.

PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                          TRANG CHÍNH

" Không có tự do phê phán, thì chỉ còn nịnh bợ mà thôi - Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur " (Beaumarchais)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

Giáo Dục

n Học

Diễn Đàn

Đời sống

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

 SÁCH - BÚT/HỒI KÝ CHÍNH TRỊ

Gene Sharp : Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên : Đêm giữa ban ngày

 

 

 

 Viễn Tượng Việt Nam

 

Chính Thống Dân Chủ

Tính chính thống của một chế độ chính trị Việt Nam trong tương lai

  • Trần Thanh Hiệp

Jean Jacques Rousseau, người đã viết ra tác phẩm nổi tiếng trên thế giới, Du Contrat social (Bàn về Khế ước xã hội), có khẳng định trong Tập I chương 3 của sách này đại ý rằng bạo lực không đẻ ra được pháp luật, người ta chỉ bắt buộc phải phục tùng những sức mạnh chính đáng mà thôi. Tức là sức mạnh phải có danh nghĩa chính đáng thì mới có thể được sử dụng để cai trị. Nói cách khác, chính quyền có tính chính thống thì mới được phép dùng sức mạnh để cưỡng hành, nghĩa là bắt dân phải vâng lệnh. Người ta không thể không tự hỏi vậy tính chính thống là gì? Đồng thời dịp này cũng muốn tìm hiểu xem tính chính thống liên hệ với “chính thống dân chủ” ra sao? Trả lời những nghi vấn nói trên đòi hỏi phải qui chiếu vào những kiến thức liên ngành luật học, xã hội học, chính trị học. Bài viết dưới đây chỉ giới hạn vào việc giới thiệu một cách tóm lược khái niệm chính thống dân chủ và ghi lại một số sự việc liên quan tới khái niệm hãy còn mới này trong văn hóa chính trị hiện đại của nguời Việt Nam. Để tìm đồng thuận trên một danh nghĩa chung thanh toán độc tài xây dựng dân chủ.

 

I. Đặt vấn đề chính thống dân chủ

Từ thế kỷ trước, dân tộc Việt Nam đã biểu lộ và bắt đầu thực hiện nguyện vọng thay đổi cách phân công xã hội, từ phương thức nông-sĩ bước sang phương thức dân-chủ. Ý nghĩa chính trị và pháp lý của biến chuyển này là việc quản trị đất nước từ nay không còn dành riêng cho đẳng cấp sĩ phu như thủa xưa nữa mà là trách nhiệm chung - trên nguyên tắc - của toàn dân. Nhưng  cuộc chuyển hóa lịch sử ấy đã gặp phải hai trở ngại lớn là ngoại xâm và nội chiến.

1. Ba nước đã trực tiếp ảnh hưởng sâu rộng đến cuôc chuyển hóa nói trên là Pháp, Nhật và Mỹ. Và từ hơn một thế kỷ trước ba nước này, vì quyền lợi riêng, đã tiếp nối nhau trong một thời gian khá dài, dưới nhiều hình thức, ngăn cản bước tiến dân chủ hóa dự kiến. Những năm 2000 đầu tiên, trên đà toàn cầu hóa, tình hình thế giới mới đã mở ra cho Việt Nam một vận hội mới. Thế lực ngoại quốc đã không còn trực tiếp can thiệp được vào nội trị của Việt Nam như trước (dù hiểm họa gián tiếp can thiệp thi vẫn còn). Dân chủ là gì nếu không phải là chế độ chính trị trong đó người dân nắm giữ và hành sử chủ quyền quốc gia? Thiết tưởng bây giờ chính là lúc toàn  dân phải đứng lên chứng tỏ có bản lĩnh tiếp thu chủ quyền quốc gia, trước đây đã bị các thế lực ngoại quốc chiếm đoạt lúc toàn phần, lúc một phần.

