Tư Tưởng
Văn hóa
Giáo Dục
Văn
Học
Diễn Đàn
Chính Luận
Ký Sự - Xã Hội
Khoa Học & Môi Trường
Việt Nam trong dòng thời sự
Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt
Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính
Trị
Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và
Văn Hóa
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền
Thế Nào Là Dân Chủ ?
Các Vấn Ðề Dân Chủ
Sophie Quinn-Judge: Hồ
Chí Minh những năm chưa được biết đến
Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và
Trường Sa
Lê Minh Văn:
Về một
NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM
Mao, câu chuyện không được biết
Gene Sharp:
Từ Độc Tài đến Dân Chủ
Vũ Thư Hiên:
Đêm giữa ban ngày
|
DUY THỨC HỌC
1
| 2
| 3
| 4
| 5
| 6
| 7
| 8
| 9
| 10
| 11
| 12
| 13
| 14
| 15
| 16
| 17
| 18
| 19
| 20
| 21
| 22
| 23
| 24
| 25
| 26
| 27
| 28
| 29
| 30
Tứ phiền não thường câu
Vị: ngã si, ngã kiến
Tịnh ngã mạn, ngã ái
Cập dư xúc đẳng câu.
Tứ phiền não thường câu:
Tứ là bốn, phiền não (klesa) là sự ràng buộc, tâm trạng ràng buộc của
những formations mentals. Nó có tính cách làm khổ mình, gọi là phiền
não, đây là phiền não căn bản. Câu là cộng tác, đi theo với. Câu
như câu lạc bộ, chung với nhau gọi là câu, cũng có nghĩa là tương ưng.
Nó thường tương ưng với bốn phiền não. Vị có nghĩa: tức là;
tức là ngã si, ngã kiến. Tịnh là và; và ngã mạn, ngã ái. Những
bài này chúng ta đã học rồi, nếu không có nó thì chúng ta không đi tiếp
được. Thành ra quí vị phải học bài này để làm gốc.
Cập cũng có nghĩa là: và với cùng. Xúc là
tâm sở đầu của năm tâm sở biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư.
Đẳng
là vân vân. Câu tức là tương ưng, đi đôi với. Và tương ưng với
những cái xúc v.v... Dư là những cái kia. Chữ này các thầy sau
nầy bàn luận rất nhiều, tại vì xúc có nghĩa cả năm tâm sở đầu: xúc tác
ý, thọ, tưởng, tư… Còn dư nữa? Thành ra các thầy sau này không
biết dư có những tâm sở nào khác. Cho nên có năm, sáu thuyết, có thuyết
nói là mạt-na cộng tác với mười chín, có thuyết cho là hai mươi bốn.
Nếu là người học thông minh, thì chúng ta phải có cái thấy.
Tôi nghĩ rằng quí vị khi học kinh là phải đem ra
áp dụng cho chính mình. Mỗi khi mình có vấn đề, hoặc khi không có vấn đề
gì, mình cũng đều đem ra để phân tích cái tâm của mình. Vì có những vấn
đề không hiển hiện trong hiện tại, nhưng có ở trong tiềm thức của mình.
Hơn nữa, thế nào chúng ta cũng nên học về tâm lý học mới, tâm lý học
hiện tại. Chúng ta học như vậy thì sự hiểu biết của chúng ta về Duy thức
học sẽ sâu hơn, sẽ sáng hơn. Rồi chúng ta có thể khám phá những vùng
trong Duy thức, mà các thầy đã chưa khám phá, tại vì lúc đó các thầy
không cần. Bây giờ thấy cần thì chúng ta phải khám phá để học.
Ví dụ quan niệm về thất niệm: Thất niệm lâu nay chỉ có nghĩa là quên
lãng thôi và thất niệm được coi như một tâm sở bất thiện. Nhưng khi quan
sát thì tôi thấy thất niệm đôi khi cũng có cái hay của nó. Tại vì nếu
niềm đau mà không quên đi, thì chúng ta không thể sống được. Thành ra
trong con người mình có một yếu tố giúp cho mình có thể quên được điều
đó để mà sống. Khi có một người thân qua đời, nếu mình đau cái niềm đau
lúc ban đầu và đau luôn cả mấy năm thì mình sẽ chết theo. Cho nên trong
cơ thể, trong tâm hồn mình có một yếu tố khiến cho mình quên, nó đẩy
niềm đau đó ra khỏi vùng ý thức, đó là bản năng tự vệ. Nên thất niệm
cũng phải được khai thác những vùng như vậy, vì sự lãng quên cũng có
ích. Đôi khi có những tâm sở phải được đẩy sang một bên, thì nó mới
thành thiện, không phải tự dưng mà có. Cũng như tâm sở tuệ, dục, thắng,
giải, niệm, định, tuệ, cũng có thể là thiện. Tâm sở dục cũng vậy, dục có
thể là xấu, dục cũng có thể là tốt. Một sự ước muốn cứu giúp hoặc làm
cho cuộc đời tươi vui, thì yếu tố đó tốt, phải không? Cho nên chúng ta
có nhiều điều phải làm, tức là học Bụt và muốn xứng đáng là học trò của
Bụt, chúng ta phải tiếp tục sự nghiệp giác ngộ, phải học, phải thực
hành, phải quán triệt giáo lý trên những căn bản đó.
Đây là bản dịch:
Cùng với bốn phiền não
Đều hữu phú vô ký
Là ngã kiến ngã si,
Ngã mạn và ngã ái.
Bài tụng số 7 :
Hữu phú vô ký nhiếp,
tùy sở sinh sở hệ,
A-la-hán diệt định,
Xuất thế đạo vô hữu.
Hữu phú
tức là bị che.
Vô ký
là không phải thiện, không phải ác. Nhiếp tức là thuộc về diện
hữu phú vô ký, là thân gồm vào trong phạm trù, nó được thâu nhiếp vào
trong phạm trù hữu phú và vô ký. Chữ hệ có nghĩa là buộc vào, cột
vào, dính vào. Sinh có nghĩa là sinh ra, tùy vào chỗ mà mình sinh
ra, mình bị cột vào chỗ đó. Tức là a-lại-da phát hiện ở chỗ nào, thì
thức này cột vào chỗ đó. A-lại-da phát hiện ra khí thế gian và tình thế
gian chỗ nào, thì mạt-na thức bám theo để phát hiện chỗ đó, gọi là
tùy sở sinh sở hệ. Tùy là tùy theo, tùy theo chỗ được sinh ra
mà bị ràng buộc vào đó.
A-la-hán là một, diệt tận định là hai.
Tôi nhắc lại thức thứ bảy này : nó thu nhiếp được vào trong diện hữu phú
và vô ký, tùy theo sinh ra chỗ nào thì nó liên hệ tới chỗ đó. Tới địa vị
A-la-hán trong trạng thái diệt tận định, hay trên con đường gọi là xuất
thế đạo thì không còn tác dụng nữa. Vô là không, hữu là
có, vô hữu là không có tác dụng.
