Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (31)

Cô y tá dùng một dung
dịch có pha cồn để lau sạch thân thể tôi và đâm kim châm cứu vào các
huyệt của tôi. Thầy giám đốc ngồi nói chuyện với mẹ tôi:
- Cậu ấy không biết được những gì xung quanh. Đầu óc của cậu ấy
không xử lý được những thông tin mới. Người cậu ấy bây giờ giống như
một khúc cây. Tôi không thể nào làm cho khúc cây sinh động trở lại
được. Sau phiên chữa trị cho cậu ấy hôm trước, tôi nhức đầu kinh
khủng. Nay điều tốt nhứt cho cậu ấy là phải theo chương trình trị
liệu hai mươi ngàn nhơn dân tệ, gồm có một tuần chữa trị bằng tia tử
ngoại và thuốc men nhập từ Anh quốc. Chương trình mười ngàn nguyên
cũng có tia tử ngoại, nhưng thuốc thì chỉ có thuốc của công ty liên
doanh Hoa-Nhựt, và ít hiệu quả. Còn chương trình sáu ngàn nhơn dân
tệ hiện giờ chỉ gồm có năm phiên chữa trị bằng khí công, một phiên
châm cứu và thuốc men dân tộc. Chương trình này chỉ hiệu quả trong
vòng hai mươi bốn ngày, không đủ thời gian cho cậu ấy ra khỏi cơn
hôn mê.
- Chương trình mười ngàn nguyên, tôi thích hơn, nhưng năm ngoái nó
đã được chữa trị bằng tia tử ngoại trong vòng một tháng ở bịnh viện
Bắc Kinh mà chẳng thấy kết quả gì hết. Thầy có thể nào chữa trị nó
theo chương trình thuốc ngoại mà không cần tia tử ngoại không?
- Nếu bà muốn sửa đổi chương trình thì phải có sự chấp thuận của mỗi
khoa liên hệ, rồi in ra một tài liệu khác, như vậy thì phải tốn kém.
- Hay là Thầy cho nó chương trình tám ngàn nguyên vậy.
Giọng nói của mẹ tôi không được mạnh lắm, vì dường như túi tiền của
bà đã vơi đi nhiều.
Trong khi đó, một bác sĩ khác và một cô y tá lo săn sóc tôi. Họ cho
biết là hôm nay tim tôi đập nhanh hơn, rồi bác sĩ bảo cô y tá ghim
kim châm cứu ở huyệt này, huyệt nọ với lời phê phán là không những
phần não phía trên bị nghẽn mà phía sau và phía dưới cũng bị yếu đi.
Vì vậy cho nên khí công chuyền vào không luân lưu dễ dàng khắp thân
mình. Mẹ tôi nhắc lại:
- Cuộc trắc nghiệm của Thầy ngày hôm qua cho thấy nó đã nghe được.
- Có thể cậu ấy chỉ có những khả năng thính giác cơ bản. Nhiều chức
năng khác của cơ thể đã ở trong tình thế thực vật rồi. Nói đúng ra,
cậu ấy không còn là con người nữa. Cậu ấy không thể suy nghĩ gì được
và hệ thần kinh quá yếu. Nếu muốn cải thiện nhiều thì bà phải chấp
nhận chương trình hai mươi ngàn nhơn dân tệ.
- Nhưng tôi đem nó đến đây đễ chữa trị bằng khí công. Tôi không có
đem đủ tiền để trả những phương thức chữa trị cao cấp kia...
Sau mấy năm nằm liệt giường và sau nhiều phương cách chữa trị, tôi
có cảm tưởng như khả năng nghe ngóng của tôi bắt đầu sống dậy. Tôi
có thể nghe được những tiếng động từ xa, tiếng máy thâu thanh ở từng
dưới hay từng trên của bịnh viện, tiếng người đi ngoài hành lang,
tiếng nước chảy ở bồn rửa mặt của những phòng khác,... Cô y tá nói
với mẹ tôi dường như tôi không cảm thấy đau khi ghim kim châm cứu.
