Tư Tưởng
Văn hóa
Giáo Dục
Văn
Học
Diễn Đàn
Chính Luận
Ký Sự - Xã Hội
Khoa Học & Môi Trường
Việt Nam trong dòng thời sự
Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt
Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính
Trị
Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và
Văn Hóa
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền
Thế Nào Là Dân Chủ ?
Các Vấn Ðề Dân Chủ
Sophie Quinn-Judge: Hồ
Chí Minh những năm chưa được biết đến
Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và
Trường Sa
Lê Minh Văn:
Về một
NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM
Mao, câu chuyện không được biết
Gene Sharp:
Từ Độc Tài đến Dân Chủ
Vũ Thư Hiên:
Đêm giữa ban ngày
|
DUY THỨC HỌC
1
| 2
| 3
| 4
| 5
| 6
| 7
| 8
| 9
| 10
| 11
| 12
| 13
| 14
| 15
| 16
| 17
| 18
| 19
| 20
| 21
| 22
| 23
| 24
| 25
| 26
| 27
| 28
| 29
| 30
-
PSN -
19.9.2009 - Pháp thoại của Sư ông Làng Mai trong mùa An cư kiết đông
1989 - 1990
-
Chân Thuyên & Chính Bình phiên tả,
-
Chân Tịnh Không & Chân Tịnh Lạc biên tập,
- Chân Đức & Chân
Minh
hiệu đính.
Theo nghiên cứu, khá đông những người theo tông phái chủ trương là có
ngã. Nghe nói khi thầy Huyền Trang qua Ấn Độ vào khoảng đầu thế kỷ thứ
bảy, có vào khoảng hai trăm bảy chục ngàn thầy tu, trong đó có khoảng
sáu chục ngàn thầy tin theo lý thuyết có ngã. Các học giả cho rằng: phái
chủ trương có ngã là một phản ứng đối với thái độ giáo điều cứng ngắt
của những người chỉ biết lý thuyết về vô ngã mà không có thực hành. Vô
ngã là phương tiện đưa tới sự thực tập giải thoát. Vô ngã không phải là
một lý thuyết để đàm luận suông. Các thầy trong tông phái gọi là Bố Đặc
già (Pudgalavada)
cũng có lý của họ, nhưng chúng ta không đi sâu vào chuyện này. Sau này
vẫn có người tiếp tục làm công việc đó và tạo sự khó khăn cho nhiều
người khác. Nói rằng nếu không có ngã thì ai tu và ai chứng? Người làm
ra ác nghiệp ngày hôm nay, nếu không có ngã thì ai là người gặt hái
những kết quả mà hôm nay người đó đã gieo? Bị kẹt vào chỗ đó và những
tông phái bề ngoài nói về vô ngã rất nhiều. Họ đặt ra những danh từ, ý
niệm để thay thế cho ngã. Trong Duy thức cũng vậy, có nhiều người nghĩ
tới a-lại-gia là một ngã, nguy hiểm như vậy. Tại vì a-lại-gia là một kho
tàng chứa những kinh nghiệm, khổ đau, hạnh phúc của riêng một người, vì
vậy nó là một ngã! Nhưng đó là điều chúng ta sẽ trở về học hỏi sau khi
nắm được cái nhìn tổng quát về giáo lý Duy thức.
Khi tôi nói rằng: Listen, listen this wonderful sound brings me back
to my true self. Có người đứng dậy thưa thầy: what do you mind by
true self? Tôi nói như vậy: ngã là do những vô ngã, phi ngã làm
thành. Đó là một câu nói chơi nhưng trong đó có sự thật. Chân ngã là
một thứ ngã do những phi ngã làm thành. Khi nhìn ngã và thấy được như
vậy thì không có hại nữa. Khi chúng ta nhìn vào ngã và biết rằng ngã đó
do những phi ngã làm thành là đã thấy được sự thực rồi, cho nên dùng
danh từ ngã hay vô ngã cũng được. Chúng ta không còn bị khống chế nữa.
Cảnh - Vishaya
Khi chị Tịnh Thủy thấy sương mù buổi sáng, chị biết rằng sương mù đó là
một biểu hiện của thức a-lại-gia trong chị và biểu hiện của những thức
a-lại-gia khác nữa trong bản chất tánh cảnh. Cảnh (vishaya)
có tánh cảnh, đới chất cảnh, và độc ảnh cảnh. Dùng con mắt
để tiếp xúc với sắc, chúng ta thấy có một thức phát sinh ra là nhãn
thức, là cái thấy. Trong cái thấy có cái bàn hiện ra, nó là đối tượng,
đối tượng đó là tánh cảnh. Nhưng tánh cảnh đó chưa hẳn là toàn thể tánh
cảnh, chỉ là những tài liệu thôi nên gọi là hữu chất tánh cảnh.
Tánh cảnh trong bản chất, tức là tinh thức của thức, tinh thức
của a-lại-gia.
Chúng ta đã phân biệt được hiện tượng và bản thể. Ví dụ nước có nhiều
hình thức: đám mây trên trời, cục nước đá ở trong tủ lạnh, tuyết rơi
trên đỉnh núi..., tất cả đều là nước. Những biểu hiện đó thuộc về hiện
tượng, bản thể của nước gọi là vô chất tánh cảnh. Ví dụ như khoa
học đặt tên H2O là bản chất của nước, của mây, của nước đá
v.v... đó là một ví dụ, không phải là sự thật.
Tánh cảnh trong tự tính là vô chất tánh cảnh. Hữu chất tánh
cảnh chỉ đạt tới được trong trường hợp hiện lượng, có khi nó sai thì
không phải là chân hiện lượng, mà là tợ hiện lượng. Độc
ảnh cảnh cũng có hai loại, một là hữu chất và hai là vô chất.
Ví dụ đêm qua chúng ta nằm mơ thấy bác Hồ, bác Hồ là sự thật trong khung
cảnh chính trị, vì vậy nằm mơ chúng ta thấy một người có chòm râu như
vậy. Bác Hồ hiện ra trong giấc mơ là hữu chất độc cảnh, tức là một hình
ảnh vốn có thật từ thế giới tánh cảnh. Nếu chúng ta nằm mơ thấy một cái
gì không có trong thực tại: Ông táo quân đang bay giữa trời, hoặc chị
Tịnh Thủy nhưng không phải chị Tịnh Thủy, có dính một ít chị Chân Vị
trong đó, thấy một người tổng hợp giữa hai ba người, một em bé có cánh
đang bay. Tất cả những cái đó gọi là những hình ảnh độc ảnh vô chất,
không có trong thực tại. Ông già Noel có thể là hữu chất, tại vì trẻ con
thấy người lớn giả làm ông già Noel mặc cái áo đó, thành thử nó thấy y
nguyên hình đó, đó là hữu chất chứ không phải là vô chất. Vô chất là khi
nào không có thật ở ngoài. Hữu chất là một tái hiện của những hình ảnh
nguyên vẹn, sự phục hồi lại hình ảnh nguyên như cũ. Vô chất độc ảnh là
một cái gì không có thật, chúng ta chắp nối cái này và cái kia làm ra
cái gọi là vô chất độc ảnh. Nhưng vô chất độc ảnh này có nhiều
khi cũng hay lắm. Ví dụ một anh kiến trúc sư, anh không nằm mơ, anh đứng
nhìn và chúng ta nói anh làm cho một ngôi chùa thật đẹp trong triền núi
này. Ngôi chùa chưa có nhưng anh đứng, anh tưởng tượng. Khi anh ta đứng
nhìn như vậy, tự nhiên trong người anh phát sinh ra một ngôi chùa mà anh
chưa từng bao giờ thấy. Đó là sự tưởng tượng sáng tạo của anh. Anh hình
dung ra một ngôi chùa sẽ được xây dựng ở chỗ này, hình ảnh ngôi chùa đó
là một độc ảnh vô chất. Tức là anh đã có những tài liệu trong anh rồi,
anh ráp nối lại những tư liệu đó để làm ra một hình ảnh chưa có trong
thực tại, nhưng anh sẽ thực hiện trong tương lai. Hình ảnh, đối tượng đó
cũng là một độc ảnh vô chất, quan trọng lắm. Khi làm phi thuyền để lên
mặt trăng, người ta bắt đầu bằng óc sáng tạo những độc ảnh vô chất, từ
từ thành ra có thật. Chúng ta không thể nói: những độc ảnh vô chất là
không có nghĩa lý gì trong cuộc sống. Kỳ trước tôi đã nói lông rùa, sừng
thỏ là những pháp. Không phải từ không mà sinh ra có con
rùa và có cái lông của những con khác, hai cái ráp lại. Một hình ảnh vô
chất, kỳ thật không phải hoàn toàn vô chất. Nó có chất, nhưng những chất
của nó rãi rác từ những hình ảnh khác mà thôi.
