PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Sau khi nhận được điện của Kaganovitch, Sergo, Vorochilov và Ejov thông báo là Bộ Chánh Trị đề nghị bác đơn xin ân xá của các nghi can - bị cho là có âm mưu sát hại Kirov và cấp lãnh đạo Điện Cẩm Linh - và sẽ thi hành án lịnh ngay trong đêm, Staline lưỡng lự chần chờ đến ba tiếng đồng hồ sau. Gần nửa đêm, mới có công điện hồi đáp ngắn gọn: "Đồng ý". Tờ mờ sáng ngày 25 tháng Tám 1936, một số xe con, chở những nhà quyền chức đi dự vụ tử hình, chạy ra khỏi cổng tòa nhà mật vụ Loubianka.

Staline không bao giờ dự các cuộc tra khảo hay những vụ hành quyết. Ngôn ngữ chánh thức của chế độ gọi hành quyết là "độ trừng phạt tối cao" mà Staline cho là "công trình vĩ đại", được kể như là một công vụ của Đảng. Dưới thời Staline, người thi hành thủ tục thê thảm này là Blokhine, một tên mật vụ đồ tể nhà nghề của thế kỷ, đã từng hành xử hàng ngàn nười. Vậy mà tên tuổi của hắn không được nói tới trong sử sách.

Bị lôi đi xử tử, Zinoviev kêu la phản đối, cho là một hành động phát xít và van xin những người hành xử xét lại vì người ta đã hứa là sẽ không giết chết. Kamenev, trái lại, cho rằng bị tử hình là đáng tội vì đã có thái độ không xứng trong phiên xử, và khuyên Zinoviev nên câm miệng và chết một cách hiên ngang. Zinoviev phản đối ồn ào đến đổi một sĩ quan mật vụ lôi đương sự qua một phòng bên cạnh và giải quyết cấp thời. Tóm lại cả hai đều bị bắn vào gáy. Hai viên đạn được moi ra khỏi đầu các tử tội, rửa sạch rồi trao cho Yagoda. Ông này, dán tên những đương sự vào các viên đạn liên hệ, giữ làm kỷ niệm, như là chiến tích. Được biết là khi Yagoda bị chế độ bắt, người ta còn thấy hai viên đạn đó trong đống tư trang của đương sự.

Staline rất thích thú theo dõi những phản ứng của kẻ thù vào giai đoạn "tối thượng" như vậy và vô cùng khoái chí trước hoàn cảnh nhục nhã và giờ phút bị hủy diệt của kẻ thù. Theo Staline thì "con người có thể vừa dũng cảm về vật chất mà cũng có khả năng hèn hạ trên phương diện chánh trị". Biết được sở thích của Staline nên trong một bữa tiệc liên hoan chào mừng ngày thành lập ngành mật vụ Tchéka, Pauker, tên hề của Staline, diễn một cái kịch nhỏ, nhại lại cảnh van xin của Zinoviev trước khi bị bắn chết. Bi hài kịch nhỏ này làm cho Staline và Ejov cười hả hê.

 

*  *  *

 

Như vậy là xong được một vụ gọi là âm mưu làm hại chế độ. Nhưng, như vậy đâu đã hết, Staline thừa thắng xông lên, phăng đầu mối tìm tới, vì nhìn đâu cũng ra kẻ thù. Boukharine đang du ngoạn leo núi Pamir thì được tin sét đánh là tên tuổi của ông được báo chí nhắc đến là có liên can trong vụ án Zinoviev. Ông cấp tốc trở về Mạc Tư Khoa. Nicolaï Ivanovitch Boukharine, ban đầu là nhà lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản cánh tả, về sau chuyển qua cánh hữu, chuyên viên về thuyết "thực tiễn kinh tế". Được ân xá về những lỗi lầm trước kia, Boukharine được đề cử chức vụ tổng biên tập tờ báo "Izvestia", một chức vụ quan trọng và có cơ hội để tiếp cận với Staline.

Năm 1935, trong một dạ tiệc, Staline còn công khai nâng ly chúc mừng Boukharine: "Hãy nâng ly chúc mừng đồng chí Boukharine. Chúng ta đều yêu quý Boukharine. Hãy quên đi chuyện quá khứ!" Thái độ của Staline trong vụ này có thể suy diễn nhiều cách. Có thể ông muốn "bảo quản" Boukharine cho đến cao điểm, là ngày xử án đương sự. Hoặc giả Staline có chút "thương hại" nào đó. Hay là Staline thể hiện cái thú hiểm độc là nhìn nạn nhơn của mình đau khổ, như kiểu con mèo đùa giỡn với miếng mồi trước khi nhai ngấu nghiến. Cho nên Staline mơn trớn với "Boukharine yêu quý" của mình trong khi đương sự phải trằn trọc đau khổ trong cô đơn giữa Điện Cẩm Linh.