Cô cho biết là đã châm những huyệt kích thích cái đầu và phổi cho
tôi và phương pháp chữa trị ở đây đã cứu được trên mười người bị bại
liệt rồi.
Nhưng tôi thì tôi chẳng thấy gì hết, ngoại trừ phiên khí công đầu
tiên của Thầy giám đốc, may ra có chút hiệu quả gì chăng? Tôi thấy
có một đốm tròn màu vàng trôi nổi trong bóng đen. Có thể đó là một
bóng đèn đường bên ngoài cửa sổ. Một lần nữa tôi nghĩ rằng không
biết tôi sẽ như thế nào, một khi qua khỏi cơn hôn mê này? Tôi tưởng
tượng tôi sẽ ngồi dậy, mở mắt ra, ngó qua bên mặt, nhìn qua bên
trái, đi tới cửa cái và mở cửa bước ra bên ngoài...
Dẫu cho tôi đang nằm đây, như một bóng ma im lặng, nhưng tôi vẫn
nghe thấy hơi thở của bịnh nhơn ung thư phổi nằm bên cạnh. Như vậy,
tôi biết rằng tôi vẫn còn sống. Tôi nghe được tiếng người chải răng
trong phòng bên cạnh. Tôi nghe thấy tiếng người mở cửa ở cuối hành
lang và tiếng hai người nói chuyện với nhau, tiếng máy thâu thanh
lải nhải,... Những tiếng động tầm thường, phất pha phất phơ đó cứ
nhảy xổm vào óc não tôi, thiệt là chán mớ đời!
* * *
Chẳng cần rửa chưn rửa cẳng gì hết, hai chưn xoa vào nhau phủi bụi
bậm, mẹ tôi ngã lưng nằm ngang dưới cuối giường của tôi mà ngủ đi
thật nhanh chóng. Mẹ tôi đã quá mệt mỏi nên khỏi phải trằn trọc. Nằm
bừa như vậy mẹ tôi đỡ phải tốn tiền mướn thêm ghế bố của bịnh viện.
Ngọn gió nhẹ nhàng buổi bình minh nặng mùi khói than của nhà ai đang
nhóm lửa. Người ta đã mở cửa sắt của bịnh viện, làm mẹ tôi tỉnh
giấc. Bác sĩ và y tá chào hỏi nhau mở đầu một ngày làm việc. Tiếng
động và hơi hám trong tòa nhà vào giờ phút đầu ngày này ít phức tạp
hơn. Tôi còn nghe được tiếng chim hót trên cây trong sân sau của
bịnh viện.
Bộ phận khứu giác của tôi nhạy cảm hơn. Tôi có thể hửi thấy mùi cá
tươi ở hàng cá ngoài chợ cách chỗ tôi nằm mấy con đường. Mùi bánh
nướng thơm phức cũng lảng vảng đâu đây. Trước khi bác sĩ bước vào
phòng tôi, mẹ tôi mở túi lấy hồ sơ bịnh lý của tôi ra cùng với những
lọ thuốc. Tôi hửi thấy ngay mùi ẩm mốc của bịnh viện tôi đã nằm
trước kia.
Thăm người bịnh kế bên xong, bác sĩ bước qua giường tôi nhắc mẹ tôi
thăm chừng cái lưng của tôi vì sợ nằm một chỗ lâu quá sẽ bị lở lưng,
rất khó chữa. Ông cho biết là bịnh viện đã chấp thuận cho tôi chương
trình chữa trị tám ngàn nguyên, theo yêu cầu của mẹ tôi. Như vậy thì
chiều nay phải đóng thêm hai ngàn nguyên nữa. Cô y tá cùng đi với
bác sĩ an ủi mẹ tôi: "Tội cho dì quá! Có lẽ dì sẽ chết mệt trước khi
cậu con của dì ra đi!" Như vậy là công việc chữa trị ở đây chẳng đi
đến đâu rồi, hơn nữa họ đòi hỏi nhiều tiền quá, mẹ tôi làm sao có
đủ.