Tôi nhắc lại ở đây: Nương vào nó mà phát khởi và trở lại nhân duyên của
nó. Thức nầy tên là mạt-na và tính chất của nó là tư lượng, nó cùng
tương ưng với bốn cái phiền não, mà những thứ đó cũng là hữu phú và vô
ký. Chúng ta sẽ hỏi tại sao phiền não mà vô ký? Phiền não tức là ác chứ
tại sao nó vô ký, học ngang đó mình phải hỏi. Là ngã kiến atmadrshti,
atmamoha là ngã si, atmamana là ngã mạn, atmasneha là ngã ái. Trong năm
mươi mốt tâm sở không có danh từ ngã ái, không có danh từ ái, chỉ có
danh từ tham mà thôi. Nhưng chữ tham trong căn bản phiền não, gồm hết
tất cả những dục vọng ở trong đó. Tại vì tham có năm thứ: tài, sắc,
danh, thực, thùy, tham tài, tham sắc, tham danh, tham thực và tham có
khi là ái. Chữ tham này rộng lắm, tham không phải là muốn cho nhiều mà
thôi, tham còn có nghĩa là ái, nó có đủ thứ trong đó. Thành ra chữ ngã
ái atmasneha nằm trong phạm vi tham: tham sân si. Tùy sở sinh sở hệ là ở
đây: đây là sinh, sinh ở đâu thì nó dính vào ở đó. Cập dư xúc đẳng câu
là nằm ở đây, tức là cộng tác, nó tương với những anh chàng khác trong
đó có xúc và v.v... Cập dư xúc đẳng câu là từ ở đây, nó tới địa vị
A-la-hán, tới địa vị diệt tận định và tới địa vị xuất thế đạo thì vô hữu
và nó không còn nữa trong ba trạng thái đó.
Chúng ta học được bảy bài tụng. Nếu phân tích bảy bài đó thì chúng ta
thấy rằng, có ba bài nói về thức thứ bảy tức là bài thứ 5, 6, 7. Ba bài
này nói về thức thứ bảy. Còn thức thứ tám có hai bài rưỡi và một bài
rưỡi nói về tổng quát. Những bài này gọi là bài tụng (Karika), bài kệ là
Gatha. Ví dụ những bài thi kệ thực tập chánh niệm thì gọi là những bài
kệ, còn đây là bài tụng, nó dài hơn và có tính cách liên tục hơn. Có
nhiều bài, một nhóm bài và có tính cách liên tục. Còn những bài kệ kia
có thể là bài riêng. Ví dụ như thầy cho học trò một bài, thì gọi là bài
kệ chứ không phải là bài tụng. Như ba mươi bài tụng gọi là
Trimshika-karika, Tam thập tụng. Tại vì thầy Thế Thân lúc đó còn trẻ, có
làm hai mươi bài tụng gọi là Vimshatika-karika. Sau đó lớn tuổi, già
thêm thì kiến thức của thầy lớn hơn, chắc chắn hơn và thầy làm ra Tam
thập tụng. Và sau đó tác phẩm Tam thập tụng trở thành một tác phẩm căn
bản của Duy thức học. Nói cho đủ là Tam thập duy thức tụng -
Trimshikavijnaptimatrata
karika. Matra là duy, còn vijnapti là biểu, Duy biểu.
Sáu câu đầu:
Do giả thuyết ngã pháp.
Hữu chủng chủng tướng
chuyễn.
Bĩ y thức sở biến.
Thử năng biến duy tam.
Vị dị thục tư lương.
Cập liễu biệt cảnh thức.
Bây giờ tới thức thứ tám:
Sơ a-ại-da thức.
Dị thục nhất thiết chủng.
Bất khả tri chấp thọ.
Khứ liễu thường dữ xúc.
Tác ý thọ tưởng tư.
Tương ưng duy xả thọ.
Thị vô phú vô ký.
Xúc đẳng diệt như thị.
Chuyển như bộc lưu
A-la-hán vị quả,
Thứ đệ nhị năng biến.
Thị thức danh mạt-na.
Y bĩ chuyển duyên bĩ.
Tư lượng vi tánh tướng.
Tứ phiền não thường câu.
Vị ngã si ngã kiến.
Tịnh ngã mạn ngã ái.
Cập duyên xúc đẳng câu.
Hữu phú vô ký nhiếp.
Tùy sở sinh sở hệ.
A-la-hán diệt định.
Xuất thế đạo vô hữu.
Trong mười hai câu này, danh từ thì ít nhưng nghĩa lý rất sâu xa, thành
ra mình phải đi sâu vào thêm một chút nữa.
Thứ đệ nhị năng biến. Thị thức danh mạt-na:
tức là cái năng biến thứ hai là một thức tên là mạt-na. Y bĩ chuyển
duyên bĩ. Tư lượng vi tánh tướng : Nó nương vào thức a-lại-da mà
phát khởi, rồi trở lại nắm lấy a-lại-da làm đối tượng và bản chất của nó
là tư lượng.
Hôm trước mình có nói tới thức thứ bảy.
Đây là năm thức đầu, đây là thức thứ sáu tức là ý thức và đây là thức
thứ bảy. Thức thứ bảy cũng được phát sinh từ thức thứ tám. Vậy thì, thức
thứ bảy dựa trên thức thứ tám để phát khởi, nhưng nó quay lại dùng thức
thứ tám làm đối tượng của nó, nó dùng làm tướng phần của nó. Trong
nguyên văn nói chỉ có năm chữ thôi tức là: Y bĩ chuyển duyên bĩ,
chúng ta biết rõ, bĩ này là
a-lại-da,
còn duyên này tức là nắm lấy làm đối tượng. Chuyển là quay trở lại, quay
trở lại để nắm lấy cái đó làm đối tượng. Căn cứ trên câu nói đó của thầy
Thế Thân, các vị đại luận sư họ có những cuộc tranh luận và họ có những
ý kiến khác nhau về đối tượng của thức thứ bảy. Trong mười vị đại luận
sư đó, có một thầy tên là Nanda, (Nanda này không phải đệ tử của Bụt).
Thầy nói rằng thức thứ bảy nó nắm lấy cái mà nó cho là ngã, tức là tự
thể phần của
a-lại-da.
Quý vị nhớ là trong sự phân tích mình nói thức có ba phần: Phần thứ nhất
là kiến phần, tức là chủ thể nhận thức. Phần thứ hai là tướng phần, tức
là đối tượng nhận thức và phần thứ ba là tự thể phần, tức là phần căn
bản của hai phần kia. Cũng như hai cái râu của con ốc là tướng phần và
kiến phần, còn toàn thân con ốc là tự thể phần. Hai cái này đều từ cái
kia phát xuất (cái này là darshanabhaga, cái này là nimittabhaga còn cái
này là svabhavikabhaga tức là tự thể phần). Theo thầy Nanda là thức thứ
bảy nắm lấy phần này làm đối tượng và nó cho cái đó là ngã. Những tâm sở
tương ưng của thức này là ngã sở. Vì trong quán niệm về ngã có hai thứ
một là ngã hai là ngã sở. Ngã sở là những gì thuộc về ngã, ngã là cái
ta, ngã sở là những gì thuộc về cái ta. Vậy thì quý vị đã biết rằng thức
thứ tám có năm tâm sở, tức là năm hiện tượng tâm lý làm nội dung cho
nhận thức, cái đó gọi là xúc, tác, ý, thọ, tưởng, tư. Và thầy Nanda nói
rằng xúc, tác, ý, thọ, tưởng tư là ngã sở và tự thể phần của thức thứ
tám là ngã. Thức thứ bảy nắm lấy hai tự thể phần của thức thứ tám là
ngã, những tâm sở của thức thứ tám tức là xúc, tác, ý, thọ, tưởng, tư là
ngã sở, đó là theo thầy Nanda. Còn thầy Hỏa Biện - Citrabhanu thì nói
rằng : thức thứ bảy nó nắm lấy kiến phần của thức thứ tám làm ngã, và
nắm lấy kiến phần của thức thứ tám làm ngã sở. Quý vị có thấy sự khác
nhau của hai thầy không, quý vị có khuynh hướng thiên về thầy nào ? Điều
đó cần phải có sự suy nghĩ và chiêm nghiệm.