Ngày 8 tháng Chín năm 1936, Ủy Ban Trung Ương mời Boukharine họp với Kaganovitch, nhưng khi đến nơi thì đương sự lại sửng sốt, vì ngoài sự hiện diện của Ejov và Vychinski, còn có người bạn thời thơ ấu của đương sự là Grigori Sokolnikov, một người bôn-sê-vít lão thành, được mật vụ NKVD đưa vào phòng họp. Staline thường áp dụng kỷ thuật quái đảng là cho những can phạm đối chứng với nhau để tìm ra sự thật. Vì như vậy, bị cáo sẽ khiếp sợ đồng thời thuyết phục được những thành viện hiện diện của Bộ Chánh Trị về tội ác của bị cáo.

Kaganovitch đóng vai người quan sát vô tư, trong khi Sokolnikov tiết lộ ra một "Trung Tâm Hữu Khuynh và Tả Khuynh", mà Boukharine là thành viên, đã có ý định ám sát Staline. Boukharine sửng sờ, khóc ròng, vặn hỏi Sokolnikov: "Đồng chí có điên không mà phát ngôn bừa bải như vậy?" Sau khi Sokolnikov được đem đi, Kaganovitch ra mặt nổi giận quát tháo: "Đồ đểu giả, khai lếu láo! Đồng chí cứ trở về tòa báo và yên tâm làm việc." Ngày 10 tháng Chín, quan tòa Vychinski tuyên bố là cuộc điều tra Boukharine và Rykov đã kết thúc, vì thiếu bằng chứng. Boukharine trở về với chức vụ cũ, kể như thoát nạn, trong khi những người điều tra tiến hành vụ án khác. Thế nhưng, con mèo cứ tiếp tục đùa giỡn với những con mồi.

 

*  *  *

 

Trong chiến dịch diệt trừ phe trốt-kít, Staline chủ yếu dựa vào mật vụ NKVD, mà người tín cẩn là Ejov. Nhờ lập công qua tố khổ phe trốt-kít, Ejov mượn tay Staline để hất Yagoda, chiếm quyền chỉ huy NKVD, qua bổ nhiệm ngày 25 tháng Chín. Thế là từ nay người lùn Ejov đã trở thành người hùng của Liên Xô, sau Staline.

Staline cho rằng tòa nhà NKVD là thành trì của những người bôn-sê-vít kỳ cựu nên đã trở nên "bịnh hoạn". Từ lâu Staline đã muốn tìm người để đưa vào vị trí chiến lược đó, đối với ông. Sau khi lưỡng lự giữa Kaganovitch và Mikoïan, Staline chọn Nestor Lakoba, Bí Thơ của  Abkhazie. Nhưng Lakoba đâu có màng gì chức vụ tra khảo thiên hạ trong khi ông đang có một chức vụ thần tiên. Từ chối đề nghị của Staline là một trọng tội vì chạm tự ái của "chúa tể".

Ngày 31 tháng Mười, Staline mời Lakoba dự bữa ăn tối tại Mạc Tư Khoa. Mọi chuyện tưởng đâu êm thấm, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Khi Lakoba trở về Abkhazie, Beria lại mời ăn uống ở Tiflis. Lakoba từ chối nhưng bà mẹ của Beria điện thoại khẩn khoản, Lakoba đành chiều ý dự bữa ăn đêm 27 tháng Mười Hai 1936, sau đó đi xem hát. Khi về khách sạn Lakoba thấy khó chịu, biết rằng Beria đã đầu độc. Bốn giờ sáng, Lakoba từ trần vì chứng bịnh tim. Sau đó cả gia đình của Lakoba cũng bị tàn sát. Lakoba bị kết án là kẻ thù của nhơn dân và là nhơn vật đầu tiên thân cận với Staline bị giết hại. Staline đã khoán trắng cho Beria để thanh toán những thành phần thù nghịch với chế độ Staline.

Beria không chừa một ai, khi đã bị nghi là có thể nguy cho Staline, dẫu cho đương sự có chỗ dựa vững chắc. Vì vậy cho nên Piatakov, phó ủy viên của Sergo, bộ trưởng công nghiệp nặng, cũng bị bắt giữ như thường. Từ tháng Bảy, bà vợ của Piatakov đã bị bắt vì tội liên hệ với Trostki. Trước vụ án Zinoviev-Kamenev, Ejov đã mời Piatakov đến đọc những lời khai tố cáo đương sự có dính líu đến những hành động khủng bố trốt-kít và cho biết là đương sự đã bị cất chức. Để chứng minh sự vô can của mình, Piatakov xin đứng ra hành xử những người bị tử hình trong vụ án, kể cả bà vợ cũ của mình. Thế nhưng, Piatakov cũng bị bắt ngày 12 tháng Chín. Từ đó, Staline coi Sergo như là kẻ thù.