* * *
Mẹ tôi mở cửa chào mừng Thầy Diêu:
- Mời Thầy vào dùng tách nước. Leo lên tới lầu ba này cũng hụt hơi.
- Cũng quen rồi bà chị à, nhà tôi ở từng thứ năm của chung cư thì
sao. Người phụ trách thang máy tới mười một giờ đêm nghỉ việc, hôm
nào đi đâu về trễ là tôi leo bộ lên thôi. Bữa nay trông cậu ấy có vẻ
khá hơn hôm trước.
- Từ khi ở Tứ Xuyên về, nó không bị co giựt lần nào hết. Nhưng lại
có ba lằn ngang trên trán. Coi nó như một ông già. Nhưng vài năm nữa
là nó ba mươi rồi. Mới đó mà mau thiệt!
- Tôi có cảm tưởng cậu ấy tiếp thu được chút ít khí lực của tôi.
Nhưng thật ra tôi có thấy gì đâu. Dẫu cho được chuyền nước biển qua
đường gân và chất dinh dưỡng bằng ống tiếp tế qua thực quản, tôi
không khi nào lên cân và cứ tiếp tục yếu đi. Cô y tá nói đúng, khi
bị nhiễm trùng, tôi không đủ sức mạnh để chống cự lại.
Thầy Diêu bắt đầu xoa bóp hai chưn tôi, xoay tròn hai bàn chưn và
bấm huyệt ở lòng bàn chưn. Tôi thấy như có dòng điện chạy dài hai
chưn. Thân thể tôi râm ran và nóng lần lên. Đây là lần thứ nhì trong
tháng vừa qua, tôi cảm thấy thân thể tôi được tiếp xúc với một cái
gì. Mười ngón tay của Thầy gởi những luồng điện nóng lên não tôi.
Tóc tôi như dựng đứng cùng với luồng điện.
- Khó khăn không phải chỉ nằm ở bộ óc của cậu ấy. Máu huyết không
lưu chuyển điều hòa và trong người có quá nhiều khí lực âm.
Thầy Diêu lấy hai tay vuốt nhè nhẹ từ đầu đến chưn tôi. Tôi có cảm
tưởng như một chai nước nóng đang lăn tròn trên người tôi. Thầy giải
thích với mẹ tôi là đang cố gắng xua đuổi khí âm ra khỏi người tôi
và tìm cách xác định nguồn gốc của căn bịnh. Một quả cầu hơi nóng tụ
lại đâu đó gần cái rún của tôi rồi lan rộng ra khắp người tôi. Gân
cốt dọc theo xương sống của tôi run động và bỗng nhiên tôi như bị
nhúng vào chảo dầu nóng và thân hình tôi co dúm lại. Nhưng, khi tôi
vừa có cảm giác duỗi chưn ra được thì Thầy Diệu lại rút tay ra.
Một con ruồi bay vo ve ngang dọc trong phòng, rồi đậu xuống cái trán
đẫm mồ hôi của tôi. Tôi nghe ai đó kéo một bình ga từ một chiếc xe
tải xuống. Thân xác tôi như nâng lên khỏi cái giường. Nghe có tiếng
nổ, rồi tiếng la: "Để cho chúng tôi đi qua! Để cho chúng tôi đi qua!
Có người học trò bị bắn! Quân dã man, tại sao lại bắn học sanh? Coi
có giấy tờ gì trong túi không. Cởi áo ra, băng đầu nó lại." Có nhiều
tiếng la bị kềm hãm và trước mắt tôi chỉ là một ánh sáng mờ lợt và
một mảnh vải bay bay. Hình ảnh đó quá khủng khiếp và tôi quên thở!
Tôi hít một hơi dài và cảm thấy hơi nóng mùa hạ tràn vào khí quản
tôi.
- Nghỉ tay chút Thầy, Thầy đã lo cho nó ba tiếng đồng hồ rồi. Lau mồ
hôi đi đã.
