PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Một đồng chí phải triệt tiêu

  • PSN 1.10.2008 - Cố Nhân
    1 | 2 | 3 | 4 | 56 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | ...

Mùa hạ năm 1934, công cuộc trấn áp đối lập và nông dân có vẻ giảm bớt. Tháng Năm, trùm mật vụ OGPU, Viatcheslav Menjinski - một học giả ít khi xuất hiện vì luôn bịnh hoạn và thường ngồi trong phòng kín để nghiên cứu - đã qua đời. Báo chí loan tin là Cơ Quan OGPU bị nhiều người ghét đã tan biến theo ông ta vì bị xáp nhập với cơ quan nội chính mới, NKVD. Biến cố này làm cho người ta hy vọng là sẽ có được một thời kỳ tự do mới ở Nga. Nhưng, người kế nhiệm ông không ai khác hơn là  Guenrikh Yagoda, trước kia đã từng điều khiển OGPU một thời gian.

Tình hình tưởng đâu lắng dịu đó lại bắt đầu tan vỡ, khi Yagoda cho Staline biết những bài thơ châm biếm của Ossip Mandelstam. Nhà thơ này gọi Staline là "người núi râu ria ở Điện Cẩm Linh" và "kẻ giết nông dân" với những "ngón tay to và mập mạp". Ngoài ra, cùng với nữ sĩ Anna Akhmatova, những thi sĩ cũng mở một đợt công kích những người quyền thế xung quanh Staline, cho họ là "những quan lại lúc nhúc bao quanh" ông. Staline rất bực tức, nhưng ông hiểu chân giá trị của nhà thơ Mandelstam nên không tiện đá động tới. Vì vậy cho nên Staline chỉ ra lịnh cho Yagoda một cách hiểm độc, nên coi nhà thơ như một cái lọ cổ xưa, "nên cất kỷ nhưng phải cô lập".

Đêm 16 rạng 17 tháng Năm, Mandelstam bị bắt và bị kết án ba năm lưu đày. Thân hữu và gia đình của nhà thơ vận động với những viên chức bôn-sê-vít. Nhiều người tên tuổi khác như Boukharine, Boris Pasternak cũng can thiệp cho nhà thơ Mandelstam. Có người nhắc khéo với "chúa tể" là "những nhà thơ lúc nào cũng có lý, lịch sử đứng về phía họ".

Staline thường can thiệp cho giới văn nghệ sĩ, mỗi khi họ gặp khó khăn, vì ông biết rằng hành động như vậy sẽ được tiếng đồn xa. Staline tự hào là người hiểu biết những thiên tài, khi ông nói về một nhà văn, thì:"Nhứt định đó là một người tài ba. Những nhà văn hơi thất thường, nhưng cũng là lẽ đương nhiên của những người có năng khiếu. Họ muốn viết gì thì viết và lúc nào thấy cần viết là cứ viết." Nhà văn Pasternak thoát chết cũng nhờ bản chất phóng túng của ông. Khi Pasternak sắp bị bắt thì Staline phán rằng:"Thôi, cứ để cho con người mơ mộng thầm lặng đó được yên thân."

Chuyện Staline can thiệp cho văn thi sĩ đã được thiên hạ nói nhiều và cũng chẳng phải là điều mới lạ. Staline đối xử với tất cả những văn thi sĩ giống như Xa Hoàng Nicholas I đối với Pouchkine. Nhưng cũng phải hiểu rằng hành động của ông có một nhu cầu chánh trị. Khi Staline không thích một văn thi sĩ nào là ông nói toạc ra, không ngần ngại gì hết. Staline thẩm định giá trị của các sáng tác phẩm dựa theo ý kiến của các "đồng chí thân cận", nhận thức về văn học kém hơn Staline nhiều nhưng lại rất chuyên chế trong lãnh vực này. Bộ ba có quyền sát phạt trong lãnh vực văn học nghệ thuật do Staline cầm đầu còn có Molotov và Kaganovitch, một tên thợ đóng giày chẳng có trình độ giáo dục.

Ngày 30.7.1934, Staline đến điền gia trang Sotchi để họp mặt với những người mà ông ưa thích là Kirov và Andreï Jdanov. Họ họp nhau lại định viết lịch sử mới cho nước Nga. Thế nhưng vì đau ốm và mỏi mệt, Kirov không thiết tha gì tới việc viết lách mà chỉ muốn đi cấm trại và săn bắn với bạn bè, chớ không muốn nghỉ ngơi với Staline. Vậy mà Staline đâu chịu buông tha.