Đới chất cảnh cũng có hai loại, một là chân đới chất và hai là
tợ đới chất. Chân đới chất là khi một hiện tượng tâm lý nắm lấy một
hiện tượng tâm lý khác để làm đối tượng. Ví dụ thức thứ bảy nắm lấy thức
thứ tám gọi là chân đới chất. Khi chúng ta giận nhưng có chánh niệm,
chúng ta phát khởi ra chánh niệm về cái giận của mình, có ý thức về cái
giận. Giận là một hiện tượng tâm lý, ý thức chánh niệm về giận cũng là
một hiện tượng tâm lý. Khi phân tích tìm hiểu cái giận, hình thái, nhận
thức kia là đới chất. Khi nói rằng tôi đang giận và tôi biết rằng tôi
đang giận, đó là một ý thức đơn thuần về cái giận, đó là tánh cảnh.
Không phải đới chất cảnh nữa, nó là trực giác. Tôi đang giận và tôi biết
rằng tôi đang giận, đó là một sự nhận diện trực tiếp cái giận của mình
mà không cần phải suy luận. Ý thức đó, chánh niệm đó là tánh cảnh, là
hiện lượng. Khi có tính chất suy luận đi vô trong thì nó là đới chất,
còn gọi là chân đới chất, bởi vì đối tượng của nó là tâm. Khi đối
tượng là cảnh, tức là khi chúng ta nhìn thấy một cái bàn, hay một con
người, một sự vật nào đó, chúng ta đem tâm của chúng ta phân biệt sự vật
đó, sự vật đó là tợ đới chất.
Nhắc
lại cho rõ hơn: Tánh cảnh tức là lĩnh vực của tự thân thực tại.
Ví dụ mặt trời, cái bàn hay là anh Tâm Phước. Chúng ta nhìn và đừng suy
nghĩ gì, cứ để những cái đó trực tiếp đi vào trong chúng ta. Trong trạng
thái trực giác tánh cảnh hiện lượng đó, mặt trời, cái bàn, anh Tâm Phước
thuộc về lĩnh vực của tự thân thực tại.
Đới chất cảnh là gì? Đới chất cảnh là thế giới mà chúng ta nghĩ
rằng chúng ta đang sống ở trong đó. Ví dụ như cái bàn này, trong tự thân
tánh cảnh của nó thì không phải như cái bàn chúng ta đang thấy. Trong
hiện lượng tánh cảnh thì chúng ta thâu nhận được một ít tính chất
của cái bàn. Nhưng đến khi chúng ta sống với cái bàn, sử dụng cái bàn,
có suy tư về cái bàn thì cảnh ở đây không còn là tánh cảnh nữa, mà là
đới chất cảnh. Đới là mang theo, đới chất cảnh có nghĩa là cảnh mang
theo bản chất. Ở trong triết học có danh từ gọi là ý tượng. Cái bàn mà
chúng ta thấy, chúng ta đang sống với nó không phải là cái bàn của tánh
cảnh, mà là cái bàn của đới chất cảnh, cái bàn của ý tượng. Ví dụ như
khi chúng ta đi ở ngoài tối thấy một con rắn và la hét lên, nếu con rắn
đó là con rắn thật thì đó là chân hiện lượng và hữu chất tánh
cảnh. Nhưng nếu không phải là con rắn thật, mà chỉ là một sợi dây
thôi, thì đó cũng là hiện lượng, nhưng là tợ hiện lượng, một nhận
thức trực giác sai lầm. Khi đem đuốc, đem đèn ra và nhận thấy rằng đây
là một sợi dây thừng. Khi có sự suy xét đúng, nó trở thành ra đới
chất cảnh. Nhưng đới chất cảnh không còn là tánh cảnh nữa, vì sao
vậy? Nhìn sâu, phân tích vào trong sợi dây, chúng ta thấy rằng sợi dây
được kết bằng những vật liệu như là sợi đay v.v… Cũng như nhìn sâu, quán
chiếu vào cái lá, chúng ta thấy rằng chỉ có những yếu tố không phải lá,
như mặt trời, dưỡng khí, thán khí hay là nước. Nhưng bình thường khi
chúng ta nhìn vào cái lá đó, chúng ta chỉ thấy cái lá, không thấy những
yếu tố không phải lá đã tạo ra cái lá. Chúng ta sống với thế giới của
những đới chất cảnh, sống trong thế giới của những ý tượng. Tức là qua ý
thức của chúng ta, đã có năm, sáu, bảy thức bám víu vào những bản chất
của tánh cảnh để tạo dựng ra một thế giới chúng ta đang sống, đó là thế
giới của đới chất cảnh, thế giới của những ý tượng, rất xa với thế giới
của thực tại. Và càng xa thực tại chừng nào, chúng ta càng đau khổ chừng
đó.
Với sự quán chiếu chúng ta đi dần tới. Trong Duy thức có cho chúng ta
phương pháp quán chiếu, để càng ngày càng đi gần tới thế giới của tánh
cảnh. Ví dụ như chúng ta sống với một người, có thể chúng ta sống hai
chục năm với người đó mà không biết được tánh cảnh của người đó, không
biết được chân như của người đó. Khi người đó chết rồi chúng ta mới thấy
được thêm một ít. Hay là khi người đó xa chúng ta khoảng vài ba năm,
trong thời gian đó có những cơ hội để chúng ta nhìn người đó rất kỹ và
chúng ta thấy được những cái tốt, những thăng trầm của người đó. Vì vậy
không có nghĩa là tôi thấy cái bàn đây là tôi thấy được tự thân của cái
bàn, cái bàn của tôi khác với cái bàn của con mọt. Khi con mọt nhìn cái
bàn, nó thấy một kho tàng có thể ăn năm này sang năm khác. Còn tôi nhìn
cái bàn, tôi thấy chỗ này có thể để đồ ăn được, có thể để cuốn sách,
cuốn tập để viết được. Cái bàn được nhìn một cách khác nhau, đối với con
mọt nó khác, đối với tôi nó khác và đối với người thợ mộc lại khác nữa.
Vì vậy cái bàn hiện ra như thế nào là tùy theo những nhận thức, tư dục,
mục đích của chúng ta mà ra như thế và nó mang nặng tính chất của tâm
thức.
Giáo lý
ảnh tượng và giáo lý bản chất
Trong đạo Bụt có ý niệm về giáo lý ảnh tượng và giáo lý bản
chất. Khi Bụt chứng ngộ, trong Bụt có một cái gọi là bản chất của sự
giác ngộ. Khi Bụt muốn chia sẻ bản chất giác ngộ đó với các học trò,
Ngài mới diễn dịch ra thành giáo lý. Mỗi lời Ngài nói đều có bản chất
của giáo lý, của sự giác ngộ, cho nên gọi là giáo lý bản chất.
Nếu chúng ta thâu thanh hay nghe, có thể là chúng ta chỉ nắm được
giáo lý ảnh tượng mà không có tiếp nhận được giáo lý bản chất. Phần
lớn chúng ta chỉ có thể tiếp nhận được giáo lý ảnh tượng. Vì vậy chúng
ta hay có khuynh hướng biến nó thành ra triết học, một hệ thống triết
học để giải thích cái này cái kia. Đôi khi chúng ta hiểu lầm, tại vì ảnh
tượng không phải là bản chất. Vì ảnh tượng là một phương tiện để hướng
dẫn chúng ta đi tới bản chất. Cũng như ngón tay đưa lên để chỉ mặt
trăng, ngón tay không phải là mặt trăng. Mặt trăng tức là giáo lý bản
chất, còn ngón tay là giáo lý ảnh tượng. Phần lớn chúng ta đều kẹt vào
giáo lý ảnh tượng, tức là kẹt vào ngón tay. Nghĩa là chúng ta đã không
sử dụng được giáo lý một cách thông minh, cho nên chúng ta bị kẹt vào
giáo lý đó. Đưa ngón tay lên chúng ta lập tức vồ lấy ngón tay và cho
ngón tay là mặt trăng. Vì vậy nên đánh mất mặt trăng đi. Bụt có dạy ở
trong một kinh, gọi là kinh Xà dụ, tức là biểu tượng về con rắn.