Khi các thầy khác hỏi như vậy thì tự thể phần là ở đâu, tại sao không
nắm lấy gốc mà nắm lấy ngọn. Thầy Hỏa Biện trả lời rằng: Kiến phần và
tướng phần của thức không phải là một, nó khác tự thể phần. Đứng về
phương diện hiện tượng là kiến phần và tướng phần, nhưng đứng về phương
diện bản thể lại là tự thể phần. Hai thứ tuy là hai nhưng kỳ thực là
một. Cũng như sóng và nước, tuy nói rằng sóng không phải là nước, nhưng
kỳ thực sóng là biểu hiện của nước và như vậy sóng cũng là nước. Trong
khi đó thầy An Huệ nói rằng : thức thứ bảy nắm lấy toàn thể
a-lại-da
làm ngã, tức là cả ba phần. Như vậy chúng ta thấy sự khác nhau cũng
không bao nhiêu, trong khi đó thức thứ bảy nắm lấy tất cả những chủng
tử, những hạt giống ở thức thứ tám làm ngã sở. Rồi cuối cùng Thành Duy
Thức Luận nói về quan điểm của thầy Hộ Pháp - Dharmapala, thầy là sư ông
của thầy Huyền Trang cho nên thầy Huyền Trang chịu ảnh hưởng rất nặng nề
của thầy Hộ Pháp về pháp. Dharmapala là một thầy rất giỏi và có rất
nhiều đệ tử làm lớn, trong đó một vị làm tới chức Viện trưởng viện Đại
học Nalanda, tức là thầy Giới Hiền - Shilabhadra. Khi thầy Huyền Trang
qua học đại học Nalanda, thì thầy Giới Hiền làm Viện trưởng, cho nên
thầy tiếp thu những giáo lý của thầy Giới Hiền, và thầy Giới Hiền đã
tiếp thu từ thầy Hộ Pháp. Vì vậy trong tác phẩm Thành Duy Thức Luận của
thầy Huyền Trang, tuy có đề cập những ý kiến của các thầy khác, nhưng kỳ
thực cuối cùng vẫn lấy ý kiến của thầy Hộ Pháp là ý kiến chính. Luôn
luôn để tư tưởng của thầy Dharmapala đi chót và đưa đến kết luận.
Cho nên các thầy ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam khi học về Duy Thức
Luận, luôn luôn đi theo ý kiến của thầy Hộ Pháp. Nhưng đến thời chúng ta
thì không nên làm như vậy, nhất là khi chúng ta có thêm những tài liệu
như tài liệu của thầy An Huệ, thì chúng ta phải có một thái độ khác,
nhất là phải đặt Duy Thức Học vào trong thời đại của chúng ta, và khi có
được kiến thức của tâm lý học hiện đại, thì phải biết có những nhận xét
độc lập của chúng ta. Chúng ta tiếp tục bồi dưỡng cho Duy Thức Học thành
một môn tâm lý học, có thể áp dụng được trong đời sống hàng ngày của con
người mới. Điều này rất quan trọng, nếu quý vị học và làm được chuyện
đó, thì mình đóng góp vào lịch sử Phật giáo không phải là ít. Phương
pháp làm là phải nghiên cứu và đồng thời phải chiêm nghiệm bằng sự thực
tập của mình. Do sự thực tập của mình, mình mới có thể phê phán và kiểm
chứng được những điều mình nói, những điều trình bày và những đề nghị.
Ví dụ như khi tôi giảng về Duy Thức Học, có những ý kiến của tôi đưa ra.
Những ý kiến đó không phải là do suy luận, mà do chính kinh nghiệm trong
khi tu học và sống đời sống hàng ngày mà tôi thấy.
Theo thầy Hộ Pháp : thức thứ bảy chỉ nắm lấy kiến phần của thức thứ tám
là ngã mà thôi. Tức là nó nắm lấy tác dụng chủ quan của thức thứ tám, để
làm đối tượng của nó. Cố nhiên là cái đó gồm cả ngàn sở. Quý vị biết
rằng thầy Thế Thân - Vasbandhu cho chúng ta một căn bản hết sức rộng
rãi: Y bĩ chuyển duyên bĩ, tức là nương từ thức thứ tám mà phát
hiện khởi và chuyển lại nắm lấy thức thứ tám làm đối tượng. Cho nên từ
đó chúng ta có rất rộng đường suy luận và thiết kế.
Khi nghiên cứu thì tôi thấy như thế này : Trước hết nói về căn thì chúng
ta biết rằng, nhãn thức tức là cái thấy của mình, được căn cứ vào phát
sinh của nó tức là con mắt và nhĩ thức căn cứ phát sinh của nó là lỗ tai
v.v... Đến khi chúng ta tới ý thức là thức thứ sáu, thì ý thức
cũng phải có căn. Trong Duy Thức Học cho chúng ta biết rằng, căn cứ phát
sinh của ý thức là mạt-na thức tức là thức thứ bảy. Điều này quan trọng
lắm, điều này là một phát kiến rất lớn của Duy Thức Học. Mạt-na thức này
là một vùng gần tương đương với cái ngã. Cố nhiên là mạt-na dịch là ý
và thức phát sinh từ ý gọi là ý thức. Nhưng ý thức phát
sinh ra và thường thường tiếp xúc trực tiếp với sự sống và xã hội. Cho
nên ý thức nhiều khi không vâng lời cái ý. Vì trong ý này
có những ước muốn, những ước muốn được thỏa mãn và được biểu hiện bỡi
ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái. Nhưng ý thức qua năm cửa sổ của năm
giác quan, thì thấy rằng có những ý muốn không thể thực hiện được, thực
hiện nó thì nguy lắm. Cho nên ý này có một phần kiểm soát ý thức.
Trong khi năm cảnh cửa này đóng lại, thì trong giấc mộng nhận thức về
thực tại bên ngoài yếu đi, lúc đó những ẩn ức, những ham muốn của thức
thứ bảy mới có dịp phát khởi. Ý thức trong mộng nó vâng lời ý nhiều hơn,
tuy nhiên tính chất của sự phán đoán, sự đè nén vẫn còn. Cho nên ngay
trong giấc mộng mà chúng ta vẫn sợ. Tại vì người đứng trước mặt ta trong
giấc mộng, cũng có thể la rầy ta, có thể phê bình ta được. Nên ngay
trong mộng mà ta vẫn sợ bị la rầy, bị phê bình. Tuy nhiên cường độ nhẹ
hơn là khi chúng ta tỉnh. Ngã mà gọi là cái ngã có tính cách xét đoán,
đàn áp và đánh giá, nó thường thường có thể làm cho mình liên tưởng đến
siêu ngã của tâm lý học mới. Hai thứ này nó chống nhau, siêu ngã với cái
ngã này nó chống nhau. Cái này muốn thỏa mãn những ước muốn, những dục
vọng của mình, nó muốn có lạc, lạc tức là một trong năm thứ: thọ, khổ,
lạc, ưu, hỷ, xả. Khi siêu ngã nó dồn xuống, thì cái ý này nó phải chịu,
nhưng âm thầm ở trong đó có một sự chống lại. Nó chống lại vì những gì
mình ém xuống nó cũng tìm cách đẩy lui, chuyện đó thấy rất rõ. Trong tâm
lý học của Freud có nói tới một cái ngã gọi là ái ngã, không phải
ngã ái mà là ái ngã, ngã nầy nghĩ tới chuyện thỏa mãn những dục vọng.