Staline cho phép Boukharine và Piatakov đối chất nhau trước Bộ Chánh Trị. Piatakov xác nhận những lời khai của mình cho rằng Boukharine có liên hệ đến khủng bố. Piatakov cúi mặt xuống mà nói và tìm cách lấy tai che mắt lại. Khi được hỏi gặng, Piatakov cho biết đó là những lời khai tự ý, không bị ép buộc. Staline điều hành bản án sắp tới của Piatakov, bản án "Trăm tên trốt-kít chống lại xô viết", thật ra là chống lại bộ công nghiệp nặng của Sergo, với mười bị can trong số mười bảy người làm việc tại đó.

Chiều tối ngày 29 tháng Giêng 1937, các quan tòa rút lui để nghị án tới ba giờ sáng trở ra. Mười ba bị cáo, trong đó có Piatakov, lãnh án tử hình. Ejov được tưởng thưởng, thăng chức Ủy Viên An Ninh và được cấp một căn hộ trong Điện Cẩm Linh. Ở Mạc Tư Khoa, hai trăm ngàn người, bị tuyên truyền lèo lái, tụ tập tại quảng trường đỏ, dẫu trời đang lạnh hai mươi bảy độ âm. Trên biểu ngữ họ căn ra, người ta đọc được: "Phán quyết của tòa án là phán quyết của nhơn dân." Nói trước quần chúng, Khrouchtchev tuyên bố: "Động tới đồng chí Staline là động tới những gì quý nhứt của nhơn loại, vì Staline là niềm hy vọng của chúng ta [...] Staline là ngọn cờ của chúng ta, là ý chí của chúng ta, là thắng lợi của chúng ta." Cả nước sôi sục vì làn sóng căm thù, làn sóng sợ hãi và với tấm lòng nhiệt huyết hăng sai.

Hồi năm 1934, tai nạn đường sắt xảy ra rất nhiều, trên sáu mươi hai ngàn vụ. Trên một đất nước hoàn chỉnh thì tại sao như vậy? Là vì trong cấp lãnh đạo thối nát có sự hiện diện của kẻ thù. Những kẻ phá hoại và hủy diệt càng ngày càng bị bắt khá đông. Nhơn viên của Sergo và Kaganovitch lại bị ảnh hưởng. Nên chi giữa Staline và Sergo có mối bất hòa. Sergo nghi rằng có bàn tay của nhơn viên NKVD. Sergo cảm thấy có một cái hố ngăn cách giữa Staline và đương sự. Nói đến NKVD là người ta nghĩ ngay đến Beria.

Ngày 17 tháng Hai, Staline và Sergo bàn luận với nhau mấy tiếng đồng hồ. Sau đó, Sergo trở lại văn phòng của mình, trước khi dự phiên họp của Bộ Chánh Trị. Staline chấp thuận bản phúc trình của Ejov, và phê bình gay gắt Sergo và Kaganovitch.

Staline cố tình làm cho tình hình trầm trọng hơn, bằng cách cho mật vụ NKVD lục xét căn hộ của Sergo. Bực tức và xấu hổ, Sergo điện thoại cho Staline. Staline mời Sergo đến văn phòng và tranh luận với nhau thế nào đó. Ngày hôm sau, Sergo tự cô lập trong phòng riêng, đến xế chiều có tiếng súng nổ, bà vợ đương sự tông cửa chạy vào thì chỉ thấy một cái xác không hồn. Chánh thức, Sergo đã chết vì chứng nhồi máu cơ tim!

Ngày 19 tháng Hai 1937, báo chí loan tin về cái chết của Sergo, một cái chết bất đắc kỳ tử do một căn bịnh "chánh trị" rất thường thấy. Một loạt các bác sĩ phải ký tờ giấy chứng tử, trái với lương tâm và nghịch lại lời thề danh dự trước ông tổ nghề thuốc. Hội nghị khoáng đại phải dời lại vì đám tang, nhưng Staline được lợi là đã vứt bỏ thêm được một chướng ngại vật dễ ghét. Lễ tang của "người bôn-sê-vít tuyệt vời" thật rình rang, với hàng ngàn người đi ngang qua cỗ áo quan để mở, đầy nỗi tiếc thương, có vài người thút thít khóc!

Staline đích thân mang hũ tro cốt của Sergo đặt cạnh hũ tro cốt của Kirov trong tường thành Điện Cẩm Linh. Vài ba ngày sau lễ tang, Boukharine viết cho Staline một bức thơ: "Tôi không thế nào sống như vầy mãi được. Tôi không còn đủ sức mà cũng không còn tinh thần để dự khoáng đại hội nghị.[...] Tôi sẽ tuyệt thực đến chừng nào hết bị tố cáo tội phản bội, tội phá hoại và tội khủng bố. Vậy mà cơn mạt vận của Boukharine chỉ mới bắt đầu thôi. Điều đáng chú ý là những nạn nhơn của phiên họp khoáng đại này – Boukharine và Yagoda - cả hai đều ở trong Điện Cẩm Linh, chỉ cách nơi ở của những người bị coi như nạn nhơn của họ - Staline và ủy viên Bộ Chánh Trị - có vài ba bước. Điện Cẩm Linh lúc nào cũng là một cái làng, chìm đắm trong bầu không khí ác tâm vô tiền khoáng hậu.

