Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (1)
Trước khi vào chuyện.-
Đây là một câu chuyện mơ tưởng trong một cơn hôn mê dài mười năm,
sau vụ thảm sát Thiên An Môn (4.6.1989). Trong thuở hôn mê đó, thực
tế cuộc sống của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi. Theo chiều hướng
nào, lời giải đáp có thể thấy được qua tâm sự sau đây của nhơn vật
chánh trong câu chuyện: "Thật ra, chẳng lẽ tôi lại tỉnh dậy sau một
giấc ngủ triền miên để hòa mình với đám đông bên ngoài cũng bị hôn
mê?"
 Tác
phẩm "Beijing Coma" của Ma Jian (Bản dịch ra tiếng Anh của
Flora Drew, nxb. Farrar, Strauss and Giroux NY. 2008) đưa đẩy người
đọc từ cực đoan này đến quá khích khác của niềm đau khổ, của nỗi hy
vọng và trí tưởng tượng của nhơn loại, cho ta thấy những gì xảy ra
trên đường phố của đất nước Trung Hoa nhiều dâu bể, phản ảnh cuộc
giằn co giữa sự đàn áp và giải thoát, và vạch ra những tội ác của
tập đoàn cầm quyền Trung Nam Hải, nhằm giết chết quyền con người.
Quyển tiểu thuyết "Beijing Coma" rồi đây sẽ là một tác phẩm
nhiều người tìm đọc. Phù Sa xin đọc qua và kể lại để kính dâng độc
giả trang nhà những thú vui khám phá.
Theo bài điểm sách của Francine Rose thì: "Sau khi đọc 'Beijing
Coma', chúng ta thấy cần động viên thêm những nhóm biểu tình lẻ
tẻ và buồn nản của phái Pháp Luân Công, đang tụ tập trên đường đi
bên ngoài các sứ quán và tòa lãnh sự Trung Quốc. Chúng ta muốn cho
thiên hạ biết rằng tội ác vi phạm nhơn quyền của Trung Quốc vượt
khỏi đường biên giới Tây Tạng, và biết bao nhiêu ký giả và nhà văn
Trung Quốc đang bị cầm tù. Đã xót thương, chúng ta càng thương xót
hơn nữa những nạn nhơn của trận động đất thê thảm ở Tứ Xuyên, khi
biết rằng niềm đau, nỗi khổ của họ là do lỗi của những người quyền
thế mà ra. Vì chánh sách một con duy nhứt của chế độ và vì phương
pháp xây cất bừa bải, bất chấp tiêu chuẩn kỷ thuật của mấy tên nhà
thầu tham lạm và của những viên chức nhà nước háo ăn của đút, của
lót. Ước gì tác phẩm Beijing Coma được phân phát cho quần chúng nhơn
dân dọc theo hành trình của Đuốc Thế Vận, đi đến những cuộc tranh
tài Bắc Kinh, một diễn biến lẽ ra không nên có nếu như thế giới đừng
để cho cơn hôn mê làm lãng quên những tội ác xưa nay của Trung Quốc.
Nên chi, Đại Vệ và tác phẩm của Ma Jian muốn kiên quyết phấn đấu để
cự tuyệt những nguy cơ và cám dỗ đó."
Nói về quyển sách "Beijing Coma", ông Cao Hành Kiện, giải thưởng
Nobel Văn Chương năm 2000 cho biết: "Đây là một trong những tiếng
nói quan trọng và can đảm nhứt trong văn học Trung Quốc."
* * *
Như một thầy phù thủy toàn quyền sai khiến lũ âm binh, nhà văn cũng
tùy ý mình lèo lái sinh hoạt và thân phận của nhơn vật trong truyện.