Dục vọng này không hẳn là có nghĩa xấu đâu, nó là những ước muốn của
mình. Những ước muốn này nằm trong lòng của mạt-na. Còn nơi thức thứ sáu
thì nó cũng có cái ta, cái ta này biết điều hơn, tại vì nó xúc chạm với
sự thực khắt khe, tâm lý học gọi là cái ngã thực tế. Cái đó với cái này
đều cùng là ngã cả, nhưng hai thứ khác nhau.
Trước hết tuy nói rằng mạt-na này, ý này là tổng thể của những ước muốn,
trong đó có một cái gọi là bản năng tự tồn, nó cũng nằm ở trong đó. Ví
dụ khi mình đang đứng, có người phía sau tới vỗ vai khiến mình giật
mình, việc làm cho giật mình đó là do thức thứ bảy phát hiện ra như vậy.
Ý thức dùng mạt-na này làm căn cứ phát hiện, nên nó bị ảnh hưởng nặng nề
thức thứ bảy. Tuy nhiên mình cũng biết rằng, ý thức này không thể nào
tạo tác, hoạt động được nếu không có thân. Vì vậy nếu không có hệ thống
thần kinh, không có não bộ thì ý cũng không thể làm việc được. Nên ở đây
nhấn mạnh quá nhiều tới ý, làm căn cứ hoạt động của ý thức, nhưng quên
một phần là cái thân của mình. Thân của mình vốn là căn cứ phát sinh ra
tâm thức, cũng là căn cứ để phát sinh ra thức thứ sáu, tức là não bộ và
hệ thống thần kinh. Thành ra đó là một điều mà tôi nghĩ rằng phải thêm
vào trong Duy Thức Học. Tức là ý thức căn cứ vào mạt-na thức để phát
hiện, nhưng nó cũng căn cứ về sinh lý nữa và căn cứ sinh lý của nó là
não bộ và thần kinh. Đó là một điều mà chúng ta phải nhớ não bộ và thần
kinh và nó chỉ ảnh hưởng nhiều về não bộ và thần kinh. Những gì xảy ra
trong não bộ, trong những neuron và trong những dây thần kinh của mình,
đều có ảnh hưởng tới ý thức. Do đó không thể nào không đề cập đến, mà
không chỉ nói rằng căn cứ của nó là ái ngã mà thôi. Đó là một điều mà
chúng ta phải cống hiến thêm vào Duy Thức Học.
Nhưng mạt-na ý không chỉ là một căn cứ để phát sinh ra ý thức mà thôi,
chính nó cũng là một tác dụng nhận thức và tác dụng của nó trong Duy
Thức Học gọi là tư lượng. Một sự âm thầm và liên tục nắm lấy đối tượng
cho cái đó là ngã. Theo thầy Nhất Hạnh thì đối tượng đầu tiên của mạt-na
là cái thân. Tại vì quý vị có nhớ rằng, bốn phiền não lớn của mạt-na là
có ngã kiến không? Tất cả có năm loại tà kiến và tà kiến thứ nhất là cho
cái thân này là ngã, chúng ta thường gọi thân kiến phải không ? Vì thân
kiến biểu lộ cho chúng ta thấy rằng, mạt-na có nắm lấy cái thân làm đối
tượng cho nó là ngã, thân kiến mà. Cho nên thường thường trong khi học
Duy Thức, người ta nghĩ rằng ở đây đang nói chuyện thức, còn thân mình
là thuộc sắc pháp chứ không phải là thức. Điều đó nó phản lại với Duy
Thức rồi. Tại vì Duy Thức nói rằng thân này cũng là một biểu hiện của
thức a-lại-da, nó cũng từ chủng tử a-lại-da. Nếu nói rằng thân nắm lấy
a-lại-da da làm đối tượng, nhưng thân này cũng là a-lại-da, nó là một
cái vijnapti của a-lại-da, là một biểu hiện parinama của a-lại-da. Cho
nên theo tôi trước hết, nhưng không phải tất cả: Đối tượng của sự chấp
ngã là cái thân này, mạt-na nắm lấy thân này làm ngã.
Nhưng chúng ta đừng lẫn lộn, vì
chúng ta đã biết rằng, đối tượng của thức thứ bảy chỉ là đới chất
cảnh. Chỉ có thức thứ tám và năm thức đầu, cảnh của nó mới là tánh cảnh
mà thôi. Tánh cảnh tức là thế giới của tự thân, chỉ có năm giác quan đơn
thuần. Năm cảm giác đơn thuần tức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức,
thiệt thức, thân thức có thể đạt tới tánh cảnh, hay là a-lại-da thức
thôi. Khi thức thứ bảy nắm lấy cái thân này, thì nó nắm với tư cách là
một đới chất cảnh. Tại vì nó không phải như ý thức, ý thức đi ra với thế
giới qua năm cửa sổ này, trong trường hợp tánh cảnh thì ý thức cũng có
thể vươn tới tánh cảnh. Nhưng mạt-na đối tượng của nó là đới chất cảnh.
Thân của mình đây không phải là cái thân của tánh cảnh như trong trường
hợp sáu thức đầu, mà là một thân của đới chất cảnh, tức là một sự phát
hiện từ a-lại-da. Trước hết chúng ta phải thấy một đều rất đơn giản là,
thân này là cái ngã, đó là một điều rất đơn giản dễ hiểu, thân này là
cái ta. Cho nên hễ động tới thân này trước hết là động tới ta. Biết rằng
cái ta không phải là chỉ có cái thân này, cái ta còn lớn hơn nữa, nhưng
động vào cái thân này cũng động vào cái ta. Nên ngã kiến cho chúng ta
thấy rằng, cái thân vốn là đối tượng của thức. Nhưng cái thân đối với
thức thứ bảy, nó không giống cái thân đối với thức thứ sáu, hay năm thức
đầu. Tại vì tác dụng nhận thức của thức thứ bảy, là một tác dụng trực
giác bản năng. Vì vậy nó ôm lấy cái thân không giống như ý thức ôm, hay
năm thức đầu nó ôm; nó không giống như ý thức thấy hay là năm thức đầu
nó thấy, chẳng qua là một thức trực giác vậy thôi. Nó ôm lấy toàn thân
này làm một cái ngã, như là một trực giác âm thầm chứ không có sự phân
biệt. Cố nhiên thân phải có những cái gì thuộc về thân, ví dụ như sức
khỏe. Khi nói thân tôi là nói tới sức khỏe của tôi, sức khỏe của tôi phụ
thuộc vào thân tôi. Hay là đề cập đến nét đẹp của tôi và những gì có
dính líu tới thân tôi, những gì đang bảo vệ cho thân tôi được toàn vẹn
và đẹp đẽ. Như thế mạt-na cứ vươn tới lần và cho rằng cái đó là ngã. Ví
dụ như áo tôi, nhà tôi, vợ tôi, con tôi, ruộng của tôi, làng Hồng của
tôi, tất cả những thứ đó, từ gần tới xa đều dính vào cái tôi cả. Tại vì
cái ngã tham thành ra không bờ bến đối tượng của ngã, đối tượng của thức
thứ bảy không giới hạn. Nên biết rằng khi mình nói thân tôi, sức khỏe
tôi, sắc đẹp tôi, áo tôi, nhà tôi, những thứ này phải nhớ rằng nó là
biểu hiện của a-lại-da. Cộng đồng hay không cộng đồng, cộng biến hay là
tự biến. Thứ đến là những vốn liếng kinh nghiệm, tri thức, tình cảm v.v...