Ngài nói rằng người bắt rắn khôn ngoan là dùng một cái nạng cây chận vào
chỗ cổ con rắn rồi mới bắt con rắn. Nếu người đó không biết bắt rắn, nắm
con rắn bằng cái đuôi thì con rắn sẽ quay trở lại cắn chết. Giáo lý cũng
vậy, cũng có sự nguy hiểm của giáo lý nếu bị hiểu sai. Nếu không thông
minh, chúng ta tiếp nhận giáo lý ảnh tượng một cách quá hồ đồ, quá máy
móc thì giáo lý đó trở nên một tù ngục, là một khống chế và chúng ta
không thừa hưởng được những cái hay đẹp của giáo lý. Kinh Xà dụ rất hay
và đã được dịch ra tiếng Việt. Trong kinh đó Ngài có nói rằng: khi
chúng ta làm một cái bè để đi qua sông, chúng ta nên biết rằng cái bè đó
là để dùng qua sông, không phải để đội lên trên đầu mà đi. Giáo lý
ảnh tượng tức là cái bè, phải dùng giáo lý ảnh tượng để đạt tới giáo lý
bản chất, vốn là bờ bên kia, tức là bờ giải thoát. Vì vậy nên những điều
của Bụt dạy là mang theo bản chất của sự giác ngộ trong đó. Nếu chúng ta
học không cẩn thận, muốn học hỏi theo kiểu khái niệm và từ chương, chúng
ta sẽ đi lạc.
Trong kinh Bách dụ có một ví dụ rằng: Có một người bệnh năm này
sang năm khác. Hôm đó anh gặp một ông thầy thuốc rất giỏi, khám bệnh
xong ông nói như thế này: bây giờ anh đi mua vài con chim trĩ về làm
thịt, nấu cháo ăn thì hết bệnh. Sau khi ông thầy thuốc đi, anh chàng này
sướng quá, anh ngồi và lặp lại chữ đó: chim trĩ, chim trĩ. Anh lặp lại
như vậy hoài, anh lặp lại mấy tháng mà không thấy lành bệnh gì cả. Tại
vì anh đã nắm lấy ảnh tượng và đánh mất bản chất. Có một người bạn khác
tới, thấy anh nói chim trĩ, chim trĩ một cách điên rồ như vậy mới hỏi:
anh làm gì vậy? Anh ta trả lời: Ông thầy thuốc nói tôi phải áp
dụng chim trĩ thì tôi mới có thể lành bệnh được, thành ra tôi cứ tụng
niệm chữ chim trĩ. Trong số chúng ta cũng có nhiều người đang làm việc
đó, chúng ta cũng gọi chim trĩ, chim trĩ mà không có ích lợi gì cả.
Người bạn đó mới phát khởi lòng thương, anh ta nói: anh lầm rồi, ngồi
xuống đây. Anh cầm cây viết vẽ lên một con chim trĩ: đây này, con chim
trĩ như vậy nè, anh phải ăn nó thì anh mới có thể lành bệnh được. Ngay
khi người bạn đó đi khỏi, anh chàng này mới lấy cái kéo cắt con chim trĩ
đó ra, rồi anh thuê thợ vẽ thêm nhiều chim trĩ nữa, anh cắt ra anh nuốt.
Anh nuốt bao nhiêu là chim trĩ bằng giấy mà vẫn không lành bệnh. Rốt
cuộc ông thầy cũ tới và nghe được câu chuyện đó. Ông thầy không nói nữa,
ông dắt anh ta ra chợ mua mấy con chim trĩ về, bảo người nhà nấu cháo
bắt anh ăn ngay tại chỗ, rồi anh ta lành bệnh. Câu chuyện đó khá tức
cười, không có người nào mà ngu si đến mức đó. Nhưng trong kinh Bách dụ
toàn là những chuyện như vậy, để cho chúng ta thấy rõ sự dại khờ và ngu
si của chúng ta. Có thể chúng ta đã và đang làm giống như anh chàng bệnh
và muốn ăn chim trĩ kia mà không biết. Có một truyện khác trong kinh
Bách dụ nói rằng: có một anh chàng nấu ăn mà không biết dùng muối. Sau
đó có người chỉ cho cách dùng muối và thấy ăn sao ngon quá. Sau khi
người đó đi khỏi, anh ta mua muối cho thật nhiều, món ăn nào anh cũng bỏ
một ngụm vào, ăn thấy mặn quá. Câu chuyện có tính chất như không có
thiệt, ai mà ngu đến như vậy. Nhưng kỳ thực chúng ta nhiều hay ít đã bị
giống như vậy. Niệm Phật, ngồi thiền, chúng ta cũng có thể đã ngây ngô
làm như vậy. Đừng tưởng chúng ta thoát ra khỏi những sự dại dột của
những người trong kinh Bách dụ. Vậy phải học hỏi và hành trì giáo lý của
Bụt một cách thông minh, để rồi giáo lý ảnh tượng có thể chuyên chở được
giáo lý bản chất, và chúng ta có thể đạt tới sự hiểu biết chân thực về
con đường Bát chánh đạo.
Trong tám thức thì thức thứ sáu là một thức
có phạm vi hoạt động rất lớn. Nó có thể trở về quá khứ, đi đến tương
lai, có thể bao gồm được tất cả từ tánh cảnh cho đến độc ảnh cảnh, đến
đới chất cảnh. Phạm vi của ý thức rất rộng và vai trò của ý thức
trong vấn đề đả phá những sai lầm, chọc thủng màn vô minh cũng rất lớn.
Những tâm sở thay phiên nhau để làm ra thức thứ sáu, gồm có năm mươi mốt
tâm sở, tức là tương ứng với tất cả năm mươi mốt tâm sở.
Biến:
Danh từ biến không có nghĩa như một trò ảo thuật, mà là một sự
biểu hiện ra. Ví dụ như một cây đèn cầy, khi được đốt lên nó biểu hiện
ra bằng ánh sáng. Rồi trong cây đèn cầy có bản chất của ánh sáng. Ở đây
có một cây đèn cầy, khi đốt lên thì có một vùng hào quang lóe ra như
vậy. Nhưng chúng ta không có thể nào vẽ một ranh giới rõ rệt của hào
quang đó. Tại vì hào quang đó tỏa ra xa và từ từ yếu đi. Thành ra chúng
ta có thể nói: đây là cái vòng mà trong đó nó sáng nhất, rồi có một cái
vòng nó cũng còn sáng nhưng mờ hơn, rồi có những cái vòng khác cũng còn
sáng nhưng mờ hơn nữa, như vậy cho đến vô cùng. Nếu có những dụng cụ đo
lường hết sức chính xác, chúng ta sẽ thấy rằng ánh sáng này đi xa lắm.
Cũng như khi chúng ta búng tay, chúng ta búng một cái như vậy, chúng ta
có cảm tưởng chỉ nghe ở trong phòng thôi, âm thanh đó không đi xa được
hơn cư xá Hồng Dòn. Nhưng sự thực, nếu chúng ta có những dụng cụ để đo,
thì cái búng tay của chúng ta có ảnh hưởng tới những ngôi sao ở trong vũ
trụ, dễ sợ như vậy. Cho nên trong một bài thơ tôi có viết là: Tiếng
đập cánh của anh sẽ gây chấn động tới những vì sao xa, là
vậy. Đó không phải là một hình ảnh thi ca thôi, đó là sự thật. Tiếng đập
cánh của anh sẽ gây chấn động tới những vì sao xa là như vậy. Tức là mỗi
ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi tư tưởng của chúng ta, nó có ảnh hưởng tới tất
cả vũ trụ. Chúng ta đừng tưởng rằng ngồi trong phòng đóng cửa lại, chúng
ta suy nghĩ và nói thì không có ảnh hưởng tới ai hết. Con người của
chúng ta như là một cây đèn, khi đốt lên tức là có sự sống, những sinh
hoạt của chúng ta phóng đi như từ một đài truyền hình, đài phát thanh và
nó ảnh hưởng tới tất cả những người khác. Không những nó ảnh hưởng tới
những người khác, mà ảnh hưởng luôn tới cây cỏ, thú vật, không khí,
nước. Thấy được như vậy thì chúng ta biết rằng: mỗi giây phút của đời
sống chúng ta có ảnh hưởng tới xã hội và vũ trụ như thế nào. Vì thế
chúng ta không thể sống không có trách nhiệm được.
