PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Tình ái lăng nhăng

  • PSN 20.10.2008 - Cố Nhân
    1 | 2 | 3 | 4 | 56 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | ...

Sau khi Nadia kết liễu cuộc đời một cách quá ngỡ ngàng và đột ngột, gia đình của Pavel Allilouïev – anh ruột của Nadia - gần như sinh sống trong nhà của Staline để săn sóc và an ủi ông. Hai năm chung sống, đến năm 1934, dường như mối quan hệ thân tộc đó đã chuyển qua một chiều hướng khác, trong tinh thần "lửa gần rơm" và trong bối cảnh một thân một mình của Staline.

Là một phụ nữ có dáng người đẹp đẽ, mái tóc hoe vàng, mắt xanh, mũi cao, má lúm đồng tiền, miệng cười tươi như hoa, Génia Allilouïeva - vợ của Pavel - với ba mươi sáu tuổi đời tỏ ra tràn đầy sức sống và rất quyến rủ, dưới cái nhìn của một lão góa vợ như Staline. Những người phụ nữ bao quanh Staline, thương tình ông cô đơn và cô độc, lại phải chịu hai điều mất mát lớn lao - vợ (Nadia) và đồng chí thân thương (Kirov) - cảm thấy tội nghiệp cho một con người quyền thế lại bơ vơ. Khi người ta có thế có quyền, đương nhiên người ta có một khả năng kích dục, lại còn thêm yếu tố sức mạnh, tình hình quạnh quẽ, những điều buồn phiền nên dễ bị kích động hơn. Những người phụ nữ, những mệnh phụ phu nhơn bao quanh Staline cho rằng Staline có một sức quyến rủ đáng kể, đặc biệt hơn hết là Génia.

Bà biết Staline từ khi kết hôn với Pavel, anh ruột của Nadia, nhưng từ lâu sinh sống ở nước ngoài và chỉ rời Bá Linh về Mạc Tư Khoa chẳng bao lâu trước khi Nadia quyên sanh với cây súng lục mà Pavel đã tặng, như là quà từ nước ngoài. Như vậy là giữa người em rể góa vợ và bà chị dâu của vợ lại nhen nhúm một mối thâm tình thầm kín. Hơn nữa, cuộc hôn nhơn giữa Pavel và Génia không mấy êm đẹp, không được là một cuộc tình lý tưởng. Hai người đã toan ly dị hồi đầu những năm 1930, nhưng vì Staline khuyên can, gần như ra lịnh, cho hai người phải ăn ở cùng nhau.

Staline tỏ ra ái mộ thái độ yêu đời của Génia. Bà không sợ Staline như những bà khác, phải chăng vì chút tình cảm riêng tư sẵn có. Bà thẳng thắng bộc lộ suy nghĩ của mình cho Staline. Chính bà, cùng với những bà khác, đã nói cho Staline biết cảnh dân tình đói khổ năm 1932, nhưng Staline sẵn sàng rộng lượng với bà. Génia là người có học thức, Staline thường hỏi ý kiến bà về những gì ông đọc qua. Staline thường có những lời khen tâng bốc Génia, dẫu cho với những chuyện nhỏ nhen thường tình. 

Cứ có cơ hội là Staline mở lời ca ngợi Génia. Có lần, Staline khen bà ăn mặc đúng mốt, hợp thời trang:

- Chị ăn diện đẹp quá, đáng lẽ chị phải làm người mẫu mới đúng.

- Thôi đi, dượng đừng có "nịnh đầm", tôi không kết được cái nút áo, ở đó mà làm người mẫu.

- Ăn thua gì chị, thì chị cứ dạy cho người phụ nữ xô viết cách ăn diện là được rồi.

Cứ tán tỉnh khơi khơi như vậy mà ngày một ngày hai, tình cảm nẩy nở ra lúc nào không hay.

