PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Chuyện nước, chuyện nhà

  • PSN 27.10.2008 - Cố Nhân
    1 | 2 | 3 | 4 | 56 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | ...

Trong buổi liên hoan mừng sinh nhựt bà bảo mẫu của Svetlana, có cả Staline tham dự, mọi người đang vui vẻ hân hoan. Hơn nữa dịp vui này cũng trùng với ngày khánh thành hệ thống tàu điện ngầm Mạc Tư Khoa, công trình của Kaganovitch. Để đánh dấu ngày vui đó, Kaganovitch đem tặng mười cái vé cho Svetlana cùng đoàn tháp tùng. Bất ngờ, Staline quyết định cùng đi tàu điện ngầm với con gái.

Thay đổi đột ngột kế hoạch như vậy làm cho quần thần của Staline xôn xao lên. Chuyến đi bất ngờ này làm cho toán tùy tùng hoảng sợ, họ phải điện thoại báo cho thủ tướng Molotov, và trong vài ba phút là gần một nửa số ủy viên Bộ Chánh Trị đã được báo động.

Tất cả đã lên xe, sắp di chuyển đến trạm tàu điện ngầm thì Molotov hối hả chạy tới để cảnh báo cho Staline biết rằng một chuyến đi như vậy mà không có chuẩn bị trước rất là nguy hiểm. Kaganovitch, người lo sợ nhiều nhứt, mặt tái xanh vì vấn đề thuộc lãnh vực trách nhiệm của ông, đề nghị với Staline nên đi tàu điện ngầm vào lúc nửa đêm, khi hệ thống đã nghỉ chạy. Nhưng, Staline đâu có chịu, nhứt quyết đi cho được.

Như vậy là ba chiếc xe chất đầy những người quyền thế, cùng với phụ nữ, trẻ con và cận vệ, hối hả rời Điện Cẩm Linh, tiến tới trạm tàu điện ngầm gần nhứt. Tất cả xuống xe, chui vào đường hầm tàu điện ngầm của Kaganovitch. Khi đám đông tới bến tàu điện ngầm thì chẳng thấy một chiếc nào hết. Người ta thấy ngay thái độ lúng túng của Kaganovitch muốn thấy một chiếc tàu nào đó xuất hiện ngay giùm ông. Công chúng đang đợi tàu, nhận ra được Staline nên hoan hô ầm ĩ. Staline tỏ ra nôn nóng, bực mình và quần thần càng thêm áy náy. Cuối cùng cũng có một đoàn tàu chạy tới, tất cả đoàn người lên chật xe, với tiếng reo hò.

Phái đoàn xuống trạm Okhotni Riad và đi quan sát trạm. Những người ái mộ đổ xô đến gần Staline, nhưng cuối cùng mật vụ NKVD cũng đến kịp để bảo đảm trật tự an ninh. Vassili - con trai của Staline và Nadia - sợ xanh mặt, trong khi Staline vui vẻ thấy rõ. Kế đó là một sự hỗn độn, vì vừa mới quyết định trở về nhà thì lại đổi ý kiến. Tất cả xuống trạm Arbat khiến cho xáo trộn cả lên, sau đó trở về Điện Cẩm Linh. Trải qua nhiều xáo trộn, thay đổi đột ngột như vậy Vassili chịu không xuể nên nằm dài xuống giường khóc muồi mẫn, phải uống thuốc an thần.

Chuyến du ngoạn bất ngờ bằng tàu điện ngầm đó đã làm cho mối bất bình giữa các bà thuộc hai nhà vợ của Staline – Svanidze và Allilouïev – và đám quần thần càng thêm trầm trọng. Kaganovitch không bằng lòng mấy bà vì đã xúi Staline đi tàu điện ngầm mà không báo trước. Ông trách các bà là nếu như báo trước thì ông đã tổ chức chuyến đi đàng hoàng hơn.

Từ lâu rồi, tác động của mấy bà trong gia đình Staline, những người mà nhóm cận kề của Staline gọi là "những người đàn bà tầm thường, ăn không ngồi rồi, nhàn rỗi, lông bông", nhưng lại lắm chuyện. Nên chi, những con người nhà nước đó thường bị những người trong gia đình Staline làm cho hụt hẫng và bực bội. Trái lại, những thành viên của gia đình than phiền là bị đối xử kém. Họ kêu là ông chánh văn phòng Poskrebychev coi thường họ, như chừng họ là những kẻ gây ra lắm chuyện cho ông ấy. Chuyện gì cũng có mấy bà, còn đặt điều này, chuyện nọ còn hơn Nadia nữa. 