Nên chi là một bịnh nhơn trong cơn hôn mê, Đại Vệ - dưới ngòi bút
của Ma Jian - lại ý thức được và tưởng tượng ra cuộc đời xung quanh,
trong khung cảnh của đời sống thực vật. Bởi lẽ đó, diễn tiến tư
tưởng của Đại Vệ không theo một trình tự duy lý mà cứ từ điểm này
sang giai đoạn khác, lúc tỉnh khi mê.
* * *
Đại Vệ mơ tưởng lại cuộc đời của mình từ lúc mới lọt lòng. Khi đi
nhà bảo sanh, mẹ anh bị bắt buộc phải mặc chiếc áo có vẽ mấy chữ "VỢ
CỦA TÊN HỮU KHUYNH", nên chi người thày thuốc trực phiên không muốn
đỡ đẻ cho bà.
Đại Vệ là con trưởng của một tay vĩ cầm trong đoàn nhạc Opéra, xuất
thân từ Huê Kỳ. Khi Mao Trạch Đông tiến chiếm Trung Hoa của Tưởng
Giới Thạch, cha Đại Vệ nôn nóng trở về Trung Quốc, với một chân tình
yêu nước. Thế nhưng, theo cảm quan cộng sản, không phải ai cũng yêu
đất nước cộng sản được, vì vậy cha Đại Vệ bị liệt vào thành phần
"hữu khuynh", phải đi học tập cải tạo để trở thành con người mới của
chế độ.
Một đêm mùa hạ năm 1980, sau hai mươi hai năm ở trại "lao cải",
người cha của Đại Vệ được nhà nước cho ra trại trở về nhà, với một
cái đầu cạo trọc lốc. Bước vào "nhà", một căn phòng hẹp té trong
chung cư của đoàn nhạc Opéra, ông ném chiếc va li bụi bậm vào một
góc phòng, như ném một bao rác rưởi. Mẹ của Đại Vệ không ra ga để
đón ông, dẫu bà có loáng thoáng biết được là ông sẽ về trên chuyến
xe lửa đó.
Bà gom góp quần áo, nón, dây nịt và đôi dép cao su mà ông chồng bỏ
ra trước khi lên giường ngủ, rồi liệng tất cả vào thùng cùng với cái
ca sắt, khăn mặt và bàn chải đánh răng. Bà định vứt đi bó giấy nhựt
trình, nhưng ông chồng lanh tay giựt lại và nói rằng ông sẽ cần tới
để viết hồi ký.
Bà vợ bảo ông đừng viết tùm lum, chỉ trích đảng cộng sản Trung Quốc
hoặc nói mánh nói khóe chế độ xã hội chủ nghĩa, lại thêm rắc rối.
Sau khi ông chồng hứa là sẽ làm theo ý bà, mẹ của Đại Vệ đem bó giấy
báo giấu trong rương cây, cho vào gầm giường.
Bữa ăn chào mừng ngày về của Đại Trường Tiết, sau hai mươi hai năm
lao cải, đêm đó khá vui. Bà mẹ bắt ghế leo lên lấy bóng đèn 40 watt
thay vào bóng đèn lờ mờ, nên gian phòng sáng lên, thấy rõ mạng nhện
trong góc tường. Bà mẹ cuộn lại mấy lọn tóc với mấy chiếc kẹp sưởi
nóng. Bà biểu thằng em dọn dẹp sách vở trên bàn ăn, cái bàn thấy
rộng ra. Bốn người trong gia đình ngồi lại, đàng trước là một dĩa
chưn giò heo ram bốc khói. Còn có dĩa đậu phọng rang và một tô dưa
leo xào bún tàu mà Đại Vệ mua ở ngoài chợ.