Ví
dụ như khi chúng ta thi đậu bằng tiến sĩ, thì cái bằng đó là bằng của
ta. Cái bằng là một mảnh giấy, nó cũng là một đối tượng của cái ngã. Cái
bằng là một trình độ tri thức, một cái mà người ta chấp nhận cho vào làm
sở hữu, thì đó cũng là một cái thuộc về ngã, một sở hữu của ngã. Cái mà
mình gọi là một cái, ví dụ như mình có thể làm đậu hủ được, khả năng đó
cũng là của tôi. Mấy thứ đó tôi coi là vốn hết cả, chính nhờ vốn đó mà
đi đâu tôi cũng sống được. Như vậy những cái đó cũng thuộc về của tôi,
nhưng cái đó đâu phải là vật chất, cái đó là một khả năng. Khả năng về
tri thức của mình, khả năng viết chữ của mình, những chủng tử về đẹp đẽ
mà mình đã chất chứa trong a-lại-da thức của mình; những kỷ niệm êm ái
nhẹ nhàng, tất cả những cái đó đều nằm trong vòng tay ôm của thức thứ
bảy. Và ở đây nó nhiều lắm, ví dụ như khi mình yêu, hay ghét một người
nào thì đối tượng của sự yêu ghét của mình, với hình ảnh đối tượng nằm ở
trong tánh cảnh với đối tượng trực tiếp của sự yêu ghét, hai thứ đó có
thể rất khác nhau. Đôi khi đối tượng đó không ở ngoài thực tại, mà mình
vẫn có thể yêu được như thường. Ví dụ như những người thuộc đạo Cơ Đốc
họ nói yêu Chúa, nhưng khái niệm về Chúa rất mơ hồ. Hay đôi khi mình
chưa có con, nhưng nghe nói mình sẽ có một đứa con, thì mình đã bắt đầu
thấy yêu rồi, dầu mình chưa có mang, nhưng đã thấy có một thứ cảm tình
nào đó rồi, có phải như vậy không ? Thành ra đối tượng của sự thương yêu
đó, đôi khi mình sáng tạo ra bởi những độc ảnh ở trong tâm lý của mình.
Khi mình yêu một người khác đang sống chung với mình, cũng chưa hẳn mình
yêu người đó, có thể mình đang yêu một bóng dáng mà mình tạo ra về người
đó. Cho nên có khi mình thất tình là vì vậy. Có khi mình thấy rõ ràng
người đó với bóng dáng của người mình yêu, hai thứ không dính dáng gì
tới nhau cả. Nên hiện tượng thất tình là do chỗ mình không biết rằng,
đối tượng của thức thứ bảy với thực tại ở trong tánh cảnh, hai thứ nó
không dính líu gì tới nhau: Ta còn đang luyến mộng. Yêu bóng người vẫn
vơ. Rồi khi yêu như vậy mệt quá, thành ra: Làm sao giết được người
trong mộng, như lời thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Danh tiếng cũng là cái ngã của chúng ta, cũng như quyền lợi của chúng
ta, ai động tới tức là động tới ngã của ta. Thành ra tất cả những hạt
giống nào trong tiềm thức của chúng ta mà thuộc về phạm vi tình cảm, về
phạm vi lý trí, về phạm vi kinh nghiệm, những gì chúng ta thấy có thể
nhờ nó để bảo vệ được con người của ta, tạo cho chúng ta càng nhiều lạc
thú. Những thứ ấy đều nằm ở trong đối tượng của chấp ngã. Theo thầy Nhất
Hạnh : kiến phần của thức thứ bảy tức là ngã, mà tướng phần của nó tức
là ngã sở, tất cả những thứ này đều là ngã sở, cái thuộc về ta, những gì
mà ta cho thuộc về của ta. Và tác dụng của cái đó là ngã, còn đối tượng
của nó là ngã sở. Lâu nay các thầy không cắt nghĩa như vậy. Nhưng quý vị
học là phải suy nghiệm, xem thử tôi nói có đúng với kinh nghiệm của mình
hay không, và nên đem các vị đại luận sư khác ra để so sánh, xem thử
điều đó khác với các ngài như thế nào, và ở đây có những đóng góp nào
mới hay không. Cố nhiên tự thể phần này chẳng qua là một với hai phần
kia, nó là tự thể thôi.
Theo nguyên tắc thì những cái này thuộc về tánh cảnh, đồng thời cũng
thuộc về độc ảnh, tất cả những kinh nghiệm ở trong a-lại-da thức của
chúng ta đều là độc ảnh. Thế nhưng khi nó trở thành đối tượng của thức
thứ bảy, thì nó đều trở thành đới chất cảnh hết. Nói cho rõ, đới chất
cảnh là đối tượng của thức thứ bảy, chân đới chất, tâm duyên tâm. Tôi
nói lại một lần nữa : kiến phần tức là chủ thể nhận thức của thức thứ
bảy, vốn là ngã và đối tượng của nó ôm là ngã sở, hai thứ đó không có
thể rời nhau được, có cái nầy là phải có cái kia. Thành ra không thể nói
ngã là một cái gì riêng biệt với ngã sở, đây là một điều mới ở trong
Phật học. Trong Phật học các thầy lâu nay chưa nói rõ như vậy.
Chúng ta nhớ rằng trong bản văn này, chúng ta chỉ thấy một cách rõ ràng
là thức thứ bảy cộng tác với chín tâm sở thôi. Tứ phiền não thường câu
vị: ngã si, ngã kiến tịnh, ngã mạn, ngã ái. Bốn cái được gọi tên rõ ràng
và cố nhiên là có năm biến hành nữa. Năm biến hành xúc, tác ý, thọ,
tưởng, tư đó là chín cái chính thức. Còn những cái khác nữa là tùy theo
mình định đoạt, vì vậy cho nên các vị đại luận sư họ không đồng ý với
nhau là ngoài 9 cái đó ra, thì không biết thức thứ bảy còn cộng tác với
những tâm sở nào khác nữa. Có người nói rằng chỉ cộng tác với chín cái
thôi. Có người nói là cộng tác với mười lăm cái. Có người nói mười chín
cái, có người nói hai mươi bốn cái. Thầy Hộ Pháp tức là sư ông của thầy
Huyền Trang thì nói là mười tám cái. Tất cả các thầy ở bên Nhật, bên Tàu
và ở Việt Nam đều nói mười tám theo sư ông của thầy Huyền Trang. Bây giờ
chúng ta nên xét lại một chút, chúng ta phải sử dụng sự thông minh của
mình. Trong này có câu: Tứ phiền não thường câu vị: ngã si, ngã kiến
tịnh, ngã mạn, ngã ái, cập dư xúc đẳng câu. Cập dư xúc đẳng câu, cập
là và, bốn phiền não rồi nhưng và những cái khác, dư là những cái khác.
