.

PSN
BỘ MỚI 2008
HỘP THƯ

                           TRANG CHÍNH

Hãy tự thắp đuốc mà đi !
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Văn hóa

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Chính Luận

Ký Sự - Xã Hội

Khoa Học & Môi Trường

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 TỦ SÁCH

Sophie Quinn-Judge: Hồ Chí Minh những năm chưa được biết đến

Vũ Hữu San: Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa

Lê Minh Văn: Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp: Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên: Đêm giữa ban ngày


 

 

 Thiền sư Thích Nhất Hạnh

DUY THỨC HỌC

1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30

  • PSN - 16.9.2009 - Pháp thoại của Sư ông Làng Mai trong mùa An cư kiết đông 1989 - 1990
    - Chân Thuyên & Chính Bình
    phiên tả,
    - Chân Tịnh Không & Chân Tịnh Lạc biên tập,
    - Chân Đức & Chân Minh
    hiệu đính.

3.

 Ví dụ như tính rụt rè không thích ra giữa đám đông vì hay bị khớp... Hoặc khi thấy một người có uy quyền, tự nhiên sinh ghét muốn tránh xa... Đó là những triệu chứng về sự có mặt của những chủng tử trong tâm, trong a-lại-gia của chúng ta. Nếu sống không có sự tỉnh thức, chúng ta sẽ không để ý tới khi nó biểu hiện ra. Nếu sống có tỉnh thức, chúng ta sẽ nhận diện được nó. Đây là một cảm thọ đã có gốc rễ từ trong tiềm thức. Nếu quán chiếu, có thể một ngày kia chúng ta sẽ tới được chủng tử đầu tiên. Nếu có thì giờ trong khi thiền quán thiền hành chúng ta có thể nắm lấy đầu dây đó và kéo phăng ra, kéo cho tới chủng tử đầu tiên. Khi thấy được rồi thì việc chữa trị cho những chủng tử đó không còn khó khăn. Chúng ta trị liệu bằng cách huân vào những chủng tử khác có tính đối lập, thay đổi, ảnh hưởng và chuyển hoá những chủng tử đó. Nếu không có thì giờ, không sống trong quán niệm thì một khi những chủng tử kia ló những đầu múi ra, chúng ta để trôi qua và tiếp tục sống như cũ, như thế sẽ không giải quyết được những vấn đề tâm linh.


Chủng tử sanh hiện hạnh, hiện hạnh sanh chủng tử

Con đường của chủng tử hiện hành có bốn loại, thứ nhất là chủng tử sanh hiện hạnh, thứ hai là hiện hạnh sanh chủng tử. Như chúng ta đã thấy, một chủng tử khi xuất hiện là chủng tử sanh hiện hạnh. Nhưng khi chủng tử đó trở thành hiện hạnh rồi, tự nhiên có một chủng tử khác được phát sanh và làm cho mạnh ra, gọi là huân trưởng. Bất cứ một anh chàng nào được phát hiện ở trên mặt phẳng của ý thức, đều có quyền có chủng tử ở trong a-lại-gia. Biết rằng cái gì chúng ta cho phát hiện ra là có ảnh hưởng ngay trong tiềm thức. Chúng ta có thể đem ví dụ này để hiểu thêm: ý thức giống như một chánh quyền và chủng tử giống như những thành phần của một đảng. Khi nào những thành phần của đảng đó nắm được chánh quyền rồi, đảng đó sẽ có phương tiện củng cố hạ tầng cơ sở của mình. Nhất là ở các nước như Việt Nam, khi nắm chính quyền rồi đảng có phương tiện để củng cố hạ tầng cở sở của đảng trong dân chúng. Ở đây cũng đúng như vậy, khi pháp nào được xuất hiện trên ý thức thì chủng tử của anh ta ở bên dưới cũng sẽ được củng cố. Vì vậy những đảng phái nào không nắm được chính quyền trong một thời gian lâu dài, hạ tầng cơ sở của đảng có thể sẽ yếu đi. Những chủng tử đó không được xuất hiện, thành ra yếu dần, yếu dần. Những chủng tử trong a-lại-gia không ở một mình, nó ở chung với các chủng tử khác và chịu ảnh hưởng với nhau. Chủng tử là những thực tại sống động chứ không phải là những vật khô cứng, chết ngắt. Ví dụ một hạt bắp để trong hộp, hạt bắp đó vẫn biến chuyển, tất cả đều biến chuyển. Khi biến chuyển nó tồn tại với những hạt giống khác, chịu ảnh hưởng của những hạt giống khác. Luật cạnh tranh sinh tồn ngay ở trong a-lại-gia thức của chính nó, cho nên những chủng tử có thể biến chất, có thể lớn lên, hoặc có thể yếu đi.
 

Chủng tử phát sinh ra chủng tử, hiện hạnh phát sinh ra hiện hạnh

Thứ ba là chủng tử có thể phát sinh ra chủng tử. Thứ tư là hiện hạnh có thể phát sinh ra hiện hạnh. Ví dụ như con voi chúng ta thấy ngày hôm kia, khi thấy lần đầu hiện hạnh phát sanh ra chủng tử. Trong giấc mơ chúng ta lại thấy con voi đó, con voi đó trở thành hiện hạnh. Khi trở thành hiện hạnh rồi, nó lại phát sinh chủng tử thêm nữa. Theo lề lối này, không những áp dụng cho những độc ảnh cảnh mà thôi, nó còn được áp dụng cho thế giới của tánh cảnh. Tức là hạt bắp có thể sanh ra cây bắp. Nếu cây bắp được trồng một cách tốt đẹp, sẽ sanh ra những trái bắp và những hạt bắp khác có thể sẽ mạnh hơn. Nếu hạt bắp không được thành cây bắp, để sau mười năm, hai mươi năm sẽ yếu, sẽ hư. Cây bắp này sanh ra cây bắp khác, hạt bắp này sẽ phát sanh ra những hạt bắp khác. Đây là liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng trong phạm vi tánh cảnh, cũng như trong phạm vi độc ảnh.

Có một câu hỏi rất thường được nhiều người đặt ra là: nếu chúng ta nói nhãn thức được phát sinh từ căncảnh (vì căn và cảnh hợp nhất cho nên mới có nhãn thức, trong đó có tướng phầnkiến phần). Vậy thì căn và cảnh này có độc lập ngoài thức không? Điều đó như thế nào? Câu trả lời của duy thức là: a-lại-gia không chỉ cất giữ những hạt giống độc ảnh, nó còn cất giữ luôn những hạt giống của tánh cảnh, đối chất cảnh nữa. Tức là con voi mà chúng ta thấy ngày hôm qua với tư cách tánh cảnh, tánh cảnh đó là a-lại-gia, cũng được cất chứa bởi a-lại-gia.

