.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi !
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày


 

 

 Thiền sư Thích Nhất Hạnh

DUY THỨC HỌC

1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30

  • PSN - 6.2.2010 - Pháp thoại của Sư ông Làng Mai trong mùa An cư kiết đông 1989 - 1990
    Chân Thuyên & Chính Bình
    phiên tả
    Chân Tịnh Không & Chân Tịnh Lạc
    biên tập,
    Chân Đức & Chân Minh hiệu đính.

8.

Vài phương pháp để tạm qua cơn điên

Hôm trước tôi có nói về những phương pháp làm cho người ta bớt điên, trong đó có phương pháp đánh gối. Phương pháp này cũng có ích lợi, nhưng chỉ có ích lợi một cách tạm thời thôi. Nó đỡ ngạt lúc đó, nó giúp tiết ra năng lượng của cái giận hay là của cái bực tức. Có nghĩa là đôi khi nếu bí quá, chúng ta có thể sử dụng phương pháp đó được. Còn phương pháp kia của thầy Sansonin ở Florida Zen Center là bắt các thiền sinh phải lạy mỗi ngày cả ngàn lạy. Thường thường chúng ta lạy sám hối là một trăm lẻ tám lạy, lạy hồng danh là trong khoảng đó. Nhưng thầy Samsonim bắt thiền sinh phải lạy mười lần như vậy, tức là vào khoảng một ngàn tám mươi lạy. Thành ra khi một ngày phải lạy nhiều như vậy, họ phải chia những thời lạy ra làm nhiều thời, và trong khi lạy phải dùng hết tất cả thân và tâm để hướng về chuyện sám hối. Vì vậy năng lực được tiết vào trong đó, thành ra đỡ điên. Cho nên có nhiều người rất thích thầy Samsonim. Nó có ích lợi thật, nó không giải quyết được căn bản của vấn đề nhưng nó làm cho đỡ ngạt. Nghe nói rằng trong tập thể đó, có một vị mạnh thường quân cho thiền viện rất nhiều tiền, có khi cho cả mấy trăm ngàn. Nhưng ông đó cũng điên lắm. Có những lúc ông điên quá, ông cầm dao chạy rượt mọi người. Nhưng nhờ phương pháp của thầy Samsonim, những lúc điên và bắt buộc phải lạy như vậy, nó làm giảm thiểu chuyện điên đi. Tức là năng lượng của cái điên được tiết ra, nhờ vào những phương pháp như lạy xuống, thở và đọc kinh... Chúng ta đừng vội vàng chê phương pháp đó là sai, tuy sai vậy nhưng nó có thể giúp được một số người. Có khi mê tín dị đoan cũng có thể giúp được một số người. Ví dụ như con mình bị nóng sốt, mình cuống lên và chưa biết làm gì vì không có bác sĩ. Mình tới gốc đa, tới miễu thánh mình lạy xin nước lạnh của ông thầy phù thủy về cho con uống, đôi khi trong tâm nó an lại, thánh thần phò hộ nó an lại. Khi cái tâm an lại thì mình có thể sáng suốt hơn. Thành ra những cái đó tuy là mê tín dị đoan, nhưng nó cũng có tác dụng tâm lý. Chúng ta là người học Bụt, chúng ta phải có thái độ cởi mở. Chúng ta thấy được giá trị của những lối thực tập khác, chúng ta tìm hiểu chứ không lên án một cách quá rạch ròi.

Có những khóa tu rất cực khổ, thức dậy từ lúc bốn năm giờ để ngồi thiền, rồi phải chấp tác. Ngồi thiền luôn một ngày mười giờ, mười hai giờ, có khi ngồi luôn cả hai chục giờ. Những thiền sinh cũng khổ đau lắm, tại vì ngồi nhiều làm đau chân, đau chịu không thấu, đau như ở dưới địa ngục vậy mà không được đi ngủ, làm luôn như vậy trong bảy ngày, mười ngày. Nhất là người Nhật có những khóa tu như vậy và có rất nhiều người đi tu. Có thể là họ cảm thấy rất đau khổ trong khi làm những việc như vậy, nhưng tất cả những đau nhức khó chịu đó thay thế cho niềm đau ở trong tâm, cái điên nó không còn nữa, cái điên nó được biến chất trong những cái đau khổ kia. Ngồi như vậy làm chân đau quá mà không dám thay đổi chân, bởi vì thay đổi chân sẽ bị đánh. Luật ở thiền viện là sẽ bị đánh một phát rất mạnh trên vai. Ngồi đó lo cho cái chân đau, và khổ đau vì cái chân nên chuyện điên loạn kia không có cơ hội để phát hiện. Chúng ta phải thấy giá trị của những lối thực tập đó. Thời này có nhiều người điên loạn lắm, nhất là ở Tây phương. Thành ra pháp môn gọi là đánh gối, hoặc là đánh cột nhà, hoặc là lạy một ngàn lạy, hoặc là theo những khóa tu rất cực khổ, rất là nặng nhọc như vậy cũng có ích lợi.

Ở Việt Nam cũng có một cách là liệng chén bát khi giận vợ giận con. Đánh vợ đánh con thì hơi nguy, thành ra mình cứ lấy chén bát liệng xuống kêu cái rầm. Bể bình bông, bể hết bát chén, nhờ vậy nó làm hả cái giận của mình. Nhưng cách đó hơi tốn, thành ra các bà từ đó về sau đi mua đồ bằng plastic để cho đừng có bể chén bể đĩa. Cái đó không phải là riêng của Việt Nam đâu, ở bên này cũng có, chỗ nào cũng có cái kiểu đó. Nó có nhiều cách để tiết hận, nhưng cái cách tiết hận hay nhất là ra làm lao động, có lẽ vì vậy mà chính quyền xã hội bắt người ta đi làm lao động quá trời, để người ta không có thời gian nghĩ tới chuyện chống đối này nọ. Đó là thiền cả, thiền do Đảng thiết kế.


Nội kết - kết sử

Nói về câu chuyện Trương Chi và Mị Nương. Khi anh chàng Trương Chi được diện kiến Mỵ Nương rồI, hình ảnh của Mỵ Nương rơi vào a-lại-da của Trương Chi và từ đó về sau anh ta thương cô nàng. Nhưng anh đâu có hy vọng gì để cưới được con của quan thừa tướng, vì vậy cho nên anh mang cái nội kết đó đi theo. Tiếng hát của anh càng não nùng hơn, càng hay hơn, nhưng chất tuyệt vọng càng ngày càng nhiều. Thành thử khi anh chết rồi nó thành một khối nội kết. Cái nội kết đó đến khi thiêu nó vẫn còn một khối. Thời đó người Việt đang theo tục lệ Ấn Độ, chết rồi thì thiêu. Thiêu xong thì trái tim hay là cái khối nội kết đó vẫn còn, và người ta đã tạc ra một chén trà rất đẹp bằng cái ngọc nội kết đó. Sau khi người ta đem dâng lên ông quan thừa tướng, chén trà được để vào trong phòng cho Mỵ Nương uống trà. Giọt nước mắt của Mỵ Nương rơi xuống cái chén đó, làm cái chén tan vỡ. Chúng ta nói là tình thương của người thiếu nữ có thể làm tan cái nội kết ở nơi anh chàng Trương Chi. Nhưng đó là một biểu tượng thôi. Hình bóng người chèo đò hiện ra trong đáy chén, hình bóng đó cũng từ thức a-lại-da của cô nàng mà ra.