Chính chữ đó là cái đầu mối tranh luận của các thầy. Những cái khác này
là những cái khác nào ? Trong đó luận chủ tức là thầy Vasbandhu chỉ nói
tới năm cái thôi : xúc đẳng tức là xúc v.v.., đẳng là v.v..., tức là xúc, tác
ý, thọ, tưởng, tư và chữ dư này nó mở cửa của chúng ta và đó là bổn phận
của mình, phải cho con người của thời đại biết rằng, thức thứ bảy cộng
tác với những tâm sở nào. Trước hết mình phải duyệt lại ý kiến của các
thầy, đã được thầy Huyền Trang ghi lại trong tác phẩm Thành Duy Thức
Luận và mình phải dùng tâm lý, nhận xét để đưa ý kiến của mình ra, và
tôi đã làm công việc đó. Trong các thầy có một thầy nói rằng: Về ngũ thọ
tức là khổ thọ, lạc thọ, ưu thọ, hỷ thọ, xả thọ. Đặc biệt thầy đó nói
rằng thức thứ bảy chỉ đi theo lạc thọ thôi, rất giống với tâm lý học Tây
phương. Thức thứ bảy chỉ có lạc thọ thôi tức là chỉ có desire và sự thực
hiện thỏa mãn cái desire đó thôi, có một thầy nói như vậy. Còn có thầy
khác nói rằng, chỉ có xả thọ và có nhiều thầy nói có bốn thọ. Điều đó
cũng cần phải lên tiếng, phải suy luận, phải học hỏi và phải thực chứng
bằng tâm lý của mình rằng, chỉ có ái thọ và lạc thọ thôi.
Cố nhiên là mạt-na được định nghĩa như bản năng sinh tồn của chúng ta và
bản năng sinh tồn trước hết là của thân thể, rồi đến sự sinh tồn của tâm
lý. Tại vì tâm lý mà không đàng hoàng thì mình cũng chết, mình tự tử
liền. Tâm lý không ổn thì mình cũng chết, không phải chỉ có sinh lý
không ổn là mình chết thôi đâu. Cho nên mạt-na là một bản năng sinh tồn,
nó không có tác dụng tư duy như thức thứ sáu là ý thức, nhưng vai trò
của nó rất lớn. Trong Duy Thức học thầy Thế Thân nói rằng: Mạt-na không
phải thiện cũng không phải ác, nó thuộc vô ký, vì nó như là một kết quả
vậy. Nên tất cả những tâm sở khác dầu là tâm sở ngã si, ngã mạn, ngã ái
đều là phiền não tâm sở. Nhưng khi đi vào trong đó thì nó vẫn vô ký như
thường, vì nó không có tính cách quyết định là mình muốn thiện hay muốn
ác. Nó là bản năng ôm lấy và cho là ngã, nó chỉ là hữu phú thôi. Trước
hết nó là bản năng sinh tồn, bản năng tự tồn cho nên nó làm tất cả để có
thể gìn giữ thân và tâm này. Nhưng nó làm không phải như là ý thức làm,
nó làm theo trực tiếp của nó. Ví dụ như hồi nãy tôi nói về sự giật mình.
Khi mình đang ngủ mà có người đánh thức, thì chính anh chàng mạt-na thức
dậy trước và làm phát khởi ý thức ra sau. Đôi khi thức dậy rồi vẫn chưa
biết ai gọi mình, rồi mở mắt ra hỏi ai đó, lúc ấy mới biết là anh chàng
đó đánh thức mình dậy. Vì bản năng tự tồn như thế này, cho nên mạt-na có
những tác dụng rất tức cười.
Chúng ta thấy ở trong tâm sở, có tâm sở thất niệm mà có một số các thầy
nghĩ rằng, mạt-na làm sao có thất niệm được. Thất niệm là không có ý
thức, thất niệm là ngược lại với chánh niệm. Nhưng có thầy nói mạt-na có
đi theo với thất niệm. Mạt-na có đặc tính như thế này, mạt-na không muốn
chịu đựng đau khổ, vì nó nghĩ rằng muốn sinh tồn thì phải có sự an lạc
thoải mái, đau khổ nhiều quá thì chết. Cho nên mạt-na luôn luôn tìm cách
thoát khỏi đau khổ, cho nên khi ý thức mạt-na có sự ước muốn nào đó, mà
ước muốn đó bị ý thức đè xuống, bị siêu ngã đè xuống thì mạt-na đau và
chịu không nỗi. Cho nên mạt-na không phải chỉ là lạc thọ, nó hướng tới
lạc thọ nhưng có thể có khổ thọ. Vì vậy mạt-na có khuynh hướng quên sự
khổ đau đó đi. Và chúng ta biết rằng, con người nếu không quên thì không
sống được, chính mạt-na là động lực khiến cho mình quên đi. Đôi khi mình
muốn quên mà mình vẫn nhớ, không quên được. Thì động lực làm cho mình có
thể quên được là mạt-na. Nếu một người thân của mình như là bố hay mẹ
mình mất thì trong những ngày đầu mình đau khổ lắm, nhưng nếu khổ đau đó
kéo dài tháng này sang tháng khác như vậy, thì chắc chắn mình sẽ chết.
Cho nên bản năng tự tồn của mình tìm cách loại khổ đau ra khỏi vùng, gọi
là vùng vô thức. Tức là nó tạo ra một sự quên lãng và chính nhờ sự quên
lãng đó mà mình sống được.
Bản năng tự tồn có nhiệm vụ truyền tống khổ đau vào thức thứ tám, tạo
nên sự lãng quên. Cho nên thức thứ bảy còn có một tên khác nữa là truyền-tống thức. Truyền-tống giống như phát thư ở nhà mình vậy, ông phát thư
tới nhận thư của mình đem đi và đến khi thư tới cho mình, ông cũng đem
tới gọi là truyền-tống thức. Ông phát thư thì làm việc một cách rất vô
tư, nhưng mạt-na thức này nó không vô tư. Nó chỉ truyền-tống những cái
mà nó thích thôi, còn những cái nó không thích thì nó tống chứ không có
truyền gì hết, nó chỉ tống ra ngoài. Ví dụ như ý thức cần một cái gì
trong này thì ý thức đi xuống tìm kiếm và nhiều khi ra lệnh cho mạt-na
kiếm dùm. Nhưng mạt-na thì những gì không thích nó không đi tìm kiếm
đâu. Tại vì tìm kiếm thì nó đau, vì vậy nên trong con người có những cơ
chế tự vệ, cái đó nằm ở trong thức thứ bảy. Và chính cơ chế tự vệ đó làm
cho mình quên đi đau khổ, nhờ vậy mình mới sống được, còn nếu nhớ thì
chắc chết.