Trước hết chúng ta nói như thế này: khi tôi thấy cái đèn cầy thì kiến phần của thức tiếp xúc với tướng phần của thức, đó là hai phần của nhận thức. Đây là tự chứng phần, tức là căn bản của hai phần đó, giống như con ốc sên với hai anten của nó. Vậy thì con mắt nó nằm ở chỗ nào, đèn cầy nằm ở chỗ nào. Rồi chúng ta tưởng tượng ra có những sự vật tồn tại ngoài cái thấy, ngoài cái biết của chúng ta. Điều này giống như một học thuyết, gọi là thực tại luận, tức là ngoài tâm có vật. Chúng ta phải tập nhìn cho quen, khi suy nghĩ tới con mắt hay suy nghĩ tới cây đèn cầy, chúng ta quan niệm như là có một pháp luôn luôn là phần đối tượng của nhận thức. Bây giờ chúng ta nghĩ rằng, đèn cầy mà chúng ta thấy là tướng phần của thức. Nhưng tánh cảnh có phải nằm ngoài thức hay không? Con mắt này vốn là căn, có phải nằm ngoài thức hay không? Câu trả lời đầu tiên chúng ta phải nghĩ tới là: nằm ngoài thức hay không là vấn đề chưa nói tới. Vấn đề chúng ta cần phải nói tới là: mỗi khi chúng ta nghĩ, chúng ta quan niệm, chỉ là tướng phần của thức mà thôi.

Ý niệm về căn và về trần, ý niệm đó cũng là thức, thức thứ sáu. Theo Duy thức học thì a-lại-gia là một kho tàng của tất cả các pháp, không chỉ những pháp thuộc phạm vi độc ảnh, mà còn các pháp thuộc phạm vi tánh cảnh nữa. Đây là một điều khó phải từ từ đi tới mới thấy được. Thức và nhận thức của chúng ta có nhiều hình thái. Có tất cả tám thức, những thức đó được chia ra làm tám là để dễ thấy. Thực ra tám thức đó dính với nhau, đừng tưởng tượng rằng tám thức đó tồn tại độc lập. Ví dụ chúng ta thấy một con xúc sắc có sáu mặt: thứ nhất, thứ hai … thứ sáu. Chúng ta vẽ ra như vậy và tưởng là có sáu cái, nhưng kỳ thực chỉ có một con xúc sắc thôi. Chúng ta làm như vậy để người ta thấy sáu cái đó là một, nó lại thành ra cái thứ bảy. Thực ra không có cái thứ bảy, cái thứ bảy chỉ là sáu cái đầu thôi. Nhưng trên một mặt phẳng bình diện hai chiều, chúng ta muốn diễn tả ba chiều, bắt buộc phải làm như vậy. Kỳ thực cái này không nằm ở đây, (có một hình vẽ trên bảng) nó nằm sau cái kia, nó là một. Chúng ta phải cẩn thận, đừng tưởng tượng rằng tám cái này riêng biệt với nhau, một cái chứa bảy cái kia.

Bây giờ đây chúng ta thấy, hiểu, và biết rằng nhận thức của chúng ta có nhiều hình thức, thứ nhất là hiện lượng. Chúng ta đã học về cảnh (vishaya), bây giờ học về lượng (pramana). Lượng có thể gọi là hình thái nhận thức, bản chất nhận thức. Hiện lượng tức là nhận thức trực tiếp trong giờ phút hiện tại, một trực giác, một nhận thức trực tiếp không cần đi ngang qua trung gian của suy luận. Ví dụ thấy cây chúng ta biết ngay là cây, không cần phải suy luận: có lá, cành, màu xanh cho nên chúng ta kết luận đây là cây. Thứ hai là tỷ lượng, nhận thức cần phải có sự phán xét, suy luận để có thể thấy được, biết được. Ví dụ khi đứng trước bức tường thấy có khói đi lên, chúng ta biết rằng phía sau bức tường đó có một đống lửa, chúng ta nói rằng có lửa sau bức tường. Biết đó là biết của tỷ lượng. Hiện lượng có khi đúng khi sai. Tỷ lượng cũng có khi đúng khi sai. Hiện lượng khi đúng gọi là chân hiện lượng. Ví dụ thấy đống rơm, chúng ta biết ngay là đống rơm, gọi là chân hiện lượng. Trong bóng tối thấy một con rắn chúng ta hét lên và té xỉu, người nhà đem đèn đuốc ra thấy không phải con rắn mà là một sợi dây thừng, đó cũng là nhận thức trực tiếp, nhưng nhận thức trực tiếp sai, gọi là tợ hiện lượng (tợ có nghĩa là tương tợ như vậy nhưng không phải như vậy). Tỷ lượng, ví dụ khi chúng ta nói rằng sau bức tường kia chắc chắn có lửa, vì thấy khói bốc lên, và đến nơi thấy đúng là có lửa ở dưới, đó là chân tỷ lượng. Giả dụ khi tới nơi chúng ta thấy không có lửa, đó chỉ là sương mù hoặc do chiếc Honda đang rồ máy, đó là tợ tỷ lượng. Tợ hiệu lượng và tợ tỷ lượng là những nhận thức sai lầm (apramana, a là phi, không phải), gọi là phi lượng, tức là lượng thứ ba. Vì vậy năm thức đầu khi hoạt động độc lập, không đi chung với ý thức là hiện lượng, biết trực tiếp, không qua trung gian suy luận. Khi năm thức hoạt động không sai lầm, khi nhận thức của năm thức là chân hiện lượng, đối tượng là tánh cảnh. Nói tóm lại, tánh cảnh tức là đối tượng của nhận thức trực tiếp hiện lượng, trong trường hợp nhận thức đó không sai lầm.

