Staline, xa hoàng đỏ

Ejov "phát hiện"
ra chuyện Yagoda tìm cách đầu độc ông bằng cách phun thủy ngân
vào những bức màn trong văn phòng ông. Một phát hiện về sau được
biết là một câu chuyện do Ejov dựng đứng. Vậy mà, Yagoda vẫn cứ
bị bắt, tại một căn hộ ở Điện Cẩm Linh, trước khi có lịnh của Bộ
Chánh Trị. Lúc đó, quyền uy của Bộ Chánh Trị chánh thức được ủy
thác cho "Nhóm Năm Người" là Staline, Molotov, Vorochilov,
Kaganovitch và Ejov, dẫu cho ông này chưa phải là ủy viên của Bộ
Chánh Trị.
Khi lục xét nơi ăn chốn ở của Yagoda, người ta phát hiện ra rất
nhiều chứng tích cho thấy tên trùm mật vụ NKVD có một lối sống
rất là bê tha trụy lạc. Rất nhiều hình chụp và phim ảnh khiêu
dâm, rất nhiều quần áo phụ nữ, từ y phục bên ngoài chí đến quần
áo lót. Ngoài ra còn có hai viên đạn đã được lấy ra từ hai bộ óc
của Zinoviev và Kamenev.
Qua điều tra và dưới áp lực chiêu dụ của Ejov, Yagoda đã "thú
nhận nhiều chuyện tày trời, như khuyến khích Rykov chống lại
Đảng, như chấp nhận có phun thủy ngân ở phòng làm việc của Ejov,
như tố giác Abel Enoukidze đã kết hợp với Thống Chế
Toukhatchevski, kẻ tử thù của Staline, dự tính đảo chánh, và tự
thú là đã ám sát Gorki cùng người con của ông này và mưu hại
Kirov. Thế là, theo quy luật của bạo chúa Staline, khi một người
có tội thì gia đình, họ hàng và bạn bè đều bị sát hại, chẳng
khác gì quy luật "tru di tam tộc" thời vua chúa. Người thì bị
bắn, kẻ thì đi lưu đài.
Đêm 1 tháng Năm 1937, sau cuộc diễn binh, thường có tiếp tân tại
tư dinh Bộ Trưởng Chiến Tranh Vorochilov, nhưng bầu không khí
hôm đó có vẻ căng thẳng. Người ta ghi nhận rằng Staline thường
tuyên bố công khai những vụ giết hại sắp xảy ra, dành cho những
nhơn vật thân cận. Đêm đó, người ta nghe Staline càu nhàu là
"chúng ta phải dứt khoát với bọn chúng, không thiên vị ai hết".
Người ta lo ngại cho Thống Chế Toukhatchevski và nhiều sĩ quan
cao cấp khác như Iona Yakir và Yan Garmarnik.
Toukhatchevski là
vị tướng lãnh có khả năng của Staline, nhưng lại là kẻ thù của
Staline từ thời nội chiến, nên cũng là mục tiêu chủ yếu. Năm
1930, Staline đã có ý định tố cáo vị thống chế này về tội phản
quốc, nhưng Sergo và một số người khác lại binh vực
Toukhatchevski và đề nghị cho giữ chức thứ trưởng Chiến Tranh.
Nhưng đến năm 1936 thì đương sự lại xung đột với Tổng Trưởng
Chiến Tranh, thêm vào đó có một tướng lãnh Hồng Quân bị bắt và
qua điều tra có lời khai làm cho Toukhatchevski phải bị dính
líu. Sau đó, chung cuộc Toukhatchevski cũng bị bắt giữ. Ejov và
Vorochilov toa rập nhau, bắt giữ hầu hết bộ chỉ huy cao cấp.
Ejov được giao trách nhiệm tra khảo các tướng lãnh.
