Cảo thơm lần giở trước
đèn:
Bắc kinh,
một thuở hôn mê (4)

Một buổi sáng, sau giờ
thể dục cộng đồng, thầy chủ nhiệm gọi Lỗ Lộc lên bục cao ở sân bóng.
Đại Vệ hồi hộp và thương tình nhìn cô bạn gái đứng ủ rũ, cúi mặt
không dám ngẩng đầu. Đại Vệ nhìn cái gáy mượt mà dễ thương, tương
phản với chiếc áo đỏ của Lỗ Lộc. Hai đứa chưa có dịp nào nói chuyện
với nhau từ khi công an kêu lên làm việc.
Thầy chủ nhiệm bảo cô gái lột nón ra, rồi nói với đám đông:
- Các trò hãy nhìn xem. Một học trò trung học mà đã thoa móng tay và
tô son. Thật là xấu hổ.
Sau đó thầy quẹt ngón tay lên má Lỗ Lộc, rồi lột kiếng ra nhìn cho
kỹ tìm xem có màu đỏ hay không. Chẳng thấy gì, thầy lấy ngón tay chà
lên môi của Lỗ Lộc, và lần này bắt gặp màu đỏ trên ngón tay.
- Môi son? Dấu hiệu của thái độ "tự do kiểu tư bản". Mới bây lớn mà
đã son phấn rồi thì làm sao mà vào trường lớp cách mạng cho được?
Còn những lượn tóc quăn này nữa! Trông chẳng khác nào mấy con chó
cảnh của đế quốc Mỹ!
Đại Vệ muốn độn thổ vì ngượng và thương xót cho cô bạn gái. Nó không
bao giờ tưởng tượng được là nó đã làm cho Lỗ Lộc gặp nhiều khó khăn
đến như vậy. Hàng ngàn học sinh la ó trêu ngươi và sỉ nhục Lỗ Lộc.
Niềm tự ái của thằng con trai giày vò lương tâm nó khá nhiều.
Như vậy là năm mười sáu tuổi, Đại Vệ bỏ ngang chuyện học hành đi
xuống phía Nam, đến thành phố duyên hải Quảng Châu, nơi mà kinh tế
thị trường của Trung Quốc mới bắt đầu cất cánh. Nó muốn thay đổi
không khí, tìm sự thoải mái cho tâm hồn và cũng muốn kiếm ít tiền.
Nó mua bán linh tinh, tạp chí khiêu dâm, bật lửa khắc hình đầm ở
truồng, bài lá có hình tục tiểu sau lưng, đồ lậu qua biên giới Hương
Cảng,... Sau khi để dành được kha khá, nó trở về Bắc Kinh, mang hàng
hóa mua giá rẻ để bán lại giá cao ở chợ đen. Chỉ trong vòng sáu
tháng, nó cao lên ba tấc. Có vóc dáng như người lớn và thường có
điếu thuốc thơm, đầu lọc ngậm ở môi cho ra vẻ.
Kỳ trở lại Bắc Kinh lần thứ hai, nó gặp vợ chồng Đại Đông Sinh -
người anh họ, con của bác nó - đến nhà ở tạm. Số là, vợ của Đông
Sinh có thai đứa con thứ nhì, bị bể kế hoạch, vi phạm chánh sách một
con của nhà nước. Sợ bị tổ kế hoạch hóa gia đình cơ sở trừng phạt,
hai vợ chồng gởi đứa con gái hai tuổi cho hàng xóm, lên Bắc Kinh hy
vọng tìm được nhà bảo sanh tư để đỡ đẻ.
Qua câu chuyện trao đổi với Đại Vệ, bà vợ Đông Sinh biết được người
Tàu có khả năng đi chui qua Hương Cảng để đẻ xong trở về Trung Quốc.
Bà thấy được một lối thoát cho đứa con sắp ra đời, nhưng không biết
có phương tiện để đi hay không. Theo tính toán thì vào khoảng giữa
tháng tới bà sẽ đập bầu rồi.
Quê của Đông Sinh được tiếng là vùng kế hoạch gia đình gương mẫu nên
rất triệt để với chương trình một con. Nếu có một người phụ nữ nào
bụng mang dạ chửa đứa con thứ nhì thì Tổ Kế Hoạch bắt phải phá thai.
Vợ của Đông Sinh phải tìm cách che đậy cái bụng ngày một tròn lên
như trái banh bóng đá. Trước khi ra khỏi nhà, bà phải bao bọc cái
bụng sao cho người ngoài không biết là bà đang mang thai. Tháng
trước đây, đang đi ngoài đường bỗng bà nôn mửa. Sợ rằng sẽ có người
báo cáo nên hai vợ chồng quyết định phải di tản.
