PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Sau án mạng

  • PSN 10.10.2008 - Cố Nhân
    1 | 2 | 3 | 4 | 56 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | ...

Điện thoại của Staline reo khá lâu mà không ai trả lời, ông chánh văn phòng Poskrebychev bắt lấy, và đầu dây bên kia, Tchoudov, người trợ lý của Kirov loan báo hung tín của Leningrad. Không liên lạc được Staline qua điện thoại, ông chánh văn phòng cho người đích thân đi tìm. Thì ra "Chúa Tể" bận họp với Molotov, Kaganovitch, Vorochilov và Jdanov. Khi hay tin, Staline vội vàng gọi ngay Leningrad và nói chuyện thẳng với người bác sĩ pháp y. Sau đó, Staline gọi trở lại hỏi cách ăn mặc của tên sát nhơn, có đội mũ không, có mặc quần áo hiệu nước ngoài không?

Mikoïan, Sergo và Boukharine kéo đến nhanh chóng. Staline tuyên bố Kirov đã bị ám sát và tố giác ngay - chẳng cần điều tra gì hết – là bè đảng của Zinoviev - cựu bí thơ Leningrad, người cầm đầu phe đối lập tả khuynh chống Staline – đã mở một chiến dịch khủng bố chống lại Đảng. Là những người thân cận với Kirov, Sergo và Mikoïan đều bàng hoàng, nhứt là Sergo vì không có dịp gặp Kirov lần cuối. Theo Kaganovitch thì Staline cũng sửng sờ, ít ra là lúc ban đầu.

Staline ra lịnh cho bí thơ Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương ban hành nghị định đặc biệt, xét xử bọn khủng bố trong vòng mười hôm và hành quyết ngay sau khi tuyên án. Nghị định ngày 1 tháng Mười Hai đó là căn bản của một cuộc khủng bố mù quáng, không cần có hình thức hợp pháp gì hết. Trong vòng ba năm sau đó, lợi dụng danh nghĩa của nghị định này, người ta đã lên án tử hình hoặc đưa đi cải tạo lao động khoảng hai triệu người. Theo Mikoïan thì chẳng có thảo luận gì hết mà cũng chẳng có ai dám chống đối.

Staline quyết định sẽ đích thân cầm đầu một phái đoàn đi Leningrad để điều tra vụ án mạng. Sergo muốn tham gia phái đoàn, nhưng Staline không đồng ý vì bịnh tim mạch của Sergo. Sergo rất buồn phiền vì bị Staline cản ngăn, không cho đi tìm hiểu về cái chết của người bạn thân thiết. Con gái của Sergo, sau này tiết lộ đó là lần duy nhứt Sergo đã khóc trước mặt mọi người.

Kaganovitch cũng muốn đi theo phái đoàn, nhưng Staline viện cớ là phải có người ở lại Mạc Tư Khoa để lo điều hành đất nước. Staline đem Molotov, Vorochilov và Jdanov theo. Dĩ nhiên là, với cả một xe lửa mật vụ cùng với lũ cò ke lục chốt của Staline.

Những cấp chỉ huy địa phương, trong cơn bàng hoàng cao độ, đều tề tựu ở nhà ga để đón phái đoàn Mạc Tư Khoa. Staline đóng vai tuồng của mình thật khéo léo và hoàn hảo, vai tuồng của một người sếp đau buồn và căm tức vì cái chết của một hiệp sĩ yêu thương. Trên xe lửa bước xuống, ông ta đùng đùng nổi giận đi thẳng lại Medved, trùm mật vụ NKVD của Leningrad và cho ông này một cát tát nẩy lửa. Staline di chuyển xuyên qua thành phố, đi thẳng tới bịnh viện để xem qua tử thi. Sau đó, ông đặt tổng hành dinh ngay trong văn phòng của Kirov để bắt đầu mở cuộc điều tra.

