Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (6)

Đại Vệ mơ màng thấy mình đang dự thính một phiên hội thảo chánh trị.
Nó đưa tay lên xin phát biểu, nhưng người đứng trên bục không thấy.
Nó tiếc là không hỏi được vậy chớ đúng ra Tàu cộng giải phóng được
gì? Sau cuộc gọi là giải phóng năm 1949, Đảng đã làm cho ông ngoại
của nó phải treo cổ chết, đã cưỡng bức một người bác của nó giết
chết ông nội nó và đã nhốt ba nó vào trại lao cải hai mươi mấy năm.
Cách mạng Tàu tự cho là giải phóng được nông dân. Vậy mà, những
người nông dân nó đã gặp thiếu hụt đủ mọi thứ, đến đổi chẳng biết
miếng ăn sắp tới của mình sẽ lấy đâu ra.
* * *
Đại Vệ nhớ lại trận tuyết rơi hồi cuối tháng Mười Hai năm 1986. Cửa
sổ ký túc xá của nó đã trắng xóa tuyết là tuyết. Nó nhìn xuống dưới
đất xuyên qua cửa sổ, trời vẫn còn tối, nhưng đám đông vẫn còn tụ
tập ở khu sân trường hình tam giác. Hồi đầu tháng, những cuộc biểu
tình của sinh viên đã bùng nổ ở tỉnh An Huy, rồi ở Thượng Hải, và
hôm nay lại có tin sinh viên của trường đại học Thanh Hoa, một
trường nổi tiếng ở Bắc Kinh, cũng xuống đường để phản đối cuộc cải
cách chậm chạp của nhà nước. Một thông cáo xuất hiện nhanh chóng ở
khu sân trường hình tam giác, kêu gọi sinh viên đại học Bắc Kinh tập
trung về quảng trường Thiên An Môn trong dịp Tết để đấu tranh đòi có
nhiều tự do và dân chủ hơn nữa. Nhưng, chưa ai kịp đọc thì công an
đã gỡ mất.
Đại Vệ không sao quên được cuộc tranh luận với mẹ nó ngày Tết năm
1986. Trong đêm, trước khi có cuộc biểu tình. Đứng trong nhà bếp, nó
bất chợt lẩm bẩm là Đặng Tiểu Bình muốn trở thành Mao Trạch Đông thứ
hai. Mẹ nó liệng rổ giá đang rửa dưới vòi nước xuống rồi la lớn:
- Đặng Tiểu Bình đã
giải phóng nhân dân Trung Quốc khỏi bàn tay bạo ngược của Bọn Bốn
Tên và đã vực dậy đất nước này. Mày phải biết ơn ông ấy, chớ có ăn
nói hàm hồ.
- Mẹ nói gì, giải phóng hả? Ông ấy giải phóng ai? Ông ấy có giải
phóng mẹ hay giải phóng ba không? Sáng mai, tụi con sẽ ra quảng
trường Thiên An Môn đòi hỏi dân chủ cho nhơn dân Trung Quốc đó.
Nó nghe tiếng cái muỗng sắt rơi xuống sàn nhà và tiếng mẹ nó la to:
- Mày đừng có đi biểu tình gì hết. Tao sẽ kêu công an bắt mày bây
giờ. Bộ mày quên ba mày bị đi trại lao cải hai mươi mấy năm rồi hả?
Đúng như nó dự đoán, mẹ nó sẽ phản ứng như vậy.
- Nhà nước đã trả lương cho tao và cấp cho nhà mình căn hộ này. Như
vậy là đủ cho tao quá rồi, còn đòi hỏi gì nữa? Mày biết không, đã có
bao nhiêu phần tử phản cách mạng bị hành quyết để mình hưởng được
một xã hội ổn định ngày hôm nay không? Mày có nghĩ là mày và bạn bè
mày có thể nào làm đảo lộn được đất nước này không?
- Con thật tình không hiểu được mẹ! Đảng cộng sản Tàu đã cưỡng ép
ông ngoại phải tự vận và nhốt ba vào trại lao cải, vậy mà mẹ còn
binh vực cho nó là cái gì? Nếu như cộng sản không chiếm lấy chánh
quyền hồi 1949 thì nay mẹ đã là một người phụ nữ giàu có, sinh sống
trong nhà cao cửa rộng rồi!
- Không có Đảng cộng sản thì làm gì có nước Trung Hoa mới. Không có
tài lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình và Hồ Diệu Bang thì làm gì gia đình
mình được như ngày hôm nay?
