằng Phú Yên-Khánh Hòa, khu vực đồng bằng Ninh Thuận-Bình Thuận. Mỗi khu vực địa lý từ bắc trung bộ cho đến nam trung bộ đều có những nét chung và riêng về mặt cấu tạo địa hình, địa lý lẫn khí hậu. Xét về mặt sinh hoạt và nguồn gốc văn hóa, trung bộ là vùng đất hội nhập của nhiều nền văn minh: Sa Huỳnh, Chămpa và Việt.

 

Quốc Chúa Nguyễn Phước Chu mong muốn trở thành là một nước độc lập nên luôn luôn cải cách phát triển nội trị, ngoại giao, giáo dục, võ bị theo một qui mô riêng mang tính miền nam. Về mặt tính tình, có lẽ một chuỗi dài đấu tranh và khai phá đất mới đã làm cho dân trung huân tập nhiều quán tính tốt như là cần mẫn, tiết kiệm, luôn tìm kiếm và nắm lấy cơ hội, phấn đấu, chịu đựng, kiên trì, bao bọc che chở nhau, pha trộn với một chút lãng mạn. Thêm vào đó dân trung sâu sắc và kín đáo hơn dân nam. Tất cả những đặc tính vừa nêu đã làm cho dân trung không giống dân nam và cũng chả giống dân bắc.

 

Tập đoàn Lê Duẩn không hiểu được sức mạnh này và có ý nghi ngờ đố kỵ nên muốn hủy diệt cách sống rất Trung của dân Trung để áp đặt “văn hóa Bắc Hà nặng son phấn Bắc Kinh” và “giáo điều lai căn” lên miền trung bộ. Chính vì những áp chế này, và những áp chế tương tự, mà những xung đột trầm trọng nảy sinh.

 

Tóm lại, hoặc vì một cái mền chính sách đắp chung cho cả ba miền hoặc vì cái nhìn cục bộ của thành phần nắm quyền lực điều hành đất nước đã tạo nên thái độ phân cách giữa ba miền. Điều này đe dọa đến sự ổn định quốc gia và đến sự sống còn của chế độ.

 

Hiểm Họa Chèn Ép Dân Tộc Thiểu Số - Nhằm lợi dụng những dân tộc thiểu số, theo lệnh của Hồ Chí Minh, hai khu vực tự trị đã được khai sinh vào giữa thập niên 1950.

 

Khu tự trị Thái Mèo gồm hai tỉnh Sơn La và Lại Châu nằm ở góc Tây Bắc ba biên giới Lào-Việt-Hoa với dân số 1.8 triệu dưới sự chỉ đạo của một ủy ban gồm 23 ủy viên, trong đó có hai người kinh, đã ra đời ngày 29 tháng 4 năm 1955.

 

Khu tự trị Tày Nùng gồm 4 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn sát biên giới Đông Bắc Việt-Hoa với dân số 1.9 triệu dưới sự chỉ đạo của một ủy ban gồm 72 ủy viên, đứng đầu là tướng Chu Văn Tấn gốc Nùng, đã ra đời ngày 10 tháng 8 năm 1956.

 

Cũng trong khoảng thời gian đó, trong năm 1957, thì tại Tây Nguyên những người trẻ trong bốn bộ lạc Bhanar, Jarai, Rhade và Koho đã đứng ra thành lập Phong Trào BAJARAK tại buôn Ale A nằm trong thị xã Buôn Mê Thuột của tỉnh Daklak, do Y-Bham Enoul làm chủ tịch.

 

Lúc đầu tổ chức này chỉ nhằm mục đích vận động đồng bào Thượng xuống đường để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm (a) đã hủy bỏ qui chế tự trị với những đặc quyền dành cho người Thượng trong vùng đất Cao Nguyên có từ thời vua chúa nhà Nguyễn và (b) đã áp dụng chính sách đồng hóa/diệt chủng (assimilative/genocidal program) đối với người Thượng.