2. Nội chiến đã xảy ra vì một mặt, Đảng Cộng sản mượn danh nghĩa dân tộc và độc lập để bố trí cướp doạt chủ quyền quốc gia là chủ quyền của toàn dân. Mặt khác, các chính đảng quốc gia đã thất bại trong trong việc chống lại đảng CS để giành lại chủ quyền đó cho dân, nên năm 1945 đã để mất cơ hội giành độc lập vào tay đảng CS. Và miền Nam năm 1975 lại bị miền Băc thôn tính. Đảng Cộng sản chiến thắng tự phong chức lãnh đạo, tự cho mình quyền thiết lập trên cả nước một nền chuyên chính quan liêu, thư lại, tham nhũng, tàn bạo và phi đạo lý chưa từng thấy trong quốc sử. Giữa lúc nhân loại đã đoạn tuyệt được với dã man vì đã bước qua được ngưỡng cửa của văn minh thì tập đoàn cộng sản cầm quyền ở Việt Nam vẫn còn cai trị với tác phong thời Trung cổ. Nhân quyền bị tước đoạt, dân quyền bị sang đoạt, có thể nói quyền sống của toàn dân ở Việt Nam nằm trong tay tập doàn cai trị cộng sản tuyệt thiểu số mà tham vọng không che dấu là cầm quyền không thời hạn dưới mọi hình thức, kể cả cha truyền con nối. Rất may là làn sóng toàn cầu hóa đang từng bước giải phóng cho dân chúng đồng thời đang dồn tập đoàn cầm quyền cộng sản vào chân tường. Đây là cơ hội cho các chinh đảng quốc gia cùng các hội đoàn tranh đấu nhân quyền và dân chủ ở hải ngoại tiêp tay với các chính đảng quốc gia và dân chủ ở trong nước mở cuộc phản công chính trị, chuyển hóa độc tài sang dân chủ. Và đây cũng là cơ hội để các chính đảng và tổ chức tranh đấu này gột rửa tâm lý vọng ngoại, ý thức cho chính xác chức năng xã hội của mình, liên kết trên cơ sở chức năng này với dân chúng, hình thành lực lượng dân chủ có khả năng đánh bại độc tài.  

3. Kinh nghiệm cho thấy trong quá khứ, người ta thường cho rằng tranh đấu dân chủ hóa Việt Nam là phải ưu tiên tranh đấu cho chế độ đa đảng. Dĩ nhiên không thể có được dân chủ nếu sinh hoạt chính trị của một nước hoàn toàn bị đặt dưới sự chi phối của một đảng độc quyền cai trị. Nhưng, một là, dân chủ không phải chỉ là đa đảng, và hai là, lấy quyền lực đảng làm mục tiêu đánh chiếm hàng đầu là tìm giải pháp ở trên ngọn và như vậy sau cùng đã dọn đường cho đảng tri, không phải cho dân chủ. Điều này hơn nửa thế kỷ cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng minh. Bởi vậy, trong vận hội mới hiện nay, phải thay đổi thứ tự ưu tiên, lấy dân - thay vì đảng - làm mục tiêu chiến lược. Đem dân vào cuộc đối đầu với độc tài là đi đúng hướng thời đại đồng thời thỏa mãn nhu cầu cơ bản của đất nước là thăng tiến người dân lên địa vi chủ thể của luật quốc nội cũng như luật quốc tế về nhân quyền, tạo điều kiện cho người dân đóng vai tác nhân của lịch sử. Lấy dân cũng là để xây dựng lại và củng cố sự thống nhất dân tộc trên nửa thế kỷ đã bị chủ trương đấu tranh giai cấp kịch liệt phá vỡ. Về điểm này, một bộ phận mới của dân tộc, trên ba triệu người, đã ra đời ở hải ngọai - một lãnh thổ mở rộng về mặt văn hóa và xã hội của một nước Việt Nam mới. Nhân xã Việt mới này là một tiềm lực đang góp sức về mọi mặt với chủ lực dân chủ ở trong nước để dương cao ngọn cờ dân chủ, xiết chặt vòng vây độc tài trong một cuộc thử sức thư hùng loại độc tài ra khỏi vũ đài chính trị Việt Nam. 

Ba hướng hoạt động nói trên là ba mặt của cuộc vận động dân chủ phải mở ra trong tình huống mới của đất nước để tiếp tục cuộc tranh đấu dân chủ đã khởi đầu từ những thập niên trước nhưng vẫn còn đang dẫm chân tại chỗ. Cho nó bước được một bước tiến mới, cuộc vận động mới này phải bắt đầu lại từ chỗ bắt đầu. Nghĩa là phải đặt lại và đặt đúng vấn đề chính thống dân chủ..

 

II. Chính thống dân chủ: danh từ và khái niệm

1.Chính thống dân chủ là gi?