Gã mật vụ địa phương đáng thương Medved, vừa bị bạt tai, là người bị thẩm vấn đầu tiên và bị khiển trách là đã không ngăn ngừa được án mạng. Kế đến là tên sát nhơn thảm thương, Nikolaïev, bị lôi đến một cách tàn nhẫn. Nikolaïev là một trong những nạn nhơn đáng thương hại và ngây thơ của biến cố. Con người đáng tội nghiệp đó, khoảng ba mươi tuổi đời, đã bị loại trừ khỏi Đảng, rồi được thu nhận trở lại. Hắn ta có vẻ ngớ ngẩn, thậm chí không biết mặt Staline, quỳ gối trước mặt Staline và khóc nức nở, kêu la: "Tôi có làm gì đâu, tôi có làm gì đâu?" Theo Krouchtchev thì Nikolaïev thú nhận là đã thi hành theo lịnh của Đảng, và theo nguồn tin thân cận với Vorochilov thì Nikolaïev đã ấp úng nói rằng: "Chính ông đã nói với tôi..." Ngoài ra, cũng được biết là Nikolaïev đã bị mật vụ đấm đá tơi bời.

Staline ra lịnh: "Lôi cổ nó đi!" Nikolaïev điểm mặt Zaporojets, người phụ tá của NKVD Leningrad và nói: "Tại sao mấy người điều tra tôi? Hãy hỏi ông này thì biết." Zaporojets là người của Staline và của Yagoda đã được cài vào hệ thống của Kirov và Leningrad hồi năm 1932.

Kế đó, bà vợ của tên sát nhơn, Milda Draul, cũng được đưa vào văn phòng điều tra. Sở mật vụ NKVD loan tin cho rằng hành động của Nikolaïev là một tội ác vì tình, xuất phát từ chỗ vợ ông có liên hệ bất chính với Kirov. Bà Draul là một người đàn bà dáng dấp tầm thường. Kirov thích mơn trớn với những nữ vũ công, vả lại bà vợ của ông cũng chẳng đẹp gì, và hai vợ chồng cũng không xứng đôi. Phần bà Draul thì thú nhận là không biết gì về chuyện đó.

Staline ra lịnh phải săn sóc Nikolaïev về mặt y tế. Ông cho rằng một tổ chức khủng bố phản cách mạng có quy củ rất năng nổ ở Leningrad nên ra lịnh phải điều tra cẩn thận. Không có giảo nghiệm kẻ sát nhơn về mặt pháp y. Staline không muốn phát hiện là NKVD có thúc đẩy Nikolaïev hạ sát Kirov hay không. Về sau, có tin cho rằng Staline đã vào ngục điều tra tên sát nhơn gần một tiếng đồng hồ và hứa sẽ tha tội chết nếu đương sự tố giác Zinoviev trong bản án. Nikolaïev nghi là có hành động mờ ám gì đây?

Tên cận vệ trung tín của Kirov, Borissov, được đưa đến cho Staline điều tra. Chỉ có Borissov mới cho biết được là hắn ta có bị cản trở, nên không làm tròn được nhiệm vụ khi Kirov bị bắn hay không và có biết gì về âm mưu của NKVD không? Nhưng trên đường di chuyển, một tai nạn xe hơi khả nghi đã giết chết Borissov. Khi hay tin tai nạn chết người khả nghi này, Staline chê trách ngành mật vụ địa phương: "Bọn chúng hành động chẳng khéo léo gì hết."

Qua cung cách đạo diễn của cấp lãnh đạo như vậy, những bí ẩn của án mạng Kirov làm sao mà lộ rõ được? Dư luận tự hỏi là không biết có phải Staline đã ra lịnh giết hại Kirov không? Không ai có bằng chứng cụ thể, nhưng khá nhiều tin đồn về chuyện ông dính líu trong án mạng đó. Mấy năm về sau, Krouchtchev, cũng là thành phần của phái đoàn Mạc Tư Khoa điều tra về cái chết của Kirov, nhưng di chuyển trên một chiếc xe lửa khác, khẳng định rằng Staline đã cho lịnh thủ tiêu Kirov. Mikoïan, một nhơn chứng đáng tin cậy hơn Krouchtchev về nhiều mặt và rất ngay tình, cuối cùng cũng nghĩ rằng Staline, vì một lý lẽ nào đó, có liên hệ trong án mạng này.