Staline có vẻ thích thú chuyến đi tàu điện ngầm bất ngờ đó vì ông thấy hài lòng với "tình cảm mà nhơn dân đã dành cho cấp lãnh đạo. Chẳng có sắp đặt trước, chẳng có gì được quy định. Nhơn dân cần có một xa hoàng để họ tôn kính, để họ cùng sinh sống và làm việc." Staline lúc nào cũng tin tưởng một cách chủ quan "nhơn dân Nga cần có một xa hoàng". Theo cung cách suy nghĩ và hành sử của đương sự, người ta có cảm tưởng Staline tự sánh mình với những hoàng đế nước Nga trước kia như Pi-e Đại Đế, Alexandre hay Nicolas. Trong chỗ riêng tư cùng với những đồng chí thân thiết như Molotov, Jdanov hay Mikoïan, Staline coi Ivan Bạo Chúa như là thần tượng của mình.

Cuối năm 1935, Staline bắt đầu cho áp dụng một số nghi thức của thời xa hoàng, như tái lập chức nguyên soái Liên Xô, để phong cho Vorochilov, Boudionny, cũng như cho những anh hùng của cuộc nội chiến, như Toukhatchevski và Alexander Egorov. Đối với ngành mật vụ NKVD, Staline thành lập một chức vụ tương đương với nguyên soái và bổ nhiệm Yagoda làm Tổng Ủy Viên An Ninh Trung Ương. Staline cũng bắt đầu quan tâm đến tư cách thanh lịch của đồng phục. Nên chi, người ta thấy viên chức nhà nước, cũng như lực lượng võ trang Liên Xô ăn mặc rất hào nhoáng và cầu kỳ.

Chế độ rất để ý đến tiện nghi vật chất của ngành mật vụ NKVD nên ngành này được phép sử dụng những sản phẩm xa xỉ mới nhứt, tiền bạc, xe cộ và nhà cửa. Riêng cho mình, Staline sắm một chiếc Rolls-Royce được để trong một nhà xe đặc biệt. Bằng cách nào đó, Staline đã trở thành một xa hoàng của đất nước cộng sản Liên Xô. Nhưng khác với hoàng gia Romanov, người nào cũng quá nhiều vật trang sức, khá gần gũi với nông dân và với những làng mạc của nước Nga cổ xưa, Staline tạo ra cái mẫu xa hoàng của riêng mình, khiêm tốn, khắc khổ, bí hiểm và hợp với thành phố hơn. Đúng với tinh thần của chủ nghĩa Mác.

Đôi khi, lòng thương quần chúng của Staline, trong chiều hướng mị dân, có vẻ phi lý. Từ kết quả thi đua về xà bông, ông nghĩ tới nhà vệ sinh công cộng. Ông gọi Khrouchtchev, người chịu trách nhiệm thủ đô Mạc Tư Khoa cùng với Nikolaï Boulganine, mà ông đặt cho biệt hiệu là "những người cha của thành phố", ra lịnh phải tìm cách cho thiên hạ đi lang thang, có chỗ để "xả bầu tâm sự".

Nhưng, Staline cũng muốn xử sự như một người cha yêu thương của dân tộc, từ trên cao ban bố ơn huệ. Chẳng hạn như có nhà giáo Karenkov ở Kazakhstan, sợ mất chỗ làm, gởi thơ cầu cứu Staline thì được ông can thiệp với nhà chức trách địa phương:"Phải chấm dứt ngay việc truy bức thày giáo Karenkov." Khó tưởng tượng được một Hitler hay một tổng thống Huê Kỳ có những lối xử sự như vậy.

Chuyện công đã vậy, chuyện gia đình cũng làm bối rối Staline không ít. Năm lên mười bốn tuổi, Vassili – con trai của ông với Nadia – cũng là một mối lo cho Staline. Ông càng chuyên chế bao nhiêu thì Vassili càng hư hỏng bấy nhiêu. Các gia sư báo cáo là trong khi Svetlana chịu khó học hành thì Vassili lại lười biếng, lại còn nói rằng "đồng chí Staline" ra lịnh cho Vassili không học với ông thày nào đó. Vassili còn làm nũng hăm he tự vận. Trước tình hình đó Staline cương quyết ra lịnh cho gia sư cứ cương quyết để giúp cho Vassili nên người. Còn Svetlana thì lúc nào cũng là cô con gái yêu thương của Staline. Hình ảnh khung cảnh làm việc của Staline, trong những ngày nghỉ ngơi, thường thấy có Svetlana bên cạnh.