Trong a-lại-da của chúng ta không phải chỉ có những cái ẩn ức về sinh lý như là Freud nói. Không chỉ là có la sexe mà thôi, nó còn có những cái khác nữa, nó còn có nhiều cái nội kết nữa. Tình yêu là một nội kết, tại vì một chàng với một nàng ở trong trường trung học khi yêu nhau thì không còn làm ăn gì được nữa, học hành không được nữa. Những thất vọng, những khổ đau đều trở thành nội kết. Nội kết là một danh từ tôi lượm được ở trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm. Nhưng đó là danh từ dùng trong tụng bản thứ hai, tức là tụng bản Niệm xứ kinh trong Trung A Hàm. Bản chữ Hán trong kinh Trung A Hàm dịch là nội kết, tức là những cái đóng cục bên trong. Khi so ra tiếng Phạn là samyojana, có chỗ dịch là kết sử. Chữ sử có nghĩa là nó điều khiển mình, nó sai sử mình, nó trói buộc mình. Vì vậy chữ kết sử này người Tây phương thường hay dịch là fetters, tức là những cái dây ràng buộc. Kết tức là nó tới với nhau, nó đóng lại và nó sai sử.

 
Cửu kết

Trong tự điển Phật học có nói tới chín cái kết sử, gọi là cửu kết, phân biệt ra chín loại kết:

- Loại đầu là ái kết, ái tức là yêu, nhưng yêu ở đây không theo cái nghĩa là từ bi, yêu có vẻ chiếm cứ là ái kết. Kế đến là ái dục, nó có cả sinh lý và tâm lý. Chúng ta nên biết rằng học Bụt là phải làm quen với ý niệm: sinh lý với tâm lý là một. Nếu cái gọi là ẩn ức của Freud nằm ở trong này, không phải khi lớn chúng ta mới có cái đó. Khi còn nhỏ xíu, còn trứng nước chúng ta đã có cái đó rồi, khi nút vú mẹ đã có cái đó rồi. Khi bị rứt ra là bắt đầu có sự bất bình, có sự khổ đau, có sự thất vọng.

- Thứ hai là nhuế, tức là sân nhuế, tức là một mối giận hờn, thù hận. Nhuế gồm hai chữ thổ và chữ tâm. Cái trái tim bị đổ đất lên đè nặng xuống hai ba lần.

- Ba là mạn kết, mạn tức là cho mình là quan trọng hơn hết, giỏi hơn hết, đẹp hơn hết.

- Bốn là si kết, chữ si trong ngôn ngữ thông thường có nghĩa là trồng cây si, nhưng cái nghĩa trong này thiếu sự hiểu biết, mờ ám. Tức là sự ngu dốt của mình là một cái cục nội kết nó che hết. Vì vậy cho nên tu là một quá trình đập vỡ cái nội kết của si. Tại vì si có trách nhiệm về mấy cái khác, cái si tan thì mấy cái khác cũng tan. Ví dụ như cái sân là do si mà ra, si là vô minh. Thành ra tình si cũng có nghĩa vô minh ở trong đó, nhưng si tình còn có nghĩa là bám vào, không nhả ra. Ở đây si kết có nghĩa là không hiểu được sự thật, không thấy được sự thật.

- Năm là nghi kết, khi có nghi ngờ trong tâm rồi thì nó là một cái cục rất là lớn. Nghi một cái là nguy lắm, chẳng làm ăn gì được. Cái liên hệ của mình đối với người kia bị phá hỏng tại vì có cái tâm nghi ở trong đó.

- Sáu là kiến kết, kiến là cái thấy, một cái thấy lầm lạc, một cái thấy sai lầm, một thành kiến, một định kiến. Tức là mình đã hiểu như vậy, đã thấy như vậy rồi thành ra mình không thể thấy và hiểu cách khác được nữa, và cái đó rất là nguy hiểm.

Chúng ta đã biết có năm kiến là: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến và giới cấm thủ kiến. Giới cấm thủ kiến tức là những điều mình kiêng cử, những nghi lễ cũng thuộc về giới cấm thủ. Ví dụ như phải tôn trọng con bò chẳng hạn, đó là một thứ nghi lễ. Ví dụ như là Nam Giao phải tế trời bằng con bò, phải hy sinh những sinh mạng này để cho trời đất an vui. Những nghi lễ như vậy đều thuộc về giới cấm thủ hết. Khi người ta kẹt vào nghi lễ, hình thức mà mất nội dung, cái đó cũng là giới cấm thủ. Kiến kết ở đây là thân kiến, biên kiến và tà kiến, có ba cái thôi.

- Thứ bảy là thủ kết, thủ là níu lấy, khăng khăng nắm lấy, không thả ra một ý kiến, một quan điểm, một đối tượng của sự mê thích là thủ. Vì vậy kiến thủ này có ba kiến là thân kiến, biên kiến, tà kiến. Thủ kiến thuộc về kiến thủ kiến và giới cấm thủ kiến.

- Thứ tám là san kết, ví dụ như mình biết một cách làm bánh bông lan rất tốt, mà mình không chia sẻ cho người khác, cái đó gọi là san. Ở trong giới tu hành có cái gọi là pháp san, tức là biết về giáo pháp nhiều mà không dạy, không chia sẻ cho người khác. Pháp san là mình keo kiệt về chuyện chia sẻ giáo pháp.

- Và cái thứ chín là tật kết. Tật là sự đố kỵ ganh ghét. Ví dụ như sự chia rẽ hai chị em Tấm và Cám. Cô em thì đẹp, dễ thương, được các chàng trai rất quý mến. Còn cô chị thì không được đẹp, tánh tình xấu, các chàng trai không đi theo, thành ra cô càng dễ ghét. Cô càng dễ ghét thì cô càng xấu và các chàng trai càng sợ, đó là tật kết. Có những cái kết như vậy, nó làm thành cái cục ở trong người mình, nó sai sử mình làm những điều có hại cho mình, nó làm cho mình xấu thêm, nó làm cho mình dễ ghét thêm. Thành ra những người nào muốn làm đẹp thì phải biết tranh thủ tiêu diệt những cái kết sử của mình.