Ngày 13 tháng Năm 1937, giữa khi thảm kịch thanh trừng đang diễn
ra thì bà mẹ của Staline lại ra người thiên cổ, ở tuổi đời bảy
mươi bảy. Trên vòng hoa tang điếu mẹ, Staline ghi tên cúng cơm
"Iossif Djougatchvili", chớ không ghi Staline. Có lẽ vì không
muốn cái bí danh ghê tởm kia gắn liền với bà mẹ, khi bà đã về
cõi bên kia? Staline cũng không đi tiễn mẹ đến nơi yên nghĩ đời
đời. Vợ chồng Beria và đứa con trai đi thế, và sau đó Staline
bảo kể lại diễn tiến lễ tang, như chừng cảm thấy thất lễ với
đấng sinh thành.
Mấy ngày sau đám tang, quá ê chề với những trận tra khảo,
Toukhatchevski phải thú nhận là Enoukidze – cha đỡ đầu của Nadia
– đã tuyển mộ đương sự hồi năm 1928 và đương sự là gián điệp của
Đức, toa rập với Boukharine - bạn của Nadia - để tiếm quyền.
Vì vậy cho nên Staline mới chứng minh được với Bộ Chánh Trị về
tội trạng của những sĩ quan. Kaganovitch cũng như Mikoïan, hai
cấp lãnh đạo thân cận nhứt với Staline, cũng dây mơ rễ má với
nhiều tướng lãnh, nhưng đều được Staline cho thông qua. Thế là,
NKVD bắt đầu giam giữ rất nhiều người bôn-sê-vít cựu trào.
Ngày 1 tháng Sáu 1937, Staline, Vorochilov và Ejov triệu tập
trên một trăm vị chỉ huy quân sự đến họp tại Điện Cẩm Linh, loan
báo cho họ biết rằng tuyệt đại đa số giới chức chỉ huy cao cấp
của họ đều là gián điệp của Đức. Vorochilov, Bộ Trưởng Chiến
Tranh, tiết lộ sự hiện hữu của "tổ chức phát-xít gồm những người
mưu phản chống phá cách mạng" và còn công nhận chính ông cũng
gần gũi với những kẻ mưu phản đó. Như vậy, ngài bộ trưởng cũng
đã có tội vì đã không tin họ là những người như vậy.
Dựa theo đó, Staline chứng minh quả thật có một âm mưu chánh trị
quân sự như vậy. Ông nói rõ thêm là Thống chế Toukhatchevski đã
bị tập đoàn Trotski, Boukharine, Rykov, Enoukidze, Yagoda và
Roudzoutak lôi cuốn. Một số lớn sĩ quan bị bắt giữ ngay giữa
phiên họp. Như vậy là, những người chưa bị bắt ủng hộ Staline
hết mình!
Ngày 9 tháng Sáu, quan tòa Vychinski thẩm vấn các bị cáo, rồi
báo cáo cho Staline. Các ủy viên Bộ Chánh Trị, cứu xét những
kháng cáo của các sĩ quan. Ngày 11, Tối Cao Pháp Viện triệu tập
Tòa Án Quân Sự đặc biệt để xét xử những "tên phản bội", với
những thống chế ngồi ghế thẩm phán.
Với những vụ kết tội hàng loạt như vậy, Thống Chế Toukhatchevski
cho rằng có "cảm giác nằm mơ"! Một số lớn tướng lãnh bị tội
"phục vụ tổ quốc thứ hai". Phần lớn những người ngồi ghế thẩm
phán đều khiếp sợ, nghĩ rằng nay mai cũng sẽ tới phiên mình.
Ngày hôm đó, tất cả đều lãnh án tử hình. Lúc hai mươi ba giờ ba
mươi lăm, quan tòa Ulrikh đi báo cáo tình hình cho Staline, đang
ngồi chờ với Molotov, Kaganovitch và Ejov. Staline chẳng buồn
xem qua những bản án, chỉ nói ngắn gọn:"Được rồi!"
Ejov cùng trở lại tòa án với Ulrikh để kiểm tra việc hành quyết,
được thi hành cấp thời, sáng sớm ngày 12 tháng Sáu. Như thường
lệ, Staline để lộ tánh tò mò bịnh hoạn khi ông hỏi Ejov:"Trước
khi chết Toukhatchevski đã nói những gì?"