Hai ông bà không dám lên xe lửa ở ga địa phương, vì Tổ Kế Hoạch
thường có người đi kiểm soát để tóm lấy những bà có chửa ngoài quy
định. Rủi cho ai bị bắt trong tình trạng không hợp lệ thì sẽ bị lôi
về trạm xá của Tổ Kế Hoạch để phá thai tức thì và tại chỗ. Dường
như, ở trạm xá mỗi ngày có vài ba thùng đựng bào thai chết.
Thế nhưng, mẹ của Đại Vệ rất tiếc cho hai vợ chồng vì công an Bắc
Kinh cũng sẽ bắt nếu người mang thai đứa con thứ nhì mà không có
phép. Bà vợ của Đông Sinh bối rối ra mặt vì không biết phải làm sao,
bây giờ trở về cũng không được. Nhà cửa chắc đã bị lục soát tan
tành, khi Tổ Kế Hoạch biết được họ đã trốn đi đẻ. Hơn nữa, bà vợ tin
tưởng rằng kỳ này sẽ sanh trai, nên phải giữ bào thai bằng mọi giá.
Giá như họ có giữ được đứa con thứ nhì đi nữa thì Tổ Kế Hoạch cũng
sẽ phạt rất nặng. Tổ này rất dã man, nếu không nộp phạt thì sẽ bị
đánh đập tàn nhẫn. Nghe đồn công an thành phố lớn ít thô bạo hơn nên
hai vợ chồng mới lên Bắc Kinh. Dân quân địa phương hung hăng hơn
nhiều. Ở những làng bên cạnh, trẻ sanh ngoài kế hoạch thậm chí còn
bị bóp cổ chết nữa! Nhiều gia đình còn đào hầm dưới đất để cho các
bà sanh nở lậu.
* * *
Với chánh sách "mèo trắng, mèo đen" của Đặng Tiểu Bình, người dân
Trung Quốc có phần nào dễ thở hơn trước kia. Nhờ được ưu đãi, vì có
bà con ở nước ngoài, Đại Vệ được đăng ký vào khoa sinh vật học tại
đại học miền Nam của thành phố Quảng Châu.
Lúc bấy giờ, Đại Vệ ý thức được rằng có thể tạo được thành tích với
tư cách chuyên viên khoa học, chớ không còn bị đời hất hủi như là
con của một người hữu khuynh đã quá cố. Quá ra, đời đã ngược đãi ba
nó và chuyện nó bị công an bắt bớ hạch hỏi lúc mười lăm tuổi đã nâng
cao thanh thế của nó, so với bạn bè trang lứa. Lần đầu tiên trong
đời, nó cảm thấy cái chân giá trị của chính mình.
Nó thuộc thế hệ của những bộ não rỗng không, sau một thời gian dài
sống dưới chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông. Một thế hệ khát khao
hiểu biết. Ngày nay, Trung Quốc đã mở cửa đón làn gió phương Tây,
nên từng mảnh nhỏ thông tin lọt vào. Trung Quốc vừa thoát khỏi thảm
họa "Cách Mạng Văn Hóa", nên chi những người trẻ rất háo hức để đưa
đất nước tiến lên. Họ rất ham thích đọc sách phương Tây để tìm lấy
những ý kiến mới mẽ. Họ đọc Hemingway, Van Gogh, Freud, đọc "Đỏ và
Đen", "Ngư Ông và Biển Cả", "Trăm Năm Cô Đơn",...
Sau khi đọc Freud xong, Đại Vệ hiểu ra tại sao nó ghét ba nó quá
chừng. Trong vô thức, nó coi ba nó như là kẻ thù, một kẻ đàn áp. Nếu
như ba nó còn sống thì chẳng khi nào nó ngẩng mặt lên được. Nó cũng
thấy tại sao mẹ nó cứ ăn ở với ba nó, dẫu cho khổ hạnh đủ điều. Khi
còn trẻ, mẹ nó đã thoát ly khỏi gia đình "tư sản" của bà. Khi bố của
bà nhảy lầu tự vận, sau khi cộng sản đánh tư sản mại bản, tịch biên
xí nghiệp của ông, bà cũng không buồn đi nhận diện xác của ông cụ.