Một hôm, Staline được Beria cho hay là bà mẹ Keke (Ekaterina Guorguievna Gueladzé) của ông đang yếu lần. Ngày 17 tháng 10 năm 1935, Staline đi Tiflis để thăm mẹ, lần thứ ba kể từ ngày Cách Mạng. Beria có nhiệm vụ nuôi dưỡng bà mẹ già của Staline như một cận thần chăm sóc hoàng thái hậu. Nhiều năm qua, bà đã sinh sống trong gian nhà phụ của dinh tổng đốc xa hoàng thế kỷ XIX. Staline là một người con hờ hững, thỉnh thoảng viết cho mẹ đôi ba chữ. Một đôi khi, Staline gởi hai con Vassili và Svetlana đến tạm trú nhà Beria để đi thăm bà nội. Nói chuyện với bà phải dùng ngôn ngữ Georgie vì bà không biết tiếng Nga.

Chuyến đi thăm này, Staline yêu cầu Aliocha Svanidzer – ông anh vợ thứ nhứt của Staline – và đồng chí Lakoba cùng đi với ông. Cuộc thăm hỏi cũng ngắn. Tình cảm giữa hai mẹ con không được ấm cúng vì bà hay chỉ trích những sai quấy của ông và phê phán cung cách đối xử của ông với những người cộng sự.

Bí mật của mối giao hảo không lành mạnh giữa hai mẹ con không ai được biết một cách rõ rệt, ngoại trừ qua tiết lộ của chính Staline, nếu người ta để ý đến một đoạn văn trong quyển "Résurrection" (Phục Sinh) của Tolstoï, được Staline gạch đậm, nói về một bà mẹ vừa hiền hòa vừa độc ác. Nhưng, bà mẹ của Staline còn đưa ra những lời phê phán không mấy tế nhị, dẫu cho đầy tính hài hước châm chọc chua cay. 

Bà tự hỏi không biết tại sao Staline lại không kết hợp được với Trotski, vì bà cho rằng nếu hai người hòa thuận được với nhau để điều khiển đất nước thì tốt hơn. Kỳ thăm mẹ lần đó, Staline ngồi cạnh bên mẹ, tươi cười hớn hở, nhắc lại chuyện xa xưa, một chuyện chắc là đã làm cho ông thắc mắc không thôi:

- Tại sao hồi đó mẹ đánh con đau dữ vậy?

- Nhờ vậy mày mới nên người Iossif này, bây giờ mày làm gì?

- Mẹ còn nhớ xa hoàng không? Con gần như vậy đó.

- Mày nên làm linh mục thì hơn.

Một nhận xét làm cho Staline rất thích thú.

Báo chí tường thuật chuyến thăm mẹ của Staline với tình cảm màu mè theo kiểu thượng cấp vận bôn-sê-vít, tỉ tê như tờ "Pravda": "Ở tuổi bảy mươi lăm, mẹ Keke tràn đầy nhựa sống và lòng nhơn từ. Mẹ có vẻ rạng rỡ khi thuật lại những giây phút khó quên trong chuyến đến thăm của đồng chí Tổng Bí Thơ. Mẹ nói rằng 'Toàn thể thế giới hân hoan khi trông thấy con tôi và đất nước chúng tôi. Vậy thì, với tư cách là người mẹ, tôi còn hân hoan đến như thế nào đây?'"

Staline không bằng lòng với lối phóng sự nặng mùi tình cảm như vậy. Ông chánh văn phòng trình lên đồng chí Tổng Bí Thơ bài báo liên hệ thì Staline phán rằng:"Chuyện đó không ăn thua gì tới tôi." Vậy là, Staline gởi cho Molotov và Kaganovitch một văn thơ ngắn: "Tôi quyết định cấm những chuyện tào lao kiểu tiểu tư sản đăng trên báo chí, như cuộc phỏng vấn mẹ tôi và tất cả những chuyện tầm phào khác. Tôi không muốn thấy những chuyện quảng cáo ồn ào, ngày đêm ra rả của mấy tên đểu giả đó!"

Trở lại Mạc Tư Khoa, đầu năm 1935, Staline quyết định mở lại hồ sơ Kirov, đã bị xếp sau khi đã hành hình tên sát nhơn Nikolaïev và kết tội Zinoviev và Kamenev. Hai người bôn-sê-vít kỳ cựu lại bị hạch hỏi và những vụ bắt bớ được tiến hành khắp nơi. Kế đó, một người liên kết với Trotski, Valentin Olberg, bị NKVD bắt tại Gorki. Kết quả điều tra cho thấy Trotski cũng có dính dáng dến vụ ám sát Kirov. Thế là nhiều vụ bắt bớ khác lại xảy ra.

 

(Còn nữa)

 

Cố Nhân

Nguồn:"Le tsar prend le métro", trong quyển "Staline, la cour du tsar rouge" của S.S. Montefiore, nxb. Editions des Syrtes, 2005.

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.