PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Phiên tòa dàn cảnh

Mặc dầu chưn trời chánh trị đang có những đám mây đen, dẫu cho nỗi lo âu vẫn còn đó, buỗi lễ liên hoan mừng kỷ niệm ngày sanh của Staline vẫn cứ ồn ào và vui nhộn. Sau dạ tiệc hậu hĩ, ăn tưng bừng, uống no say, thiên hạ bắt đầu ca hát, rồi những vũ điệu quay cuồng, chẳng khác nào những ngày tươi đẹp xa xưa. Đêm liên hoan kéo dài đến hừng sáng.

Mùa xuân năm 1936, những phần tử trốt-kít bị bắt càng nhiều hơn và những thành phần đã bị giam giữ phải chịu nhiều hình phạt mới lạ. Những người bị bắt giữ vì tội "khủng bố" đều bị đưa ra xử tử. Nhưng, công trình quan trọng hơn hết là cuộc dàn cảnh công lý kiểu mới, dành cho một trong những bản án trọng đại thời Staline. Nhơn vật chủ động trong bản án đầy kịch tính này là Nicolaï Ejov, trùm mật vụ NKVD.

Những bị can chủ yếu của phiên xử ngoạn mục này là Zinoviev và Kamenev, những người bị coi có liên hệ đến vụ ám sát Kirov. Người ta đã bắt giam những người bạn cố cựu của hai can phạm để thuyết phục họ làm "phận sự" của họ là "xác minh những tội lỗi của hai bị can". Staline đích thân theo dõi, từng chi tiết một, các cuộc điều tra. Chuyên viên điều tra của mật vụ NKVD tận lực làm cho những nghi can phải tự thú. Chính Staline chỉ thị cho những mật viên, có nhiệm vụ điều tra hai bị can, là "phải khai thác đến cùng, cho đến khi nào hai nghi can nhận tội mới thôi". Alexander Orlov, một mật viên đào ngũ, đã tiết lộ rằng trùm mật vụ Ejov đã ngụy tạo bản án bằng cách hứa hẹn sẽ tha tội chết cho những người chịu "đưa ra bằng chứng" nếu họ tố giác Zinoviev và Kamenev. 

Staline ra lịnh những mật viên phụ trách điều tra là phải làm cho ra lẽ bằng mọi cách và với bất cứ giá nào. Ngoài những vụ hạch hỏi, còn có những áp lực vật chất như làm cho những bị can thiếu ngủ, mở lò sưởi tối đa giữa mùa hè nóng bức. Ejov còn đe dọa Kamenev là sẽ bắn bỏ con trai của ông này. Hơn nữa, dẫu cho không bị đánh đập, tra tấn, Zinoviev đã khổ thân với những cơn suyển, còn Kamenev thì bị đe dọa và bị thiếu thốn đủ điều. 

*  *  *

Trong lúc chuyên viên điều tra bận rộn với Zinoviev và Kamenev thì nhà văn Maxime Gorki đang vật lộn với tử thần vì viêm phế quản. Văn hào lão thành đó, rời bỏ cảnh lưu vong để trở về làm "cây viết cho chế độ", nay đã mất hết mọi ảo tưởng, xuôi tay nằm xuống một cách bí mật với lý do là bị lao với biến chứng viêm phế quản! Về sau, dư luận đồn rằng trùm mật vụ NKVD Yagoda đã câu kết với bác sĩ gia đình để giết chết Gorki. Theo lời con gái của Gorki thì sáng nào trước khi đến sở làm, Yagoda cũng ghé qua tán tỉnh bà góa Gorki, nhưng bị cự tuyệt nên tên cốm chúa phải đe dọa: "Người ta chưa biết khả năng của tôi, chuyện gì tôi cũng làm được."