 

Sau đó BAJARAK lôi kéo được nhiều bộ lạc khác tham gia và cuối cùng đã xuống đường biểu tình. Họ đã lên tiếng tố cáo là chế độ Ngô Đình Diệm đã: (a) đốt sách, dẹp trường học, dẹp tòa án, tịch thu vũ khí săn bắn. ..nhằm hủy diệt văn hóa và phong tục Thượng; (b) đưa 850,000 người di cư từ Bắc vào Nam lên vùng Cao Nguyên để chiếm đất canh tác của những dân tộc Thượng trong vùng và đẩy họ vào vùng sâu; (c) vu cáo họ theo VC để bắt giam, tra tấn, giết chết, và cho máy bay ném bom tàn phá buôn làng của họ. . . nhằm diệt chủng.

 

Đáp lại lời tố cáo của dân tộc Thượng, chế độ Ngô Đình Diệm đã phản ứng mạnh bằng cách điều động lực lượng vũ trang để đè bẹp cuộc biểu tình của phong trào BAJARAK vào ngày 15 tháng 9 năm 1958. Nhiều người bị giết chết và nhiều thủ lãnh của phong trào bị bắt giam trong đó có Y-Bham Enuol, Paul Nur, Nay Luet, YThih Eban, Siu Sip Y-Du Eban, Touneh Yoh.

 

Từ đó BAJARAK phải hoạt động chui và trở thành lực lượng du kích chiến đấu đòi quyền tự trị cho người Thượng tại Tây Nguyên.

 

Tin vào lời hứa trả lại quyền tự trị Tây Nguyên cho người Thượng của Hồ Chí Minh, những thủ lãnh BAJARAK đang chiến đấu trong rừng - trong đó có Nai Der, Nai Phin, R'com Briu, Y-Bhi Aleo, Y-Ngong Nie Kdam - chấp nhận liên minh với Bắc Việt, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, trong buổi lễ ra mắt quần chúng ngày 20 tháng 12 năm 1960, đã long trọng cam kết quyền tự trị của các dân tộc thiểu số. Theo đó Mặt Trận Giải Phóng Tây Nguyên đã ra đời ngày 19 tháng 5 năm 1961, do Y-Bhi Aleo gốc Rhade làm chủ tịch.

 

Một mặt khác, cũng trong năm 1961, CIA đã hối hả chiêu mộ và vũ trang cho dân Thượng theo chương trình Phòng Vệ Bản Làng (village defense program) và chương trình Thám Báo (Commando program). Tin vào lời hứa trả lại quyền tự trị của CIA, người Thượng đã làm chấp nhận làm việc cho Hoa Kỳ.

 

Thế là dân tộc Thượng hoàn toàn bị cuốn hút vào cuộc chiến Việt Nam.

 

Với sự khuyến khích của Pháp và của Norodom Sihanouk, ngày 20 tháng 9 năm 1964 lực lượng FULRO (Front Unifié de Libération des Races Opprimées/ United Front for the Liberation of Oppressed Races) đã ra đời tại Phnom Penh do Tướng Y-Bham Enuol gốc Rhade lãnh đạo. Mục tiêu của FULRO là đòi quyền tự trị cho DEGAR (danh xưng cho người Thượng Tây Nguyên được sử dụng lần đầu tiên từ miệng Enuol trong Hội Nghị Đông Dương tổ chức tại Phnom Penh).

 

Cũng trong ngày 20 tháng 9 năm 1964 năm trại lính Thượng thuộc chương trình CIDG (Civilian Irregular Defense Group) tại Buôn Sar Pa, Muôn Hô, Buôn Mega . . . thuộc tỉnh Daklak đã đồng loạt nổi loạn, giết chết 5 sĩ quan và 27 hạ sĩ quan người kinh của Lực Lượng Đặc Biệt.

 

Trước đó 3 tuần lễ trại Buôn Mega đã nổi loạn bắt giam trưởng trại là một đại úy người kinh. Đại Tá Trần Cửu Thiên (lúc đó là Thiếu Tá) chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt đã nhảy dù vào trại để điều tra. Nhiều cuộc thương thuyết đã diễn ra trong khoảng thời gian một năm, cho tới khi đạt thỏa hiệp vào tháng 9 năm 1965.