Trong tình cảnh góa vợ sớm, Staline cần có ý kiến của người đàn bà liên hệ đến chuyện con cái, nhứt là đối với Svetlana. Và người phụ nữ gần nhứt và sẵn sàng đáp ứng, đối với Staline lúc bấy giờ, còn ai khác hơn là Génia. Chẳng hạn như khi Staline phê phán chuyện mặc Jupe hay nhu cầu tiền túi của cô con gái cưng duy nhứt, thì Génia cho rằng Staline phải cởi mở, vì thời điểm tiền cách mạng đã qua lâu rồi. Chỉ có Génia mới dám đưa ra những lời chỉ trích Staline như vậy.

Có thể tình ái lăng nhăng đã chớm nở giữa Staline và Génia trong thời kỳ đó. Nhưng những người viết sử làm sao mà biết được những chuyện "cơ mật" phòng the, và khi mà ý đồ bảo mật kết hợp với tinh thần đạo đức khắt khe, theo kiểu bôn-sê-vít, thì có chuyện gì trái với lẽ thường lọt được ra ngoài. May thay, những trang nhựt ký thầm kín của Maria Svanidze - chị dâu của Kato, bà vợ thứ nhứt của Staline – đã ghi lại những chuyện riêng tư đó. Chính con gái của Génia cũng xác nhận là Staline đã dan díu với mẹ mình.

 

*  *  *

 

Hai ngày 28 và 29 tháng Mười Hai, tòa án đã đưa tên tội phạm Nikolaïev cùng với mười bốn tòng phạm ra xét xử ở Leningrad. Quan chánh án Ulrikh của Leningrad, một quan tòa chuyên thực thi những ý đồ thấp hèn của thượng cấp, xin chỉ thị của Staline. Vậy là "Chúa Tể" phán gọn:"Thủ tiêu hết!"

Thi hành đúng nghị định ngày 1 tháng Mười Hai, những người lãnh án xong bị đem xử tử ngay và sau đó là gia đình vô tội của họ. Tháng Mười Hai năm đó, 6.501 người đã bị xử tử. Lúc bấy giờ, Staline chưa có một kế hoạch nào chính xác liên quan đến chiến dịch "Đại Khủng Bố" hết, dẫu cho nó đả được bắt đầu. Người ta chỉ mới có ý niệm là phải làm cho Đảng trở nên ghê gớm, đáng khiếp sợ thì thiên hạ mới thuần phục và những kẻ cựu thù phải bị triệt tiêu. Nắm bắt cơ hội nhanh chóng và hết sức nhạy cảm, Staline luồn lách khôn khéo để đi đến mục tiêu.

An ninh nội chính NKVD, không làm sao chứng minh được sự câu kết giữa Lenigrad và "tổ Mạc Tư Khoa" của Zinoviev và Kamenev, đành phải nhờ đến những người tù. Đến giữa tháng Giêng, NKVD đã thúc đẩy được một người tù khai là Zinoviev và Kamenev có dính líu vào án mạng đó nên hai người này, kẻ bị mười năm, người lãnh năm năm tù. Staline công bố một mật thơ quyết định rằng những thành phần đối lập được "đối xử như quân bạch vệ" và phải "bị bắt giữ và bị cô lập". Số người bị bắt khá đông nên các trại giam như bị những "dòng thác Kirov" tràn ngập.

 

*  *  *

 

Ngày 11 tháng Giêng, Staline và phần đông những ủy viên trong Bộ Chánh Trị dự lễ hội ở nhà hát vũ ba-lê Bolchoï, chào mừng kỷ nghệ điện ảnh Liên Xô. Đi theo đường hướng của Lê Nin, cho rằng "điện ảnh là quan trọng nhứt trong tất cả các nghệ thuật", Staline đích thân kiểm soát "Hollywood Liên Xô". Không phải chỉ can thiệp qua phim ảnh không thôi, ông còn quán xuyến tỉ mỉ những nhà đạo diễn và các kịch bản. Thậm chí ông còn nhúng tay vào chuyện viết lời ca nữa. Phim nào, ông cũng phải xem qua trước tiên, rồi mới được đem chiếu cho quần chúng. Như vậy, Staline là nhà kiểm duyệt phim tối thượng rồi!