Đại Vệ thường hay phiền trách người cha vì thái độ chánh trị của ông
đã làm cho gia đình khốn khổ. Vì ông mà ở trường học, Đại Vệ bị tẩy
chay, không ai thèm chơi, và bị bắt nạt. Một hôm, ở nhà ăn tập thể,
Đại Vệ và em bị hai thằng cùng trường, to lớn hơn, hất dĩa thịt gà
của hai anh em vừa mua rớt xuống đất, lại còn quát to: "Chúng mày là
đồ chó, con của tên thuộc bọn "Hắc Ngũ". Bộ chúng mày tưởng tụi bây
có quyền ăn thịt à?" (Loại Năm Đen gồm có: 1/địa chủ, 2/phú nông,
3/phản cách mạng, 4/tác dụng xấu, 5/hữu khuynh.) Rồi bọn chúng véo
tai Đại Vệ, ngay trước mặt Lỗ Lộc, người bạn cùng chung cư.
Ông Triết nâng ly lên chúc mừng bà vợ: "Chúc bà trẻ đẹp mãi!" Bà vợ
phản ứng ngay: "Chưa học thuộc bài sao, cái ông hữu khuynh này? Ông
nghĩ sao mà có lời tán tỉnh theo lối tư sản vậy?"
Thời gian ông Triết đi tù trong trại lao cải, gia đình ông ở ngoài
phải chịu cực chịu khổ đủ điều. Ông đã đem lại một thời đen tối cho
gia đình, phải chịu nghịch cảnh xấu xa, phải đi nông thôn, phải chịu
lời ong tiếng ve, phải mang tiếng tội phạm phản cách mạng. Nhưng đêm
mùa hè đó, dường như nỗi thống khổ của gia đình đã bay đi. Đại Vệ
không còn thấy nhục nhã với dáng dấp sống sượng và bèo nhèo của
người cha, và rồi đây anh lại có được một người cha tóc tai đầy đủ.
Ông Triết nhấp một hớp rượu đế, chằm chằm nhìn Đại Vệ rồi hỏi: "Làm
sao mà mày lớn mau dữ vậy?" Có lẽ ông Triết đã quên, vì năm 1976,
sau trận động đất hai cha con có gặp nhau, thì Đại Vệ đã cao ngang
vai ông rồi. Ông hỏi Đại Vệ định làm nghề ngỗng gì khi ra đời. Còn
nhớ trong những thơ từ ông viết từ trại lao cải, Đại Vệ cho biết là
sẽ gia nhập Giải Phóng Quân. Người cha lắc đầu lia lịa, chặn ngay ý
nghĩ đó của Đại Vệ: "Không, không. Tao phải viết như vậy mới lọt qua
được kiểm duyệt của cán bộ quản giáo. Đi bộ đội thì ăn cám đó con.
Mày phải học Anh ngữ và vào đại học, lấy bằng khoa học với người ta.
Rồi, nếu may mắn thì đi nước ngoài với thiên hạ để trở thành công
dân thế giới. Mày biết không, người Anh muốn đi Mỹ lúc nào thì đi,
còn người Đức có thể rong chơi thoải mái phố phường Paris. Đã là
công dân thế giới rồi, mày có thể đi khắp địa cầu."
Bà vợ lại có ý kiến: "Thôi ông ơi, đừng đem tư tưởng phóng khoáng
của ông làm hư hỏng con cái hết. Mấy
người tranh đấu trong Phong Trào Bức Tường Dân Chủ nay đã xộ khám
hết rồi. Ông Triết nhắc khéo bà vợ: "Phải chi hồi đó bà canh đồng hồ
reo đúng giờ thì nay bà đã ở bên Mỹ rồi. Ông ngoại tụi bây mua giấy
cho bà ấy đi Nửu Ước nhưng bị trễ hết nửa giờ! Nếu không thì giờ đây
mẹ tụi bây đã là Hoa Kiều Hải Ngoại rồi." Bà vợ cũng không vừa gì:
"Còn ông, đang ở Mỹ sao lại về làm gì?"