Để tỏ lòng trung thành với Đảng, bà từ bỏ cả mẹ và anh chị em của
bà. Nhưng, khi ba nó gặp khó khăn thì mẹ nó không làm sao bỏ ông ấy
được. Bà biết rằng nếu mất ông ấy thì bà chẳng còn gì.
Sau khi đọc được những
trích đoạn từ tác phẩm "Lâu Đài" của Kafka, nó lại nhớ đến ba nó.
Nhơn vật chánh trong truyện là một chuyên viên đo đạc, được gọi đến
để đo đất đai. Nhưng, khi đến cái làng dưới quyền cai quản của "Lâu
Đài" thì chẳng ai cần mà cũng không ai hiểu được ông ta. Thậm chí,
một vài dân làng còn nghi ngờ ông ta là kẻ mạo danh. Ông ta cố gắng
giải thích cho người ta biết rõ tình trạng của mình, nhưng bộ máy
quan liêu hành chánh phi lý cứ bác bỏ lý lẽ của ông ta. Ông ta bắt
mối với một cô hầu rượu nhà hàng, hy vọng là do chỗ quen lớn, cô ấy
sẽ giúp ông ta liên lạc được với "Lâu Đài" chăng. Qua việc phấn đấu
để vượt thắng trở ngại, ông ta bị bắt buộc phải trở nên xảo trá và
hèn hạ, nhưng trong thâm tâm, nỗi niềm chán chường làm cho ông ta
quặn đau.
Ba Đại Vệ bị kết tội hữu khuynh. Giống như nhơn vật chánh trong
truyện "Lâu Đài" của Kafka, ba nó đâu có làm chủ được định mạng hoặc
số phận của mình. Mẹ nó là vợ chánh thức của ông ấy. Cái gia đình mà
mẹ nó tạo ra, cho ông thấy là ít ra ông cũng ý thức được sự hiện hữu
của mình trong xã hội. Nhưng giữa hai người chẳng có tình yêu. Sáu
năm sau khi ba nó rời Mỹ trở về với Trung Hoa cộng sản, ông đâu còn
là một tay vĩ cầm chuyên nghiệp nữa. Ba nó đã mất đi cá tính. Ba nó
biết rằng bất cứ lúc nào ông cũng có thể bị hành quyết nếu ông nói
điều gì Đảng không bằng lòng, hay mang trong người vật gì Đảng không
chấp nhận. Tình trạng ông như là một con thỏ trong phòng thử nghiệm.
Dẫu cho mẹ nó và nó thương hại ông nhưng coi ông như người ngoại
cuộc. Họ chẳng bao giờ thật sự biết được suy nghĩ của ông. Nhưng, nó
không bao giờ quên được dáng vẻ khủng khiếp thường xuất hiện trên
khuôn mặt ông.
Đại Vệ sực nhớ lại tập hồi ký của người cha để lại. Nó còn nhớ khi
mẹ nó trao cho nó tập hồi ký đó, nó chẳng mấy quan tâm, lật qua lật
lại rồi đọc phớt qua, muốn quăng đi cho rồi. Nó ghét cái kiểu thuật
lại đời sống trại tù mà có xen lẫn những luận điệu nói bóng nói gió
về Đảng. Viết thì viết mà còn sợ nếu bị bắt gặp thì sẽ lôi thôi. Như
vậy làm cho nó cảm thấy một lối sống quá hèn hạ.
Nhưng giờ đây, nó bắt đầu đọc lại cẩn thận hơn. Trong một phần ba
cuối cùng, đoạn được viết trong nhà thương, nó ngạc nhiên phát hiện
ra rằng ba nó thầm kín tin tưởng ở Thượng Đế. Bây giờ nó mới hiểu
tại sao ba nó có lần tâm sự là ông rất hối tiếc đã không đến viếng
một nhà thờ hay đọc một quyển Thánh Kinh trong những ngày sinh sống
bên Mỹ, và tại sao ba nó yêu cầu đưa tro cốt của ông chôn trong một
nghĩa trang Huê Kỳ, khi ông nhắm mắt, với cái địa chỉ mà ba nó ấn
vào lòng bàn tay nó.
Ba nó viết rằng ông cảm thấy Thượng Đế thiêng liêng nhìn xuống ông.
Ba nó tin tưởng rằng nỗi đau khổ mà ông phải gánh chịu trong trại
lao cải là một thử thách cho niềm tin. Trên trang cuối của hồi ký,
ba nó viết:"Thưa
Đức Thánh Cha Cao Cả, con đã sống quá lâu dưới Địa Ngục. Xin Cha cứu
vớt con và cho con lên cõi Thiên Đàng."