Thường thường khi chúng ta có một nội kết, và nội kết đó không phải là vô thức, nghĩa là nó có hiện hành trong tâm rồi. Ví dụ chúng ta có một chuyện buồn sầu não, hay là tức giận phát hiện trong tâm. Chúng ta cố gắng thở, mỉm cười tiếp xúc với những mầu nhiệm của vũ trụ nhưng không được. Chúng ta biết là bông hoa đẹp thiệt, biết là nắng mai đẹp thiệt. Trên nguyên tắc chúng ta biết như vậy và cố gắng nghe lời thầy, thở và tiếp xúc với những cái mầu nhiệm đó của vũ trụ. Nhưng cái nội kết kia biểu hiện ra như là một màn che, nó ngăn cản không cho chúng ta tiếp xúc với thực tại mầu nhiệm đó. Nếu chúng ta biết rất rõ nguyên tắc nhận thức và tiếp xúc được với thực tại mầu nhiệm, thì chúng ta sẽ đưa vào trong tâm, trong a-lại-da của chúng ta rất nhiều chủng tử của sự tươi mát. Khi nó vô, nó sẽ tới săn sóc niềm đau của chúng ta. Nhưng chúng ta làm không thành công, tại vì nội kết đứng chặn ở giữa hiện tại mầu nhiệm và chúng ta. Những lúc như vậy chúng ta phải làm gì? Chính những câu trả lời đó được cho vào trong luận án tốt nghiệp thì tốt nhất! Vì nó đến từ những kinh nghiệm, những khó khăn cũng như những thành công của chúng ta. Tôi nghĩ rằng mỗi người tu nên có một sổ công phu. Khi nào có những khó khăn, những thất bại, những sự thành công về sự tu học, những ví dụ, những kinh nghiệm, chúng ta đều ghi chép vào trong sổ đó. Giống như một cuốn nhật ký của sự tu tập. Những chất liệu đó được đưa vào trong luận án của mình, thì thế nào cũng thành công. Vì luận án này không phải do mình lấy tư tưởng của những người khác, của những vị thiền sư, của các vị tổ. Những cái đó không có giá trị. Cố nhiên chúng ta có thể dựa vào những vị đó để lấy kinh nghiệm, sử dụng những kinh nghiệm, nhưng là những nguyên lý thôi. Còn những chất liệu làm nên một thực tế sinh động là phải do chính những kinh nghiệm của mình đưa vô, thì luận án đó mới thật có giá trị. Đọc vô là thấy rằng, người này do sự tu tập làm ra chứ không phải do sự khảo cứu. Chúng ta làm luận án khác ở trường học là chỗ đó. Thành ra mỗi người nên giữ một tập công phu, ngồi thiền, đi thiền hành thấy gì, có kinh nghiệm gì đều ghi vào hết. Sau này nếu chúng ta muốn viết văn, những cái đó chính là những tư liệu rất tốt, đừng vay mượn của người khác. Trong trường hợp đó chúng ta làm gì? Đó là một câu hỏi mà chúng ta phải tự tìm ra câu trả lời và có khi chúng ta tìm ra được một phương pháp. Có những phương pháp được áp dụng thành công cho mình, nhưng không thành công cho người khác, tại vì có nhiều pháp môn khác nhau.

Theo nguyên tắc là khi có một niềm đau, niềm đau đó có thể nằm yên ở dưới hay là phát hiện ra. Một là nó phát hiện một cách trực tiếp lên ý thức, hai là ý thức đè nó xuống và nó lừa những lúc ý thức vô ý thì nó phát hiện. Đôi khi chúng ta đang nói chuyện hay đang làm cái gì đó, thì cái tiềm thức, cái mạt-na của chúng ta tìm cách đưa lên một yếu tố, đôi khi là một cái thở dài hoặc là một chữ hoặc là âm của chữ đó. Cái đó tâm lý học nói là một bước sảy của tiềm thức. Trong một bài văn, trong một cuốn sách hay trong một diễn văn, nếu chúng ta chú ý thì thấy những phát hiện như vậy của thức thứ bảy. Trong câu chuyện cũng thường xảy ra như vậy, chúng ta đang nói chuyện với một người, tự nhiên thấy được nơi người đó có một dấu hiệu phát xuất từ tiềm thức của họ. Mặc dù người đó không muốn nói nhưng mình vẫn thấy như thường. Các nhà bác sĩ phân tâm thường phải tinh ý như vậy, nói chuyện với người đối diện rồi rình rình tóm được những cái đó, và nhờ vậy mới có thể giúp được cho người kia. Tại vì chính người bệnh cũng không biết. Mình biết rằng mình có nội kết và nội kết nó làm cho mình khổ. Nó sai sử mình một cách có ý thức hay không có ý thức, vì muốn giải quyết những nội kết đó nên mình không muốn làm con đà điểu chúi đầu xuống cát để không thấy vấn đề. Chúng ta có nhiều cách, cách thứ nhất là mời nó lên và nói chuyện với nó, đó là phương pháp trực tiếp. Giống như chúng ta có một điều gì thắc mắc với người bạn, mình mời người đó tới ngồi uống trà và nói chuyện với nhau, đó là phương pháp trực tiếp, rất hay. Nhưng khi mời người bạn đó tới mình phải biết lúc nào nên mời. Ví dụ như giữa hai người muốn giải quyết một vấn đề gì với nhau, thì phải có một khung cảnh tạm gọi là ổn để ngồi với nhau, phải không? Nếu cùng ngồi trên xe điện ngầm mà hét vào tai nhau là không giải quyết được gì hết. Thành ra phải ngồi dưới gốc cây, uống trà với nhau, hay là trong phòng của mình, phải nhẹ nhàng thanh thoát và tâm mình phải khá thanh tịnh thì mới có thể nói được. Cho nên khi có nội kết mình không nên mời nó lên trong lúc mình không có sẵn sàng.

Phần lớn chúng ta sợ nội kết, thành ra nó không lên được là sướng quá, để quên nó đi, thôi nằm yên dưới cho rồi, lên chi cho cực khổ. Vì vậy nên khi mời nó lên, điều kiện thứ nhất là chúng ta phải có đủ sức khỏe, đủ sự trầm tỉnh. Nếu không, khi mời lên nó sẽ giết mình, nó làm cho mình gục ngã, tại vì nó ghê lắm. Nếu nó là nội kết lớn thì chúng ta phải rất cẩn thận. Vì vậy phương pháp của người tu là đừng đợi cho nội kết lớn rồi mới lo giải quyết, nội kết còn nhỏ phải lo liền. Cho nên tôi thường hay giảng cho những cặp vợ chồng mới cưới, là đừng bao giờ để cho những nội kết lớn rồi mới đem giải quyết. Một buổi sáng nào đó trong buổi tiếp tân, cô vợ thấy anh chồng nói một câu nào đó, chứng tỏ có một cái gì bất ổn, có cái gì không thật, có cái gì đó không có làm cho cô ta kính phục người chồng của mình. Cố nhiên là trong khi tiếp tân cô ta đâu có hạch hỏi chồng được, vì vậy cho nên cô im lặng. Nhưng trong tâm cô ta đã có cái chủng tử của sự không kính trọng chồng rồi, đó là một loại kết sử, một loại nội kết, nó còn nhẹ nhàng lắm. Có thể sau khi tiếp tân xong rồi cô ta lo bận rộn chuyện nhà, đôi khi hai vợ chồng phải tiếp tục đi làm, hay là phải lo chuyện cơm nước thành ra không có thì giờ. Chính chuyện không có thì giờ là một cái khuyết điểm lớn của nền văn minh mới. Nền văn minh mới của chúng ta có chuyện bận rộn, khiến cho chúng ta không có đủ thì giờ để sống và để quán sát sự sống của mình. Bận rộn ghê gớm lắm, không có thì giờ để thở. Vì vậy, tu trước hết là để chống lại cái đó, chống lại nếp sống bận rộn ở trong đời, để bắt đầu khôi phục được chủ quyền của mình. Nếu không mình chỉ là một cái nút chai, nó trôi bập bềnh trên mặt nước thôi. Nếu hai vợ chồng bận rộn quá như vậy, thì những nội kết đó rơi xuống và không có thì giờ giải quyết, nó nằm yên, thôi qua rồi. Nhưng lần thứ hai hay lần thứ ba cái đó xảy ra nữa và cái nội kết ở trong lòng người đàn bà hay người đàn ông sẽ lớn hơn lên và cứ như vậy mà sống, vì bận rộn quá thành ra không đề cập tới. Đến khi nó lớn gần bằng cục nội kết của Trương Chi rồi thì không thể giải quyết được nữa. Thành ra hai vợ chồng phải ly dị, hay là phải nghĩ tới những chuyện tương tự như vậy. Khi có một hoặc hai đứa con rồi mà nghĩ tới chuyện ly dị thì tội nghiệp cho những đứa con lắm. Mình đã làm tùm lum ra rồi, tức là những cái nghiệp của mình đã trải ra rất là lớn. Nên nhớ là khi mình có một hoặc hai đứa con như vậy, mình gởi nó đi vào trong tương lai với những cái nội kết của nó, thì tội nghiệp vô cùng, không có lòng từ bi. Tại vì không khí của gia đình trở thành ra địa ngục, mấy đứa con của mình sống trong không khí đó vài ngày là đã có nội kết rồi, huống hồ là nó sống năm này sang năm khác, và cái khổ đau nó truyền đi từ kiếp này sang kiếp khác. Hôm trước tôi có nói rằng chấm dứt luân hồi là chấm dứt cái đó, chấm dứt ngay trong giờ phút hiện tại. Vì vậy nếu một cặp vợ chồng trẻ biết tu học thì cuộc sống hàng ngày cho có chánh niệm, tức là khi có nội kết mình biết rằng có nội kết.