Ví dụ đằng xa kia có một cây đèn cầy khác và cũng tỏa chiếu sự sống của
nó ra. Chúng ta sẽ thấy rằng ở lĩnh vực này là một điểm tiếp xúc giữa
hai vùng ánh sáng. Khi chúng ta so ánh sáng ở từng chỗ, chúng ta sẽ thấy
ánh sáng chỗ này sáng hơn, tại vì đây là sự tiếp giáp của hai vùng ánh
sáng thuộc vòng thứ ba. Đây là vòng thứ ba, nhưng đây là vòng có tính
cách cộng biến. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ở đó không có ánh
sáng, ở đó cũng có ánh sáng, nhưng nó là vòng thứ tư, vòng thứ năm, vòng
thứ sáu, vòng thứ bảy… Vì vậy cho nên chỗ này là tự biến nhiều hơn chỗ
kia, nhưng nó là tự biến mà đồng thời cũng là cộng biến. Thành ra cái
vùng này là vùng tự biến nhiều hơn hết, nhưng không có nghĩa là hoàn
toàn tự biến, tại vì ánh sáng của cây đèn kia lan tới đây trong vòng thứ
tư của nó. Chúng ta không có quyền nói tới hoàn toàn cộng biến hay hoàn
toàn tự biến. Chúng ta chỉ có thể nói là: cộng biến nhiều hơn hay là tự
biến nhiều hơn mà thôi. Rốt cuộc chúng ta đi đến ý niệm về ranh giới
giữa tự và tha, mà nó thật sự không có. Thành ra trong tự biến đã có
cộng biến và trong cộng biến có tự biến rồi.
Ví dụ như nước Pháp với thể chế chính trị và kinh tế, là một hiện tượng
cộng biến của tất cả những người Pháp. Nhưng ở làng Mai chẳng hạn, chúng
ta đang ngồi đây, chúng ta ngồi trong nước Pháp. Nhưng không khí của
làng Mai có tính cách đặt biệt hơn, tức là chúng ta sống không giống
những người Pháp thường, có giống nhưng mà giống rất ít. Nếu người ta
nhìn vào cách sống của chúng ta, người ta thấy rằng chúng ta sống giống
như là bên lề của xã hội Pháp. Tại sao vậy, tại vì chúng ta không tiêu
thụ như người khác, chúng ta không có sản xuất giống người khác, chúng
ta không có những quan niệm về hạnh phúc giống như những người khác.
Làng Mai của chúng ta là một hiện tượng tự biến và cộng biến. Tuy rằng
chúng ta có khác, nhưng chúng ta vẫn tham dự vào một số những điều kiện
của xã hội Pháp. Ví dụ như chúng ta được hưởng chế độ bưu điện của Pháp.
Bưu điện Pháp rất hay, gửi thư rất mau, rất khác với bưu điện Ấn Độ,
phải không chị Chân Đức. Chúng ta được hưởng cái đó. Vì vậy ý niệm về tự
biến và cộng biến rất căn bản trong tâm lý học của đạo Bụt.
Chúng ta nói trong Làng Mai của chúng ta có mười người ở, mười người đó
cùng thở không khí Làng Mai, cùng làm việc chung trong Làng Mai, cùng
trồng rau, nấu cơm. Đó là tính cách cộng biến chung cho chúng ta. Tuy
nhiên chị Chân Vị lại khác với chị Chân Đức, mỗi người có cái khác
riêng. Chị Chân Vị có trách vụ khác, có nhận thức khác, có cơ thể khác.
Chị Chân Đức có trách vụ khác, có nhiệm vụ khác, có cơ thể khác. Hai
người ở trong cộng biến vẫn có cái tự biến riêng. Vì vậy trong cộng có
tự và trong tự chúng ta thấy có cái cộng ở trong đó. Khi chúng ta thấy
được như vậy rồi, chúng ta sẽ thấy được điều này là ý thức của chúng ta,
là nhận thức của chúng ta, gọi là tâm của chúng ta. Nó không phải là một
hiện tượng hoàn toàn tự biến. Tâm của chúng ta là một bóng dáng của tâm
cộng đồng, ảnh hưởng tới tâm cộng đồng một cách rộng lớn. Tuy nhiên
chúng ta vẫn có phần tự biến của chúng ta. Cái chúng ta gọi là tâm thức,
nó không phải là một hiện tượng độc lập, đơn độc tự mình mà có. Tại vì
nếu chúng ta lấy bối cảnh đó ra thì nó sẽ hư liền. Bất cứ một vật gì,
một cái cây, một đám mây hoặc là một con người, nếu chúng ta lấy ra khỏi
bối cảnh của nó, môi trường của nó, thì nó không còn là nó nữa.
Câu đó quan trọng lắm. Tại vì chúng ta tưởng
rằng tâm mình nó như vậy, là vì nó như vậy. Nhưng tâm chúng ta chẳng qua
chỉ là cái bóng dáng của những điều kiện tạo ra tâm mà thôi. Ví dụ như
một gia đình người tị nạn Việt Nam sang bên này, sống trong một xã hội,
như là xã hội Hòa Lan. Cha mẹ với con cái tuy cùng sống ở một thành phố,
nhưng tâm của cha mẹ khác với tâm của con cái. Bởi vì trong đời sống của
cha mẹ, có thể là tâm không được phơi bày ra nhiều trong xã hội Tây
phương bằng tâm của các con. Một em bé mười lăm tuổi đi ra trường học,
lập tức được đặt vào trong môi trường của lề lối suy nghĩ, lề lối tiếp
nhận, quan niệm về đẹp, quan niệm về hạnh phúc chung của người Hòa Lan.
Chỉ cần sáu tháng thôi là em bé mười lăm tuổi đó có một cái tâm thức rất
khác với tâm thức của cha mẹ. Trong trường hợp đó, em bé có liên lạc
nhiều hơn với thực tại của địa phương. Còn cha mẹ, dầu sao cái vỏ ốc bao
bọc xung quanh vẫn còn dày đặc hơn. Vì vậy giữa hai thế hệ cha mẹ và con
cái có một sự ngăn cách. Cha mẹ không hiểu được con cái, hiện bây giờ
tâm thức của con cái đã biến chuyển, đã phản chiếu nhận thức cộng đồng
của xã hội Hòa Lan rồi. Những cái em bé cho là đẹp thì cha mẹ không cho
là đẹp. Ví dụ như loại nhạc đó em bé thích quá, say mê quá, nhưng cha mẹ
lại thấy nó rất là nhức óc.
Cái gọi là mỹ học cũng liên hệ tới quan niệm
tự biến và cộng biến. Có một môn triết học quan trọng là thẩm mỹ học.
Tại sao lúc này chúng ta cho cái áo dài ngắn, gọi là mini áo dài là đẹp,
có những lúc khác chúng ta cho áo dài maxi là đẹp, cũng chỉ là do ở
chúng ta thôi. Cái váy của người Tây phương cũng vậy, có khi dài mới là
đẹp. Nhưng có những thời đại, có những địa phương cho nó ngắn chừng nào
thì đẹp chừng đó. Đó không phải là do nhận thức đơn độc của một người,
mà là tâm thức chung của mọi người. Đôi khi chúng ta thấy nhiều người
cho cái đó là đẹp, tự nhiên từ từ chúng ta cũng đi tới quan niệm như vậy
mới đẹp. Thành ra đẹp hay xấu tùy thuộc rất nhiều tới nhận thức của số
đông.
Đứng về phương diện sáng tác văn nghệ cũng
vậy, đôi khi chúng ta có một lề lối sáng tác riêng của mình. Nhưng khi
chúng ta sáng tác văn nghệ, chúng ta phải có liên hệ với quần chúng
thưởng thức văn nghệ. Nếu quần chúng tiêu thụ văn nghệ không thấy cái đó
là đẹp, họ đòi hỏi những sáng tác theo một đường lối khác, từ từ chúng
ta cũng phải biến chuyển theo họ và sáng tác những cái thích hợp với họ.
Cho nên có những nghệ sĩ sáng tác ra một tác phẩm, sau khi họ chết ba
trăm bốn trăm năm rồi mới thấy đẹp, trong khi họ còn sống thì rất bị hắt
hủi. Có những họa sĩ, những thi sĩ sống rất đơn côi. Vì những cái mà
người đó cho là thật đẹp, thật quý thì xã hội lại cho là không đẹp và
không quý. Nhưng ba bốn trăm năm về sau, tâm thức của người ta thay đổi
và người ta bắt đầu thấy được cái đẹp. Nhưng không có nghĩa là nó tiếp
tục đẹp, tại vì ba bốn trăm năm sau nó thay đổi nữa và thấy cái này lại
xấu đi. Cái đẹp hay xấu tùy thuộc theo tâm thức cộng đồng của người ta
lúc đó. Cho nên một văn nghệ sĩ sống trong quần chúng, sáng tác của
người đó cũng chịu ảnh hưởng quan niệm thẩm mỹ của quần chúng thưởng
thức văn nghệ.