Trong trại lao cải, ba nó bị đối xử như con thú. Lần duy nhứt ông
được ăn thịt là ngày mà Nixon đến Trung Quốc, hồi năm 1972. Không
muốn bị mang tiếng là đối xử tệ hại tù chánh trị, chánh phủ ra lịnh
mỗi trại lao cải phát bánh hấp nhưn thịt heo cho tù ăn trưa. Vài ba
năm sau, tình trạng khá hơn đôi chút. Tù được phát giấy nhựt trình
để đi tiêu và nhờ vậy mà cuối cùng, ba nó cũng đọc biết được tin tức
của thế giới bên ngoài.
Ba Đại Vệ, đang du học bên Mỹ, trở về quê cha đất tổ sau Giải Phóng,
vì tình yêu quê hương. Ông muốn góp phần để xây dựng một Trung Hoa
mới và đâu biết rằng một vài năm sau đó ông sẽ nằm trong thế quỵ lụy
hoàn toàn. Cuối cùng, khi được tha ra trại, ông cố gắng tìm một chỗ
đứng cho bản thân trong xã hội, nhưng lại thấy rằng mình đã lọt ra
ngoài xã hội, không nằm trong cơ chế lao động nào mà cũng chẳng tài
cán gì trong thị trường hết. Ông dành tất cả khả năng còn lại để
phấn đấu lấy lại hộ khẩu cho mình. Tất cả những gì ông mong muốn là
trở thành người công dân bình thường, như mọi người khác.
Đại Vệ thắc mắc không biết lúc ba nó cần thì Thượng Đế ở đâu và lấy
quyền hạn gì mà Thượng Đế lại có thể thử nghiệm lòng tin của ba nó
như vậy.
Đọc hồi ký của ba nó, Đại Vệ liên tưởng đến những đoạn trong quyển
"Lâu Đài" của Kafka. Qua cả hai văn bản, tinh thần của con người bị
một chế độ điên rồ và phi lý cho đứng bên lề xã hội và áp bức, trở
nên lệch lạc và sa đọa suy đồi. Vậy là, trong nội tâm của nó có một
cái gì thay đổi. Nó nhứt quyết ít ra nó cũng phải tránh né số phận
của ba nó.
Hồi ký đó, ông Đại Trường Tiết khởi sự viết từ năm 1979, trong khi
ông đang ở trại của tỉnh Sơn Đông. Khi đó Mao Trạch Đông đã chết
rồi. Đại Vệ nghĩ rằng nếu Mao còn sống thì ba nó không dám viết hồi
ký. Ở một vài đoạn, ông chỉ viết có một vài hàng như: "Đầu tháng
Mười Một. Tuyết rơi nhiều. Trần Côn bị chuyển đi trại khác...." Sau
khi được ra trại, ông trở nên can đảm hơn và bắt đầu kể chuyện tỉ mỉ
hơn.
Điều làm cho nó ngượng nhứt là cách ăn của ba nó. Không có một hột
cơm nào mà ba nó không để ý. Một miếng đồ ăn tí tẹo rớt trên bàn,
ông cũng múc lên ngay và cho vào miệng. Sau mỗi bữa ăn, ông lén lút
cho xương và vỏ trái cây vào một cái hộp. Vài giờ sau, ông đem cái
hộp vào một góc phòng rồi âm thầm nhai những thứ đó. Mẹ nó đi tìm
những thứ mà ba nó giấu giếm, nhưng không bao giờ tìm thấy hết nên
lúc nào cũng có mùi hôi thối, mốc meo trong phòng. Nhưng nó thông
cảm với ba nó, sau khi đọc đoạn hồi ký sau đây:
Hôm nay, có một vài mảnh vụn khoai lang và vỏ bí rợ nằm bên ngoài
chuồng heo. Ngay khi trông thấy, chúng tôi vồ lấy và ăn ngấu nghiến.
Người cảnh vệ còn trẻ, cũng rất dễ chịu, ít ra cũng không đánh đập
gì chúng tôi. Anh ta chỉ cười khinh khỉnh và nói:"Thật đáng tởm! Vậy
mà các anh tự cho là những người trí thức..."
Đại Vệ không dám thuật lại cho mẹ những gì nó đã đọc được trong hồi
ký. Sợ rằng khi mẹ nó biết, lúc ở trại lao cải, ba nó đã sống như
một con chó thì điều đó sẽ làm cho bà xấu hổ trong khi bà đang phấn
đấu để vào Đảng.
(Còn tiếp)
Phan Quân
|