Chính thống là một tiếng Hán-Việt cổ và it dùng trong ngôn ngữ chính trị Việt Nam hiện đại. Khi nó đi kèm với tính tự “dân chủ” thì cụm từ “chính thống dân chủ” đã trở thành rất mới vì những ngữ nghĩa mới của nó. Và như thế, ngoài gốc Hán-Việt, chữ chính thống còn thêm gốc phương Tây. 

Nghĩa chữ “chính thống” hiểu theo gốc Hán-Việt và theo phép chiết tự thì chữ chính () thuộc bộ chỉ () , hợp với chữ nhất () mà thành chữ chính () (+). Về ngữ nghĩa, chữ chính () thuộc lọai chữ chỉ sự. Chữ nhất () ở trên đầu chữ chính () biểu thị mục tiêu hay phương hướng. Phù hiệu bên dưới là cái chân (chữ túc (),biến thể thành chữ chỉ () biểu thị ý nghĩa là cứ đi thẳng để đạt được mục đích hay phương vị, không thiên, không trệch. Chữ thống () nằm trong bộ mịch (), hợp với chữ sung () mà thành chữ thống () ( + ) . Thống là lọai chữ hình thanh, mượn hình ảnh những sợi tơ trong bó tơ, nghĩa của chữ mịch (), rồi mượn âm của chữ sung () mà đọc thành thống (). Chữ thống hàm ý dây tơ họp thành bó tơ, sau nghĩa mở rộng thêm có nghĩa là thứ gì họp thành một mối, đầu mối của mọi việc (như trong các từ kép thống nhất, hệ thống, tổng thống, thống lĩnh v.v…).

Theo những nghĩa tầm nguyên của hai chữ chínhthống ở trên thì từ kép chính thống không thể diễn đạt điều gì khác hơn là hiện tượng cách các triều đại vua chúa ngày xưa truyền cho nhau (vương triều tương thừa), không có nội dung của một khái niệm với những thuộc tính có tên gọi là tính chính thống hay chính thống. Hơn nữa, ngày xưa ở Trung Quốc hay ở Việt Nam không có cụm từ “chính thống dân chủ” bởi lẽ rất giản dị là tại hai nước này chế độ dân chủ chưa ra đời. Trong ngôn ngữ chính trị hiện đại, cụm từ chính thống dân chủ đã được dùng để dịch mấy thuật ngữ chính trị học, luật học, xã hội học phương Tây.

Dưới góc nhìn phương Tây này thì những chữ tiếng Pháp légitimité, tiếng Đức legitimitat, tiếng Anh legitimacy, tiếng Tây Ban Nha legitimidat, tiếng Ý legitimita được dịch ra tiếng Việt khi là tính chính thống khi là tính chính đáng. Ở đây xin giới hạn vào hai chữ Légitimité của Pháp và chữ Legitimacy của Anh. Tự điển Tàu dịch chữ tiếng Anh Legitimacychính thống tính, sang tiếng Hán-Việt thành tính chính thống và dịch chữ tiếng Pháp légitimité là tính hợp pháp, tính chính thống. Từ điển Việt Nam dịch chữ légitimitétính chính đáng và dành chính thống cho chữ orthodoxe. Cũng vẫn theo tự điển Việt Nam thì chữ tiếng Anh legitimacy có nghĩa là tính hợp pháp, tính chính đáng. Không rõ vì lý do nào mà tự điển của ta khi dịch những chữ légitimité, legitimacy lại đặc biệt khác tự điển của Tàu như vậy (cần chú ý rằng chữ đáng - môt âm khác của chữ đương - cũng là chữ Hán). Nhưng điểm đáng nói là một mặt, chữ chính đáng không đủ rộng để phản ánh được nội dung của hai chữ légitimité và legitimacy và mặt khác, khái niệm phương Tây về legitimacylégitimité phân biệt tính hợp pháp (légalité) với tính chính thống (légitimité) trong khi tự điển của ta không phân biệt như thế. Do đó tưởng nên dùng tính chính thống thay vì tính chính đáng vì chính thống thì có tiêu chuẩn rõ rệt trong khi chính đáng không có.