Staline yêu cầu Gorki viết tiểu sử của mình, nhưng nhà văn hào từ chối khéo. Thay vì vậy, Gorki đề nghị Staline cùng với Bộ Chánh Trị giao cho các nhà văn thuộc trường phái hiện thực xã hội làm một chuyện phi lý là "viết lại những sách của toàn thế giới". NKVD nghi ngờ Gorki có liên hệ trong án mạng Kirov nên đôi khi cho in những số báo "Pravda" giả, dành riêng cho Gorki, để che giấu những cuộc tra tấn mà người bạn Kamenev của Gorki phải gánh chịu. Chính Gorki cũng hiểu rằng ông đang bị giam lỏng.

*  *  *

Cuối cùng vào tháng Bảy, Zinoviev xin được nói chuyện với Kamenev. Sau đó, cả hai bị can muốn nói với Bộ Chánh Trị là, nếu Đảng bảo đảm không xử tử thì họ sẽ nhận tội. Tỏ vẻ bực mình với hai bị can, và sau khi đã có bằng chứng về hai người này, Vorochilov nói với Staline là "hai tên vô lại, đại diện điển hình của phe tiểu tư sản, dây mơ rể má với Trotski, là đồ hết xài. Họ không còn chỗ đứng trên đất nước Liên Xô, kể cả trong hàng ngũ của hàng triệu người sẵn sàng hy sinh cho Tổ Quốc. Những thứ cần vứt đi đó phải bị loại bỏ thôi. NKVD cần phải tiến hành sớm những cuộc thanh trừng." 

Yagoda hộ tống hai bị can từ trại giam của NKVD ở Loubianca đến Điện Cẩm Linh. Đến nơi, chỉ thấy có Staline, Vorochilov và Ejoy, chớ không phải toàn thể Bộ Chánh Trị, như đã yêu cầu. Staline trả lời rằng Vorochilov và ông là đủ đại diện cho Bộ Chánh Trị rồi.

Kamenev yêu cầu Bộ Chánh Trị cam kết là không đưa họ đi hành quyết. Staline hỏi: "Cam kết gì? Bộ các người muốn phải có một hiệp ước chánh thức, có Hội Quốc Liên ký kết nữa hay sao?" Zinoviev à Kamenev quên rằng họ đang đứng trước một Bộ Chánh Trị của Đảng cộng sản bôn-sê-vít. Theo Staline, nếu họ cho rằng những cam kết của Bộ Chánh Trị chưa đủ thì cần gì phải bàn luận nữa. Vorochilov cho rằng "hai bị can cứ tưởng mình vẫn còn tư cách để đặt điều kiện với Bộ Chánh Trị. Nếu biết điều thì lẽ ra họ phải quỳ gối trước mặt Staline."

Cuối cùng, Staline cho biết sở dĩ không xử tử họ là vì ba lý do. Thứ nhứt, đây đích thật là vụ án Trotski. Thứ hai, nếu họ chưa bị hành quyết khi chống đối Đảng thì bây giờ họ đang tiếp tay với Đảng thì tại sao lại đem xử bắn họ. Sau hết, "các đồng chí quên rằng chúng ta là những con người bôn-sê-vít, môn đệ và đồng chí của Lê Nin, và chúng ta không muốn làm đổ máu những người bôn-sê-vít cố cựu, dẫu cho trong quá khứ họ đã lầm lỗi đến mức nào đi nữa..." Rốt cuộc, vì quá mệt mỏi, hai bị can chấp nhận là có tội, miễn sao khỏi lãnh án tử hình và gia đình họ được yên thân. 

Staline đích thân thảo ra bản án của Zinoviev, với một giọng văn cầu kỳ. Ngày 29 tháng Bảy, Staline cũng đưa ra một bản thông cáo mật, loan báo một tổ chức khủng bố quái dị, dưới tên gọi "Trung Tâm Hợp Nhứt Trotski-Zinoviev", có kế hoạch ám sát Staline, Vorochilov, Kaganovitch, Kirov, Sergo, Jdanov và nhiều người khác nữa. Danh sách những người được coi như sẽ bị giết hại lại trở thành một bảng danh dự kỳ quái, vì đó là những nhơn vật thân cận với Staline. Nên chi, người nào có tên trong bảng "phong thần" đó lại cảm thấy tự hào!