Trong kinh có nói: khi nội kết bắt đầu sanh thì mình biết rằng nội kết bắt đầu sanh, khi nội kết đã sanh trưởng và đang lớn dần mình biết rằng nội kết đã sanh trưởng và đang lớn dần, khi nội kết được tiêu diệt mình biết là nội kết đang được tiêu diệt. Tức là chúng ta phải ý thức được những gì xảy ra trong phạm vi nội kết. Trong kinh bảng chữ Hán cũng như bảng chữ Pali đều nói rất rõ. Có những nội kết mà chúng ta quên và nó có thể phát hiện, nhờ sống có chánh niệm nên chúng ta thấy nó ngay. Và khi thấy được rồi, chúng ta biết sự có mặt của nội kết. Trong thiền tọa mình đi về quá khứ, mình tìm tới gốc và mời nó lên. Trong trường hợp đó chúng ta không cần phải có một ông bác sĩ tâm lý để giúp mình. Phải nhờ bác sĩ là vì mình hoàn toàn không làm được gì hết. Nếp sống có ý thức hàng ngày giúp mình nhận diện được đầu mối của nội kết, dầu là một thứ nội kết đã được quên đi, đã được đàn áp, đã được đè nén. Nguyên tắc đầu là đừng để cho nội kết lớn quá, để đến khi trào lên thì nó chận đường, không cho mình tiếp xúc được với thế giới của thực tại, những mầu nhiệm của thực tại, đồng thời nó làm cho mình thất điên bát đảo. Nguyên tắc thứ hai là khi mình mời nội kết lên thì mình phải sẵn sàng, mình phải biết rằng mình có đủ sức khỏe để có thể đối trị với nội kết. Có trường hợp mình biết rằng mình đang yếu, mình chưa muốn mời chú ta lên, nhưng chú ta cứ tự động tự mời lên, thì mình phải giải quyết như thế nào? Nó khó lắm, chính những lúc đó mình cần tới tăng thân (sangha) của mình, bạn của mình, đoàn thể tu học của mình, mình cần tới thầy. Thầy cũng là tăng thân, bạn cũng là tăng thân. Mà bạn không phải tự nhiên có được, bạn cũng do mình xây dựng ra. Cũng như là cây thông, cây tùng, cây bách không phải tự nhiên có được, mà là do mình trồng lên. Cây trong rừng cũng vậy, mình cũng phải bảo vệ thì cây trong rừng mới sống được. Tăng thân tức là một công trình vun tưới của mình và khi nào mình lâm vào tình cảnh khó khăn, thất điên bát đảo thì mình phải cần tới chúng. Vì vậy cho nên có một tăng thân dễ thương, có một tăng thân có thể yểm trợ cho mình là một hạnh phúc lớn. Chúng ta không cần một tăng thân lớn, một cái nhỏ thôi, nhưng gồm những người có thể im lặng đứng sau lưng trong lúc chúng ta khó khăn, đó là điều quan trọng. Đôi khi người kia không cần làm gì hết, không cần nói gì hết, người kia chỉ nhìn mình im lặng thôi, tới ngồi gần mình chừng một giờ đồng hồ, cái đó cũng là một yếu tố rất tích cực của tăng thân. Huống hồ là người kia có sự tươi mát, có sự hiểu biết. Sự tươi mát và hiểu biết là hoa trái của sự tu tập.

Có những lúc mà nội kết trào lên, mình thấy là mình không sống được, mình có thể tự tử bất cứ lúc nào. Chuyện này xảy ra ở đời nhiều lắm, những lúc đó rất nguy hiểm, mình phải nghĩ tới một người bạn liền lập tức. Dù cho vé máy bay có đắt bao nhiêu đi nữa, cũng phải mua liền để đi tới với người đó, đây là đìều rất quan trọng. Không thể nói là bận quá, không có thì giờ, tốn tiền nhiều quá… Vì nếu không thì mình sẽ chết. Nếu mình có một tăng thân dễ thương, dầu cho có xa mấy ngàn cây số thì mình cũng phải đi tới. Hoặc là không có tăng thân, ít nhất mình cũng có một người bạn để có thể thổ lộ tâm tình. Có một người bạn ngồi một bên, mình thấy rất đỡ khổ. Nói tóm lại là phải có một thực tại tươi mát, nó mầu nhiệm đủ để thiết lập sự thăng bằng trong người của chúng ta. Tức là có counter balance - sự kiểm soát quân bình niềm đau ở trong lòng mình. Một ngày có hai mươi bốn giờ đồng hồ, có những giờ chúng ta đi ngủ là những giờ khó nhất, tại vì chúng ta không ngồi với bạn được. Nên nhớ rằng, đối với những người đau khổ hai mươi bốn giờ đồng hồ là nhiều lắm, chịu không nỗi. Hai mươi bốn giờ đồng hồ sống với sự lo sợ, sống với sự khắc khoải, sống với sự khổ đau là nhiều lắm. Vì vậy cho nên khi mình có một người bạn ngồi bên cạnh, tiếp xúc được với người bạn đó, tự nhiên mình thiết lập được sự thăng bằng, mình sẽ đối xử với người bạn một cách dễ thương. Sự có mặt của mình với người bạn tạo ra một thực tại như vậy, tạo ra thăng bằng trong cơ thể và trong tâm lý của mình. Mình thấy dễ chịu hơn, mình sống được: ngồi gần bên anh tôi thấy tôi có thể sống được. Và khi một người bạn nói với mình câu đó, mình biết rằng, mình rất quan trọng đối với người đó. Nếu trong cuộc đời có một người bạn như vậy thì mình may mắn lắm. Thành thử mình đừng có tiêu diệt tình bạn của mình, đôi khi mình tiêu diệt bạn của mình bằng những câu nói rất là vụng về, hay là những hành động rất là vụng về. Bạn tức là cái kho dự trữ của mình. Chúng ta cũng có thể viết một bài về bạn : bạn là kho dự trữ của tôi, cũng như rừng là kho dự trữ của dưỡng khí. Anh cứ ngồi với bạn anh, anh đi thiền hành với bạn anh, anh bàn bạc chuyện này chuyện khác, chuyện gì cũng được. Nhưng thái độ khôn ngoan nhất là cùng thực tập với bạn anh, một mình anh đi có thể anh không thấy được cái đẹp của núi tuyết, nhưng cùng với bạn anh đi một bên, anh có thể thấy được cái đẹp của núi tuyết đó. Cho nên thực tập với bạn là điều rất là quan trọng, nếu người bạn này là một người biết tu. Nếu tới gần bên bạn để nói chuyện chính trị, nó cũng khoẻ. Nhưng mình lại có ít ngày nghỉ thôi, những ngày đó nó sẽ qua đi và mình trở về với trạng thái ốm yếu của mình, ốm yếu về hạnh phúc, ốm yếu về tuệ giác. Cho nên những ngày ở với bạn là những ngày thực tập với bạn. Tại vì chính những ngày đó mình lấy vào được những chất bổ của sự tươi mát, của trí tuệ.