Nhiệm vụ của bộ ba này là tạo ra lịch sử mới của nước Nga, sau này sẽ là căn bản cho một chính thuyết Staline. Kể từ 1931, Staline đã cương quyết lèo lái chương trình đại học, tạo ra tiền lệ cho cái gọi là "thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa" trong sáng tác. Từ đó trở đi, lịch sử không dựa theo hồ sơ lưu trữ nữa, mà phải dựa trên những quyết định của Đảng, trong những dịp nghỉ ngơi. Staline đọc đi đọc lại và ghi chú cẩn thận tủ sách lịch sử của mình, đặc biệt chú trọng đến những cuộc chiến tranh thời Nả Phá Luân, thời Hy Lạp cổ đại, đến việc bang giao giữa Đức, Anh quốc và nước Nga thế kỷ XIX, cũng như những liên hệ giữa các vua chúa Ba Tư với Nga xa hoàng.

Trong khi Kirov trở về Leningrad, Staline phái Andreï Jdanov đi Mạc Tư Khoa để giám sát Đại Hội các nhà văn lần thứ nhứt. Đó là cuộc trắc nghiệm đầu tiên đối với Jdanov và ông đã thành công dễ dàng trong việc thỏa mãn đòi hỏi của Gorki và ước muốn điên cuồng của Boukharine, với sự tiếp tay của Kaganovitch. Jdanov viết cho Staline một bản phúc trình thật chi tiết những hai mươi trang, với một thể văn thật tỉ mỉ, cho thấy ông có quan hệ mật thiết với Staline.

Trong khi những nhà lãnh đạo khác, như Molotov, Kaganovitch, Tchoubar và Mikoïan, đi nghỉ ngơi thì Jdanov cùng với một vài người khác ở lại. Dẫu cho họ chưa phải là thành viên của Bộ Chánh Trị và còn chưn ướt chưn ráo trong văn phòng bí thơ, cũng có trách nhiệm trong chuyện đất nước. Họ ký cả những sắc lịnh. Đó là chỉ dấu của một Bộ Chánh Trị bị sa sút vì cứ thân tình với Staline là đã có quyền lực rồi. Những tháng gần đây, Liên Xô bắt đầu biến thành một chánh thể do một số ít người cai trị, quyền lực nằm trong tay một nhóm người, và chẳng bao lâu người ta sẽ chớm thấy mầm móng của độc tài.

Trong khi tình hình lắng dịu, trước khi bão tố bùng lên, Staline đã cho thấy một vài chỉ dấu bực bội. Ông không hài lòng với những hành động sai quấy của mật vụ NKVD và với những lời than vãn ai oán của những tai to mặt lớn trong Đảng. Ngày 11 tháng Chín, Staline than phiền với Jdanov và Kouïbychev về những phương cách cưỡng ép không chính chắn của mật vụ. Staline ra lịnh tìm những sai quấy trong cung cách điều tra của các thành viên Guépéou, phóng thích những người bị hàm oan nếu như họ vô tội và sa thảy những nhơn viên OGPU có cung cách điều tra không đứng đắn.

Mấy ngày sau, một người lính thủy đào thoát ở Ba Lan. Staline ra lịnh cho Jdanov và Yagoda phải trừng phạt gia đình người thủy thủ đó, với chỉ thị là phải báo cáo ngay cho ông khi thành viên của gia đình đó đã bị bắt. Phải cho ông biết là những ai trong guồng máy đã phạm phải sai lầm đó và tên tội phạm đã bị trừng trị như thế nào về tội phản bội tổ quốc. Ngoài ra, mối liên hệ giữa Staline với Kirov cũng trở nên căng thẳng hơn.

Ngày 01 tháng Chín, Staline phái các thành viên của Bộ Chánh Trị về nông thôn để kiểm soát những vụ thu hoạch. Kirov được phái đi Kazakhstan, tại đây xảy ra một biến cố kỳ lạ, có thể là một vụ mưu sát hay là một vụ giả vờ mưu sát. Tình hình không rõ rệt, nhưng khi Kirov trở về Leningrad, toán cận vệ của ông được tăng cường thêm bốn tên mật vụ, do trung ương chỉ định, nâng tổng số lên chín người. Quyết định này làm cho Kirov trở thành nhà lãnh đạo được bảo vệ cẩn mật hơn hết ở Liên Xô. Kirov không thích sự tăng cường đó vì như vậy, người ta muốn cho ông bị mất đi những người bảo vệ tín cẩn.

Ngày 31 tháng Mười, khi trở về Mạc Tư Khoa, Staline rất mong muốn gặp Kirov, người đã phản đối ý định của Staline nhằm loại bỏ thẻ phân phối bánh mì, vì như vậy việc nuôi dân số khổng lồ của Leningrad sẽ gặp khó khăn. Mặc dầu có điện thoại của Staline, Kirov vẫn không hào hứng đi Mạc Tư Khoa và Staline phải nhờ Kaganovitch thuyết phục Kirov.

