PSN
BỘ MỚI 2007
HỘP THƯ

                       TRANG CHÍNH

" Không tự nâng mình lên bằng cách đạp kẻ khác xuống " (Siddhatta)
 CHUYÊN MỤC

Tư Tưởng

n Học

Ký sự

Giáo Dục

Diễn Đàn

Chính Luận

Môi Trường

Văn minh - Văn hóa

Viễn tượng Việt Nam

Việt Nam trong dòng thời sự

Đạo Bụt trong dòng văn hóa Việt

 TƯ LIỆU

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị

Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Nguyên Tắc Của Nền Pháp Quyền

Thế Nào Là Dân Chủ ?

Các Vấn Ðề Dân Chủ

  Ký sự cung Kremlin thời Staline

Staline, xa hoàng đỏ

Công văn từ Ủy Ban Trung Ương đến vào khoảng mười giờ đêm. Peter Lozgatchev, người sĩ quan hầu cận, ôm lấy chồng hồ sơ đem vào bên trong điền gia trang. Ông đi qua nhiều phòng, vừa đi vừa gây tiếng động vì biết ý Staline không thích bị ai đến từ phía sau làm cho giựt mình. Phải cẩn thận và phải chắc chắn là Staline biết có người đến gần.

Nhưng hôm dó, Lozgatchev có thận trọng cũng uổng công, vì khi đến nơi, ông trông thấy một cảnh tượng hãi hùng, ở phòng ăn nhỏ. Trước mắt Lozgatchev là "Chúa Tể" của mình, áo thun quần ngủ, nằm sõng soài trên sàn nhà, một tay chỏi lên, trong một tư thế không mấy thoải mái. Staline còn tỉnh nhưng không cử động gì hết. Khi nghe có tiếng động, Staline đưa nhẹ tay lên ra dấu. Lozgatchev chạy vội đến gần và hỏi: "Có chuyện gì vậy đồng chí?" Staline chỉ ầm ự không nói được tiếng nào. Thân thể Staline lạnh ngắt. Dưới đất là một cái đồng hồ và một tờ báo "Pravda", và trên bàn một chai nước khoáng hiệu "Narzan". Quần của Staline ướt sũng nước tiểu.

Lozgatchev lượm cái đồng hồ lên, hai cây kim còn chỉ sáu giờ ba mươi. Như vậy "Chúa Tể" đã ngả quỵ từ sáu giờ rưởi sáng. Staline thở ra nghe như một tiếng ngáy và có vẻ như thiếp ngủ. Lozgatchev gọi điện thoại kêu toán bảo vệ, phụ khiêng Staline lên ghế trường kỷ. Họ điện thoại cho sở mật vụ MGB, phụ trách an ninh cá nhơn của Staline, đồng thời báo cho Beria và Malenkov. Nhưng, mãi hơn nửa tiếng sau, Beria mới liên lạc trở lại để căn dặn: "Đừng cho ai biết gì hết và chớ gọi ai."

Lozgatchev ngồi canh giữ bên cạnh Staline, trong khi Malenkov gọi điện thoại cho Khrouchtchev và Boulganine. Nhưng theo Khrouchtchev thì khi đến nơi, tất cả đồng ý là không ai vào bên trong điền gia trang cả, để cho nhóm cận vệ lo toan. Họ nghĩ rằng Staline đang ngủ, có thể ông không muốn ai trông thấy ông trong tình trạng như vậy, với quần ngủ và áo thun.

Lúc ba giờ sáng ngày thứ nhì 2 tháng Ba, một phái đoàn ít người đến điền gia trang Kountsevo, thấy "Chủ Tướng" đang đắp mền ngủ ngáy pho pho. Họ cự nự mấy tên cận vệ là "sếp" ngủ yên, có gì đâu mà quýnh quáng dữ vậy? Lozgatchev giải thích là đồng chí Staline có vấn đề cần phải có bác sĩ khám. Các quan to quở trách đám cận vệ cứ quấy rầy người khác, làm cho thiên hạ hoảng sợ vô lối. Mấy người cận vệ khẩn khoản, các quan to bực mình bỏ đi và căn dặn đừng phá giấc ngủ của Staline.