Hẳn là Staline không còn tin tưởng ở Kirov nữa và án mạng của Kirov đã tạo nên cái cớ để Staline mở chiến dịch diệt trừ bè lũ bôn-sê-vít già cỗi. Nghị định ngày 1 tháng Mười Hai, mà Staline thảo ra vài ba phút sau khi Kirov đã chết, có vẻ cũng ám muội như việc ông quả quyết cho rằng Zinoviev là kẻ sát nhơn. Ngoài ra, trong ngày xảy ra án mạng, còn có những biến cố kỳ lạ. Tại sao Borissov, người cận vệ tín cẩn của Kirov lại bị chận lối đi để cho Nikolaïev có thể hạ Kirov ngay đầu súng và tại sao mật vụ NKVD của Mạc Tư Khoa lại đến Leningrad quá nhanh sau án mạng? Cái chết của Borissov qua tai nạn ô tô thật là vô cùng khả nghi. Và dẫu cho là một con người hết sức thận trọng, tại sao Staline lại hành động quá liều lĩnh?

Vậy mà, nếu xét cho cùng thì một phần lớn của những dữ kiện đó cũng không đến đổi nào ghê gớm lắm. Những thiếu sót về mặt an ninh dành cho Kirov không đáng kể, vì chính Staline cũng thường có một hoặc hai cận vệ đi theo thôi. Tình hình bang giao xấu đi giữa Staline và Kirov không phải là một điểm đáng quan tâm lắm vì mối xích mích giữa đám quần thần của hai người là chuyện thường tình. Phản ứng nhanh chóng của Staline cũng như cung cách điều tra kỳ lạ của ông không chứng minh được là ông đã quy hoạch như vậy.

Thân tình của Staline đối với Kirov chỉ có một chiều và không mấy khăn khít, nhưng quả là Staline yêu thương Kirov thật sự và ông đối xử với mọi người dựa trên tương quan chánh trị. Trong thân tình của Staline có cả yêu thương, khâm phục và ghen ghét ác độc. Có người cho rằng Staline có thể vừa yêu thương vừa thù ghét một đối tượng, vì trong lòng Staline có cả yêu thương lẫn ghét bỏ, xuất phát từ chỗ ước muốn. Có thể vì cảm thấy bị Kirov, một con người được ông yêu thương thật tình, phản bội nên Staline đã điên tiết lên, như một người phụ nữ bị phụ rảy, rồi sau án mạng lại có mặc cảm tội lỗi nặng nề. Ngay đối với "bằng hữu" của mình, Staline cũng giữ ý giữ tứ, không ra mặt thân mật mà cũng không dửng dưng một cách lộ liễu. Lúc nào Staline cũng không muốn cho người khác hiểu được mình.

*  *  *

Xác của Kirov mặc áo màu đen, được quàn trong một cái áo quan, không đậy nắp, xung quanh có cờ đỏ, có vòng hoa tang, để nằm giữa dinh Tauride. Đêm 3 tháng Mười Hai, Staline và các ủy viên Bộ Chánh Trị tề tựu lại, họp thành toán danh dự, đúng như nghi thức lễ tang bôn-sê-vít. Vorochilov và Jdanov có vẻ xúc động, còn Molotov mặt lạnh như tiền. Theo nhận xét của Khrouchtchev thì diện mạo của Staline bình thản và bí hiểm một cách lạ kỳ, cho người ta có cảm tưởng như là ông nghĩ đâu đâu, trong khi mắt ông nhìn một cách lơ đãng xác chết mang vết đạn của Kirov. Trước khi rời địa điểm lễ tang, Staline bổ nhiệm Andreï Jdanov làm bí thơ thứ nhứt của Leningrad, kiêm nhiệm bí thơ Ủy Ban Trung Ương.