Nếu tôi viết ra một cuốn sách mà không có ai
thích, thì tôi không có can đảm để viết thêm những cuốn sách cùng theo
loại đó. Ít nhất là phải có một số người đọc tác phẩm đó, thấy được giá
trị và chấp nhận nó, thì tôi mới có thể tiếp tục viết theo đường lối đó
được. Cố nhiên không phải là chúng ta hoàn toàn bị động, chúng ta có khả
năng tự biến ở trong đó, chúng ta có thể chuyển đổi tâm thức của người
đọc, của khán giả. Nhưng muốn chuyển đổi thì chúng ta phải có liên hệ
với những người kia trước. Tức là chân của chúng ta phải chấm trên mặt
đất của thực tại, lúc đó chúng ta mới bắt đầu chuyển đổi được thực tại.
Nếu hai chân chúng ta không chấm đất, thì dầu có ý nguyện rất lớn, bồ
tát nguyện rất là lớn, cũng không thể chuyển đổi được tình trạng. Vì vậy
dầu anh có một khái niệm, một quan niệm rất vững chãi, rất hay về công
việc cải tổ đạo Phật. Nhưng anh chê những cộng đồng Phật giáo là ồn ào,
náo nhiệt, danh lợi. Anh không muốn dấn thân vào thì anh không có thể
nào chuyển đổi được cộng đồng đó. Một cái chùa, một cộng đồng có thể là
rất nhiều phiền não, có thể có rất nhiều ồn ào, có thể có rất nhiều danh
lợi. Nhưng nếu anh muốn chuyển đổi chùa Phật giáo đó trở nên một đạo
tràng cho đàng hoàng, thì anh phải đặt chân vào trong đó. Với điều kiện
là anh phải có nội lực, nếu không thì sau ba bốn tháng anh trở thành một
phần tử của cộng đồng đó. Vì vậy chúng ta chuyển hay là chúng ta bị
chuyển, đó là vấn đề.
Khi đi vào trong một cộng đồng mà chúng ta
muốn chuyển, chúng ta phải thấy được những giá trị, những yếu tố tích
cực ở trong cộng đồng đó mà chưa được khai thác. Chúng ta phải thấy được
những điểm gọi là tiêu cực, nó làm cho cộng đồng không có dễ thương,
chúng ta phải thấy được cả hai cái. Rồi khi chúng ta đi vào trong đó,
chúng ta sẽ nói tới những yếu tố tích cực dễ thương, để cho người ta
thấy và người ta phát triển cái đó ra, đồng thời chúng ta có liên lạc
tốt với cộng đồng. Khi chúng ta đã có được niềm tin, sự đoàn kết, sự tin
cậy rồi thì chúng ta có thể chuyển đổi được tình trạng, bằng cách gột
rửa đi những yếu tố gọi là tiêu cực và như vậy thì đường lối đó, đường
lối duy nhất là đường lối Đại thừa, tức là làm việc chung với tất cả mọi
người. Nhưng với điều kiện là chúng ta phải vững chãi, vững vàng. Người
văn nghệ sĩ cũng vậy, người văn nghệ sĩ chỉ muốn làm giàu thôi và chiều
theo thị hiếu của quần chúng, quần chúng ưa những chuyện quái đản, quần
chúng ưa những văn nghệ rẻ tiền, khiêu dâm v.v… Nếu như mình nói: tôi
phải chấm chân vào trong miếng đất của thực tại mà tôi sáng tác. Chiều
theo thị hiếu quần chúng như vậy thì tôi không có sứ mạng gì cả, và rốt
cuộc tôi sẽ trở thành nạn nhân của độc giả, hoặc là của quần chúng tiêu
thụ văn nghệ của tôi. Cho nên những vị Bồ tát đi vào trong cuộc đời là
phải có Bồ đề tâm. Như là một viên kim cương, giữ cho mình không có biến
hoại, không bị trần tục hóa.
Trên thực tế không phải chỉ có hai cây đèn cầy, mà chúng ta có rất nhiều
cây đèn cầy. Ví dụ như trong phòng của chúng ta có ba trăm cây đèn cầy
và ánh sáng tạo ra trong phòng là do ba trăm đèn cầy, đó là một hiện
tượng cộng biến. Thế giới vũ trụ của chúng ta cũng như vậy. Vũ trụ có
trái đất của chúng ta là một hiện tượng cộng biến của tất cả những tâm
thức của chúng ta. Tâm thức đó chúng ta cho là một hay là nhiều, nó
không quan trọng. Tại vì người học đạo Bụt là phải tiến tới nhận thức là
một và nhiều là những danh từ tạm dùng thôi. Chúng ta phải
vượt đến sự thực: nó không phải là một hay là nhiều, sự thực không phải
là trước hay là sau. Ví dụ như khi chúng ta ngồi thiền trên trái đất,
chúng ta chắc rằng phía này là phía thượng và phía này là phía hạ. Quan
niệm về thượng và hạ là một quan niệm ở trong đầu của chúng ta. Trong
khi chúng ta ngồi thiền ở đây thì những người bạn của chúng ta ở bên
Việt Nam cũng ngồi thiền, nhưng họ ngồi một cách ngược lại, phía trên
của họ thì chúng ta gọi là hạ. Nhưng đối với họ thì chính chúng ta là
ngồi ngược, họ ngồi đúng.
Thành ra ai thượng, ai hạ, ai ngồi đúng? Có thể cả hai người đều đúng,
hay là cả hai người đều sai. Vì vậy quan niệm về trên và dưới là quan
niệm liên hệ tới trái đất, còn ở trong vũ trụ thì không có trên và dưới.
Vì thế ý niệm về trên và dưới không thể áp dụng cho vũ trụ. Trong cuộc
sống thường ngày, chúng ta có những quan niệm như là trên dưới, trong
ngoài, một và nhiều. Đó là những ý niệm tương đối. Nếu chúng ta quán sát
cho kỹ lưỡng, thì những ý niệm đó không phù hợp với sự thực tuyệt đối.
Những ý niệm về sanh diệt, trên dưới, trong ngoài, dơ sạch, một nhiều;
những khái niệm đó đi sâu vào trong thực tại thì không đúng nữa. Ví dụ
như chúng ta nói cái bông là sạch và thùng rác là dơ. Nhưng nếu chúng ta
quán sát kỹ thì thấy rằng: trong bông nó có rác và trong rác có bông.
Cho nên quán sát để thấy được bản chất đồng nhất bất nhị của hoa và rác
rồi, chúng ta sẽ siêu thoát được quan niệm về dơ và về sạch. Trong
trường hợp này chúng ta quán sát để có thể siêu việt được quan niệm về
thượng và hạ. Một và nhiều cũng vậy, trên lý luận tương đối chúng ta
thấy như có thật, cũng như là ta và người. Nhưng đến khi chúng ta quán
sát một cách sâu sắc, quan niệm về một và nhiều cũng sẽ tan biến đi. Cho
nên chúng ta nói rằng: thế giới của chúng ta là một hiện tượng cộng biến
của tất cả các tâm thức.
Hay là chúng ta cũng có thể nói: nó là sự biến hiện của tâm thức. Tâm
thức, tất cả tâm thức, hay tâm thức ta, nó cũng như nhau mà thôi. Tại vì
trong ta có cái không ta ở trong.
Tôi trở lại chuyện gia đình Hòa Lan, nó liên hệ tới chúng ta nhiều lắm.
Tâm thức của em bé phản chiếu đến tâm thức của cộng đồng giới trẻ Hòa
Lan. Quan niệm của em bé về thiện ác, đẹp xấu, hạnh phúc khổ đau, nó
phản chiếu theo quan niệm của người Hòa Lan. Trong khi quan niệm của ba
má thì khác. Nếu không có sự dung hợp giữa hai thế hệ thì sẽ có khổ đau,
chia rẽ trong gia đình. Nếu quý vị mai mốt ra đi dạy về Phật pháp, hướng
dẫn tu học cho mọi người mà quý vị không biết về chuyện này, quý vị sẽ
không thể thành công được. Quý vị phải làm thế nào để tiếp xúc với cả
cha mẹ, con cái. Quý vị phải biết được nguyên tắc của tự biến và cộng
biến, tính cách cộng đồng của tâm thức. Làm thế nào cho cha mẹ và con
cái thấy được điều đó. Tự nhiên hai bên sẽ trở thành khiêm nhượng trong
nhận thức của mình và bắt đầu tìm hiểu, liên lạc, tiếp xúc thật sự với
thực tế.