Staline kêu Kirov về Mạc Tư Khoa chẳng có lý do gì quan trọng mà chỉ để chơi đùa, tắm hơi và tiêu khiển vẩn vơ. Vài ba ngày sau, Staline đưa Kirov đi Zoubalovo, cùng với người con trai Vassili của Staline, để dự khán một màn múa rối do con gái Svetlana biểu diễn và sau đó đánh bi da. Trong khi giải trí như vậy, Staline có những lời bông đùa quá lố xúc phạm đến Kirov, đến đổi Khrouchtchev nghe thấy cũng khó chịu, tự hỏi tại sao Staline lại thiếu nhã nhặn với một đảng viên khác như vậy. Kirov trở về Leningrad mà trong lòng không yên.

Ngày 25 tháng Mười Một, Kirov vội vã trở lại Mạc Tư Khoa để dự Đại Hội, hy vọng sẽ có dịp để tham khảo ý kiến với Sergo. Nhưng không thấy ông này tới dự, vì hồi đầu tháng, trong lần viếng thăm Bakou với Beria, Sergo thình lình bị khó chịu sau buổi ăn tối. Beria phải đưa Sergo về Tiflis bằng xe lửa. Sau cuộc diễn binh ngày 7 tháng Mười Một, Sergo bị ngã bịnh, bị xuất huyết đường ruột, sau đó bị khủng hoảng tim mạch nặng nề. Bộ Chánh Trị đưa ba chuyên viên đến khám, nhưng cả ba đều bối rối về những triệu chứng khó hiểu. Lý do đó không cản trở Sergo cứ kiên quyết đi dự Đại Hội, nhưng Staline ra lịnh cho Sergo là nên tuân hành lời khuyên của thày thuốc, và đừng trở lại Mạc Tư Khoa trước ngày 26 tháng Mười Một. Một khi đã có Beria liên hệ vào thì Sergo phải thận trọng, đừng coi thường cơn bịnh của mình vì có thể Staline không muốn Sergo và Kirov gặp nhau ở Đại Hội. Beria là trùm mật vụ rất chuyên biệt về chuyện sử dụng độc dược và sẵn sàng tuân lịnh "chúa tể".

Ngày 28, sau khi Đại Hội bế mạc, Staline đích thân đưa Kirov đến tận xe lửa và "ôm hôn thắm thiết" để từ giả. Ngày 01 tháng Mười Hai năm 1934, Kirov thả bộ tới văn phòng ở Viện Smolny. Trong hành lang, Kirov gặp một người, sau này được biết tên là Leonid Nikolaïev. Người này đứng nép vào tường, nhường lối đi cho Kirov, rồi theo sau và bắn một phát súng thẳng vào gáy Kirov.

Náo loạn xảy ra, nhơn chứng và công an giải thích mỗi người một cách về cùng một hiện tượng. Trùm mật vụ Leningrad chạy tới, nhưng mật vụ của Mạc Tư Khoa không cho ông đến gần. Ba bác sĩ pháp y chạy đến, cả ba đều tuyên bố là Kirov đã chết, nhưng vẫn tiếp tục làm hô hấp nhơn tạo cho người chết. Ở những nước độc tài chuyên chế, những thày thuốc rất sợ hãi khi có một nhơn vật tiếng tăm qua đời. Khi các bác sĩ bó tay thì những người hiện diện hiểu là cần báo tin chẳng lành cho "chúa tể" Staline.

Biên bản điều tra của NKVD cho rằng Nikolaïev, kẻ sát nhơn, nằm trong một âm mưu rộng lớn do Leon Trotski chủ xướng nhằm vào chánh phủ Liên Xô. Hậu quả là Lev Kamenev, Grigory Zinoviev và mười bốn người nữa bị bắt giam hồi 1936. Cái chết của Kirov mở màn cho đợt "Đại Thanh Trừng" diễn ra sau đó.

Thế nhưng, về sau còn có nhiều tranh luận về vụ ám sát của Kirov. Dư luận cho rằng có thể Staline đã ra lịnh hạ sát Kirov và chính NKVD đã tiếp tay trong vụ này. Có tin đồn là Kirov đã léng phéng với bà xã của Nikolaïev và mật vụ đã lấy lý do đó kích thích đương sự đi đến hành động. Mỗi hành động có mật vụ dính vào thì khó mà biết được sự thật.

Ngày 22 tháng Mười Hai, Staline tuyên bố với báo chí rằng Nikolaïev là thành viên của một cuộc mưu phản rộng lớn đánh vào nhà nước Liên Xô, một lý do để Staline phát động cuộc "Đại Thanh Trừng". Tuy nhiên, theo lời của hai điệp viên NKVD, W. Krivitsky và A. Korlov, đào thoát sang Tây phương, và của Nikita Krouchtchev, trong bản tường trình mật kín đọc trước Đại Hội thứ XX Đảng cộng sản Liên Xô, thì chính Staline đã ra lịnh thủ tiêu Kirov, một đồng chí kình địch nguy hiểm.

 

(Còn tiếp)

 

Cố Nhân

Nguồn: "L'assassinat du favori" trong quyển "Staline, la cour du tsar rouge" của S. S. Montefiore, nxb. Editions des Syrtes, 2005.

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.