Điểm đáng chú ý là Molotov không được ghi trong danh sách đó, nên được coi như ông chống lại phong trào "Khủng Bố". Dường như lúc đó, Molotov tạm thời bị thất sủng vì có sự bất bình nào đó với Staline về một chuyện khác. Mặc dầu Molotov có tuyên bố: "Tôi lúc nào cũng đồng ý với những biện pháp được chọn lựa", nhưng tài liệu cho thấy là lúc bấy giờ, trùm mật vụ Ejov đang để ý đến Molotov. Tổ chức NKVD đả bắt giữ nhũ mẫu người Đức của Svetlana Molotova, con gái của Molotov, và ông này có than phiền với Yagoda, thủ trưởng NKVD.

Ejov là cộng sự viên thân cận nhứt của Staline trong thời gian trước vụ án, trong khi Yagoda đã bị mất điểm với Staline, dù chỉ nghịch ý với Staline có một lần. Staline phê bình Yagoda là: "Đồng chí làm việc kém quá. Cơ quan NKVD mắc bịnh nặng." Sau đó, mỗi khi cần làm việc với NKVD, Staline thường liên hệ với Ejov, không đề cập gì với Yagoda.

*  *  *

Vụ án đầu tiên, được đạo diễn lộng lẫy, khời sự ngày 19 tháng Tám, tại phòng "Tháng Mười" ở trụ sở các Công Đoàn. Số người dự kiến lên khoảng ba trăm rưởi, phần đông là nhơn viên NKVD mặc thường phục, các nhà báo nước ngoài và những nhà ngoại giao. Trên bục danh dự, ở giữa là ba quan tòa, đứng đầu là Ulrikh, ngồi trên những chiếc ghế bành, trông giống như những ngai vàng, trải nhung lông màu đỏ. Nhưng, nhơn vật chủ chốt của màn trình diễn pháp lý là Andreï Vychinski, đóng vai trò công tố ủy viên, ngồi bên trái phòng xử án. Các bị cáo, mười sáu cái bóng ma thảm thương, có lính NKVD, với lưỡi lê gắn đầu súng, canh phòng hộ tống cẩn mật, ngồi bên phải.

Mười sáu can phạm đó bị cáo buộc một lô tội phạm tưởng tượng, được thi hành theo lịnh của một tập đoàn chủ mưu mơ hồ, dưới sự chỉ huy của Trotski, Zinoviev và Kamenev – cái gọi là "Trung Tâm Hợp Nhứt Trotski-Zinoviev" – đã ám sát được Kirov, nhưng đã thất bại nhiều lần, không hạ được Staline và những người khác. Qua một phiên xử kéo dài sáu ngày, các can phạm thật thà thú tội một cách ngoan ngoãn, làm cho những quan sát viên người Tây phương phải ngạc nhiên.

Bản tường trình các phiên tòa rất khó hiểu, nếu người đọc không có một cái vốn về huyền thoại bôn-sê-vít, nghĩa là một vũ trụ khép kín dẫy đầy những âm mưu, móc ngoặc giữa các thế lực thiện và ác, trong đó cái tên gọi "khủng bố" chỉ có nghĩa là chút hoài nghi nào đó về chánh sách hoặc bản chất của Staline. Bất kỳ kẻ đối lập chánh trị nào cũng bị gán cho danh từ sát nhơn. Cứ hai người "khủng bố" là đã có một nhóm âm mưu phản loạn, và cứ gom góp những kẽ giết người của nhiều phe phía khác nhau là người ta có một "trung tâm hợp nhứt" cực kỳ ác độc. Vì vậy mà trong chế độ Staline, người ta nhận thấy có một tấn bi kịch và một bối cảnh hoang loạn bôn-sê-vít nổi bật hơn bao giờ hết.