Tôi thường hay trồng cải. Hột cải là một trong những thứ hột rất mạnh,
lạnh mấy nó cũng có thể sống được. Hột cải mà chúng ta đem từ Việt Nam
qua bên này, chúng ta trồng vào mùa còn ấm áp. Khi cây cải mọc lên rồi,
nếu trời đột nhiên trở lạnh, lạnh tới không độ hoặc dưới không độ, cây
cải Việt Nam nó chưa bao giờ tiếp xúc với thực tại đó. Vấn đề sống chết
của nó là tùy thuộc ở chỗ, nó có thể thích nghi được với đất ở nước Pháp
và khí hậu của nước Pháp vào mùa Đông hay không. Đêm đó, nhiệt độ tự
nhiên xuống tới một độ hoặc là hai độ dưới không. Những cái rễ của cây
cải tiếp nhận được sự thay đổi đó. Những lá cải, thân cải phía trên nó
cũng tiếp nhận được cái đó. Một là nó tiếp xúc và thỏa hợp được với hoàn
cảnh thì nó sống. Đó là vấn đề học hỏi, học tập. Nếu nó không tiếp nhận,
không có sự tiếp xúc với thực tại thì nó sẽ chết. Một người từ Việt Nam
qua tị nạn bên này, nếu không tiếp xúc được với thực tại kinh tế, văn
hóa bên này thì người đó sẽ gặp khó khăn. Nếu người tị nạn sang bên này
vẫn tiếp tục nằm trong cái vỏ cứng của văn hóa, tâm thức, ý thức cộng
đồng của bên nhà mà không thay đổi. Như vậy sẽ không thích nghi được với
hoàn cảnh xã hội bên này và sẽ chết. Hạt cải cũng vậy, phải làm thế nào
để có những sự chuyển biến trong nội dung của hạt cải, để có thể thích
ứng được với khí hậu bên Tây phương thì mới sống được. Hạt cải nó giỏi
lắm, nó tiếp nhận những dữ kiện của khí hậu của đất đai bên này và nó
bắt đầu chuyển đổi, thay đổi. Khi một phần của cây cải thay đổi rồi,
phần kia không chịu thay đổi thì cũng chết. Cũng như là con cái đã tiếp
nhận được ý thức cộng đồng của bên này, cha mẹ nhất định không tiếp
nhận, thì tự nhiên giữa cha mẹ và con cái có một sự cách biệt. Sự cách
biệt đó tạo ra mâu thuẫn và nó sẽ làm cho gia đình đó tiêu hoại. Cây cải
trồng ở đây nó thích nghi rất giỏi. Khi trời lạnh rồi, nó có những khả
năng sáng tạo. Cây cải ở Việt Nam đâu bao giờ có gai. Những lá cải của
chúng ta ở bên này, trong mùa đông nó mọc gai ra rất nhiều. Quý vị trồng
cải biết rằng: khi trời lạnh dưới không độ, hai độ hay năm độ dưới không
độ thì những cái lá cải của chúng ta tự nhiên cụp xuống sát đất, nó
không có vươn lên nữa, nhưng nó rất mạnh. Cũng như cây cối ở bên này,
tới mùa Đông nó rụng hết lá để nó chịu đựng, nó phải có cách của nó để
sống còn. Cây cối bên Việt Nam không rụng lá, tại vì không có mùa Đông.
Vì vậy tôi thấy rằng những cây cải ở đây giỏi nhất trong những các thứ
cây chúng ta đem qua từ bên Việt Nam. Có những cây cải lớn bằng mười lần
hoặc hai mươi lần cây cải bên Việt Nam. Có một lần tôi trồng được những
cây cải để làm dưa, có một cây cân tới 2 kilo rưỡi. Trong trường hợp đó
chúng ta có thể nói: đó là một sự thành công lớn của dòng giống họ cải.
Chúng ta cũng vậy, là những con người nhưng cũng như những hột cải. Khi
chúng ta đi sang môi trường bên này, chúng ta phải học như những cây
cải, phải gửi những tín hiệu của mình ra, đưa những anten của mình ra và
tiếp nhận những tín hiệu của nền văn hóa bên này. Khi chúng ta tiếp xúc
được với thực tại rồi, có thể sẽ có một sự chuyển đổi trong nhận thức,
trong tâm tư của chúng ta. Khi chúng ta tiếp nhận được và chuyển đổi như
vậy, chúng ta có thể thích ứng, có thể sống một cách thảnh thơi dễ dàng
trong môi trường này, như con cá bơi trong nước. Nói như vậy không có
nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn biến thành một người Hòa Lan mới có thể
có hạnh phúc, không phải như vậy. Cây cải tuy rằng có tiếp nhận những
tín hiệu của địa phương, tuy rằng nó có thay đổi, có mọc gai ra, có sà
xuống, nhưng nó vẫn còn là cây cải. Chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể
giữ được tính chất của chúng ta, giữ những tinh hoa của văn hóa, nhưng
chúng ta vẫn có thể sống hạnh phúc ở đây và chúng ta đem những tinh hoa
của văn hóa để đóng góp vào cho văn hóa nơi này. Cũng như cây cải khi có
hoa, nhụy hoa cải cũng có thể bay tới và đồng hóa những cây cải dại ở
Tây phương, đó là điều có thiệt và tôi đã thấy. Ở Tây phương có những
cây cải dại, nếu chúng ta không giữ gìn thì những cái hoa cải dại có thể
đi vào trong hoa cải của chúng ta. Nếu chúng ta trồng hột đó thì cây cải
của chúng ta nó sẽ lai.
Khi tôi nói rằng: sáng hôm nay chị Tịnh Thủy đi thiền hành trong sương
mù. Sương mù đó là một biểu hiện của tâm thức cộng đồng, tức là một hiện
tượng cộng biến. Tuy nhiên trong khi đi thiền hành, chị Tịnh Thủy thấy
sương mù đó đẹp quá, chị có cảm tưởng biết ơn sương mù đó đã làm cho cây
thông kia mờ đi, cảnh vật có tính cách huyền ảo như là cõi tiên. Trong
khi đó có một người Pháp, cũng đi trong sương mù, nhưng ông ta đang lái
xe, ông càu nhàu vì khả năng thấy của ông ta bị ngăn cản bởi sương mù.
Sương mù đối với ông ta là một hiện tượng rất khó chịu. Đồng là sương
mù, nhưng sương mù của chị Tịnh Thủy rất hay và sương mù của ông ta thì
không hay lắm. Trong cộng biến có tính cách tự biến ở trong đó. Ví dụ
như thầy là của chung tất cả quý vị, nhưng có vị thấy thầy dễ chịu, có
vị thấy thầy khó chịu, có vị học được ở thầy nhiều hơn, có vị học được ở
thầy ít hơn. Cái này hay lắm, nó thuộc về pháp tánh học, còn chúng ta là
pháp tướng.
Như chúng ta đã biết, thức a-lại-gia của
chúng ta là tàng thức có nhiều tên: năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp
tàng. Tên thứ hai của nó là
Sarvabijavijnana, Alaya - vijnana. Chữ
sarva có nghĩa là tất cả, chữ
bija là hạt giống, là nhất thiết chủng thức, tức là thức
gồm có tất cả những hạt giống. Vì a-lại-gia là tổng thể của tất cả những
hạt giống, những hạt giống này không phải chỉ là những hạt giống kinh
nghiệm và ký ức. Tức là a-lại-gia không phải chỉ là những hình ảnh độc
ảnh, không phải chỉ là kho tàng của những chủng tử độc ảnh mà thôi. Hình
ảnh của hạt bắp ở trong ta với hình ảnh hạt bắp mà ta thấy trong thế
giới tánh cảnh, đều là những chủng tử của a-lại-gia. Như vậy chúng ta có
thể phân biệt được hai loại chủng tử, những chủng tử bên trong và những
chủng tử bên ngoài gọi là nội và ngoại. Nhưng phải cẩn thận, tôi rất ý
thức về sự nguy hiểm của những danh từ. Tại vì khi nói, chúng ta không
thể không dùng danh từ, nhưng nói ra là bị kẹt, do đó người nói cũng như
người nghe phải thông minh, phải khôn khéo để đừng bị kẹt. Ví dụ tôi nói
có hạt bắp, nếu chúng ta nhắm mắt lại, làm tái hiện hình ảnh của hạt bắp
lên trong đầu, thì chủng tử đó gọi là một chủng tử bên trong, nội chủng.