Mười hai tiếng đồng hồ sau khi bị đột quỵ, Staline vẫn còn ngáy đều đều, nằm trên vũng nước tiểu. Các quan chức, đã đến xem tình hình, có thể đã bàn tính xem có nên mời thày thuốc tới hay không. Nhưng có vẻ như họ chẳng làm gì hết. Phải chăng họ cố tình để vậy cho Staline chết đi càng sớm càng tốt?

Bốn quan cận thần có mặt trong cơn tai biến hôm đó của Staline – Beria, Boulganine, Khrouchtchev và Malenkov – ai cũng có lý do để mong muốn cho Staline qua đời, càng sớm càng tốt. Nên chi, họ chỉ mời bác sĩ đến vào ngày hôm sau. Không ai có thể nói được là nếu giải quyết gấp, liệu có cứu được Staline hay không? Đúng là thày thuốc nào cũng đồng ý là phải giải phẫu cấp bách để lấy cục máu đông đặc trên óc. Nhưng liệu có bác sĩ nào dám cả gan làm cuộc giải phẫu năm ăn, năm thua như vậy đối với Staline hay không? Ngoài ra, ở thời điểm 1950, các cuộc giải phẫu loại đó khó có hy vọng thành công, và bịnh nhơn có thể chết đi.

Cho nên, nhiều dư luận bi hài thống thiết khó tưởng tượng cứ xác nhận rằng Staline bị ám sát. Đó là lập luận ngắn gọn và tiện lợi hơn hết. Với một trường hợp nguy kịch như vậy, khó tin rằng một sự can thiệp y khoa nhanh chóng có thể may ra giải quyết được gì. Dư luận lịch sử cho rằng, với sự đồng lõa của Khrouchtchev và những viên chức khác, Beria có thể đã cho thuốc độc vào rượu của Staline, một chất thuốc làm cho máu bị loãng. Qua tác dụng lâu ngày, chất độc có thể gây ra chứng đột quỵ. Ém đi câu chuyện sẽ tiện lợi cho mọi người.

Bốn quan cận thần cứ yên chí về nhà ngủ, chẳng nói, chẳng rằng gì với vợ con. Tên cận vệ Lozgatchev, người phải canh phòng "Chúa Tể" đang hấp hối, cảm thấy lo âu, nản lòng và sẽ lãnh đủ, nếu có chuyện gì xảy ra, nên phải báo cho Bộ Chánh Trị. Vì quá sợ hãi nên các quan to điếng người, không mời bác sĩ nhưng cũng vì kinh hồn như vậy mà mấy tên cận vệ phải cầu cứu người khác. Họ điện thoại cho Malenkov thì được lịnh cho mời bà quản gia Boutouzova tới thì bà này cho biết là Staline ngủ hơi khác thường. Như vậy là Malenkov báo cho Beria và Khrouchtchev biết tình hình mới nhứt. Chuyện đã đến mức này thì mọi người đều được báo động.

Vorochilov cùng với Kaganovitch, Molotov và Mikoïan đến thăm Staline, nhưng theo Molotov thì Beria nắm thế chủ động. Khi Kaganovitch đến nơi thì Staline mở mắt ra, nhìn hết người này đến người kia, rồi nhắm mắt lại, không nói được điều gì. Trái ngược lại thái độ hân hoan của Beria, Molotov và Kaganovitch tỏ ra rất cảm động và hai hàng nước mắt chảy dài. Vorochilov trang trọng nói với vị thống soái của mình: "Thưa đồng chí Staline, chúng tôi, tất cả những người bạn trung thành, các đồng chí đều có mặt. Đồng chí cảm thấy thế nào?" Dung nhan tiều tụy, Staline hơi cựa quậy, nhưng hoàn toàn không ý thức được gì. Người nào cũng xúc động.