Đúng như những vị tướng ngồi ghế thẩm phán nghĩ, tất cả đều bị
xử bắn sau đó, ngoại trừ một vài người, như Ulrikh, Boudionny và
Chapoknikov. Thấy Boudionny còn ngần ngại chưa triệt để ủng hộ
chiến dịch "Đại Thanh Trừng" của Staline, NKVD định bắt giam sau
vụ án. Boudionny móc súng ra đe dọa sẽ giết bọn mật vụ và điện
thoại cho Staline đòi phải hủy lịnh bắt giam.
Vorochilov phát động chiến dịch thanh trừng quân đội một cách ồ
ạt, đích thân đòi bắt ba trăm sĩ quan, qua những bức thơ gởi cho
NKVD. Ngày 29 tháng Mười một 1938, Vorochilov tự hào cho rằng đã
đưa lịnh bắt giữ bốn chục ngàn sĩ quan và cã khóa gồm hàng trăm
ngàn tân binh. Chế độ hành quyết sĩ quan theo tỷ lệ, 5 thống chế
giết 3, 16 cấp chỉ huy, giết 15, 67 tư lịnh quân đoàn, giết 60
và 17 chính ủy bị xử tử.
Lần hồi về sau, người ta không cần xử tử theo họ tên nữa mà chỉ
cần ấn định tỷ lệ bách phân, lên tới hàng ngàn người. Ngày 2
tháng Bảy 1937, Bộ Chánh Trị ra lịnh cho bí thơ chi bộ địa
phương bắt và xử bắn những thành phần chống đối lại xô-viết, chỉ
cần xét xử qua ba bộ phận là bí thơ chi bộ, thẩm phán và thủ
trưởng NKVD. Mục đích là để dứt khoát với mọi kẻ thù, với những
ai không chịu theo chủ nghĩa xã hội, nhằm tiến nhanh đến chỗ
loại bỏ hố ngăn chia giai cấp và để tạo thiên đàng trên mặt đất
cho đông đảo quần chúng.
Trung ương quy định ra tỷ lệ làm hai loại, một là xử tử và hai
là đưa đi đày. Thậm chí, trung ương còn đưa ra hẳn những con số
phải đạt được như 72.950 xử tử và 259.450 bắt giam. Địa phương
có thể cung cấp những danh sách bổ túc, nếu cần. Thân nhân của
những đối tượng kể trên thì bị đưa đi đày. Lần hồi những tên đồ
tể gần như say máu, cứ thừa thắng xông lên, bắn giết hàng loạt.
Sau trận tàn sát ghê gớm đó, Staline gần như không thấy xuất
hiện trước công chúng nữa. Chỉ thỉnh thoảng tiếp đón trẻ con hay
những phái đoàn. Có vẻ như Staline không biết những hành tung
của Ejov. Năm 1937, Staline chỉ nói trước quần chúng có hai lần,
năm 1938 có một lần và đình chỉ hết các cuộc đi nghỉ mát.
Trách nhiệm của chiến dịch "Nỗi Khiếp Sợ Vĩ Đại" không thể nào
quy cho mỗi một cá nhơn được. Staline là đầu não, nhưng đâu phải
ông chỉ làm một mình. Chuyện giết hại có hệ thống đó bắt đầu từ
năm 1917, sau khi Lê Nin nắm chánh quyền và chấm dứt với cái
chết của Staline. Chế độ xã hội tàn bạo đó viện cớ phải giết hại
là để xây dựng hạnh phúc cho tương lai. Nỗi "Khiếp Sợ Nhà Nước"
đó sở dĩ xuất hiện không phải chỉ vì bản tánh quái dị của
Staline đâu, mà còn được phát triển và tăng tiến dưới sức đẩy
của bản chất chuyên khống chế và thích trả thù của Staline mà
ra.