Nhưng sự thật không phải đơn giản như vậy, những cái mà mình muốn đẩy ra
ngoài, thì nó lại đẩy vào trong vùng tối đen của tiềm thức, nó vẫn còn
đó gọi là những gì bị đè nén, bị ẩn ức. Những cái đó thỉnh thoảng nó tìm
cách để đi ra trở lại, vào những lúc bất ngờ nhất, nó đi ra trở lại mà
không có sự đồng ý của ý thức. Nó như du kích len lỏi và phát hiện ra,
cái đó trong tâm lý học gọi là sự trở về của cái bị ẩn ức.
Sự
trở về của ẩn ức
Ví dụ như hôm nọ mình nói chuyện về một cô gái muốn đi lấy chồng, nhưng
bà mẹ thấy con gái đi lấy chồng thì mình sẽ bơ vơ quá. Khi đó tiềm thức
mới làm cho bà biểu lộ sự khổ đau, đau một cách tự nhiên như vậy thôi.
Cố ý để cho con gái ở lại với bà, nếu cô con gái có hiếu thì sẽ ở lại
với bà. Cho dù cô con gái ở lại với bà vì lòng hiếu, nhưng kỳ thực có đè
nén sự ước muốn bỏ mẹ đi lấy chồng. Cho nên có một bữa cô con gái hầu
nước cho mẹ, vô ý để cái ly hơi mạnh một chút, thì đó gọi là sự trở về
của ẩn ức. Nếu là người tu hay bác sĩ phân tâm học, thì phải nắm lấy đầu
dây mối nhợ đó để kéo và tìm cho ra trạng thái ẩn ức trong tâm. Đưa
trạng thái nầy về được rồi, thì ý thức làm việc mới có thể làm nhẹ nó đi
được.
Chứ nó còn đó mà mình cố quên thì nó vẫn còn đó như thường.
Có một bữa tôi thấy một cô bé ở một mình trong nhà thương, nó bị mổ
amidan nhưng má nó bận rộn nên không vào chăm sóc được. Chắc đời sống
của bà bận rộn lắm, thành ra gởi con vào nhà thương rồi giao cho bác sĩ
và y tá thôi. Vì vậy nên đứa con gái mới sáu tuổi phải ở một mình trong
nhà thương cả tuần lễ. Dĩ nhiên nó buồn lắm và nhất là trong những lúc
thập tử nhất sinh, không có mẹ thì nó rất là đau. Và nó cố gắng để quên
niềm đau đó. Nó nói chuyện với những cô y tá hay những người bệnh nhân
khác, nó tìm cách nhờ cơ chế gọi là tự vệ khiến nó làm đủ cách để quên
sự việc đó đi. Quên chuyện mẹ bỏ mình trong lúc như thế này, vì một em
bé năm sáu tuổi rất là mong manh. Trong thời gian đó nó gặp một người,
người đó thấy nó tội nghiệp nên làm bạn, nói chuyện, an ủi, dắt nó đi
chơi thành ra đỡ cho nó lắm, nó có một người bạn. Một bữa khác mẹ nó vào
nhà thương, gặp mẹ nó không còn nhìn mặt mẹ nữa. Thường thì mình nuôi
một con chó và mình đi khỏi nhà năm bảy ngày, khi trở về con chó quẩy
đuôi mừng ghê lắm, nhưng em bé là một con người nên khác với một con
chó. Bà mẹ lại vô tình, thấy con lạnh lùng với mình, cứ nghĩ là đứa con
bị sao đó nên xoay qua ngồi nói chuyện với các cô y tá, với những người
bệnh khác. Trong lúc đó em bé nằm ngửa nhìn lên trần nhà và cảm giác rất
đau khổ.
Khi ấy có một ông bệnh nhân kế đó thấy vậy, ông chịu đựng không nổi nên
ông tới vuốt tóc và an ủi nó. Ông nói với nó sao con khổ quá vậy, ở một
mình trong nhà thương không có má thiệt là khổ, rồi ông lặp lại câu đó
hai ba lần. Khi nó nghe tới lần thứ ba thì nó òa lên khóc, khóc như mưa
như gió. Lúc ấy bà mẹ mới đứng dậy trừng ông kia và nói tất cả là lỗi
tại ông đó, ông làm cho nó khóc như vậy nó sẽ khan cổ mấy ngày chưa hết,
thì ông kia cười rồi bỏ đi. Sau đó hai mẹ con ôm nhau và nó thổn thức,
nó khóc một thời gian với mẹ nó, rốt cuộc hai mẹ con đưa nhau đi chơi
hành lang rất là sung sướng. Khi phân tích sự việc nầy chúng ta thấy
trong thời gian bảy ngày, hay mười ngày cô bé không có mẹ nên nó đau khổ
lắm, đau về sự mổ thì ít, vì mổ có thuốc mê đâu có đau mấy. Nhưng chính
sự cô đơn lạnh lẽo, sự buồn tủi đó làm cho nó đau và sợ. Cho nên cơ chế
tự vệ nó tạo thành cái giận, vì nó biết nếu thương mẹ thì càng thương
càng khổ, thương mẹ và dính vào mẹ thì còn khổ đau nhiều hơn nữa. Thành
ra giận lẩy mẹ không phải là cái giận thường đâu, vì trong đó động lực
của thức thứ bảy và cách thức của nó làm như vậy. Tức là làm như vậy để
mẹ bỏ đi bảy ngày nữa thì mình ít khổ hơn. Điều nầy loan báo một thông
điệp rằng con không cần mẹ nữa, nó muốn nói như vậy nhưng nó không nói.
Giận không thèm nói chuyện với mẹ tức là con không cần mẹ nữa, mẹ làm
cho con khổ quá rồi, còn cần mẹ thì con sẽ khổ nữa, đó là sự lý luận của
bộ phận cơ chế tự vệ. Nó khác với con chó ở chỗ đó, con chó thì không
như vậy, con chó nó chỉ mừng thôi, nhưng đứa con nít thì khác.
Trong tình trạng đó, ông kia nằm nhà thương và ông biết hết, ông biết
rằng nếu ẩn dấu trong tiềm thức, không đưa ra được thì nó còn khổ nữa.
Nên ông mới vuốt tóc nó, ông nói đúng rồi, nằm nhà thương mười ngày mà
không có mẹ là khổ lắm. Nói đúng vào chỗ đó cho nên tất cả những gì bị
đẩy ra ngoài rồi nó trở về được, sẽ đưa lên ý thức cho nên nó mới bật ra
tiếng khóc, và đó là sự trị liệu, đó là chìa khóa mở ra. Khi nó đã khóc
òa rồi thì mới cảm thấy nhẹ đi và nó chịu ôm mẹ, chứ còn không thì cơn
giận kia vẫn còn. Thành ra hai vợ chồng cũng vậy, khi chồng đi xa nhà
lâu ngày người vợ ở nhà làm gì cũng cảm thấy đau khổ, và khi người kia
về thì người vợ đâm ra lạnh lùng. Thành người kia phải biết, đây không
phải là một cơn giận thường, cái này là do một cơ chế tự vệ hành động.
Nên mình phải hiểu cho người đó, phải lập tức nói rằng: anh đi khỏi nhà
tội nghiệp em quá, anh hối hận vô cùng. Phải nói ngay để phá vỡ hàng rào
kia, nếu nói là : mắc mớ chi mà giận, giận cho giận luôn. Như vậy thì
hỏng.