Trước giờ tôi chưa nghe mẹ tôi ăn nói dịu hiền như vậy bao giờ. Thầy
Diêu ngừng tay không bấm huyệt cho tôi nữa. Mẹ tôi chỉnh lại chai
nước dung dịch và đem cây quạt máy ra phòng ngoài ngồi với Thầy
Diêu. Dung dịch mát rượi chảy vào mạch máu làm cho tôi thấy dễ chịu.
- Mạch khí công của cậu ấy hư hỏng quá nhiều, chắc là tôi khó giúp
đỡ cho cậu ấy quá!
- Vậy thì tôi phải làm sao đây, tôi mệt mỏi và yếu đuối quá rồi. Tôi
làm sao trông nom nó mãi được. Nó đang gặp khó khăn đường tiểu nữa.
Càng thêm rắc rối cho tôi! Thầy thấy đó, tôi còn phải lo cho cuộc
sống của tôi nữa chớ. Đã năm năm qua, tôi phải săn sóc nó hàng ngày.
Chỉ cần nó mở mắt ra được cũng an ủi rồi...
Tôi lần hồi trở lại tình trạng trước khi có những phiên chữa trị
bằng khí công. Thầy Diêu nghĩ rằng Thầy đã chịu phép thì tôi nghĩ
rằng Thầy đâu chữa cho tôi nữa làm gì. Nếu như Thầy chịu khó kéo dài
phiên chữa trị chút nữa thì may ra có tiến triển. Tôi vừa cảm thấy
đầu óc tôi cựa quậy và tròng mắt tôi động đậy, và mí mắt tôi sắp hé
mở thì Thầy đả lấy tay bấm huyệt ra rồi!
- Có người cho tôi biết trước kia Thầy là nhà giáo phải không?
- Tôi làm trong ngành giáo dục, nhưng ở cơ quan tài chánh, chớ không
có dạy học bao giờ.
- Tôi nghĩ là Thầy đã thực hành khí công nhiều năm qua.
- Trên mười năm rồi. Tôi bắt đầu luyện tập khí công khi tôi bị hạ
từng công tác và bị đưa đi tỉnh Hà Nam.
- Như vậy Thầy cũng bị chiến dịch thanh trừng à? Con cái Thầy đã đi
làm hết chưa?
- Tôi có hai đứa, một trai, một gái. Hai đứa đều có gia thất.
- Còn bà nhà, vẫn còn đi làm chớ,
- Bà ấy mất đã hai năm rồi.
- Vậy à!
Mẹ tôi cũng tế nhị, không hỏi gì thêm nữa. Thầy Diêu vẫn nói tiếp:
- Nhà tôi bị chứng bịnh nan y.
Bây giờ chắc là mẹ tôi coi Thầy như là một gã đàn ông góa vợ không
còn bận bịu, chớ chẳng phải là một thầy khí công nữa. Mẹ tôi lặng
thinh đi một lúc, chắc là để ngẫm nghĩ thêm về chuyện góa vợ của ông
Diêu.
- Mời Thầy ở lại dùng cơm rồi hẳn về.
- Cám ơn bà chị, còn sớm quá. Thường thường tôi ăn chiều lúc bảy
giờ.
- Nhưng tôi thích có người cùng ăn cho vui. Tôi chẳng khi nào muốn
nấu nướng gì khi ăn một mình.
- ...
Đã bao nhiêu năm qua, hôm nay tôi mới nghe thấy mẹ tôi cười vui. Ấm
nấu nước mẹ tôi mới mua réo vang khi nước bắt đầu sôi. Với tiếng reo
khó chịu đó và nếu tôi không phải nằm trong hôn mê như vầy thì tôi
đã chạy đi dạo chơi trên núi Thiên Sơn ở miền viễn Tây tỉnh Tân
Cương rồi. Núi non ở đó giá lạnh, ngay cả vào mùa hè. Hoa xuyên
tuyết nở rộ trên những đỉnh phủ đầy tuyết trắng. Thiên Nghi đã yêu
cầu tôi đưa đến Thiên Sơn bao nhiêu lần. Giờ đây khi nghĩ tới Thiên
Nghi, tôi cảm nghĩ là mình đang nhìn đăm đăm một vùng sa mạc thênh
thang và im lặng.