Thầy Huyền Trang có một tác phẩm gọi là Bát thức quy củ tụng [1], chúng ta có trích ra câu: Ngu giả nan phân thức dĩ căn. Tức là những người dại khờ không thể phân biệt được giữa căn và thức, mà cứ tưởng căn là thức. Trong Bát Thức Quy Củ có một câu khác là: tánh cảnh hiện lượng thông tam tánh. Tức là khi nói về năm thức đầu, nghĩa là: cảnh của năm thức là tánh cảnh, lượng của năm thức là hiện lượng và năm thức đó thông với tam tánh. Tam tánh tức: thiện, ác, và vô ký. Chữ thiện, ác, và vô ký ở đây chúng ta phải hiểu theo nghĩa nhận thức. Chữ thiện đây có nghĩa là đúng, có tác dụng đem tới nhận thức chính xác, đóng góp vào sự giác ngộ sau này. Còn ác có nghĩa là sai lầm, làm cho dày đặc thêm màn vô minh, ngăn ngại sự giác ngộ sau này. Vô ký có nghĩa là vô thưởng vô phạt. Tính cách của năm thức đầu có thể gọi là thiện, có thể gọi là ác, và có thể gọi là vô ký. Ý thức này có thể hoạt động chung với năm thức đầu. Trong trường hợp nhận thức trực tiếp với năm thức đầu thì cảnh có thể gọi là tánh cảnh. Nhưng khi bắt đầu suy tưởng, lý luận, so sánh, đó không còn là tánh cảnh nữa mà trở thành một cảnh khác, trở thành đới chất cảnhđộc ảnh cảnh.

Trước khi chấm dứt phần này, tôi nhắc lại một vài điểm để quý vị nắm vững. Khi chúng ta nhìn thấy ánh sáng của cây đèn phát ra, chúng ta không cần phải suy nghĩ, không cần phải ý thức, chúng ta cũng có thể thấy được cây đèn. Ánh sáng là tánh cảnh, một cảm giác thuần túy. Trong trường hợp cảm giác thuần túy thì lượng là hiện lượng cảnh là tánh cảnh. Tối nay chúng ta nhớ lại cây đèn, ánh sáng đó không phải là tánh cảnh nữa mà là độc ảnh cảnh. Giả dụ chúng ta nhìn cây đèn một thời gian khá lâu, rồi chúng ta nhắm mắt lại vẫn thấy ánh sáng của nó. Đó không phải là độc ảnh cảnh, vẫn là tánh cảnh, một cảm giác kéo dài, cảnh vẫn là tánh cảnh, đừng lầm đó là độc ảnh cảnh. Độc ảnh cảnh là khi nó đã trở nên chủng tử, rồi được làm hiện hành trở lại. Ví dụ chúng ta lấy tay dụi con mắt, chúng ta thấy những hình ảnh quái dị phát sinh ra, như những hoa đốm, đó là ấn tượng phát sinh ra do từ trên.

Có khi chúng ta nằm mơ thấy đang ngủ trong một lò bánh mì, hoặc đang nằm ngủ chúng ta thấy đang bơi, bơi ở dưới nước rất lạnh. Trong giấc mộng đó có ảnh hưởng của tánh cảnh, không phải chỉ có độc ảnh cảnh thôi. Một ông đồ nho, ông nằm mơ thấy người ta đang xay lúa, tiếng xay lúa rất đều. Khi thức dậy ông thấy không có ai xay lúa, nhưng có một anh học trò đang mài thoi mực, tiếng mài mực tạo nên ấn tượng của một cối đang xay lúa. Cũng như chúng ta nằm ngủ trên một gác xép ở Sài Gòn, lợp thiếc nóng quá, trong giấc mơ đó chúng ta thấy rằng đang ngồi trong một lò bánh mì. Như vậy có nghĩa trong khi chúng ta nằm ngủ, thân thức và nhĩ thức có thể làm việc một cách rất nhẹ nhàng, không hẳn là không hoạt động. Vì vậy âm thanh của sự mài mực đi vô mờ mờ và hợp tác với những chủng tử trong độc ảnh cảnh. Trong giấc mơ, có thể là ý thức của mình phối hợp một ít những chất liệu của tánh cảnh và phối hợp một ít chất liệu của độc ảnh cảnh làm thành giấc mơ. Có những giấc mơ hoàn toàn chỉ có chất liệu độc ảnh thôi. Nhưng cũng có những giấc mơ có thể trộn vào một chút của tánh cảnh. Ví dụ như chúng ta nằm ngủ chung với một người bạn, anh ta ngủ không có đàng hoàng, đôi khi anh ta đưa tay ra kê lên trên ngực ta làm ta khó thở và trong giấc mơ ta thấy ma đè, ma đó không hoàn toàn là độc ảnh, ma đó có chút chất liệu của tánh cảnh ở trong tại vì cảm giác bị đè là do cánh tay của một người bạn đè lên. Ma đó không phải là hiện thực, không phải là vật chất. Một ấn tượng được sinh ra bởi một sức mạnh của cánh tay đè lên, sức mạnh đó là một sự thực thuộc phạm vi tánh cảnh. Có thể làm thấy hoa đốm giữa hư không, trong đó có ít nhiều chất liệu của tánh cảnh.

Chúng ta có năm thức đầu gọi là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Thức có khi hiện khởi, có khi tiềm phục. Có khi phát hiện, có khi không phát hiện. Có khi không hoạt động, nằm nghỉ, trở về với trạng thái hạt giống của a-lại-gia thức. Ví dụ như khi nằm ngủ, chúng ta không thấy, không nghe. Cho nên nói rằng: cái thấy và cái nghe của chúng ta không hoạt động trong khi chúng ta nằm ngủ. Có khi nó hoạt động sơ sơ như đã nói. Ví dụ như chúng ta đang ngủ và lò sưởi bị tắt, trong giấc ngủ đôi khi chúng ta mơ thấy đang bơi trong một dòng nước rất lạnh. Như vậy có nghĩa là trong khi chúng ta ngủ, thân thức của chúng ta hoạt động một cách mơ hồ. Chất liệu lạnh đi vào trong thân thức và trở nên chất liệu của giấc mộng. Hay là trong khi đang nằm ngủ chúng ta thấy bị ma đè. Điều đó có thể gây ra bởi một sự thực ở ngoài tánh cảnh, người bạn đang nằm kế bên đưa tay đặt lên trên ngực chúng ta, vì vậy trong giấc mơ chúng ta thấy bị ma đè. Con ma đó không hoàn toàn là những hình ảnh của độc ảnh từ trong tâm thức, một phần do cánh tay của người bạn đè lên trên ngực chúng ta. Đó là tánh cảnh phối hợp với độc ảnh cảnh.