Thành ra điều thứ nhất phải đi tìm tới người bạn đó, thứ hai là phải thực tập với người bạn đó. Phải lợi dụng thời gian bên bạn, thực tập để gây thêm vốn liếng của sự tươi mát, tức là chúng ta phải cho chủng tử đi vào, nếu không chúng ta sẽ trở về với nghèo khổ như xưa. Cũng như nếu chúng ta thấy Làng Mai dễ thương, về Làng Mai được gặp các bạn trong mùa Hè vui quá, rồi hết mùa Hè về lại trú sở của mình, nếu chỉ có vậy thôi thì không có lợi ích mấy, tại vì chúng ta sẽ rơi trở lui vào trạng thái trước mùa Hè, trước khi về Làng Mai. Cho nên khi về Làng Mai cùng với các bạn, đừng chỉ vui chơi một cách cạn cợt, tức là phải thực tập với bạn. Để khi rời bạn, rời Làng Mai, tuy rằng không còn bạn, không còn Làng Mai nữa nhưng chúng ta vẫn có cái gì đó làm tư lương cho sự sống, trong những tháng kế tiếp. Đó là con đường chúng ta phải đi theo. Đi tìm con đường là chúng ta đi tìm sự ngọt ngào, sự tươi mát để thiết lập một sự thăng bằng của tâm lý. Và nên nhớ là trong thời gian đó phải dự trữ, phải thực tập, phải thấy được bông hoa, phải thấy được ánh sáng, phải thấy được núi tuyết.

Theo kinh nghiệm của tôi thì có một con đường khác nữa, con đường này ngược lại với con đường trước là con đường đi tìm sự tươi mát nâng đỡ. Con đường này là đi tìm một sự khổ đau lớn hơn cái khổ đau của mình. Đi tìm tới một chỗ mà người ta thật sự khổ đau, và trong sự tiếp xúc với khổ đau đó mình thấy cái khổ đau của mình không có nghĩa lý gì mấy. Ví dụ như chuyện tiếp xúc của tôi vào năm 1978 ở trên bờ biển Mã lai. Hồi đó trên thế giới người ta chưa biết tới sự có mặt của thuyền nhân, chỉ có Liên Hiệp Quốc biết sơ sơ, nhưng nó chưa trở thành một hiện tượng. Đồng bào tới bờ biển Mã Lai hay là Thái Lan thường thường bị kéo ra ngoài biển, đuổi ra ngoài cho chết. Tại vì mấy nước đó không muốn gánh những gánh nợ vào thân. Tổ chức Liên Hiệp Quốc thì không có quyền nhiều, việc làm hồi đó tắc trách lắm, nhưng chúng ta không thấy được. Lúc đó tôi tìm ra được, khám phá ra được vấn đề thuyền nhân, cho nên tôi bí mật tổ chức một chiến dịch để giúp thuyền nhân. Làm một cách bí mật, chương trình này tiếng Việt gọi là chương trình : Máu chảy ruột mềm. Vì biết rằng những chánh phủ ở đó không thích mình làm một cách công khai, cho nên tôi mới đặt văn phòng bí mật ở Tân Gia Ba. Rồi tôi gởi những người cộng sự như là chị Kirsten ở bên Hòa Lan. Chị Mobi người Mỹ, người dịch cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức. Chị Chân Không, những người thân tín được kêu tới để làm việc với tôi. Tôi có vào khoảng mười mấy vị phụ tá như vậy. Chúng tôi thuê ba chiếc tàu để đi vớt đồng bào. Hai chiếc, mỗi chiếc vớt vào khoảng ba bốn trăm, và một chiếc thứ ba để tiếp tế lương thực, nước uống. Một số người được tôi gởi đi Thái Lan, một số người được gởi đi Indonesia, một số người được gởi đi Malaysia.

Cách chỗ văn phòng của tôi độ chừng bốn trăm cây số về phía Bắc, gần bờ biển Morson Malaysia, nơi đó có một lần chúng tôi được trực tiếp chứng kiến chuyện đẩy thuyền ra khơi để cho chết. Một hôm đó người của mình khám phá được một nơi, trong đó họ nhốt vào khoảng sáu mươi mấy thuyền nhân. Những thuyền nhân đó đang đau khổ lắm, vì họ biết rằng trong vài giờ đồng hồ nữa họ sẽ bị đẩy ra biển. Khi chúng tôi phát hiện ra họ thì thấy rằng, những người đàn ông không có người nào nói chuyện hết, chỉ có đàn bà với con nít khóc thôi. Đàn ông không nói chuyện được, vì họ không thể ngờ rằng cái tình người ở trên trái đất này nó tệ như vậy. Họ ngồi trừng trừng nhìn vào khoảng không, không nói được nữa, họ coi như là không thể hiểu được, không thể tin được chuyện đang xảy ra cho họ là chuyện có thiệt. Các bà kể rằng, họ tới bằng hai chiếc thuyền, mỗi thuyền vào khoảng sáu chục người. Khi họ tới bến gần đó, thì cảnh sát nói rằng: ở đây không có nhận thuyền nhân tị nạn, ở miền Singapore người ta sẽ nhận. Và họ nói rằng hai thuyền phải đi ra, nhưng họ sẽ giúp cho một ít dầu xăng và một ít nước uống, để có thể đủ phương tiện đi về Singapore. Họ nói như vậy tức là nói dối, vì tại Singapore là một xứ rất nghiêm khắc. Chính sách của Singapore đối với thuyền nhân rất tàn nhẫn.

Tôi có quen với một người làm về ngành hàng hải, ông là người Anh. Ông nói chính sách của Singapore là khát máu, tức là những thuyền nhân khi tới Singapore có thể bị thủ tiêu. Một là bị đẩy ra biển để chết, hai là giam làm sao đó rồi cuối cùng không có ai biết nữa. Những ngư nhân lỡ vớt một thuyền nhân ở ngoài biển đem về thì bị phạt, phạt rất là lớn, phạt sạt nghiệp luôn, thành ra không ai dám làm. Trong thời gian tôi đang ở đó, tôi lân la đi tìm tới ngư dân và làm việc bí mật với họ. Mỗi khi vớt được một thuyền nhân thì họ cho mình biết, mình tới cúng dường cho họ một số tiền để an ủi và mình bí mật chở thuyền nhân đó đi. Chở thuyền nhân sống đi đâu? Phương pháp của tôi hồi đó là thầm chở họ trong ban đêm, tới rồi bỏ họ vào trong khuôn viên của tòa đại sứ Pháp. Vì hồi đó ông đại sứ Pháp tên là Jacques Gasseau, ông rất thương người. Bữa sáng khi thấy thuyền nhân xớ rớ ngồi trên bãi cỏ, tức thì ông cho gọi điện thoại đến police tới để chứng nhận rằng, đây là những thuyền nhân bất hợp pháp, ghé vào đây và lúc đó thì cảnh sát sẽ bắt mấy người thuyền nhân đó đem về trại giam. Và như vậy là những thuyền nhân đó được an toàn. An toàn là vì những người này do tòa đại sứ cho biết tên và chứng nhận. Thành ra những người đó sẽ không bị thủ tiêu.