Những bắp thịt của tôi đã dịu mềm đi nhờ khí công của Thầy Diêu. Cái
nóng mùa hè thật khủng khiếp. Thường thường, khi tôi liên tưởng đến
những truyền thuyết thời xa xưa của Sơn Hải Kinh thì tôi có thể lang
thang hàng giờ qua những cảnh tượng hư ảo, nhưng hôm nay thì cái
nóng oi ả đã ngăn chận hết mọi con đường lên núi.
* * *
Hôm nay An Tề đến chơi, dẫn theo bà bạn Quế Lan, có người con bị tù
mười tám tháng về tội đốt xe tăng trong cuộc thảm sát Thiên An Môn
năm đó. Bà có đem theo bản án cáo buộc con bà, và than rằng có lẽ
khi con bà ra tù thì bà đã nằm sâu dưới ba tấc đất.
Bà thuật lại những dịp kỷ niệm ngày Bốn tháng Sáu hàng năm. Có năm,
công an mua giấy xe lửa cho bà về nhà của cha mẹ bà ở nhà quê. Họ
không muốn để bà ở Bắc Kinh, sợ rằng bà sẽ làm gì đó để kỷ niệm
những nạn nhơn của vụ sát hại. Công an đi theo bà bận đi lẫn chuyến
về, thành thử ra bà chẳng được nghỉ ngơi gì hết. Năm nay, họ nói gì
cũng mặc kệ, bà nhứt định không ra khỏi nhà.
Có năm, công an đưa bà tới một nhà khách ở miền quê. Họ cũng chẳng
cần cho mình biết đó là đâu. Suốt một tuần lễ, các bà trong cùng
cảnh ngộ ở miết trong phòng, suốt ngày xem truyền hình đến chán thì
thôi! Phụ họa theo, mẹ tôi góp ý:
- Căn nhà này bị canh gác như là một nhà tù. Có khi tôi muốn trốn đi
cho rồi.
- Bỏ đi rồi cậu nầy phải làm sao đây? Chị còn may mắn hơn em, có cậu
ấy một bên... Rồi đây em còn phải dời chỗ ở nữa. Hôm qua, công nhơn
đã tới ghi trên mỗi nhà hai chữ "phá hủy". Nhà nước định đập phá cả
phường để xây nhà mới.
- Họ định bồi thường bao nhiêu?
- Mổi thước vuông, ba ngàn nhơn dân tệ. Như vậy, em được mười tám
ngàn nguyên, đâu có đủ để mua một căn hộ mới quanh quẩn đâu đây.
An Tề góp ý:
- Sao chị không dời về Đồng Huyện, cách xa chỉ một giờ xe buýt. Khu
nhà của em cũng đã xiêu vẹo rồi. Em theo hỏi ủy ban nhơn dân phường
xem khu vực em có bị đập phá không thì họ cho biết là vẫn chưa có kế
hoạch.
- Đừng có lo. Chị ở bên trong đường vòng đai thứ nhì. Nhà nước có
nói là những nhà bên trong vòng đai thứ ba mới bị đập phá, như vậy
nhà của chị chắc còn lâu.
Mẹ tôi bước vào thăm chừng cái bô nước tiểu của tôi xem đầy chưa.
Dẫu cho mẹ tôi cứ luôn miệng nói năng làm cho tôi bực mình, tôi cũng
biết rằng không có ai kiên nhẫn săn sóc tôi như vậy trong những năm
qua.
- Em hy vọng dọn vô được một căn hộ như vầy, có sưởi ấm tập thể và
nước máy. Căn hộ em ở hiện nay mùa đông lạnh quá, lại còn phải sử
dụng cầu tiêu công cộng ở ngoài trời, thật là chán!