Để dễ phân biệt được sự liên hệ cũng như sự khác biệt giữa hai chữ chính thốngchính đáng người ta có thể đặt ra một loạt câu hỏi và tìm cho chúng những câu trả lời thích đáng. Chế độ chính thống nghĩa là gi? Chế độ chính thống nghĩa là một chế độ chính đáng. Như thế nào là một chế độ chính đáng ? Là một chế độ có tính chính thống. Một chính quyền phải có những điều kiện nào để được coi là có tinh chính thống? Có hai loại điều kiện : pháp lý và chính trị. Điều kiện pháp lý là phải hợp pháp tức là phù hợp với pháp luật. Nhưng không phải là bất cứ loại pháp luật nào mà phải là loại pháp luật xuất phát từ ý chí chung của tòan dân (volonté générale) Nếu không như thế thì chính quyền nào cũng đều có tính chính thống, kể cả chính quyền độc tài. Ngoài ra, lại còn phải thỏa mãn những điều kiện chính trị theo đó chinh quyền ấy được dân tự nguyện tuân lệnh, không phải dùng bạo lực khủng bố để ép buộc dân phải theo. Một chính quyền không hội đủ hai loại điều kiện đó thì không được kể như có tính chính thống.

2. Hai điều kiện trên đây là để xác định về tính chính thống nói chung. Nếu một chế độ nào mà có được tính hợp pháp đồng thời cũng còn được dân chúng thuận lòng vâng lời thi chế độ ấy có thể coi (hay tạm coi) là chính thống. Nhưng khi nói chính thống dân chủ thì các tiêu chuẩn để đánh giá chế độ về tính chính thống tất phải phức tạp hơn do sự đòi hỏi của dân chủ. Bởi vậy, hai mặt hợp pháp, lòng tuân phục tự nguyện của dân không thôi chưa đủ. Chế độ ấy muốn được kể là một chế độ dân chủtính chính thống thì phải thỏa mãn được hai yêu cầu “hợp pháp” và “dân chủ” theo nghĩa chủ quyền quốc gia “thuộc về” và “được bảo đảm.đích thực thuộc về” toàn dân như là một “khối”, một “thực thể” có “ý chí’ gọi là “ý chí chung” (volonté générale) để tự nó - hay qua trung gian những người do chinh nó lựa chọn - hành động. Nếu không được vậy thì không thể coi là chế độ ấy có tính chính thống. Câu hỏi cần đặt ra hiện nay cho Viêt Nam là chế độ xã hội chủ nghĩa (cộng sản) đương hành có tính chính thống của một chế độ dân chủ để có danh nghĩa mà cầm quyền không?

 

III. Quá trình biến chất từ chính thống biến thành phi chính thống

1. Chính thống dân chủ ở Việt Nam đã bị mất hai lần.

Lần thứ nhất vào năm 1946. Tháng 8 năm 1945, Việt Minh (bộ phận công khai của Đảng Cộng sản VN) tổ chức cướp chính quyền, lật đổ chính phủ Trần Trọng Kim của chế độ quân chủ. Vua Bải Đại đã tự ý thoái vị. Các đảng phái quốc gia đã không mở ra cuộc tranh chấp võ trang với Việt Minh, chỉ ra mặt công khai đối lập chính trị. Phe cộng sản tim mọi cách để che dấu tối đa thực chất cộng sản của mình, thậm chí không ngần ngại tuyên bố giải tán Đẳng cộng sản. Ngoài ra lại gây ấn tượng rõ rệt, thông qua Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 là đi theo con đường dân chủ phương Tây thành lập Cộng hòa dân chủ. Dưới áp lực của chính quyền Tưởng Giới Thạch đồng thời trước mối đe dọa người Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương, các chính đảng của cả hai phe quốc cộng đã thỏa thuận hợp tác trong hai khuôn khổ chinh phủ (Liên Hiệp) và quốc hội 1946 với 70 ghế dành cho đại biểu của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và Việt Nam Quốc Dân Đảng theo thủ tục thuận nhận (cooptation, co-op(ta)tion). Về phía dân chúng không có sự ủng hộ được biểu lộ rõ rệt nhưng cũng không có sự bày tỏ chống đối. Nói cách khác, dân chúng chấp nhận vâng lệnh chính phủ đương quyền lúc đó. Và  chính phủ này, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, với bản Hiến pháp 1946 là một chính quyền hợp pháp. Khách quan mà xét, dưới ánh sáng luật học phương Tây, chinh quyền Liên Hiệp 1946 có tính chính thống tạm coi là chính đáng để cầm quyền vào thời điểm đến gần cuối năm 1946. Vẫn biết rằng - như lịch sử những năm kế tiếp đã chứng tỏ - Cộng sản Việt Nam không thật lòng thiết lập dân chủ mà chỉ có bước lùi chiến thuật với ẩn ý bố trí trong tương lai tiến lên độc tài toàn trị. Nhưng muốn hay không muốn, cũng không thể không nhìn nhận rằng trên thực tế quả thật đã có hiện tượng chính thống hiểu theo nghĩa có hai tiêu chuẩn hợp pháp và tự nguyện vâng lệnh của dân. Cần nói thêm rằng tính chính thống này đã chỉ tồn tại một thời gian ngắn và phe cộng sản đã mượn danh nghĩa kháng chiến giành độc lập để từng bước bóp chết bào thai dân chủ trước khi nó đủ điều kiện xuất hiện dưới dạng định chế dân chủ. Vì thế nền chính thống 1946 chỉ là một nền chính thống thực tế (de facto) và nó đã mất khi Đảng Cộng sản mượn danh nghĩa kháng chiến để bắt đầu tiến trình 34 năm từng bước xóa bỏ hẳn dân chủ và chính thức thiết lập chuyên chính vô sản năm 1980.