Lúc bấy giờ là năm 1949. Cộng sản vừa chiếm được Trung Hoa của Tưởng
Giới Thạch. Vì lòng yêu nước, ai cũng muốn trở về xứ. Hơn nữa, nếu ở
lại Mỹ thì ông Triết chỉ là một cây vỹ cầm tầm thường trong một ban
nhạc nào đó. Nhưng nếu trở về quê nhà thì biết đâu ông sẽ là một
nhạc công có hạng của nhà hát Opéra trung ương. Bà vợ lại càu nhàu:
"Cũng chỉ vì kiêu căng mà ông bị thất bại. Sau hơn hai mươi năm
trong trại lao cải, ông vẫn còn mơ ước chuyện dĩ vãng. Lẽ ra ngày
nay ông phải trở thành một nhà nông sinh sống với thân phận mình và
làm tròn bổn phận người cha."
Trong khi hai vợ chồng tranh luận nhau thì hai đứa con ăn hết những
thức ăn trên bàn. Người cha nhả ra mấy cục xương, đưa cho hai anh em
gặm. Đại Vệ bắt gặp một cái răng của ông Triết trong những khúc
xương. Răng của ông Triết rụng gần hết. Ông chụp lấy cái răng trên
tay Đại Vệ, nhìn qua nhìn lại, xong chùi sạch để lên bàn. Bao nhiêu
năm ông đã chờ được về nhà, nay ông về thì mất hết răng.
Người cha day qua hỏi Đại Nho, người em của Đại Vệ: "Còn mày, năm
nay học lớp mấy rồi?"
- Năm thứ Ba. Thày giáo tôi nói ba là một tư sản hữu khuynh. Tôi nói
ba là tù lao cải. Mà thật ra, ba làm nghề gì vậy?
- Đảng đã cho tao một cái nhãn hiệu hữu khuynh. Làm cách nào bây
giờ, đành chịu vậy. Nhưng tụi bây đừng có lo, tao bảo đảm là tụi bây
sẽ vào trường Harvard hết. Bên đó, mùa đông, tuyết lên cao cả thước.
Mấy con sóc chạy qua chạy lại trên sân trường. Ghế ngồi trong lớp
học đều có nệm lò xo. Ngồi lên một cái là không muốn đứng dậy... Có
phải bây giờ người dân được phép sắm ghế trường kỷ trong nhà rồi
không bà?
- Nếu biết mánh mung thì ông có thể mua được lò xo và kẽm, rồi mua
loại giả da ngoài chợ về đóng hai cái ghế bành không đầy năm mươi
nhân dân tệ. Hầu hết mấy nhạc công vĩ cầm trong đoàn Opéra đều có
ghế trường kỷ và ghế bành.
- Ghế trường kỷ hả. Tôi khoái trường kỷ Mỹ hà.
- Trước hết mình phải có phòng khách đã. Nhà bạn bè tôi đều có phòng
khách, với máy thu hình, máy giặc và tủ lạnh.
- Nhà mình chỉ có mỗi cái giường sắt này. Chiếc vòng đeo tay, tao
cũng không có. Chừng nào lãnh tiền bồi thường, mình sẽ mua truyền
hình. Nếu ba mày liên lạc được với ông chú bọn bây bên Mỹ thì mình
có thể đổi ngoại tệ rồi mua truyền hình Nhựt ở cửa hàng Hữu Nghị.
- Thấy chưa, cuộc đời bây giờ đã đổi thay. Ngay cả chúng mày cũng
sắp công nhận là đồ ngoại tốt hơn.
Đại Vệ nghĩ rằng nhận xét của ông già là đúng vì chính bản thân
mình, Đại Vệ cũng nhìn nhận là có thân nhơn ở nước ngoài không còn
phải xấu hổ nữa. Thật ra, giờ đây chuyện đó gần như là một điều để
tự hào.
Bà vợ cho rằng bà cũng
ủng hộ chương trình cải tổ của Đặng Tiểu Bình vì Đảng cam kết là sẽ
nâng cao mức sống của đất nước vào năm 2000. Người dân sẽ sinh sống
thoải mái hơn.