Sự thủ tiêu có nhiều cách, trong đó có một cách là bỏ họ lên một chiếc thuyền nhỏ và đẩy ra ngoài biển cho chết, dữ lắm. Nhờ phương pháp của tôi làm như vậy và ông đại sứ đã làm cho bao nhiêu thuyền nhân theo kiểu đó qua được nước Pháp. Đến khi phỏng vấn, ông phỏng vấn rất là dễ. Có những nhân viên cho tôi biết, cách họ phỏng vấn rất dễ về tiếng Pháp, cũng như những vấn đề này kia kia nọ. Điều này chứng tỏ rằng, trên đời có nhiều người tốt và đời cũng đáng sống, không đến nỗi gì lắm. Nếu chỉ có cái kia thì buồn quá.

Trở lại chuyện khì gần Morson, mình khám phá ra cái thuyền với sáu mươi mấy người. Họ nói rằng, khi nhận thêm dầu nhớt với thêm nước thì họ đi với rất nhiều hy vọng, Họ đâu biết rằng Singapore là như vậy. Khi đi ra ngoài thì có sóng gió và một trong hai chiếc thuyền đó bị đắm. Tất cả đàn ông, đàn bà và con nít của chiếc thuyền đó chết ở dưới biển, trước mắt những người đang ngồi trên thuyền này. Có khoảng bốn năm người đàn ông bơi được vào bờ sống sót, nhưng sau đó không thấy những người đó nữa. Không biết là họ đi về đâu, không ai tìm thấy gì được. Còn chiếc thuyền này, khi thấy chiếc thuyền kia như vậy thì biết rằng không thể nào đi được, thà rằng về bị giam ở đây thôi. Thành ra họ nhất định trở lại bờ. Tới bờ rồi họ đục thuyền cho nó lủng, phá thuyền cho hư để không có bị đẩy ra ngoài nữa. Khi đó cảnh sát tới và bắt giam họ, nhưng cảnh sát làm việc theo chỉ thị phía trên, là cho thợ tới sửa chiếc thuyền và độ trong ba giờ đồng hồ nữa thì thuyền sẽ sửa xong. Những người đàn ông, đàn bà và trẻ con sẽ bị cho lên thuyền và đẩy ra như cũ. Đó là lời nói của những người đàn bà, còn đàn ông thì không nói lời nào. Phương pháp của tôi làm việc hồi đó là phải cho một người cấp tốc đi ra một thị trấn gần đó, gọi điện thoại cho những hãng thống tấn như là AFP hay Reuters và mời họ tới để thấy. Chúng tôi rất là mong họ tới trước ba giờ đồng hồ và mình nói với họ, nếu họ đến sau thì sáu chục người này sẽ chết. Cho nên có nhiều người họ thương và cũng muốn viết bài cho đàng hoàng thành ra họ tới sớm. Họ tới sớm và ngồi đó. Đến khi cảnh sát ra thấy những phóng viên, những ký giả của các hãng thông tấn lớn thì không dám đẩy thuyền ra ngoài biển nữa, và những người đó được chính thức chấp nhận là người tị nạn. Phương pháp làm việc là như vậy, không phải đi vớt rồi chở về chỗ này hay chỗ khác mà thôi.

Khi chúng ta tiếp xúc được với những cái khổ đau như vậy rồi, chúng ta có thể thấy rằng những khổ đau của mình do sự ganh ghét, do sự buồn phiền, do sự thù hận nó không có nghĩa nữa. Nếu chúng ta có được một chút năng lượng, một chút sức lực của tâm linh hay là của thân thể, chúng ta phải đem ra để phụng sự cho những việc khổ đau, tự nhiên cái đau của mình sẽ nhẹ đi và đây là một điều rất là có thể. Trong trường Thanh niên phụng sự xã hội cũng vậy, các em làm việc rất giỏi. Mỗi khi có một thiếu nữ, hay một thanh niên nào lâm vào tình trạng tâm lý khổ đau, các em tới với tôi, tôi nói : bây giờ con nên đi làm tác viên xã hội. Các em tìm thấy trong con đường phụng sự một liều thuốc rất là hữu hiệu để đối trị với những khổ đau của mình. Những điều tôi giảng là những điều có gốc rễ từ sự thực tập. Trong trường hợp có một nội kết lớn trào lên như vậy, thì chỉ có ba con đường: con đường thứ nhất là mình đối trị được nó, khi mình mạnh. Con đường thứ hai là vì mình yếu quá, mình phải tìm tới một người bạn, với đại chúng trong tăng thân. Và con đường thứ ba là tìm tới những người khổ hơn mình, tìm tới địa ngục. Khi Bồ tát Địa Tạng vương tìm tới địa ngục có lẽ ngài cũng có nội kết, nhưng sau khi đã phụng sự chúng sanh rồI, cái nội kết của ngài tan đi. Tất cả, Địa Tạng Bồ tát và chúng ta, Đức Quan Âm cũng vậy, các vị không phải là những thực tại tách biệt, trong chúng ta mỗi người đều có Địa Tạng Bồ tát, đều có Quan Âm Bồ tát. Chúng ta chỉ cần cho Đức Địa Tạng và Đức Quan Âm trong ta một cơ hội thôi, đó là sự tu học. Vì vậy khi đi thiền hành mà không tiếp xúc được với nắng mai, bông hoa mặt trời như trái tim đỏ tươi thì quý vị biết mình nên làm gì rồi: mình nên biết rằng bạn tu rất là quý, cho nên gọi viên ngọc thứ ba shanga là như vậy. Bụt hay lắm, không những Bụt là một viên ngọc, Pháp là một viên ngọc và Tăng cũng là một viên ngọc. Với điều kiện tăng phải là chân tăng, tức là những người có tu học thật, những người có sự tươi mát. Nếu nộI kết còn ngủ ở trong, mai mốt đôi khi nó có chất liệu để lớn lên trở lại. Nhưng khi nó còn tùy miên thì mình có thể tu tập dễ dàng hơn, nó không khó khăn, không nguy hiểm như trong trường hợp trước. Có hai phương pháp, phương pháp thứ nhất là mời nó lên, phương pháp thứ hai là cứ để nó ở dưới đó và gởi tới cho nó những người bạn.

Phương pháp của phân tâm học là phải mời nó lên, phải ý thức được những niềm đau, những nội kết của mình. Phải làm cho bức tường che giữa id và cái ego nó phún ra, để cho có sự thông thương thì nó nhẹ đi. Vì vậy các bác sĩ tâm lý thường hay bảo mình là ngồi lại, và viết ra cho hết những điều gì hồi còn nhỏ. Hồi anh ba tuổi anh làm gì, má anh nói gì, những bão tố trong gia đình xảy ra như thế nào. Lúc đó anh ngồi ở đâu, má anh ngồi ở đâu, ba anh ngồi ở đâu, chị anh ngồi ở đâu. Ngồi tưởng tượng, hồi tưởng lại hết và nhớ, nhớ tới đâu thì viết tới đó, trong trường hợp mình không có thì giờ ngồi nói chuyện với ông phân tâm học. Ngồi với ông tốn tiền lắm, cho nên ngồi viết tốt hơn. Mình viết ra hết và càng viết nó càng trào ra, những điều thấy vô ích mình cũng cứ viết, nhớ được chi tiết nào thì viết chi tiết đó. Đó là phương pháp của phân tâm học mới. Những cái đó mình có thể làm được, ngồi ghi chép lại. Cái đó không phải là đánh mất mình trong quá khứ, kỳ thực là mình về để tìm lại hồ sơ. Đó là tầm từ và cũng là một lối tu.