Các bác sĩ chỉ đến điền gia trang Kountsevo vào lúc bảy giờ sáng, bước vào phòng ăn lớn, có lẽ nồng nặc mùi nước tiểu. Toán thày thuốc - dưới quyền điều khiển của bác sĩ Loukomski, người khám bịnh lần đầu tiên cho Staline, vì những thày thuốc trước kia đều bị chế độ giam giữ - cả thảy đều khiếp sợ trước một con người được tôn thờ như Staline và dưới cặp mắt cú vọ của Beria đang đăm đăm nhìn họ. Các thày thuốc bận rộn lăng xăng, khám nghiệm tứ tung trên thân xác của vị chúa tể dễ nể, giờ chỉ còn là một lão già tàn phế. Tất cả những người trực tiếp nhúng tay vào việc cứu cấp Staline, ai cũng có hậu ý là nếu chẳng may chuyện chẳng lành thì cuộc đời của mình sẽ đi đứt! Nên chi, người nào cũng vừa làm mà vừa run.

Lo sợ điếng hồn, vì Staline thì ít mà cho thân phận mình nhiều hơn, các người cận vệ rút vào cuối phòng, như chừng muốn được hòa tan trong bối cảnh chung. Các bác sĩ kể như bất lực đành bó tay. Họ chỉ biết căn dặn: "Để cho bịnh nhơn yên nghỉ hoàn toàn, để cho mấy con đỉa tiếp tục hút máu, tẩm khăn lạnh trên trán, hôm nay không được cho ăn gì hết." Người ta đem bình dưỡng khí tới và tiêm long não cho người bịnh. Thày thuốc lấy mẫu nước tiểu đem về thử nghiệm.

Svetlana, cô con gái độc nhứt và được chiều chuộng của Staline, vừa mừng sanh nhựt hôm trước và đang học lớp Pháp ngữ thì được điện thoại báo là Malenkov mời về gấp điền gia trang Kountsevo. Tới nơi, Svetlana ngạc nhiên vì cảnh nhiều người chộn rộn ở điền gia trang, thường thường im lặng. Svetlana đến gần ghế trường kỷ và ôm hun Staline, lúc bấy giờ mới thấy thương cha mình hơn bao giờ hết.

Người con trai chung với Nadia, Vassili, khi được gọi về thì ngỡ rằng cha mình sẽ hạch hỏi về công ăn, việc làm. Về đến nơi, với mớ bản đồ hàng không trên tay, Vassili tiếp tục nhậu đến say bí tỉ. Trong vòng hai ngày sau, Vassili đi ra đi vào gian phòng của Staline và cằn nhằn là người ta không chịu làm gì hết để cứu người cha của mình. Cho đến khi Vorochilov giải thích cặn kẻ, Vassili mới chịu êm.

Một khi nắm chắc là Staline đã vĩnh viễn ra đi, Beria mới yên lòng hả dạ. Nhưng nếu Staline chỉ rục rịch chớp mắt là Beria bắt đầu lo sợ Staline sẽ hồi phục. Những viên chức khác, quan sát tình hình một cách thầm lặng, dường như để lộ một nỗi buồn thực sự. Họ tiếc thương một người bạn cũ, dẫu cho chẳng phải là con người toàn vẹn, nhưng cũng là một lãnh tụ có thớ, một nhơn vật tiếng tăm của lịch sử. Thế nhưng, cái chết của con người đó cũng làm cho họ cảm thấy nhẹ người. Vậy mà, có thể Staline đã làm cho hai mươi triệu người chết đi, hai mươi tám triệu người bị lưu đày, trong số đó mười tám triệu bị đưa đi trại cải tạo lao động, và với tất cả những cuộc giết hại đó, những người quyền thế vẫn còn tin tưởng.

Vào khoảng mười giờ, tất cả Bộ Chánh Trị - Beria, Khrouchtchev, Molotov, Vorochilov và Mikoïan – kéo nhau đến Điện Cẩm Linh. Đến mười giờ bốn mươi, họ họp nhau lại để bàn thảo về tình hình. Dĩ nhiên là về chiếc ghế của Staline. Toàn bộ đã nắm lấy quyền hành. Các bác sĩ trình bày bản báo cáo y khoa, cho biết rằng Staline đã bị tai biến mạch máu não, động mạch não bên trái bị xuất huyết... Tình trạng của bịnh nhơn rất trầm trọng.