Lúc mười giờ, Staline và những thành viên khác khiên quan tài của Kirov để lên một cái bệ trọng pháo. Đoàn đưa đám ma di chuyển chậm rãi qua các đường phố dẫn tới nhà ga. Sau đó, quan tài được đưa lên một toa xe, cùng với Staline đi Mạc Tư Khoa. Một toa xe lửa, được tô điểm bằng những băng kết hoa tang lao nhanh vào đêm tối, mang đi cái xác chết của Kirov, nhưng bộ não của ông được các nhà khoa học của Viện Nghiên Cứu Leningrad khảo sát để tìm những dấu hiệu của trí thông minh cách mạng thượng đẳng.

Trưóc khi đoàn xe đến Mạc Tư Khoa, nhơn viên mật vụ Agranov có nhiệm vụ điều tra tên sát nhơn Nikolaïev, cho Staline biết là hắn ta rất là đầu bò đầu bướu. Staline ra lịnh: "Cứ nuôi nó cho kỹ, mua cho nó một con gà. Hãy nuôi dưỡng cho nó lấy lại sức, rồi nó sẽ khai kẻ nào thuê mướn nó. Nếu nó không mở miệng thì ta sẽ đánh nhừ người, rồi nó phải khai thôi."

Khi xe lửa đến ga "Tháng Mười" ở Mạc Tư Khoa, linh cữu lại được đặt trên bệ trọng pháo và đem quàn ở phòng lễ tang, chờ lễ an táng được dự trù vào ngày hôm sau. Sau đó, Staline thông báo vắn tắt cho Bộ Chánh Trị biết là cuộc điều tra chưa có kết quả cụ thể. Mikoïan thắc mắc tại sao Mikolaïev có súng trong người lại không bị bắt những hai lần, và làm thế nào mà Borissov bị giết chết.

Staline tỏ vẻ bất bình là làm sao câu chuyện có thể như vậy được, cần phải tìm cho ra người chịu trách nhiệm. Có dư luận thắc mắc lối xử sự kỳ quái của NKVD. Người lãnh đạo OGPU – Yagoda - phải có trách nhiệm trong biến cố trọng đại này. Nhưng Staline muốn bao che Yagoda, chỉ tập trung vào những mục tiêu chính là những người bôn-sê-vít kỳ cựu như Zinoviev. Vì vậy cho nên Sergo, Kouïbychev và Mikoïan đâm ra nghi ngờ. Mikoïan cho Sergo biết là Staline có một thái độ mờ ám. Hai người đều ngạc nhiên và ngỡ ngàng và không thể hiểu được. Kouïbychev đòi Ủy Ban Trung Ương phải đích thân mở cuộc điều tra, không thể tin tưỏng được cuộc điều tra của NKVD. Trong khi đó, Staline tâm sự với Pavel Allilouïev, anh vợ Staline, là "Kirov chết rồi ông ta hoàn toàn như kẻ mồ côi".

Ngày 5 tháng Mười Hai, một lễ tang trọng thể được tiến hành ở Mạc Tư Khoa, một đám ma rất hào nhoáng, với những ngọn đuốc cháy sáng, những màn nhung đỏ, với những phương tiện truyền thông hiện đại, với ban nhạc Bolchoï trình bày những bản nhạc bi ai. Staline tuyên bố rằng Kirov là người đồng chí thân thiết nhứt của ông và là một con người chết vì chánh nghĩa. Thành phố sanh quán của Kirov, Viatka, đoàn vũ ba lê Marinski của Leningrad và hàng trăm đường phố được đặt tên "Kirov".

Quan tài của Kirov được đặt trên một miếng vãi màu đỏ tía, khuôn mặt tái mét, ở thái dương có một vết bầm vì ông bị té dập đầu xuống đất. Gia đình người chết, cũng như những Ủy viên Bộ Chánh Trị tập trung đầy đủ quanh quan tài. Một sự im lặng hoàn toàn làm cho tiếng giày của những người lính đổi phiên canh gát nghe rõ mồn một.

Người ta bắt đầu đậy nắp quan tài lại. Staline đưa tay ngăn lại và cuối xuống đặt một nụ hôn trên trán của Kirov. Một cảnh tượng khá đau lòng và trong đám đông có tiếng khóc sụt sùi. Staline lẩm bẩm: "Vĩnh biệt Kirov, chúng tôi sẽ rửa hận." Nghi thức lễ tang hoàn tất, chiếc quan tài được đưa đi lò thiêu. Sáng hôm sau, Staline, Vorochilov, Molotov và Kalinine đưa bình tro cốt đặt vào một chỗ trang nghiêm trong bức tường của Điện Cẩm Linh.