Một hôm, Staline chọc tức Kamenev, người tử tội của ông:"Niềm
vui to lớn nhứt là chọn lựa kẻ thù của mình, chuẩn bị được hành
động của mình, hoàn thành chuyện trả thù, sau đó đi làm một giấc
ngủ ngon lành." "Nỗi Khiếp Sợ Vĩ Đại" làm gì xuất hiện được, nếu
không có Staline, nhưng tình trạng đó cũng nói lên những sự hận
thù nội bộ trong cái "giáo phái loạn luân" của những người
bôn-sê-vít, xâu xé nhau vì những cạnh tranh ngấm ngầm từ những
năm lưu đày và chiến tranh. Staline và những viên chức của ông
giết người một cách đầy hứng thú, với sự vô tâm và với một niềm
vui. Thường thường họ vượt quá chỉ tiêu giết chóc và chẳng ai
dám xét xử họ hết.
Dường như họ coi
sự giết hại đó là hành động thừa kế của Ivan Bạo Chúa, khi xa
hoàng này tàn sát bọn quý tộc xưa kia. Tâm sự với Mikoïan,
Staline cho rằng:"Ivan không giết hết bọn quý tộc cho nên không
hình thành được một đất nước hùng mạnh." Trong khi các địa
phương giết hại đạt và vượt chỉ tiêu một cách tổng quát, chung
chung, nghĩa là giết người tính bằng con số chớ không phải theo
danh tánh, thì Staline cũng giết hàng ngàn nạn nhơn mà ông biết
rành.
Trong vòng một năm rưởi, trong số 15 ủy viên Bộ Chánh Trị thì 5
người bị bắt, 139 ủy viên trung ương thì 98 người bị giữ và trên
con số 1966 đại biểu đại hội XVII thì đã hết 1108 người bi câu
lưu. Theo các danh sách thì đã có 39.000 vụ giết hại.
Ngày 5 tháng Bảy 1937, Bộ Chánh Trị ra lịnh cho NKVD bắt giam
những bà vợ của những tội nhơn phản bội vào các trại tập trung
từ năm đến tám năm và con cái của họ dưới tuổi mười lăm thì do
nhà nước quản lý. Có cả thảy là 18.000 bà vợ và 25.000 đứa trẻ
bị bắt giữ. Nhưng như vậy đâu đã xong vì ngày 15 tháng Tám, Ejov
còn quyết định đưa vào trại mồ côi những đứa trẻ từ một đến ba
tuổi, còn những đứa từ ba đến mười lăm tuổi, mà nguy hiểm cho xã
hội, thì có thể bị giam tùy theo mức độ nguy hiểm. Gần một triệu
trẻ em thuộc diện này được nuôi dưỡng trong trại mồ côi và
thường thường hai mươi năm sau không thấy được mặt của mẹ chúng.
Staline là động cơ chánh của bộ máy giết hại này. Không những
Staline chủ trương giết hại mà còn khuyến khích những viên chức
cấp nhỏ giết hại bạn bè nữa. Nếu như tất cả các cấp lãnh đạo có
thể cứu sống một vài người bạn của họ thì Staline muốn bảo vệ
che chở ai mặc tình.
Như vậy, dưới trào của ông "Hoàng Đỏ" chuyện sống chết rất dễ
dàng, như trở bàn tay. Một người quen thân với cá nhơn Staline
có thể sống đó rồi chết đó như chơi. Không phải quen biết, thân
thích với ông "Hoàng Đỏ" là yên thân. Chiến dịch "Thanh Trừng Vĩ
Đại", do Staline chủ xướng, là hiện tượng độc đáo, ngang hàng
với nạn hủy diệt người Do Thái của Đức Quốc Xã. Mượn hành động
đó, trong những năm 1937-1938 Joseph Staline đã mở ra chiến dịch
đàn áp và sát hại chánh trị vô cùng dã man. Chiến dịch thanh
trừng của Staline không phải chỉ riêng cho Đảng viên cộng sản
Liên Xô mà còn có cuộc đàn áp nông dân, việc lưu đày các chủng
tộc thiểu số. Người ta ước lượng chiến dịch này giết chết từ
681.692 người (số liệu chánh thức) đến gần hai triệu.