Trong khi phiên tòa đang tiến hành, Staline cùng những người kề cận với hồ sơ theo dõi rất sát những phiên xử, thậm chí còn có một phòng được bố trí đặc biệt ngay bên cạnh phòng xử, có cả đồ ăn, thức uống cho những viên chức như Kaganovitch và Ejoy túc trực và báo cáo cho Staline từng chi tiết một. Dù rằng phiên tòa được giao cho quan công tố Vychinski, người tín cẩn của Staline, mà người ta còn chu đáo đến như vậy.

Vychinski xưa kia chung phòng giam trong tù với Staline và nhờ có phương tiện thăm nuôi của gia đình nên chia ngọt sẻ bùi cùng Staline. Một dạng đầu tư, chẳng ngờ sau này cứu được mạng sống cho mình. Là cựu thành viên men-sê-vít, đến 1920 chuyển qua bôn-sê-vít với sự bảo trợ của Staline. Nên chi, đương sự tuyệt đối trung thành với Staline và cơ bản rất sắt máu. Ông thường đề nghị bắn bỏ những tên tội phạm "trốt-kít có ý đồ hạ sát Staline".

Hằng ngày, từ trong phòng thiết kế đặc biệt, Ejov và Kaganovitch nghe lén phiên xử và báo cáo những lời khai của các bị can cho Staline. Theo lời khai của Zinoviev thì đương sự xác nhận lời khai của Bakaïev là có trao cho Zinoviev một tài liệu chuẩn bị ám sát Kirov. Đúng như ý muốn của Staline, thế nhưng một số lớn ký giả nghi ngờ vì NKVD phạm phải nhiều sai lầm lố bịch. Bên ngoài thì bọn khuyển ưng của chế độ kích thích sự phẫn nộ của quần chúng nhằm vào bọn khủng bố.

Sau mấy ngày đối chất, công tố Vychinski đọc bản cáo trạng cuối cùng:"Các con chó điên khùng của chủ nghĩa tư bản đã mưu hại sanh mạng của những phần tử ưu tú của tổ quốc xô viết chúng ta [...] Bọn chúng đã giết hại đồng chí Kirov của chúng ta. Những con chó này phải bị tử hình tất cả, không chừa một tên nào!"

Những bị can đứng lên, tự mình bào chữa và thú tội qua một giọng điệu bi thảm. Riêng Kaminev, sau khi nói xong, lại đứng lên lần nữa và nói như muốn nhắn nhủ các con:"Dẫu cho bản án có ra sao đi nữa thì tôi cũng công nhận trước là đúng. Đừng nhìn lại quá khứ. Hãy tiến tới. [...] Hãy noi theo Staline." Các quan tòa rút lui vào trong để nghị án, một bản án đã được quyết định rồi. Hai tiếng rưởi đồng hồ sau trở ra để tuyên án tử hình tất cả. Một người trong bọn hô to:"Sự nghiệp của Marx, Engels, Lénin và Staline muôn năm!"

Trở lại nhà giam, những tên "khủng bố" khiếp sợ, lên tiếng yêu cầu được ân xá, nại cớ rằng Staline có hứa sẽ tha tội chết. Trong khi các tội phạm ngồi rũ trong nhà tù thì Staline ngơi nghỉ dưới ánh mặt trời của Sotchi. Hai mươi giờ bốn mươi tám phút đêm đó, Staline nhận được công điện của Kaganovitch, Sergo, Vorochilov và Ejov thông báo:"Bộ Chánh Trị đề nghị bác đơn xin ân xá và sẽ thi hành án lịnh tối nay."

Staline không trả lời bức công điện, có lẽ nghĩ đến chuyện báo thù sắp tới và ý thức rằng cái chết của hai người thân cận của Lê Nin là một bước vĩ đại tiến tới những hành động trong tương lai của ông. Một việc làm hết sức liều lĩnh, vì sẽ dựng lên một phong trào khủng bố quyết liệt đánh ngay vào Đảng, một cuộc tàn sát ảnh hưởng chủ yếu tới bạn bè và người thân của chính mình.

(Còn tiếp)

Cố Nhân

Nguồn:"Le procès à grand spectacle", trong quyển "Staline, la cour du tsar rouge", nxb. Editions des Syrtes, 2005.

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.