Những người có năng lực về sinh lý mạnh, ban đêm họ có thể nằm mơ thấy đang có liên hệ sinh lý với một người khác phái, cái đó có tính cách tánh cảnh ở trong. Ví dụ như khi nằm ngủ, chúng ta thấy ôm một người khác phái ở trong giấc mộng, hình ảnh người đàn ông hay người đàn bà trong giấc mộng là độc ảnh, nhưng có dính líu tới sinh lý. Những chàng trai có sinh lực mạnh về sinh lý, thường thường có khuynh hướng làm tinh dịch ở trong người trào ra. Vì vậy trong mộng chàng trai thấy có liên hệ sinh lý với một người đàn bà và tinh dịch trào ra thật, không phải chỉ ở trong mộng. Đó là ảnh tượng độc ảnh, có liên hệ tới chất liệu của tánh cảnh. Thành ra chúng ta đừng tách rời ra một cách quá dễ dàng. Ví dụ chúng ta lấy tay dụi trên con mắt, sức mạnh của ngón tay dụi trên con mắt là một cảm giác có thật, phát xuất từ tánh cảnh và không phải là một hình ảnh được tái phát từ a-lại-gia. Khi chúng ta dụi vào con mắt, chúng ta thấy những hoa đốm trắng vàng, những hoa đốm đó có dính líu tới tánh cảnh, tức là tới bản chất. Nên năm thức đầu tức là thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm hoạt động của chúng khi thì rõ ràng, khi thì rất mù mờ tựa như không có gì. Thức thứ sáu cũng vậy, thường hoạt động rất rõ nhưng cũng có những trường hợp ý thức của chúng ta không hoạt động, hoàn toàn tắt và trở về trạng thái của chủng tử. Có năm trường hợp, trong đó ý thức của chúng ta không hoạt động, đó là trường hợp con người sinh hoạt trong một thế giới, trong một cõi trời gọi là vô tưởng thiên. Vô tưởng thiên là một cõi trời trong đó không có cảm giác, không có tri giác. Khi người tu thiền đi vào trong một trạng thái thiền định không còn cảm giác nữa, gọi là vô tưởng định. Tức là tác dụng thấy, nghe, ngửi, nếm của chúng ta không làm việc nữa. Cố nhiên ý thức hợp tác với năm thức đó không làm, gọi là trạng thái vô tưởng, vô tưởng định. Có một trạng thái nữa mà trong đó ý thức không hoạt động, đó là trạng thái diệt tận định. Một trong những trường hợp chúng ta đi vào trong định. Trong một cõi trời gọi là cõi trời vô tưởng, ý thức cũng không hoạt động gọi là vô tưởng thiên. Nhưng không cần đi lên trên cõi trời, chúng ta chỉ đi vào trong định thôi. Chúng ta thực hiện được định vô tưởng thì lúc đó ý thức của chúng ta cũng không còn làm việc nữa.

Trường hợp thứ nhất là vô tưởng thiên, trường hợp thứ hai là vô tưởng định, trường hợp thứ ba là diệt tận định, trường hợp thứ tư là ngủ say, thùy miên. Trong khi ngủ say thì không những năm thức đầu không hoạt động, mà đến thức thứ sáu cũng không hoạt động. Ngủ như vậy là ngủ ngon lắm. Còn ngủ có mộng tức là trong trường hợp đó ý thức vẫn hoạt động. Nếu trong mộng mà chúng ta thấy rằng đang bơi dưới nước lạnh, hoặc đang ngủ trong lò bánh mì, tức là thân thức của chúng ta vẫn hoạt động một cách mơ hồ. Như trong câu chuyện đã kể, một ông đồ nho nằm ngủ trưa và nghe tiếng xay lúa. Ông cứ tưởng rằng xay lúa thôi, nhưng kỳ thực là cậu học trò đang mài một thoi mực. Tiếng mài mực ông nghe được văng vẳng, cho nên ý thức của ông chấp nhận tài liệu đó và biến ra trong giấc mộng là ông đang thấy một người đang xay lúa rào rào. Trong trường hợp đó tuy rằng có ngủ, nhưng ý thức vẫn hoạt động, trong mộng thân thức và nhĩ thức vẫn làm việc. Đưa vào âm thanh của sự mài mực mà ông ta cho là âm thanh của sự xay lúa. Trong trường hợp ngủ say, thùy miên, không có mộng, lúc đó năm thức đầu và thức thứ sáu không hoạt động nữa. Tức là năm thức đầu và thức thứ sáu không phải là những thức liên tục, nó có thể bị gián đoạn.

Trường hợp thứ năm là bất tỉnh nhân sự, gọi là muộn tuyệt. Danh từ chỉ cho trạng thái bất tỉnh nhân sự. Trong lúc đó có thể là ý thức không hoạt động. Trong Duy thức học chúng ta dùng chữ thùy miên và chữ muộn tuyệt. Trong tác phẩm Tam thập tụng của thầy Vasubandhu nói rằng: ý thức thường hiện khởi trừ sanh vô tưởng thiên, cập vô tâm nhị định, thùy miên dữ muộn tuyệt. Nghĩa là ý thức thường hoạt động, trừ trường hợp sinh vào cõi trời vô tưởng hoặc đi vào vô tưởng định hay diệt tận định, đi vào trạng thái thùy miên không mộng, hay rơi vào trạng thái muộn tuyệt, tức là bất tỉnh.

Điều đó cho chúng ta thấy sáu thức đầu: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức và ý thức là những thức hoạt động, nhưng cũng có khi bị gián đoạn. Từ thức thứ bảy trở lên thì không như vậy, luôn luôn hoạt động và không bao giờ gián đoạn. Thức thứ tám cũng vậy. Thức thứ bảy và thức thứ tám được xem như một nền tảng, từ đó phát sinh ra những thức khác. Cũng như mặt biển là nền tảng, từ đó phát sinh ra những đợt sóng, sóng to, nhỏ, sóng khi có, khi không. Nhưng biển luôn luôn có mặt và là nền tảng của sóng.

Ý tức là mạt-na thức, là thức thứ bảy. Thức này là một loại trực giác chấp ngã, một vòng tay ôm cứng cái ngã. Có tính cách vô thức, không biểu hiện một cách rõ rệt như ở trên ý thức. Ý thức thì nói rằng: tôi, cái thân tôi đây là tôi, những cảm giác vui buồn này là của tôi, ý thức có thể thấy được như vậy. Nhưng ý, tức là mạt-na thức thì không có quan niệm rõ ràng như ý thức, một khuynh hướng thâm trầm trực giác chấp ngã, hai vòng tay ôm lấy cái ngã. Có thể được diễn tả như trực giác, chấp ngã như một bản năng, như là bản năng tự vệ. Ví dụ như khi chúng ta đang ngủ say hay đang chăm chú vào một cái gì đó, như đang ở trong định, một người tới đập, tác dụng làm cho chúng ta giật mình, là thức thứ bảy, mạt-na thức. Ví dụ người kia đang đi, tự nhiên có một người nào đưa tay đấm vào mặt một cái, phản ứng né của người kia là tránh hay chớp mắt, là từ mạt-na thức ra. Đó là bản năng sinh tồn, bản năng tự vệ của thức này. Thức thứ bảy của chúng ta lúc thức hay ngủ cũng như vậy thôi, nó liên tục và không có gián đoạn. Tác dụng của mạt-na thức được gọi bằng danh từ tư lượng.