Cuối cùng, việc chẩn đoán bịnh trạng chánh thức cũng được công bố. Staline không bao giờ còn có khả năng làm việc được nữa. Đầy xúc động, hai vị bác sĩ trình bày khoảng mười phút trước một Bộ Chánh Trị, cũng bị xao động tối đa. Khi hai ông bác sĩ chấm dứt, không một ai nói năng gì. Có lẽ còn quá sớm, trước khi có điều gì xảy ra. Cuối cùng, Beria xử sự như một người lãnh đạo, ra lịnh cho hai ông bác sĩ rút lui, với một lời nói đầy tính đe dọa: "Sanh mạng đồng chí Staline nằm trong tay các ông. Các ông phải cố gắng hết sức để cứu mạng đồng chí Staline!" Những ông thày thuốc nghe thấy hết hồn và vội vàng bước ra khỏi phòng họp.

Malenkov cùng với Beria dường như kết hợp để điều khiển mọi việc. Ông ban hành một sắc lịnh, quy định các quan chức, cứ hai người một, luân phiên nhau ở bên cạnh Staline. Kế đó, Beria và Malenkov vội vàng trở lại điền gia trang Kountsevo. Molotov và Mikoïan được miễn canh chừng Staline. Beria yêu cầu Mikoïan ở lại Điện Cẩm Linh để lo điều hành đất nước.

Malenkov và Beria túc trực coi chừng Staline tại điền gia trang Kountsevo. Họ lại hỏi bác sĩ tình hình chẩn đoán cho bịnh trạng của Staline. Bác sĩ Kouperine đưa cho hai người xem bản vẽ phác họa:

- Đây là động mạch bị nghẽn. Cục máu chận đường to gần bằng đồng năm Kopek. Nếu lấy đi được đúng lúc thì may ra đồng chí Staline sống được.

Beria hỏi gặng:

- Như vậy, ai có thể cứu mạng sống cho đồng chí Staline bây giờ?

Chẳng ai có khả năng đó. Như vậy là vô phương rồi! Nhưng Malenkov không muốn Staline chết nhanh như vậy, cần phải tránh tình hình khủng hoảng lãnh đạo.

Lúc hai mươi giờ ba mươi, các Ủy Viên của Bộ Chánh Trị, từ bấy giờ dưới quyền điều khiển của Beria, lại họp lần nữa. Theo báo cáo chánh thức của bác sĩ Kouperine thì tình hình sức khỏe của Staline chưa phải là tuyệt vọng, nhưng cũng đã gia tăng trầm trọng. Áp huyết tăng và bắt đầu có những biến chứng về tim mạch và đường hô hấp. Phải cho từ sáu đến tám con đỉa cắn hút máu ở lỗ tai để làm hạ huyết áp.

Đến tối, nhiều bác sĩ khác được đưa đến phụ lực với nhóm của bác sĩ Loukomski, đặc biệt có giáo sư y khoa lừng danh Miasnikov, trong khi phần lớn những thày thuốc chuyên khoa đều bị nhốt. Các bác sĩ này công nhận việc chẩn đoán là đúng. Các bác sĩ ghi chú tất cả những gì liên hệ đến bịnh nhơn vào sổ tay và ghi những diễn tiến tình trạng bịnh nhơn từng hai mươi phút. 

Trong khi đó, những nhà chánh trị ngả người trên những chiếc ghế dựa, suy nghĩ mông lung. Qua mấy đêm canh bịnh, họ đã có thời gian suy nghĩ đến chuyện chuyển giao quyền hành, nếu chẳng may... Cho đến ngày 5 tháng Ba, không có cuộc họp nào ở Điện Cẩm Linh. Trong lúc Beria và Malenkov âm thầm phân chia các lãnh vực trách nhiệm thì Khrouchtchev và Boulganine tự hỏi có cách nào ngăn ngừa đừng để cho Beria nắm quyền cơ quan mật vụ. Từ lâu, Beria đã trù tính kế hoạch, có lẽ với sự tiếp tay của Malenkov. Đã dự tính là không để cho một người Georgie khác lãnh đạo nước Nga – Staline là người Georgie – thì Malenkov sẽ cầm đầu chánh phủ mà vẫn giữ chức Bí Thơ Đảng, còn Beria vẫn nắm quyền chỉ huy mật vụ MGB/MVD.