Ví dụ như khi chúng ta nhìn hạt bắp ở ngoài đồng, thì chúng ta cho là
một chủng tử bên ngoài. Nó nguy hiểm ở chỗ, chúng ta nghĩ rằng hạt bắp ở
ngoài kia là nằm ở ngoài thức. Trong khi sự thực thì tất cả đều là biểu
hiện của thức cộng đồng. Chữ nội ngoại là để phân biệt tạm, chúng ta
đừng để bị kẹt vào trong ý niệm về nội và ngoại. Cũng như khi tôi nói
rằng: chúng ta đừng nên níu kéo quá khứ, đừng tưởng tới quá khứ, đừng
quá lo lắng cho tương lai và phải an trú trong hiện tại. Có người nghĩ
rằng: khi nào nghĩ tới quá khứ là một tội lỗi, thành ra không dám nghĩ
và không dám lo tính thiết kế cho tương lai, bởi vì nó trái ngược với
lời tôi giảng. Chúng ta nên sống trong hiện tại, nếu hiểu rằng: chúng ta
không có quyền thiết kế cho tương lai và học những bài học của quá khứ,
là không hiểu ý tôi và bị kẹt vào chữ nghĩa. Tự đánh mất mình ở trong
quá khứ và trong tương lai thì không có ích lợi gì. Đứng trên miếng đất
hiện tại, quán sát hiện tại và tương lai là một việc chúng ta nên làm.
Ngôn từ có khi rất nguy hiểm, thành ra nội ngoại cũng vậy, khi đưa ra
một chữ là phải chích ngừa cho chữ đó trước, nếu không quý vị lại bị
kẹt.
Sáu tính chất của chủng tử
Chúng ta biết rằng danh từ huân tập rất quan trọng trong tâm lý
học. Trong huân tập chúng ta đã học về huân sinh và huân
trưởng. Những hạt giống trong tâm thức của chúng ta, theo như các
thầy luận sư về Duy thức nói, và thầy Huyền Trang đã lặp lại là có sáu
tính chất. Những hạt giống, những chủng tử có sáu tính chất.
Tính chất thứ nhất là sát na diệt, có nghĩa là biến chuyển
trong từng sát na. Sát na tức là thời gian ngắn nhất mà chúng ta có thể
tưởng tượng được. Vì vậy chúng ta đừng nghĩ rằng, những hạt giống trong
tâm thức của chúng ta là không có biến chuyển, dầu là hạt giống ở ngoài
hay ở trong. Hạt bắp để trong kho, chúng ta tạm gọi là hạt giống ngoài,
nó không nằm ỳ ra đâu, ở trong đó có chuyển biến. Nó không phải là một
thực tại bất động. Khoa học bây giờ cho chúng ta biết điều đó là sự
thật. Không những là hạt bắp mà một viên sỏi cũng vậy. Gồm có biết bao
nhiêu là nguyên tử, mỗi nguyên tử lại có một nhân nguyên tử và có những
điện tử du hành xung quanh với tốc độ gần ba trăm ngàn cây số một giây.
Khi biết được điều đó thì chúng ta thấy rằng trong nội dung của hạt bắp
có rất nhiều hoạt động. Hạt bắp đang sinh hoạt ghê gớm, nó là một thực
tại rất linh động. Nó không phải là một vật cứng ngắt và hột sỏi kia
cũng vậy. Vì vậy nói rằng: những chủng tử đó là sát na diệt thì
rất đúng. Hình ảnh của hạt bắp ở trong ta, hình ảnh của người mà ta
ghét, hay hình ảnh của người ta thương trong ta là những chủng tử. Những
chủng tử đó cũng là sát na diệt. Hạt giống của sự buồn, giận, căm thù
trong ta cũng là sát na diệt. Điều này quan trọng, vì tâm lý học Tây
phương có thể nghĩ rằng: những hạt giống ngày xưa nó nằm y nguyên như
vậy. Lúc chúng ta hai ba tuổi, đang còn trong trứng nước, rất ngây thơ
và dễ bị huân. Nếu ba nạt, má la, thì con người trứng nước của chúng ta
thâu nhận những hạt giống đó vào một cách rất đậm và có thể tồn tại suốt
cả đời người. Nhưng sự thật có thể biến chuyển, vì vài ba tháng sau, ba
mình hay mẹ mình nói một câu dễ thương, tự nhiên cái chủng tử mới ảnh
hưởng đến chủng tử cũ và chuyển biến nó. Nếu ba hay má mình tiếp tục nạt
mình thêm một lần thứ ba nữa, thì chủng tử đó nó lại mạnh hơn. Mạnh hơn
hay yếu hơn, tốt hơn hay là xấu hơn đều được diễn biến trong quá trình
nhân quả, với tính cách là sát na diệt. Tức là tất cả những chủng tử
trong ta đều biến chuyển từng giây từng phút. Đó là một điều tốt, tại vì
nó cho chúng ta biết rằng: chúng ta có thể chuyển biến những chủng tử
trong ta.
Tính cách thứ hai là quả câu hữu, có nghĩa là cùng có cái
quả của nó. Tức là những hạt giống đó có liên hệ tới nhân và tới quả của
nó. Chúng ta đã biết về lề lối hoạt động giữa chủng tử và hiện hành.
Chúng ta biết rằng: chủng tử sanh hiện hành, hiện hành huân chủng tử.
Nhưng chúng ta cũng thấy rằng: chủng tử sinh chủng tử, nghĩa là trong nó
là sát na diệt, thành ra nó tiếp tục sanh khởi lẫn nhau. Chủng tử sinh
diệt trong từng sát na, cho nên Tâm Phước trong giờ phút này là quả của
Tâm Phước trong giờ phút trước. Giờ phút này là luân hồi của Tâm Phước
của giờ phút trước. Vì vậy luân hồi được diễn biến trong từng giây phút.
Bây giờ chúng ta đã khác trước, tại vì tính cách sát na diệt của chúng
ta. Chủng tử sinh chủng tử là như vậy. Nhưng sự sinh khởi đó nó tùy
thuộc vào những điều kiện. Những hạt giống trong chúng ta yếu đi hay
mạnh hơn, tùy thuộc theo những chủng tử khác được đưa vào, hay là được
chuyển biến đi.
Thứ ba là …(bị
mất, không nghe được khoảng 4t. quý vị nào có được đoạn này, xin hoan hỷ
giúp chúng tôi bổ túc cho đầy đủ, đa tạ!)
Bốn là quyết định tánh. Chúng ta đã biết qua: có thiện,
ác, và vô ký. Mỗi chủng tử được sắp loại là thiện, ác hay vô ký. Ở đây
cũng vậy, chúng ta không nên tỉ mỉ quá. Tại vì thiện có thể là thiện
nhiều, ác có thể là ác ít, vô ký có thể trở nên thiện và trở nên ác.
Quyết định tánh nghĩa là được sắp loại trong ba phạm trù: thiện ác và vô
ký. Ở đây tôi muốn dặn dò quý vị là đừng quá phân biệt. Khi chúng ta
dùng những danh từ, chúng ta hay có khuynh hướng cắt cái này ra khỏi cái
kia. Thí dụ như tánh cảnh là tuyệt đối hoàn toàn khác với đới chất cảnh,
cũng như nói Tâm Phước với tôi là hai người khác nhau. Nhưng trên sự
thực, nếu quan sát cho kỹ thì thấy ranh giới giữa hai người mơ hồ lắm.
Tự và tha, trong và ngoài, tuy rằng chúng ta dùng danh từ như vậy, nhưng
kỳ thực ranh giới của nó rất mơ hồ. Khi chúng ta học về sinh vật học,
chúng ta khám phá ra cái gọi là động vật, ranh giới của nó đối với thực
vật mơ hồ. Giữa hai loại động vật và thực vật, có một loại mà chúng ta
có thể vừa gọi là thực vật, cũng có thể gọi là động vật. Có những loại
cây không phải là cây, mà vật cũng không phải là vật, nó là cả hai thứ.
Giữa các màu cũng vậy, có màu chúng ta không thể nói được là vàng hay là
đỏ, chúng ta có thể đặt tên là màu cam hay màu gì đó. Thành ra trên thực
tế chúng ta không thể dùng thanh kiếm của ngôn từ, hay là khái niệm để
chia cách tỉ mỉ ra từng mảnh của thực tại, đây là một điều rất quan
trọng. Cho nên khi học chúng ta đừng nói: cái này chắc chắn là đới chất
cảnh, không phải là tánh cảnh. Nó có thể có những tánh cảnh nằm ở biên
giới đới chất cảnh. Nên khi đưa ra giáo lý ảnh tượng là để chúng ta đi
tìm tới giáo lý bản chất, không phải để kẹt vào. Điều này cần phải được
ghi nhớ cẩn thận.