Chúng ta biết rằng năm thức trước nếu nó hoạt động độc lập, hình thái nhận thức là một hình thái nhận thức trực tiếp gọi là hiện lượng. Ý thức khi hợp tác với năm thức đi trực tiếp vào tánh cảnh, hình thái nhận thức của ý thức trong lúc đó là hiện lượng. Khi ý thức không hợp tác với năm thức mà đi vào tư duy, suy nghĩ thì không còn là hiện lượng nữa, là tỷ lượng, tức nhận biết không trực tiếp, nhận biết qua trung gian suy luận.

Ý thức, hình thái nhận thức có thể là hiện lượng, có thể là tỷ lượng. Hình thái nhận thức của ý tức là mạt-na thức, trực tiếp không suy luận, một loại hiện lượng. Nhưng hiện lượng có sự sai lầm ở trong, vì chấp ngã là một sự sai lầm cho nên gọi là một loại trực giác tư lượng. Ví dụ thường nói là khi chúng ta đang ngủ say có người đánh thức chúng ta dậy, chúng ta giật mình, tác dụng đó không là ý thức. Đó là ý, là thức thứ bảy tức là mạt-na thức. Ý thức là một thức căn cứ trên mạt-na thức. Nói cách khác mạt-na thức là căn của ý thức, cũng như con mắt là căn của nhãn thức. Nhưng ý lại lấy a-lại-gia thức làm căn. Trong Tam Thập Tụng[2] có nói rằng: y bĩ chuyển duyên. tức là nương vào rồi trở lại nắm lấy làm đối tượng: y bĩ chuyển duyên bĩ. này tức là tàng thức a-lại-gia. Y bĩ tức là nương vào a-lại-gia và trở lại nắm lấy a-lại-gia làm đối tượng, gọi là y bĩ chuyển duyên bĩ. Đó là năm chữ để nói về mạt-na thức.

Cố nhiên thức mạt-na là một tác dụng nhận thức như là những thức khác, cho nên có năm tâm sở biến hành cộng tác với nó. Năm tâm sở biến hành đó là xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư, chúng ta đã được biết qua. Trong trực giác cũng có đủ năm bản chất của năm tâm sở biến hành. Tức là năm hoạt động tâm lý, năm tâm tư có tính cách phổ biến. Tức là tất cả tám thức: năm thức đầu, thức thứ sáu, thức thứ bảy, thức thứ tám đều có năm tâm sở phụ tá. Có một danh từ chúng ta phải học là tương ưng. Tương ưng là đi đôi với nhau, là nhau, tức thức và tâm sở đi đôi với nhau, cả tám thức. Trực giác là hiện lượng, hình thức nhận thức của ý là một loại hiện lượng, nhưng hiện lượng không đúng lắm nên gọi là tợ hiện lượng. Khi nào chúng ta có một trực giác đúng thì gọi là chân hiện lượng. Điều này chúng ta đã biết qua từ phần trên.

Chữ tương ưng này có nghĩa là đi đôi với nhau, hợp tác với nhau, là nhau. Khi thức đứng về phương diện tổng quát thì chúng ta gọi là tâm vương. Chúng ta có tám tâm vương, tức là tám thức. Nhưng nội dung của tâm vương làm bằng tâm sở. Xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư là những tâm sở. Vì tâm của chúng ta là vua, còn nội dung của tâm là những thần tử gọi là tâm sở, thuộc về tâm. Chữ tương ưng có nghĩa là những nội dung tâm lý đó, những mental formation được sinh khởi ra nội dung của thức. Thức giống như là dòng sông, những tâm sở giống như những giọt nước trong dòng sông. Không có những giọt nước đó thì không có sông. Không có sông thì không có những giọt nước.

Hôm trước tôi có đưa ra một ví dụ, một người cầm cây nhang rồi quơ lên trong đêm tối làm thành một vòng tròn. Vòng tròn lửa đó là tâm vương, những chấm nhỏ làm thành vòng tròn tức là tâm sở. Tâm vương tức là tâm sở, không có tâm sở thì không có tâm vương. Tâm vương là thức, chúng ta có tất cả tám ông vua gọi là tám thức hay tám tâm vương. Chúng ta có năm mươi mốt chàng tâm sở và năm anh chàng có mặt khắp nơi phụng sự tất cả các vua là năm chàng tâm sở biến hành. Danh từ tương ưng là samprayukta và năm mươi mốt tâm sở thay phiên nhau làm nên nội dung, những thức của chúng ta. Năm mươi mốt anh chàng đó chúng ta phải học thuộc lòng: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, dục, thắng giải, niệm, định, huệ, vô tàm, vô quí, trạo cử, hôn trầm, phóng dật, thất niệm,... Có bốn tâm sở thường trực đi đôi với mạt-na thức, thức thứ bảy tức là ngã si, một sự mù mờ, một sự sai lầm về ngã. Ngã kiến, ngã mạn, ngã ái và ngã si. Bốn anh chàng đó là bốn tâm sở luôn luôn tương ưng với thức thứ bảy, không có lúc nào rời bốn anh chàng đó.

Ngã si tức là một sự si mê về ngã, một sự thiếu hiểu biết về ngã. Ngã kiến tức là một thành kiến, thấy sai lạc về ngã, nghĩ rằng thân này là của ta và những tâm tư này là của ta, đây là những ranh giới phân biệt cái ta và cái không ta. Ngã mạn tức là cho rằng cái ta quan trọng hơn những cái không ta. Ngã ái có nghĩa là ôm chặt lấy cái đó, thương cái đó, quý cái đó, cho rằng chỉ có cái đó mới là đáng quý thôi. Đây là bốn phiền não của thức thứ bảy.

Thức thứ tám a-lại-gia, cũng là một loại nhận thức trực giác hiện lượng. Hai tác dụng của a-lại-gia là chấp thọ xứ. Trước đây tôi có nói rằng: a-lại-gia có nghĩa là tàng, cất giữ. Chữ chấp thọ cũng có nghĩa cất giữ. Chấp là cầm lấy, nhận lấy, thọ là tiếp nhận, tiếp nhận và cất giữ, như người giữ kho vậy. Ví dụ như khi chúng ta học một bài hát lần đầu, chúng ta gieo vào trong tàng thức những hạt giống đầu của bài hát. Khi chúng ta tập hát lần thứ hai chúng ta gieo thêm cùng một hạt giống đó vào trong a-lại-gia, thức này có bổn phận phải tiếp nhận những hạt giống và duy trì những hạt giống đó, gọi là chấp thọ. Nhưng đối tượng của sự chấp thọ không phải chỉ như vậy thôi, nó còn chấp thọ những cái khác nữa. Xứ có nghĩa là nơi chốn, biểu hiện ra khung cảnh, hoàn cảnh trong đó có sinh mạng và có môi trường của sự sinh sống. Điều này hơi khó, nhưng kiên nhẫn một ít thì hiểu được.