Thứ hai là chúng ta thực tập để tạo ra những chủng tử tươi mát, và gởi nó xuống trong chiều sâu của tiềm thức. Tức là chúng ta có bạn, có thầy, có nắng, có hoa, có hiện tượng, có nụ cười, có câu niệm Bụt, có thiền hành. Rồi chúng ta đưa vào trong mình những chủng tử, những hạt giống đẹp tươi mát. Những hạt giống đó sẽ đi vào vây quanh những nội kết kia, và sẽ làm công việc trị liệu một cách âm thầm mà mình không cần phải biết. Rồi một ngày đó nội kết sẽ tiêu tan, nó tiêu đi mà mình không biết.

Như là ngày xưa, tôi có kể chuyện về những năm đầu bị lưu đày. Khi tôi đi ra nước ngoài làm việc và không được trở về quê nhà. Trong lúc ở bên ngoài tôi cũng có công việc cho bên nhà. Những thời gian đó tôi cũng có thể viết sách, có thể đi dạy học, có thể vận động viện trợ cho viện đại học Vạn Hạnh và trường Thanh niên phụng sự xã hội. Thành ra tuy ở ngoài mà vẫn làm việc được ở trong. Trong những năm đầu tôi hay nằm mơ thấy mình trở về Phương Bối, mà giấc mơ đó không thành, mộng không thành ! Tức là gần tới nơi thì có một trở lực gì nó khiến cho mình trở về với thực tại. Cái thiên đường của tôi được tượng trưng cho thời làm chú tiểu, leo lên trên cây để hái bồng quân rồi ném xuống cho chú tiểu khác. Tuy rằng cuộc sống trong chùa cực khổ về vật chất nhưng nó vui lắm, nó là một thế giới của lý tưởng, của thương yêu. Thành thử khi nằm mơ là trở về khu đồi của tuổi thơ, với mấy chú tiểu nhỏ mà mình thương như là em ruột của mình. Đi trở về quê hương, nghĩa là trở về cái đồi quê hương tuổi nhỏ. Giấc mơ đó lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng mỗi lần như vậy đều thất bại, không về được là vì có một trở lực gì đó. Nhưng mà tôi vẫn tu, hồi đó vẫn tu rồi quán tưởng trong khi mình đi thiền hành, trong khi mình làm việc, đi tới đâu là tu ở đó. Vì vậy mình thấy được quê hương của mình là cả trái đất, không phải chỉ là một khu đồi. Dần dần những giấc mơ đó không xảy ra nữa, tức là cái nội kết tự nhiên hết. Đó là do sự thực tập tiếp xúc và nhận ra rằng, quê hương của mình là mọi nơi chứ không chỉ một chỗ. Nội kết đó không cần phải giải quyết, mà tự nó đã được giải quyết. Cũng như khi mình bị một con vi trùng xâm nhập vào cơ thể, tuy rằng mình không ra lệnh để trị con vi trùng đó, nhưng những kháng thể của mình nó biết, nó tới bao quanh con vi khuẩn cô lập và chuyển hóa con vi khuẩn đó. Nếu con người của mình sống mạnh khỏe, không có bệnh là nhờ những kháng thể đó chứ không phải tại mình giỏi. Nếu không có sức đề kháng trong ngườI, mình sẽ bị nhốt vào trong một nhà kiếng, mình không được ra ngoài, nếu không thì vi trùng tấn công mình chết liền lập tức.

Những chủng tử chúng ta đưa vào trong khi tu học là những cái chủng tử lành, những chủng tử thiện. Vô lậu tới bao quanh, nó chăm sóc, nó trung hòa những chủng tử của khổ đau, những nội kết nặng nề, vô minh của mình. Phương pháp đó là phương pháp làm giàu, tu là làm giàu cho a-lại-da của mình với những chủng tử của sự an lạc. Vì vậy cho nên tu là một cách để sống cuộc đời có hạnh phúc. Không phải tu là chịu cực chịu khổ để mua lấy một cái hạnh phúc ở tương lai. Thường thường nhiều người cứ nghĩ rằng, tu tức là mở một trương mục tiết kiệm để xài sau khi mình chết. Vì vậy cho nên đánh đổi hiện tại để lấy tương lai, chịu cực khổ ngày này, hôm nay để ngày sau có hạnh phúc, và đó là thiên đường. Còn phương pháp tu theo đạo Bụt cho chúng ta thấy rằng, nếu chúng ta học Bụt cho sâu thì chính mình phải sống ngày hôm nay cho an lạc. Ngày hôm nay an lạc sẽ bảo đảm ngày mai cũng an lạc. Điều đó Bụt nói rất rõ: có những người tu, họ làm cho ngày nay không an lạc thì ngày mai cũng khổ luôn, đó là tu khổ hạnh. Tu khổ hạnh làm cho thân xác bệ rạc ngày hôm nay, cố nhiên ngày mai cũng sẽ khổ lắm. Có những người làm cho an lạc ngay bây giờ và cho ngày mai nữa, đó là phương pháp của Bụt vậy.