 

FULRO đã đòi quyền tự trị, có quốc kỳ riêng, và có lực lượng vũ trang riêng với 50,000 quân. VNCH không đáp ứng những đòi hỏi này đồng thời lên tiếng chỉ trích biến cố này là âm mưu của CIA.

 

Tuy nhiên, hai bên cuối cùng cũng đã đồng ý một số giải pháp. Nhà cầm quyền Miền Nam Việt Nam cho thành lập bộ phát triển dân tộc thiểu số để chăm lo kinh tế, xã hội và giáo dục cho đồng bào Thượng và ban hành một số quy chế đặc biệt dành cho đồng bào Thượng. Và, lực lượng FULRO không liên hiệp với cộng sản.

 

Sau 1975, tình trạng của những dân tộc thiểu số càng đáng thương hơn. Trong đợt cải tổ hành chánh ban hành ngày 25 tháng 2 năm 1976, khu tự trị Thái Mèo và khu tự trị Tày Nùng bị khai tử, không khác cái chết âm thầm của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam và Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên.

 

Những cột trụ gốc dân tộc thiểu số, điển hình là Thượng Tướng Chu Văn Tấn hoặc Lê Quảng Ba bị giam cầm và thủ tiêu. Những điều hứa hẹn dành cho dân tộc thiểu số trước đây đều là bánh vẽ. Bên Cao Miên thì Khmer Rouge đã xử tử Y-Bham Enoul cùng với vợ con ông ta và khoảng 100 quân FULRO.

 

Năm 1986, khoảng 200 quân FULRO vượt biên giới qua Thái xin tỵ nạn chính trị và sau cùng định cư tại North Carolina. Năm 1992 thêm 400 quân FULRO ra trình diện với LHQ tại tỉnh Mondukiri và cuối cùng đã sang định cư tại North Carolina. Phong trào FULRO chính thức bị khai tử từ năm đó.

 

Riêng tại Tây Nguyên, cũng từ sau năm 1975, với khoảng 40,000 người Thượng đã từng là quân nhân hoặc cán bộ phục vụ cho Hoa Kỳ, dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã là đối tượng của những chính sách thiếu khoan dung. Giống như tình trạng của những quân nhân và cán bộ VNCH, họ đã bị giam cầm trong những trại học tập cải tạo. Một số bị tra tấn và bị giết.

 

Nhưng bất hạnh của những người DEGAR không phải chỉ có thế. Chương trình định canh định cư đã cưỡng đoạt quyền sống của họ một cách thô bạo. Chương trình di dân Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tỉnh từ miền bắc vào Tây Nguyên đã cưỡng đoạt đất sống của họ một cách trắng trợn. Chương trình cưỡng bức kế hoạch hóa gia đình đã cố ý triệt khả năng sinh đẻ của họ để diệt chủng dần dà (creeping genocide) một cách thâm độc. Thêm vào đó họ còn bị cầm tù, bị hãm hiếp, bị tra tấn và bị giết hại một cách tàn ác chỉ vì theo đạo Tin Lành DEGAR.

 

Rồi trong tháng 2 năm 2001, một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra tại Dak Lak. Hàng chục ngàn người Thượng đã tập trung về thị xã Buôn Mê Thuột để phản đối nhà cầm quyền CSVN đã đối xử tàn tệ với họ. Cuộc biểu tình bị đàn áp và dẹp tan bằng vũ lực. Tiếp theo đó là những đợt bắt bớ, tra tấn và giết hại. Hàng ngàn người Thượng đã bỏ trốn vào rừng và vượt biên giới sang Cao Miên. Dọc biên giới, công an và bộ đội CSVN đã mở những cuộc hành quân săn đuổi và bắn giết họ như là săn giết những con thú nơi hoang dã. Con số tử vong thực sự có lẽ cao hơn rất nhiều so với những con số đã được những tổ chức quốc tế báo cáo.