- Ba là một tay vĩ cầm chuyên nghiệp, vậy mà đã bị bỏ đói trong trại
lao cải hơn hai mươi năm. Mẹ đã đọc hồi ký của ba chớ gì? Mẹ chắc
còn nhớ chuyện cán bộ giáo dục họ Lưu và cô con gái Lưu Bình mà ba
nhắc hoài trong hồi ký chớ? Khi đến Quảng Tây thì con được biết là,
trong Cách Mạng Văn Hóa, cả hai bị lên án là kẻ thù của giai cấp, và
thân xác của họ bị dân chúng ăn mất.
Mẹ nó hạ giọng, nói nhỏ:
- Có ai mà nghe được mày nói vậy thì chắc chắn là mày bị lôi cổ ra
pháp trường liền. Tại sao mày không chịu rút kinh nghiệm của ba mày?
Đảng đang cổ võ cho thiên hạ làm giàu. Nếu mày lanh lợi, thông minh
thì mày có thể đi Thẩm Quyến để làm giàu với người ta. Lỗ Lộc đã mua
được một căn hộ ở Thẩm Quyến, còn mày thì cứ lông bông!
Thẩm Quyến là một thiên đường tư bản, nhưng về mặt văn hóa là một
cái sa mạc. Nơi đó, người ta chỉ nghĩ tới tiền bạc. Đại Vệ nghĩ rằng
mẹ nó chẳng quan tâm gì chuyện người cán bộ họ Lưu và cô con gái Lưu
Bình mà nó vừa kể. Có lẽ câu chuyện quá khủng khiếp nên mẹ nó không
thèm nghĩ đến.
- Mày nên bắt đầu đọc những bài xã luận hằng ngày trên Nhơn Dân Nhựt
Báo. Nếu mày không theo kịp những biến chuyển tình hình mới nhứt thì
mày sẽ gặp khó khăn đó.
Sau bữa ăn, mẹ nó tiết lộ:
- Ông bác của mày bên Mỹ có gởi thơ về hỏi xem mày có còn muốn đi Mỹ
học nữa hay không. Bác Kenneth của mày chịu bảo lãnh mày sang đó.
Tao nghĩ là mày tốt hơn nên rời khỏi xứ này càng sớm càng tốt.
- Nhưng trình độ Anh ngữ của con chưa ăn thua gì hết. Con đợi khi
nào tốt nghiệp xong bằng tiến sĩ đã.
Đại Vệ thừa biết rằng mẹ nó thật sự muốn đi Mỹ. Khi hỏa táng ba nó,
bà đã đặt tấm lịch treo tường có hình phong cảnh nước ngoài bên
trong áo quan. Từ đó trở đi, bà sưu tìm rất nhiều lịch có hình phong
cảnh hay tượng đài nước ngoài. Hằng năm, bà mua bốn năm tấm lịch như
vậy. Ở phòng khách, treo lịch có hình Nhà Hát Opéra ở Ba Lê và Viện
Bảo Tàng Louvre, và trong phòng vệ sinh là một bức tranh phong cảnh
đồng quê nước Anh, treo từ ba năm nay. Có lần, mẹ nó cho biết sở dĩ
bà ưng ba nó vì ông ấy có hứa là hai người sẽ cùng nhau chu du thế
giới và đặt vòng hoa lên mộ của Mác. Nó biết rằng mẹ nó vẫn còn mong
muốn được đi nước ngoài và ước mong sao tro cốt của bà được chôn cất
trên đất Huê Kỳ. Dẫu cho mẹ nó thường dọn cho nó những bữa ăn ngon
miệng, mỗi khi nó về nhà, nhưng nó chỉ về thăm mẹ mỗi tháng hai lần.
Cứ vừa bước chưn vô nhà là nó lại muốn ra đi. Nó thích cuộc sống tập
thể ở nhà trường hơn.