Nửa đêm về sáng, Mikoïan đi đến điền gia trang để thăm chừng bịnh nhơn. Dẫu cho không được khỏe trong người, Molotov cũng đến thăm nhiều lần, mong cho Staline "ra đi" để may ra bà vợ được giải thoát. Dù là vợ của Molotov, Bộ Trưởng Ngoại Giao, và chính bà cũng là Bộ Trưởng Công Nghiệp Nghề Cá, nhưng bà Polin Molotova vẫn bị mật vụ Beria cho lịnh bắt giam và điều tra như thường. Nhưng tối hôm đó, theo lịnh của Beria, người ta đột nhiên ngưng điều tra bà.

Thỉnh thoảng Staline cũng tỉnh người và có vẻ như ý thức trở lại. Người ta đút cháo cho ông thì ông lấy ngón tay chỉ một tấm ảnh trên tường, ảnh của một đứa bé đang cho trừu ăn. Rồi ông chỉ vào người ông, miệng như mĩm cười.

Các đồng chí đứng quanh đó cùng cười với Staline, không ngờ rằng đó là một phản xạ hồi dương của một con người sắp chết. Beria hoảng hồn, quỳ gối xuống, ôm lấy bàn tay của chủ tướng hôn lấy, hôn để. Nhưng đấng bạo chúa đã nhắm nghiền mắt lại, chẳng bao giờ mở ra nữa. Mười giờ mười lăm sáng, các bác sĩ nhận thấy tình trạng của Staline nặng thêm. Đang lúc đó thì Vassili bước vào, la to: "Mấy người giết cha tôi rồi!" Khrouchtchev ôm chầm lấy Vassili và lôi qua phòng bên cạnh. Beria nhảy vội về nhà ăn trưa và cảm thấy nhẹ người.

Chiều tối ngày 4 tháng Ba, tình trạng của Staline trở nên tồi tệ khá nhiều. Hơi thở ngắn đi và có vẻ như ngộp thở. Beria và Malenkov quyết định mời nhóm bác sĩ thứ hai. Người ta vào nhà lao tìm ba ông bác sĩ bị điều tra hằng ngày. Nhưng, lạ kỳ thay, hôm nay người ta không đá động gì tới âm mưu của người Do Thái. Người ta rất lịch sự tham khảo về một vấn đề y khoa:

- Bác tôi bịnh rất nặng, bị nghẽn mạch máu não. Vậy các ông có cách nào chữa trị?

- Nếu ông có phần trong gia tài của ông bác để lại thì chắc ăn rồi.

Các bác sĩ được yêu cầu cho biết những chuyên viên nào có thể chữa được bịnh đó. Các bác sĩ tù đày kể tên những bác sĩ đang bị giam cầm. Mấy ông mật vụ hỏi xem mấy ông bác sĩ đang chăm sóc cho Staline khả năng đến đâu. Buồn thay họ được biết là chẳng có ông nào bằng những bác sĩ đang ở trong tù. Cuộc thẩm vấn tiếp tục, nhưng những người hạch hỏi kia đã ngủ đi tự lúc nào. Những người tù được một phen ngớ ngẩn, không hiểu lý do của cuộc điều tra hôm nay.

Mười một giờ ba mươi, Staline như muốn buồn nôn. Nhịp tim dồn dập. Các quan chức và các bác sĩ quýnh cả lên. Có lịnh đi tìm máy hô hấp nhơn tạo, cuối cùng cũng không sử dụng. Ngày 5 tháng Ba, sắc mặt của Staline tái mét. Dường như ông ngộp thở và mạch yếu lần. Staline cựa quậy cái đầu, rồi tay và chưn trái của ông bị co giựt. Vào lúc trưa, Staline mửa ra máu. Có một tài liệu y khoa trong hồ sơ đã bị lấy đi, tài liệu này cho biết Staline bị xuất huyết bao tử. Tài liệu đó bị giấu đi vì nó cho người ta hiểu rằng Staline có thể bị đầu độc.