Lần thứ hai chính thống dân chủ lại bi mất ở Việt Nam là vào giai đọan đầu thập niên 1960. Sau khi Hiệp Định Genève 1954 được ký kết, nước Việt Nam được chia đôi và thuộc vào loại ngôn ngữ quốc tế gọi là một nước có hai quốc gia thực tế, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, độc tài cộng sản, ở miền Bắc và Việt Nam Cộng Hòa, dân chủ tự do, ở miền Nam. Miền Nam vào thời điểm này có thể nói là điểm hẹn của các xu thế dân chủ. Hơn một triệu người đã rời bỏ miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do. Tại miền Nam, môt lần nữa chế độ quân chủ, tuy đang bắt đầu chuyển dần sang lập hiến, lại bị hủy bỏ để được thay thế bằng chế độ cộng hòa dân chủ. Nhân dân miền Nam trong một cuộc trưng cầu dân ý đã gần như đồng thanh lựa chọn thể chế dân chủ. Nước Mỹ, đệ nhất cường quốc dân chủ trên thế giới, một trong những nước đã đánh thắng độc tài phát xít, quân phiệt lại công khai yểm trợ việc dân chủ hóa Việt Nam. Có thể nói chính quyền Ngô Đình Diệm, ra đời năm 1956, có đầy đủ tính chính thống của một nước dân chủ. Tiếc thay vì tham vọng cá nhân và có thể vì một vài lý do khác nữa, đầu thập niên 1960 chính quyền Ngô Đình Diệm đã đổi hướng sang độc tài cá nhân và đánh mất đi tính chính thống của những năm cuối thập niên 1950. Nền Đệ nhị Cộng hòa sau đó thoát thai từ một cuộc Cách mạng để tiếp tục cầm quyền đã không có được những thành tích của một cuộc cách mạng thành công. Mặt khác, vì nhu cầu chiến tranh, vì phá hoại gia tăng của cộng sản xâm nhập tư miền Bắc, và nhất là vì cuộc bao vây thành thị của nông thôn do cộng sản tiến hành, sinh hoạt chính trị dân chủ đầy đủ đã không có ở miền Nam, chính quyền quân nhân rút lại chỉ còn là bộ máy quản trị một ngân sách ngoại viện để theo đuổi chiến tranh.

Việt Nam, mặc dầu vua Bảo Đại thoái vị và dân chúng, chính đảng hai lẩn tạm thời đồng thuận xây dựng dân chủ, đã chỉ rơi vào tình trạng không có chính quyền có tính chính thống dân chủ. Đảng cộng sản đã ngang nhiên tự đưa mình lên địa vị chủ nhân ông đất nước dưới ngọn cờ độc tài toàn trị. 31 năm đã trôi qua kể từ khi tiếng súng ngưng nổ trên cả nước mà đảng độc tài này vẫn còn tại chức. Nhờ ở nơi nó từ đầu (1945), cố tình đặt sai chính thống dân chủ rồi lập mưu sang đoạt dân chủ để tiếp tục cầm quyền toàn trị. Trong khi đó, phe chống đối đã không xây dựng và phát huy được chính thống dân chủ, nghĩa là cũng đi lầm hướng dân chủ.