Trong duy thức có một danh từ thật quan trọng gọi là biến. Danh từ này có nghĩa là biểu hiện ra, chuyển hiện ra. Công dụng của thức là biểu hiện ra, biểu hiện từ chủng tử ra hiện hành. Ví dụ như trong khi ngồi, chúng ta lục lọi trong a-lại-gia của chúng ta một tên hay là một hình ảnh. a-lại-gia thức của chúng ta giúp biểu hiện tên đó, hình ảnh đó ra. Đó gọi là biến, là hiện hành. Nhưng chữ parinama có nghĩa rộng lớn hơn, đó là biểu hiện ra. Chính a-lại-gia thức biểu hiện ra sinh mạng và hoàn cảnh. Trong đó sinh mạng đang diễn ra, như thân thể của chúng ta gọi là căn thân. Căn thân sinh hoạt thì gọi là khí giới. Khí giới không có nghĩa là những súng ống! Ở đây có nghĩa là thế giới tự nhiên, tức là sông núi, nhà cửa, vũ trụ. Trong đạo Bụt có danh từ thế gian, có hai loại thế gian, một loại là tình thế gian, hai là khí thế gian. Tình thế gian tức là thế giới của những con người (parinama), biến này không phải chỉ a-lại-gia mới biểu hiện, tất cả các thức khác đều biểu hiện. Biểu hiện đồng thời tướng phần và kiến phần. Ví dụ ngã (ta) là do anh chàng thức thứ bảy biểu hiện và cuốn phim chúng ta xem trong giấc mơ cũng là parinama, cũng biến hiện ra. Cái bàn này cũng vậy, cái bàn chúng ta đang thấy đây cũng do chúng ta biến hiện ra. Biến hiện ra không có nghĩa là làm phép từ không thành ra có, biến nghĩa là làm cho hiển lộ ra. Cái bàn trong thực tế không hẳn là cái bàn như chúng ta đang thấy, có thể rất là khác, khác lắm. Như một người, chúng ta tưởng người đó là vậy, nhưng kỳ thực chúng ta biết rất ít về người đó, người đó trong thực tế rất khác. Hạt bụi cũng vậy, chúng ta tưởng hạt bụi đó là hạt bụi, có gì khác đâu, nhưng những nhà khoa học về nguyên tử họ nhìn hạt bụi họ sợ lắm. Tại vì hạt bụi có bao nhiêu kỳ bí ở trong đó, họ tìm hiểu hoài mà không thấy hết được không biết hết được, càng đi sâu vào càng lạc lõng. Thành thử ra thế giới đích thực của tánh cảnh, chúng ta không thể nói rằng chúng ta biết tới nơi tới chốn được.

Tôi có nói rằng, chế độ chính trị và tình trạng kinh tế của nước Pháp là một hiện tượng cộng biến của tất cả người Pháp. Mỗi người do nhận thức và cách sống đã chung sức với những người khác tạo ra thế giới chính trị và tình trạng kinh tế của nước Pháp. Tất cả mọi người đều hưởng chung. Tuy nhiên không phải người nào cũng có một đời sống chính trị và kinh tế giống nhau. Những người thấp cổ bé miệng không được hưởng tự do nhiều bằng những người có thế lực. Những người không có điều kiện vẫn chịu nghèo khổ, thường không được hưởng quyền lợi như những người có nhiều điều kiện. Có vốn nhiều thì đời sống kinh tế dễ chịu hơn những người không có vốn. Tuy nhiên sự cực khổ, sự khó khăn của một người nghèo ở Pháp khác với sự cự khổ khó khăn của một người nghèo ở Việt Nam. Ở Pháp có những cơ hội, những điều kiện khác với ở Việt Nam.

Cũng như con mắt của chúng ta, con mắt của chúng ta là một hiện tượng riêng của chúng ta, nó liên hệ mật thiết tới chúng ta hơn là đối với người khác. Con mắt có tính cách tự biến, một hiện tượng tự biến nhiều hơn là cộng biến. Tức là sự có mặt của con mắt và phẩm chất của con mắt chúng ta, nó liên hệ tới hạnh phúc và sự sống của chúng ta nhiều hơn là với sự sống và cái hạnh phúc của những người khác. Vì vậy cho nên chúng ta có thể nói rằng: mặt trời là một hiện tượng có nhiều tính cách cộng biến hơn, vì nhiều người thừa hưởng giống nhau. Nhưng con mắt của riêng tôi thì liên hệ với tôi nhiều hơn là liên hệ tới anh. Nếu so sánh khí hậu nước Pháp với con mắt của riêng tôi, thì khí hậu nước Pháp là một hiện tượng có nhiều tính cách cộng biến hơn. Con mắt của riêng tôi có nhiều tính cách tự biến hơn. Thế nhưng có một hôm tôi đi trên xe buýt ở Ấn Độ, chung với ba mươi mấy người và một anh tài xế Ấn Độ. Tôi thấy rất rõ, con mắt của anh chàng này quan trọng quá, nếu anh ta quáng, anh ta không nhìn rõ thì sinh mạng của ba mươi sáu người trên xe buýt đều lâm nguy. Cho nên con mắt của anh chàng tài xế lúc đó trở nên một hiện tượng cộng biến đối với cả ba mươi sáu người. Những người ngồi trên xe khác thì không sao, nhưng nó rất quan hệ cho những người ngồi cùng trên xe đó. Con mắt của anh tài xế lúc đó là một hiện tượng cộng biến cho tất cả ba mươi sáu người.

Quý vị đã biết rằng đằng sau con mắt có thắng nghĩa căn, tức là hệ thống thần kinh thị giác, có tính cách tự biến nhiều hơn. Mắt của chúng ta khi được người khác nhìn thấy, người khác có thể ca tụng con mắt của chúng ta đẹp như nước hồ thu gì đó... Nhưng người khác không thể thấy được thần kinh thị giác của chúng ta và không thể ca tụng được. Vì vậy thắng nghĩa căn của chúng ta có tính cách tự biến hơn là chính con mắt thô phù. Tuy nhiên nó rất quan trọng, có tính cách cộng biến ở trong đó. Một nhà họa sĩ, một nhà chụp ảnh, một người lái xe hay một người lái máy bay, thắng nghĩa căn của họ liên hệ tới sinh mạng và hạnh phúc của rất nhiều người khác. Vì vậy thị giác thần của tôi, thắng nghĩa căn của con mắt tôi không phải là hoàn toàn tự biến, nó có tính cách cộng biến.