 

*  *  *

 

Theo cung cách hành xử của ông, thái độ khiêm tốn của Staline cũng lộ liễu như những cái quá lố trong việc tôn thờ cá nhơn của ông. Chính bọn quần thần quanh ông đã tạo điều kiện cho việc suy tôn cá nhơn của Staline. Dư luận trách cứ Kaganovitch là đã giúp cho Staline thêm phần tự kiêu và đã bày đặt ra chủ nghĩa Staline. Một mặt Staline phê phán Kaganovitch đã phát động phong trào suy tôn cá nhơn ông, một mặt ông lại tiếp tục nâng cao phong trào đó. Trên báo chí, nhứt là tờ "Pravda", tên tuổi Staline được nhắc nhở trong khoảng một nửa các bài xã luận từ 1933 đến 1939.

Lúc nào hình ảnh của Staline cũng đầy dẫy bông hoa và trẻ con. Báo chí không thiếu vắng những bài nói về Staline. Thậm chí máy bay còn vẽ tên Staline trên vòm trời của Công Trường Đỏ. Tờ "Pravda" viết rằng:"Cuộc đời Staline là lẽ sống của chúng ta, là món quà đẹp nhứt, là tương lai của chúng ta." Khi Staline xuất hiện tại Đại Hội xô viết kỳ VII, hai ngàn đại biểu đứng lên chào mừng hoan hô và vỗ tay. Một nhà văn cho phản ứng đó là "lòng yêu thương, thái độ sùng bái và thái độ quên mình". Một người thợ thì thầm:"Thật là dản dị, thật là khiêm tốn!"

Tính khiêm tốn của Staline không phải hoàn toàn kiểu cách, vì có vẻ hơi bối rối. Nửa kiêu căng, nửa xấu hổ, ông muốn nghe những lời tán tụng nhưng lại coi thường. Khi người quản thủ viện bảo tàng Cách Mạng hỏi có nên trưng bày bản thảo gốc của những tác phẩm của ông hay không, thì Staline cho rằng, "sau khi sách đã được phổ biến hàng triệu bản rồi thì tại sao còn cần bản thảo gốc làm gì nữa". Ông cho biết là bản thảo đã bị thiêu hủy hết rồi. Những nhà in, muốn xuất bản hồi ký tuổi thơ của Staline, trong thời kỳ sinh sống ở Georgia, có gởi thơ xin phép, nhưng không được hồi đáp.

Staline biết rằng loại suy tôn cá nhơn vô lối như vậy là phi lý vì ông thừa biết rằng được những kẻ thấp hèn ngưỡng mộ thì có giá trị gì. Một học sinh trường kỷ thuật bị hăm dọa cho đi tù vì đã phóng một mũi tên giấy vào ảnh chân dung của Staline. Người học sinh kia khiếu nại lên Staline thì ông phán rằng:

- Người ta đã đối xử với trò không công bằng. Tôi muốn người ta không phạt trò. Người phóng tên đúng mục tiêu thì phải được thưởng chớ!

Thế nhưng, Staline cần được suy tôn cá nhơn như vậy và thầm kín khuyến khích chuyện đó. Ông ta ngầm cho phép ông chánh văn phòng của ông thỏa thuận những đơn xin mượn danh tánh của ông để đặt cho những công trình này nọ, không cần phải lấy ý kiến của ông. Một người ái mộ viết thơ xin phép:"Tôi muốn mượn danh tánh của người học trò xứng đáng nhứt của Lê Nin, Staline, để thay vào tên tôi, với sự chấp thuận của con người khổng lồ." Staline trả lời là "không có gì trở ngại và tôi còn hoàn toàn đồng ý nữa. Như vậy, tôi rất vui sướng, vì có thêm được một người em, trong khi tôi chẳng có anh em gì hết."

(Còn tiếp)

Cố Nhân

Nguồn: "Une amitié secrète – La rose de Novogorod", trong quyển "Staline, la Cour du tsar rouge", của S.S. Montefiore, nxb. Editions des Syrtes, 2005.

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.