Khoảng quá trưa, Malenkov gọi Khrouchtchev để báo động: "Hãy đến mau lên, Staline lại trở nặng!" Các quan chức đổ xô tới điền gia trang của Staline. Đến ba giờ ba mươi lăm chiều, hơi thở của Staline ngừng năm giây, và cứ hai ba phút, hiện tượng đó lại xảy ra. Tình hình sức khỏe của Staline suy giảm nhanh chóng. Bộ Chánh Trị cho phép Beria, Khrouchtchev và Malenkov kiểm điểm lại những giấy tờ tài liệu của Staline, kể cả hồ sơ lưu trử. Beria để hai đồng chí kia ở lại với Staline, phóng nhanh đến Điện Cẩm Linh lục kiếm những tài liệu có cơ tạo ra khó khăn cho mình. Trước tiên, Beria tìm xem Staline có để lại di chúc không? Nếu có thì Beria phải tiêu hủy ngay. Ngoài ra, còn có những hồ sơ chứa đựng những tố giác và những yếu tố nặng nề đối với một số nhơn vật trong ban lãnh đạo. Người ta sẽ phát hiện, qua những tài liệu đó, vai trò khó thương của Beria. 

Khi Beria trở lại điền gia trang ở Kountsevo, các bác sĩ xác nhận là tình trạng của Staline càng trầm trọng thêm. Như vậy là một buổi họp những nhơn vật quan trọng của chế độ được triệu tập ngay trong buồi tối hôm đó. Trong buổi họp đó Beria xử sự như là nhơn vật chủ chốt, nắm quyền phân chia chức vụ cho mọi người.

Staline chưa thực sự "ra đi" mà tấn tuồng tranh quyền tiếm vị đã diễn ra, ngay dưới mũi của nhà lãnh đạo đang hấp hối. Beria coi như cờ đã tới tay, sắp đạt được mộng bá đồ vương. Dựa hơi Staline, Beria đã vượt qua nhiều thử thách cam go nên không còn biết sợ ai mà cũng chẳng ngao ngán bất cứ điều gì. Đã được tình thế vuốt ve, mơn trớn nên Beria cứ mục hạ vô nhơn coi thường những người chung quanh, như Khrouchtchev cũng như các thống chế.

Sau phiên họp, các quan chức trở lại bên giường bịnh của Staline. Đến gần Staline, và bằng một giọng điệu đầy kịch tính, Beria mạnh dạn phát biểu: "Thưa đồng chí Tổng Bí Thơ, toàn thể Bộ Chánh Trị đã hiện diện. Xin đồng chí ban chỉ thị!" Bịnh nhơn không có chút phản ứng nào. Vorochilov nhắc khẽ Beria là hãy để toán cận vệ đến gần Staline vì họ biết ý của Staline. Đại tá Khroustalev bước đến gần và nói với Staline, nhưng người bịnh vẫn làm thinh, mắt nhắm kín. Sau đó, từng cặp một, các quan chức bước đến chào người hấp hối, theo thứ tự từ cấp cao đến cấp thấp.

Để Boulganine ở lại điền gia trang với Staline, những quan chức kia kéo đến Điện Cẩm Linh để cùng với Chủ Tịch Đoàn và Hội Đồng Bộ Trưởng hội họp lại chứng duyệt sự hình thành của chánh phủ mới. Họ bãi chức chủ tịch nhà nước của Staline, nhưng lại còn giữ nguyên chiếc ghế thành viên chủ tịch đoàn của ông. Họ chờ Boulganine gọi cho biết rằng Staline đã từ trần, nhưng điện thoại vẫn im hơi lặng tiếng. Staline cứ bám lấy cuộc sống! Họ kéo nhau đi đến Kountsevo. Sau chín giờ tối, nhà độc tài hấp hối hắt hơi thở cuối cùng. Nhịp tim chậm lần, đôi môi thâm tím. Gia đình và những người thân cận vây quanh chiếc ghế trường kỷ để tận mắt chứng kiến giây phút cuối cùng của người thương kẻ thân.

Kể từ chín giờ rưởi đêm, những bước đi lần vào cõi chết của Staline diễn tiến khá nhanh, nhịp đập của tim yếu lần, mạch yếu đi gần như không còn cảm thấy, Staline rùng mình và hơi thở càng lúc càng ngắn đi, rồi ngất lặng. Beria kêu gia nhơn đem Svetlana đi ra, không muốn cho cô thấy cảnh đau lòng của người cha. Nhưng, dường như chẳng ai nghe thấy gì hết. Giây phút cuối cùng, Staline mở mắt ra, để lộ một cái nhìn khủng khiếp, nửa ngây dại, nửa hờn giận, đầy nét căm hờn trước cái chết.