 

2. Chính thống dân chủ ở Việt Nam đã bị đặt sai theo hai cách. 

Một đằng Hà Nội một mực chủ trì rằng chính quyền cộng sản có tính chính thống đương nhiên, khỏi cần phải biện minh. Vì mấy lý do sau đây. Thứ nhất, Đảng cộng sản đã đánh thắng mấy đế quốc để giành độc lập cho đất nước. Thứ nhì, chính quyền cộng sản hiện nay là bước quá độ trong tiến trình đi lên xã hội chủ nghĩa do chủ nghĩa Mác-Lê-nin - chân lý tuyệt đối của thời đại, xu thế tiến bộ tất yếu của loài người - dự liệu và Đảng cộng sản Việt Nam đang thực hiện. Thứ ba, tuyệt đại đa số dân chúng  đã chấp nhận quyền cai trị của Đảng cộng sản. Thứ tư, Đảng này đã cai trị bằng luật pháp để tạo dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Lập luận này thật ra không có cơ sở để đứng vững. Trước hết, cuộc chiến tranh thu hồi độc lập là công lao của toàn dân, Đảng cộng sản đã giành lấy cho riêng mình ngọn cờ Độc lập để đòi cầm quyền không thời hạn. Ở nước Anh, sau cuộc đệ nhị thế chiến, không ai có thể phủ nhận công lao vĩ đại của Thủ tướng Winston Churchill, vị cứu tinh của dân chúng Anh, thế mà khi ra tranh cử ông và đảng của ông vẫn thất cử. Đâu có phải hễ chiến thắng là đương nhiên được phép cầm quyền. Ở nước Mỹ cũng vậy, cưu Tổng thống George Herbert Walker Bush, người anh hùng chiến thắng trong trận đánh Iraq để giải phóng Koweit, năm 1992 ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai đã bị Bill Clinton đánh bại. Về cách lập luận mượn chủ nghĩa Mác Lê-nin để biện minh cho tính chính thông thì ý thức hệ này đã không còn những ánh hào quang Cách mạng Tháng Mười của đầu thế kỷ trước, nhất là cuối thế kỷ này nó lại  phá sản khi cả hệ thống chính quyền cộng sản ở Liên Xô cũ và Đông Âu sụp đổ. Bước sang địa hạt pháp lý, tất cả những chính quyền cộng sản nối tiếp nhau cai trị đất nước từ 1945 đến nay đều dựa vào bầu cử gian lận. Và để đương nhiên cầm quyền, Đảng cộng sản đã dùng bạo lực khủng bố kìm kẹp dân chúng, áp đặt chế độ độc tài toàn trị. Nếu muốn nói rằng chế độ ấy có tính chính thống thì đó không phải là chính thống dân chủ mà là chính thống cộng sản độc tài.

Không phải chỉ riêng những người cộng sản mới đặt sai vấn đề chính thống dân chủ. Những người thuộc hàng ngũ dân chủ - ở đây chỉ bàn riêng về người Việt ở hải ngọai - cũng cần phải xét lại quan điểm của mình về vấn đề này. Trong những năm trước đây, khi cuộc chiến tranh lạnh chưa hoàn toàn chấm dứt, đương nhiên những người tranh đấu cho dân chủ phải giữ vững lập trường chống cộng. Nhưng bây giờ, chiến tranh lạnh đã nhường bước cho toàn cầu hóa thì “chống” phải đi đôi với “xây” và “xây”, trên nguyên tắc, có thế quyết định hơn “chống”. Nói cách khác, trong hiện tình, chủ trương chống độc tài cộng sản để thay thế bằng các thứ dân chủ hạn chế - dân chủ quân nhân trị hay độc tài không cộng sản - không còn là giải pháp thích hợp nữa. Chỉ có con đường dân chủ thực sự, dân chủ tiến bộ mới có hy vọng chiến thắng độc tài cộng sản để đưa đất nước ra khỏi thảm trạng nghèo túng, chậm tiến, toàn trị mất nhân phẩm và ngày càng tụt hậu.

 

3. Đã đặt sai thì phải đặt lại cho đúng.