Chuyện nơi ăn chốn ở, bàn qua cãi lại lanh quanh dẫn tới chuyện quy
hoạch của nhà nước. Theo báo chí thì chánh phủ sẽ đập phá hết những
nhà xưa cũ ở Bắc Kinh, ngoại trừ Cấm Thành. Thay vào đó sẽ là những
tháp cao nghễu nghện bằng xi măng cốt sắt, cửa kiếng, giống như bên
Nữu Ước.
Lúc hai bà ra về thì
trời đã nhá nhem tối. Mẹ tôi ngồi ở cái ghế phía dưới chưn giường để
xoa bóp chưn tôi. Rồi bà lôi quyển nhựt ký của ba tôi ra đọc lớn
tiếng cốt cho tôi nghe. "Ai có giường để nằm thiệt là tốt phước. Như
vậy, người ta có thể mơ tưởng đến cuộc sống của mình..."
- Hừ, đúng là giọng văn của ba mầy. Hồi còn trẻ, ba mày cứ vênh vênh
váo váo. Ổng cứ cao ngạo tự cho mình một ngày nào đó sẽ là tay vĩ
cầm nổi tiếng. Nhưng rồi, như mày thấy đó, ổng chỉ là một tên hèn
nhát trong thời Cách Mạng Văn Hóa! Cứ nói tướng là "Ai có giường để
nằm thiệt là tốt phước", nằm như mày thì sao?
Cái khuông kiếng mà ba tôi chẳng bao giờ làm xong còn nằm phía dưới
giường, cùng với cái ghế cây sứt càng gảy gọng mà ổng lượm ngoài
đường. Tôi còn nhớ ba tôi nói cái ghế đó từ đời Nhà Minh, và người
Mỹ đánh giá cao những đồ vật xưa. Mẹ tôi đọc tiếp: "...Ai cũng bị
đưa đi lao động ngoài đồng hoặc trong rừng, không cần biết tuổi tác
hay địa vị cấp bực gì hết. Tôi quá ốm yếu nên chỉ vài giờ là ngã quỵ
vì kiệt sức. Cuối ngày lao động, cán bộ sẽ phát cờ thi đua, tùy theo
khối lượng đất đào được. Cờ đỏ được nguyên cái bánh bột luộc, cờ
vàng, nửa cái, cờ xanh, một phần tư và cờ đen thì chỉ được một phần
tám. Phải đào được bốn thước vuông đất mới được cờ đỏ. Rất ít ai đạt
được tiêu chuẩn cờ đỏ. Nếu đào suốt ngày, với hy vọng đạt được cờ
đỏ, nhưng rốt cuộc chỉ được cờ vàng, ăn nửa cái bánh thì mình sẽ mệt
lả vì đói. Nếu chẳng may chỉ được cờ xanh thì rồi ra sẽ chết mất.
Tên hữu khuynh Già Trương chết vì đói khi lãnh được miếng bánh nhỏ
xíu, vì bị cờ xanh, không kịp nuốt..."
Mẹ tôi lầm bầm: "Hèn chi, ngày ra trại về nhà, trông ba mày như con
ma đói, đi bươi móc thức ăn đầu thừa đuôi thẹo ở thùng rác." Rồi bà
đọc tiếp: "Beethoven say mê cuộc sống, và ghét cay ghét đắng những
gì thường tình và trần tục..." Thảo nào ba mày nhứt định là ban nhạc
phải hòa tấu bản giao hưởng "Hùng Ca" của Beethoven, trong chuyến
đến thăm của nhạc trưởng người Mỹ. Thật là liều lĩnh... Coi ổng viết
tiếp nè: "Ai cũng phải có quyền chọn lựa lối sống cho riêng mình..."
Đó mày nghe chưa, bấy nhiêu đó cũng đủ để cho nhà mình bị gán là
"liên hệ đến thành phần phản cách mạng". Tức giận, mẹ tôi đóng ập
tập hồi ký lại.