 

Rồi ngày 20 tháng 4 năm 2004 một cuộc biểu tình khác, quy mô hơn và nhịp nhàng hơn, đã nổ ra tại Tây Nguyên. Hàng trăm ngàn người Thượng đã tập trung biểu tình tại nhiều nơi: Buôn Mê Thuột, Ayunpa, Dak Mil, Cu Jut, Phước Long, Kon Tum. Dầu những người tham dự biểu tình đã có chủ trương không bạo động, máu vẫn đổ dưới sức ép của bạo quyền. Hàng trăm người bị thiệt mạng và hàng trăm người khác bị đã thương. Cũng như lần trước, sau khi đàn áp và dẹp tan cuộc biểu tình là những đợt càn quét, bắt bớ, tra tấn, và giết hại một cách dã man. Điển hình là trường hợp của nạn nhân Y-Rung Nie, một người đàn ông của buôn Kna tham dự biểu tình, đã bị công an xử tử tại một vườn cà phê bằng cách đóng đinh lên một thập tự giá với 4 cây đinh lên hai chân, 4 cây đinh lên hai tay, 1 cây đinh lên ngực và 2 cây đinh lên đầu.

 

Có thể nói một cách khẳng định, những lời hoa mỹ “bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các sắc tộc” lập đi lập lại trong những kỳ đại hội đảng lần 7 và 9 đều là những lời dối trá.

 

Tây Nguyên có khoảng 3 triệu người Thượng dưới thời Pháp trị. Đến nay chỉ còn lại khoảng 1.1 triệu người. Trong đó Jarai chiếm 320,000; Rhade chiếm 258,000; Bahnar chiếm 181,000; Stieng chiếm 66,000; Koho chiếm 122,000; và Mnong chiếm 89,000. Hơn 40 sắc tộc đã bị xóa tên.

 

Đứng trước âm mưu diệt chủng của chế độ, đứng trước tình trạng bất công và áp bức của giới cầm quyền, đứng trước tình trạng quyền sống căn bản của con người bị tước đoạt thô bạo, người Thượng Tây Nguyên không thể không đứng dậy để đấu tranh và chắc chắn là sẽ tiếp tục đứng dậy để đấu tranh.

 

Những chính sách thiếu độ lượng, những tham lam quá đáng, những ứng xử thất đức và kém cỏi đã làm cho đại thể dân tộc của đất nước Việt Nam bị rạn nứt trầm trọng. Chỉ một tác lực từ bên ngoài, đúng lúc và đúng tần số, cái gọi là khối dân tộc Việt Nam đó có thể sẽ vở ra thành nhiều mảnh.

 

 

LBĐNAC Là Một Lối Thoát Tốt Đẹp Duy Nhất Cho Việt Nam

 

Nếu muốn hóa giải những đe dọa triền miên vừa nêu, một sự chuyển hóa kịp lúc để đưa đến những thay đổi tận gốc rễ là một lộ trình phải thực hiện. Nhu cầu này có thể khẳng định được. Vấn đề chỉ là làm thế nào. Trên căn bản đó, LBĐNAC là một giải pháp tốt đẹp cho Việt Nam.

 

Tốt đẹp vì nó mở ra một cơ hội hiếm hoi và tuyệt vời để thực hiện một cuộc chuyển hóa nhịp nhàng và khá ổn định.

 

Tốt đẹp vì tiết kiệm được xương máu.

 

Tốt đẹp vì bảo vệ được quyền lợi của mọi phía.

 

Tốt đẹp vì mở ra một tiền đồ đầy hứa hẹn cho dân tộc.

 

Tốt đẹp vì xua được bóng tối của một thời.

 

Tốt đẹp vì thể hiện một tình thương lớn.

 

Và dĩ nhiên là tốt đẹp vì những lợi ích chung.

 

Một Việt Nam hiện tại nên được tách thành nhiều tiểu bang trong tương lai, và nếu cần thiết cứ cho lập lại những khu vực tự trị. Nhiều tiểu bang độc lập và những khu tự trị cùng nằm trong quần thể LBĐNAC - bảo đảm bởi một hiến pháp tốt đẹp - để ước vọng mỗi miền, nhu cầu mỗi miền, phong tục văn hóa mỗi miền được đáp ứng đúng mức và đáp ứng một cách hiệu quả [tránh tình trạng một chiếc mền đấp cho cả ba miền Trung, Nam, Bắc hoặc đấp chung cho người kinh lẫn thượng].

 

Xem tiếp...

CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ


 

LÊN TRÊN= |   GỬI BÀI  |   LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.