Thanh trừng là hành động cố tình của Staline để tiêu diệt những
thành phần đối lập với chế độ của ông, và như vậy để củng cố thế
lực của "Chúa Tể". Ngoài ra, còn có những chiến dịch đàn áp
khác, chống lại những phe nhóm ngoài xã hội, bị cáo buộc là thù
nghịch với nhà nước xô viết và đường lối chánh trị của Đảng cộng
sản.
Một số vụ thanh trừng được nhà nước giải thích là để loại trừ
các khả năng phá hoại và những âm mưu gián điệp có liên hệ đến
chiến tranh chống Đức. Dư luận quần chúng tập trung vào các cuộc
thanh trừng nhằm vào cấp lãnh tụ Đảng cộng sản, cũng như đánh
vào bộ máy hành chánh của chánh phủ, và nhằm vào những cấp chỉ
huy của lực lượng võ trang, phần lớn đều là Đảng viên.
Tuy nhiên, những chiến dịch đó cũng tác động đến nhiều thành
phần khác trong xã hội, như trí thức, nông dân - đặc biệt là
những nhà nông bị xếp vào diện "phú nông" (Kulak). Một loạt
những chiến dịch khác nữa của mật vụ NKVD còn chĩa mũi dùi vào
một số sắc dân thiểu số, bị gán nhãn hiệu "lực lượng thứ năm",
một loại nằm vùng để phá hoại.
Vì mục đích yêu cầu của cứu cánh cho nên phương tiện phải khác
đi. Một số lớn những lời cáo buộc để kết tội - nhứt là những cáo
buộc trong những phiên xử "trình diễn ở Mạc Tư Khoa" - đều căn
cứ trên những lời thú nhận cưỡng bách, xuất phát từ những cuộc
tra khảo. Những thủ tục pháp lý do luật định đều bị thay thế
bằng những những quyết định của "Tam Đầu Chế NKVD". Nghĩa là
quyết định của ba người do mật vụ NKVD chỉ định là có giá trị
pháp quyền rồi.
Nên chi, hàng trăm ngàn nạn nhơn đã bị cáo buộc khơi khơi vào
những tội ác chánh trị tày trời. Nào là gián điệp, nào là phá
hoại, nào là xách động chống cộng sản, hay là âm mưu chuẩn bị
nổi dậy và lật đổ, rồi sau đó bị xử bắn hoặc đưa đi các trại lao
động cải tạo (Gulag). Nhiều người chết vì lao động khổ sai, vì
đói khát bịnh tật, gian nan, cật lực.
Tổng quan mà xét, dựa trên hồ sơ lưu trử của Liên Xô đã được
giải mật, thì từ 1937 đến 1938, cơ quan mật vụ NKVD đã giam giữ
1.548.367 người, trong số đó 681.692 người đã bị xử bắn – trung
bình là 1.000 vụ hành quyết trong một ngày. Theo ước tính của
nhà sử học Michael Ellman, trong vòng hai năm đó, người ta ước
lượng các cuộc đàn áp của Liên Xô làm cho số người bị giết chết
lên đến từ khoảng 950.000 đến 1,2 triệu. Con số này tính cả
những người chết qua giam giữ và những người chết sau khi được
cho ra khỏi trại lao động cải tạo, hậu quả của việc đối xử tàn
tệ.
Như vậy, người ta có thể kết luận rằng qua những chế độ độc tài,
cộng sản cũng như quân phiệt, từ Lê Nin, Staline, Hitler,
Mussolini, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Polpot,...con người phải
chịu nhiều nỗi gian truân mà cao điểm là cái chết hàng loạt, một
cái chết vô tội vạ. Chết mà không hiểu lý do, chỉ biết là phải
chấp nhận.
(Còn nữa)
Cố Nhân |