*  *  *

Ngày hôm sau, 6 tháng Mười Hai, bước đầu của đợt thanh trừng đã mở màn. Sáu mươi sáu "bạch vệ" đã bị bắt vì tội mưu sát ngay trước khi Kirov bị giết hại, và bị Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt của Tối Cao Pháp Viện xử tử hình. Tòa này dưới quyền điều khiển của Vassili Ulrikh, một quan tòa đồ tể của Staline. Hai mươi tám người khác bị xử bắn ở Kiev. Dẫu cho án mạng đó và những chỉ dấu cho thấy rằng ngay những người bôn-sê-vít rồi đây cũng sẽ bị hành hình để trả thù cho Kirov, cuộc sống của những người thân cận Staline vẫn tiếp tục diễn tiến bình thường.

Biết rằng vài giờ sau khi Kirov bị ám sát, Staline đã tuyên bố Zinoviev và đồng bọn là những người chịu trách nhiệm, người ta cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy Ejov, trùm mật vụ, và NKVD đã bắt giữ những thành viên của một "tổ Leningrad" và một "tổ Mạc Tư Khoa", mà danh sách đã do chính Staline đưa ra. Bị vặn hỏi gắt gao để "chứng minh" là có dính líu với Zinoviev, ngày 6 tháng Mười Hai, Nikolaïev phải nhìn nhận. Vậy là, Zinoviev và Kamenev, hai đồng chí thân tín của Lenin, cựu ủy viên Bộ Chánh Trị, mà cũng là những người đã cứu vãn sự nghiệp của Staline hồi 1925, đều bị bắt. Bộ Chánh Trị nghe những "tên khủng bố" trình bày, sau đó Staline đích thân ra lịnh cho tòa án kết tội tử hình.

Sau cái chết của Kirov, mọi chuyện đều thay đổi. An ninh được tăng cường tối đa, ở một thời điểm mà triều đình của Staline chẳng còn có một nghi thức nào hết, với một bầu không khí lễ hội, mấy mệnh phụ phu nhơn lăng xăng và lũ trẻ con chạy tung tăng khắp nơi, cốt làm cho "chúa tể" đã buồn rầu được lên tinh thần. Một hôm, Staline đi trong Điện Cẩm Linh cùng với một sĩ quan hải quân, qua ngang những nhơn viên an ninh, từ nay cứ mười thước là có một người, được đào tạo để theo dõi những người khách của Điện Cẩm Linh.

*  *  *

Ngày 21 tháng Mười Hai, trước khi những cuộc hành hình xảy ra, đám cận thần kéo nhau đến Kountsevo (một quận ở hướng Tây của Mạc Tư Khoa) để ăn mừng sinh nhựt thứ 55 của Staline. Nhưng, cuộc liên hoan lẽ ra phải vui nhộn thì lại đượm buồn vì cái chết của Kirov mới đó và kỷ niệm đau buồn về cái chết bất đắc kỳ tử của Nadia. Thậm chí, đa số những người tham dự còn phải ứa lệ, kẻ thì nghĩ tới Kirov vừa mới ra đi qua bên kia thế giới, người thì tưởng nhớ đến một hồng nhan bạc mệnh, Nadia. Dẫu sau, buổi liên hoan hôm đó cũng được ghi lại bằng một bức ảnh, do Vlassik, cận vệ trung tín của Staline, cũng là nhà nhiếp ảnh tài tử, thực hiện. Tấm hình đó là một kỷ niệm để đời, ghi lại hình ảnh của triều đại Staline trước khi cuộc "Đại Khủng Bố" mở màn.

 

(Còn tiếp)

 

Cố Nhân

Nguồn: "Je suis orphelin – L'Expert en funérailles", trong quyển "Staline, la cour du tsar rouge", S.S. Montefiore, nxb Editions des Syrtes

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.