Duy thức – Duy biểu

Các nhà học giả mới đây ở Trung Hoa thấy rằng, chữ Duy thức không hay lắm, tôi cũng thấy như vậy. Trước kia mỗi khi nói theo Duy thức về danh từ biến, chúng ta có cảm tưởng là không có cái gì thiệt cả, là vì tất cả đều do thức của mình biến ra, như là phù thủy. Vì vậy chữ biến không hay lắm, chữ thức cũng không hay. Cho nên chúng ta phải duy tân Duy thức học, không phải làm một mình, mà làm với những nhà học giả khác. Trước hết chữ thức là dịch từ chữ vijnana của tiếng Phạn. Chữ vi có nghĩa là một cái gì riêng ra, khác nhau, như là một đối tượng vậy. Còn ở phần này có nghĩa là biết, hiểu, do đó chữ này dịch là thức, điều này không còn gì để nghi ngờ. Nhưng khi nói về Duy thức thì lại không dùng chữ vijnanamatra, mà dùng chữ vijnaptimatra. Duy thức tánh là vijnaptimatrata. Như vậy là có một sự khác biệt giữa chữ vijnana vijnapti. Trong nguyên văn của thầy Vasubandhu thì Duy thức là vijnaptimatrata, không bao giờ nói là vijnanamatrata. Chữ vijnapti có khi cũng được dịch là thức, nhưng nghĩa chính của nó là sự biểu hiện. Thành ra vijnapti có nghĩa thường của nó là biểu hiện, là manifestation. Vì vậy dịch cho đúng là Duy biểu luận. Tức là vũ trụ này, đối tượng của thế giới này, đối tượng nhận thức của chúng ta là do a-lại-da thức phát hiện ra, biểu hiện ra. Sự biểu hiện có nghĩa là như vậy, có nghĩa là manifestation. Chữ Duy thức là của thầy Huyền Trang dịch, nhưng chữ vijnapti có khi tôi dịch là biểu. Ví dụ như là sắc, tức là rupa, tức là hình thể vật chất. Nó có hai loại sắc, một là biểu sắc tức là vijnapti rupa, tức là những hình sắc mà chúng ta có thể thấy được. Ví dụ như vàng, xanh, trắng, tròn, dài, lớn nhỏ gọi là biểu sắc. Còn sắc mà chúng ta không thấy được, nhưng nó có mặt, ví dụ như là một điện tử. Chúng ta không thể nào thấy được điện tử, nhưng tất cả các nhà khoa học đều nói rằng, điện tử có mặt. Như là trong kinh thường nói: mỗi khi mình thọ giới xuất gia, hay là thọ giới tam quy, thì trong người mình có một cái gì mới, mà cái đó mình không thấy được. Cái mới đó có cái tác động trên đời sống của chúng ta, vật chất và tinh thần nhưng chúng ta không thấy được, cái đó gọi là vô biểu sắc. Chính thầy Huyền Trang cũng dịch là biểu, nhưng tại sao chỗ này dịch là thức, có lẽ là cho nó giản dị. Thành ra chữ Duy thức làm cho người ta tưởng tới duy tâm của triết học Tây phương. Mà duy tâm là một lý thuyết nói rằng: thế giới hiện tại không có thiệt, là do chúng ta tưởng tượng ra mà có. Điều đó không phải là không có trong Duy thức học, nhưng mà nó khác. Tại vì chữ tâm trong đạo Bụt không giống chữ tâm ở ngoài. Chữ tâm ở ngoài chỉ là ý thức thôi, ý thức hay là một phần của a-lại-da thức, tức là phần của độc ảnh, hữu chất độc ảnh. Từ nay về sau có thể sẽ dùng theo tân dịch, là Duy biểu luận. Vijnapti là cái biểu hiện từ thức, nó có tính cách đối tượng hơn là chủ thể. Vijnana có thể gọi là năng và vijnapti có thể gọi là sở. Người ta không dịch thẳng như vậy, nhưng trong ngữ nguyên học thì nó hàm chứa cái ý đó. Do đó một số các nhà trí thức ở Trung Hoa bây giờ dịch vijnaptibiểu biệt, tức là biểu hiện ra để có thể được nhận thức. Ở đây cũng có ý về thức ở trong đó, nhưng nó còn có thêm cái ý về sự biểu hiện ra nữa. Ví dụ thế giới này là một biểu hiện của thức, trong đó dùng chữ vijnapti mà không phải là chữ vijnana.

Thành ra biểu hiện ra là để có thể được nhận thức. Có nhiều tự điển dịch prasati making non, nó là cái nghĩa đó. Vì vậy cho nên Duy biểu luận hay hơn danh từ Duy biểu học. Trong chữ biểu có hàm ý nghĩa của thức trong đó, biểu lộ ra để được nhận thức và nghĩa của nó là biểu biệt. Còn chúng ta dùng chữ biến trong văn mạch là tự biến và cộng biến. Chúng ta có thể sửa lại thành ra tự biểu và cộng biểu. Một manifestation collective của tất cả các thức, hay là một manifestation có tính cách individual (riêng biệt) của a-lại-da thức.

Biểu tức là biểu hiện, một sự biểu hiện cộng đồng và một sự biểu hiện riêng biệt. Nó sẽ ít gây ra sự hiểu lầm hơn danh từ tự biến, cộng biến hay là duy tâm, duy thức. Chúng ta thường gặp trong kinh điển những danh từ về tâm thức khá nhiều và sự sử dụng nó cũng không đồng nhất với nhau, nó có ba chữ là tâm, ý và thức. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rằng, tam giới duy tâm, có nghĩa là ba cõi từ tâm mà phát hiện, chữ tâm đó chỉ có nghĩa là a-lại-da thôi. Tại vì a-lại-da có tính cách nền tảng, chính từ nơi đó nó được biểu hiện ra thế giới và căn thân. Thế giới là khi thế gian, còn căn thân là tình thế gian. Căn thân cộng với thức là tình thế gian. Bảy thức kia trong đó có ý tức là thức thứ bảy là matna. Thức này tức là visaya vijnapti, là biểu biệt cảnh hay là liễu biệt cảnh. Liễu biệt cảnh là dịch theo lối cũ. Vì vậy tâm tức là thức thứ tám, ý là thức thứ bảy và thức tức là sáu thức trước. Tất cả bảy thức này đều được chuyển hiện từ thức thứ tám, cho nên gọi là chuyển thức. Chuyển hiện từ đó mà được phát sinh, biểu hiện ra. Chuyển thức có bảy cái, còn anh chàng thứ tám gọi là bản thức, mulavijnana, mula tức là cái gốc. Có lẽ mình nên giảng là, chữ duy thức là cựu dịch, còn chữ duy biểu là tân dịch. Cũng như chữ Quán Thế Âm là cựu dịch, còn Quán Tự Tại là tân dịch. Thay vì nói tự biến cộng biến, mình có thể nói là tự biểu cộng biểu. Phương pháp thực tập thiền quán của Bụt, là quán sát những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại một cách rất là thanh thản, không xua đuổi cũng không vồ vập đón tiếp. Ví dụ như chúng ta phải nhận diện được cái giận, cái buồn, hay là cái vui khi nó xảy ra. Chúng ta nhận diện một cách đơn thuần thôi, đừng đưa tới sự xét xử, ghét bỏ hay là ước muốn vào trong đó. Nhận diện đơn thuần tức là không đưa cái tư dục, không đưa sự giận hờn của mình vào trong đó. Khi cái giận phát hiện thì mình nói đây là cái giận, mình đừng nói: trời ơi tức quá tại sao mình giận, tức là mình giận cái giận của mình. Đó không phải là phương pháp hay. Cái vui xảy ra thì mình nói đây là cái vui thôi, tức là đừng phán đoán vào, đừng lên án và cũng đừng khen tặng nó, phải để cho nó là nó. Phương pháp này rất hay, nó làm cho mình không đè nén mình. Nếu có một cái gì nó phát hiện ra mà mình đè nén, mình chê trách, tức là mình đã làm công việc giúp cho sự ẩn ức càng ngày càng mạnh. Cho nên phương pháp thiền quán của chúng ta rất hay, nó có khả năng nhận diện đơn thuần về những cái đang xảy ra. Đối với người khác cũng vậy, người đó làm cái gì, hay là nói cái gì thì ban đầu chúng ta nhận diện là người đó nói cái đó, làm cái đó. Đừng đưa sự phán đoán của chúng ta vào đó. Chúng ta đưa vào đôi khi không có thấy được cái nội dung, cái bản chất của nó. Chúng ta chỉ đi tìm tại sao người đó nói cái đó, làm cái đó thôi. Chúng ta đừng có làm ông tòa ngay. Chúng ta nhận diện đơn thuần nó, nếu thấy hơi ngạc nhiên thì chúng ta đi tìm nguyên do. Tìm được nguyên do rồi thì chúng ta nói là nó xảy ra như vậy là tự nhiên, tại vì có những cái gốc rễ như vậy. Nhờ vậy tình thương mới có thể có được.

Kỳ sau chúng ta sẽ học về tam tánh, tức là y tha khởi tánh, viên thành thật tánh và biến kế sở chấp tánh. Và đây tức là phương pháp học của Duy thức, phương pháp quán của Duy thức.

Xem tiếp...

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường.

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

LÊN TRÊN=  | GỬI BÀI  |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.