Có lẽ ngày mai, bà sẽ đọc đến đoạn mà ba tôi thuật chuyện bị bắt
buộc phải ăn thịt người, vì đói và thiếu ăn. Khi đọc đến đó, có thể
bà sẽ hiểu được vì sao khi đi cải tạo về ba tôi đã hoàn toàn tuyệt
vọng. Có tiếng gõ cửa, mẹ tôi mời vào. Người khách tự giới thiệu:
- Tôi là Quan. Thầy Diêu cho tôi biết là con bà bị bịnh và bảo tôi
gặp bà xem có cần gì không.
- À, cụ Quan đây hả. Thầy Diêu có cho tôi biết là cụ có khiếu đặc
biệt, nói được ngôn ngữ thiên nhiên.
- Xung quanh đây có nhiều nhà cửa bị đập phá quá, nhiều con đường bị
chận, thành ra phải tìm mãi mới ra khu nhà của bà... Tôi học thuốc
từ hồi nhỏ, tổ tiên tôi đều là thầy thuốc, nhưng chẳng may, đến tôi
thì chả ra cái gì hết... Để tôi xem qua người bịnh coi.
Người khách nói lơ mơ, không có vẻ gì là một thầy trị bịnh lành nghề
nên mẹ tôi, một con người đã có quá nhiều kinh nghiệm với bịnh trạng
của tôi, bắt đầu thấy bực mình.
Ông ta bắt qua chuyện khác. Quanh đi quẩn lại, ông ta cầm chai nước
tiểu của tôi đưa ra ngoài sáng, la lên:
- Trời, coi màu nước tiểu nè. Thiệt là loại nước tiểu rất tốt.
- Vì tôi chỉ chuyền cho nó dung dịch bổ dưỡng nên nước tiểu màu vàng
rất đẹp.
- Tôi muốn nếm thử, xin bà chị cho mượn cái ly.
- Cái gì? Chuyện gì kỳ cục vậy? Cụ có khát, để tôi pha trà cho mà
uống.
- Bà chị đừng có ngại, tôi đã uống nước tiểu mười năm nay rồi. Tôi
đã thử mọi loại nước tiểu, nhưng đây là thứ thượng hảo hạng đó bà
chị.
- Cái gì thượng hảo hạng, đây là nước đái mà, đâu phải rượu.
Tôi cười thầm trong bụng. Có thể ba chai nước biển mà mẹ tôi vô cho
tôi mỗi ngày đã biến nước tiểu của tôi thành một thứ bia tuyệt vời
chăng? Mẹ tôi tiếp tục nghi ngờ lời yêu cầu quái gở của ông Quan,
nhưng cuối cùng mẹ tôi cũng nửa tin nửa ngờ, sau khi ông ta nói rằng
ngày xưa các hoàng đế Tàu thường uống nước tiểu của các em bé trai
để chữa bịnh. Ông Quan cho mẹ tôi biết mỗi ngày ông uống nước tiểu
của chính ông, một lần buổi sáng và một lần buổi tối. Sau mấy năm,
tóc ông đen nhánh và đầu óc ông sáng suốt hơn. Ông Quan đề nghị mẹ
tôi nên cho một ít nước tiểu của tôi vào nước trái cây uống thử xem.
Ông còn cho biết là bào thai trong bụng mẹ cũng uống nước tiểu của
chính mình hòa lẫn trong nước ối bao bọc phôi thai. Ông nói rằng
nước tiểu là tinh chất nuôi sống thể xác, và có khả năng trị liệu bá
bịnh.
Đêm đã khuya, cuối cùng mẹ tôi mới từ giả được ông khách kỳ khôi đó,
vì ông chờ uống cho được ly "bia" cuối cùng do tôi sản xuất. Bà đóng
cửa, ngồi xuống bên cạnh giường tôi, thở ra và lầm bầm: "Thằng cha
lạ đời!"