Thứ năm là đãi chúng duyên, đãi là đợi. Nó còn tùy thuộc
vào các duyên mới có thể huân sinh, huân trưởng và biến chuyển được.
Những chủng tử nếu muốn sống còn, nếu muốn mạnh thì cần phải có sự chăm
sóc và vun tưới, nếu không nó cũng chết. Ví dụ như hạt giống của tâm bồ
đề ở trong ta, nếu chúng ta không giúp đỡ, không vun tưới thì hạt giống
đó cũng sẽ tiêu mòn, nó ảnh hưởng đến những hạt giống khác. Ngay khả
năng viết văn hay là hát của chúng ta, nếu chúng ta không siêng năng
viết văn, hay chúng ta không siêng năng hát thì khả năng đó sẽ bị hoen
rỉ đi, tức là hạt giống của nó sẽ mất đi.
Tính chất cuối cùng của các chủng tử là dẫn tự quả. Tức là
nó đưa tới cái quả cùng một tính chất. Một tâm sở thiện thì đưa tới một
quả thiện, tâm sở vô ký thì đưa tới vô ký, tâm sở thuộc về sắc thì ra
sắc, tâm sở về tâm thì ra tâm. Đó là chúng ta nói tương đối thôi, tâm sở
sắc có thể thành tâm, tâm có thể thành sắc.
Tâm lý học của Duy thức là như vậy, nếu chúng ta không nắm được những
tính chất của những hạt giống trong nội tâm của mình thì có thể đi tới
những suy luận sai lầm, sự tu tập cũng như sự trị liệu của mình sẽ không
thành công. Chúng ta phải biết rằng: chủng tử ở trong mình có những điều
kiện như vậy. Ví dụ như khi chúng ta nghĩ rằng: chủng tử nó nằm ì ra,
tức là nó hỏng rồi.
Dị thục
thức
Tên thứ hai của a-lại-gia tức là
Vipakavijnana. Vipaka được dịch là dị thục thức, chữ dị
này có nghĩa là khác, chữ thục có nghĩa là chín. Ba loại tên là dị
thời nhi thục, dị loại nhi thục và biến dị nhi thục.
Dị thời
nhi thục
tức là thời gian khác nhau, có những cái có thể chín liền được trong một
vài phút và có những cái phải đợi nhiều tháng nữa mới chín, gọi là dị
thời nhi thục. Ví dụ như khi chúng ta học một câu kệ, học xong là mình
có thể nói ra được liền thì gọi là nhân quả gần như là đồng thời. Có
những cái đôi khi hai chục năm sau mới có quả, mới chín. Ví dụ chúng ta
đọc một câu kinh nào đó, tưởng là mình hiểu nhưng mà không hiểu. Từ từ
nó chín ở trong chúng ta, do những khổ đau, do những quán sát trong bao
nhiêu năm. Trong một ngày nào đó, chúng ta đi bị vấp một cái, tự nhiên
cái đó chín ra và chúng ta hiểu được, đó gọi là dị thời nhi thục.
Dị loại nhi thục
là chín tùy theo loại của nhau. Ví dụ như khi trái cam chín, nó thành ra
trái cam chín. Những hạt giống trong ta cũng vậy, nó giữ tính cách quyết
định tánh của nó và dẫn tự quả của nó. Thành ra trái mận non nhưng khi
chín không thành ra trái cam được, vẫn là trái mận, đó gọi là dị loại
nhi thục.
Thứ ba là
biến dị nhi thục,
biến dị là thay đổi, khi chín thì nó thay đổi. Nghĩa là khi trái cam còn
non thì vừa xanh vừa chát, vừa chua. Khi nó chín thì vừa vàng, vừa thơm,
vừa ngọt. Gọi là biến dị, tức là biến khác đi. Nói tính cách của thức
Vipaka là như vậy, nhưng đồng thời cũng là tính cách của các chủng tử.
Tại vì thức Vipaka tức là thức a-lại-gia. A-lại-gia vừa có nghĩa là năng
tàng và sở tàng. Vừa có nghĩa là dòng sông, vừa có nghĩa là những giọt
nước trong dòng sông.
Chúng ta có nói rằng: sáu thức đầu là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là
những thức có thể có gián đoạn, gọi là không có hằng. Nhưng hai thức sau
tức là thức thứ bảy và thức thứ tám thì nó hằng. Nhưng hằng không có
nghĩa là nó nằm ỳ ra, lúc nào cũng như lúc nào, nó thay đổi trong từng
giây từng phút gọi là chuyển. Sáu thức trước không có hằng nhưng nó có
chuyển, tức là nó có thay đổi. Khi nào nó còn phát hiện thì nó còn thay
đổi. Còn thức thứ tám là vừa hằng vừa chuyển. Một dòng sông bao giờ cũng
còn là dòng sông, nhưng mỗi giây phút nội dung của nó đều khác. Trong
một bài thơ ngày xưa, tôi viết năm 1962 trong chuyến đi cứu trợ ở sông
Thu Bồn, tôi có viết:
Chúng tôi còn đây trong cuộc đời hằng chuyển,
Sẽ xin đứng bên nhau mà dựng lại quê hương.
Chữ hằng chuyển đó từ trong a-lại-gia thức đi
ra. Nếu đọc thơ ngang chỗ đó thấy chữ hằng chuyển thì không biết là cái
gì. Ý nghĩa hai câu thơ trên là: cuộc đời đau khổ như vậy, xấu như vậy
nhưng nó vẫn là cuộc đời và chúng ta có khả năng thay đổi nó được. Đó là
nghĩa của hai chữ hằng và chuyển. A-lại-gia thức, dị thục thức là hằng
và chuyển. Trong luận Tam thập tụng nói rằng: a-lại-gia như là một dòng
nước chảy, hằng chuyển như bộc lưu, đó là nguyên văn ở trong Luận tam
thập tụng.
Có phương pháp gọi là niệm Phật: Nam mô A
Di Đà Phật, cũng có dính líu tới nguyên tắc chủng tử, huân sinh và
huân trưởng. Câu niệm Phật là năng huân, tâm thức của chúng ta là sở
huân. Năng huân là pháp có thể huân được. Ví dụ như câu niệm Bụt hay là
pháp quán hơi thở, được đưa ra làm những phương tiện để huân tập tâm
thức. Câu niệm Bụt có nghĩa là đưa một hiện hành vào trên mặt phẳng của
ý thức. Ý thức và năm thức của chúng ta ở đây, thức thứ bảy và a-lại-gia
thức. Niệm Bụt là chúng ta có thể niệm không có tiếng hay là niệm có
tiếng. Người ta thích niệm có tiếng, tại vì nhĩ thức đưa vào một hiện
hạnh có tính cách là âm thanh, để làm mạnh hơn là câu niệm Phật không có
tiếng trong ý thức. Cũng như học trò học bài, nếu đọc lớn lên thì mau
thuộc hơn. Theo nguyên tắc thì hiện hạnh này ở trong ý thức của chúng ta
là một thiện pháp, tức là một pháp có tính cách tốt đẹp và xây dựng. Tam
tánh thiện, ác, và vô ký, câu niệm Phật là một thiện pháp. Tại vì câu
niệm Phật mang trong nó nội dung của sự thanh tịnh, của sự giác ngộ, của
sự chánh niệm. Vì Bụt là tỉnh thức, là hiểu và thương.
Xem tiếp...
Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính
là con đường. |
|

...
Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết
triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây
niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong
những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực
tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn
nhất của thời đại chúng ta.
Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy
được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng
hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ
nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu
nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng
bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ.
Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...)
Tuy là lớn lên và sống
trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy
Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang
xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp
thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng
bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có
thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ
hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang
nuôi dưỡng chiến tranh.
Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự
thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết
cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng:
“Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những
người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những
người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù
của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam,
là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”.
Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển
hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến
tranh Việt Nam. (...)
Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang
hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò
quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu
cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn
toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào,
một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật
giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp
môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải
là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các
nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc
thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới,
tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu
hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên
hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh.
Trích dịch từ :
Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the
suffering of the Vietnam War
By
Pankaj Mishra
TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES
|