Nhưng cuộc vật lộn với Tử Thần đâu đã hết, một vị bác sĩ nhiều kịch tính, vồ lấy xác chết và bắt đầu làm hô hấp nhơn tạo. Nhưng, Khrouchtchev nóng mũi la lên: "Thôi ngừng lại đi! Không thấy là ông ấy đã chết rồi sao?"

Người này kế tiếp người kia, cả nhà lần lượt cung kính người chết lần cuối cùng. Beria quỳ xuống, ôm lấy cơ thể còn âm ấm của Staline, chẳng khác nào cảnh một nịnh thần tháo nhẫn nhà vua để lấy ấn tín. Cận thần, kẻ thương tiếc ra mặt, người sụt sùi xúc động. Riêng Beria không có giọt nước mắt nào, mà còn hớn hở và hăng hái, che đậy vụng về nỗi vui mừng bên trong của mình, như một con ếch hớn hở muốn to hơn con bò.

Để mặc các người khác gạt lệ tiếc thương, Beria ra khỏi điền gia trang, bước nhanh đến cổng ra vào. Bầu không khí yên lặng, tang tóc và ảo não, bỗng dưng bị phá vỡ với tiếng la to của Beria gọi tài xế đem xe lại để đưa ông đi Điện Cẩm Linh. Mikoïan nói với Khrouchtchev: "Đồng chí Beria đi cướp chánh quyền." Svetlana thuật lại là ai cũng ngỡ ngàng trước thái độ của Beria. Sau một hồi yên lặng trầm ngâm, các thành viên của chánh phủ cũng vội vã rời điền gia trang. Như vậy là xong một đời người, anh hùng hay tiểu nhơn rồi cũng tan biến. Chỉ còn lại thân xác bịnh hoạn của một lão già nằm bất động và không hồn trên chiếc ghế trường kỷ của một điền gia trang ở ngoại ô Mạc Tư Khoa.

Chỉ còn những người phục dịch và hầu hạ, cũng như thân nhơn trong gia đình ở lại. Những người đầu bếp, những ông lái xe, những lính canh gác, những kẻ làm vườn,... từ hành lang bước ra chào "ông chủ" lần chót, người nào cũng sụt sùi nước mắt. Một vài gia nhơn đi tắt bớt đèn đuốc và sắp xếp lại đồ đạc cho ngăn nắp trật tự. Valetchka, bà quản gia cận kề nhứt của Staline, người đã xoa dịu cuộc đời vô cùng cô độc của "bạo chúa", nhào ra ôm lấy thi thể của người mình hầu hạ bấy lâu và khóc tức tưởi. Người phụ nữ hồn nhiên và kín đáo, ở tuổi đời ba mươi tám, đã quan sát được bao nhiêu chuyện và đã phục vụ cho nhà độc tài từ năm hai mươi tuổi, cứ tin chắc cho đến cuối đời mình rằng "Staline là con người tốt nhứt trên cõi đời này". Đầu ngả trên ngực bạo chúa, hai má phính tròn đẫm lệ, Valetchka khóc rống lên như những mụ đàn bà nhà quê. Bà khóc khá lâu, và chẳng ai nhớ tới để dỗ cho bà nín.

(Còn nữa)

 

Cố Nhân

 


SỰ
XÃ HỘI



TỦ SÁCH

Về một NỀN DÂN CHỦ PHÁP TRỊ VIỆT NAM

Mao, câu chuyện không được biết

Gene Sharp :  Từ Độc Tài đến Dân Chủ

Vũ Thư Hiên :  Đêm giữa ban ngày

TRANG NGOÀI PHÙ SA

Việt nam Chiến tranh và Lịch sử

 

LÊN TRÊN=  |     GỬI BÀI     |     LÊN TRÊN=

Phù Sa được thực hiện bởi nhóm PSN (Phù Sa Network).
Là tiếng nói của người Việt Tự Do trong và ngoài nước nhằm phát huy khả năng Hiểu Biết và Thương Yêu để bảo vệ và thăng hoa sự sống.
PSN không loan tin thất thiệt, không kích động hận thù, và bạo lực. Không chủ trương lật đổ một chế độ, hay bất kỳ một chính phủ nào.