Những bài học “chính thống” và “không chính thống” trong quá khứ ở Việt Nam đã mang lại cho người tranh đấu dân chủ hiện nay những kinh nghiệm vận động mới. Muốn có tính chính thống dân chủ trước hết phải chấm dứt được nạn dân chủ giả mạo, tức là nạn độc tài đội lốt dân chủ. Khác với những cuộc vận động trước, cuộc vận động chinh thống dân chủ hậu toàn trị phải nhằm đạt được bốn mục tiêu:

Một, chính thống dân chủ đòi hỏi dân chủ thực sự, ở đây và ngay tức khắc, không thể đình hoãn. Hai, dân chủ bây giờ là dân chủ gắn liền với “dân” chứ không phải với “đảng”, dân vừa là đối tượng của dân chủ vừa là tác nhân tạo ra dân chủ. Ba, có được chính thống rồi còn phải tiếp tục chính thống hóa thường xuyên thì mới duy trì được những tính chính thống đã có. Chính thống hóa có nghĩa là cách cai trị phải là sự thể hiện dân chủ. Bốn, vì toàn dân không thể trực tiếp đứng ra cai tri cho nên phải cử đại diện, do đó quyền tư do lựa chọn phải được tuyệt đối tôn trọng thông qua những cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu, tổ chức trong khuôn khổ tự do tranh cử. Quyền tự do tranh cử là quyền dân chủ cơ bản và để thực thi quyền này cần phải có một loạt những quyền tự do phụ trợ khác như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, lập đảng, tự do đi lại v.v…nói tóm lại những nhân quyền, dân quyền đã được luật quốc tế về nhân quyền công nhận, liệt kê và bảo đảm.

Tính chính thống của một chế độ không những là tư tưởng trên bình diện khái niệm trừu tượng mà còn phải là định chế được thiết lập trong thực tiễn để đích thực có dân chủ./. 

 

Trần Thanh Hiệp


 


SỐ 8 THÁNG 5.2007

Quan điểm

1. Viễn Tượng Việt Nam : Dân chủ và nhân quyền

Văn, Thơ & Sử

2. Đỗ Mạnh Tri : Đôi điều về anh Nguyễn Ngọc Lan

3. Từ Thức : Người đưa tin

4. Tiểu Tử : Người Viết Mướn    

5. Vĩnh Như & Thường Nhược Thủy : Ngày giỗ tổ Hùng Vương 

6. Phan Thanh Tâm : Sau 30 năm lìa xa     

Chính trị quốc tế & Việt Nam

7. Phùng Nguyên : Lược duyệt các Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc

8. Vũ Huy Quang dịch : Thư Luân Lưu (của Trần Độc Tú)

 9. Vương Văn Đông lược dịch : Một đế quốc thiếu nhất quán (của Michael Mann)      

10. Nguyễn Văn Trần : Nhìn lại cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp vừa qua...

11. Bùi Tín : Những vấn đề cần làm rõ về cách mạng dân tộc dân chủ...

12. Trần Thanh Hiệp : Chính thống dân chủ           

13. Nguyễn Xuân Phước : Những Vướng Mắc Hiến Pháp của Điều 88 Bộ Luật Hình Sự

14. Đoàn Viết Hoạt : Hãy hòa giải với hiện tại để xây dựng tương lai

15. Vũ Quốc Thúc : Đã tới lúc phát động cuộc  "cách mạng nhung" ?

Biên khảo xã hội, kinh tế, chính trị

16. Trần Lê Quang : Dẫn-Thủy Nhập-Điền tại Đồng Bằng Phan-Rang...

17. Nguyễn Ngọc Hiệp : Tự do thông tin vì dân chủ, văn minh và tiến bộ

18. Trần Thanh Hiệp : Ghi chú về « Đức lý 德理 » của người luật sư

19. Tôn Thất Long : Hợp chủng quốc Hoa kỳ: nguồn gốc và nền tảng xây dựng

20. Hoàng Xuân Đài phỏng dịch : Đàn ông khống chế đàn bà... (của Françoise Héritier)

21. Đàm Trung Pháp : Noam Chomsky : Linh Hồn Của Lý Thuyết Ngữ Pháp...

Trình bày bìa
Nguyễn Thành Nhân


Số cũ :

7 | 6 | 5 | 4 | 3 | 2 | 1
 


 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LIÊN LẠC     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.