Ở Tây phương có chuyện con cáo đi vào trong ngôi nhà, thấy một chùm nho
trên bức tường rất ngon, nó thèm lắm vì đang đói, nó muốn ăn chùm nho
nhưng không thể nào leo lên tới chỗ đó được. Rồi con cáo đó bỏ đi, nó
nói nho chưa chín, đồ nho sống không thèm. Nên khi có dục vọng, có ước
muốn mà không thỏa mãn được thì mình đau trong lòng. Đây là câu truyện
có thiệt với tất cả mọi người của mình, khi một điều gì mà mình muốn
nhưng không có được thì làm cho mình đau. Cho nên cơ chế tự vệ của mình
muốn thoát cho bên kia một cái, nhưng cái kia không có để cho mình đỡ
khổ. Ví dụ mình yêu một người nào đó, nhưng người ta không đáp lại tình
yêu của mình, một hồi thì mình sẽ nói xấu người đó, sẽ cho người đó
trông bề ngoài vậy nhưng trong toàn là hiểm độc, xấu xa, nhỏ mọn v.v...
Quý vị có nhớ chuyện ngày xưa Bụt ở tại Kosambi, có một người con gái
yêu Bụt không ? Cô ta rất giàu, rất đẹp, hai cha con tới và cứ nghĩ rằng
với tài sản, danh tiếng của mình thế nào Bụt cũng chấp nhận và cô đó đòi
Bụt một sự tiếp đãi đặc biệt. Nhưng Bụt đâu có thể đáp ứng chuyện đó
được, Bụt chỉ tiếp cô đó như bình thường thôi và vì vậy cho nên cô ta
giận. Cô đau khổ lắm, vì cô thương Bụt theo kiểu đó mà Bụt không thương
lại. Cho nên nỗi đau đó biến thương thành ghét. Thường thường là như
vậy, phải ghét mới bớt đau, còn tiếp tục thương thì còn đau. Cho nên
phải tìm cách để ghét, cũng như cho là đồ chùm nho đó không đáng để mình
ăn, còn non lắm. Đối với chùm nho thì không có nguy hiểm gì cả, tại vì
chùm nho không biết giận. Nhưng người kia mà mình nói như vậy thì họ sẽ
giận và cái vòng lẩn quẩn luân hồi giận nhau, giết nhau là từ chỗ đó mà
ra. Cái đó là từ cơ chế tự vệ của mình mà sinh ra cả. Cô gái đó tiếp tục
giận Bụt cho đến nỗi thù Bụt và sau đó thì cô được tuyển vào làm thứ hậu
của ông vua. Cô đã dùng mọi cách để làm khó Bụt, nên khi thấy trong cung
có một đệ tử của Bụt, cô ta tìm cách hành hạ người đó khổ vô cùng. Rồi
cô ta làm bằng mọi cách để cho những làng xã, những quận mà Bụt và giáo
đoàn tới thuyết pháp và hành đạo, chỗ nào cũng làm khó khăn cho Bụt. Cô
ta cho người đi chửi mắng, cho người đi nói xấu Bụt trong suốt một thời
gian dài. Thấy vậy ngài Anan mới nói : lạy Bụt, mình ở đây làm chi cho
cực vậy, sao mình không đi hành đạo chỗ khác. Khi đó Bụt hỏi là bây giờ
thầy muốn chúng ta đi đâu? Thầy nói đi đâu cũng được hết, miễn là rời
khỏi chỗ này thôi. Bụt lại hỏi: Nhưng tới chỗ đó cũng bị như vậy nữa thì
làm sao? Rồi Bụt giải thích: Này Anan, mình phải ở ngay tại đây và mình
phải hành hóa ngay tại đây, mình phải vượt thắng được những cái khó khăn
ngay tại chỗ này. Tình trạng nầy cho thấy ngài Anan muốn chạy trốn khổ
đau, còn Bụt lại muốn đối diện khổ đau và chuyển hóa tình trạng.
Cho nên sự trở về của ẩn ức nó làm hại ghê lắm, cái giận của đứa con gái
đối với mẹ, có thể làm cho hai mẹ con càng ngày càng giận thêm. Cho nên
chữa trị càng sớm chừng nào thì tốt chừng đó.
Có một chuyện khác là, người đàn bà đi đâu về thấy đứa con gái đi cầu,
rồi làm sao dính tùm lum quét ra tường nhiều quá, bà thấy vậy và cảm
thấy khổ đau lắm. Tại vì nhà của mình bị con bôi phân lên hôi hám như
vậy, nhưng bà biết đây là con của mình nên bà ráng chịu, tức là đè nén
cái giận xuống. Bà ngồi lấy nước xà phòng rữa hết tất cả những vết nhơ
cứt bẩn của con trên tường, mà không la mắng con một tiếng nào hết.
Nhưng cố nhiên không có nụ cười tươi lắm vì lúc đó bà cảm thấy khổ, ngồi
rửa hết những vết phân cũng khổ lắm chứ, làm sao cười cho được, không la
con đã may, đã giỏi lắm rồi. Một dịp khác, bữa sáng hai mẹ con cười nói
với nhau như thường lệ. Nhưng đến bửa trưa trong khi ăn cơm, đứa con vô
tình làm đổ chai xì dầu xuống bàn, bà đứng dậy đánh nó. Bà tát tai nó vì
chai xì dầu đổ ra trên bàn, mặc dầu chuyện nầy có thể xẩy ra đối với bất
cứ ai, vì đó chỉ là vô ý. Như vậy mình cắt nghĩa như thế nào? Mình cắt
nghĩa là ngày hôm qua bà dồn nén, nhưng sự dồn nén đó còn ở trong tiềm
thức của mình, sáng hôm nay khi con lỡ tay đánh rớt chai xì dầu, nhưng
sự việc hôm qua đầy tràn quá thành ra những giọt xì dầu trên bàn lại trở
thành những vết phân ở trên tường. Và chỉ cần một giọt xì dầu thôi là đủ
để bà đứng dậy đánh con, vì sức chịu đựng của bà chỉ tới như vậy thôi.
Và đứa con không thể nào hiểu được, hôm qua tại sao mình làm hơn như vậy
mẹ không nói gì hết, sao sáng hôm nay mình làm như vậy mà bị mẹ đánh. Kỳ
thực là bà mẹ phạt cái tội hôm qua chứ không phải phạt cái tội hôm nay.
Và bà mẹ làm như vậy là vì sự trở về của ẩn ức nó hùng hậu quá.
Xem tiếp...
Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính
là con đường (Thích Nhất Hạnh) |
|

...
Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết
triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây
niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong
những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực
tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn
nhất của thời đại chúng ta.
Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy
được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng
hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ
nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu
nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng
bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.
Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...)
Tuy là lớn lên và sống
trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy
Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang
xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp
thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng
bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có
thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ
hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang
nuôi dưỡng chiến tranh.
Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự
thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết
cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng:
“Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những
người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những
người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù
của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam,
là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.
Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển
hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến
tranh Việt Nam. (...)
Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang
hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò
quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu
cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn
toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào,
một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật
giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp
môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải
là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các
nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc
thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới,
tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu
hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên
hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh.
Trích dịch từ :
Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the
suffering of the Vietnam War
By
Pankaj Mishra
TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES
|