Mẹ tôi kéo ngăn tủ thì gặp khó khăn, bà cằn nhằn ba tôi vì bà cho là
ba tôi đóng không khéo và hăm cho nó vào bếp lửa. Bà lại trách ba
tôi sao chết đột ngột như vậy, vì ba tôi có hứa sẽ đưa bà đi Mỹ. Nay
thì hết hy vọng rồi. Thế là bà xoay qua tôi:
- Tao ước mơ được đi Mỹ, nếu không kẹt mày thì giờ đây tao đả sống
bên Mỹ. Mày là quả báo cho tao!
Mấy lúc sau này, mẹ tôi hay hát hỏng, dường như bà có gì vui trong
lòng. Tôi còn nhớ ba tôi thường bảo mẹ tôi hát không có hồn vì bà
không chịu đưa tình cảm vào lời ca. Vậy là mẹ tôi cằn nhằn: "Trước
kia thì ông bảo yêu tôi vì tiếng hát, nay cũng tiếng hát đó thì ông
lại không ưa!" Lần khác, mẹ tôi trách móc: "Chưa cưới nhau thì ông
thường yêu cầu tôi hát, giờ thì ông lại chê giọng hát không được
chỉnh!"
Đối với những luận điệu bất bình như vậy, ba tôi chỉ làm thinh,
chẳng nói, chẳng rằng gì. Sau khi mãn hạn tù lao cải, ba mẹ tôi cứ
đối đáp theo kiểu như vậy suốt ngày. Tôi chưa hề nghe ba tôi khen
tài hát hỏng của mẹ tôi. Nhưng có lẽ mẹ tôi cũng không phải là một
ca sĩ lừng danh vì chưa khi nào mẹ tôi lên sân khấu đơn ca. Cứ như
vậy mà hai ông bà hục hặc nhau suốt ngày và tháng này qua tháng nọ!
Thời gian đã ngả bóng về xế chiều. Nghĩ cũng đáng buồn cho mẹ tôi,
chỉ vì phải nuôi bịnh cho tôi mà bà không tiếp tục hành nghề được.
Mẹ tôi mở máy thâu thanh để nghe tin tức: "Tuần rồi, chuyên viên của
mười bảy tỉnh và thành phố đã có một cuộc hội nghị bàn về luân
thường đạo lý của cái "chết nhơn tạo", nghĩa là làm cho những bịnh
nhơn nan y, vô phương cứu chữa mà phải kéo dài cuộc sống vô ích, đớn
đau và gây khó khăn và khổ nhọc cho người thân kẻ thương. Thành phố
Thượng Hải đã đi tiên phuông đứng ra thử nghiệm chương trình "chết
nhơn tạo"... Được biết trong số một trăm triệu người già cả ở Trung
Quốc, có sáu triệu người đã phải chịu nhiều trường hợp lạm dụng, bị
bắt buộc phải chết một cách oan uổng. Một người ở Vũ Hán đã tống bà
mẹ của minh vô hòm, trong khi bà đang ngủ, rồi đưa đi hỏa táng..."
Vỗ nhẹ vai tôi, mẹ tôi nói nhỏ:
- Giá mà mày có thể chết đi một cách sung sướng như bà lão đó! Mày
có chuẩn bị tư tưởng để ra đi như vậy chưa? Tại sao tao lại không
đăng ký cho mày "chết nhơn tạo" há? Mình có thể đi Thượng Hải để làm
chuyện đó, mày nghĩ sao? Mày cũng phải hiểu, tao chịu hết nổi rồi!
Tôi nhớ lại giấc mơ trong giấc ngủ chiều hôm qua. Tóc tai của tôi
mọc dài và dầy đặc, trở thành một khu rừng sum sê. Tôi đứng trên
ngọn cây. Trời trong xanh. Một vườn hoa hướng dương trải rộng ra
dưới chưn tôi. Tôi bắt đầu lơ lửng như một áng mây. Tôi nhìn xuống
và cố tìm ra một người nào đó đứng dưới đất, nhưng vì tôi đã bay lên
quá cao nên tay tôi không với tới.
(Còn tiếp)
Phan Quân
|