Khi nói tới parinama tức là sự biểu hiện của thức. Chúng ta phải hiểu rằng đó là một sự biểu hiện có tính cách tập thể. Mặt trời kia không phải là công trình riêng của thức a-lại-gia của tôi, cũng không là công trình của thức a-lại-gia của Tịnh Thủy. Chúng tôi đã cùng biểu hiện ra mặt trời đó để xài chung. Tất cả chúng ta đều có mặt trong công trình gọi là cộng biến đó. Ví dụ mặt biển bao la, trên mặt biển có những đợt sóng và chúng ta biết rằng những đợt sóng đó không thể có được nếu không có biển, phải không? Nếu lấy biển ra khỏi đợt sóng thì đợt sóng không có nữa. Vì vậy đợt sóng đó do biển biểu hiện ra và có nhiều đợt sóng. Đợt sóng này nhìn đợt sóng kia như một hiện tượng ở ngoài, nhưng kỳ thực đứng về phương diện liên hệ tự biến và cộng biến thì đợt sóng này phải thấy được đợt sóng kia cũng là mình. Điều đó được biểu lộ rất rõ trong giáo lý của Hoa Nghiêm, tức là trong cái một có cái tất cả. Nếu cái một không có thì cái tất cả cũng không có. Ví dụ như khi chúng ta nhìn vào trong một tờ lá, nếu nhìn sâu nhìn kỹ chúng ta thấy tờ lá không có tự tánh riêng, không có sự tồn tại độc lập. Nhìn vào cọng lá chúng ta thấy có trời, có đất, có mây, có mưa. Tại vì nếu không có mặt trời, không có đất, không có mây, không có mưa thì tờ lá không có được. Vì vậy nếu lấy hết trời đất mây mưa ra khỏi cái lá thì lá không có nữa. Cái tôi của chúng ta cũng vậy, cái tôi của chúng ta là một hiện tượng không thể có được. Bản chất của nó là thức và không có tính cách tôi và người, không có tính cách riêng rẽ. Chính một tờ lá đã như vậy rồi thì người cũng như vậy. Chính vì anh chàng thức thứ bảy và thức thứ sáu không thấy được điều đó, nên anh chàng đã bị bốn phiền não là: ngã si, ngã mạn, ngã kiến và ngã ái lấn áp mà thôi.

Vậy thì núi Pyrénées là một hiện tượng cộng biến hay là tự biến? Nếu chúng ta thử trả lời thì chúng ta sẽ thấy như thế này: Núi Pyrénées là chung cho tất cả các người Pháp phải không? Mọi người đều có quyền tới núi Pyrénées để trèo và ngắm tuyết. Đó là tính cách cộng biến. Nhưng không riêng cho những người ở nước Pháp, những người Anh hay những người Đức muốn qua trèo núi Pyrénées vẫn có thể được, nhưng họ phải đi xa hơn và họ có ít điều kiện hơn. Vì vậy chúng ta thấy dãy núi Pyrénées giữa những người Pháp và người Đức đã khác nhau rồi. Đối với người Việt thì rặng núi Pyrénées cũng là một hiện tượng cộng biến. Nhưng người Việt có một chiếu khán qua đây leo lên núi Pyrénées thì xa vời hơn nhiều. Vì vậy dãy núi Pyrénées có tính chất tự biến nhiều hơn đối với người Pháp và người Âu châu. Tuy rằng là cộng biến nhưng cũng rất tự biến. Những người ở dưới sát chân núi Pyrénées, những người ở các thành phố như Lourdes chẳng hạn, tuy họ cũng là người Pháp, họ cũng có quyền leo lên núi, núi Pyrénées gần lắm. Đối với họ thì núi Pyrénées có tính cách tự biến nhiều hơn là cộng biến. Vì vậy phương trình là trong tự biến có cộng biến và trong cộng biến có tự biến. Đó là bốn mô thức. Khi chúng ta quán sát cho thật kỹ thì chữ tự và chữ cộng này biến mất. Tại vì không bao giờ có một hiện tượng thuần túy tự biến. Có một hiện tượng nào thuần túy tự biến không? Nỗi đau, niềm thương của riêng tôi, nó không hoàn toàn tự biến. Tại vì người khác có thể chịu ảnh hưởng nỗi đau và niềm thương của tôi. Không có gì hoàn toàn riêng một mình và chỉ có liên hệ tới riêng mình.

Mặt trời là một hiện tượng gần như thuần túy cộng biến, nhưng kỳ thực mặt trời ở đây khác, mặt trời ở Việt Nam khác. Vì vậy cho nên không có một hiện tượng nào thuần túy cộng biến. Chúng ta chỉ có thể nói rằng: cộng biến nhiều hơn hoặc là tự biến nhiều hơn mà thôi. Sau khi quan sát, chúng ta thấy rằng ý niệm thuần túy tự biến và ý niệm thuần túy cộng biến không thể đứng vững được. Trong chân lý, trong sự thật thì sự phân biệt giữa cái này và cái kia, tự và tha là một cái nhìn sai lạc, cái nhìn vô minh, đó là ý nghĩa của chữ vô ngã. Vô tự và vô tha, tự tha tức là mình và người, hai ý niệm đó phát sinh từ ý niệm có một cái ngã.

Ví dụ như trong thân thể chúng ta có những cơ quan như phổi, trái tim, tâm, can, tì, phế, thận. Đứng trên phương diện hình thức chúng ta thấy năm cơ quan đó tồn tại ngoài nhau, có tên gọi khác nhau, có phận sự khác nhau. Phổi có tác dụng khác, có hình thái khác và tim có hình thái khác có tác dụng khác. Nhưng chúng ta nhìn vào sự thật một cách kỹ lưỡng thì chúng ta thấy rằng năm cơ quan đó chỉ là một, nếu thiếu một trong năm cơ quan đó thì không xong. Lá phổi không thể tiếp tục sống được nếu trái tim không gửi máu tới. Cho nên sự có mặt của trái tim có nghĩa là sự có mặt của phổi. Tim cũng vậy, tim chỉ làm cho máu lưu chuyển, không có một cơ quan như gan hay là phổi để lọc máu thì tim cũng chết. Tại vì máu không được lọc, không có dưỡng khí thì trái tim cũng không được nuôi dưỡng. Cho nên phổi tức là phổi của tim, tim là tim của phổi, tôi là tôi của anh, anh là anh của tôi. Không có thể nào có một cái gọi là tự và tha được. Ý niệm về tự tha là một ảo tưởng của thức thứ bảy và thức thứ sáu.