Bữa ăn sum họp đêm đó, tình cảm trong gia đình không được quan tâm
mấy, nhưng bối cảnh đã bị điều kiện sinh sống ở nước ngoài lấn lướt,
qua sự ân hận và hối tiết của người cha. Thế nhưng, thỉnh thoảng bà
mẹ cũng còn nhắc chừng cho gia đình nhớ tới hoàn cảnh thực tế: "Thôi
đừng nói chuyện viễn vông nữa. Trong nhà bây giờ chỉ mình tôi còn ý
thức về chánh trị thôi. Từ nay, mỗi tối mình phải học tập qua báo
chí để cho tư tưởng của mình theo đúng đường lối của Đảng. Bắt đầu
ngày mai, ông phải chỉnh cái máy thâu thanh lại, chỉ bắt những đài
Trung Quốc thôi. Đừng để cho con cái nhà mình làm cho gia đình bị sa
sút nữa."
Câu chuyện gia đình lang thang từ chuyện nọ đến chuyện kia, vì sau
hai mươi mấy năm vắng nhà biết bao là tình tiết. Trong đó, thỉnh
thoảng viễn ảnh của một cuộc sống thoải mái cũng đã thoáng qua rồi
biến mất. Bỗng dưng, ông Đại Trường Tiết nhớ lại người bạn cũ, Già
Lý, người trang trí sân khấu của đoàn văn nghệ.
Năm 1958, Già Lý và ông Tiết bị chuyển cùng lúc đến trại lao cải của
tỉnh Cam Túc. Theo bà Tiết thì khi ra trại, Già Lý chỉ còn da bọc
xương. Ngay đêm đầu về nhà, Già Lý ăn ngấu nghiến cả con vịt, bốn
chén cơm và nốc nửa chai rượu đế. Xong Già Lý đi ra ngoài thả bộ,
sau đó ông ngả quỵ và chết tươi.
Ông Triết cho biết là sau khi bị chuyển qua nông trường Quảng Tây,
ông mất liên lạc với những bạn tù ở Cam Túc. Những người trong diện
hữu khuynh không được phép viết thơ cho nhau. Ở Cam Túc, ai cũng
nghĩ là Già Lý may ra sẽ được sống sót qua các trại lao cải. Sau khi
lao động cả ngày ngoài đồng, phần đông những người tù cải tạo nằm
xoài dưới đất ngủ hoặc nghỉ mệt, nhưng Già Lý thì cứ chạy tới, chạy
lui lăng xăng. Có lần Già Lý leo lên chuồng ngựa, ăn luôn một chén
thức ăn cho ngựa và một số hột giống đã ngâm nước phân bón. Sau đó
cái miệng của Già sưng to lên dễ sợ. Đôi khi Già Lý ăn cả những con
vòi bò lút nhút quanh hố phân. Nên chi, ông ta là con người phương
phi nhứt trong tổ.
Ông ta rất nhiều mánh khoé. Một hôm, ba người tù cải tạo trong biên
chế "anh nuôi" được đưa đến thị xã gần trại để khiêng khoai. Khi họ
trở về, Già Lý núp bên ngoài hố tiêu chờ họ đi tiêu xong, hốt lấy
đống phân, đãi sạch lượm lấy những miếng khoai còn sót lại sau vòng
tiêu hóa. Làm vậy mà nhiều khi ông ta cũng ăn được gần cả kí. Già Lý
thừa biết rằng bạn tù người nào cũng quá đói ăn, thế nào cũng nhai
khoai sống trên đường từ thị xã về trại. Trại đó có khoảng ba ngàn
tù. Cả trại ăn đói gần nửa năm qua, nhưng chỉ có Già Lý là người độc
nhứt còn phương phi béo tốt. Thậm chí ông còn có sức kéo nước giếng
để rửa mặt mỗi sáng.