Mười tám giờ ngày 23 tháng Hai, phiên họp khoáng đại nôn nóng và ác độc đó cũng được khai mạc trong một bầu không khí ủ ê vì cái chết của Sergo, vì án tử hình của Piatakov, vì những vụ bắt bớ ngày một gia tăng và vì tình hình sôi sục táo bạo trong quần chúng bị báo chí kích động. Đây có thể là lúc mà Staline lột xác biến thành nhà độc tài có đủ quyền sinh sát. Mở đầu hội nghị, Ejov kết tội Boukharine, với quyết định tuyệt thực của đương sự.

Khoáng đại hội nghị biểu quyết theo ý muốn của Staline, kết quả là không có phiếu nào chống đối, ngoại trừ hai phiếu trắng - của Boukharine và Rykov. Hai nhơn vật này, xưa kia điều khiển Liên Xô bên cạnh Staline, bị bắt ngay sau khi ra khỏi khoáng đại hội nghị.

Bước ra khỏi phòng hội, Boukharine chẳng khác nào vượt qua một bước để rồi rơi xuống vực thẳm sâu cả ngàn thước. Giây phút trước đó, ông sinh sống trong Điện Cẩm Linh, với xe đẹp, với điền gia trang, với kẻ hầu người hạ. Giây phút sau, khi đã bước qua ngưỡng cửa trụ sở mật vụ Loubianca, ông bị tước đi tất cả tài sản, tất cả quần áo, bị lục soát khắp cùng thân thể, chỉ được trả lại đồ mặc, không dây nịch, chẳng còn dây giày, và sau đó bị giam vào ngục tối. Rồi vợ con đều bị bắt giam vào trại lao động khổ sai gần hai mươi năm.

Phiên họp khoáng đại bỉ ổi đó còn tạo ra nhiều nạn nhơn khác nữa. Ejov tấn công Yagoda, người chỉ huy trước đây của ông ta. Dựa theo phúc trình của Sergo, Molotov kể tên năm trăm tám mươi lăm người phá hoại công nghiệp nặng. Vậy là, một lô tội phạm bị vạch mặt chỉ tên, người thì bị bắt giam, kẻ thì bị cách chức.

Đợt trừng phạt đó cho thấy không một đồng chí nào trong Bộ Chánh Trị và cũng chẳng có một thân nhơn nào của họ được an toàn. Theo Staline thì: "Những ủy viên già nua của Bộ Chánh Trị rồi đây phải xa rời chánh trường. Đó là luật tự nhiên. Cần có những toán thay thế."

 

*  *  *

 

Ejov nhứt quyết cải biến ngành mật vụ NKVD thành một "môn phái mật kín" gồm những tên đao phủ dễ nể. Ejov phái những đàn em của Yagoda đi thanh tra các tỉnh rồi cho lịnh bắt giữ trên xe lửa. Ba ngàn mật vụ sẽ bị đưa ra xử tử. Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Ba, Ejov triệu tập những mật vụ còn sống sót đến câu lạc bộ sĩ quan. Trước mặt họ, Ejov tuyên bố rằng Yagoda làm gián điệp cho Đức từ năm 1907 và cũng là một tên ăn cắp thối nát. Nói đến vóc người bé nhỏ của mình, Ejov nói rằng: "Có thể tôi ngắn chiều cao, nhưng hai bàn tay của tôi rất mạnh, vì đó là hai tay của Staline."

Chiến dịch giết hại những tên thù địch của chế độ Staline có thề mù quáng một cách có tính toán vì theo Ejov thì: "Trong cuộc đấu tranh chống bọn tay sai phát xít này, có thể có những người vô tội. Lý do là chúng ta tấn công kẻ thù với quy mô lớn. Không cần thắc mắc nếu một vài cuộc đánh phá không đúng mục tiêu mong muốn. Thà mười người vô tội phải chịu đau khổ còn hơn là để cho một tên gian manh lọt lưới. Khi chặt cây rừng thì làm sao khỏi có mảnh gỗ vụn văng ra."

(Còn tiếp)

Cố Nhân

Nguồn: "Le poison de Beria..." và "Sergo, la mort d'un parfait bolchevik", trong "Staline, la cour du tsar rouge" của S.S. Montefiore, nxb. Editions des Syrtes, 2005.


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp :  Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên :  Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.