Khi ba nó cảm thấy không còn sống được bao lâu nữa, ông bắt đầu nhớ
lại những ngày du học bên Mỹ. Nó thường hay đọc tạp chí, mỗi lúc nó
phải ngồi trực bên giường bịnh của ba nó. Ông thích nói đến người
giáo sư vĩ cầm đầu bạc, có ba con chó. Ông giáo sư và bà vợ hay mời
ba nó dùng bữa trưa trong những ngày cuối tuần. Lần đầu tiên tới ăn,
ba nó không biết là bữa ăn gồm có nhiều món. Vì vậy cho nên khi món
xúp vừa dọn lên, nghĩ rằng trọn bữa ăn chỉ có ngần ấy, ông đã ăn tới
năm miếng bánh mì. Sau đó, ba nó mới tá hỏa tam tinh là dĩa thức ăn
chánh được dọn lên và ông phải cố mà ăn cho hết một dĩa to tướng gồm
có nào thịt chiên, khoai tây và hành rán. Khi đã no nê và nghĩ là
bữa ăn đã kết thúc thì một phần bánh khá bự, có bọc kem chô-cô-la
được đưa tới trước mặt. Trên đường về phòng trọ, ba nó phải nằm lại
trên chiếc ghế dài của công viên để thở. Trọn ba ngày sau đó, ba nó
không muốn ăn uống gì nữa.
Ba nó căn dặn:
- Họ rất tốt với tao. Nếu mai kia mốt nọ có đi Mỹ, mày phải hứa là
tìm thăm họ cho tao. Nhưng có thể là lúc bấy giờ họ đã qua đời. Ai
biết được? Dẫu sao, đây là địa chỉ của họ. Tao đã nằm lòng địa chỉ
đó.
Lấy một hơi thở ngắn, ba nó nguệch ngoạc ghi địa chỉ vào quyển sổ
tay của nó. Nó nhận thấy là ba nó không nói dối, vì ông ấy thật sự
viết được tiếng Mỹ.
Ba nó kể lại thời kỳ ông ấy thi tốt nghiệp. Bên ngoài trời giá lạnh,
ngón tay tê cóng, không làm sao đờn được. Nhưng nhà trường ờ Mỹ có
hệ thống sưởi ấm trung ương nên phòng vệ sinh cũng có sưởi. Ba nó
chạy nhanh đến phòng vệ sinh để hơ tay, trước khi vào thi. Ba nó còn
nhớ lần đó đã trình bày bản Tấu Khúc cho vĩ cầm của Brahms và được
điểm cao nhứt.
Chẳng bao lâu sau khi tốt nghiệp, ba nó trở về Trung Quốc và được
nhận ngay vào ban nhạc của Đoàn Nhạc Kịch Trung Ương. Cung cách
trình bày của ban nhạc có vẻ cứng nhắc và không hồn và sau năm năm
trong tư thế đệ nhứt vĩ cầm, ba nó cảm thấy tay nghề đã suy đồi. Ba
nó buồn bã nhìn ra cửa sổ và nói với một giọng điệu tiếc rẻ:
- Tao đã chơi với họ Tấu Khúc cho vĩ cầm của Beethoven không biết
bao nhiêu lần mà kể. Có một hôm, tao nghe được trên đài phát thanh
tấu khúc đó từ dĩa nhạc của Mỹ. Tao thấy rằng trong năm năm qua, tao
đã đờn như một người máy. Ngày tao trở về nước, tinh thần tao đã
chết đi.
Ba nó cứ nói, còn nó cứ lật hết trang này đến trang khác những tạp
chí, chỉ nhìn đến ông mỗi khi ông có nhu cầu, như uống nước hoặc làm
gì đó. Lúc bấy giờ, nó còn căm ghét ba nó và cứ ước muốn làm sao gạt
bỏ được vết nhơ là con của một người hữu khuynh. Nó đã trải qua thời
thơ ấu như một con chim không có lông vũ, vô phương vỗ cánh bay lên,
chỉ lủi thủi đi dưới đất.
Ngày cuối năm 1968 đó,
nó chờ cho mẹ nó đi ngủ để lôi trong ba lô ra miếng vải đỏ đã mua và
mấy chữ "Trường Đại Học Bắc Kinh Ban Khoa Học" bằng giấy đã được cắt
sẵn. Nó định may những chữ đó vào miếng vải để làm biểu ngữ nhưng sợ
tiếng động sẽ đánh thức mẹ nó. Nó bèn lấy kim chỉ trong hộp may của
mẹ nó để ngày hôm sau sẽ làm.
Nó lên giường ngủ nhưng trằn trọc mãi không ngủ được vì cứ nghĩ đến
chuyện xuống đường. Nó bèn tranh thủ bằng cách nghĩ tới A Mỹ, tới
những giây phút yêu đương của hai đứa, để rồi êm đềm đi vào giấc ngủ
cô liêu...
(Còn nữa)
Phan Quân
|