Trên phương diện hiện tượng, chúng ta thấy hầu như có một a-lại-gia thức riêng của chị Tâm Lai. Nhưng nhìn sâu vào, chúng ta thấy rằng a-lại-gia thức của chị Tâm Lai cũng là a-lại-gia thức của chị Tịnh Thủy, của anh Tâm Phước làm ra. a-lại-gia thức của chị Tâm Lai là một hiện tượng cộng biến, trong đó có tự biến.

Khi mắt, tai, mũi, lưỡi, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức của chúng ta quán sát thế giới của thực tại, cái khí thế gian. Vì ảnh hưởng của ý thức cho nên có cảm tưởng rằng có một cái ta nó riêng biệt, một thân thể riêng biệt, được phân biệt với thế giới vũ trụ bằng một lớp da bao quanh. Có một linh hồn riêng biệt trong đó có thọ tưởng hành thức, có thể tồn tại độc lập được nếu muốn. Cái ta đó, sắc, thọ, tưởng, hành, thức đó hoàn toàn khác biệt với những thực thể sắc, thọ, tưởng, hành, thức khác, đó gọi là ngã chấp, tại vì trên sự thực, sắc, thọ, tưởng, hành, thức của chúng ta hoàn toàn do sắc, thọ, tưởng, của những người khác làm ra, là một hiện tượng cộng biến.

Có một lần từ câu: lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm, tôi dịch là: Listen, listen this wonderful sound brings me back to my true self. Chữ self trong đạo Bụt là một danh từ có tính cách rất kỵ, tôi lại dám dùng chữ đó. Thiền sinh ở thiền viện Green Gulch hơi sợ, không có mặt tôi họ sửa lại là: this wonderful sound brings me back to my true nature, thành ra trá hình chữ self bằng chữ nature, tưởng rằng nature khác với self. Ở trong lịch sử của đạo Bụt, chuyện này xảy ra từ đầu tới cuối. Vì Bụt nói không có ta, cho nên tốn không biết bao nhiêu giấy bút, bao nhiêu thì giờ, bao nhiêu cuộc đàm luận đã dùng để chứng minh sự không có ta trong đạo Bụt. Nhưng đã có tính cách giáo điều trong khi họ làm công việc đó, nên họ đã biến giáo lý vô ngã của Bụt thành ra một triết học, một lý thuyết làm cho những người khác không hài lòng. Vì vậy vào khoảng hai trăm năm sau khi Bụt nhập diệt, có một tông phái phát hiện ra, chống lại với quan niệm đó, tông phái đó chủ trương rằng có ngã, Putdgalavada. Pudgala là Bố đặc già la, nó có nghĩa là cái ta.

--------------------

[1] Xem thêm: Bát thức quy củ tụng.
[2] Xem thêm: Duy thức tam thập tụng - Wikiphatgiao và: Duy thức Tam thập tụng do Thích Trí Châu lược giải

 

Xem tiếp...

 

Không có con đường nào đưa ta đến hạnh phúc - hạnh phúc chính là con đường.

Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH

... Thích Nhất Hạnh, người xướng xuất chủ thuyết triết học Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân), và đã gây niềm cảm hứng cho phong trào Phật Giáo tranh đấu cho hòa bình trong những năm tháng chiến tranh. Ở lãnh vực tôn giáo, Thầy là một trong những tư tưởng gia và hành động gia lớn nhất của thời đại chúng ta.

Bằng kinh nghiệm bản thân của mình, Thầy đã thấy được tại sao những ý thức hệ và những tư trào thế tục và đại chúng hóa - như chủ nghĩa quốc gia quá khích, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa thực dân - đã làm tuôn ra bao nhiêu nguồn năng lượng bạo động cho thế kỉ thứ 20, những nguồn năng lượng bạo động chưa từng được tuôn ra quá nhiều như thế trong quá khứ. Thầy đã học được bài học này từ khi còn nhỏ tuổi. (...) Tuy lớn lên và sống trong không khí thanh tịnh của thiền viện, thầy Nhất Hạnh cũng không thể nào đứng ra ngoài được cuộc tranh chấp đang xảy ra chung quanh. Thầy thấy được nhu cầu xác định sự quan yếu cấp thiết của lòng từ bi đạo Phật trong một nền văn hóa càng ngày càng bắt buộc phải trở nên bạo động thêm lên. Thầy tin tưởng rằng chỉ có thể chấm dứt được chiến tranh khi ta dập tắt được ngọn lửa của sợ hãi, thù hận, khinh miệt và giận dữ, những chất liệu đích thực đang nuôi dưỡng chiến tranh.

Năm 1965, sau ngày có một vị xuất gia nữa tự thiêu cho hòa bình, thầy Nhất Hạnh đã viết cho mục sư Martin Luther King Jr, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ rằng: “Những vị xuất gia khi tự thiêu, không nhắm tới cái chết của những người áp bức họ, mà chỉ muốn có một sự thay đổi chính sách của những người ấy thôi. Họ bảo kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là sự thiếu bao dung, là cuồng tín, là độc tài, là tham lam, là hận thù và sự kỳ thị đang mằm sâu trong trái tim con người”. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn cho mục sư King và tiếp sau đó chuyển hóa cảm nghĩ của cả dư luận Hoa Kỳ đi về hướng chống đối lại chiến tranh Việt Nam. (...)

Thầy Nhất Hạnh năm nay đã 80 tuổi, đang hành đạo trong một tu viện bên Pháp. Thầy đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu cho xã hội Tây phương, một xã hội tân tiến nhưng phần lớn đã hoàn toàn thế tục hóa. Thầy dạy: “Đừng bị kẹt vào một chủ thuyết nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Phật dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là một chân lý tuyệt đối để thờ phụng và bảo vệ”. Trong khi các nhà lãnh đạo của thời đại ta từ Hoa Kỳ đến Iran đang lớn tiếng đốc thúc quần chúng họ tham dự vào những cuộc chiến tranh ý thức hệ mới, tạo nên những nguy cơ biến thế kỷ này thành một thế kỷ còn đẫm máu hơn cả thế kỷ vừa rồi, chúng tôi thiết nghĩ tất cả chúng ta đều nên hướng về và đi theo tuệ giác của Thiền sư Nhất Hạnh.

Trích dịch từ : Thich Nhat Hanh
This Buddhist monk helped end the suffering of the Vietnam War

TIME ASIA - 60 YEANS OF ASIAN HEROES

 

LÊN TRÊN=  | GỬI BÀI  |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.