Chuyện Già Lý nghe mà buồn nôn. Bà mẹ hăm he hai con "nếu đứa nào
thuật lại chuyện đó cho người khác thì sẽ bị công an bắt giam và
sinh sống như Già Lý." Sẵn đó bà nhắc khẽ người cha: "Ông nên liệu
mồm, liệu miệng. Mới học tập về mà không chịu giữ gìn ý tứ gì hết.
Thiên hạ nghe được thì nhà mình đi đời luôn." Quay sang hai đứa con,
bà căn dặn: "Đừng có cho ai biết là mình định đi nước ngoài nghe
chưa. Nếu nhà nước lại mở một cuộc bố ráp chánh trị thì đó là lý do
tốt để làm khó dễ nhà mình."
Câu chuyện lang thang qua những vấn đề trong gia đình. Bà vợ nhớ lại
là vừa rồi có con trai người anh chồng lên nhà ở mấy hôm. Vì bây giờ
nông dân được phép bán sản phẩm của mình ở thị trường tự do nên
thằng cháu đem năm mươi kí gừng đi bán. Bà cũng bán giúp cho nó được
mười lăm kí. Không nói cho bà biết, nó mang số gừng còn lại ra đường
đứng bán. Nên chi công an không những đã tịch thu tất cả số gừng mà
còn bắt nộp phạt một trăm nhân dân tệ. Rốt cuộc, bà phải mua vé xe
lửa cho nó trở về quê.
Ông Đại Trường Tiết đã giận ông anh từ lâu. Số là trong đợt cải cách
ruộng đất những năm đầu thập niên 1950, khi Mao Trạch Đông ra lịnh
phân chia ruộng đất cho dân nghèo và coi địa chủ như là kẻ thù của
nhơn dân thì ông cụ bị tố là "bạo chúa ác ôn", vì có hai thửa ruộng
và ba con bò. Do đó, ông anh bị cưỡng bức phải chôn sống ông cụ. Nếu
không chịu thì chính đương sự cũng bị xử tử.
Trước khi cộng sản Tàu chiếm Hoa Lục, bác của Đại Vệ hành nghề luật
sư ở thành phố cảng Thanh Đảo. Chuyện con chôn sống cha mẹ trong
thời cải cách ruộng đất cũng không nên trách ai vì bị bắt buộc phải
làm thôi. Đó là một cung cách hơi chướng đời để trắc nghiệm nhiệt
tình cách mạng của người ta! Nhưng điều cay đắng hơn hết là khi đấu
tố, một bà vợ của ông cụ lại hùa theo để kể tội đương sự. Lý do là
vì ông cụ có tới ba bà nên lòng đố kỵ ghen tuông đã xui bà làm như
vậy. Sau khi ông cụ bị chôn sống rồi, bà lại về ăn ở với tên trưởng
toán cải cách.
Để đỡ ngượng với bà
vợ, ông Triết vay qua trách: "Khi cộng sản mới vừa về thì bà tìm
cách tách khỏi ngay cái gia đình tư sản này, vậy mà bà vẫn chưa được
nhận vào Đảng là tại làm sao?"
- Vì tôi là vợ của ông. Nếu như ông không bị liệt vào loại hữu
khuynh thì tôi đã có được đảng tịch từ năm 1950. Vì ông mà đời tôi
dang dở.
Nhưng rồi bà cũng dịu giọng: "Đảng đã đối xử không đúng với ông
trong quá khứ. Nhưng nay, Đặng Tiểu Bình và nhóm cải cách của ông
lên cầm quyền, mọi chuyện sẽ đổi thay. Tổng Bí Thơ mới, Hồ Diệu
Bang, quyết tâm sữa đổi những sai lầm trước kia. Ông ấy đang mở
chiến dịch phục hồi những người bị cho là hữu khuynh. Nếu không có
Hồ Diệu Bang thì làm gì ông được ngồi đây cùng với mẹ con tôi hôm
nay. Hồ Diệu Bang là ân nhân của gia đình mình."
(Còn tiếp)
Phan Quân
|